Ngày 10-03-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thiên Chúa sẽ lo liệu cho chúng ta
Jos. Tú Nac, NMS
09:09 10/03/2011
Chúa Nhật I Mùa Chay - Năm A (Genesis 2: 7-9, 16-18, 25; 3; 1-7; Psalm 51; Romans 5: 12-19; Matthew 4: 1-11)

Điều gì có thể bất ổn với sự nhận biết về sự khác nhau giữa thiện và ác? Khi đối diện với thế giới của chúng ta thì khả năng như vậy được xem như một món quà cực kỳ bổ ích và quí báu. Nếu ăn một quả táo sẽ làm cho chúng ta thông minh thì tại sao Thiên Chúa đã cấm không cho lại gần loài cây trong câu chuyện này.

Sự mô tả Vườn Địa đàng là một câu chuyện thần thoại, phổ biến ở thế giới cổ đại, điều đó giải thích cội nguồn về sự đau khổ của nhân loại và sự hiện diện của cái ác trên thế giới. Mục đích thần học của câu chuyện rất rõ ràng. Thiên Chúa không chịu trách nhiệm cho sự đau khổ và cái ác, sự sống con người phải gánh chịu. Trong trạng thái nguyên thủy của họ, những nhân vật tượng trưng Adam và Eve là thuộc mối tổng hòa với nguyện vọng thiêng liêng – “cái ác” không phải là một lựa chọn và thậm chí không phải là một phần nhận thức của họ - không cần để nhận biết sự khác nhau giữa hai. Họ không thiếu thốn thứ gì và họ không có cảm giác sợ hãi hay hổ thẹn vì họ không cảm thấy bị tách biệt với Thiên Chúa. Đó là trạng thái mà con người khao khát. Họ muốn bắc một nhịp cầu mà hố sâu hay vực thẳm đã ngăn cách chính họ với Thiên Chúa và một lần nữa họ cảm nhận được tất cả, trọn vẹn và được yêu.

Hình ảnh Adam và Eve đã làm hoen ố những điều bởi sư đòi hỏi những ý định của riêng họ. Tò mò, một nỗi bàng hoàng đang gặm nhấm rằng họ đã bỏ sót một điều gì đó và sư thiếu tin tưởng đầy khiếp sợ đã dẫn đến họ thực hiện nhưng gì mà Thiên Cháu đã ngăn cấm.

Trái táo trong câu chuyện có thể là bất kỳ điều gì đó, sự diễn tả “trái cấm” thậm chí đã trở nên một phần thuộc ngữ vựng văn hóa của chúng ta dành cho điều gì đó của những ai mà sức hấp dẫn ngăn chặn duy nhất từ thực tế mà nó thuộc về ngoài những giới hạn. Nhưng đau khổ và phiền não thuộc thế giới của chúng ta không phải là do ăn một quả táo cách đây hàng ngàn năm. Chúng ta đừng đọc Genesis bằng nghĩa tường minh thể hiện trên bề mặt của từ ngữ rồi chúng ta đã cái nhìn rất khác về nguyên thủy nguồn gốc loài người. Nhưng với tư duy hình tượng tất cả chúng ta đã ăn trái táo đó – hàng ngày – khi chúng ta bước đi trong sự khó khăn của chính con tim chúng ta thay vì bằng những con đường của Thiên Chúa. Chúng ta chuyển xuống phía dưới những hành lý tiêu cực không tin tưởng của sợ hãi, hận thù, thành kiến, vô minh cho thế hệ mai sau. Trong ý nghĩa đó, chúng ta bị ảnh hưởng tội lỗi bởi tổ tiên chúng ta. Sống hài hòa với tâm trí và tâm hồn của Thiên Chúa là phương pháp điều trị.

Thánh Phao-lô đã dùng hình tượng Adam để khắc họa chân dung thân phận con người, một thân phận tiêu biểu bởi xu hướng thực hiện nhưng gì cho ta nhân biết là sai lầm bằng thưc tế của cái chết. Cũng như chúng ta chia sẻ trong đặc tính thuộc tính loài người của Adam. Chúng ta ai nấy đều chia sẻ trong cùng thân phận ấy. Đó là tin xấu. Nhân loại tiếp tục quần quật thông qua con đường biết bao bề bộn này và không ai được miễn. Chúng ta không bao giờ tự lừa dối mình trong suy nghĩ rằng chúng ta tốt hơn người khác hoặc nhóm mà chúng phụ thuộc vượt trội hơn những nhóm khác. Tin lành, tất nhiên, đó là một lối thoát. Thiên Chúa tự Người đa vượt trội hơn hẳn trong tình thương và lòng nhân hậu dành cho ân sủng và “biện minh” – sống ngay thẳng với Thiên Chúa – được ban tặng như một món quà thông qua Chúa Giê-su Ki-tô.

Với tư cách là một đai diện và tiêu biểu cho nhân loại, chúa Giê-su phải đối mặt và chăm chú khi phải nhìn xuống những mối âu lo và những cám dỗ tương tự đó. Trước khi Người có thể bắt đầu mục vụ của Người, người đã được thử nghiệm – một thử nghiệm rất thực tế với khả năng thất bại. Những cám dỗ đã phô bày trước Chúa Giê-su là những thứ đã hiện diện trong sự mô tả của Vườn Địa đàng. Chúng đều xoay quanh những mối âu lo của sự thiếu thốn: thiếu thốn về nuôi dưỡng thể chất, thiếu tình yêu, thiếu quyền lực và sức mạnh.

Những sợ hãi này được tăng viện bởi nền văn hóa hiện tại của chúng ta. Tất cả ba trong số những cám dỗ hoặc thử nghiệm ấy, Chúa Giê-su đã được đón mời dể thực hiện những gì rất nhiều trước khi Người đã thực hiện và còn nhiều điều tiếp tục thực hiện: dẫn dắt trên con đường dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng Người đã phải nói rằng Thiên Chúa không đủ hoặc không thể bi lệ thuộc để chấp nhận “những món quà” không đau đớn hiển nhiên ngay tức khắc của sự cám dỗ. Mà trong ba câu trả lời của Người, Người đã tái khẳng định sự tin tưởng tuyệt đối của Người vào Thiên Chúa, sự hiệp nhất hoàn toàn của Người và sự hài hòa với ý định thiêng liêng của Thiên Chúa.

Thiên Chúa có thể lo liệu tình yêu, nuôi dưỡng thể chất và sức mạnh mà chúng ta cần nếu chúng ta cho phép Người. Tất cả chúng ta được hiện hữu mỗi ngày với nhiều cơ hội để xác định sự tin tưởng của chúng ta vào Thiên Chúa và những cam kết của chúng ta để bước theo con đường của Người hay dẫn đến con đường của sợ hãi và nghi ngờ. Câu trả lới của chúng ta không chỉ xác định chúng ta trở nên hạng người gì mà còn là thế giới của chúng ta đang sống thuộc loại gì.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ
+GM Gioan B. Bùi Tuần
09:11 10/03/2011
Trong đạo, "chước cám dỗ" được hiểu là một sức mạnh xấu lôi cuốn con người vào tội lỗi. Cùng với việc cảnh báo về nguy cơ của các chước cám dỗ, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta một việc quan trọng để đối phó, đó là cầu xin Cha trên trời thương ban ơn cho chúng ta, đừng để chúng ta sa vào chước cám dỗ.

Hiện nay, các chước cám dỗ đang phát triển mạnh. Chúng hoạt động một cách tự do. Hiện diện của chúng là đều khắp trong đạo ngoài đời.

Nhân Mùa Chay là thời gian sám hối, trở về với Chúa, chúng ta nên nhìn vào những chước cám dỗ đã và đang lôi kéo chúng ta xa rời Phúc Âm, để sa vào đàng tội, dẫn tới tình trạng mất linh hồn.

Trước hết, chúng ta hãy xem các chước cám dỗ đến từ đâu?

1. Nguồn gốc các chước cám dỗ

Nguồn gốc thứ nhất là Satan.Phúc Âm thánh Matthêu gọi "Satan là tên cám dỗ" (Mt 4,3). Trong hoang địa, Chúa Giêsu đã bị quỷ dữ Satan cám dỗ. Nó hứa cho Người quyền lực kinh tế, quyền lực thần thiêng, quyền lực chính trị. Chỉ cần Người thực hiện vài việc rất nhỏ làm dấu vâng phục nó. Nhưng Chúa Giêsu đã thắng Satan (x. Mt 4,-111).

Trước giờ chịu nạn, Chúa Giêsu đã nói với thánh Phêrô về nguy cơ bị Satan lôi kéo vào đàng tội: "Simon, Simon, kìa Satan đã xin được sàng anh như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin" (Lc 22,31-32).

Thánh Phêrô, với kinh nghiệm của mình, đã ví Satan như con sư tử. Nó cám dỗ cả bằng những phương tiện độc ác "Ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé" (1 Pr 5,8).

Nguồn gốc thứ hai là dục vọng của riêng mỗi người.Thánh Giacôbê viết cho các tín hữu của Ngài: "Mỗi người có bị cám dỗ, thì do dục vọng của mình lôi cuốn" (Gc 1,14).

Dục vọng nơi mỗi người là vô số những nghiêng chiều bất chính. Thánh Phaolô gọi dục vọng đó là tính xác thịt. "Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm dục, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén và những điều khác giống như vậy" (Gl 5,19).

Nguồn gốc thứ ba là những thói đời.Thánh Phaolô khuyên giáo đoàn Rôma: "Anh em đừng rập theo thói đời này" (Rm 12,2). Một điều có sức cám dỗ mạnh của thói đời là sự khôn ngoan chối từ thập giá Đức Kitô. Đối với thánh Phaolô, sự khôn ngoan của thế gian không có sức cứu độ. Ngài cương quyết nhận lãnh sự khôn ngoan của Thần Khí được ban cho từ Đức Kitô trên thánh giá. "Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá" (1 Cr 2,2). Hiện nay thói đời chính là tinh thần thế tục. Tinh thần này đang tràn vào Hội Thánh Việt Nam. Tác động của nó không phải là nhỏ trong nhiều lãnh vực tôn giáo.

Nguồn gốc thứ bốn là những ngôn sứ giả.Thánh Gioan viết: "Đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian" (1 Ga 4,2).

Ngôn sứ giả là những người đứng trong hàng ngũ ngôn sứ, nhưng họ có những lời nói sai lầm, phán đoán sai lầm, chủ trương sai lầm, cái nhìn sai lầm. Những sai lầm đó được pha trộn vào đời sống ngôn sứ của họ. Để rồi những sai lầm của họ cũng khoác áo chân lý.

Hậu quả là dần dần họ lôi cuốn người ta đi theo những sai lầm của họ.

Thánh Gioan tông đồ gọi họ là những tên Phản-Kitô "chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng ta, nhưng không phải là người của chúng ta" (1 Ga 2,18-19). Ngay chính thời Chúa Giêsu, các ngôn sứ giả, các thầy dạy giả, các chứng nhân giả cũng đã kích động thành công quần chúng. Do họ mà quần chúng đổi lòng đổi dạ, trở nên những kẻ hò hét yêu cầu giết Chúa Giêsu. Chứng tỏ sức lôi cuốn của những người đạo đức giả không phải luôn luôn là yếu.

Đến đây, chúng ta có thể thấy được các chước cám dỗ là một mặt trận rất phức tạp, rất tinh vi và rất mạnh.

Để đối phó với mặt trận vô hình đó, chúng ta phải làm gì?

Chúa Giêsu dạy chúng ta phải thực hiện những việc sau đây.

2. Những việc phải làm để đối phó với những chước cám dỗ

Việc đạo đức, mà Chúa Giêsu nhấn mạnh nhiều nhất, để đối phó với các chước cám dỗ là việc cầu nguyện. Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ" (Lc 22,40). Người khuyên các môn đệ cầu nguyện. Chính Người cũng cầu nguyện. Cầu nguyện của Người là rất khiêm tốn, rất thiết tha, rất phó thác trong xao xuyến bồi hồi. Người quỳ gối, "sấp mình xuống đất mà cầu nguyện rằng: Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Mt 26,39). Cầu nguyện như thế để khỏi sa chước cám dỗ được Chúa Giêsu thực hiện như một cuộc giao chiến quyết liệt với chính mình.

Cùng với việc cầu nguyện, Chúa Giêsu hay nói đến một việc khác, đó là việc tỉnh thức.

Cũng trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã nói với thánh Phêrô: "Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ" (Mc 14,38).

Tỉnh thức nói đây là không mê ngủ. Ngủ về thân xác và ngủ về tinh thần. Ngủ trong ý nghĩ chủ quan, chính là điều Chúa Giêsu thấy nơi thánh Phêrô lúc đó.

Ý nghĩ chủ quan của thánh Phêrô lúc đó là rất tự đắc, vì Ngài tin vào sức mình. Ngài quả quyết với Chúa: "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy. Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy" (Mc 14,31). Thực tế không như vậy. Chúa Giêsu thấy trước. Người cảnh báo Phêrô. Nhưng Phêrô vẫn chủ quan. Ngài như ngủ mê trong ý nghĩ chủ quan đó. Chính vì không tỉnh thức vâng lời Thầy, nên Phêrô đã sa chước cám dỗ một cách thê thảm.

Việc đạo đức sau cùng, mà Chúa Giêsu dạy, để chống chước cám dỗ là ăn chay.

Chúa Giêsu phán: "Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện" (Mt 17,21). Việc ăn chay thường được hiểu là tự ý giảm bớt trong việc ăn uống và các thứ hưởng thụ được phép. Đi sâu hơn, ăn chay còn là dấn thân tham gia mầu nhiệm thập giá và chia sẻ những khổ đau của những kẻ khốn cùng.

Trên đây là một phần quan trọng của những chân lý có sức cứu độ. Chúng ta đón nhận những chân lý cứu độ ấy với lòng cảm tạ Chúa.

Nguy cơ lớn nhất là chúng ta, những kẻ rất yếu đuối, đang bị vô số chước cám dỗ lôi kéo vào đàng tà, thế mà chúng ta vẫn ung dung, không cho là nguy cơ. Nguy cơ đáng sợ nhất là, khi chúng ta đã sa vào chước cám dỗ rồi, mà vẫn tưởng chẳng có gì tai hại sẽ xảy ra cho mình về mặt phần rỗi.

Những tưởng nghĩ như thế chính là những chước cám dỗ cực kỳ nguy hiểm.

Sự mù quáng, sự cứng lòng và sự tự đắc chủ quan đang là những mối đe doạ thực sự trong Hội Thánh chúng ta. Coi thường những mối đe doạ ấy, chính là một chước cám dỗ tai hại chúng ta cần phải đề phòng.

Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.
 
Nhận diện xảo kế của thần dữ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
11:12 10/03/2011
Chúa Nhật I Mùa chay A

“Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,4-5). Là Kitô hữu trưởng thành, chắc chắn không ai ngộ nhận rằng nguyên tổ loài người vì ăn trái cây ở giữa vườn địa đàng, vốn được cho là trái táo, mà phạm tội. Chịu khó suy tư, thì người ta cũng khó chấp nhận chuyện “muốn biết điều thiện, điều ác” là phạm trọng tội. Trái lại, đã là người, là loài có trí khôn, thì cần phải biết, đúng hơn là phải nỗ lực phân định và nhận biết cái nào là tốt cái nào là xấu, sự gì là thiện, sự gì là ác, việc gì là lành, việc gì là dữ. Vì đây chính là một trong những nét ưu việt của loài người trên các loài hữu hình được dựng nên. Thế thì tội của nguyên tổ loài người ở đâu?

“Nên như những vị thần biết điều thiện ác”. Tội của nguyên tổ là ở điểm này. Sự thường, chỉ có người sản xuất mới có khả năng thẩm định chất lượng tốt xấu của sản phẩm, vì chính họ là người đặt ra các tiêu chí chất lượng của các sản phẩm khi sản xuất ra chúng. Những người tin vào Thiên Chúa nhìn nhận duy chỉ mình Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi hiện hữu. Chính Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên mọi vật mọi loài từ hư vô. Và như thế chỉ mình Người mới có thẩm quyền và có khả năng thẩm định loài nào, cá thể nào,, tập thể nào… là tốt hay xấu, đúng hay sai, lành hay dữ. Một dữ kiện, một hành vi, một cá nhân hay một tập thể được xem là lành, là tốt khi chúng xảy ra, được thực thi hay hiện hữu đúng theo tiêu chí và ý hướng Thiên Chúa vạch định, nếu trái lại thì bị xem là xấu, là dữ.

Như thế, con người vốn là loài thọ tạo, tự mình không thể có tư cách và khả năng thẩm định điều tốt xấu, lành dữ. Tuy nhiên, con người nhờ được Thiên Chúa phú ban trí khôn, có thể nhận biết và phân định điều tốt xấu, lành dữ một cách chuẩn mực nào đó, nhưng phải luôn tuân theo thánh ý của Thiên Chúa, nghĩa là theo sự soi sáng, hướng dẫn của Người. Tội của nguyên tổ khi muốn “nên như những vị thần biết điều thiện ác” là muốn tự mình thẩm định điều thiện ác, tốt xấu theo ý riêng của mình. Ý riêng của con người vốn bị chi phối bởi tình yêu vị kỷ. Chính vì thế người ta dễ dàng cho là tốt, là lành những gì hợp với mình, có lợi cho mình, cho dù những điều ấy có khi là xấu với tha nhân hoặc thậm chí gây thiệt hại cho tha nhân.

Được mùa lúa, úa mùa xoài. Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa. Điều này có lợi cho anh và anh cho rằng tốt nhưng nó là có hại cho tôi nên tôi cho rằng xấu. Khi cái tiêu chí là ý riêng mà sự thường xuất phát bởi lợi ích vị kỷ, được dùng để thẩm định tốt xấu thì trật tự khách quan không còn và đương nhiên xảy ra tình trạng hỗn độn giữa người với người, giữa cả loài người với vũ trụ thiên nhiên. Đây là hiện thực mà những chương đầu Sách Sáng Thế đã trình bày. Thần dữ đã không cám dỗ nguyên tổ trực tiếp làm điều xấu. Nó đã tinh quái cám dỗ tổ tiên chúng ta làm một việc tốt đó là phân định điều tốt xấu, lành dữ, nhưng không theo thánh ý Thiên Chúa mà theo ý riêng mình. Nguyên tổ loài người, Ađam cũ đã thua chước cám dỗ khi chọn mình và ý riêng của mình làm cứu cánh.

Đức Kitô, Ađam mới đã chiến đấu và chiến thắng thần dữ khi công khai rao giảng Tin Mừng. Cùng một xảo kế như thưở đầu của buổi tạo dựng, thần dữ không cám dỗ Chúa Kitô làm điều xấu. Nó không cám dỗ Con Thiên Chúa làm người, từ bỏ công trình cứu độ, nhưng cám dỗ Người thực thi công trình cứu độ theo ý riêng mình và dĩ nhiên là trái với thánh ý Chúa Cha.

Mặc dù có chút khác biệt nhỏ, nhưng cả ba Tin Mừng Matthêu, Maccô, Luca đều tường thuật giống nhau về nội dung các chước cám dỗ. Chúng ta có thể nhận ra chước cám dỗ của thần dữ mang tính toàn diện, nghĩa là nó cám dỗ Chúa Giêsu về cả đức tin, đức cậy và đức mến mà mẫu số chung là cách thế thực thi công trình cứu độ như thế nào.

“Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” Ma quỷ không dại gì cám dỗ Chúa Giêsu không yêu thương loài người, nhưng nó tinh ranh cám dỗ Ngưòi thể hiện tình yêu cách phiếm diện. Con ngưòi trong thân phận xác phàm tất yếu bị chi phối bởi nhu cầu lương thực. Bày tỏ tình yêu bằng cách cung cấp lương thực vật chất cho tha nhân dường như là cách thế dễ thuyết phục nhất. Thế nhưng, con người không phải là hữu thể thuần vật chất. Con người là hữu thể xác-hồn duy nhất. Nếu chỉ yêu thương về phần xác thì chưa hẳn đã là yêu thương con người. Chúa Giêsu đã nhận rõ sự tinh quái của thần dữ và Người khẳng định: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.

Sống đức mến là kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn…trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình. Kitô hữu chúng ta, từ người giáo dân đến hàng mục tử rất có thể bị cám dỗ sống đức mến cách phiếm diện. Và nguời ta thường có đủ lý do để biện bạch cho cách thế yêu thương của mình mà thực ra chỉ là yêu thương theo ý riêng của mình chứ không phải theo thánh ý Thiên Chúa.

“Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình từ nóc Đền thờ xuống đi, vì Thiên Chúa sẽ cho thiên sứ nâng đỡ”. Là Kitô hữu, chúng ta phải tin cậy vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Tuy nhiên sự tin cậy này đòi hỏi chúng ta vừa phải biết khôn ngoan vừa phải biết nỗ lực sử dụng mọi khả năng Thiên Chúa ban. “Ngươi không được thử thách Thiên Chúa!”. Bắt Thiên Chúa phục vụ mình là một tội, lỗi đức cậy. Nhiều khi chúng ta những tưởng rằng mình phó thác cậy trông vào Thiên Chúa khi liều mình sống trong những tình cảnh “cheo leo”, nguy hiểm, nhưng đây là một hình thức bắt Thiên Chúa phải theo ý riêng mình.

“Sấp mình bái lạy thần dữ” là một trọng tội, lỗi đức tin. Khuôn mặt của thần dữ ít khi tỏ lộ nguyên tướng. Nhưng nó thường ẩn mình dưới sức mạnh của tiền bạc, của quyền lực. “Không được làm tôi hai chủ”. Không được vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được (x.Mt 6,24-25). Thoả hiệp với quyền lực thế trần một cách bất chính cũng là một cách thế chối từ Đấng tối cao. Chúa Giêsu đã thẳng thừng quát thần dữ: “Satan, hãy xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Người phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,10).

Mục đích không thể biện minh cho phương tiện. Đây nguyên tắc mà Kitô hữu chúng ta được Giáo Hội căn cứ vào lời mạc khải truyền dạy cho. Để đạt mục đích tốt, chúng ta cần phải sử dụng những phương tiện tốt, đúng thánh ý Thiên Chúa. Ma quỷ đã cám dỗ Chúa Giêsu thì nó cũng chẳng kiêng dè bất cứ ai trong nhân loại chúng ta.

Ai lại không muốn được việc, nhất là khi việc ấy là việc tốt. Ai lại không muốn được việc, nhất là khi việc ấy có vẻ đem lại lợi ích cho nhiều người, thậm chí cho giáo hội nữa. Và thế là chúng ta dễ bị cám dỗ sử dụng những phương thế theo ý riêng mình mà không phải là thánh ý Thiên Chúa. Thực tế cho thấy vẫn có đó nhiều người cùng nhắm một mục đích tốt nhưng lại sử dụng những phương thế khác nhau, nhiều khi là trái ngược nhau. Ngay cả ngoài xã hội, người ta ít tranh luận về mục đích tốt như là xây dựng hoà bình, bảo vệ môi sinh, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh… nhưng người ta lại khó đồng thuận với nhau về phương cách để đạt các mục đích ấy. Và đây chính là lãnh vực thần dữ xen chân vào.

Là Kitô hữu giáo dân hay giáo sĩ, chúng ta cần tự hỏi: Để xây dựng Nước Trời, để làm cho Danh Chúa cả sáng, thì các việc tôi làm, các phương cách tôi sử dụng có đúng với thánh ý Thiên Chúa không hay chúng chỉ là do ý riêng của mình?
 
Cơn cám dỗ thực dụng
PM. Cao Huy Hoàng
16:22 10/03/2011
Suy niệm Lời Chúa CN 1 Chay A

Sách Sáng Thế Ký hôm nay ghi lại cái thất bại của Nguyên Tổ loài người vì bất tuân Thiên Chúa, rồi nghe và làm theo lời xúi dại của ma quỷ:

“Rắn bảo người nữ: "Không, các ngươi không chết đâu! Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh". Người nữ thấy trái cây đẹp mắt, ngon lành và thèm ăn để nên thông minh. Bà hái trái cây ăn, rồi lại cho chồng, người chồng cũng ăn. Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng, nên kết lá vả che thân” (St 3, 4-7)

Ảnh hưởng, và hình phạt do tội nguyên tổ còn lưu truyền đến chúng ta và muôn đời sau, và chỉ được giải thoát nhờ Chúa Giêsu mà thôi.

Trong Tin Mừng hôm nay (Mt 4, 1-11), Chúa Giêsu cũng đã bị những cám dỗ thực dụng vẫn còn rất thời sự trong thời đại chúng ta: cái ăn, cái quyền, và niềm tin. Ma quỷ tưởng rằng: với bản tính con người, Chúa Giêsu cũng sẽ nhẹ dạ mà sa bẫy của chúng.

"Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh".

Ai cũng cần có cơm bánh để ăn. Đó là một nhu cầu tự nhiên. Nhưng có nhất thiết phải ăn liền khi đang đói không, lại một vần đề cần lựa chọn theo sự khôn ngoan. Món ăn mà ma quỷ đưa ra cho Chúa Giêsu là cái bẫy cho Ngài thực hiện theo ý nó. Nó vẫn biết “Con Thiên Chúa” đang đói. Và Chúa Giêsu có thể thực hiện liền một phép lạ đá biến thành bánh mà ăn ngay. Nhưng điều quan trọng ở đây là: cũng cái cám dỗ về chuyện ăn, nhưng Chúa Giêsu khác hẳn với ông bà nguyên tổ, Ngài đã không làm theo ý của Ma Quỷ. Ngài phán: "Có lời chép rằng: 'Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra'".

Khi chiến thắng được cám dỗ về cái ăn, Chúa Giêsu còn chịu cám dỗ về việc phải thể hiện quyền năng thống trị theo lệnh của ma quỷ, rồi cuối cùng, nó cám dỗ Chúa Giêsu chống lại Thiên Chúa.

"Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá".

"Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi".

Chúa Giêsu đã chiến thắng những cơn cám dỗ nhờ một mực tuân theo Lời của Thiên Chúa, là thánh ý, là thánh của Cha, Đấng đã sai Con đến trần gian để thực hiện chương trình cứu độ của Ngài:

"Cũng có lời chép rằng: 'Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi'".

"Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: 'Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài'".

Vâng, trước cái bẫy của Sa-tan, thuở xưa, Adong, nguyên tổ loài người đã lọt bẫy mà phạm tội vì bất phục tùng Thiên Chúa, đã bị án phạt rằng lòng trí ra tối tăm, đau khổ và phải chết. Ngược lại, hôm nay, Chúa Giêsu được sai đến để chuộc lại tội lỗi ấy, Ngài đã chiến thắng nhờ sự tuân phục tuyệt đối thánh ý của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã quả quyết: “Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế” (Rm 5, 19)

Trong cuộc lữ hành của mỗi tín hữu hôm nay, vẫn còn phải đương đầu trước bao cám dỗ thực dụng

Trả lời cho câu hỏi “chúng ta đang sống trong thời đại nào?”, có người nói “chúng ta đang sống trong thời đại “mì ăn liền”.

Có người không chấp nhận, lại nói: “Mì ăn liền có lâu rồi, ít là 500 năm rồi, từ thời có chữ quốc Ngữ. Nghe nè nhé:

“Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu”
………
“Phú ông xin đổi nắm xôi, bờm cười! (liền)”


Có người khác không chịu, cho rằng “Mì ăn liền có từ thời ông Adong bà Evà”, và dẫn chứng:

“Rắn bảo người nữ: "Không, các ngươi không chết đâu! Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra (liền), và các ngươi sẽ (liền) biết thiện ác như thần thánh". Người nữ thấy trái cây đẹp mắt, ngon lành và thèm ăn (liền) để nên thông minh. Bà hái trái cây ăn (liền), rồi lại cho chồng, người chồng cũng ăn (liền). Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng, nên kết lá vả che thân”(St 3, 4-7)

Cái bản tính khoái “ăn liền” của ông bà nguyên tổ đã hơn ngàn đời nay rồi, mà vẫn còn ảnh hưởng đến con cháu loài người thời nay, riêng ở Việt Nam, thì cực thịnh.

Cơn cám dỗ thực dụng của thời đại mì ăn liền dẫn con người ta tới chỗ “thỏa mãn liền” những ước muốn rất con người, rất bản năng, mà con người duy vật vẫn cho là tốt, và được cổ xúy cách nào đó.

Được thăng quan tiến chức, phải tính ngay chuyện ăn liền. Nếu không biết, không lo ăn liền, sẽ không còn kịp thời gian vì việc thay ngôi đổi chủ vẫn luôn là một ám ảnh cận kề.

Đối với giới trẻ, cả người đương là sinh viên học sinh, lẫn những bạn không may mắn đến trường, thì khi “Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng có nàng thiếu nữ đẹp như trăng”. Và đến khi gặp em, thì tính ngay chuyện “ăn trăng ăn hoa liền”, làm thành một trào lưu “ăn cơm trước kẻng” hay “sống thử” -nói hơi quá là “liền sống thử cách bừa bãi”.

Nếu có những dịch vụ xổ số liền, thì cũng có những nghề lãnh lương liền, không đợi đến tháng. Nếu có nơi chụp ảnh 3 phút lấy liền, thì cũng có những điểm nạo phá thai, 30 phút, xong liền. Nếu có những dịch vụ lo giấy tờ kết hôn 3 giờ, lấy liền, thì cũng có những dịch vụ lo giấy tờ ly hôn cũng 3 giờ, bỏ được liền.

Đời sống đức tin cũng bị ảnh hưởng cách “mì ăn liền” đến độ không ngờ. Đến với Chúa, với Mẹ Maria, với các thánh, người ta cũng cầu xin với tâm thức Chúa làm phép lạ liền liền, yêu cầu Mẹ ban ơn khẩn cấp, yêu cầu các thánh linh hiển ngay trước mắt họ.

Đâu đâu cũng đều phục vụ để thỏa mãn liền những những nhu cầu của con người.

Từ cái nhu cầu thỏa mãn thể xác, dẫn đến nhu cầu tự khẳng định đời mình cho thỏa mãn lòng kiêu ngạo hơn người.

Trong gia đình, ngoài xã hội, và ngay trong giáo hội, cơn cám dỗ kiêu ngạo vẫn hoành hành làm tan tác từ tâm hồn mỗi người đến tan tác cả những cộng đồng tưởng phải là bền vững.

Cái tôi của một thành viên luôn đòi hỏi phải được lớn hơn uy tín của một tập thể, thì còn gì là bền vững. Khi cái tôi được đề cao một cách lầm lẫn với tự do, con người ta lại dùng tự do để củng cố cái tôi mà thống trị kẻ khác.

Và cuối cùng, con đường của người thống trị là phủ nhận Thần Linh “đấng trên đầu trên cổ” vì tự nhận mình là thần linh của vạn vật. Họ bỗng trở nên người vô thần. Kể cả người có đạo, nếu không tỉnh thức trước cơn cám dỗ “coi Trời bằng vung” thì không sớm thì chầy sẽ biến thành người có đạo mà sống cách vô thần, phản nghịch lại Thiên Chúa.

Cả ba cuộc cám dỗ của ma quỷ đều nhắm vào cái khoái thực dụng của con người: có ăn là hạnh phúc, thống trị là tự do, và vô thần là độc lập.

Cơn cám dỗ thực dụng dần dà đưa con người đến chỗ không còn nghĩ đến đời sau, mà chỉ nghĩ đến đời nầy. Đến khi đối diện với “ngày phải đến”, thì không còn ai trở tay kịp nữa. Tất cả đã muộn màng, vỡ mộng: “Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng”.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ mỗi người phải tỉnh thức trước những cơn cám dỗ tinh vi của ma quỷ, để khỏi bị sa bẫy. Và để bảo đảm sự tỉnh thức và chiến thắng cám dỗ, thiết tưởng, phải tuyệt đối tuân theo những chỉ thị của Thiên Chúa, qua việc sống Lời Chúa dạy, đúng theo tinh thần của Tin Mừng, tinh thần của Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng những chước cám dỗ bằng việc chỉ tuân thủ ý của Thiên Chúa Cha mà thôi.

Lạy Chúa, vào mùa chay 40 đêm ngày, tượng trưng cho một hành trình trên dương thế tiến về cõi phục sinh, chúng con luôn phải chiến đấu và chiến thắng trước những cám dỗ thực dụng và hấp dẫn. Nguyện xin cho chúng con biết tuân hành thánh ý Chúa để sống và phụng sự chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi. A men
 
Thử thách lớn nhất của con người
Tuyết Mai
16:24 10/03/2011
Chúa nhật 1 mùa chay

Quả thật sự thử thách lớn nhất của con người vẫn là tánh kiêu ngạo. Tánh ấy đã được bắt đầu từ thời của ông Adong và bà E-và. Bởi muốn được thông minh, muốn được hiểu biết nên đã bị con quỷ nó cám dỗ, nên hai ông bà đã mất hết tất cả những gì Chúa ban cho trong Vườn Địa Đàng. Vườn địa đàng là Thiên Đàng trần thế của con người, là nơi mà con người đầu tiên chưa biết vất vả, chưa biết lo lắng, và phạm tội là gì. Nguyên tổ của chúng ta đã phạm tội và đã bị Thiên Chúa phạt đuổi ra khỏi nơi mà Thiên Chúa dưỡng nuôi không một ngày bị vất vả. Tưởng tượng cuộc sống của hai ông bà chỉ biết nhởn nhơ, dung dăng dung dẻ, ca hát cười đùa. Đói thì mặc sức mà ăn, biết bao nhiêu cây trái trong vườn, chẳng phải tranh dành với ai? Chẳng lẽ chỉ có hai vợ chồng lại đi tranh dành với nhau?. Thật vậy, bấy giờ Địa Đàng chỉ là tình yêu chất ngất và là rất nên thơ tháng ngày…..

Tội quá cho bản tánh tham lam và kiêu ngạo của giống người, nên chúng ta bây giờ mới phải bị vạ lây. Mà có phải thế mới gọi là thử thách? Mới gọi là xứng đáng cho những ai được Chúa thưởng ban cho Nước Trời? Mà có phải con người là giống mà được Thiên Chúa tác tạo cách đặc biệt? Và có phải tất cả những gì xẩy đến cho con người đều nằm trong Chương Trình tác tạo hoàn hảo của Thiên Chúa?. Vâng, trí óc con người của chúng ta chỉ hiểu được có thế và tùy từng người Chúa thương mà mạc khải cho.

Cái tội tham lam và kiêu ngạo là đầu mối của mọi thứ tội, chứ nếu chúng ta chỉ cầu cho đủ ăn đủ xài và sống hoàn toàn phó thác cho Chúa thì chắc bộ mặt của thế giới sẽ đổi khác đi rất nhiều!?. Chỉ vì chúng ta tham lam quá nên mới khổ sở mà đầu tắt mặt tối. Chỉ vì chúng ta kiêu ngạo quá nên mới muốn hơn người. Mà muốn hơn người thì chúng ta phải đè đầu đè cổ người khác xuống để mình được nổi lên. Như làm ăn thì chúng ta phải dẹp hết những ai muốn cạnh tranh với mình. Phải tìm cách dẹp cho hết để chỉ có mình là sống được thôi!. Ngoài chợ hay ngoài đời khi chỉ còn một chỗ để ngồi bán hay làm việc, chúng ta xử cách tốt đẹp nhất là chọn đánh lộn cho đến khi mà một người bị đổ máu đầu để chúng ta dành được chỗ thì mới thôi!. Trong công sở thì chúng ta cũng dùng mọi mánh mung đi phía trên và lòn phía dưới để được giữ chỗ mà không ai có thể lấy mất đi được. Đấy là tôi chỉ nêu sơ sơ những chuyện dành dật nho nhỏ chứ không như những chuyện tranh ăn thật lớn có tầm ảnh hưởng của cả một quốc gia như anh Tầu và Nước Việt Nam của mình vậy!.

Suy đi nghĩ lại có phải cái tội tham lam và kiêu ngạo ấy mà con người muôn thế kỷ vẫn không sửa đổi được?. Chỉ vì hai cái tội ấy mà con người muôn đời vẫn khổ. Luôn bị bắt bớ tù đầy, di tản, nội chiến, ngoại chiến, bán thân, giết thai nhi, giết chính mình, tự sát, tự tử, và muôn trăm nghìn cách để giết chết lẫn nhau. Quả con người của chúng ta thật độc hại, còn hơn cả tất cả mọi cách chết của thiên nhiên, vũ khí, ngay cả bom nguyên tử cộng lại. Con người của tất cả chúng ta sẽ đi dần đến diệt vong. Chỉ vì tranh dành lẫn nhau mà chết. Chẳng phải vì miếng ăn hằng ngày đâu nhưng vì tranh những thứ vô bổ chẳng cần thiết gì cho linh hồn đời đời của chúng ta. Chứ đói quá mà tranh nhau ăn để đánh lộn đổ cả máu đầu thì khỏi phải nói vì đó là (survive) vì sự sinh tồn, phải có ăn để được sống. Như những bộ lạc ở phi châu chúng ta từng biết tới trong những chuyện được kể là chẳng phải bộ lạc này đi tìm bộ lạc kia để mà ăn thịt nhau vì đói đâu; nhưng vì bộ lạc này muốn thống trị bộ lạc kia mới đi giết nhau mà ăn thịt, rồi treo đầu của địch cùng khắp ranh giới của họ, như tỏ cho mọi bộ lạc khác biết mà tránh né, mà biết tiếng của họ.

Trong con người của chúng ta không ai mà không có hai bản tánh xấu xa ấy! Chỉ trừ nếu chúng ta được ở trong môi trường tốt thì cái xấu ấy họa hoằn mới được che giấu đi. Rất thường thấy xẩy ra nhất trong các trẻ em bị bỏ rơi sống ngoài đường, cầu cống, và khắp mọi chỗ mọi nơi. Hay những trẻ em bị cha mẹ bỏ bê tham công tham việc mà không có giờ dậy dỗ hay chịu ở nhà mà trông chừng chăm sóc chúng; nhất là dậy chúng sống đạo đức. Chúng vì sự sinh tồn và chịu ảnh hưởng sống của những bạn bè xấu trong trường và ngoài đời nên bản tánh trở nên xấu xa thế!. Nhưng bản tánh xấu ấy cũng có thể được thay đổi nơi các em, nếu các em được nuôi nấng dậy dỗ và được dậy đạo đàng hoàng, các em sẽ trở nên con người tốt. Bản tánh xấu chúng ta thường nhận định rất rõ nơi con người của chúng ta là khi cuộc đời của chúng ta đang trên voi mà phải xuống ngựa. Đang sung sướng, ăn trắng mặc trơn, bây giờ mất tất cả, nhất là thân phận đàn bà con gái, làm gì bây giờ?. Bằng chứng sống động nhất là vào cuối tháng tư đen. Tất cả người cha, chồng, anh, em bị đi đầy nơi các trại cải tạo nơi vùng xa vùng sâu. Người vợ ở nhà chẳng biết làm gì thì đem đồ trong nhà đi bán. Bán tất cả những gì có thể bán để nuôi các con. Ngay cả bán th…….Rồi thì những người chồng trong trại cải tạo trở thành bệnh tật vì đói, vì muỗi rừng chích, và vì bị hành thân xác cho đến chết. Cảnh thương tâm ấy không ai mà có thể quên đi cho được. Có phải tất cả tội ác đã được xẩy ra là vì con người chỉ biết sống cho bản thân và cái tôi của họ không?.

Lậy Chúa Giêsu! Chúa vào sa mạc để chịu cám dỗ và Chúa đã thắng ma quỷ một cách dễ dàng. Vì Chúa đã biết dùng khí cụ phi thường là Ăn Chay, hãm mình, và Cầu Nguyện cùng Chúa Cha để được Chúa Cha phù trợ và tiếp sức. Bây giờ bắt đầu vào 40 ngày Chay Thánh. Xin ban cho chúng con biết bắt chước gương Chúa Giêsu mà ăn chay, hãm xác, và làm việc lành phúc đức là chia sẻ cơm áo cho anh chị em khốn cùng của chúng con ở khắp mọi nơi. Làm việc hằng ngày, tiếp xúc với anh chị em chung quanh, với lòng mến Chúa và yêu người. Cho chúng con sống thật với lòng mình đó mới là sự cần thiết tối cần để chúng con được đến gần Chúa hơn và với anh chị em chúng con hơn. Giúp chúng con đến giao hòa cùng Chúa. Đấm ngực hằng ngày trong tư cách của người thu thuế đứng cuối nhà thờ với lòng khiêm hạ để xin Chúa thứ tha lỗi tội, vì có phải tất cả chúng con đều phạm tội mất lòng Chúa?. Amen.
 
Vượt thắng cám dỗ
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
19:52 10/03/2011
Chúa Nhật 1 mùa chay

Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu được Thánh Thần thúc đẩy đi vào hoang địa. Sau bốn mươi đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Người cảm thấy đói. Satan xuất hiện, mon men lại gần để cám dỗ. Chúa đã chiến thắng Satan bằng sức mạnh Thánh Thần và Lời Thiên Chúa.

1. Ba cơn cám dỗ.

- Cơn cám dỗ I phát xuất từ cái đói. Ma quỷ gợi ý cho Chúa Giêsu “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi” (Mt 4,3). Cơn cám dỗ về bánh nói lên ước muốn căn bản nhất là bản năng sinh tồn của con người. Thân xác với những khát khao thèm muốn luôn đòi hỏi phải được nuôi nấng, chiều chuộng và vỗ về.

- Trong cơn cám dỗ II, ma quỷ đưa Chúa Giêsu lên thượng đỉnh đền thờ và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống coi! Bởi đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Mt 4,5). Ma quỷ dùng Tv 91,11 để gợi ý cho Chúa Giêsu nhảy từ nóc đền thờ xuống, xem Thiên Chúa có biểu lộ quyền năng của Người hay không. Cám dỗ thách đố Thiên Chúa biểu lộ quyền năng để tìm vinh quang cá nhân. Đó là bản năng đối kháng lại những giới hạn của cuộc sống nhân sinh. Con người thường muốn quên đi những điều kiện sinh sống giới hạn của mình. Họ muốn cất cánh bay lên cõi thần tiên bằng men rượu, ma túy, lạc thú…

- Trong cơn cám dỗ III, ma quỷ đem Chúa Giêsu lên một ngọn núi cao và chỉ cho Người thấy các nước thiên hạ và các thứ phú quý, rồi nói: “Tôi sẽ cho ông tất cả những cái ấy, nếu ông sấp mình thờ lạy tôi…” (Mt 4,9). Một cơn cám dỗ đã hằng theo đuổi dân Israel, chẳng những trong thời gian hành trình sa mạc mà cả khi định cư trên đất Palestina. Đó là thờ lạy các tà thần mong được giàu sang, quyền thế, có khả năng thống trị các quốc gia khác. Bản năng thống trị, cái “ý chí quyền lực” nằm sẵn trong mỗi một con người. Người ta thường muốn cai trị và sai khiến những người yếu hơn mình. Xưa dân Do thái đã tạc tượng bò vàng và thờ lạy nó. Ngày nay, ngẫu tượng hay bò vàng chính là tiền tài, danh vọng, lạc thú, vật chất, tiện nghi, sắc dục.

Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu đều đã bắt đầu bằng chữ “nếu”. Chúng khởi sự bằng một lý luận với những lý do có vẻ chính đáng, hợp lý và đáng ao ước để tấn công vào những đòi hỏi của bản năng con người Giêsu. Tuy là ba cơn cám dỗ, nhưng vẫn chỉ là một. Bởi trọng tâm của vấn đề chính là gieo rắc sự khủng hoảng của niềm tin. Chúa Giêsu bị cám dỗ nghi ngờ về căn tính Con Thiên Chúa của chính mình. Cả ba Phúc âm Mátthêu, Máccô, Luca đều mô tả cơn cám dỗ ngay sau khi Chúa chịu phép Rửa ở sông Giođan, và có tiếng từ trời phán “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3.17). Ma qủy cám dỗ Chúa Giêsu quay lưng lại với sứ mạng đã nhận từ nơi Chúa Cha (GLTC #394). Cơn cám dỗ Chúa Giêsu cũng giống như cơn cám dỗ của Ađam và Eva trong bài đọc một (St 2,7-9;3,1-7). Ma qủy gieo sự nghi ngờ và mất niềm tin nơi những kẻ được gọi là con cái Thiên Chúa. Qua bản năng ăn uống thèm khát của thể xác, nó khơi dậy bản năng phản kháng bất tuân lệnh Chúa và sau cùng, con người sa ngã ở “ý chí quyền lực”, bản năng đòi bá chủ và thống trị vì muốn ngang hàng với Thiên Chúa.

Thụ tạo đầu tiên trong hàng các thiên thần đối diện với cám dỗ là Lucifer. Không vượt qua được cơn cám dỗ, Lucifer đã trở thành Satan.

Thụ tạo đầu tiên trong con người là Ađam và Evà cũng đã nếm mùi cám dỗ. Và hai Nguyên Tổ này cũng đã gục ngã thảm thương trước cám dỗ.

Như vậy cám dỗ là một cái gì hết sức mạnh mẽ, hết sức lôi cuốn, và rất khó chống cự. Chúa Giêsu sau khi đã trải qua những cám dỗ và thắng các cám dỗ cũng thấy được điều này, nên Người đã dạy các môn đệ không được coi thường bằng cách dựa vào sức lực, tài trí, và khả năng của riêng mình. Người dạy phải cầu nguyện và xin ơn Chúa Thánh Thần: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ”.

2. Sức mạnh nào giúp vượt thắng cám dỗ?

Cả ba Phúc Âm đều đề cập đến một chi tiết rất thú vị, đó là Chúa Giêsu không đi vào hoang địa một mình, nhưng mà Người đi cùng với Chúa Thánh Thần.

- “Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ” (Mt 4,1)

- “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người” (Mc 1,12-13).

- “Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,1-2).

Khi vào hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ, Chúa Giêsu cần đến sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và Lời của Thiên Chúa để đối đáp với ma quỷ và đã chiến thắng.

Khi chúng ta lâm vào những cuộc thử thách, phải đối diện với những mưu chước của Satan, rất cần ơn Chúa Thánh Thần trợ lực. Chúa Giêsu mà còn cần đến Chúa Thánh Thần nữa thì huống hồ là chúng ta.

Cần phải cầu nguyện (Lc 22,40; Cv 2,42; LGTC #2612,2742). Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn” (Mt 4,1). Nhờ cầu nguyện chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thánh Thần và với các thánh trên trời.

Vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng trong đời sống của chúng ta. Những lúc bị cám dỗ, những khi sống trong cô đơn, buồn chán và thất vọng…hãy cậy trông và khẩn cầu với Chúa Thánh Thần xin ơn phù trợ. Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều” (Ga 14,26).

3. Cầu khẩn và kêu xin Chúa Thánh Thần bằng cách nào?

- Khi thằng quỷ dâm ô xúi tôi mở những emails lạ, dụ dỗ tôi tò mò đi vào những website của Trư Bát Giới… Tôi phải mau mắn và thành tâm xin Chúa Thánh Thần soi lòng mở trí để tôi nhận ra rằng: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục (Mt 5,28-29).

- Khi thằng quỷ gian dối xúi tôi nói dóc, nói xạo, nói quanh co, nói sai sự thật, lừa bịp thiên hạ … tôi phải lập tức xin Chúa Thánh Thần ban ơn khôn ngoan để tôi có thể nhớ lời của Chúa Giêsu phán dạy tôi rằng: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không.’ Thêm thắt điều gì là do ác quỷ mà ra!” (Mt 5,37).

- Khi thằng quỷ kiêu căng, ngạo mạn xúi tôi phê bình chỉ trích người này, xét đoán người kia, lên án người nọ … thì tôi phải lập tức xin Chúa Thánh Thần giúp tôi nhớ rằng: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án” (Lc 6,37).

- Khi bị thằng quỷ dâm ô xúi tôi ly dị, bỏ chồng, phụ vợ, làm giấy ly dị giả … tôi phải cầu xin với Chúa Thánh Thần ngay để Ngài giúp cho tôi hiểu rằng “[Tôi và người bạn đời của tôi] không còn là hai [nữa], nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,8-9).

- Khi thằng quỷ kiêu căng xúi tôi khoe khoang, tự kiêu tự đại … thì tôi xin Chúa Thánh Thần nhắc nhở cho tôi rằng: “Kiêu hãnh đi liền với ô nhục … kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào” (Cn 11,2; 16,18).

- Khi thằng quỷ giận hờn xúi tôi giận người này, ghét người kia, thù người nọ … thì tôi phải cần đến sự trợ lực của Chúa Thánh Thần, xin Ngài soi sáng để tôi hiểu rằng: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt (Mt 5,22).

- Khi thằng quỷ dâm dục xúi bẩy tôi đi ngoại tình, ăn chơi trác táng, quan hệ bừa bãi … tôi phải van nài Chúa Thánh Thần, xin Ngài nhắc nhở cho tôi nhớ rằng: “Thân xác [của con] là Đền Thờ của [Ta đấy nhé! Chớ có làm cho nó ra ô uế!]” (1 Cr 6,19). (x. Suy niệm Mùa Chay, Lm Ansgar Phạm Tĩnh).

Sau khi chịu phép Rửa tội để trở nên một Kitô hữu, chúng ta dấn thân vào đời với nhiều thử thách của niềm tin, phải chịu nhiều cám dỗ của phận người lữ thứ. Nếu chúng ta tin rằng “Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 3,6) thì hãy vững tâm và tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ không bao giờ xa rời chúng ta đâu! Điều quan trọng là chúng ta có thánh tâm để cầu xin và nhờ cậy Ngài hay là không thôi!

Hãy tin tưởng và trông cậy vào Chúa Thánh Thần. Bảy hồng ân của Chúa Thánh Thần luôn trao ban cho người: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn nhận thức, ơn chỉ bảo, ơn dũng mạnh, ơn thánh thiện và ơn kính sợ Thiên Chúa.

Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Ngài, nhờ đó “Hoa trái của Thần Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23) sẽ tràn đầy trong tâm hồn và đời sống của chúng ta.

Việc gặp gỡ Chúa Thánh Thần rất dễ dàng. Chỉ cần hồi tâm lại, ý thức Ngài đang hiện diện ngay trong bản thân mình, và muốn được tan hòa vào trong Ngài. Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ. Ngài sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi. Ngài sẽ ban thêm sức mạnh. Ngài sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong. Ngài sẽ đổ tràn vào hồn chúng ta nguồn sống mới giúp chúng ta chiến thắng mọi cám dỗ và hăng hái lên đường.

Hãy cầu nguyện với Chúa Thành Thần bằng tâm tình của Thánh Augustinô: "Lạy Chúa là vẻ đẹp ngàn đời, vẻ đẹp cổ xưa nhưng vẫn luôn luôn mới mẻ. Con đã chạy tìm những cái đẹp bên ngoài vốn chỉ là phản ánh èo uột của vẻ đẹp vĩnh hằng. Chúa là vẻ đẹp vĩnh hằng ở trong con thì con lại không kiếm tìm. Vì thế, xin Chúa cho con biết trở về với chính lòng mình mỗi ngày, để ở đó con gặp được Chúa, hít thở Chúa. Con đón nhận dòng nước ân sủng và lòng con được đốt cháy ngọn lửa Thánh Thần. Amen.".
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha gặp gỡ hàng giáo sĩ Roma
LM Trần Đức Anh OP
11:57 10/03/2011
VATICAN -. Lúc 11 giờ sáng hôm ngày 10-3-2011, ĐTC Biển Đức 16 đã gặp gỡ hàng giáo sĩ Roma và trình bày một bài lectio divina về di chúc của thánh Phaolô dành cho hàng giáo sĩ Ephêsô.

ĐTC vẫn theo thông lệ gặp gỡ hàng giáo sĩ Roma vào thứ 5 đầu mùa chay. Hiện diện tại Hội trường Phép lành ở lầu cuối Đền thờ Thánh Phêrô có ĐHY Giám quản Agostino Vallini, 7 GM phụ tá và lối 800 LM và phó tế của giáo phận Roma.

ĐTC đã giải thích và chia sẻ về đoạn thứ 20 sách Tông Đồ công vụ được đọc vào đầu buổi gặp gỡ, trong đó thánh Luca ghi lại diễn văn của thánh Phaolô nói với các linh mục tại Mileto thuộc giáo đoàn Ephêsô, những lời của thánh nhân không những được coi như chúc thư cho hàng giáo sĩ tại thành này, nhưng cho các linh mục thuộc mọi thời đại.

ĐTC nêu bật tấm gương của Thánh Phaolô dành trọn cuộc sống để hoạt động như người loan báo, như sứ giả của Chúa Kitô cho dân chúng. Ngài nói: cũng thế, “Linh mục không thể chỉ là người hoạt động bán thời gian, nhưng luôn luôn, với tất cả tâm hồn. Ở với Chúa Kitô và làm sứ giả của Chúa Kitô, phục vụ tha nhân, đó chính là một sứ mạng thấu nhập vào con người LM của chúng ta và ngày càng phải đi sâu hơn nữa trong trong cuộc sống của chúng ta”.

Thánh Phaolô cũng nói: “Tôi đã phụng sự Chúa với tất cả lòng khiêm tốn”. Thánh nhân là tôi tớ của Thiên Chúa. Cùng với các Tông Đồ, ngài tiếp tục là người tôi tớ, chứ không phải là chủ nhân ông của đức tin. Phục vụ không có nghĩa là làm điều mình đề ra, làm điều mà mình có thiện cảm. Phục vụ có nghĩa là để cho mình được chịu gánh nặng, chịu cái ách của Chúa. Phục vụ không có nghĩa là tiến hành theo những sở thích, ưu tiên của mình, nhưng hoàn toàn phục vụ tha nhân”.

“Phụng sự Chúa với tất cả lòng khiêm tốn”. ĐTC giải thích rằng “khiêm tốn không có nghĩa là một sự nhún nhường giả tạo, nhưng có nghĩa là chúng ta ý thức tất cả những gì chúng ta có thể làm đều là hồng ân của Thiên Chúa, được ban cho chúng ta vì Nước Trời. Trong sự khiêm tốn ấy, chúng ta không đòi được ca tụng, không muốn xuất hiện phô trương; tiêu chuẩn chủ yếu trong hành động của chúng ta không phải là những gì người ta sẽ nói về chúng ta trên báo chí hoặc nơi khác, nhưng là Thiên Chúa nói gì. Đó thực là sự khiêm tốn”.

Cũng trong bài chia sẻ, ĐTC nói đến lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô với các linh mục thành Ephêsô “Anh em hãy canh chừng cho bản thân và toàn thể đoàn chiên”. Ngài giải thích rằng “đây cũng là một lời dành cho các linh mục trong mọi thời đại. Có một thái độ miệt mài hoạt động với thiện ý, nhưng trong đó người ta lại quên mất linh hồn của mình, quên đời sống thiêng liêng. Thánh Carlo Borromeo, trong một bài đọc sách nguyện, nói với chúng ta rằng “Bạn không thể là một người phục vụ tốt cho tha nhân nếu chính linh hồn bạn bị lơ là”: chúng ta hãy quan tâm đến đời sống thiêng liêng của mình, tới cuộc sống của chúng ta với Chúa Kitô. Như tôi đã nói nhiều lần: cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa không phải là thời gian bị mất đi trong việc chăm sóc các linh hồn, nhưng là điều kiện để chúng ta có thể tiếp xúc thực sự với Chúa và nói thể nói với tha nhân về Chúa”.

Trong bài suy niệm, ĐTC cũng kêu gọi các tín hữu đừng ngạc nhiên vì có những cỏ dại cỏ lùng trong Giáo Hội, và ngài phê bình thái độ quan niệm Kitô giáo theo “sở thích của mình” mà không rao giảng trọn vẹn Tin Mừng và thánh ý Chúa.

Trước đó, trong lời chào mừng ĐTC đầu buổi gặp gỡ, ĐHY Vallini đã cám ơn ĐTC về cuốn sách thứ II trong bộ sách “Đức Giêsu thành Nazareth”, xuất bản hôm qua, và sẽ là bạn đồng hành tốt đẹp của các LM trong hành trình mùa chay này.

ĐHY nói thêm rằng: “Kính thưa ĐTC, ngày 29-6 tới đây là kỷ niệm 60 năm linh mục của ĐTC: chúng con lợi dụng dịp này để gửi đến ĐTC những lời chúc mừng nồng nhiệt và thân ái nhất của chúng con và cũng để nói rằng cuộc sống linh mục của ĐTC là một tấm gương sáng ngời và là một khích lệ liên tục cho tất cả chúng con”.

“Xin cho phép con được nhắc đến vài nét nổi bật mà chúng con nhìn ĐTC với lòng ngưỡng mộ: đó là lòng trung thành, khiêm tốn, vui tươi, không lay chuyển, đối với Chúa Giêsu; thái độ hoàn toàn sẵn sàng phục vụ Giáo Hội nơi mà Chúa Quan Phòng gọi đến, kể cả trách nhiệm nặng nề kinh khủng là chức vụ Giáo Hoàng; lòng yêu mến Lời Chúa và phụng vụ, niềm vui sống thời gian theo nhịp của năm phụng vụ; việc tập luyện sự thông minh và hăng say tìm kiếm chân lý để trình bày và bảo vệ không chút thỏa hiệp; sự dịu hiền và lòng quảng đại; sự thanh thản của một tâm hồn hoàn toàn tận hiến cho Chúa Kitô”.

Mọi người hiện diện đã nhiệt liệt vỗ tay hưởng ứng và chúc mừng ĐTC (SD 10-3-2011)
 
Giới thiệu sách mới của Đức Thánh Cha
LM Trần Đức Anh OP
12:00 10/03/2011
VATICAN - Chiều ngày 10-3-2011, ĐHY Marc Ouellet, người Canada, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, đã mở cuộc họp báo để giới thiệu cuốn thứ II trong bộ sách 3 cuốn của ĐTC về “Đức Giêsu thành Nazareth”.

Hiện diện tại cuộc họp báo còn có giáo sư Claudio Magris, văn sĩ kiêm chuyên gia về ngôn ngữ Đức.

Cuốn sách mới, dầy khoảng 350 trang, mang tựa đề “Đức Giêsu Thành Nazareth - từ lúc vào thành Jerusalem cho đến khi sống lại”, gồm 9 chương lần lượt nói về là biến cố Chúa vào thành thánh Jerusalem (c.1), tiếp đến là đại diễn văn của Chúa Giêsu về thế mạt gồm sự phá hủy thành Jerusalem, sự phán xét chung và tận thế (c.2); chương 3 nói về biến cố Chúa rửa chân cho các môn đệ; chương 4 bàn về lời nguyện tư tế của Chúa Giêsu, tiếp đến là chương 5 nói về bữa Tiệc ly; chương 6 trình bày những nhận định về biến cố Chúa cầu nguyện trong Vườn Giệtsimani. 3 chương sau cùng nói về việc xử án Chúa Giêsu, đóng đinh và an táng trong mộ, sau cùng là Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.

Trong phần chót, ĐTC nói về sự thăng thiên và sự trở lại trong vinh quang của Chúa Giêsu.

Trong những ngày này, sách của ĐTC được ấn hành 1 triệu 200 ngàn cuốn bằng 7 thứ tiếng, nhưng tổng số các ấn bản sẽ được phát hành là 20 ngôn ngữ khác nhau, kể cả tiếng Arập và các thứ tiếng Á châu khác như Đại Hàn, Nhật Bản và Malayalam bên Ấn độ.

Nhà Xuất Bản Vatican ấn hành hơn 400 ngàn cuốn bằng tiếng Ý. Giá mỗi cuốn là 20 Euro.

Nội dung tổng quát

Trong lời tựa cuốn thứ 2 về Đức Giêsu thành Nazareth, ĐTC nhắc lại rằng ngài không có chủ ý viết về tiểu sử Đức Giêsu theo thứ tự thời gian, nhưng chỉ trình bày “khuôn mặt và sứ điệp của Đức Giêsu” để tìm thấy Chúa Giêsu đích thực, không phải như một nhà cách mạng chính trị hay là một nhà luân lý thuần túy, nhưng như Con Thiên Chúa, khai mào một con đường cứu độ mới dựa trên sức mạnh của tình yêu. ĐTC “tìm cách triển khai một cái nhìn về Đức Giêsu theo các sách Phúc Âm và một cuộc lắng nghe có thể trở thành một cuộc gặp gỡ.. được hướng dẫn nhờ sự giải thích về đức tin, nhưng đồng thời với tinh thần trách nhiệm cũng để tới lý lẽ lịch sử để có thể hữu ích cho tất cả các độc giả muốn gặp Đức Giêsu và tin nơi Người. ĐTC cho biết ngài cũng muốn bàn về thời thơ ấu của Đức Giêsu, trong một cuốn sách nhỏ, “nếu còn được Chúa ban sức mạnh”.

- ĐTC trình bày cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô như những biến cố thay đổi lịch sử, đáp lại câu hỏi của nhân loại ngày càng cần được hòa giải với Thiên Chúa.

Ngài khẳng định rằng qua sự hy sinh trên thập giá và qua việc thiết lập Giáo Hội, Đức Giêsu chu toàn một sứ vụ hoàn vũ, đó là “dẫn đưa trần thế ra khỏi thân phận tha hóa của con người đối với Thiên Chúa và chính mình”. Sứ vụ này còn tiếp tục ngày nay.

ĐTC viết: “Không phải tình cờ mà chúng ta cần được hòa giải với Thiên Chúa - vị Thiên Chúa thinh lặng, huyền nhiệm, có vẻ vắng bóng nhưng thực ra Chúa hiện diện mọi nơi - phải chăng đó là vấn đề đích thực của toàn thể lịch sử thế giới?”.

Sách của ĐTC phân tích những biến cố chủ yếu trong những ngày cuối cùng của Đức Giêsu, kể cả việc thanh tẩy Đền Thờ, bữa tiệc ly, bị phản bội, bị thẩm vấn trước Thượng Hội đồng Do thái và quan Pontio Philato, bị đóng đanh và hiện ra với các môn đệ sau khi sống lại.

- Qua cuốn 2 này, ĐGH Biển Đức 16 cứu xét sự giải thích Kinh Thánh của các Giáo Phụ và các học giả thời nay, bác bỏ một số luận chứng và khẳng định hoặc đề ra giải thích khác. Tác giả được nhắc đến nhiều là Rudolf Bultmann, một học giả Tin Lành Đức về Tân Ước hồi cuối thế kỷ 20.

ĐGH nhấn mạnh rằng điều quan trọng là hiểu các biến cố được trình thuật trong Kinh Thánh có căn cứ lịch sử và thực sự đã xảy ra, chứ không phải chỉ là những câu chuyện hoặc ý tưởng. Ví dụ, ĐTC viết, nếu Đức Giêsu không thực sự ban bánh và rượu như Mình và Máu ngài cho các môn đệ trong bữa tiệc ly, thì “việc cử hành Thánh thể của Giáo Hội là điều trống rỗng - một sự tưởng tượng đạo đức”. Cũng vậy, việc sống lại thực sự của Chúa Kitô từ cõi chết chính là nền tảng đối với Giáo Hội, nếu không thì “chính đức tin Kitô sẽ chết”.

ĐTC nhìn nhận rằng các văn bản lịch sử về Đức Giêsu không luôn luôn đầy đủ và “nếu đức tin vững chắc là điều độc lập với sự kiểm chứng của khoa học và lịch sử, tuy rằng đức tin luôn cởi mở đối với sự duyệt lại”. ĐTC phê bình phong trào về “Đức Giêsu lịch sử” trong giới nghiên cứu Kinh Thánh vì phong trào này “quá chú ý tới quá khứ vì quá khứ nên không thể làm cho quan hệ bản thân với Đức Giêsu có thể thực hiện được”.

ĐGH cũng phê bình những học giả đã giải thích cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu theo nhãn giới chính trị và tìm cách mô tả Đức Giêsu “như một người xách động chính trị”. Trái lại, ĐGH viết, Đức Giêsu đã khai mạc “một vương quốc cứu thế không có tính chất chính trị” giữa lòng một thế giới trong đó không có sự phân biệt giữa chính trị và tôn giáo. “Sự tách biệc chính trị khỏi đức tin - một điều thiết yếu đối với sứ điệp của Đức Giêsu, sự tách biệt dân Chúa ra khỏi chính trị - xét cho cùng chỉ có thể diễn ra nhờ Thập Giá. Chỉ qua sự đánh mất hoàn toàn các quyền lực bên ngoài, qua sự tước bỏ hoàn toàn dẫn đến Thập Giá, thì mới có thể làm cho thế giới ấy được thành hình”.

ĐGH cũng nói rằng “cách mạng bạo lực, giết người khác nhân danh Thiên Chúa, không phải là con đường của Đức Giêsu”. 'Chúa không đến mang gươm giáo cách mạng. Ngài đến với ơn chữa lành”.

Sách của ĐTC thường không có những chú giải về các vấn đề hiện đại, tuy nhiên về vấn đề bất bạo động, ngài xác quyết rằng “Những hậu quả tàn ác của bạo lực dựa vào tôn giáo là điều quá hiển nhiên đối với tất cả chúng ta”.

“Báo thù không xây dựng Nước Thiên Chúa, Nước của nhân loại. Trái lại, nó chính là một phương tiện rất thường được xử dụng để chống lại Chúa Kitô, cho dù động lực tôn giáo của bạo lực này có vẻ lý tưởng thế nào đi nữa. Nó không phục vụ cho nhân loại nhưng chỉ cổ võ những thái độ vô nhân đạo”.

Sách của ĐTC cũng có đoạn nhấn mạnh rằng sự lên án và cái chết của Đức Giêsu không thể qui gán cho dân Do thái như một tập thể chung. Cùng chương này nói rằng cuộc xét xử Đức Giêsu trước nhà cầm quyền La Mã nêu vấn đề - vẫn còn được nêu lên ngày nay - đó là phải chăng chính trị có thể chấp nhận “sự thật” như một cái gì khác với thực tại chủ quan hay không?

- Chương cuối cùng trong sách của ĐTC bàn về cuộc sống lại của Chúa Giêsu từ cõi chết như một điểm nòng cốt trong cuộc đời Chúa Giêsu. Nếu không sống lại, thì Chúa Giêsu chỉ là một vị lãnh đạo tôn giáo bị thất bại mà thôi.

ĐGH nói một số trong những bằng chứng mạnh nhất về tính chất đích thực của sự sống lại phải được tìm thấy trong trình thật của Kinh Thánh về các cuộc gặp gỡ của các môn đệ với Chúa Kitô phục sinh. Chúa Giêsu được trình bày như đang hiện diện thể lý, tuy không bị ràng buộc bởi luật tinh thần, nhưng ngài được nhận ra ngay. Tất cả những điều đó được trình bày một cách vụng về trong các trình thuật phúc Âm, càng làm cho chúng đáng tin hơn, phản ánh sự kinh ngạc thực sự của các môn đệ. “Điều quan trọng là các cuộc gặp gỡ với Chúa phục sinh không phải chỉ là những biến cố nội tâm hoặc kinh nghiệm thần bí - Đó là những cuộc gặp gỡ thực sự với ngừơi đang sống đang hiện diện một cách mới mẻ”.

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu không phải là một “bóng ma” hoặc chỉ là một thân thể được hồi sinh, trái lại ngài là Đấng đã đi vào một đời sống mới trong quyền năng của Thiên Chúa. Điều này được trình bày rõ trong trình thuật của các Phúc Âm.

ĐTC cũng đặt câu hỏi: vậy những người nam nữ thời nay có thể đặt tin tưởng nơi các chứng từ ấy hay không?. “Những người theo chủ thuyết soi sáng nói là không. Khoa học loại bỏ điều đó, nhưng khoa học có những giới hạn. Trong thực tế, sự sống lại không tương phản với khoa học nhưng nói về một điều ở ngoài thế giới kinh nghiệm của chúng ta, một chiều kích khác. Rồi ĐTC đặt một loạt các câu hỏi để nhấn mạnh rằng “chiều kích mới” của thực tại không thể bị loại bỏ do lối tư tưởng tân thời. “Thụ tạo chẳng đang chờ đợi sự tiến hóa cuối cùng và cao nhất sao”, là sự kết hiệp chung kết với vô biên, sự kết hiệp giữa con người với Thiên Chúa, chinh phục được sự chết hay sao?”

Xét cho cùng, sự sống lại của Chúa Giêsu tạo nên sự nhảy vọt ấy, “kiến tạo cho tát cả chúng ta một không gian mới của sự sống, một không gian mới được kết hiệp với Thiên Chúa”. Trong tư cách đó sự sống lại là một biến cố bùng lên ra khỏi lịch sử, nhưng để lại dấu vết trong lịch sử.

Trong phần kết ngắn, ĐGH bàn đến sự lên trời của Chúa Kitô, một ý niệm có thể là khó hiểu đối với dân chúng. Với sự thăng thiên, sự hiện diện của Chúa Giêsu với Thiên Chúa không có tính chất không gian, nhưng là thần linh.

“Sự ra đi của Chúa Giêsu không phải là để lên một vì sao nào đó. Thăng thiên không có nghĩa là đi về một miền xa xăm trong vũ trụ”. Khi về cùng Thiên Chúa là Cha ngài, Chúa Giêsu “không ra đi nhưng vẫn ở gần chúng ta”, ta có thể đến với ngài qua lịch sử và tại mọi nơi.

Các tín hữu Kitô tin rằng Chúa Kitô sẽ trở lại và tái lập công lý trong chiến thắng chung kết của tình yêu. Trong khi đó, điều mà các tín hữu Kitô được yêu cầu thực hiện là phải tỉnh thức, nghĩa là, trước tiên, “cởi mở đối với sự thiện, sự thật, Thiên Chúa, giữa một thế giới nhiều khi vô nghĩa và giữa quyền lực của sự ác.” (CNS 9-3-2011)

Tiến trình xuất bản sách

Dưới đây là bài phỏng vấn cha Giuseppe Costa, dòng Don Bosco, Giám đốc nhà in, nhà xuất bản và nhà sách Vatican, về diễn tiến công việc xuất bản và ấn hành sách của ĐTC. Cuộc phỏng vấn dành cho phái viên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, số ra ngày 10-3-2011.

H. Thưa cha Costa, trong cuộc nói chuyện ngày 20-1 năm nay với báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, cha đã loan báo cuốn sách thứ 2 của ĐTC sẽ được xuất bản vào tháng 3 nay. Và nay điều đó xảy ra đúng hẹn như cha đã báo trước. Đây là công ai của ai vậy?

Đ. Công lao này là của tất cả mọi người, nhưng nhất là của tác giả. Ngài đã giao bản thảo từ lâu rồi. Tiếp đó là tiến trình dài dịch văn bản này ra các thứ tiếng khác nhau. Từ tháng hai vừa qua, các bản thảo được giao cho nhà in. Đây là một công trình đòi hỏi nhiều dấn thân.

H. Tiến trình ấn loát cuốn sách thứ hai trong bộ sách của ĐTC như thế nào thưa cha?

Đ. Các đây gần một năm rưỡi, Đức ông Georg Gaenswein, bí thư riêng của ĐTC, đã giao cho tôi văn bản cuốn sách này. ĐTC viết tay với chữ thật nhỏ và như thường lệ, Bà Birgit Wansing đã đánh lại văn bản đó vào máy vi tính.

H. Thưa cha Costa, tại Italia, cuốn sách thứ I trong bộ sách của ĐTC về Đức Giêsu thành Nazareth đã được nhà xuất bản Rizzoli ấn hành. Tại sao bây giờ cuốn thứ II lại do Nhà Xuất Bản Vatican ấn hành. Đó là một sự thay đổi lớn!

Đ. Đúng vậy. Sách của ĐTC được nhà in Vatican in ấn, rồi sau đó được nhóm nhà sách RCS của Rizzoli phát hành, họ có một tổ chức tuyệt hảo, bảo đảm với chúng tôi sự phân phối 300 ngàn cuốn sách trong vòng 3 ngày.

H. Thưa cha, vấn đề dịch các sách của ĐTC từ tiếng Đức ra các sinh ngữ khác không phải là một điều dễ dàng.

Đ. Nhất là dịch ra tiếng Ý, không phải là một chuyện đơn giản, vì trong những thập niên gần đây, các sách của ĐHY Joseph Ratzinger đã được nhiều người dịch: thách đố bây giờ là làm sao tìm ra được một sự đồng nhất nào đó về ngôn ngữ. Và cũng cần tránh nguy cơ bản dịch ra các thứ tiếng khác không bảo tồn, hoặc thậm chí phản bội tư tưởng của tác giả. Sự trung thành với nguyên bản đã được các dịch giả của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh bảo đảm và đặc biệt quan tâm.

H. Hồi xuất bản cuốn thứ I trong bộ sách của ĐTC về Đức Giêsu thành Nazareth, các cha có gặp khó khăn về vấn đề dịch thuật không?

Đ. Có chứ. Ví dụ bản dịch tiếng Hoa không hoàn hảo, và các bản dịch khác thì không tương ứng với ngôn ngữ thần học.

H. So với cuốn thứ I trong bộ sách, đối với cuốn thứ II hiện nay, Nhà xuất bản Vatican có nhận được nhiều đơn xin dịch thuật cuốn này không thưa cha?

Đ. Có, vì sự quan tâm và mong muốn của các độc gia gia tăng, do đó và con số các nhà xuất bản xin dịch sách của ĐTC cũng gia tăng theo. Hiện nay chúng tôi mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu: chúng tôi đã ký hợp đồng với 20 nhà xuất bản trên thế giới, nhưng chúng tôi còn đang ở giai đoạn thương lượng với các nhà xuất bản khác.

H. Nhà xuất bản Vatican chọn các nhà xuất bản khác như thế nào để ủy thác cho họ việc dịch và xuất bản sách của ĐTC thưa cha?

Đ. Khi được biết ĐGH đang soạn một cuốn sách, từ nhiều nước đã có những nhà xuất bản xin được dịch và ấn hành sách của ngài, nhưng chỉ có một số nhà xuất bản được chấp nhận. Ví dụ tại Hoa Kỳ, nhà xuất bản Ignatius Press của dòng Tên, đối với chúng tôi là thích hợp hơn cả, dù cũng có những nhà xuất bản quan trọng khác xin làm việc này như nhà xuất bản Doubleday và Our Sunday Visitor. Về ấn bản tiếng Pháp, thì chúng tôi đã chọn Nhà xuất bản Parole et Silence, một nhà xuất bản đang lên, rất dấn thân trong việc phổ biến giáo huấn của ĐGH, tại Tây Ban Nha thì có nhà xuất bản Encuentro.

H. Vậy là có sự thay đổi hầu như hoàn toàn các nhà xuất bản được chọn để ấn hành sách của ĐTC.

Đ. Đúng vậy, hầu như là hoàn toàn. Không phải tất cả các nhà xuất bản đã ấn hành cuốn thứ I trong bộ sách của ĐTC đều được chọn để ấn hành cuốn thứ II này. Sự chọn lựa được thực hiện theo các tiêu chuẩn khác nhau. Chẳng hạn chắc chắn là phải xem sự nghiêm túc của họ về phương diện ấn hành và tổ chức, nhưng cũng phải xem họ có đáng tín nhiệm hay không. Chúng tôi đã quyết định chọn những nhà xuất bản có khả năng không phải chỉ cổ võ một cuốn sách, nhưng cả nội dung của sách đó nữa.

H. Đâu là những con số mà Cha dự kiến cho cuốn sách thứ 2 trong bộ sách của ĐTC?

Đ. Ngày 10-3 này, sách của ĐTC đã được ấn hành bằng 7 thứ tiếng là Đức, Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào nha và Ba Lan, tổng cộng là 1 triệu 200 ngàn cuốn. Ấn bản tiếng Đức khởi đầu với 150 ngàn cuốn, nhưng nhà xuất bản Herder đã in thêm 50 ngàn cuốn và sẵn sàng tái bảnthêm. Ấn bản tiếng Ý thì được phân phối 300 ngàn cuốn và chúng tôi đang in thêm 100 ngàn cuốn nữa. Trong khi tại Pháp có 100 ngàn cuốn đã sẵn sàng để được phổ biến. Ở Bồ đào nha bắt đầu với 20 ngàn cuốn. Vào cuối tháng 3 sẽ có ấn bản bằng tiếng Croát.

H. Nhà xuất bản Vatican có dự kiến ấn hành bằng bản điện tử e-book không, thưa cha?

Đ. Có chứ. Trong một vài ngôn ngữ cũng có cuốn thứ I trong bộ sách của ĐTC được ấn hành với dạng này.

H. Và trong tương lai thì sao thưa cha?

Đ. Trong lời tựa cuốn thứ II này, chính ĐGH loan báo cuốn thứ III mà ngài sẽ viết về các Phúc Âm thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Nhà xuất bản Vatican có ý tưởng thực hiện một ấn bản duy nhất gồm cả 3 cuốn. Chúng tôi xác tín rằng cuốn sách mới này của ĐTC Biển Đức 16 sẽ là một cuốn sách bán chạy nhất. Và do đó cần phải được cổ võ một cách thích hợp qua các buổi trình bày, giới thiệu, gặp gỡ và các sáng kiến khác.

H. Cuốn thứ hai này nói về những ngày cuối cùng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Việc xuất bản cuốn này trùng vào dịp lễ Phục Sinh gần tới, phải chăng là một điều tình cờ?

Đ. Không phải vậy. Chắc chắn đây là một thời điểm tốt nhất để xuất bản cuốn này. Cuốn này lẽ ra có thể xuất bản trước đó, nhưng vì hồi tháng 11 năm ngoái, đã có cuốn sách phỏng vấn ĐTC được ấn hành rồi.

H. ĐGH Biển Đức 16 chắc chắn là một chữ ký giúp người ta tiết kiệm được nhiều tiền dành cho việc quảng cáo cuốn sách này!

Đ. Không những vậy, với tư cách là một nhà xuất bản, tôi phải nói rằng ĐGH đã giúp cho nhà xuất bản Vatican được tăng trưởng, vì chúng tôi phải thích ứng các cơ cấu và tổ chức, chứng tỏ một khả năng mà trước đó chúng tôi không có. Hiển nhiên, ĐTC đã yêu cầu chúng tôi cả về mặt văn hóa nữa, vì chúng tôi đề nghị những khảo luận bình giải về các tác phẩm và các sách của ĐGH, phổ biến giáo huấn của ngài cho đại chúng.

H. Không có tác giả nếu không có độc giả: điều này cũng áp dụng được cho trường hợp ĐGH Biển Đức 16 phải không cha Costa?

Đ. ĐGH vẫn luôn được người ta đọc, cả về những điều phức tạp nhất. Ngài là một nhà thần học tinh tế, và đôi khi ngài đi vào cả trong những khía cạnh liên hệ tới phương pháp nghiên cứu, nhưng những ai muốn có một trình thuật về đức tin, chiều kích tu đức hoặc sự đả thông giữa con người mà thôi, đều luôn tìm được trong các trang sách rất dễ hiểu của ngài và khích lệ sự can dự của độc giả.
 
ĐTC nói với các linh mục: mặc dầu có nhiều khó khăn, Giáo Hội vẫn là quà tặng của Thiên Chúa
Bùi Hữu Thư
12:16 10/03/2011
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói với mấy trăm cha sở các giáo xứ tại Rôma: mặc dầu Giáo Hội gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn là một quà tặng của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói ngày 10 tháng 3 trong buổi gặp gỡ các cha xứ thuộc giáo phận Rôma vào đầu Mùa Chay: Quá nhiều lần “có lẽ vì e ngại thái độ đắc thắng”, các linh mục và giáo dân không vui hưởng đầy đủ quà tặng của việc thuộc về giáo hội.

Đức Thánh Cha nói: "Chắc chắn là luôn luôn có những khó khăn, và các sắc thái tiêu cực” về đời sống của giáo hội trên trần thế, “nhưng đây là một quà tặng tuyệt vời vì chúng ta được sống trong giáo hội” và tiếp nhận các bí tích của tình yêu và lòng xót thương của Thiên Chúa.

Ngài nói: "Sự kiện giáo hội không những chỉ là một quà tặng của Thiên Chúa và là một món quà thiêng liêng nhưng cũng rất nhân bản” có nghiã là sẽ luôn luôn có những khó khăn và cần phải sám hối.

Đức Thánh Cha nói: "Giáo hội luôn luôn bị đe dọa. Luôn luôn có hiểm nguy, những chống đối của ma quỷ,” chúng không muốn có những tín hữu trên trái đất này.

Ngài nói: Tuy nhiên, các Kitô hữu có thể tin tưởng rằng “sự thật luôn luôn mạnh mẽ hơn dối trá, tình yêu mạnh sức hơn thù ghét, và Thiên Chúa oai quyền hơn những lực lượng chống đối.”

Buổi họp khởi sự với một tràng pháo tay chúc mừng Đức Thánh Cha sẽ hưởng thọ 84 tuổi vào ngày 16 tháng Tư, và sẽ kỷ niệm 60 năm chịu chức linh mục vào tháng Sáu.

Thay vì trả lời các câu hỏi của các linh mục, Đức Thánh Cha Benedict suy niệm về một bài đọc trích trong các thư của thánh Phaolô. Ngài nói trong 40 phút chỉ thỉnh thoảng mới liếc qua tờ giấy ghi chép.

Ngài nói: Một linh muc là một đầy tớ và nghiã là “không làm những gì mình thích nhất,” nhưng làm những gì cần thiết để phục vụ tha nhân.

Ngài nói: Là linh mục, “đôi khi chúng ta phải làm những điều dường như không có vẻ gì là thiêng liêng và cũng không phải là sự chọn lựa của chúng ta; từ giáo hoàng cho đến một cha phó ở chức vị thấp nhất, tất cả chúng ta đều phải làm các công việc hành chánh và trần thế.”

Đức Thánh Cha Benedict nói: tất cả những gì một linh mục nói và làm – dù có đang hay không lo việc mục vụ cho một người nào lúc đó – cũng phản ảnh thiên chức linh mục, vì ý tưởng cho rằng mình chỉ là một “linh mục bán thời” không thể chấp nhận.

Ngài nói: Linh mục không phải là một nghề nghiệp một người lựa chọn suốt đời. “Chỉ có Thiên Chúa mới có thể tạo nên một linh mục, và nếu có một sự lựa chọn liên hệ, thì đó là sự chọn lựa của Chúa."

Đức Thánh Cha nói: Các linh mục phải giảng dậy sự thật, tất cả sự thật, theo giáo huấn của giáo hội, chứ không phải là một Kitô giáo “à la carte” tùy hứng; linh mục không được giảng dậy Phúc Âm theo ý riêng và cách suy diễn thần học của mình. Không được ngần ngại loan truyền tất cả sự thật của Thiên Chúa, dù cho sự thật này làm cho khó chịu, ngay cả về các đề tài mình không ưa thích lắm”.

Đức Thánh Cha Benedict nói: như thánh Phaolô, các linh mục ngày nay phải thẳng tiến với phúc Âm và ý thức rằng đôi khi họ có thể phải đương đầu với hiểm nguy cho tính mạng vì những gì họ giảng dậy.

Đức Thánh Cha nói: "Thánh Phaolô dậy là sự sống còn hoàn toàn về thể lý không phải là ưu tiên của tôi; ưu tư của tôi là thi hành việc mục vụ và được ở bên Đức Kitô.”

Ngài nói: "Được ở bên Chúa Kitô là sự sống đích thực,” và trong khi “chúng ta chắc chắn phải chăm lo cho sức khỏe của mình và làm việc với một mức độ trung bình, chúng ta cũng phải nhận thức rằng giá trị tối hậu là được hiệp thông với Đức Kitô."

Đức Thánh Cha Benedict nói với các linh mục rằng hiển nhiên là các linh mục trẻ hết sức nhiệt tình và tiềm năng thể lý suy yếu theo thời gian, nhưng “điều quan trọng là ngay trong tuổi già, qua nhiều năm tháng, chúng ta không để mất đi sự hăng hái và niềm vui vì được Thiên Chúa lựa chọn.”
 
Top Stories
New book confirms: Benedict XVI is his own best spokesperson
John L Allen Jr
09:34 10/03/2011
NCR Mar. 10, 2011 -- One keen irony about the papacy of Benedict XVI is that while the Vatican regime over which he presides has sometimes come off as ham-fisted in terms of public relations, the pope himself is almost universally acknowledged as a gifted communicator.

A veteran theologian and teacher, Benedict can express complex theological ideas in crystalline sentences that don’t require a Ph.D. to grasp, and he has a knack for phrasing the Christian message in positive terms -- what I’ve called his “Affirmative Orthodoxy.”

In the old days, a pope would say or do something controversial, and then his aides would smooth things over. More recently, it’s actually been the pope who gets the Vatican back “on message” after someone else has put his foot in his mouth. (This, by the way, should not be taken as a criticism of Benedict’s official spokesperson, Jesuit Fr. Federico Lombardi, who does a heroic job under the circumstances.)

We’ve had another example of that dynamic in recent days with the release of volume two of Benedict’s book Jesus of Nazareth (published in the United States by Ignatius Press.)

Excerpts released last week earned Benedict XVI positive ink for his acknowledgment that “the Jews” are not responsible for the death of Christ. As of today, the full text of Jesus of Nazareth: Holy Week is available, and it’s likely to cement the impression that Benedict XVI is his own best spokesperson.

In terms of news value, perhaps the biggest flash is another papal olive branch to Judaism: Not only should Christians not blame Jews for the death of Jesus, Benedict says, but Christians also shouldn’t be trying to convert them.

The book is drawing positive reviews not just from Catholics, but Protestants and Jews as well.

In a conference call with reporters organized by Ignatius Press, Protestant Biblical scholar Craig Evans called the second volume of Jesus of Nazareth “a remarkable achievement” and “the best book on Jesus I’ve read in many years.”

Rabbi Jacob Neusner, a prolific Jewish writer who’s engaged in scholarly exchange with the pope over a quarter-century, said Benedict has “accomplished something no one else has achieved in the modern study of scripture” -- demonstrating how the results of historical and scientific study can be blended with deep faith.

In that sense, Neusner said, the method underlying Jesus of Nazareth could be of use to Jews and Muslims in the way they approach their own scriptures and sacred figures, such as Moses and Muhammad, “transcending the limits that modern historical study places on theological affirmation.”

Biblical scholars will have to parse the fine points of Benedict's exegesis, and no doubt there will be some debate. Benjamin Witherington of Asbury Theological Seminary, for example, has already noted that Benedict's references tend to be a bit dated -- he engages writers from the first half of the 20th century more than from the last thirty years. (Though as Witherington said, "I realize he's been a little busy for the last thirty years.")

Beyond the pope’s comments on Judaism, the following represent a sampling of other interesting points from Jesus of Nazareth: Holy Week.

Ecumenism

Commenting on Jesus’ prayer in the Gospel of John that “they may all be one,” Benedict XVI insists on continuing the quest for “visible unity” among the divided branches of the Christian family.

“The struggle for the visible unity of the disciples of Jesus Christ remains an urgent task for Christians of all times and places,” Benedict writes.

“The invisible unity of the ‘community’ is not sufficient,” he writes. “Unity must be visible, it must be recognizable as something that does not exist elsewhere in the world; as something that is inexplicable on the basis of mankind’s own efforts and that therefore makes visible the workings of a higher power.”

There are at least two ways to read those lines, one of which could be seen as a challenge to other Christians, and the other as a plea not to give up ecumenical hope.

Benedict’s emphasis on the essentially “visible” character of Christian unity could be seen as an indirect rebuke to some Protestant understandings of the church, which tend to downplay institutions -- perhaps especially the hierarchical structures associated with Roman Catholicism.

Jesuit Fr. Joseph Fessio, a former student of Benedict XVI and the head of Ignatius Press, said that’s how he read the text, suggesting that Benedict is “using a scalpel that’s very sharp” in the way he subtly suggests that structures and institutions are essential.

On the other hand, Benedict’s words also could be read more simply, as an invitation not to throw in the towel on overcoming the various schisms and fractures which have marked Christian history. In a time of what many refer to as an ecumenical “winter,” in which hopes for structural unity seem to have dimmed, that kind of papal ferverino has value.

In addition, some Protestants say the pope’s keen interest in the Bible, and the way he approaches it, itself represents a promising ecumenical opening.

“I was astonished at how Protestant and Evangelical he sounds,” Evan said. “I wouldn’t hesitate to give this book to my students, and if it didn’t say ‘Pope Benedict’ on the cover, they might not even know it’s not a Protestant book.”

For Many/For All

Few questions of liturgical translation have been as contentious in recent years as the best way to render the Latin phrase pro multis in the words of consecration during the Mass. It occurs when the priest consecrates the wine, and in the present English translation, it’s translated as follows: “It will be shed for you and for all so that sins may be forgiven.”

Critics have long insisted that not only does multis in Latin clearly mean “many,” not “all,” but translating it as “many” is also theologically inaccurate, conveying the impression that everybody is saved regardless of their relationship with Christ and the church. Defenders insist that rendering it as “many” rather than “all” artificially truncates the scope of Christ’s mission, which is universal.

Because the critics often tend to be theologically conservative, and the defenders more liberal, the pro multis controversy easily gets swept up into the broader left/right tensions in the church. (It doesn’t help that the standard authority for the “all” position was a Lutheran scholar, Joachim Jeremias.)

The new English translation of the Missal uses “for many,” in accord with a 2006 Vatican directive.

In his book, Benedict briefly sketches the history of the debate during the 20th century, which has often pivoted on what the word “many” meant in the Old Testament, especially in the prophet Isaiah. He concludes that from a purely linguistic point of view, the modern word “many” is the correct translation.

Yet Benedict also suggests that decision has to be distinguished from the theological significance Christians attach to death of Jesus on the Cross.

“If Isaiah used the word ‘many’ to refer essentially to the totality of Israel,” he writes, “then as the church responds in faith to Jesus’ new use of the word, it becomes increasingly clear that he did indeed die for all.”

In other words, Benedict XVI effectively offers a “both/and” solution to the longstanding pro multis debate – “many” is the right translation, but “all” is a legitimate theological interpretation.

Church and State

Although Catholicism long upheld a tight union between throne and altar, the Second Vatican Council (1962-65) broke that mold in its declaration on religious freedom. Benedict XVI has become a great apostle of what he calls “healthy secularism,” borrowing the term from French President Nicolas Sarkozy, meaning a form of church/state separation that implies freedom for, not freedom from, religion.

Benedict indirectly returns to that theme in Jesus of Nazareth, arguing that the “essence” of the new path proposed by Jesus was “a separation of the religious from the political.”

That idea, Benedict said, “changed the world.”

“In his teaching and his whole ministry, Jesus had inaugurated a non-political Messianic kingdom and had begun to detach these two hitherto inseparable realities from one another.” Part of the core of Jesus’ message, Benedict writes, was the separation of “politics from faith, of God’s people from politics.”

Though those broad principles obviously leave tremendous scope for fleshing out the proper relationship between church and state, they at least confirm that Benedict’s broad support for “healthy secularism” remains undimmed. It’s an especially critical point for Catholics in the Middle East today, who are trying to help their Muslim neighbors see that a civil state can be both democratic and respectful of religion.

Women in the Church

Benedict makes a distinction toward the end of the book between two different ways in the New Testament of talking about the resurrection of Jesus and its significance, what he calls the “confessional tradition” and the “narrative tradition.” The former refers to short creedal formula, such as those found in the letters of Paul, while the latter are expressed in the post-resurrection stories in the synoptic gospels.

One interesting difference between the two, Benedict notes, is that all the witnesses cited in the confessional tradition are men, but in the narrative accounts women take precedence.

By way of explanation, Benedict says the narrative accounts do not feel bound by the “juridical structure” of the Jewish tradition, in which only men could testify in court, but instead “communicate the whole breadth of the resurrection experience.”

The pope applies that distinction to today’s church.

“The church’s juridical structure is founded on Peter and the Eleven,” he writes, “but in the day-to-day life of the Church it is the women who are constantly opening the door to the Lord and accompanying him to the Cross, and so it is they who come to experience the risen one.”

The practical translation of that point into church politics likely amounts to the following: No change on ordination, but a commitment to promoting women in all the roles within Catholicism that don’t require a Roman collar.

(Source: http://ncronline.org/blogs/ncr-today/new-book-confirms-benedict-xvi-his-own-best-spokesperson
 
In book, pope presents Jesus as reconciler, not political revolutionary
John Thavis
09:36 10/03/2011
VATICAN CITY (CNS) -- In his new volume on "Jesus of Nazareth," Pope Benedict XVI presents the passion and resurrection of Christ as history-changing events that answer humanity's unceasing need to be reconciled with God.

The 384-page book, titled "Jesus of Nazareth: Holy Week -- From the Entrance Into Jerusalem to the Resurrection," was officially released March 10. The pope had worked for several years on the text, the second in his series exploring the main events of Jesus' public ministry.

The Vatican said 1.2 million copies of the book had already been published in seven languages, and that an e-book version was also planned.

In a foreword, the pope said he did not set out to write another chronological "Life of Jesus," but instead to present the figure and message of "the real Jesus" -- not a political revolutionary and not a mere moralist, but the son of God who inaugurated a new path of salvation based on the power of love.

Through his sacrifice on the cross and his institution of the church, Jesus carried out a universal mission: "leading the world away from the condition of man's alienation from God and from himself." It's a mission that continues today, the pope wrote.

"Is it not the case that our need to be reconciled with God -- the silent, mysterious, seemingly absent and yet omnipresent God -- is the real problem of the whole of world history?" he said.

The book analyzes the key events of Jesus' final days, including the cleansing of the temple, the Last Supper, his betrayal, his interrogations before the Sanhedrin and Pontius Pilate, his crucifixion and his appearances to the disciples after his resurrection.

Throughout the text, Pope Benedict examines the scriptural interpretation of early church fathers and contemporary scholars, rejecting some arguments and affirming or elaborating on others. Prominently cited was Rudolf Bultmann, the late 20th-century German Protestant scholar of the New Testament.

The pope said it was important to understand that the events recounted in the Scriptures are historically grounded and actually occurred and are not simply stories or ideas. For example, he said, if Jesus did not actually give his disciples bread and wine as his body and blood at the Last Supper, then "the church's eucharistic celebration is empty -- a pious fiction."

Likewise, he said, Christ's actual resurrection from the dead is foundational for the church. Without it, he said, "Christian faith itself would be dead."

At the same time, he acknowledged that the historical record about Jesus is not always complete and said that "if the certainty of faith were dependent upon scientific-historical verification alone, it would always remain open to revision." He took issue with the "historical Jesus" movement in scriptural scholarship, saying it has "focused too much on the past for it to make possible a personal relationship with Jesus."

The pope took critical aim at scholars who have interpreted Christ's passion in political terms and sought to portray Jesus as a "political agitator." On the contrary, the pope wrote, Jesus inaugurated a "nonpolitical Messianic kingdom" in a world where the political and the religious had been inseparable.

"This separation -- essential to Jesus' message -- of politics from faith, of God's people from politics, was ultimately possible only through the cross. Only through the total loss of all external power, through the radical stripping away that led to the cross, could this new world come into being," he said.

The pope said that "violent revolution, killing others in God's name" was not Jesus' way.

"He does not come bearing the sword of the revolutionary. He comes with the gift of healing," he said.

The book generally steered clear of commentary on contemporary issues, but on the issue of nonviolence, the pope added that "the cruel consequences of religiously motivated violence are only too evident to us all."

"Vengeance does not build up the kingdom of God, the kingdom of humanity. On the contrary, it is a favorite instrument of the Antichrist, however idealistic its religious motivation may be. It serves not humanity but inhumanity," he said.

Previously released excerpts from the book emphasized that Jesus' condemnation and death cannot be blamed on the Jewish people as a whole. The same chapter said Jesus' trial before the Roman authorities raised the question -- which is still being asked today -- of whether politics can accept "truth" as anything but a subjective reality.

The book's final chapter examines the resurrection from the dead as "the crucial point" of Jesus' life. Without the resurrection, the pope said, Jesus would be merely "a failed religious leader."

The pope said some of the strongest evidence for the authenticity of the resurrection was to be found in the Scripture accounts of the disciples' encounters with the risen Christ. Jesus is presented as being present physically, yet not bound by physical laws, and is not immediately recognized. All of this is presented "clumsily" in the Gospel narratives, which make them all the more credible, reflecting the disciples' genuine amazement, he said.

"It is important that the encounters with the risen Lord are not just interior events or mystical experiences -- they are real encounters with the living one who is now embodied in a new way," he said.

After his resurrection, Jesus was not a "ghost" or a mere "resuscitated corpse," but one who has entered a new life in the power of God, the pope said. This comes through clearly in the Gospel accounts, he said.

The pope then asks whether modern men and women can put their faith in such testimony. "'Enlightened' thinking would say no," he said. Science would seem to rule it out -- but science has its limits, he said.

In fact, he said, the resurrection does not contradict science but speaks of something outside our world of experience, a further dimension. He then posed a series of questions to underline that a "new dimension of reality" should not be rejected out of hand by modern thinking.

"Is not creation actually waiting for this last and highest 'evolutionary leap,' for the union of the finite with the infinite, for the union of man and God, for the conquest of death?" he said.

In essence, he said, Jesus' resurrection made that leap, "creating for all of us a new space of life, a new space of being in union with God." As such, the Resurrection was an event that broke out of history yet "left a footprint within history," he said.

In a brief epilogue, the pope looked at the ascension of Christ into heaven, a concept that may be difficult for people to understand, he said. With the ascension, Jesus' presence with God is not "spatial" but divine.

"The departing Jesus does not make his way to some distant star," he wrote. "Ascension does not mean departure into a remote region of the cosmos."

In joining God his father, Jesus "has not gone away but remains close to us," accessible throughout history and in every place, the pope said.

Christians believe that Christ will return and restore justice in a final triumph of love, he said. In the meantime, what is required of Christians is vigilance -- which means, first of all, "openness to the good, to the truth, to God, in the midst of an often meaningless world and in the midst of the power of evil," he said.

(Source: http://www.catholicnews.com/data/stories/cns/1100961.htm)
 
Pope’s new book to be released in electronic format
EWTN News
14:41 10/03/2011
Rome, Italy, Mar 9, 2011 / 03:06 pm (CNA/EWTN News).- The new book by Pope Benedict XVI, “Jesus of Nazareth. From the Entrance into Jerusalem to the Resurrection,” will soon be available in electronic format, the director of the Vatican’s Liberia Editrice, Giuseppe Costa, announced March 9.

Costa, who handles the publishing of the Pope's books, spoke on March 9 with reporter Giulia Galeotti of L’Osservatore Romano. Costa explained that the process of publishing the Pope's second of three books on Christ began “almost a year ago.” At the time, “Msgr. Georg Ganswein (the Pope’s personal secretary) handed me a notebook full of notes: the Pope had written the text completely in pencil, in his unmistakably small handwriting, which. .. was transcribed onto a computer by Brigit Wansing,” he said.

Speaking later about the difficulty of the translations, Costa remarked that since the Pope's books are translated by various people, “the challenge has been to find a consistency of language.”

“It’s also necessary to avoid the risk that the translations fail to preserve or even betray the author’s thinking. Fidelity to the original text has been ensured with attention and effort by the translators of the Secretary of State.”

Costa said there has been greater interest in the Pope’s second book on Jesus and that agreements have been reached with 22 publishers around the world. “In the U.S., Ignatius Press was the best choice, despite offers from Doubleday and Our Sunday Visitor. The French edition will be published by Parole et Silence, a company that is growing and is very committed to the papal magisterium, and the Spanish edition will be published by Encuentro.”

In selecting these companies, Costa said, “We chose publishers capable of promoting not only the book itself but also its content.”

On March 10, seven editions will officially hit the market: German, Italian, English, French, Spanish, Portuguese and Polish, totaling over one million copies. A Croatian edition will be released at the end of March. In some languages, such as English, an e-book version already exists. The second volume will soon be available as an e-reader.

Costa noted that in the preface of the new book, “the Pope himself announces a third volume dedicated to the infancy narratives of the Gospel. We are already contemplating the idea of publishing the three volumes as a single tome. We are convinced this new book by Benedict XVI will be a long seller, and we will be promoting it through presentations, conferences and other initiatives.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đưa sách về phố biển
Hồng Hương
09:08 10/03/2011
“Ngày tháng cho chúng ta kinh nghiệm, sách cho chúng ta kiến thức” (Hugô). Dòng chữ nổi bật trên tường căn phòng thư viện nhỏ xinh nằm trong khuôn viên giáo xứ Vinh Tân, hạt Hàm Tân, GP Phan Thiết cũng chính là mục đích của cha sở và cộng đoàn khi lập ra phòng đọc sách này. Được tổ chức bài bản theo qui trình của một thư viện thu nhỏ, phòng đọc sách Vinh Tân trở thành nơi thu hút tất cả các giới trong giáo xứ.

Xem hình ảnh

Sáng kiến của vị linh mục

Một nơi yên tĩnh trong khuôn viên nhà thờ dành cho những người yêu sách. Trên các dãy ghế là những mái đầu nghiêng nghiêng chăm chú đọc sách. Kia là người thủ thư nhỏ nhẹ trao đổi và tìm sách cho bạn đọc. Tôi khá bất ngờ và thích thú vì bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của thời sinh viên cặm cụi với sách vở nơi thư viện Tổng hợp ngày nào của mình.

Thư viện giáo xứ Vinh Tân chính thức đi vào hoạt động phục vụ bà con ngày 1.11.2010. Đây là sáng kiến của cha xứ GB. Hoàng Văn Khanh. Ý tưởng lập một thư viện nhỏ tạo một không gian giải trí vừa tao nhã, vừa tăng kiến thức nâng cao hiểu biết và nhất là đưa văn hóa đọc sách về cho bà con vùng biển được cha chia sẻ với HĐMV và cộng đoàn. Nhận thấy đây là một việc làm có ý nghĩa và ích lợi cho mọi người, nhất là lớp thanh thiếu niên nên giáo xứ nhiệt tình hưởng ứng. Kinh phí dự tính khoảng 100 triệu đồng dùng cho việc sửa sang phòng ốc, mua sách, băng đĩa và các trang thiết bị phục vụ việc quản lý thư viện. Giáo xứ đóng góp 50.000đ/1 hộ, phần còn thiếu do cha sở tài trợ.

Đi vào hoạt động, thư viện Vinh Tân khá thành công trong việc thu hút bạn đọc mọi lứa tuổi không phân biệt lương giáo. Chú thủ thư Phêrô Trần Văn Nhung cho biết, có những giờ cao điểm, thư viện phục vụ đến 150 bạn đọc. Còn trung bình khoảng 200 lượt/ngày. Thứ bảy, Chúa Nhật đông hơn khoảng 300 - 400 lượt. Thư viện phục vụ 3 ca. Sáng từ 7g30 – 10g30, chiều từ 14g30 – 16g30, tối từ 19g – 20g15. Chú Nhung phụ trách chính thư viện trong suốt tuần, những lúc cao điểm thì có các anh chị Huynh trưởng giúp cho mượn sách. Tủ sách khá phong phú với gần 2.000 đầu sách được đánh mã số và sắp xếp theo từng thể loại như Khoa học thường thức, Văn học, Giáo dục nhân bản, Sức Khỏe & Đời sống, truyện tranh. v.v. Bạn đọc tìm sách trên sổ mục lục, ghi phiếu mượn sách gởi cho thủ thư, sau đó chờ nhận sách về chỗ đọc. Hiện thư viện chỉ phục vụ bạn đọc tại chỗ, trong tương lai sẽ cho mượn sách về nhà.

Đến những kết quả tích cực

Bà Trần Thị Đính, 65 tuổi, và cô cháu gái đang chăm chú đọc chung câu chuyện tranh trên một trang báo, bà khe khẽ đọc và chỉ cho cháu đọc theo từng chữ. Bà cho biết thường đi lễ, đọc kinh xong thì tranh thủ vô thư viện đọc báo một lúc. Bà nói phải đọc để biết đám trẻ bây giờ suy nghĩ và thích làm gì để có thể hiểu con cháu phần nào. Và nhất là học hỏi thêm nhiều cái mới của cuộc sống.

Nhóm 3 bạn gái Thu Hồng – Nhi – Hằng thì lại thích đọc truyện thiếu nhi và các thánh, các bạn cho biết tuần 2 lần vào đọc sách vào những ngày nghỉ học. Bạn Nguyễn Trường Đông, lớp 12, thì thường xuyên đến với phòng đọc vào những giờ rảnh. Đông cho biết từ khi có thư viện, các bạn ở giáo xứ bớt đi chơi vào buổi tối mà đến đây đọc sách. Đông nói: “Ở miền biển, chẳng có gì giải trí ngoài tắm biển. Sách báo hiếm lắm và mắc tiền nên Đông và các bạn thích đến đây! Đầu tiên chưa quen, nhưng bây giờ thì “nghiền” đến thư viện vì có nhiều loại sách để tham khảo, vừa tăng kiến thức vừa giải trí”.

Thầy Trần Văn Hiên, Trưởng ban Giáo lý Vinh Tân, phấn khởi cho biết kết quả tích cực thấy rõ nhất là từ khi phòng đọc đi vào phục vụ thì các em thiếu nhi trong xứ bớt đi chơi lêu lổng ở bên ngoài mà tập trung vào thư viện đọc sách vào ngày nghỉ, nhất là các buổi tối. Không chỉ thiếu nhi, thanh niên mà nhiều ông bà lớn tuổi cũng thường xuyên lui tới thư viện đọc sách báo.

Cha quản xứ cho biết thư viện không chỉ dừng lại ở việc phục vụ đọc sách, trong thời gian sắp tới sẽ giới thiệu và hướng dẫn những bộ phim nổi tiếng, chất lượng đến bà con. .. Thư viện sẽ liên tục cập nhật thêm các đầu sách và tổ chức giới thiệu sách hay có giá trị tới độc giả.

Trên đường về, bạn tôi cứ tấm tắc khen mãi về mô hình tổ chức thư viện giáo xứ Vinh Tân. Anh bảo phải chi các giáo xứ cũng phát triển được mô hình này giúp cho bà con có điều kiện nâng cao kiến thức, nhất là góp phần định hướng và giáo dục cho thanh thiếu niên giữa những giải trí thiếu lành mạnh hiện nay vì “Được đọc những cuốn sách hay giống như được đàm đạo với hiền nhân của các thế kỉ đã qua” (Descartes).
 
Á Châu: Giáo Hội tập trung vào truyền thống của Mùa Chay
Tiền Hô
11:20 10/03/2011
Á Châu, 9 Tháng Ba 201 - Giáo Hội tại Á Châu đang tập trung vào việc thực hành truyền thống của Mùa Chay: cầu nguyện, ăn chay, hãm mình và làm các việc lành bác ái, bắt đầu ngày hôm nay - Thứ Tư Lễ Tro.

Giáo hội Á Châu đã đáp ứng được phần lớn nội dung Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI bàn về ba điểm nổi bật của Mùa Chay: cầu nguyện, ăn chay và bố thí. "Qua việc gặp gỡ cá nhân với Đấng Cứu chuộc và qua việc ăn chay, làm phúc giúp người nghèo và cầu nguyện, cuộc hành trình hoán cải hướng đến lễ Phục sinh sẽ giúp chúng ta tái khám phá ý nghĩa của bí tích Thánh tẩy mình đã lãnh nhận", ngài nói trong Sứ điệp Mùa Chay 2011 của mình.

Mùa Chay hàng năm nhằm giúp nâng cao nhận thức cũng như tạo kinh phí để chống lại nghèo đói và bất công trên toàn thế giới, bằng cách cung cấp các cộng đoàn công cụ để biến đổi cuộc sống xung quanh họ.

Mùa Chay dựa trên 40 ngày Chúa Giêsu ăn chay trong sa mạc để chuẩn bị cho sứ vụ của Ngài, bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro; và theo truyền thống, đây là một thời gian dành cho các Kitô hữu thống hối để chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh.

Phi Luật Tân:

Ở Phi Luật Tân - quốc gia Công Giáo tại Á Châu, ĐHY Gaudencio Rosales - tổng giám mục Manila đã khuyến khích người Công Giáo kiêng giảm các bữa ăn, và đem những gì họ tiết kiệm được từ việc ăn chay đóng góp vào chương trình phục vụ các bữa ăn cho người nghèo của Giáo Hội, sẽ được khai trương vào Thứ Tư Lễ Tro tại các giáo phận trong toàn quốc.

Hồng Kông:

"Bác ái và mang đến cho họ niềm hy vọng" là chủ đề của chiến dịch Mùa Chay năm nay tại Hồng Kông. Giáo hội Công giáo ở đây đang nỗ lực ghi dấu cho giới trẻ sự phục vụ và hy sinh trong Mùa Chay này. Hầu hết các hoạt động Mùa Chay của giáo phận đều hướng về phía học sinh, sinh viên. Một loạt các hoạt động như: trẻ em thì được khuyến khíc nuôi heo đất (hủ bít) để tiết kiệm tiền ăn vặt, người Công giáo và học sinh các trường đạo thì được khuyến khích tham gia vào các hoạt động theo chủ đề của ngày như: ăn trưa chay, không uống nước ngọt, không xem truyền hình, không chơi các trò chơi giải trí và không dùng có túi nilông.

Nam Dương:

Tổng giáo phận Jakarta đã đi đầu để thúc đẩy một chiến dịch toàn quốc với chủ đề: "Hãy để chúng tôi cùng nhau làm việc trong cuộc chiến chống đói nghèo". Cha Dòng Tên Yusuf Edi - Chủ tịch Ủy ban Phát triển kinh tế xã hội của tổng giáo phận này nói, "Thực ra, chủ đề này đã được chọn vào Mùa Chay năm ngoái. Tuy nhiên, người Công giáo vẫn muốn giữ nó, vì họ nghĩ rằng nó vẫn còn có liên quan đến năm nay", Mục đích chính của việc gây quỹ Mùa Chay không phải là để thu tiền của người Công giáo, nhưng để khuyến khích họ làm việc cùng nhau trong việc giúp đỡ người nghèo, cha nói thêm.

Miến Điện:

Giáo Hội tại Miến Điện dự định sẽ thực hiện "phát triển con người toàn diện trong bác ái và sự thật". Nhân viên xã hội từ Karuna - tên gọi của Caritas địa phương - có các giáo lý viên được đào tạo, các linh mục và nữ tu để giúp đỡ trong các dự án của giáo phận để "phát triển con người" trong Mùa Chay.

Nam Hàn:

Người Công Giáo chiếm khoảng 10% dân số của Nam Hàn, "Hãy chia sẻ những gì chúng ta có" là chủ đề Mùa Chay được Caritas địa phương đề xuất từ năm 1977. Cơ quan truyền thông xã hội Công giáo đã phân phát các bích chương và sứ điệp Mùa Chay của Đức Giáo Hoàng đến cho tất cả các giáo phận, đề nghị họ chuẩn bị các hoạt động khác nhau để giúp cho người Công giáo hiểu ý nghĩa về sự thống hối của mùa này. Họ còn phát một "con heo đất" (hủ bít) cho tất cả các gia đình Công giáo vào hôm Thứ Tư Lễ Tro, kêu gọi họ tiết kiệm từ những thứ nhỏ như là hy sinh một chén rượu, cà phê, thuốc lá, hoặc đi đến những nơi gần nhà mình để nhớ lại những người hàng xóm nghèo khổ của họ. Nguồn tiết kiệm này sẽ được sử dụng để giúp đỡ người nghèo khổ và thiệt thòi.

Pakistan:

Giáo hội Công giáo tại Pakistan - thông qua các Caritas cấp giáo phận - đang gửi các phong bì Mùa Chay đến các giáo xứ để gây quỹ cho các công trình bác ái. Điển hình là Caritas tại Karachi, họ đã kêu gọi mỗi người Công giáo trong tổng giáo phận đóng góp ít nhất là một rupee (nhỏ hơn một đồng xu Mỹ Kim). "Hỗ trợ người nghèo" là chủ đề quốc gia cho chiến dịch Mùa Chay năm nay. "Thông qua sự đóng góp ít, chúng tôi đang hướng tới sự tham gia nhiều hơn. Sự tham gia của mỗi cá nhân sẽ giúp lay động lòng trắc ẩn", ông Riaz Nawab - điều phối viên của Caritas Pakistan cho biết về chiến dịch gây quỹ Mùa Chay. Số tiền thu được sẽ giúp trẻ mồ côi, góa phụ và người nghèo.

Nepal:

Tại Nepal quá, người ta phát các phong bì với lời đề nghị đặc biệt trong Mùa Chay để giúp đỡ người nghèo đang được cưu mang trong các nhà thờ. Đặc biệt các giáo xứ cổ võ tôn sùng Thánh Thể và tổ chức cầu nguyện và đi Đàng Thánh Giá ngoài trời vào mỗi ngày Thứ Sáu trong Mùa Chay. Một số giáo xứ như Ishalaya tại Kathmandu, sẽ tổ chức một cuộc nói chuyện đặc biệt hàng tuần về Mùa Chay, và linh mục dành thời gian mỗi ngày để ngồi tòa giải tội. Sứ điệp Mùa Chay của Đức Giáo Hoàng cũng đang được lưu hành khắp các giáo xứ ở Nepal.

Bangladesh:

Đối với Giáo hội tại Bangladesh, "Bình an bắt đầu từ trong gia đình" là chủ đề cho Mùa Chay 2011. Caritas tại đây có chiến dịch tiếp nhận tiền lương một ngày công của từng nhân viên của mình, cũng như từ người Công giáo trên cả nước để phân phát đến các người nghèo. Caritas thực hiện các tờ rơi, tạp chí nhằm quảng bá cho chiến dịch này, để làm nổi bật "nền văn hóa cho đi".

Tích Lan:

Hội đồng Giám mục Tích Lan đã chọn câu: "Đức Kitô là Hy vọng của chúng ta" làm chủ đề của Mùa Chay năm nay. Họ tập trung vào việc giúp đỡ người bị ruồng bỏ, vô gia cư, góa phụ và trẻ mồ côi. Một tập sách đã xuất bản với những chủ đề đặc biệt từ Thứ Tư Lễ Tro đến Chúa Nhật Phục Sinh.

Việt Nam:

O83 TGP Saigòn, ĐHY Phậm Minh Mẫn kêu gọi giới trẻ trong Mùa Chay: "Hằng ngày lắng nghe Lời Chúa yêu thương dạy dỗ, và suy gẫm những biến cố cùng những sự cố trong cuộc đời của Chúa, đặc biệt những cuộc gặp gỡ, những hành vi của Chúa qua bốn chặng đường tình yêu, là phương thế giúp người trẻ gặp gỡ Chúa, và bước theo Chúa trên từng chặng đường Ngài đã đi qua". Tại giáo phận Mỹ Tho, GM Bùi Văn Đọc viết: "... Đời sống đức tin của nhiều người Công giáo Việt Nam dễ bị chao đảo trước thời cuộc, trước những khó khăn và thử thách của thời đại. Đời sống đạo của nhiều thanh niên thiếu nữ bị “xói mòn” bởi những lôi cuốn của danh lợi thú. Trước trào lưu “tục hóa” rất mạnh mẽ và đáng sợ của thế giới hôm nay, liệu đức tin của nhiều người có đứng vững được chăng?". Hầu hết các Giám mục các giáo phận Việt Nam đều có Thư Mùa Chay kêu gọi canh tân đời sống và đào sâu đời sống đạo đức trong Mùa Chay.
 
Hưng Hóa chia tay ĐC Antôn Chương và chào mừng Tân Giám Mục chính tòa giáo phận
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
11:31 10/03/2011
SƠN TÂY - Hôm nay, ngày 08.03.2011, theo sự sắp xếp của Tòa Giám mục, quí cha và quí đại diện các Giáo hạt: Lào Cai, Đông Nam Phú Thọ và Hà Tuyên Hùng đến chia tay cùng Đức cha Antôn và chúc mừng Đức cha Gioan Maria tại Nhà chung Sơn Tây.

Như chúng ta biết, ngày 01.03.2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 đã bổ nhiệm Đức cha Antôn Vũ Huy Chương làm Giám mục chính tòa Giáo phận Đà Lạt và Đức cha Gioan Maria Vũ Tất làm Giám mục chính tòa Giáo phận Hưng Hóa. Đây là tin vừa vui nhưng vừa buồn đối với Giáo phận Hưng Hóa. Nhưng dù sao, tất cả mọi thành phần dân Chúa đều tin vào sự quan phòng và sắp đặt của Thiên Chúa Tình Yêu.

Đúng 9g, quí cha và quí đại diện các Giáo hạt có mặt đầy đủ trong nhà khách Tòa Giám Mục cùng với hai Đức cha. Trong bầu khí rất thân mật và ấm áp tình gia đình, cha Micae Nguyễn Tiến Quang giới thiệu cha Antôn Cao Trung Trực, quản hạt giáo hạt Đông Nam Phú Thọ thay mặt các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân của 03 Giáo hạt có lời cám ơn Đức cha Antôn đã hết lòng với Giáo phận trong suốt 7 năm qua, và chúc mừng Đức cha Gioan Maria trong cương vị chủ chăn mới.

Cũng trong bầu khí thân mật đó, Đức cha Antôn cám ơn quí cha và quí đại diện cho các Giáo hạt đã nhiệt tình cộng tác với ngài trong 07 năm qua và hôm nay cũng có mặt nơi đây để chia tay. Ngài cũng chia sẻ cảm xúc của mình khi nhận được tin Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám mục Đà Lạt: “Tôi xin vâng trong mọi hoàn cảnh. Tôi chọn Chúa chứ không chọn nơi chốn. Khi làm linh mục thì tôi khấn hứa vâng lời Giám mục. Khi làm Giám mục, tôi khấn hứa vâng lời Đức Giáo hoàng. Vì thế, khi biết tin Đức Giáo hoàng bổ nhiệm tôi làm Giám mục Đà Lạt, tôi xin vâng phục”. Ngài cũng căn dặn quí cha và mọi thành phần dân Chúa hãy cầu nguyện và cộng tác với Đức cha Gioan Vũ Tất trong cương vị mới. Ngài nói: “Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn và vất vả mà tôi đã gánh vác 7 năm qua nên anh chị em hãy cầu nguyện và cộng tác với ngài như đã cầu nguyện và cộng tác với tôi”.

Đúng 10g, Đức cha Antôn, Đức cha Gioan Maria, quí cha đã dâng Thánh lễ đồng tế tại nhà thờ Sơn Tây để tạ ơn Thiên Chúa vì những gì Ngài đã thương ban cho Giáo phận. Tham dự Thánh lễ còn có quí Dì Hội dòng mến Thánh Giá Hưng Hóa và một số giáo dân thuộc giáo xứ Sơn Tây.

Cha Piô Ngô Phúc Hậu đã chia sẻ rất ý nghĩa trong Thánh lễ về tình yêu mà Chúa đã dành cho các Tông đồ, Giám mục đầu tiên. Ngài nói: “Chúa Giêsu đã chọn các Giám mục cho dù các ông còn nhiều khuyết điểm nhưng Chúa vẫn chọn và đào tạo”.

Buổi chia tay được kết thúc bằng bữa cơm thân mật tại nhà cơm Tòa Giám Mục. Sau đó, quí cha và các vị đại diện cho các giáo xứ, giáo hạt về nhiệm sở của mình để chuẩn bị Lễ Tro, khai mạc Mùa Chay Thánh năm 2011.
 
Giáo sĩ và giáo dân đồng hành trong giáo xứ (1)
Hà minh Thảo
11:36 10/03/2011
GIÁO SĨ VÀ GIÁO DÂN ĐỒNG HÀNH TRONG GIÁO XỨ

Thật chính đáng để chúng ta hân hoan và tạ ơn Thiên Chúa về sự hợp tác, đa dạng và tốt đẹp, giữa giáo sĩ và giáo dân trong Giáo xứ, Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ. Đây thật là một trong những thành quả chính yếu do sự cố gắng áp dụng các hướng dẫn của Công đồng Vatican II.

‘Ơn gọi và Sứ mạng người giáo dân trong thế giới’ đã được Công đồng Vatican II đề cập đến trong bốn văn kiện:
- Hiến chế ‘Ánh Sáng Muôn Dân’ (Lumen Gentium) về Giáo hội đã dành chương IV để nói về căn bản thần học của vị trí người giáo dân trong Giáo hội.
- Hiến chế ‘Vui Mừng và Hy Vọng’ (Gaudium et Spes) đề cập đến mối tương quan mật thiết giữa Giáo hội và trần thế, trình bày ơn gọi và nghĩa vụ muôn mặt của người giáo dân giữa cộng đồng nhân loại.
- Hai Sắc lệnh ‘Hoạt động truyền giáo của Giáo hội’ (Ad Gentes) và ‘Tông đồ giáo dân’ (Apostolicam Actuositatem) nói về bổn phận truyền giáo của người giáo dân.

Từ những tư tưởng chứa đựng trong 4 văn kiện này, Thượng Hội đồng Giám mục năm 1987 đã nghiên cứu sâu rộng hơn nhờ kinh nghiệm mục vụ sau 20 năm sau Công đồng Vatican II. Sau đó, ngày 30.12.1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ký ban hành Tông huấn ‘Người Tín Hữu Giáo Dân’ để trình bày một cách rõ ràng những ý nghĩ và quyết định của các Nghị phụ tham dự Thượng Hội đồng Giám mục.

Thêm vào đó, chúng ta cũng tra cứu Bộ Giáo Luật hiện hành đã được Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.01.1983 do Tông Hiến ‘Sacrae Disciplinae Leges’.

I.- CÁC DANH TỪ.

A.- Giáo xứ.


Điều 374 Giáo Luật ngày 25.01.1983 qui định:

(1) Tất cả các Giáo phận hoặc Giáo hội địa phương nào khác đều phải được phân chia ra thành nhiều phần riêng biệt hoặc Giáo xứ.
(2) Để cổ võ việc săn sóc mục vụ bằng hoạt động chung, nhiều Giáo xứ lân cận gần nhau có thể hợp lại thành những hợp đoàn địa phương, tỉ như các Giáo hạt.

Điều 515 Giáo Luật định nghĩa:

(1) Giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu được thiết lập cách bền vững ở trong Giáo hội địa phương, và việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho Cha Sở làm chủ chăn riêng, dưới quyền của Giám mục Giáo phận.
(2) Chỉ duy có Giám mục Giáo phận có quyền thành lập, giải tán hoặc thay đổi các Giáo xứ; tuy nhiên Người không nên thành lập, giải tán hoặc thay đổi một cách đáng kể các Giáo xứ mà không tham khảo ý kiến Hội đồng Linh mục.
(3) Một khi đã được thành lập hợp lệ, Giáo xứ đương nhiên được hưởng tính cách pháp nhân theo luật.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh ơn gọi của Giáo xứ là biểu hiện sự gần gũi của Giáo hội: « Giáo xứ như Giáo hội, tự mình sống giữa con cái nam nữ của mình. Nếu Giáo xứ xen vào giữa những căn nhà của tha nhân, giáo xứ sống và tác động trong lòng xã hội loài người và liên đới thâm sâu với các ước vọng và thảm kịch của nó… Giáo xứ phải là căn nhà mở rộng đón tiếp mọi người, hay như Đức Gioan XXIII thường nói là ‘giếng nước của thôn xóm’ để mọi người đến giải khát. » (Ơn gọi và Sứ mệnh của người giáo dân, số 26 và 27).

Điều 518 Giáo Luật qui định: « Theo luật chung, Giáo xứ phải có tính cách tòng thổ, nghĩa là bao gồm tất cả các tín hữu thuộc một địa sở nhất định; tuy nhiên ở đâu thấy thuận lợi, cũng có thể thiết lập các Giáo xứ tòng nhân xét vì lý do lễ điển, ngôn ngữ, quốc tịch của các tín hữu thuộc về một lãnh thổ hay kể cả vì một lý do nào khác. »

Do đó, tại Việt Nam, chúng ta chỉ thấy những Giáo xứ tòng thổ và được thiết lập cách bền vững ở trong Giáo hội Quê Hương. Hiện nay, trên thế giới, nhiều Giáo xứ tòng nhân người Việt cũng đã được Giáo Quyền địa phương công nhận vì được thiết lập cách bền vững trong Giáo phận. Nhờ tính cách này, Linh mục và giáo dân Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại hải ngoại được phép dâng Thánh Lễ và cử hành các Bí tích bằng tiếng Việt, theo Nghi thức Phụng Vụ đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn như tại các Giáo xứ tòng thổ tại Quê Hương.

B.- Tín hữu.

Điều 518 Giáo Luật đề cập Giáo xứ bao gồm tất cả các tín hữu. Nhưng ai là ‘Tín hữu’ ?

Danh từ tín hữu được Bộ Giáo Luật ngày 25.01.1983 định nghĩa nơi điều 204:
(1) Các tín hữu là những người, nhờ phép Rửa Tội, được hiệp thân với Đức Kitô, kết thành dân của Chúa và do đó, họ tham dự theo cách thế riêng vào chức vụ tư tế, sứ ngôn và vương giả của Đức Kitô. Theo điều kiện của mỗi người, họ được kêu gọi thực hành sứ mệnh mà Thiên Chúa đã giao phó cho Giáo hội chu toàn trong thế giới.
(2) Giáo hội này, được thiết lập và tổ chức như một xã hội ở trong thế giới, tồn tại trong Giáo hội Công Giáo, được cai quản do người kế vị Thánh Phêrô và do các Giám mục hiệp thông với Người.

Như vậy, tất cả mọi thành phần của Giáo hội là Dân Chúa, là nhiệm thể của Đức Kitô, từ Đức Giáo Hoàng, các Hồng Y, Đức Cha, Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân đều là tín hữu, là những người tin vào Đức Kitô.

Phép Rửa Tội, bí tích Đức Tin, dã tái sinh chúng ta trong sự sống con Chúa, kết hợp chúng ta với Chúa Giêsu Kitô, với thân thể Ngài là Giáo hội, xức dầu cho chúng ta trong Chúa Thánh Thần bằng cách làm cho chúng ta trợ nên những đền thờ thiêng liêng.

C.- Tín hữu Giáo dân.

Khi ra khỏi giếng nước Rửa Tội, mỗi người Kitô hữu đều được nghe tiếng đã phán trước kia trên bờ sông Giođanô: « Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con. » (Lc 3:22). Khi đó, người tín hữu đều chỉ là tín hữu giáo dân. Sau đó, người tín hữu có thể sống nghĩa vụ theo Ơn Gọi Chúa đã tuyển định: giáo sĩ hay giáo dân.

Bộ Giáo Luật trong điều 207, khoản 1 phân biệt tín hữu giáo dân với giáo sĩ và tu sĩ như sau: « Do sự thiết lập của Thiên Chúa, giữa các tín hữu trong Giáo hội, có các thừa tác viên có chức thánh, trong luật được gọi là các Giáo Sĩ; còn các người khác được gọi là Giáo Dân. »

Khoản 2 của điều luật trên phân biệt giáo dân với tu sĩ như sau: « Trong cả hai thành phần vừa nói, có những tín hữu tận hiến cho Thiên Chúa một cách đặc biệt và đóng góp vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo hội bằng việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm qua lời khấn hoặc qua mối giây ràng buộc thánh thiện khác, được Giáo hội công nhận và phê chuẩn. Hàng ngũ của họ tuy không thuộc về cơ cấu phẩm trật của Giáo hội, nhưng thực sự thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Giáo hội. »

Như vậy:
- Giáo sĩ là người tín hữu có chức thánh như Phó tế, Linh mục và Giám mục hay giáo sĩ thừa tác. Nhưng chỉ có Linh mục và Giám mục được gọi là tư tế vì có chức tư tế thừa tác và được quyền tế lễ (chủ tọa Thánh Lễ). Phó tế là thừa tác viên được truyền chức thánh để lo công tác phục vụ trong Giáo hội.

- Tu sĩ là người tín hữu nam nữ đã quảng đại đáp lời mời gọi của Chúa để tự nguyện khấn và sống ba lời khuyên Phúc Âm (khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục) hoặc có giây ràng buộc thánh thiện khác được Giáo Hội công nhận và phê chuẩn. Đây là bậc sống thánh hiến dành cho những người có ơn gọi sống những linh đạo hay đặc sủng đặc biệt của nhiều Dòng Tu hay Tu Hội khác nhau.
- Giáo dân được Bộ Giáo Luật định nghĩa theo tinh thần Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội ‘Ánh Sáng Muôn Dân’ số 31, như sau: « Danh hiệu giáo dân, có nghĩa là tất cả các Kitô hữu không thuộc thành phần chức thánh, hay bậc tu trì được Giáo hội công nhận, nghĩa là các Kitô hữu đã được phép Rửa Tội sáp nhập vào thân thể Chúa Kitô, được nhập tịch Dân Chúa, được trở thành người tham gia, theo cách của mình, vào chức vụ tư tế, chức vụ rao giảng Lời Chúa, và chức vụ vương giả của Chúa Kitô, là những người thi hành sứ mệnh của toàn dân Kitô hữu trong Giáo hội và giữa trần thế theo nhiệm riêng của mình. »

a. Chức vụ người tín hữu giáo dân.

Nếu Đức Kitô là đầu Nhiệm Thể của Ngài là Hội Thánh, thì người tín hữu giáo dân thuộc về nhiệm thể ấy được thông phần vào chức vụ chính của Ngài là:

1. Chức vụ tư tế.

Người tín hữu giáo dân thông phần vào chức vụ tư tế của Đức Kitô như Hiến Chế về Giáo hội quả quyết trong số 34: « Chúa Giêsu Kitô thượng tế vĩnh cửu… những người đã được Ngài cho tham dự mật thiết vào sự sống và sứ mệnh Ngài, Ngài cũng cho họ dự phần vào chức vụ tư tế để thực hàng việc phụng tự thiêng liêng hầu tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi loài người. Bởi thế, giáo dân đã được thánh hiến cho Chúa Kitô và được Thánh Thần xức dầu, nên hô được mời gọi và được ban ơn cách lạ lùng để Thánh Thần sinh hoa trái nơi họ ngày càng phong phú hơn… »

Như vậy đời sống gia đình, đời sống xã hội người tín hữu giáo dân vời tất cả vui buồn, sướng cực, thành công thất bại… nếu họ biết nhận lãnh trong tinh thần Chúa Kitô thì tất cả sẽ trở nên của lễ làm vinh danh Thiên Chúa hiệp với lễ của Đức Kitô là chính mình Ngài đã được hy tế trên Thánh Giá và hằng ngày dâng lại trong Thánh Lễ.

2. Chức vụ Rao giảng Lời Chúa.

Người tín hữu giáo dân nhận lãnh chức vụ này cũng từ Chúa Kitô, như Công Đồng Vatican II quả quyết: « Chúa Kitô vị Ngôn sứ cao cả, Đấng đã dùng chứng tích đời sống và sức mạnh của lời nói để công bố vương quốc của Cha… Ngài chu toàn chức vụ Ngôn sứ cho đến lúc vinh hiển Ngài được biểu lộ trọn vẹn. Ngài chu toàn chức vụ đó không những nhờ hàng Giáo phẩm là những người nhân danh và lấy quyền người giảng dạy, những cũng nhờ các giáo dân, đã được Ngài đặt làm chứng nhân đồng thời ban cho họ cảm thức Đức Tin và Ơn dùng ngôn từ (Công vụ 2:17-18; Khải Huyền 19,10) để sức mạnh Phúc Âm sáng ngời trong đời sống thường ngày, trong gia đình và ngoài xã hội. » (Ánh Sáng Muôn Dân số 35).

Người giáo dân rao giảng Lời Chúa vừa bằng lời nói vừa bằng hàng động và cách sống để làm chứng nhân.

2. Chức vụ vương giả.

Chúa Kitô đã hạ mình vâng lời cho đến chết và, vì thế, Ngài đã thắng sự chết và được Chúa Cha cho sống lại, vinh quang vào nước Ngài. Nước Ngài là nước Chân lý, nước Tình yêu và Hoà bình. Trong nước này, không những mọi người được kêu gọi vào, mà ngay cả mọi loài tạo vật cũng đang mong chờ được giải thoát khỏi sự hư nát của tội lỗi loài người để bước vào vinhững quang nước ấy (Rom. 8:21).

Người giáo dân trước tiên có bổn phận thắng lướt tội lỗi của mình để bước vào sự tự do con Chúa trong nước ân sủng của Ngài.

Tiếp đến, ngoài việc đưa các anh em mình vào nước Chúa, người giáo dân có bổn phận ‘thánh hóa các thực tại trần thế’ để đưa các thực tại này được ‘giải thoát’ nghĩa là được xử dụng làm vinh danh Thiên Chúa. Hiến Chế ‘Aùnh Sáng Muôn Dân’ nói rõ:

« Vì thế, tín hữu phải nhận biết bản tính sâu xa của tạo vật, cũng như giá trị, và cùng đích là ca tụng Thiên Chúa, đồng thời phải giúp nhau sống đời thánh thiện nhờ những việc trần thế, để thế gian thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô và đạt đến cùng đích một cách hữu hiệu hơn trong Công lý, Bác ái và Hồ bình. Giáo dân giữ vai trò chính yếu trong việc chu toàn nhiệm vụ phổ quát đó… »

B. ‘Tính cách trần thế’ của người giáo dân.

Mặc dù cũng là tín hữu như các Linh mục, Tu sĩ nhưng vì không phải là Linh mục, Tu sĩ, nên Giáo dân có một đặc tính mà hai hạng người trên không có. Đó là ‘tính cách trần thế’. Công Đồng Vatican II quả quyết: « Tính cách trần thế là đặc tính riêng biệt của giáo dân » (Ánh Sáng Muôn Dân, số 31).

Tính cách trần thế là ở giữa trần thế, sống với đời sống của trần thế và sống cho trần thế, nghĩa là không phải sống bị lôi cuốn theo các chiều hướng xấu của trần thế, trái lại, để cải hóa trần thế theo tinh thần của Chúa Kitô, như Ngài đã căn dặn: « Chúng con là muối đất… chúng con là ánh sáng của thế gian » (Mt 5:16)

Tính cách trần thế này đặt nền tảng trên hai Chân lý thần học: mầu nhiệm sáng tạo và mầu nhiệm nhập thể cùng nhập thế của Thiên Chúa:
- Khi Thiên Chúa tạo dựng con người, Thiên Chúa đã trao cho con người quyền chế ngự tạo vật (Sáng thế 1: 26-31).
- Khi muốn cứu chuộc con người, Chúa đã muốn sinh ra làm người để sống hoàn toàn thân phận con người trong lịch sử của nó.

Vì thế, Công Đồng Vatican II quả quyết: « Tính cách trần thế của người tín hữu giáo dân không chỉ được định nghĩa theo quan niệm xã hội, mà theo ý nghĩa thần học. Tính cách trần thế phải hiểu theo ánh sáng của tác động tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa, Đấng đã trao phó trần thế này cho con người cả nam lẫn nữ để họ tham gia vào việc tạo dựng, để họ giải thoát thọ tạo khỏi ảnh hưởng của tội lỗi, để họ tự thánh hóa mình trong đờụi sống hôn nhân hay độc thân, trong gia đình, trong chức nghiệp và trong các hoạt động xã hội. » (đề nghị 4 của Thượng Hội đồng Giám mục năm 1978 về Ơn gọi và Sứ mệnh của người giáo dân).

Trong Tông Huấn về giáo dân, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II giải thích thêm: « Sống và hành động giữa thế giới đối với các tín hữu giáo dân, không chỉ là một thực tại nhân sinh xã hội, mà còn là một thực tại chuyên biệt thần học giữa trần thế. Thiên Chúa muốn biểu lộ ý định của Ngài và thông ban cho họ Ơn gọi đặc biệt là ‘tìm nước Thiên Chúa bằng cách quản lý những thực tại trần thế mà họ phải sắp xếp theo ý Thiên Chúa… » (Tông Huấn Người Tín hữu Giáo dân, số 15).

Như vậy, mọi tín hữu Đức Kitô đều được mời sống nên thánh theo Ơn Gọi Chúa đã chỉ định và chúng ta đã tự do đáp lời: Giáo sĩ, Tu sĩ hay Giáo dân. Tất cả Kitô hữu sống đạo hợp thành Nhiệm Thể Đức Kitô hay Giáo hội và hợp tác với nhau, theo khả năng Chúa ban, để Giáo hội Công giáo hoàn thành sứ vụ của mình: Giáo Huấn và Thánh Hóa (Bộ Giáo Luật ngày 25.01.1983).

(Còn tiếp)
 
Buổi thuyết trình về Phẩm Giá Người Phụ Nữ tại TTMV Gia Đình Sàigòn
Tạ Ân Phúc
13:57 10/03/2011
Buổi thuyết trình về Phẩm Giá Người Phụ Nữ nhân dịp 08/03/2011

Đã từ lâu ngày Quốc tế Phụ Nữ 08/03 là một ngày lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh người phụ nữ bằng nhiều hình thức như tặng hoa, tặng thiệp,… cùng những lời chúc mừng để tỏ lòng trân trọng, tri ân. Tại Việt Nam, những năm gần đây, ngày này được mọi người biết đến và được tổ chức khá trang trọng, nhất là tại hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn, với nhiều hoạt động khác nhau như hội thảo, đêm văn nghệ, tiệc chúc mừng… người ta sẽ dễ dàng nhận ra dịp lễ khi có rất nhiều hoa bày bán trong các cửa tiệm, trên khắp các nẻo đường của thành phố... Đây là ngày để các đồng nghiệp Nam thể hiện tấm lòng với Nữ giới; những người Nam độc thân thể hiện sự lịch thiệp với bạn gái của mình; nhưng đôi khi những người Nam đã lập gia đình lại quên mất sự lịch lãm đó đối với vợ mình và thậm chí quên mất tình cảm với mẹ mình. Người ta cũng quên đi ý nghĩa lịch sử ban đầu của ngày Quốc tế Phụ Nữ mà chỉ mừng ngày lễ như một trào lưu. Để có thể có một ngày dành cho phụ nữ như ngày nay, hàng triệu chị em phụ nữ trên toàn thế giới đã phải đổ biết bao mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả sinh mạng của mình cho công cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ.

Để mừng ngày Quốc Tế Phụ Nữ và giúp mọi người hiểu rõ về vai trò và sứ mạng cũng như phẩm giá của phụ nữ trong thế giới ngày nay, chiều thứ Bảy 05/03/2011, Chương Trình Chuyên Đề của Ban Mục Vụ Gia Đình TGP Sài Gòn đã tổ chức buổi nói chuyện chia sẻ về hai đề tài: “Giáo dục để thăng tiến phẩm giá phụ nữ trong xã hội hôm nay” do Nữ tu Mai Thành, Dòng Đức Bà trình bày, và đề tài: “Phái đẹp! Xin hãy đẹp vì Người” do Bà Mục Sư Dương Thị Minh Nguyệt, phu nhân của Mục sư Phạm Đình Nhẫn thuyết trình tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận Sài Gòn.

Mở đầu buổi nói chuyện, Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, Trưởng Ban Tổ Chức Chương Trình Chuyên Đề đã giới thiệu sơ lược về lịch sử hình thành của ngày Quốc tế Phụ Nữ. Theo đó, khởi đi ngày 08/03/1857, các công nhân ngành dệt chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại Thành phố New York: 12 giờ làm việc một ngày. Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Mỹ trong hãng dệt thành lập công đoàn đầu tiên đã được bảo vệ và giành được một số quyền lợi. 51 năm sau, ngày 08/03/1908, 15.000 phụ nữ diễn hành trên các đường phố New York để đòi được giảm giờ làm việc, lương cao hơn và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Sau đó, Đảng Xã hội Mỹ tuyên bố Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28 tháng 2 năm 1909.

Đến Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ II tổ chức ngày 08/03/1910, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch hội nghị là Clara Zetkin, một phụ nữ Đức, đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới. Hội nghị đã chọn ngày 08/03 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ.

Vào năm 1911, khoảng 80.000 người diễn hành trên các đường phố New York để đưa tang 145 nạn nhân chết cháy ngày 25/03 trong một xưởng dệt do cửa bị khóa không cho công nhân ra ngoài trước khi hết giờ làm việc. Sự kiện đau lòng này đã thúc đẩy cho việc sửa đổi luật lệ lao động thời bấy giờ.

Sau một thời gian dài đấu tranh bền bỉ, các nước Đức, Pháp, Thụy Sĩ… lần lượt đã chấp nhận quyền bầu cử của phụ nữ, và đến ngày 8 tháng 3 năm 1975, Liên Hiệp Quốc bắt đầu chú ý và tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ. Hai năm sau, năm 1977, vào ngày Quốc tế Phụ nữ, Liên Hiệp Quốc quyết định mời các nước dành một ngày để nói lên quyền lợi của người phụ nữ và hòa bình thế giới. Và ngày 8 tháng 3 được chọn để trở thành ngày lễ chung cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, từ năm 1950, vào ngày mùng 6 tháng hai âm lịch mỗi năm đều có tổ chức ngày lễ Hai Bà Trưng ở Sài Gòn, và sau đó đã dùng ngày lễ này làm ngày Phụ Nữ. Mỗi năm đều chọn một nữ sinh trường Trưng Vương và một nữ sinh trường Gia Long đóng vai Hai Bà Trưng ngồi trên bành voi trong dịp cử hành lễ.

Cuối phần trình bày của mình, Sr. Maria Hồng Quế đã đưa ra thông điệp dành cho ngày Quốc Tế Phụ Nữ: Đối xử hòa đồng, không phân biệt giới tính là cách thể hiện sự trân trọng của bạn dành cho nữ giới.

Tiếp đến, bằng chất giọng rất trầm ấm của một nữ tu đã 82 tuổi, Sr. Mai Thành đã diễn tả niềm thao thức của mình đối với phụ nữ khi chia sẻ đề tài “Giáo dục để thăng tiến phẩm giá phụ nữ trong xã hội hôm nay”. Sr. cho hay chủ đề phẩm giá phụ nữ là một vấn đề thời sự bức thiết nhưng cũng rất mênh mông, bao gồm những thực tại và thách thức đa dạng.

Theo Sr., đối với Tình trạng người phụ nữ hiện nay, phải công nhận rằng những thế kỷ vừa qua, vị trí người phụ nữ đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt tại các nước phát triển tiên tiến, tự do, dân chủ, nơi mà nhân quyền, sự bình đẳng nam nữ được nhìn nhận và phát huy rõ nét tại các nước phát triển Âu Mỹ từ thế kỷ 19 qua đến thế kỷ 20. Nhưng ngược lại, nhiều nước thuộc lục địa Phi châu, Á châu, Nam Mỹ, truyền thống phong kiến “trọng nam khinh nữ” còn bám trụ dai dẳng. Có lẽ nếu thi sĩ Nguyễn Du sống trong thế kỷ 21 chắc cũng không ngần ngại nhắc lại lời ca thán: “Đau đớn thay phận đàn bà; Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Xem hình buổi thuyết trình phẩm giá phụ nữ

Trên bình diện quốc tế, Liên Hiệp Quốc không ngừng quan tâm đến thân phận phụ nữ và đã tổ chức nhiều hội nghị để tìm kế hoạch thăng tiến phẩm giá người phụ nữ. Thống kê LHQ cho biết những bất công trong số phận đàn bà: cứ 3 người mù chữ thì có 2 người là nữ; Hiện nay có 565 triệu phụ nữ mù chữ ở châu Á, châu Phi và nam Mỹ; Cứ 6 em trai học tiểu học thì chỉ có 1 em gái. Năm 1995, tại Hội nghị Phụ Nữ ở Bắc Kinh, LHQ nhận định: “Các bà mẹ trẻ em mù chữ bị giam hãm trong vòng vây luẩn quẩn, sản sinh như súc vật và tử vong hỗn loạn. Phải phá vỡ cái vòng vây của dốt nát, thất học đi đôi với nghèo đói, lạc hậu, người phụ nữ trở nên một mặt hàng rẻ tiền, bán thân xác để sinh sống và cứu sống gia đình”.

Tại Việt Nam, hiện trạng người phụ nữ, về chính trị xã hội có tiến bộ, hiện nay có những người nữ là phó chủ tịch nước, chủ tịch HĐND, giám hiệu các trường trung học, đại học mở, giám đốc bệnh viện, đại biểu QH… Nhưng số lượng tham gia các trách nhiệm đó còn rất hiếm hoi, tình trạng bình đẳng trong gia đình cũng như ngoài xã hội còn nhiều lỗ hổng và chênh lệch lớn. Những cuộc điều tra gần đây cho biết trong số phụ nữ Việt Nam có 50% phải lao động tay chân để sống, trong đó 17% làm nghề lượm rác, quét rác, hốt rác. Tệ nạn mãi dâm đã xâm nhập vào nhiều thành phố và ngày càng tăng, năm 1990: 1,5% mãi dâm từ 12 đến 17 tuổi, đến năm 1997 là 13,5%. Hiện nay tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em đang ở mức báo động.

Tại TP Cần Thơ, đầu năm 2008, số nạo phá thai là 2.568 ca, trong đó 30% là trẻ vị thành niên. Tại BV Phụ sản Từ Dũ, năm 2007 có 24.177 ca nạo phá thai, trong đó vị thành niên là 2,8%; Trong 6 tháng đầu năm 2008 có 11.532 ca, tỷ lệ trẻ vị thành niên là 2,38%. Chính lứa tuổi được giáo dục, đào tạo về phẩm giá của mình thì lại rơi vào tệ nạn đau khổ nhất đối với phụ nữ.

Nguyên nhân là do gia đình đổ vỡ hoặc quá nghèo, nợ nần, không có việc làm, thất học, mù chữ, cha nghiện rượu, mẹ bị bạo hành…; do bất bình đẳng giới: trong gia đình, con trai được ưu đãi hơn gái, được đi học nhiều hơn, cao cấp hơn; quan niệm chồng là gia trưởng, vợ là gia nhân vẫn còn tồn tại. Hiện nay trong số phụ nữ lâm nạn mãi dâm, 35% là vị thành niên. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là 1 trong số 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới.

Về quan điểm của các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo về phụ nữ, Đức Giáo Hoàng Gioan 23 trong sứ điệp “Hòa bình trên thế giới” cho hay: “Nói đến công bình xã hội mà không thấy những bất công đối với phụ nữ là đi lạc hướng”. Nhân dịp Năm Thánh Mẫu 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố một Tông thư nổi tiếng Mulieris dignitatem “Phẩm giá người Phụ nữ”, trong đó ngài ngỏ lời tạ ơn Chúa về huyền nhiệm thiên tài, thiên khiếu phụ nữ và những công trình vĩ đại Thiên Chúa đã thực hiện qua người nữ.

Nhân Hội Nghị Thế Giới lần thứ IV về Phụ Nữ họp ở Bắc Kinh ngày 29/06/1995, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã có “Thư Gửi Người Phụ Nữ” trong đó ngài ngỏ lời cám ơn từng người phụ nữ một không loại trừ một ai: “Xin Cám Ơn Chị Em, Hỡi Những Người Phụ Nữ”. Cám ơn mỗi người mẹ, mỗi người vợ, mỗi người con gái trong gia đình. Cám ơn những người nữ hoạt động trong lãnh vực xã hội, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, chính trị, nghệ thuật …Cám ơn các nữ tu tận hiến cho vương quốc của Tình Yêu.

Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu trong những thập niên gần đây tuyên bố công khai: Tình cảnh của người phụ nữ Á Châu rất tồi tệ về thể lý, văn hóa, gia đình và tình trạng xã hội cũng rất thảm thương, trong khi sự đóng góp của nhiều phụ nữ trong xã hội và Giáo Hội không được tôn trọng và đánh giá đúng mức. Thêm vào đó làn sóng thương mại hóa, đưa vào mạng lưới thị trường tình dục, “các điều đó không những tha hóa nữ giới mà còn tha hoá xã hội và nhân loại”.

Nền tảng của phẩm giá Phụ Nữ theo quan điểm của Tin Mừng cho thấy Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Thiên Chúa, dưới dạng Nam và Nữ (St 1,27). Ngài chúc phúc, trao cho cả hai nhiệm vụ làm bá chủ muôn loài và thông truyền sự sống: “Hãy hiện diện trên toàn mặt đất và thống trị nó” (St 1,28). Ngay từ buổi sơ khai của nhân loại, nam và nữ đều bình đẳng vì cả hai là hình ảnh của Thiên Chúa nhưng mỗi người phản chiếu vẻ đẹp của Thiên Chúa dưới một góc độ riêng tư độc đáo của mình, nam tính và nữ tính, cả hai kết hợp với nhau để nói lên tính cách toàn diện của tình yêu trong Thiên Chúa.

Nét đặc thù của mỗi giới: Nam thì hướng về ngoại giới, những vật hữu hình, vũ trụ, vật chất và tất cả những gì lý trí có thể dễ dàng đề cập đến. Nữ hướng về nội giới, về cái tâm, bên trong con người về những điều mà con mắt không thấy được. Ngoại giới là thế giới của sự vật, nội giới là thế giới của tình cảm, Nam mạnh về trí, nữ mạnh về tâm. Nam có khả năng phân tích, mổ xẻ, đo lường: khoa học kỹ thuật, hệ thống tư duy, giỏi tấn công nhưng dễ ngã không chịu đựng lâu dài, mặc dầu đầy thiện chí. Nữ có khả năng cảm tính, giàu trực giác, mạnh về thế giới tâm linh, giỏi tấn trụ, kiên trì, thủy chung và sẵn sàng hi sinh chịu đựng. Cảm tính đi đôi với Mẫu Tính, với cảm quan của con người có sứ mệnh làm Mẹ. Các nhà tâm lý và thần học gọi đó là Nguyên Lý Mẹ, điểm phát xuất của tình yêu và sự sống.

Giáo dục Phụ Nữ có một tầm quan trọng rất lớn vì không những nữ giới là một nửa nhân loại mà còn là MẸ của nhân loại vì cưu mang sự sống, dưỡng dục mỗi con người từ lúc phôi thai đến lúc chào đời, từ tấm bé đến lúc thành nhân. Giáo dục bắt đầu từ gia đình vì “Gia đình cưu mang di sản và tương lai của nhân loại” (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội Á châu). Dưới mái ấm gia đình, tình yêu phu phụ, sự tương quan bình đẳng, tương kính, tương thân trong sự khác biệt nhưng bổ sung cho nhau cùng nhau gánh vác trách nhiệm gia trưởng, phân công hài hòa để cho mỗi gia đình trở nên bến đỗ của tình yêu, mỗi đứa con là quà tặng vô giá của Thiên Chúa không phân biệt gái hay trai, nhưng do người nữ giàu tình cảm và trực giác nên cần được giáo dục tâm trí hài hòa, rèn luyện khả năng suy luận khách quan.

Hiện nay, tác nhân giáo dục trong gia đình không chỉ có cha mẹ, các phương tiện truyền thông đại chúng có ảnh hưởng rất mạnh đến con cháu chúng ta. Truyền thông vừa mở rộng tầm nhìn nhưng cũng gieo mầm ô nhiễm vào tâm tư giới trẻ, báo chí thường lạm dụng cơ thể phụ nữ để quảng cáo hàng hóa đủ loại, đó là độc tố cần phải đề phòng. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tuyên bố: “Truyền Thông Đại Chúng là một thách đố cho công tác giáo dục. Cha mẹ có trách nhiệm khơi dậy lương tâm nhạy bén của người trẻ biết chọn lựa những chương trình thích hợp, hữu ích và can đảm khước từ những gì không chính đáng”. Giáo dục gia đình gắn liền với giáo dục học đường, với tình thương và tôn trọng đồng đều, cha mẹ tạo điều kiện cho mỗi con gái cũng như con trai được phát triển khả năng của mình đến mức tối đa như Victor Hugo từng nói: “Mở một nhà trường là đóng cửa một trại tù”.

Để bảo vệ và phát huy phẩm giá phụ nữ, Liên Hiệp Hội Đồng Giám mục Á Châu, đã lập nên văn phòng giáo dân trong đó cánh Nữ rất năng động tổ chức nhiều hội nghị định kỳ với sự tham gia của hàng Giáo Phẩm, nhiều đại biểu nữ giáo dân thuộc nhiều nước và tôn giáo khác nhau. Qua các hội nghị trên đã có lời tuyên bố nhằm tạo điều kiện giới nữ học hành nâng cao kiến thức về đời cũng như đạo: luân lý, tín lý, Kinh Thánh, thần học bao gồm giới tính, sự sống, tình yêu, để phát huy mọi tiềm năng phong phú của người nữ. “Bằng mọi cách tổ chức các khoá bồi dưỡng, cung cấp học bổng giúp các bạn gái, bà chị, bà mẹ nhẹ gánh việc nhà để được thường huấn với thời biểu phù hợp theo khả năng và hoàn cảnh của mỗi người”.

Vì con người có xác và hồn nhất thể, giáo dục hôm nay cũng cần đặt nặng vấn đề giáo dục thể lý. Dù gái hay trai, giúp trẻ nhìn nhận cơ thể của mình là một kỳ công của Tạo hóa. Ví dụ đơn giản nhất là hoạt động của bàn tay để viết, vẽ, đàn, thêu, múa, đến những diễn tả khoa học, tính cảm thiêng liêng… Bàn tay người mẹ để vuốt ve, âu yếm và ôm ấp đứa con vào lòng và truyền đạt tình yêu của mình cho con.

Chiều kích siêu linh của thể xác: Thiên Chúa đến với con người bằng cách trở nên một đứa bé trong lòng người phụ nữ, dưới hình hài một phôi thai ẩn kín thầm lặng trong cung lòng một thôn nữ làng Nagiaret: “Ngôi Lời đã trở thành xác thể và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14); Thể xác con người được Thánh Kinh giải thích: “Anh em chẳng biết rằng thân xác của anh em là thân thể, là chi thể của Chúa Kitô sao?”; “Anh em đâu còn thuộc về mình nữa…Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.”; “Thân thể của anh em là Đền thờ của Chúa Thánh Thần.” Nhân loại sống và tồn tại là nhờ Nguyên Lý Mẹ, Nguyên lý của tình yêu, của Sự Sống, nguyên lý của Trái Tim mà tuyệt đỉnh là Trái Tim Đức Giêsu.

Tin Mừng diễn tả một cách tuyệt vời tình yêu vô cùng tế nhị và thâm sâu của Đức Giêsu với mỗi người phụ nữ nhất là những người bị khinh miệt, trong đó có người đàn bà 5 chồng xứ Samari. Ngài đã cúi mình xin nước uống để đem lại cho bà nước trường sinh khiến bà trở thành người tông đồ đầy uy tín của xứ Samari vốn thù nghịch với dân Do thái.

Một câu chuyện hết sức độc đáo mà Đức Giêsu dùng để minh hoạ trái tim ái mẫu của Thiên Chúa là chuyện “Người cha nhân hậu” mà hoạ sĩ Rembrandt đã mô tả qua bức tranh nổi tiếng. Các nhà thần học và tâm lý học nhận ra nơi đây chân dung của Thiên Chúa vừa là cha vừa là mẹ với cái đầu cúi xuống nhìn con và hai bàn ôm ấp đứa con hoang vào lòng bằng tất cả tình yêu. Tình yêu đó được diễn tả và đến với chúng ta qua trái tim của Đức Giêsu và trái tim của Đức Maria là mẹ của nhân loại.

Tất cả chương trình cứu độ Thiên Chúa đã giao cho một người nữ, và sau khi nhận sứ mệnh làm mẹ của Thiên Chúa, Đức Maria đã thăm bà Êlisabeth, và Chúa Thánh Thần đã cho bà Êlisabeth biết đây là Mẹ của Đấng Cứu Thế và điều kỳ diệu là tất cả chương trình kế hoạch cứu độ nhân loại nằm trong trái tim của hai người phụ nữ.

Để kết thúc bài thuyết trình, cộng đoàn tham dự viên được Sr. mời gọi hát bài Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân để nói lên tâm tình của những người con đối với mẹ mình. Tuy đã 82 tuổi nhưng Sr. đã tự làm tập tin trình chiếu powerpoint rất kỹ, tham khảo nhiều tài liệu, tự điều khiển máy vi tính trong lúc thuyết trình. Có thể nói Sr. là chứng nhân sống về mẫu gương người phụ nữ chăm học hỏi, tìm hiểu trong suốt cuộc đời mình.

Sau giờ giải lao, Bà Mục Sư Dương Thị Minh Nguyệt đã thuyết trình đề tài: “Phái Đẹp! Xin Hãy Đẹp Vì Người”. Mở đầu, phu nhân của Mục sư Phạm Đình Nhẫn cho hay phụ nữ là những người được mệnh danh là phái đẹp, và ai cũng muốn mình là một người đẹp. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để trở nên một người đẹp? muốn trở nên một người đẹp phải bao gồm những yếu tố nào?

Trước khi trình bày câu trả lời qua bài thuyết trình, diễn giả tiết lộ một tin vui là mỗi một con người đều là một người đẹp vì mỗi người là tạo vật ưu mỹ, tạo vật tối cao của Thiên Chúa, ngài đã tạo dựng con người một cách vô cùng đẹp đẽ.

Khi nói về cái đẹp thì nó chỉ mang tính tương đối và không có quan điểm nhất định về cái đẹp. Người thế nào được gọi là đẹp, ốm hay mập, da trắng hay đen hay da vàng, cao thấp thế nào? Các cuộc thi hoa hậu đã chứng tỏ rằng không phải nhất thiết da trắng mới đẹp mà có nhiều người da đen đã vào vòng chung kết. Vậy vẻ đẹp không phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài, và mọi người đều xinh đẹp dù là da trắng, da đen, da màu, dầu cao thấp bao nhiêu, thân hình to khỏe hay mảnh khảnh vì tất cả mọi người đều là người đẹp mà Chúa đã dựng nên cách độc đáo.

Tôi xinh đẹp! bạn xinh đẹp! hãy bắt đầu một lời khen chân thành những người chị em cạnh mình cũng như hãy tự tin rằng tôi có nét đẹp riêng vì mỗi người là tạo vật của Thiên Chúa, nên có thể tự khám phá nét đẹp nơi mình. Suy nghĩ của chúng ta về chính mình ảnh hưởng đến cách sống, cách cư xử rất nhiều, nếu cứ nghĩ mình là người xấu, không được đẹp thì bản thân sẽ e dè, không mạnh dạn trong giao tiếp và còn nhiều điều ảnh hưởng đến cuộc sống. Cần mạnh dạn nói ra mình là người xinh đẹp vì Thiên Chúa đã tạo nên mình và thỏa lòng về điều đó.

Mỗi người phụ nữ dù là độ tuổi bao nhiêu đi nữa vẫn muốn mình là một người phụ nữ khả ái, duyên dáng, thanh lịch trước mặt người khác. Nói về vẻ đẹp có thể kể đến vẻ đẹp bề ngoài, nó thể hiện ở sự khỏe mạnh, sự xinh xắn, mái tóc, làn da, trang phục trang điểm…

Sức khỏe là điều quý giá và rất quan trọng, cần thiết cho phụ nữ, nó gắn kết với vẻ đẹp. Để có sức khỏe tốt cần chú ý đến thức ăn, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất là có nhiều rau xanh, quả tươi để nuôi dưỡng thân thể… Bên cạnh đó nước uống cũng rất cần thiết, cần để ý đến thời điểm uống nước, không nên vừa ăn, vừa uống sẽ làm giảm sự hấp thụ vitamin trong thức ăn của cơ thể, nên uống nước trước và sau bữa ăn ít nhất một giờ. Giấc ngủ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe nhất là đừng thức khuya nhiều quá. Đối với chế độ nghỉ ngơi, người phụ nữ thường không được nghỉ ngơi mà thay đổi công việc từ nơi làm việc sang ngôi nhà của mình bằng công việc nội trợ. Thế nên, đôi lúc tùy theo điều kiện của mình mà cần có chuyến nghỉ ngơi xa, có thể vài ngày hoặc trong ngày để thay đổi lệ thường của công việc, bước ra khỏi đời sống nhàm chán hằng ngày.

Để người phụ nữ trở nên xinh xắn hơn, ngày nay người ta có thể chọn mái tóc từ những kiểu mẫu trên máy vi tính để có những kiểu tóc phù hợp với gương mặt cũng như có những bí quyết để làm đẹp làn da của mình. Tuy nhiên, mỗi người một vẻ nên cũng cần vui với làn da của mình dù là trắng hay ngăm đen hoặc chấp nhận những khuyết điểm trên khuôn mặt vì càng phiền muộn sẽ càng làm cho làn da sạm tối hơn, những khuyết điểm sẽ làm người ta ngượng ngùng hơn. Thay vào đó, cần bằng lòng vui vẻ với những gì thuộc về mình vì Thiên Chúa đã tạo dựng như thế: “Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (TV 139, 14-15).

Để có vóc dáng đẹp, người phụ nữ cần rèn luyện thân thể, để có khuôn mặt đẹp, cần trang điểm phù hợp với lứa tuổi của mình, nghệ thuật trang điểm làm tăng thêm vẻ đẹp, giảm thiểu nét khiếm khuyết. Trang phục phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với nơi mình sẽ đến cũng thể hiện tính cách mỗi người. Đối với phụ nữ Việt Nam, mặc áo dài sẽ tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ nhất là đối với bạn bè quốc tế, họ rất thích thú và tôn trọng.

Nét đẹp của một con người chỉ có bề ngoài không thôi chưa đủ, nét đẹp thật sự của một người là nét đẹp bên trong, vì mỗi người mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa. Để có được nét đẹp bên trong, người đó phải có những suy nghĩ đẹp, nghĩa là cần có suy nghĩ tích cực về chính mình, suy nghĩ tích cực về hoàn cảnh của mình. Đừng suy nghĩ xa vời, ước vọng cao xa vì ngay chính trong nhà mình nhiều khi có nhiều thứ quý báu mà mình không phát hiện ra, nhất là về người chồng quý báu, người con quý báu. Khuôn mặt cần luôn nở nụ cười vì bất cứ ai cười cũng sẽ đẹp, nụ cười trên khuôn mặt rạng rỡ đón chào người đối diện khi tiếp xúc.

Bên cạnh đó, để có nét đẹp bên trong cũng cần có lời nói đẹp vì nó làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, đó là lời khen, lời êm dịu, lời khích lệ… Hãy có nhiều lời khen đối với người xung quanh, để làm được điều này cần nhìn vào những điều tích cực của người khác, dù đó là người con, hay người chồng. Sức mạnh của lời nói là thật quan trọng, đó là một phương tiện mà con người sử dụng mỗi ngày: Cái lưỡi là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, nhưng cái lưỡi cũng như tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao! (x Gc 3,5). Một lời nói tàn hại có thể làm chán nản cả một cuộc đời. Thế nên, cái lưỡi cần được huấn luyện, cần được tập tành để nói ra những lời khen ngợi.

Một điều quan trọng nữa là cần có những hành động đẹp. Hành động xuất phát từ lòng yêu thương, sự chân thật. Bất cứ ai, dù họ không có địa vị, da đen, da trắng hay da màu, xuất thân từ giai cấp nào nhưng họ là tạo vật ưu việt của Thiên Chúa thì mình không có quyền xem thường bất cứ ai. Mọi tạo vật đều có giá trị vì mọi người đều mang hình ảnh của Thiên Chúa, cần cư xử với mọi người nhã nhặn, khiêm nhường: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).

Kết thúc đề tài thuyết trình, diễn giả nhắn nhủ tất cả mọi người phụ nữ cần khẳng định lại mình: “Tôi là người nữ xinh đẹp trước mặt Thiên Chúa và mỗi ngày sẽ càng xinh đẹp hơn”.

Buổi chuyên đề mừng ngày Quốc tế Phụ Nữ tràn ngập hoa trang trí và những bó hoa tươi thắm dành tặng cho các diễn giả, và càng thêm sinh động khi có thêm sự góp mặt của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thức, ca sĩ Phi Nguyễn và ca sĩ Hà Bảo Thu trình bày những bài hát về mẹ, về người phụ nữ Việt Nam để tặng các diễn giả và các tham dự viên.

Các tham dự viên còn được nhận những mảnh giấy màu trắng (dành cho các nữ tu), màu hồng (các chị em sống đời thường), màu xanh (nam giới) để ghi lại ước mơ của mình nhân ngày 08/03. Và đây là một ước mơ của một chị em sống đời thánh hiến: “Ước gì các vị linh mục biết tôn trọng nhân phẩm của con chiên của mình. Ước gì môi trường Đại chủng viện hay các Dòng tu là những nơi đào tạo nhân bản, và thực hành nhân bản một cách kỹ lưỡng”. Một cảm nhận tức thì sau khi tham dự buổi thuyết trình: “Tôi cảm nhận Chương Trình Chuyên Đề đã làm cho tôi ý thức hơn về vai trò, phẩm giá của người phụ nữ, giáo dục phụ nữ là xây dựng thế giới mà trong đó mọi người biết yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, tôi yêu và nhận ra nhiều nét đẹp của người phụ nữ nhiều hơn”. Và một tham dự viên nam đã nói lên tâm tình của mình: “Tôi nhớ đặc biệt đến các em gái bị lạm dụng, các chị em thiếu thốn điều kiện vật chất, các bà mẹ tần tảo lam lũ nuôi con, tất cả những người phụ nữ đang sống rất tốt, và mọi người phụ nữ trên thế giới này. Xin bày tỏ lòng biết ơn đối với các mẹ, các chị em, sự hiện diện của quý vị làm cho đời tôi vui hơn, ý nghĩa hơn và đáng sống hơn”. Và còn rất nhiều những ước mơ được chia sẻ qua những mảnh giấy của các khán giả tham dự buổi chuyên đề, các ước mơ đó đã được Ban Tổ Chức tập hợp lại để xin dâng thánh lễ đặc biệt cho chị em phụ nữ.

Xin đặc biệt tri ân những người mẹ, người vợ, người chị, những em gái, đã thầm lặng tô điểm cuộc đời này thêm phần xinh đẹp và cuộc sống có ý nghĩa hơn mỗi ngày. Tạ ơn Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng tạo dựng mọi điều tốt đẹp!

Buổi thuyết trình khép lại bằng việc anh Mai Thanh Hoài ngỏ lời cám ơn chân thành đến Sr. Maria Hồng Quế, là người đã làm việc tận tụy để các buổi thuyết trình đến với khán giả, độc giả đều đặn hàng tuần trong suốt hơn hai năm qua dù vấp phải nhiều khó khăn về tài chính, nhân lực. Sr. cũng nhận được bó hoa tươi thắm cùng cánh thiệp thể hiện tấm lòng của anh chị em cộng tác viên dành tặng cho người phụ nữ đã đồng hành, dìu dắt họ trong mọi công việc liên quan đến Chuyên Đề.

Sàigòn, ngày 09 tháng Ba năm 2011,

Tạ Ân Phúc
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hạ cánh an toàn!
lykhách
16:25 10/03/2011
Thấy không các đồng chí?
Vụ Sầm Đức Xương cũng xử…qua loa
Mà xử kín mới không xử kỹ
Chủ tịch Nguyễn Trường Tô cóc phải hầu tòa

Thế đấy, thời gian là phép màu hô biến
Có tội ngâm tôm, thành vô tội vì quên
Đảng ta ưu ái các đồng chí lắm chuyện
Ối thời nay, mọi thứ chỉ cần tiền!

Nhưng đồng chí Sầm Đức Xương cần rút kinh nghiệm
Trước đòi cởi quần trước tòa, giờ giữ cái mồm im
Chín năm tù tính ra cũng…thắng kiện
So với tội mua dâm, môi giới gái vị thành niên!

Tuy tội chín năm nhưng nào chín năm nguyên
Quốc khánh, sinh nhật Bác…ta sẽ tùy tiện
Khinh giảm tội khi dân quên chuyện
Muốn dục tốc hơn thì chi thêm tiền… dĩ nhiên!

Kể hắn cũng đáo để lanh miệng
Mướn bác sĩ kê toa: “bất lực” tắc tè
Học đúng sách lược đảng ta cũng làm thế:
Xảy chuyện gì cứ tại “trên bảo dưới không nghe!”

Đấy, bác Tô tội tuy rành…tô hô
Giờ an toàn hạ cánh đã yên chỗ
Còn các đồng chí chấm mút trong danh sách rõ lộ
Nên rút kinh nghiệm trong tư cách…tham ô!

Nhưng càng nghĩ càng thấy các đồng chí…ngu bỏ mẹ
Cán bộ tham nhũng, ăn chơi sa đọa phải đoàn kết bè
Ăn đều, chia đều, nhỡ lộ thì lôi trước thằng bé
Chịu, để thằng to thoát mới gỡ tội…ô-kê?

Đừng khai lung tung tụi báo chí nó kháo rầm
Báo ta toàn lề phải, dứt phép nói - phải câm
Dân hời hợt, báo đài bức xúc cho lắm
Đảng sẽ phán ngay chuyện…nhạy cảm là xong!

Mà chuyện này nó… nhạy cảm thật
Ai đời hiệu trưởng trường mua dâm nữ sinh
Còn chuyền chuyền từ đồng chí cao cấp nhất
Chính quyền Hà-Giang ta thật đúng cái bãi sình!

Ôi! Các đồng chí thật ngày càng bất chính
Bất trí, bất lương, dù có nhiều đảng tính
Quốc có quốc pháp, đảng có đảng lịnh
May mà dân ta còn chịu nín thinh!

May mà dân ta còn chưa thức tỉnh
May mà tôn giáo còn Xin-Cho là chính
May mà trí thức còn trùm chăn mít kín
May mà thanh niên lo hưởng thụ riêng mình

May lắm, lắm may các đồng chí ạ
Nếu không quốc biến đã nổ ra
Đảng chỉ sợ nay mai tụi…Tàu lạ
Chẳng để yên mà chiếm thêm biển, đất… làm khó đảng ta

Trận năm 79 ta cố quên, chẳng dám nhắc nhớ ra
Chục nghìn quân, dân chết giờ cố quên mồ mả
Ngay cả Bia Liệt Sỹ ta cũng cho đục bỏ
Chữ “Trung Quốc Xâm Lược” ráng nuốt nhục mà!

May mà bộ đội còn trung thành với đảng
Chưa lên tiếng đòi chính nghĩa cho chiến hữu bè bạn
Muốn dân quên, lính quên niềm ai oán
Ta đã phá bia để chẳng còn chỗ cắm nhang!

Bởi có nhang thì phải có khói
Có khói vong linh sẽ về gợi nhớ bao nhức nhối
Mà nhức nhối rồi sẽ luận bàn công tội
Nhưng đảng ta ngán Tàu tức tối lại…vểnh răng cắn môi!

Các đồng chí nên rút kinh nghiệm vụ Hà-Giang
Dân phải chịu oan nhưng đừng ép quá sẽ loạn
Tin vào tính đảng…
Chuyện cần thiết xử phải xử cho dân bớt thán oán
Nhưng xử kín - cấm luật sư cãi cho bên bị nạn,
Án tuyên chớp nhoáng, kiểu qua cầu rồi rút ván
Tính cách đảng ta là luôn…hạ cánh an toàn!

Thời buổi này…lương tâm dành cho mấy đứa…gàn!
Chuyện xử lý chúng nhất trí phần các chú công an!
Sẽ triển khai thuê thêm đám côn đồ du đảng…
Ôi chuyện dài như tên nước… Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt-Nam!
 
Khóc cho dân tôi
Cá Gỗ
19:53 10/03/2011
Chiều hôm nay tôi chợt buồn muốn khóc
Khi nghĩ về thân phận người dân tôi
Sống giữa tù đày gông cùm áp bức
Thế kỷ hai mươi có chắc qua rồi?

Chiều nay đọc tin một người vừa chết
Dưới bàn tay một kẻ “đầy tớ dân”
Có hay không nhân quyền cho người Việt?
Sống giữa quê mình chẳng thấy bình an!

Dân tôi sống bên đám người “đầy tớ”
Sống chung trời với loài sói nhe nanh
Bao năm qua vai oằn gông mang cổ
Tủi nhục cam tâm trót phận dân lành!

Chiều mai chiều nữa có còn người chết?
Dân tôi ơi! Nô lệ một đời sao?
Tôi có chết! Ngàn người sẽ không chết!
Hãy đứng lên người Việt, hỡi đồng bào!
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
10 loại cây trong nhà làm sạch không khí
Khuyết Danh
13:36 10/03/2011
Hãy làm cho căn phòng của bạn tươi mát hơn với những chậu cây xanh.

1. Lậu Bình: tinh dầu của nó có chất khử trùng đồng thời nó giúp bạn thư giãn và thúc đẩy một giấc ngủ ngon.


2. Minh ty trắng: Nó được biết đến với khả năng của làm sạch không khí. Tác động tốt của nó đối với phòng thiếu sự lưu thông không khí và ánh sáng mặt trời.


3. Áp cước mộc (Brassaia Actinophylla): Nó có thể hấp thụ chất nicotine trong không khí và làm giảm nồng độ formaldehyde.


4. Điếu Lan (Chlorophyium Capense): Nó hấp thụ 95% carbon monoxide và 85% formaldehyde trong không khí.


5. Lô Hội: Đặc biệt tốt trong việc loại trừ formaldehyde, và nó làm giảm các vi sinh vật có hại trong không khí và hút bụi. Nó có tác dụng rất tốt trong việc cải thiện chất lượng không khí.


6. Hồng Môn: Nó cũng có khả năng loại bỏ amoniac và acetone từ không khí.


7. Măng tây: Theo một nghiên cứu của trường Đại học Georgia Măng tây là một trong những loại cây trong nhà tốt nhất hấp thụ hợp chất hữu cơ dễ bay hơi.


8. Thủy Trúc: Cây thủy trúc đứng thứ ba trong các loại cây tốt nhất có khả năng loại bỏ formaldehyde trong không khí, theo một thí nghiệm của NASA. Nó cũng làm giảm kim loại nặng trong không khí.


9. Xương rồng: Một trong những nhà máy tốt nhất để giảm bức xạ điện từ.


10. Ly Kaffir: Là một trong những nhà máy tốt nhất thanh lọc không khí, và nó sống được trong ánh sáng mờ. Nó có thể hấp thụ một lít không khí và trả lại 80% với oxy sạch trong 24 giờ.
 
Hội Đồng Qúy Chức - Chương VI: Tham gia vào thừa tác vụ quản trị
Lm. Mai Đức Vinh
21:25 10/03/2011
HỘI ĐỒNG QÚY CHỨC

CHUONG VI: THAM GIA VÀO THỪA TÁC VỤ QUẢN TRỊ

Trong chương này, chúng tôi sẽ trình bày hai mục chính:

I.Quản trị

II.Quản lý.



Mục I: THỪA TÁC VỤ QUẢN TRỊ


Ý trí đầu tiên của các đấng bề trên, khi chọn các chức việc họ đạo, là nhằm mục đích thiêng liêng, sau đó mới nhắm vào việc quản trị của họ đạo. Mục đích thứ hai hoàn toàn tùy thuộc vào mục đích thứ nhất (1). Đúng vậy. Vì hai chương trước đây, chúng tôi đã bàn về mục đích thứ nhất: tham gia của các chức việc vào thừa tác vụ thánh hóa (officium sanctificandi) và vào thừa tác vụ giảng dạy (officium docendi) của các linh mục. Trong chương này, chúng tôi sẽ bàn về thừa tác vụ thứ ba, tức sự tham gia của chức việc vào thừa tác vụ điều hành hay quản trị (officium regendi) của linh mục trong việc quản trị họ đạo.

Đời sống tín hữu trong mỗi họ đạo thường phụ thuộc vào sự chỉ đạo của cha xứ và các chức việc. Nguyên tắc này đưa ra vai trò trung gian của các chức việc giữa cha xứ và bổn đạo, nhất là trong việc quản trị họ đạo. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu trình bày mục này bằng cách nêu bật những tương liên giữa các chức việc và cha xứ.

I. Những cộng tác viên của cha sở.

1) Tầm quan trọng của việc cộng tác này.

Các chức việc hẳn luôn biết rằng cha xứ là người duy nhất có trách nhiệm điều hành họ đạo. Tuy nhiên, trong việc quản trị xứ đạo, ngài sẽ được các chức việc trợ giúp (2). Như vậy, các chức việc chính là những người trợ giúp, trợ lực, thi hành, cánh tay mặt hay đại diện của cha xứ trong việc điều hành họ đạo, như được quy định trong cuốn Chức Sở Mục Lệ: các bề trên, khi chọn lựa các chức việc của các họ đạo, trước hết là để các linh mục có những cộng tác viên cẩn trọng, tùy trường hơp có thể giúp các ngài trong những công tác khả thi. Như vậy, họ luôn tùy thuộc các Ngài: tôn kính, vâng lời, tùy phục, trợ lực. Vậy họ luôn phải tỏ ra khuôn mẫu cho mọi người (3). Nói khác đi: "Các chức việc luôn phải đồng thuận với cha xứ" (4), và "các chức việc, nhất là ông trùm họ đạo, phải báo cho cha xứ tất cả những sự việc liên hệ tới vấn đề coi sóc các giáo dân"(5).

Khởi từ mối dây cộng tác giữa cha xứ và Hội Đồng Chức Việc, và sau khi đã nhấn mạnh vai trò cần thiết của cha xứ trong việc tuyển chọn các chức việc, cha Cadière viết: "Cùng với đoàn chức việc, chúng ta có tâm điểm, dụng cụ then chốt để tạo nên sự cộng tác của toàn thể tín hữu trong họ đạo với người mục tử. Để đạt được sự cộng tác toàn vẹn này, trước hết phải quan tâm đến sự cộng tác tốt đẹp giữa cha sở và Hội Đồng Quí Chức. Vì Hội Đồng Quí Chức là 'đầu não' của họ đạo, là 'tâm điểm' của sự cộng tác vững chãi. Và chính cha xứ phải là người 'đào tạo nhóm đầu não' này, là người 'hun đúc' và 'phối trí' tâm điểm này, bởi vì chính ngài là người chọn lựa thành phần của Hội Đồng Quí Chức" (6).

Việc cộng tác này quả thật rất cần thiết cho thừa tác vụ của linh mục trong họ đạo và những nơi khác. Vì các chức việc là "những người dọn đường cho các thừa sai"(7), "những công cụ đầu tiên của hoạt động tông đồ của linh mục" (8), "tai mắt của cha xứ để nghe thấy được những gì xảy ra trong họ đạo" (9), "tay chân của cha xứ trong việc quản trị họ đạo và việc rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại" (10) "cột trụ của họ đạo khi cha vắng mặt" (11), và là "các cha phó-giáo dân (vicaires-laics) của cha xứ" (12).

May mắn là những liên hệ giữa cha xứ và chức việc, nhìn chung, rất tốt đẹp, thân thiết, xây dựng và hữu ích cho cuộc sống của họ đạo. Cha Cadière đã viết: "Từng ngày, từng khoảnh khắc của mỗi ngày, các chức việc lo việc của họ đạo, không phải việc này hay việc khác, nhưng là những việc làm thăng tiến họ đạo… Đối với quí chức, cộng tác là công trình thể hiện chung với cha xứ" (13)

2) Sự cẩn trọng của linh mục.

Chẳng thiếu gì chuyện thường diễn ra giữa cha xứ, các chức việc hay bổn đạo. Cha Cadière đã viết một cách tế nhị: "Tôi không muốn rằng khi có sự bất đồng giữa cha xứ và giáo dân, lỗi lầm bị quy trách cho cha xứ ! Thường thì như vậy. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mà sự bất hòa là do phía giáo dân" (14).

Chúng tôi lấy câu chuyện của các chức việc tại Tầm Hưng làm ví dụ: "Khi cha Ân đến thay cha Vân tại Họ Tầm Hưng, một trong những ưu tư của ngài là làm sao cho sổ chi tiêu của họ đạo được minh bạch. Vì khi vắng linh mục, trong nhiều họ đạo, các chức việc quản tri tiền bạc mà không ghi chép gì cả. Có thể sẽ có những lạm dụng và thất thoát. Khi cha xứ yêu cầu các chức việc phải trao lại sổ sách, nhiều người bất bình, phản đối và muốn từ chức. Và vì phải tuân theo đúng quy tắc, cha Ân đã không nhượng bộ " (15).

Để tránh tối đa những trường hợp đáng tiếc này, các bề trên có thẩm quyền mong mỏi các chức việc phải biết lắng nghe và luôn tuân phục linh mục, luôn sẵn sàng và tận tụy với nhiệm vụ (16). Và các cha xứ hẳn không bao giờ quên lời nhắn nhủ khôn ngoan của cha Cadière: 'Chúa ơi, việc tuyển chọn các chức việc trong họ đạo thật phức tạp! Cha xứ không nên hành động, quyết định một mình. Ngài phải tham khảo các chức việc trước khi bầu một ứng viên' (17). Rồi còn giáo huấn của Công Nghị Bắc Kỳ năm 1900: 'Cha xứ phải nâng đỡ tối đa uy tín của các chức việc' (18), và Công Đồng Đông Dương bảo: "Để được những thành phần ưu tú trợ giúp, thì cha xứ phải chu toàn nhiệm vụ của mình trước' (19).

II. Quí chức là trung gian giữa cha xứ và giáo dân.

Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Qui Nhơn và giáo phận Huế cùng khuyến cáo rằng 'với những hình thái mà các họ đạo hiện nay đòi hỏi, các chức việc là môi giới giữa cha xứ và bổn đạo, trong việc cưới xin, rửa tội, thăm viếng người bệnh, chôn cất ' (20). Trong những tình huống này, bổn đạo không liên lạc thẳng với cha xứ, mà gặp chức việc có liên hệ trước.

Chúng tôi đã trình bày những gì liên hệ tới bổn phận môi giới của các chức việc trong chương IV. Chúng tôi muốn thêm rằng: bổn phận này đòi hỏi chức việc liên hệ một hy sinh không nhỏ: "Chính tại điểm này chúng ta thấy rõ hơn đức tin, đức mến, sự tận tụy, tinh thần trách nhiệm… của một chức việc, và qua đó, chúng tôi thấy vai trò của ông trong đời sống tín hữu, sự tham gia tích cực của ông vào thừa tác vụ của linh mục. Đáng công phúc và đáng thán phục hơn nữa nếu nhìn vào những thời kỳ bắt đạo ghê gớm hay chiến tranh tàn khốc, giai đoạn mà các họ đạo còn quá nhỏ và cô lập xa nhau. Thường phải mất một ngày đường để đi từ họ đạo lẻ đến họ đạo chính nơi cha xứ cư ngụ. Nhiều khi tình trạng nguy cập của bệnh nhân khiến người chức việc phải đi tìm linh mục giữa đêm khuya. Qua các chức việc, cha xứ loan báo cho bổn đạo biết việc thăm viếng, thời điểm mục vụ…, chính qua trung gian của các chức việc mà cha xứ hiểu rõ tình trạng chung của họ đạo, những trường hợp riêng của mỗi gia đình hay của các thành phần trong cộng đồng, những chuyện tốt xấu đã xảy ra trong họ đạo. Chính vì vậy, đây là qui tắc hành sự của các chức việc: "Các chức việc phải chăm sóc bổn đạo mà họ có trách nhiệm, họ là tai mắt của cha xứ, thấy và nghe được những gì xảy ra trong họ đạo" (21)

Theo như cha Louvet đã thuật: ‘Mỗi khi cha xứ đến thăm họ đạo, sau khi tiếp đãi đầu tiên, các chức việc ngồi lại dưới sự chủ tọa của cha xứ, tường trình cho ngài về tình trạng của họ đạo, những khó khăn chính đã được điều chỉnh khi ngài vắng mặt. Cha xứ phải được tường trình hết, đưa ra những quyết định, tái lập hòa giải, nếu chẳng may đã bị xáo trộn' (22). Chính vì thế các chức việc phải trình bày rõ ràng tình trạng tinh thần của họ đạo: những người đã xưng tội và rước lễ mùa Phục Sinh, những ai đã chịu lễ lần đầu nhưng chưa chịu phép thêm sức, những trẻ em đã tới 12 tuổi nhưng chưa chịu lễ lần đầu; họ phải ghi những gia đình và đôi lứa thường hay bất bình, những người mới tới, những người đã bỏ họ đạo đi nơi khác. Vậy là họ có thể trả lời cho cha xứ khi ngài muốn thăm dò tin tức (23).

Để chu toàn vai trò trung gian giữa cha xứ và các bổn đạo, quí chức phải chăm sóc mọi bổn đạo không phân biệt ai (24), coi phận vụ này thật quan trọng, chu toàn với lòng nhiệt thành, yêu thích và mẫn cán (25). Nhưng trước hết và trên hết, họ phải cố gắng là khuôn mẫu cho mọi người, sống nhiệt thành đời sống tín hữu (26).

III. Những người trách nhiệm về sổ sách.

1) Sổ sách chính và sổ sách phụ.

Cuốn Chỉ Nam của các giáo phận qui định rằng: Các cha xứ phải cẩn trọng trong việc ghi lại sổ Rửa Tội, Thêm Sức, Hôn Phối, Chứng Tử và sổ Nhân Danh (status animarum) (27), theo đó, họ phải thận trọng và chỉ ghi về phương diện đạo đức mà thôi, ghi lại những chứng minh hữu ích và những sửa đổi cần thiết để luôn cập nhật hóa. Trong cuốn sổ Rửa Tội, phải ghi rõ cả về Thêm Sức, Hôn Phối, và nếu có, về Truyền Chức, Khấn Dòng. Các linh mục phải bảo trì những sổ sách này và cấm không cho người đời biết.

Ngoài những sổ sách quan trọng nói trên, trong mỗi họ đạo còn cần những sổ sách phụ nữa:

• Một cuốn sổ ghi danh những hội đạo đức, thánh lễ dành cho những hội này, không kể những thánh lễ thường xuyên mà mọi linh mục phải cử hành (28).

• Một hay nhiều sổ ghi danh những người đã được đón nhận vào trong một hội đạo đức (29).

• Một cuốn sổ ghi tên, địa vị, ngày bổ nhiệm các chức việc và họ đạo, theo đúng qui tắc của Hội Đồng Quí Chức.

• Một cuốn sổ kế toán mà linh mục phải cập nhật hóa tất cả những nố chi, thu của nhà thờ và của các hội đoàn đạo, dù ít đến đâu đi nữa (31).

• Một cuốn sổ ghi danh tất cả những bất động sản và tài sản thuộc về họ lẻ hay mỗi họ đạo, ghi địa thế (tỉnh, tổng, xã, làng), địa điểm (đồng ruộng hay đất đai), diện tích (mẫu, thửa), và nếu có thể, ghi cả loại thuế nữa (32).

• Một cuốn sổ ghi các động sản và tiền của của họ đạo, ghi rõ số chi, thu (33).

2) Bổn phận của các chức việc đối với các loại sổ trên đây.

Thực hiện những cuốn sổ trên đây đúng theo luật định và thực tế sự việc không phải là chuyện dễ dàng. Phải nhiều kiên tâm, nhẫn nại và mất rất nhiều thời gian: vì vậy, ngoài sự trợ giúp của các thầy giảng và các nữ tu, cha xứ cần tới sự hỗ trợ của các chức việc, nhất là trong những họ đạo không có thầy giảng hay nữ tu và có sự hiện diện thường xuyên của cha xứ.

Trong trạng huống này, các chức việc, nhất là các ông trùm và thư ký của Hội Đồng Quí Chức, có bổn phận phải gìn giữ và ghi lại cẩn thận các sổ Rửa Tội, Hôn Phối, Chứng Tử và Nhân Danh. Đức cha Gioan Baotixita Hồ ngọc Cẩn đã trao tới họ những lời này: "Các chức việc phải nhiệt tâm ghi lại có bao nhiêu trẻ sơ sinh và bao nhiêu người đã qua đời, bao nhiêu người mới gia nhập họ đạo, bao nhiêu người đã đi nơi khác lập nghiệp, bao nhiêu người có học, bao nhiêu người không giữ đạo, bao nhiêu trẻ mồ côi… Để ghi lại những điều này cho hợp với thực tế, họ phải biết mọi gia đình, mọi thành phần của họ đạo, tính tình cách thế giữ đạo v.v…(34)

Những người có trách nhiệm lo cuốns ổ Hội Đoàn cũng phải kiên tâm ghi chép đầy đủ và rõ ràng tên tuổi những người thu nhận vào một hội đoàn. Rồi người thủ quỹ hay người đặc trách có nhiệm vụ về những cuốn sổ liên hệ tới việc điều hành các tài sản của nhà thờ và họ đạo. Xưa kia, các cuốn sổ này đươc cất giữ trong một hòm gỗ có ba chìa khóa. Một chìa trao cho cha xứ, hai chìa kia được ủy thác cho hai chức việc (35). Khi liên hệ tới tiền nong, lúa gạo hay vật dụng gì khác, phải ghi thật rõ ràng.

Một hay hai lần trong một năm, tất cả các chức việc phải ngồi lại để điều chỉnh mọi sổ sách nhất là hai mục chi thu. Khi tất cả đã ổn thỏa, ông trùm họ đạo sẽ trao tất cả sổ sách cho cha xứ, và ngài sẽ chuyển tới linh mục đại diện miền hay cha chính địa phận. Rõ ràng, đây là mục đích tham dự của các chức việc vào sứ vụ điều hành họ đạo của linh mục.

IV. Những người bảo quản trật tự chung

Đời sống tín hữu, đạo đức, luân lý hay điều hành, phải tuân hành có lớp lang. Hội Đồng Chức Việc, khi chỉ huy mọi công tác chung, có bổn phận phải bảo trì trật tự này.

Tất cả các bổn phận của quí chức, mà chúng tôi đã trình bày ở hai chương trước đây, đều tương đương nhiều ít so với bổn phận duy trì trật tự chung: chủ sự các buổi cầu nguyện, điều tra hôn phối, tham gia tang lễ, điều hành các hội đoàn hay hiệp hội, cộng tác vào việc kiến thiết hay điều khiển trường học, vào các việc bác ái v.v… Tóm lại, sự hiện diện tích cực của các chức việc là phải làm sao cho mọi việc tiến hành trong trật tự. Họ phải hiện diện mọi nơi và trong mọi việc chung của họ đạo. Họ là tai mắt, tay chân của linh mục, người có trách nhiệm duy nhất cho việc điều hành thiện ích của họ đạo. Đúng vậy, thừa tác vụ của linh mục đối với việc quản trị họ đạo sẽ bị tê liệt, không có công hiệu, nếu không có sự cộng tác tích cực của các chức việc. Chúng ta sẽ hiểu thấu hơn khi bàn về các cuộc họp của các chức việc, quy luật của họ đạo, tòa hòa giải cho bổn đạo và việc quản trị tài sản của họ đạo.

Để kết thúc, chúng tôi xin nêu lên trường hợp ông Phạm Cử Não, ông trùm họ đạo Bãi San, hầu nêu bật việc tham gia cần thiết của quí chức vào công cuộc điều hành chung của họ đạo: có thể nói rằng khi cha xứ vắng mặt, ông trùm Phạm Cử Não là cột trụ của họ đạo Bai San, và khi cha sở có mặt, ông là phụ tá, khi cha sở vắng mặt, ông thay quyền ngài điều khiển họ đạo. Quả vậy, nếu cha Lân đã có thể canh cải được những tục lệ của họ đạo Bãi San và thiết lập được một số công trình mới, thì chính là nhờ sự trợ lực đằm thắm, tận tâm, hữu hiệu của ông trùm Não. Cha xứ ra chỉ thị và phương pháp, nhưng chính ông trùm và các chức việc mới dấn thân thi hành. Cha Lân thường khen ông trùm Não là con người biết hòa giải. Đúng vậy, mỗi khi có hai bổn đạo bất hòa với nhau, ban đêm ông thường kín đáo đi ủy lạo họ và giải hòa đôi bên. Khi cha xứ khiển trách ai, ông thường đến gặp họ ngay, giải thích cho họ biết chấp nhận sai lỗi và tuân phục bề trên. Ông qua đời năm 1907 (36).

V. Khi bổn đạo và quí chức hội họp

1) Khi bổn đạo nhóm họp

Cần phân biệt ba thể thức nhóm họp của các bổn đạo: đại hội của toàn xứ đạo và của từng họ đạo, hội họp của mỗi khu. Việc nhóm họp của toàn xứ đạo sẽ được ông trùm công bố với sự đồng thuận của cha xứ và Hội Đồng Quí Chức. Cha xứ hay ông trùm điều hành buổi họp. Tham dự viên là các chức việc, đại diện của các xứ liên hệ, đại diện của các hội đoàn có trong giáo xứ. Việc nhóm họp của mỗi họ đạo sẽ do ông trùm đứng ra tổ chức và điều khiển, tham dự viên phải là những tín hữu trên 18 tuổi. Còn việc nhóm họp mỗi khu thì sẽ do vị trưởng khu hay ông giáp tổ chức và điều hành, tham dự viên là tất cả những bổn đạo trưởng thành trong khu xóm.

Không có một văn kiện nào, một quy thức nào qui định ngày giờ hay bao nhiêu buổi nhóm họp của bổn đạo. Tùy thông lệ và nhu cầu của mỗi họ đạo: có thể, việc nhóm họp của họ đạo diễn ra trước lễ thánh bổn mạng hay chủ nhật truyền giáo, cuối năm hay dịp thi giáo lý hoặc ngày chầu Mình Thánh hàng năm. Việc nhóm họp của mỗi họ đạo hay của mỗi khu xóm, thường được tổ chức trước hay sau ngày hội của toàn xứ tùy nhu cầu.

2) Khi quý chức nhóm họp.

Những phiên họp của chức việc thường do ông chánh trương hay trùm cả tổ chức và chủ tọa, hay do cha xứ, nếu ngài có mặt. Nhưng nếu là những cuộc họp của họ đạo, thì do ông trùm của họ đạo tổ chức và điều hành. Ngày giờ và các phiên họp thường không có một quy tắc nào hết mà tùy nhu cầu của họ đạo. Các tài liệu chính thức thường cho biết một vài ngày tháng tiêu biểu về những phiên họp này, đặc biệt liên quan tới việc quản trị. Đức cha Colomber (1884) đưa ra qui ước chọn ngày lễ thánh Phêrô và Phaolô, hay một ngày thuận lợi nào đó; cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội thì đề ngày chúa nhật Phục Sinh hay ngày lễ Các Thánh; cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế thì sau ngày gặt hái; thư chung của đức cha Gendreau thì đề nghị một ngày nào đó trong khoảng 27.11 và 3.1 năm sau (37).

Theo ghi chú của cha Louvet: "Các chức việc nhóm họp dưới sự chỉ đạo của cha xứ, họ trình lên ngài tình trạng của họ đạo và những khó khăn chính họ gặp phải khi ngài vắng mặt. Cha xứ phải am tường và phải đưa ra quyết định"(38). Tuy nhiên, chúng ta có thể phỏng đoán là trong những thời kỳ bắt đạo và chiến tranh, các cuộc hội họp chức việc bao giờ cũng theo một chương trình và có một bản tường trình. Tiếc là chúng ta không tìm thấy một tài liệu cổ, dù đã hết tâm tìm kiếm. Luôn luôn chỉ có một luận cứ "chiến tranh, xáo trộn chính trị, hoặc vấn đề thuyên chuyển đã hủy diệt tất cả tài liệu'. May thay, chúng ta còn tìm những bản tường trình tương đối mới, tại nhà con trai của một trong những chức việc cựu trào nhất của họ đạo Cầu Kho (giáo phận Sài Gòn), trình bày như sau: các chức việc nhóm họp tại nhà xứ, thường là ngày chủ nhật, cha xứ chủ tọa phiên họp, hầu như mọi chức việc đều hiện diện, chương trình nhóm họp đơn giản và thực tiễn bản tường trình rất đơn giản và rõ ràng:

- ngày và nơi hội họp,

- các chức việc có mặt và vắng mặt,

- vấn đề tranh luận,

- quyết định đưa ra,

- các chức việc hiện diện tùy cấp bậc, đồng ký,

- cha xứ ký và có con dấu.

3) Tường trình về một phiên họp của các chức việc.

Chúng tôi xin đan cử dưới đây biên bản tường trình một phiên họp của các chức việc thuộc họ đạo Cầu Kho, dưới sự chủ tọa của cha xứ. Biên bản được tất cả các chức việc có mặt tại Nhà Xứ, đồng lòng chấp thuận.

- Ngày chủ nhật 20 tháng 10 năm 1940.

- Hiện diện: cha xứ họ đạo Cầu Kho, Phêrô Nguyễn Phước Khanh; chủ tọa Ông Gueldre và ông Thân; qui ông có trách nhiệm: ông Qui, Thông, Mậu, Quý, Kỷ, Vân, Sang, Canh.

- Vắng mặt: ông Diệu.

- Các vấn đề đã được tranh luận và quyết định:

a) Các chức việc phân phối đất đai thuộc nhà xứ để cho thuê theo phần, trong khoảng tháng 11 và 12 năm 1940, làm lại danh sách và quyết định giá thuê phải thực hiện vào năm 1941; sẽ chọn một chức việc có thì giờ để đi đo trước từng lô đất và đặt giới hạn với hai người phu. Cha xứ và các chức việc sẽ đồng ý chọn một người hữu trách (Biên), ông Gioan Baptista Canh, để lo đo các lô đất của họ đạo vào tháng 11 và 12 năm 1940, bắt đầu thực hiện vào năm 1941, và hướng vấn đề về đất đai trong họ đạo.

b) Các chức việc sẽ điều tra các căn nhà đã được phân ra để cho thuê trên đất của nhà xứ: bao nhiêu gia đình đã thuê? Phải quyết định xem mỗi căn cho thuê hàng tháng phải trả bao nhiêu. Cha xứ và các chức việc quyết định tăng giá 3% hàng tháng.

c) Các chức việc phải điều tra một vài căn nhà (đã được thuê) cho người bên lương, người có đạo bị tai tiếng, những nơi cờ bạc, dâm đãng... và tường trình về mỗi căn một cách minh bạch, rồi làm biên bản cho cha xứ và hội đồng các chức việc của họ đạo

d) Những người thuê đất của nhà xứ để làm ăn hay buôn bán phải trả thêm 3% hàng năm, trên tổng số tiền thuê đã trả hàng tháng (I). T.S.V.P.

Các điều mục trên đã được bàn cãi và đồng thuận chấp nhận:

+ của các chức việc, ký tên: quý ông G.Gueldre, J. Mậu, P. Thân, J.B.KA. Qúy, J.B. Canh, E. Thông, P. Vân, P. Diệu, P. Sang

+ của cha xứ Cầu Kho, cha P. Nguyễn phước Khanh, có đóng dấu.

VI. Nội quy của họ đạo.

1) Lịch sử hình thành.

Trong chương bàn về "Bổn phận người tín hữu trong họ đạo", sau khi nêu lên trách nhiệm tổ chức phụng vụ chung, nghĩa là những biểu hiện tôn giáo tập thể chung (40), các cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế và giáo phận Qui nhơn, đã tuyên bố rằng: "Đời sống tín hữu trong mỗi họ luôn vận hành dưới sự chỉ đạo của cha xứ, các chức việc, cùng sự cộng tác vô vị lợi của mọi thành phần trong họ đạo. Để được hưởng mọi ân ích thiêng liêng và vật chất của tổ chức, các quí chức sẵn lòng chấp nhận mọi gánh nặng và trách nhiệm (41); Những bổn phận chính yếu của giáo dân đã được tóm lược trong nội quy của họ đạo hay quy chế các tín hữu, in bằng chữ nôm. Nội quy này chúng tôi muốn in lại bằng chữ quốc ngữ, để đọc trong các họ đạo mỗi năm hai lần, lễ Giáng Sinh và lễ hai t hánh tông đồ Phêrô và Phaolô (42). Tiếc là tài liệu này không được in lại bằng chữ quốc ngữ, chỉ còn lại bằng chữ nôm nhưng bây giờ không tìm ra được.

Dù không tìm được chứng từ chắc chắn và cụ thể, nhưng tựa trên những thư chung của đức cha P.M. Gendreau, giám mục giáo phận Hà Nội, bàn về nội quy của các họ đạo (43), chúng tôi nghĩ rằng nội quy của các họ đạo, in trong cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội đã phỏng theo (nếu không phải là tóm lược) bản quy chế viết bằng chữ nôm đã có từ lâu trong các tòa giám mục tại Việt Nam. Chúng tôi cũng nghĩ như thế về quy chế của họ đạo đọc thấy trong các cuốn Chỉ Nam của giáo phận Quy Nhơn và giáo phận Huế. Chúng tôi muốn nói thêm rằng, qua những dòng trên, nội quy của các họ đạo trình bày trong cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà nội không khác biệt gì so với những điều viết trong cuốn Chỉ Nam mà các giáo phận Huế, Quy Nhơn và Sài Gòn đã áp dụng.

Ngoài ra, đức cha Hồ Ngọc Cẩn đã viết: "Qui luật của các họ đạo là điều lệ của mỗi họ, và cũng là bản pháp lệ mà các chức việc của các họ đạo phải chú tâm. Mỗi họ đạo phải có một nội qui được soạn ra với sự chấp nhận của các đấng có thẩm quyền của địa phận. Hàng năm nên đọc lại nội quy này để ai nấy cùng am hiểu và duy trì, riêng các chức việc phải tường tận hơn hết và tuân thủ mọi điểm, coi như khuôn mẫu của mọi người trong họ đạo"(44).

Như vậy, điều kiện để qui luật của các họ đạo có giá trị hợp pháp, là phải được đấng bản quyền địa phận phê chuẩn. Bản Chỉ Nam của Hà Nội cũng tuyên bố như vậy (45). Hơn nữa, 43 năm trước khi ấn bản đầu tiên của tập Chỉ Nam này ra đời, đức cha Gendreau đã nhấn mạnh với các cha xứ: "Đôi khi xảy ra những việc đáng tiếc đối với qui luật của các họ đạo. Vì vậy từ nay trở đi, khi các cha xứ muốn sửa lại qui luật hiện có hay thiết lập một qui luật mới, các vị phải đệ trình văn bản cho đức giám mục, nếu ngài chấp nhận, qui luật mới có giá trị"(46). Đức cha Marcou, giám mục Phát Diệm, đã lập lại từng chữ câu này và xuất bản trong cuốn "Thư chung địa phận Thanh" năm 1920 (47).

2) Qui luật trình bày trong tập Chỉ Nam của Hà nội.

Theo cuốn Chỉ Nam của Hà Nội, qui luật của các họ đạo gồm hai phần: Khoán lệ cải lương và khoán lệ trừng giới.

a) Khoản lệ cải lương

Nhắm đặc biệt vào tang lễ và cưới hỏi. Cuốn Chỉ Nam thấy rằng "nhiều họ đạo còn duy trì những thủ tục về tang ma và cưới hỏi, đã khiến bao gia đình phải sạt nghiệp sau tang lễ của cha mẹ. Lại nữa nhiều đôi bạn trẻ, nhất là các thiếu nữ phải hoãn lại ngày cưới, tới độ phải sống độc thân vì cheo làng quá nặng (48). Như vậy, cần canh cải những tục lệ này trở thành những thói tục tốt, có lợi cho đời sống tư nhân cũng như đời sống chung của họ đạo (49).

Tang lễ: Cuốn Chức Sở Mục Lệ (1884), nhất là cuốn Tử Hầu (1907), Công Nghị Tonkin (1900), và tất cả các cuốn Chỉ Nam đều nhấn mạnh rằng:

+ Tiêu cực:

1 - Phải cấm tất cả những gì có màu sắc dị đoan trong tang lễ của bổn đạo.

2 - Phải cấm tất cả những tục lệ ngoại giáo, như mời dân làng và họ đạo tới dự tiệc, nhất là khi xác người quá cố còn quàn tại nhà.

3 - Trong mọi trường hợp, phải liệm xác trước 12 giờ sau khi qua đời, và không được giữ xác quá ba ngày tại nhà.

+Tích cực:

I - Đám tang của bổn đạo được họ đạo tham gia chung. Khuyến khích các bổn đạo tham dự và cầu nguyện cho người quá cố.

2 - Về tang lễ, cũng cần khích lệ các bổn đạo hành xử sao cho đúng với những chỉ thị của Giáo Hội và tập quán công giáo. Tham gia đông đảo trong đám tang và bước đi trong thinh lặng.

3 - Mong mọi gia đình mang những người quá cố tới nhà thờ, để linh mục có thể cử hành mọi lễ nghi theo sách Nghi Thức. Cũng cần phải có thói quen cử hành một Thánh Lễ ngày an táng, lúc thi hài còn ở nhà thờ.

4 - Nơi nào không có giá biểu cho tang lễ, người ta có thể có ít nhất hai hạng: một hạng đòi hỏi những chi phí đáng kể mà chỉ những gia đình giàu mới có thể trả, hạng hai cho những gia đình tương đối khá giả.

5 - Tang lễ cho người nghèo thường miễn phí và luôn thích ứng như vậy.

6 - Một phần ba giá biểu thuộc về nhà thờ của họ đạo phần còn lại linh mục chi cho ca trưởng và các em trong ca đoàn (50).

Vấn đề cưới cheo: Qua thư chung của đức cha Lefèbvre, chúng ta biết tục nộp cheo không áp dụng trong nhiều làng. Tuy nhiên, tại miền Nam và miền Trung, các thừa sai bắt bổn đạo phải bỏ tục lệ này đi (51). Các cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế và giáo phận Quy Nhơn yêu cầu các cặp vợ chồng phải 'khai báo' với các chức sắc trong làng trước khi làm phép cưới đạo (52). Quy luật của cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội xác quyết rằng:

+ Tiền cheo từ nay được ấn định là một đến hai đồng cho những cặp vợ chồng sống trong cùng một giáo xứ, và từ hai đến bốn đồng cho những cặp sống tại giáo xứ khác.

+ Thay vì mua trầu cau như hiện vật biếu mỗi gia đình trong làng, các cặp vợ chồng đóng góp vào quỹ của họ đạo một khoản tiền, ít nhiều, tùy theo sự khá giả của gia đình. Khoản tiền này sẽ được dùng để trùng tu nhà thờ hay sửa đường xá của làng v.v…(53)

b) Khoản lệ trừng giới

Nhiều trường hợp có những cá nhân tái phạm đối với trật tự đạo đức và xã hội: những tái phạm này làm băng hoại những tập quán tốt. Vì vậy mỗi họ đạo cần qui định những hình phạt để nghiêm cấm những tội trạng này. Sau đây là một vài nét chính.

Tội phạm về thuần phong mỹ tục:

1- Trai gái có những cuộc chuyện trò phóng đãng, nhất là đêm khuya, khi xảy ra gương mù và có chứng cớ, sẽ bị phạt từ hai hào tới một đồng, và họ phải sửa đổi.

2- Đối với việc chửa hoang phi pháp (grossesse illégale), mỗi bên trai gái bị phạt từ hai đến sáu đồng.

3- Đối với những hôn thú bất thường, dù đó là hôn thú ngoại luật, hay lẽ mọn (concubine) hay trường hợp tương tự, sẽ bị phạt từ năm đến mười đồng. Và họ bắt buộc phải cải đổi lại.

4- Nhân một lễ nào đó, nếu có ai mời một đoàn hát bội hay hát chèo, thì cấm tham dự hội. Ai không tuân lệnh này, sẽ bị phạt: chủ nhà bị phạt năm đồng, những người khác từ hai mươi lăm xu tới năm hào.

Rượu chè quá độ:

1- Nếu say sưa quá độ và có những phát biểu sai lạc trong một phiên họp, hay trước sự có mặt của nhiều người, và nếu có bằng chứng, người đó sẽ bị phạt từ một đồng tới hai đồng.

2 - Nếu say sưa quá độ, người đó đánh vợ, đánh con, đập vỡ vật dụng, và nếu có cớ, họ sẽ bị phạt từ hai mươi su đến năm mươi xu, và phải nhất tâm canh cải lại.

Cờ bạc:

1 - Ai có thời giờ chơi cờ bạc (trừ khi chơi chút ít trong dịp tết), sẽ bị phạt mỗi lần theo luật lệ hiện hành, là từ hai mươi xu cho tới một đồng.

2- Ai chứa những người chơi cờ bạc trong nhà, sẽ bị phạt từ ba đến năm đồng, mỗi lần bị bắt quả tang, bị phạt từ ba đồng đến năm đồng.

3- Ai quy tụ những người từ nơi khác đến chơi cờ bạc trong làng, mỗi lần sẽ bị phạt từ năm tới mười đồng.

Thuốc phiện:

1- Ai chẳng may bị nhiễm thuốc phiện trước khi những hình luật này được phê chuẩn, phải cố chừa dần dần, đúng theo nguyên tắc mà đức giám mục đã đề ra: nghĩa là, phải hút kín áo, không trợ lực người khác hút sách, và phải chừa bớt dần dần.

2- Những ai hút công khai sau khi những hình luật này được công bồ, mỗi lần sẽ bị phạt năm mươi xu.

3- Sau khi những hình luật này được công bố, ai còn cung cấp dụng cụ (ống, bàn điếu), để hút, sẽ bị phạt một đồng, dụng cụ và sẽ bị tịch thu trao cho cha xứ.

4- Nhân một lễ tiết nào đó, ai cung cấp vật dụng để hút thuốc phiện, sẽ bị cấm tham dự lễ tiết. Phạt năm đồng cho chủ nhà, hai mươi đến năm mươi xu cho ai tham dự lễ hội.

Ăn trộm và cướp bóc:

1- Kẻ nào ăn trộm và cướp giật, và nếu bị bắt quả tang: ăn trộm thì từ mười xu đến một đồng, cướp giật thì năm đồng hay hơn nữa.

2- Kẻ tái phạm sẽ bị phạt gấp đôi.

3- Nếu tội hình cướp giật còn vi phạm lần thứ ba, thì sẽ bị giải lên quan để trừng trị.

4- Lần thứ tư mà y còn tái phạm, hội đồng các chức việc sẽ xin cha xứ mở cuộc điều tra với cha quản hạt, nhằm trục xuất y ra khỏi họ đạo.

c) Trình tự thi hành

Trên đây là những nét chính nêu lên các án phạt và có thể dùng như khuôn thước cho các họ đạo. Họ đạo nào không có những biện pháp này hay những biện pháp khác không hợp với án phạt nói trên, thì cố áp dụng những gì quan trọng để lập thành qui tắc hay cải biến. Riêng đối với những xử lý thứ yếu hay chi tiết, thì phải tùy trường hợp riêng của mỗi địa phương để lập thành qui tắc hay không.

Dù sao thì trong những sự việc quan trọng, các án lệnh khác nhau phải theo cùng một khuôn mẫu, một đường hướng như đã liệt kê trên: điều này nói lên sự đồng nhất giữa các xóm đạo và họ đạo vậy. Từ nay, mỗi khi có một tình huống nào, các chức việc phải tham khảo tập sách về những án phạt mà thi hành, hầu bảo vệ trật tự luân lý và đức hạnh trong các họ đạo (54).

VII. Các vị tài phán của tòa hòa giải.

1) Thẩm quyền của các chức việc.

Đời sống tôn giáo của họ đạo được biểu hiện không những do những buổi cầu nguyện và những thực thi lòng đạo, mà còn do gương lành, tuân giữ luật Chúa, luật Hội Thánh, quy luật họ đạo, rồi cẩn thủ trật tự trong các gia đình và đời sống cộng đồng. Đó là lý do tại sao các chức việc phải hoàn tất chung một tòa án hoà bình hay hòa giải và ông chủ tịch của họ đạo giữ một vai trò thật quan trọng. Để mọi người không ngạc nhiên khi thấy các chức việc có vẻ như tiếm quyền đời, chúng tôi xin được lập lại là những xóm đạo nhỏ, nhất là nơi người công giáo Việt Nam, được tổ chức giống như làng xã cổ xưa, mà một trong những điểm đặc thù là tinh thần tự trị. Hơn nữa các làng xóm không những đã thiết lập thành một tòa án để xử những sự việc liên hệ, mà ngay cả những gia tộc cũng xử những tranh chấp trong gia tộc của mình. Như vậy, các họ đạo cũng hành xử như mọi người. Những lời lời sau đây của cha Robert xác quyết ý kiến của chúng tôi: "Mỗi một xứ đạo, lớn hay nhỏ, đều có một vị đứng đầu chức việc mà ta quen gọi là ông trùm. Các ông trùm trong toàn xứ đạo nhóm họp lại, trở thành một đội ngũ đặc biệt, gọi là "hàng phu". Đội ngũ này đại diện cho toàn xứ đạo và có thẩm quyền luật pháp cũng như trừng phạt tùy trường hợp. Quyền này dĩ nhiên không chính thức đối với quan chức, nhưng được tập quán chấp nhận, và mọi tín hữu tiếp nhận trong sự tuân phục" (55)

Chính vì vậy, ngay từ những giai đoạn đầu của các họ đạo Việt Nam, các chức việc đã đóng vai trò xét xử các bổn đạo. Rồi cuốn Chức Sở Mục Lệ đức cha Colombert ấn hành năm 1884, đã dành vai trò này cho ông trùm của họ đạo: "Ông trùm phải chú tâm sao cho mọi việc diễn tiến trong sự an bình và hòa hài của toàn thể xóm đạo. Chú tâm tới tất cả những chức việc và toàn thể bổn đạo sao cho họ chu toàn những bổn phận bình thường, giữ vai trò thẩm xét khi có kiện tụng giữa họ với nhau" (56). Tiếp đó, Công Nghị đầu tiên Bắc Kỳ đã nới rộng quyền hạn này cho mọi chức việc: "Các chức việc xét xử tranh chấp nhỏ giữa các bổn đạo và làm sao cho họ tuân giữ quy phép họ đạo" (57). Các cuốn Chỉ Nam của hai giáo phận Huế và Qui Nhơn cũng chấp nhận gián tiếp quyền hạn này dành cho các chức việc: "Các chức việc phải làm sao cho các bổn đạo tuân hành luật Chúa và luật Hội Thánh" (58). Sau hết cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội cũng đòi hỏi "các chức việc phải cẩn trọng làm sao cho bổn đạo tuân hành đúng theo qui luật của họ đạo" (59).

2) Xác định giới hạn:

Những trường hợp mà các chức việc, đặc biệt là ông chánh trương hay ông trùm họ đạo có thể xét xử, thì thường đã được minh định theo qui luật của họ đạo. Đó là những vụ kiện nhỏ xảy ra trong họ đạo. Bây giờ, chúng tôi xin mượn bản văn của cha Cadière, một vị thừa sai trứ danh và một cha xứ nổi tiếng trên 50 năm tại Việt Nam, để giải thích cụ thể những gì vừa trình bày.

Cha viết: "Khi trong họ đạo xảy ra gương xấu, như hai người đàn ông ẩu đả nhau, hai người đàn bà chửi rủa nhau và cả khu xóm cùng nghe thấy những lời chửi bới tục tằn, hai anh em bất đồng với nhau trong việc kế nghiệp ông bố vừa qua đời, một nông phu xâm lấn đất canh tác của người khác… Tòa án các chức việc phải để tâm về những trường hợp này và còn những trường hợp khác nữa. Khi xảy ra một gương xấu công khai, họ phải nêu lên lý do và nêu đích danh thủ phạm phải xuất hiện. Có khi người thưa kiện đến thẳng với tòa án các chức việc, 'kính cẩn loan báo toàn họ đạo', bởi trong mọi tình huống, các chức việc đại diện cho toàn thể cộng đồng. Trong những phiên nhóm, đôi khi tại nhà ông trùm, thường hơn thì tại hội quán hay tại nhà cha xứ: công chuyện thường phân xử ôn hòa hơn: các chức việc không phải là những quan tòa, mà là những trọng tài. Trường hợp những gương xấu, vi phạm luật Hội Thánh hay qui luật họ đạo, án xử thường kèm theo một hình phạt: đôi khi vài roi, và thường thì phạt tiền. Một vài hình phạt còn bị định giá. Chẳng hạn như chửa hoang bị phạt ba mươi quan tiền (ligatures), hay bốn mươi đồng. Tiền phạt, quan tiền hay đồng bạc, đều chuyển vào trong ngân qũy của họ đạo " (60).

Tuy nhiên, các cuốn Chỉ Nam của giáo phận Qui Nhơn và giáo phận Huế đã minh định quyền tài phán của các chức việc như sau: "Đức giám mục là người thẩm định duy nhất khi xét xử những bất đồng trong các họ đạo, tùy công ích thiêng liêng hay thế tục… Trên thực tế, các yếu nhân thường không liên lạc thẳng với đức giám mục. Họ liên lạc thẳng với các đại diện, trước hết là Hội Đồng Chức Việc, sau đó là cha xứ, sau cùng là cha quản hạt… Nếu sự bất đồng hoàn toàn do những sự việc nhất thời, trong tinh thần hòa ái, các bổn đạo phải nại đến những trọng tài, như Hội Đồng Quý Chức, cha xứ, cha quản hạt, sau cùng mới là đức giám mục" (61).

Thật vậy, trên tòa án các chức việc, còn có tòa thượng tố, tức tòa án thuộc quyền cha xứ. Nhiều khi một bên đương sự, không hài lòng với sự xét xử của các chức việc, xin đến thẳng với cha xứ; đôi khi họ đến thẳng với cha xứ. Các bổn đạo Việt Nam thường tin tưởng nhiều vào các ngài. Ít khi một bổn đạo đến trước cửa quan, vì không tín nhiệm cha xứ. Câu chuyện sau đây củng cố nhận xét của chúng tôi. Cha Bennetat viết: "Các bổn đạo Phú Thượng hốt hoảng chờ tôi, và họ đã đến tìm tôi hai lần, để giải quyết những sự việc gây bất hòa trong nhiều gia đình, tới độ có thể gây án mạng. Đó là việc chia gia tài mà ai cũng đòi phần lớn hơn. Họ làm tôi ưu tư trong ba ngày ròng. Sau khi xét xử công chuyện và quyền lợi của mỗi người, tôi đã chia phần và hài lòng về sự chấp nhận của mỗi người. Ai nấy đều chấp nhận về phần chia của mình và mọi việc diễn tiến trong hòa ái. Giữa họ với nhau, đã ký kết một văn bản, theo đó họ sẽ không nói gì tới gia tài này nữa…(62)

3) Những trường hợp đáng tiếc:

Ở đây chúng tôi muốn nêu lên vài sự kiện về những lạm dụng đáng tiếc của cha xứ và của các chức việc:

a) Những lạm dụng đáng tiếc của các linh mục

Nhiều cha xứ, do thiếu tin tưởng nơi các chức việc hay vì lạm dụng quyền, đã hành xử mọi việc trong họ đạo, và không dành quyền hạn gì cho các chức việc hết. Một số việc, tuy do các chức việc qui xét, nhưng lại tụ họp trong nhà xứ và do cha xứ chủ tọa. Cách hành xử này cũng gây nhiều phiền toái. Cha xứ sẽ lãnh trách nhiệm về mọi phân xử. Nếu có những người bất bình, và bao giờ cũng có, cha xứ sẽ phải nhận lãnh hết. Không chóng thì chày, ngài sẽ thất nhân tâm trong họ đạo, nhất là khi ngài thiếu tinh thần bao dung, quá tỷ mỷ, quá thủ tục và tọc mạch.

Hơn nữa, nếu ngài tước đoạt một phần quyền tài phán của các chức việc, mà thông lệ và qui ước đã dành cho họ, ngài cũng mất uy tín dần dần. Và khi cha xứ vượt quá giới hạn quyền hành của mình: dĩ nhiên, theo giáo luật, ngài không có thẩm quyền gì về việc xét xử ngoài đời, cũng như, ngài chả có quyền chủ tọa bất kỳ tòa án nào trong họ đạo. Ngài phải cẩn trọng, trường hợp nào ngài có thể phân giải, trường hợp nào dành cho các chức việc, trường hợp nào dành cho quan chức thế tục.

b) Những lạm dụng đáng tiếc nơi các chức việc

Chẳng thiếu gì những trường hợp mà các chức việc lạm dụng rõ ràng và đáng tiếc quyền hạn của mình. Nhất là ba hình thức sau đây:

+Thiếu liên hệ và tuân phục cha xứ: Muốn giới hạn sự lạm quyền của quí chức, các Công Hội, Qui Luật và Chỉ Nam đều nhấn mạnh rằng họ phải liên hệ trực tiếp với cha xứ, và hoàn toàn vâng phục ngài (63).

+ Lạm dụng quyền hành: Các giám mục Bắc Kỳ đã lưu ý rằng: "Giáo quyền không áp đặt những hình phạt thuộc quyền hành của quí chức. Vì thế các linh mục phải quan tâm đừng để các chức việc ỷ thế mà lạm quyền thuộc về Giáo Hội. Ngày xưa thì quả có đôi chút lạm dụng, nhưng ngày nay, nếu đôi khi có những hình phạt hay án phạt hành xác, thì những hình phạt đó chỉ áp đạt cho những vi phạm tới quy luật riêng của các họ đạo" (64)

+ Thiếu liêm khiết, tế nhị và công bằng với bổn đạo, nhất là với những người cô thế và nghèo khổ. Về điểm này, đức cha Hồ ngọc Cẩn đã cảnh cáo các chức việc như sau: "Khi tạo xung đột, xung đột sẽ tiếp diễn. Càng tạo kiện tụng, thì càng vướng tội. Từ xưa, các chức việc phải biết rằng: muốn tạo hòa bình, phải tránh kiện tụng. Khi xét xử một vụ kiện tụng, phải dùng sự liêm chính như thước đo, không vi phạm quyền của người nào, tránh mọi vi phạm tới đức công bằng tương xứng. Khi biết một chức việc xử sai, cần phải làm áp lực để chế tài ông ta và không nên nín lặng. Người chức việc thấy ai áp chế một người vô tội, hay xét xử bất minh do thù hằn một gia đình nào, ông phải ngăn chặn ngay. Các chức việc không đe dọa ai để tống tiền hay đòi hỏi gián tiếp" (65)

c) Cảnh cáo nghiêm ngặt

Sau đây là một đoạn văn trong bức thư mục vụ của đức cha Marcou khiển trách nặng lời việc lạm dụng quyền hành của các linh mục và các chức việc trong các họ đạo:"Thường thì các đức giám mục đã cấm các cha xứ không được ra án phạt, nhưng đôi khi xảy ra điều thật đáng tiếc mà cha xứ không nói là đã làm hay ra lệnh, cha đã cho phép các chức việc thi hành và không ngăn cản. Một khi tình trạng hỗn loạn đã xảy ra, và bề trên quở trách, cha xứ lại tránh né và cho là lỗi của các chức việc họ đạo, ngài không ra lệnh gì và không biết gì. Không thể giữ thinh lặng mãi trong những ngộ nhận như vậy" (66).

VIII. Những người đại diện và biện hộ của họ đạo trước dân chính.

1) Đại diện họ đạo

Nhiều họ đạo chỉ là một nửa hay một phần nhỏ của dân làng. Chính vì vậy, hành chính của họ đạo thường khó khăn và phiền tạp. Chỉ dễ dàng hơn khi các chức việc của họ đạo cũng là những chức sắc của làng xã. Khi đó có thể dễ dàng giải quyết nhiều vấn đề, tỷ như ruộng công thuộc về nhà thờ hay chùa chiền, hôn nhân khác đạo… Chính vì vậy, cuốn Chức Sở Mục Lệ mong ước "những người tham gia công việc của họ đạo cũng đồng thời là những người có địa vị trong làng hay dân chính; và ngay trong những làng công giáo, cũng nên chọn một vài chức việc của họ đạo trong số những chức sắc của làng, hầu dễ có sự đồng thuận chung" (67)

Là đại diện của họ đạo trong những làng ngoại giáo, nhất là trong những đại hội làng, các chức việc phải cư xử làm sao cho xứng với tôn giáo, không ai có thể khinh khi. Phải nhớ nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền lợi của một tôn giáo thánh đức, họ đạo, và nhất là nêu gương lành cho các chức sắc ngoài công giáo. Cẩn thận trong lời nói, không nói những gì bất xứng hay nghịch với đức bác ái (68).

Khi một làng công giáo có hội họp (chứ không phải một làng mà một nửa hay quá nửa là ngoại đạo), thì cuốn Chỉ Nam của hai giáo phận Qui Nhơn và Huế xác định vắn tắt về ngôi thứ và chỗ ngồi như sau: "Những người có chứng thư của chính quyền thì được coi đồng hàng với những người có chứng thư của đức giám mục" (69). Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội xác quyết rõ ràng hơn: "Chánh phó tổng và các phẩm hàm ngồi cùng hàng với chánh phó trương. Lý trưởng, chánh hương hội ngồi đồng hàng với thư ký, thủ qũy và trương phiên. Phó lý, phó hội, thư ký, thủ quỹ hàng xã ngồi đồng hàng với trùm và quản giáo" (70).

2) Những người biện hộ cho họ đạo:

Vai trò này của các chức việc đã biểu hiện rõ trong thời gian cấm đạo. Bấy giờ, các họ đạo ít hơn, ít linh mục hơn, và thường xuyên bị những người chống đức tin đe dọa. Ba câu chuyện lịch sử mà chúng tôi trích dẫn dưới đây cho thấy rằng các chức việc là những cột trụ và linh hồn của họ đạo. Họ không phải là những người chỉ huy, mà là những người phục vụ, bảo biện hộ và bảo vệ họ đạo.

Các chức việc của họ đạo Kê Rum: Ngày 13 tháng 3 năm 1684, các nhân vật chính của họ đạo Kê Rum đã trình lên quan trấn thủ Nghệ An một bản điều trần, theo đó, họ tuyên xưng mình là tín hữu, nhưng rất mực trung thành với các quan chức của vua, đóng thuế và tuân thủ mọi hình luật khác, như phép nước đã định; họ xin với quan là làm sao ngăn cản những viên chức và nhiều người chẳng có địa vị gì, đã lợi dụng quyền hành và lệnh quan trên, gây cho họ biết bao phiền nhiễu. Quan đã đọc bản điều trần và nói họ thật chân thành và quả cảm. Quan bảo đảm với họ là ông không ghét các bổn đạo và vừa ra hai sắc chỉ chống đạo Kitô giáo, chỉ để làm hài lòng hai viên chức mà triều đình vừa phái tới, để giúp quan thẩm xét những vụ án tại tỉnh; ít ra quan sẽ ngăn cản để người công giáo không bị ngược đãi trong tương lai…"(71).

Ông trùm họ đạo Vinh Hiêng: Ông Tân, trưởng ấp làng Vinh Hiêng, đã làm mọi cách, để tố cáo những người trong làng theo đạo, nhất là ông trùm họ đạo nhỏ bé Vinh Hiêng. Ông trùm nguyên là quản tượng và rất dũng cảm. Tư gia của ông thành nhà nguyện nhỏ cho các bổn đạo và các thừa sai… Để chống lại âm mưu thâm độc của ông trưởng ấp ngoại đạo và để bảo vệ các giáo dân, ông trùm đã thực hiện một cuộc điều tra chính xác về những lường gạt của ông trưởng ấp, vì ông này đã làm giầu bằng nhiều hình thức gian lận, như chiếm đoạt phần đất trong làng, xóa đi thuế thân của nhiều người, và kín đáo nhận quà hối lộ. Khi làm xong cuộc điều tra, ông trùm đã đọc cho vài người nghe. Nghe biết vụ việc, ông trưởng ấp Tân thất kinh và mua ngay con lợn, để làm lành với các bổn đạo. Ông hứa sẽ thân thiện mãi mãi (72).

Ông Simon Cầm và họ đạo Vân Côi: Các hương chức ngoại đạo làng Vân Côi đã sẵn sàng tố cáo các bổn đạo và các chức việc, đạc biệt ông trùm Simon Cầm lên vua. Vì ông này đã gây dựng họ đạo trong làng, ông đã dám tụ tập bổn đạo trong nhà ông để cử hành những công tác phụng tự. Biết âm mưu của địch thù, người chức việc can trường này đã "chơi ngay màn võ" mà ông trùm họ đạo Vinh Hiêng đã xử dụng với người ngoại đạo. Ông làm danh sách những vụ trộm cắp, các vụ gian lận công thổ và gia bộ mà các hương chức của làng đã âm mưu hay đồng lõa… để trình lên quan tỉnh. Thấy vậy, các hương chức và dân làng ngoại giá chỉ còn cách giảng hòa, ngả một con bò đãi ngộ dân làng, làm hòa với ông Simon, và hứa sẽ không làm cho người đạo Chúa trong làng phải lo lắng (73).

Trên đây là một vài điểm tiêu biểu về việc tham gia của các chức việc trong việc điều hành họ đạo. Chúng ta càng am hiểu hơn vai trò cần thiết của các chức việc giữa lòng họ đạo và sự cộng tác tích cực của quí chức với các linh mục. Phương pháp Phúc Âm hóa và quản trị các họ đạo mới mà các linh mục thừa sai đã theo đuổi, khi lấy lại những nguyên tắc tốt lành đã có sẵn trong việc điều hành một làng ấp, quả thật… tinh tế. Bây giờ, chúng ta phải trình bày về vai trò và bổn phận của các chức việc trong việc quản lý tài sản của họ đạo.

MỤC II: VIỆC QUẢN LÝ TÀI SẢN


I.Các tài sản của họ đạo.

Tài sản của họ đạo bao gồm mọi hiện vật thuộc mọi thể loại, động sản và bất động sản, đồ thánh hay đồ quí giá, mà họ đạo là sở hữu chủ (74). Trên phương diện sở hữu, vẫn có một khác biệt lớn giữa các họ đạo trong cùng một sứ vụ, họ này nghèo, họ kia trung bình, họ khác giàu hơn (75). Tuy vậy, mỗi họ đạo vẫn có những lợi tức từ những thửa ruộng hay đất đai, của việc đóng thuế có danh sách, của việc phạt vạ do tòa án các chức việc xét xử, của các tặng vật cá nhân, tiền lo ma chay và cầu nguyện cho những bổn đạo đã qua đời, tiền quyên góp và cho vay mượn.

1) Ruộng đất.

Họ đạo có ruộng đất do nhiều nguồn khác nhau: do chính họ đạo mua tậu, do bổn đạo hảo tâm dâng cúng để xin họ đạo dâng lễ cầu nguyện cho sau khi lìa trần (76). Ruộng đất này được canh tác theo nhiều cách thức tùy thói quen của mỗi họ đạo: đôi khi được bán đấu giá và dành cho ai có địa tô khá nhất, hay được canh tác chung bởi lớp trai tráng trong họ đạo, hoặc do những nhóm gia đình bà con với nhau, họ chung sức làm từ khi gieo hạt, cấy mạ và gặt hái…

2) Việc đóng góp 'tiền nhân danh'

Việc thu nhận 'tiền nhân danh' là tiền mà mỗi bổn đạo phải đóng góp khi đến tuổi trưởng thành hay mỗi gia đình góp giúp nhiều lần trong năm, mỗi khi họ đạo có một sinh hoạt đặc biệt. Theo văn, thư của đức cha P.M. Gendreau: "Các chức việc thu nhận tiền giáo dân đóng góp phải ghi sổ và công bố vào các dịp lễ lớn (Phục Sinh, Các Thánh…), đầu năm, vào dịp đức giám mục đến kinh lược họ đạo hay bất cứ khi nào bề trên có lý do hỏi đến. Trong mọi trường hợp, khi Hội Đồng Quí Chức gửi giấy xin giáo dân trong họ đạo đóng góp về một việc gì, thì ông trùm phải xin cha xứ ký tên và đóng ấn trên tấm giấy ấy. Lúc đó bổn đạo mới buộc phải đóng góp. Bằng không có chữ ký và dấu ấn của cha xứ, giáo dân không buộc đóng góp, và quí chức sẽ thất vọng về vai trò của mình"

Hơn nữa, đức cha P.M. Gendreau mong ước châm chước sự đóng góp cho những gia đình nghèo khổ. Ngài viết: "Phải miễn trừ sự đóng góp cho những gia đình trong cảnh túng quẫn, còn những gia đình nghèo, thì chỉ buộc đóng một nửa số tiền phân bổ thôi. Lý do chính là sự đóng góp hay chi phí này thường gây nên những bất hòa, ta thán; ai có phận sự, phải thương đến những người nghèo, đừng đe dọa họ và đừng tịch thu hay cầm giữ vật gì họ đang có. Đối với những người mới theo đạo, thì mười lăm năm sau khi lãnh bí tích rửa tội, họ không phải đóng góp gì hết, trừ phi họ tự nguyện đóng góp sớm hơn."

Sau cùng, đức cha cũng mong ước rằng: "Trong mỗi xóm đạo và họ đạo, cần thiết lập dần dần một qũy chung, nhằm trang trải vừa đủ cho những phí tổn thường xuyên trong một năm. Điều này cần thiết và sẽ tránh được nhiều chuyện không hay. Do đó, cha xứ phải có sáng kiến chỉ cho các chức việc con đường phải theo nhằm thiết lập một qũy chung" (77).

3) Cho vay.

Tiền bạc hay lúa thu vào mỗi mùa gặt là tài sản của họ đạo. Tài sản này có thể cho vay lấy lời về cho họ đạo. Cha Cadière đã viết: "Xưa kia, trong xã hội truyền thống Việt Nam, vấn đề cho vay lấy lời luôn uyển chuyển theo tục lệ, nghĩa là đòi 3% một tháng. Nhưng dần dần lãi xuất giảm nhẹ, gây thiệt thòi cho qũy của họ đạo ".(78)

4) Những nguồn thu nhập khác:

Tiền phạt mà tòa án các chức việc bắt vạ, các đóng góp cho tang lễ và cầu nguyện, tiền cưới cheo, phải trả theo luật lệ của họ đạo. Tặng vật riêng cũng ít. Tiền quyên lễ chủ nhật mới đươc du nhập vào trong các họ đạo Việt Nam, nhưng con số cũng không đáng kể. Việc quyên tiền bất thường được tổ chức để sửa nhà thờ, trường học hay một công tác bác ái… của họ đạo, phải được đức giám mục cho phép rõ ràng trên giấy tờ" (79). Sau cùng, nhà thờ, nghĩa trang, và các nhà hội của xứ, cũng là sở hữu của họ đạo. vậy, các chức việc phải lưu tâm tới.

II. Việc quản trị các tài sản của họ đạo

1) Các chức việc và cha xứ

Tài sản của họ đạo, ruộng đất, thóc lúa, tiền bạc, do cha xứ quản nhiệm với sự trợ giúp của Hội Đồng Quí Chức, đặc biệt là ông thủ qũy hay người được ủy nhiệm riêng. Trách nhiệm đã được qui định đầu tiên là do các cuốn Chỉ Nam của các giáo phận.

Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Qui Nhơn tuyên bố: "Bình thường thì cha xứ là người quản trị tài sản của họ đạo. Ngài là người duy nhất có trách nhiệm, nhưng ngài cũng được Hội Đồng Quí Chức trợ giúp" (80). Đó cũng là điều mà Công Nghị Bắc Kỳ năm 1900 mong mỏi: "Kỳ vọng rằng trong mỗi họ đạo hay giáo xứ, đều có một hội đồng để bảo quản, dưới sự chỉ đạo và thẩm quyền của linh mục (ngài chịu trách nhiệm trước giám mục), mọi tài sản của Giáo Hội, tức nhà thờ, nhà xứ, nghĩa trang, và mọi lãnh vực khác, như hoa lợi dành cho nhà thờ". (81)

2) Thiết lập danh sách

Công việc đầu tiên của việc quản trị là thiết lập rõ ràng một danh sách về tất cả tài sản thuộc họ đạo, nhằm phân biệt:

a) Tài sản thuộc Giáo Hội: "Tài sản của Giáo Hội, không những là tất cả những tài sản của sở Truyền Giáo mà mọi nhà thờ thuộc mọi họ đạo, mà còn phải kể tài sản của các tu viện và tài sản dành cho công trình đạo đức, thí dụ, của cải mà các bổn đạo dâng cho nhà nguyện "(82).

b) Tài sản khác của họ đạo: "Họ đạo có những tài sản chung khác, hoặc bất động sản, hoặc động sản, thu được do sự đóng góp hay cách nào khác, được xử dụng không phân biệt, hoặc để tổ chức tiệc tùng vào một vài ngày lễ trong năm, hoặc để cấp dưỡng cho linh mục và các thầy giảng, khi các ngài đến làm việc trong họ đạo hay đi thăm hỏi, hoặc để tổ chức lễ lớn trong nhà thờ (Giáng Sinh, Kiệu Mình Thánh), hay tham dự vào các lễ hội chung của khu vực… Chúng tôi tuyên bố rằng các tài sản thuộc loại này không được coi như thuộc về Giáo Hội bao lâu chúng chưa thích đụng vào nhà thờ, vào việc phượng tự hay vào công trình truyền giáo. Do đó, trước khi được coi là của Giáo Hội, những tài sản ấy mang tính cách trần tục, hoàn toàn thuộc về họ đạo và được xử dụng tùy nghi. Nhưng khi sử dụng những tài sản này, cần tránh những bất công và xử dụng làm sao cho hợp với ý nguyện của người đã dâng cúng, hay dùng theo một mục tiêu rõ ràng" (83).

c) Sau đây là huấn giáo khôn ngoan của Công Nghị: "Trong tương lai, hầu tránh mọi lầm lẫn, chúng tôi nghị quyết rằng mọi linh mục phải đồng thuận với các chức việc của mỗi họ đạo khi quyết định về những tài sản thế tục và phân biệt những tài sản ấy với những tài sản thuộc về Giáo Hội. Từ nay về sau, phải phân cách rõ rệt chứ không lẫn lộn. Nếu có những khó khăn hay nghi ngờ về vấn đề này (tài sản này có thuộc về Giáo Hội hay không?), thì phải tham khảo giám mục trước khi quyết định (84). Như thế, các linh mục và các chức việc, đầu tiên phải thiết lập và bảo trì một danh mục hay thống kê chính xác về những động sản và bất động sản của các nhà thờ, các hội đoàn và các tổ chức đạo đức khác vốn có trong mỗi họ đạo (85).

3) Trách nhiệm đặc biệt của ông thủ qũy.

Là những người cộng tác của cha xứ, các chức việc có trách nhiệm chung trong việc quản trị tài sản của họ đạo. Nhưng trách nhiệm này lại là phận sự chính của ông của tịch xóm đạo hay ông trùm họ đạo, và đặc biệt là ông thủ qũy hay của người được ủy nhiệm đặc biệt. Bây giờ chúng tôi sẽ nói dài hơn về ông thủ qũy. Dưới quyền của cha xứ và ông trùm họ đạo, ông thủ qũy phải khôn khéo và trực tiếp quản trị mọi sổ sách và tài sản của họ đạo và sổ sách. Ông còn phải quan tâm tới tất cả những vật liệu và đồ dùng của nhà thờ nữa.

Trên nguyên tắc, mọi chức việc, tuần tự thi hành phận sự này, mỗi người, một hay ba năm, nhưng trên thực tế, khi một chức việc hành sự tốt, thì ông tại chức lâu hơn. Và khi ai được chọn làm thủ qũy, phải thông báo trong nhà thờ cho bổn đạo biết (86).

Để minh định phận sự của ông, cuốn Chức Sở Mục Lệ tuyên bố: "Người được ủy nhiệm phải để tâm tới những vật dụng cần thiết cho nhà thờ, nhất là những đồ vật thánh liên hệ tới phụng tự. Ông phải lo cho nhà thờ sạch sẽ; nếu thấy hư hại gì phải lo sửa ngay; ông cũng phải canh chừng những người được tuyển vào làm công tác và phân phối lương cho họ. Lo thu tiền nong ruộng đất, tiền dâng cúng và chuyển ngay số tiền này cho cha xứ. Ông cũng phải lo cho sổ sách tiền nong thu được sao cho thật sáng tỏ, mỗi tháng xem xét lại sổ sách này và so với sổ của cha xứ. Rồi, mỗi năm, vào ngày lễ hai thánh Phêrô và Phaolô hay một ngày thuận lợi nào, ông trình bày cho đại hội các chức việc quản lý của mình (87).

Để hoàn thành nhiệm vụ này, ông phải hội đủ nhiều đức tính. Thật vô tư và liêm khiết. Cuộc sống tương đối ổn thỏa, có thì giờ rảnh, và được trau dồi đủ để giữ sổ sách tương đối phức tạp, nhất là trong một họ đạo lớn có nguồn tài sản quan trọng.

4) Trên thực tế:

Trên thực tế lúa gạo, tiền nong của họ đạo được quản lý theo nhiều cách, tùy các cha xứ:

a) Một cách đều đặn và theo quy luật xưa của nhiều địa phương, Huế chẳng hạn: vựa thóc, tủ tiền thường được khóa bằng ba loại chìa khác nhau, một trong ba được trao cho cha xứ, chìa thứ hai trao cho ông trùm họ đạo, chìa thứ ba trao cho người được ủy nhiệm. Nhưng cụ thể, quy thức này ít được áp dụng, bởi lẽ, két để tiền, sẽ rất phiền toái, quá nhỏ, trong khi két sẽ luôn để mở.

b) Có những cha xứ giữ lại tiền nong và sổ sách. Khi người phụ trách cần vài quan tiền hay vài đồng, ông đến xin cha xứ và cả hai cùng ghi số tiền đó vào sổ sách. Về thóc lúa cũng vậy, ông đến cha xứ xin chìa khóa vựa thóc.

c) Nếu không, ông lo về vấn đề trao thóc lúa, tiền nong, sổ sách.

d) Kinh nghiệm cho hay, cha xứ nên áp dụng phương pháp tùy người mà ngài ủy thác, nghĩa là tùy tính tình của các chức việc, thí dụ cha Cadière đã trao phó tất cả cho hội đồng các chức việc Cổ Vưu và Di Loan, trong khi ngài vẫn buộc phải giữ lại và kiểm soát cẩn thận mọi chi tiêu ghi ra do ông thủ qũy của họ đạo La Vang và Hòa Ninh (88).

III. Những chi phí

1) Tùy nhu cầu phượng tự

Tài nguyên của mỗi họ đạo không đủ để xây một nhà thờ; nhà xứ, nhưng đủ để bảo trì, sửa chữa, thí dụ, thay một mái đã mục, chữa lại những viên ngói đã lệch, sơn lại một cánh cửa… tóm lại, khi thấy có một hư hại nào đó, ông chủ tịch hay người được ủy nhiệm phải sửa càng sớm càng tốt hầu ngăn chặn thiệt hại lớn hơn có thể xảy ra.

Các tài nguyên này cũng dùng để trang trí nhà thờ, mua chân đèn hay hoa cho bàn thờ, dầu đèn và nến sáp, cờ xí, lồng đèn để trang hoàng nhà thờ vào những ngày lễ hay tuần đại phúc, ngày lễ truyền giáo, dịp đức giám mục viếng thăm họ đạo…

Mỗi năm, các chức việc dành một khoản tiền để xin cha xứ cử hành thánh lễ vào vài ngày trong năm: lễ thánh quan thày của họ đạo, các ngày giỗ của cha xứ cũ hay các chức việc đã ly trần (89).

Còn có những chi dụng khác mỗi năm, như các kiệu hoa trong tháng Đức Mẹ, lễ Thánh Thể, ngày thi kinh bổn (giáo lý) v.v…

2) Giúp đỡ cha xứ

Theo tục lệ có từ xưa, theo huấn giới cũ, nhất là vào dịp tết năm mới hay lễ thánh bổn mạng của cha xứ, Hội Đồng Quí Chức thường mua mâm hoa quả, một hay hai con gà, con heo… đến chúc cha xứ nhân danh họ đạo. Hàng năm, thường biếu ngài hàng trăm rá gạo, để ngài có thể nuôi hai ba người giúp việc, một vài chú nhỏ sắp vào chủng viện, hoặc tiếp đón quí cha đến thăm viếng... Dĩ nhiên, những trợ giúp này chẳng bao giờ đủ để giúp ngài và những người giúp việc ngài. Tòa giám mục sẽ bổ túc vào sự thiếu hụt này (90).

Trong những họ đạo nhỏ không có cha thường xuyên, các chức việc sẽ trích một phần gạo và tiền trong qũy chung, để làm cơm mỗi khi ngài đến thăm họ đạo và đặc biệt là trong tuần đại phúc. Họ đạo còn phải cung ứng, ít là một nửa hay một phần, để nuôi và trả lương cho một thầy giảng hay hai nữ tu, do cha xứ gửi tới để dạy kinh bổn và chữ viết cho các em…

3) Vấn đề tiệc tùng

Một thông lệ khá phổ cập bên Việt Nam, là trong một số làng xã hay họ đạo lớn, người ta có thói quen khởi đầu và kết thúc một chương trình hoạt động quan trọng bằng một bữa ăn thịnh soạn. Những bữa tiệc tốn phí này hoặc chỉ dành cho các chức việc, hoặc cho mọi người có thế giá của họ đạo. Một phần tài nguyên lớn phải chi vào cho bữa tiệc: chính vì vậy, các đức giám mục thường nhắc nhở "không nên phí tiền trong những bữa tiệc như vậy" (91). Hơn nữa, trong những bữa tiệc như vậy thường xảy ra nhiều chuyện đáng tiếc mà nguyên do thường là: khi 'tửu nhập', người ta thiếu kính trọng nhau, người này nói xúc phạm tới người khác hay gia tộc họ, một lời bóng gió, và nhắc lại một chuyện xấu đã qua… Vì vậy, muốn bảo vệ bầu khí huynh đệ, linh mục và những người có trách nhiệm phải biết kiên nhẫn tế nhị và mềm dẻo, cắt ngay những chuyện đã gợi ra và nhất là hướng mọi người về những câu chuyện xây dựng…

IV. Nhằm tránh những lạm dụng và mất mát.

Để tiết kiệm, bảo vệ và gia tăng tài sản của họ đạo, các đức giám mục đã đề nghị những phương cách cụ thể và khôn khéo (92). Các ngài yêu cầu các cha xứ và Hội Đồng Chức Việc phải quan tâm đặc biệt đến việc quản trị các tài sản này:

1) Trách nhiệm trực tiếp của cha xứ:

Công nghị Bắc Kỳ đầu tiên năm 1900, kỳ vọng rằng: "việc quản trị trực tiếp các tài sản là trách nhiệm của linh mục qua trung gian của những người đã được chỉ định vào công tác này. Linh mục phải để ý giúp những người này làm việc công tâm trong vấn đề thu, chi. Linh mục cũng có trách nhiệm trong việc quản trị tài sản của các hội đoàn, viện mồ côi, nhà phát thuốc, và tất cả những hội đoàn đạo đức khác đã được công nhận, nếu họ có một vài tài sản tương xứng" (93).

Vì vậy, linh mục phải lưu tâm để mỗi họ đạo có một hồ sơ ghi chép đầy đủ những bất động sản, kể cả những của đã cho vay mượn hoặc đã mượn, như tiền nong và lúa gạo. Hồ sơ này được giữ trong một nơi chắc chắn, và mỗi năm, khi trao lại sổ sách, những hoán chuyển tương quan đến hồ sơ này cũng phải nêu lên.

Hơn nữa, như đã đề cập, linh mục và các chức việc phải phân biệt những tài nguyên thuộc về Giáo Hội và dành cho việc phụng tự, khác với tài sản của họ đạo xử dụng vào những mục đích khác. Sự phân biệt này thật cần thiết để tránh những lạm dụng và thiệt thòi cho tài sản của nhà thờ.

Chính vì vậy đức cha P.M.Gendreau đã nhấn mạnh trong một văn thư gửi cho các linh mục thuộc giáo phận ngài: "Các cha xứ phải lo đòi các chức việc ghi lại tất cả những tài sản đã khai hay chưa khai thuộc về một nhà thờ, và tất cả những gì có trong qũy chung của họ đạo. Các ngài phải đưa ra những khuyến cáo nghiêm túc: một phần để tránh những gì có thể phương hại tới tài sản của nhà thờ, như làm thất thoát các lợi tức; phần khác, để người ta 'không chiếm công vi tư', không tự tiện dùng vào những tiệc tùng lãng phí hay vào những mục đích thế tục khác; đàng khác nữa, để ngăn chặn người ta vay mượn theo ý mình, hay cho vay không có gì đảm bảo chắc chắn sẽ hoàn lại. Những chuyện vay nợ rồi không trả đã thành một thủ tục, gây ra nhiều bất bình và tội trạng khác trong họ đạo" "Lại nữa, tại nhiều họ đạo trong giáo phận, quí chức không biết giá trị của các loại tài sản, nên đã đồng hóa tài sản của nhà thờ với những tài sản khác của họ đạo hay của làng, của khu xóm. Vì thế các quí chức nghĩ là họ có thể xử dụng những tài sản ấy vào bất cứ việc gì. Quả là một lỗi lầm to" (94)

2) Phải có phép của Đấng bản quyền

Khi họ đạo đã gây tạo nên một số vốn quan trọng, tiền nong hay thóc lúa, cha xứ và Hội Đồng Quí Chức phải tìm cách làm cho số vốn ấy thành một tài sản có lợi tức hàng năm. Việc làm này phải có phép của đức giám mục. Các chức việc phải báo cho cha xứ tất cả những vay mượn của họ đạo. Đối lại, mọi vay mượn của họ đạo, cha xứ và vị Bản quyền phải được loan báo. Việc cho thuê đất đai, nhà cửa hay đi vay nợ với thời hạn đặc biệt, nhằm mục đích có tiền trang trải một dự án ngoại lệ, phải có phép của Bản quyền.

Nếu linh mục xây nhà hay mua bất động sản với tiền riêng, nhằm gây lợi cho họ đạo, ngài có quyền đòi lại số tiền này, nhưng phải làm một khế ước với các chức việc của họ đạo và được Đấng bản quyền chấp nhận. Phải quan tâm tới việc xử dụng những tài sản này, tuy nhiên trong những họ đạo mới, cũng nên co giãn đôi chút, nhất là cần tránh những lạm dụng tiền bạc trong những bữa ăn, áo quần trong các cuộc rước hay đèn nến.

Linh mục không được phép phung phí tài sản của họ đạo vào những yến tiệc linh đình trong thời gian làm phúc. Ngài cũng không có quyền xử dụng tài sản của họ đạo để mua những đồ phụng tự cho riêng mình, như chén thánh, bình đựng mình thánh, sách lễ, áo lễ và khăn bàn thờ hay rượu lễ… Linh mục phải thận trọng khi quản trị những tài sản của nhà thờ. Nếu ngài muốn xử dụng trong việc mua sắm các đồ dùng phụng tự, phải có sự chấp thuận của Hội Đồng Chức Việc.

3) Sổ sách hàng năm

Trong Hội Đồng Chức Việc, người được ủy nhiệm hay ông thủ qũy (bao lâu có thể, thay đổi hàng năm hay tối đa 3 năm), phải ghi cẩn thận các sổ thu, chi hàng năm, tiền bạc hay lúa gạo cho vay. Tất cả những gì ông thủ qũy làm, phải theo quyết định của cha xứ và Hội Đồng Chức Việc.

Mỗi năm, vào dịp lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô hay một ngày nào đó, ông thủ qũy sẽ trình bày về việc quản lý của mình cho đại hội đồng các chức việc. Cha xứ sẽ trao lại sổ sách của họ đạo cho linh mục nào đã được giám mục ủy thác việc kiểm soát.

Nếu gặp khó khăn trong việc quản trị tài sản, các chức việc phải trình lên cha xứ hay cha quản hạt, và nếu cần, lên đức giám mục (95).

Sau khi đã trình bày đại cương lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, sự tiến hoá theo dòng thời gian của việc tổ cức Hội Đồng Quí Chức, khuôn mặt của họ đạo tại Việt Nam, nghĩa là trình bày không gian và thời gian hay khung cảnh lịch sử, trong đó Hội Đồng Quí Chức đã hình thành và tiến hóa, chúng tôi đã có cơ hội bàn về ba khía cạnh, theo đó các chức việc đã tham dự vào ba thừa tác vụ chính yếu của linh mục: Thánh Hóa, Giảng Dạy và Quản Trị họ đạo. Khách quan mà nói, chúng tôi thấy nhiều điểm tích cực của Hội Đồng Quí Chức: tông đồ giáo dân, cộng tác giữa linh mục và bổn đạo, giữa các bổn đạo trong họ đạo, tinh thần phúc âm hóa, trách nhiệm cá nhân và tập thể của những người công giáo Việt Nam, trưởng thành đức tin của một Giáo Hội trẻ, trong đó người công giáo rất ý thức về bổn phận của mình đối với cộng đồng và Giáo Hội hoàn vũ…

Để đo lường những thành quả tích cực và nhất là để thẩm định phẩm công trình tổ chức Hội Đồng Quí Chức vào hiện trạng của Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội hoàn vũ, chúng tôi nghĩ: cần khảo sát dưới ánh sáng của Công Đồng Vatican II, dựa trên những giáo huấn của Công Đồng và những quy chế mới của Hội Đồng Giáo Xứ thấm nhuần tinh thần Công Đồng và mới được ban hành tại Việt Nam. Đó là nội dung của chương VII kế tiếp.

--------------------------

Chú thích

(1) xem CSML I.

(2) DQN 112, DH 98, DHN 150

(3) CSML 2, xem CSML 14, 22, 28

(4) DQN 115, DH 101,DHN 150

(5) AD tit IV,cap. III, n.1 tr..112; CSML 30

(6) Cadière, OFCV, trg Bull. MEP (1955), số 79, tr.113

(7) SC.41

(8) Teyseyre, Un missionnaire Albigeois en Cochinchine, đức cha Galibert, tr.164

(9) CSML 30

(10) DHN 149

(11) NĐF (1927 số 928, tr.357)

(12) Louvet E., Cochinchine Religieuse, I, tr.357

(13) OFCV trg Bull.MEP (1955), số 80, tr.723

(14) OFCV trg Bull.MEP (1955), số 79, tr. 310. Để biết những trường hợp cụ thể, xem Teyseyre, sd, tr. 186-187, Cadière OFCV, Bull.MEPI (1955), số 79, tr.315.

(15) NKĐP (1922), số 685, trg 250.

(16) CSML 2,14,29; DQN 115 DH 101 DHN 150

(17) OFCV trg Bull.MEP (1955), số 79, tr 315; CH DF 100; DQN 115

(18) AD tit.IV, cap.III, số 1, trg 112: "Oportet ut sacerdos quantum curatorum utoritatem tueatur"; trg 113: "Sacerdos tum apud pueros quam apud eorum Parentes semper eis autoritatem conferre curabit".

(19) PCI 318; "Licet missionarìs… et bonis christianis tanquam auxiliarìs ut possit,… ipse tamen primo per seipsum tanto munere fungi debet".

(20) DQN 115, DH 101, Xem Cadière OFCV trg Bull. MEP (1955) số 85,

(21) CSML 30

(22) Louvet, sd I, tr. 361, xem Teyseyre, sd, tr.163

(23) CSML 41

(24) CSML 14

(25) CSML 33

(26) CSML 14,31

(27) DH 75,130,138,140-144,146,200-201,211; DQ 78,147,155,159,DHN 113

(28) DQN 78/2, DHN 338

(29) DQN 78/3; DHN 196,170 (et note); AD tit II, n.VI

(30) CSML 57

(31) DQN 78/5; DHN 114

(32) DQN 366, DH 316, DHN 114, 150; AD tit II, art.I, số.111, tr.65

(33) DHN 150, 153, DH 130 DQN 147, PCI 183

(34) SI 7 (1933) trg 148

(35) SI 7 (1933) trg 149; xem Cadière OFCV trg Bull.MEP (1955) số 83 tr.733.

(36) NKDP (1927), số 928 tr.357

(37) CSML 28; DHN 150; DH 323, Thư chung năm 1899 trg TCĐPTĐN II, tr.205

(38) Louvet E., sd I, tr.360

(39) xe trang đính kèm

(40) DQN 129, DH 112

(41) DQN 130, DH 113

(42) DQN 131, DH 114

(43) Thư chung năm 1898, trg TCĐPTĐN, I, tr.408-412, thư chung năm 1899, sd II, tr.199-205, thư chung năm 1917, sd III, tr.189-199.

(44) SI 7 (1933), tr.148-149

(45) DHN 154

(46) Thư chung năm 1898, trg TCĐPTĐN, I, tr.410

(47) Trg TCĐPT II, tr. 409

(48) Công Nghị Faifo năm 1672 giải thích cho chúng ta thế nào là CƯỚI CHEO: "Cum varios in solemni matrimoniorum celebratione ritus observare soleant indigenae, ex quibs duo prae reliquis requiruntur: alter quidem, qui vernacula ipsorum lingua dicitur "cưới", cum scilicet sponsus simul cum parentibus suis ad aedes sponsae dotem dapesque pro convivio defert; alter vero, qui dicitur "cheo", perficitur cum idem sponsus munera duci ac senioribus pagi, ut testes fiant, offert vel offerri curat; quorum ritưm si prior omittatur, penes parentes sponsae ut illam a marito reluctante auferant: si posterior, possunt conjuges gravibus poenis a senioribus pagi alìsque magisraribus affici, sponsaque a conjuge resilire, nec denique matrimonìi dignitate sed sceleris societate conjuncti ab omnibus vulgo reputantur". (xem Launay A.,Histoire de la Mission de Cochinchine, I, trg 279-280, xem thư của đức cha Lefèbvre gửi cho đức cha Benetat - trong Launay A., sd II, tr.115)

(49) DHN 155

(50) CSML 45, AD tit IV tr.118-121; DHN 155; DQN 267-272; DH 239-244

(51) Launay A.,Histoire de la Mission de Cochinchine, II, tr.115

(52) DQN 240, DH 212

(53) DHN 155

(54) DHN 156-157

(55) Robet M., Une tournée pastorale au Tonkin, trg Miss. Cath. (1893), tr.365-366.

(56) CSML 16

(57) AD tit.IV,cap.III, n.I, tr.112

(58) DQN 115, 131; DH 101, 114

(59) DHN 153

(60) OFCV trg Bull. MEP (1955) số 83, tr.726

(61) DQN 121-123; DH 106-108

(62) Launay A., Histoire de la Mission de Cochinchine, II, tr.145

(63) xem AD tit IV cap.II I,n.1, tr.112; CSML 16; DQN 115; DH 101

(64) xem Compte-rendu de la réunion des Evêques du groupe du Tonkin 1926, tr.39

(65) SI 5 (1931) tr.256-257

(66) trg TCDP,II, tr.409-410

(67) CSML 4

(68) xem SI 5 (1931), tr.255-257

(69) DQN 117; DH 103

(70) DHN 151; x. thư chung của đức cha P.M.Gendreau ngày 7/9/1899, trg TCĐPTĐN II, tr.20

(71) trg AME vol. 657, tr.99

(72) Launay A., Histoire de la Mission de Cochinchine, I, tr.329

(73) xem Launay A., sd, I, tr.330

(74) Theo "Huấn thị của quan Toàn Quyền Đông Dương ngày 12/3/1941 và thông báo của bộ Trước bạ ngày 2/4/1941, các họ đạo hay giáo xứ sở tại, thực sự là sở hữu của các tài sản, do cha xứ và hội đồng các chức việc quản trị, họ được sử dụng tùy nhu cầu của họ đạo và theo đó, ĐGM chỉ có quyền giám hộ thôi" (xem P.Granjean, Le statut des Missions en Indochine, tr.170)

(75) Theo cha Cadière, cuộc truyền giáo tại Huế đã rõ ràng, hoặc đứng trên phương diện tài nguyên chung của hạt hay nguồn sở hữu của các họ đạo, thì đây là vùng nghèo nhất tại Đông Dương, xem OFCV, trong Bull. MEP (1955), số 83, tr.729.

(76) Cần lưu ý là tất cả những sở hữu của họ đạo cũng thuộc về những tài sản của nhà thờ. Nhưng ở Việt Nam, phần lớn các họ đạo chỉ là một thành phần hay một nửa của làng xã dân sự, do đó có luật trừ: ruộng đất dành cho họ đạo, trực thuộc về làng, không phải là những tài sản của nhà thờ… (DQN 361)

(77) Thư chung ngày 7/9/1899 (xem TCDPT II,tr 202-203)

(78) OFCV trg Bull. MEP (1955), số 83, tr.730

(79) "Prohibemus omnino ne collectae pro Ecclesìs vel pro alìis pìis operibus a quocumque fiant in extraneis Viariatibus absque expressa inscriptis licenetia proprìi Episcopi et approbatione Vic. Aost Vicariatus ubi collectae fieri velint. In proprio vero Vicari atu collectae non fiant absque approbatione proprii Vicarìi Apostoli" (AD tit II,cap.I, số. XIII p.72 - xem DQN 54/5; 348; DH 312/3, 314

(80) DQN 365, DH 315

(81) AD tit. II, cap I, số 4, tr.65

(82) AD tit II, cap.I, số I, tr.64

(83) AD tit.II, cap.I. số III, tr.65

(84) xem chú thích 83

(85) AD tit. II, cap.I, số VIII, tr.71; xem DQN 366; DH 316; DHN 476

(86) CSML 25: "Mỗi năm thường đề cử một người quản lý, nhiệm kỳ người này có thể kéo dài nhiều năm"; DQN 369 "Người quản lý nhiệm kỳ là ba năm"; DH 320: "Người quản lý phải thay hàng năm nếu có thể được"; DHN 150 "Thời hạn của ông q uản lý là 6 năm".

Chính cha Cadière đã viết: "Ở Di Loan, tôi đã tìm được một ông thủ qũy, ông đã được linh mục trước tôi đề cử, và tôi đã giữ ông lại trong chức vụ cho tới khi ông qua đời, khoảng 20 năm", (OFCV trong Bull.MEP (1955), số 83, tr.734.

(87) CSML 26-27; DQN 153

(88) CSML 62-64

(89) OFCV trg Bull. MEP (1955) số 83, tr.733

(90) DQN 384-387; DH 304-311

(91) DQN 372, DH 325; trong văn thư đề ngày 19/3/1917, đức cha P.M. Gendreau đã đề ra một quy luật như sau: "Các chức việc không được quyền lấy tiền trên niên liễm để tổ chức tiệc tùng. Khi nhóm họp đại hội, thường đưa cho ông thủ qũy ba quan tiền một ngày để lo bữa ăn, và nếu cuộc họp chỉ giới hạn trong một họ đạo, thì một quan tiền một ngày thôi" (TCĐPTĐN II, tr.204)

(92) Có thể nói rằng, các giám mục đã dựa trên một tài liệu thuộc về việc quản trị các tài sản của GH, trong SS 14 (1922), tr.300-301 và nhất là Giáo luật khoản 1519-1521: administratores immediati, khoản 1545-1547: Concilium administrationis, concilium fabricae; 1519, 535, 1478: vigilantia Ordi narìi etc, xem Vromant G., De bonis Ecclesiae temporalibus, 3 éd., Paris 1953, tr.224-235

(93) AD tit.I I, cap.I, số.IV, tr.70

(94) trg TCĐPTĐN, II, tr.164-168.

(95) DQN 365-372; DH 314-325; CSML 21,26,27.

 
Cách kềm hãm tánh nóng giận hiệu quả nhất
Tuyết Mai
22:06 10/03/2011
Nhân Mùa Chay, hai mẹ con tôi đang nói chuyện vui về chiếc ghế ngồi bốn chân trong nhà. Con trai út của tôi tự nhiên nhớ về cái giận của ba nó mà chỉ về chiếc ghế ngồi ngay cạnh nó, bảo tôi mẹ có biết cái ghế này nó bền lắm hay không?. Thoạt tiên tôi không hiểu cháu nói gì, tưởng rằng cháu nói về cái ghế (made in china) nó bền thật chứ, hóa ra không phải ý cháu muốn nói vậy!. Cháu bảo mẹ: “Mẹ có biết cái ghế này nó bền khủng khiếp lắm không vì nó đã chịu bao nhiêu lần liệng, từ con, chị BH, rồi tới ba, thế mà nó vẫn còn tốt”. Thấy cháu đang vui, tôi liền khuyên cháu là lần tới con không nên làm vậy, không tốt đâu vì con làm hư hại đồ đạc trong nhà. Làm thế con có tội đó!. Cháu nói sao kỳ vậy sao lại có tội? Tôi bảo vì khi con làm thế đồ đạc trong nhà hư hết thì mẹ phải tốn tiền mua cái khác thay thế, thì đó là con làm nên tội vì mẹ phải tốn hao tiền bạc, còn giả như không mua thì nhà mình thiếu đi một chiếc ghế, sẽ có ai đó không có ghế ngồi ăn cơm.

Tôi nói tiếp: “Nhà này chỉ có duy một mình mẹ là biết kềm chế cái giận giỏi nhất”. Cháu đồng ý về phần tôi và nói: “Nhưng con không làm được như mẹ, kềm giận cái kiểu đó là chết bất đắc kỳ tử đó mẹ. Tất cả bạn con hầu như đứa nào cũng có mua cái bao cát trong nhà, để khi giận lên thì ra ngoài mà đấm mà đá nó cho hả cơn giận”. Cháu theo tôi vào bếp và chống hai tay lên hai cạnh của chiếc bàn dài để lôi người lên tập thể dục, tôi khuyên con tiếp: “Hay là cách tốt nhất khi con giận lên thì tập thể dục vừa khỏe mà vừa chóng nguôi cơn giận”. Cháu nói: “Mẹ có biết cách đó là làm hại cho cơ thể của mình lắm hay không và thầy giáo con đã khuyến cáo học trò điều đó; vì khi mình nóng giận mình quên thở là một, hay hơi thở không đều, lại còn cố gắng tập thật nhiều thật nặng, đến khi nhận thức ra thì cơ thể của mình đã rã rời cơ bắp, và làm tổn thương cho chính mình nhiều hơn nữa!”. Tôi đồng ý khi nghe cháu giải thích rồi quay ra khuyên cháu cách khác. “Như mẹ khi mẹ giận ba con, con biết mẹ làm gì không?” tôi hỏi cháu. Mẹ đọc kinh con ạ! Mẹ chọn đọc kinh Mân Côi. Mẹ lên phòng ngủ, lặng lẽ ngồi đọc kinh một mình. Lúc đầu mẹ cứ đọc như người điên đọc kinh vậy thôi chứ mẹ chẳng đọc theo thứ tự gì cả! Và mẹ dâng tất cả kinh hạt lên cho Chúa cùng sự nhẫn nhịn chịu đựng của mẹ để hướng lòng về những linh hồn còn đang ở lửa Luyện Tội. Khi mẹ đã nguôi ngoai cơn giận thì con biết việc làm kế tiếp của mẹ là gì không con?. Mẹ tìm đến ba con, để tìm cách giúp ông xin lỗi mẹ, vì ba con đã làm tổn thương mẹ. Rồi thì sau đó mẹ luôn tha thứ cho ba con cái tánh nóng giận, làm cháy nhà cháy cửa. Cháu nói thêm: “ Mẹ không biết đâu, ba khôn lắm, con thấy ba giận ba cũng biết chọn những gì trong nhà không mắc mà đập hay đá nó; mà đá cũng đá nhẹ thôi! Miễn là nó gây thành tiếng động thật lớn để mọi người giật mình hay hú tim là được rồi!”. Tôi cũng không quên khuyên cháu là khi con giận dữ nhớ đừng nói gì vì lời nói ngay lúc ấy sẽ gây tổn thương rất nặng và rất sâu cho người nghe, và sau đó con có hối lỗi cũng đã muộn màng. Ai cũng hiểu rằng khi người đang nóng giận thì họ trở thành người điên, nhưng ai biết đâu cái điên đó chỉ là cái cớ để họ muốn trút tất cả những gì trên đầu trên cổ người khác, mà họ muốn được trút ra cho hả dạ!??. Vì thế cho nên mẹ khuyên con khi giận con nên giữ mồm giữ miệng, đành rằng cách giữ thinh lặng sẽ làm cho bộ óc của mình trở thành bệnh sau này, vì đó là sự dồn nén làm cho đường gân máu trong khối óc của mình nó nở giãn dần, cho đến khi nó giãn quá thì nó sẽ đứt, và khi nó đứt thì một là mình về với Chúa hoặc không về với Chúa thì con người của mình sẽ trở thành thực vật, không còn biết gì hết. Nếu may mắn lắm thì chúng ta cũng sẽ chỉ còn xài được phân nửa của một bên thân thể mà thôi!. Nhưng có phải mọi thứ phải cần có người giúp đỡ???.

Khuyên con trai tôi xong thì hai mẹ con làm tiếp việc của mình. Cháu thì phải làm cho xong bài vở từ trường mang về, còn tôi thì tiếp tục chuyện bếp núc. Ngẫm nghĩ làm con người thì không ai mà không có tánh xấu khi giận dữ, nhưng có phải cái giận dữ nếu chúng ta tập làm thói quen thì cũng giúp chúng ta rất nhiều trong sự kềm hãm chúng. Thứ nhất là tốt cho chính mình. Thứ hai là cho chính vợ, chồng, con cái của chúng ta. Sau là những bằng hữu và những người quen sống lân cận và chung quanh chúng ta. Một sự nhịn bằng chín sự lành. Tha thứ chẳng những bẩy lần mà thôi đâu! Chúa dậy chúng ta là phải tha thứ cho nhau đến mười lần bẩy. Con người hiền lành Chúa gọi là con cái Thiên Chúa.

Nhân 40 ngày trong mùa Chay nếu chúng ta chay được sự nóng giận của mình để đừng nói những lời cay đắng nguyền rủa anh chị em mình, thì đó là điều tốt lành, thánh thiện, và phúc đức lắm thay!!!!. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta, để kềm hãm được tất cả mọi thứ, để cố gắng sống thật tốt lành trong 40 ngày chay này cho nên. Amen.
 
Văn Hóa
Hành trình sa mạc
Trầm Thiên Thu
09:03 10/03/2011
Hành trình bốn mươi năm
Dân Do thái ròng rã vượt qua sa mạc
Tiến về Miền Đất Hứa đích thực
Thiên Chúa hứa chẳng hề sai

Hành trình bốn mươi ngày
Chúa Giêsu ẩn mình trong hoang địa
Ngài ăn chay, cầu nguyện và bị cám dỗ
Chuẩn bị Sứ vụ Cứu độ nhân loài

Hành trình bốn mươi ngày
Con sám hối, ăn chay, cầu nguyện, lánh xa mưu ma chước quỷ
Trở về để xứng đáng nhận Ơn Cứu độ
Chúa hoàn tất Lời Hứa từ ngàn đời

Hành trình sa mạc – Hành trình cuộc đời
Con phải ngày đêm cố gắng biến thành hiện thực
Khoảng đời ngắn hay dài, con không biết
Nhưng con muốn đáp lại Tình Chúa, chết cho tội và phục sinh với Ngài.
 
Lỡ hẹn,
lykhách
22:11 10/03/2011


Vẫn biết thân con từ tro bụi
Một ngày về với phận bụi tro
Biết thế nhưng sẽ đầy tiếc nuối
Trần gian cũng đáng chốn hẹn hò!

Còn yêu lắm ngày thơm tháng nắng
Mây trời bay thanh thản chiều xanh
Sương mưa rả rích đêm dài ngắn
Ủ ưu tư khát vọng cây cành

Chúa đã đến và Ngài đã biết
Khi chưa đi, Ngài đã chọn lối về
Nào chọn đến, con đầy luyến tiếc
Giấc trăm năm lúc tỉnh lúc mê!

Đường Ngài đi chẳng dễ theo, lạy Chúa
Giữa trần đời ai chấp nhận thiệt thua?
Đường thập tự bao giờ về đất hứa
Cũng phần gai, đinh nhọn với giấm chua!

Thế nhưng con sẽ cố mà theo
Từ yêu phải về với nguồn yêu
Trần gian có cả nhưng vẫn thiếu
Một điều chi hằng khắc khoải con nhiều!

Còn chưa muốn nói lời từ giã
Có lẽ cũng không - khi Chúa gọi về
Bụi tro hiểu âm thầm đất đá
Trần gian vẫn lạ sau cơn mê

Sẽ bao nhiêu nữa là cuộc đời
Sẽ yêu thêm số phận con người
Thân bụi tro con vẫn nhớ tới
Dù một ngày cũng xin trọn buồn vui

Xin nhận điều gì cũng như ân sủng
Xin được nghe lời sâu thẳm đợi chờ
Xin tinh khiết nguyên trinh rung động
Xin yêu nhân sinh dù chỉ giấc mơ

Biết thế - thân con từ tro bụi
Ngày nào trả lại phận bụi tro
Là đi - dù có đầy tiếc nuối
Là về - với Chúa lỡ hẹn hò!




 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sên Khô Trên Ngọn Cỏ Già – A Dead Snail On Dry Grass
Richard Drysdale
22:19 10/03/2011
SÊN KHÔ TRÊN NGỌN CỎ GIÀ – A Dead Snail On Dry Grass

Ảnh của Richard Drysdale

Mỗi giờ mỗi phút chín mùi

Mỗi giờ mỗi phút bùi ngùi rữa tan

Chuyện đời lơ lửng lan man

Giữa sinh và tử treo màn kịch xuông.

And so from hour to hour we ripe and ripe

And from hour to hour we rot and rot

And thereby hangs a tale.

(Thơ W. Shakespeare Bụt sĩ Lưu Văn Vịnh phóng ngữ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền