Ngày 12-01-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đức Kitô gọi các môn đệ
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:07 12/01/2011
CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 4, 12-23

Thực lạ lùng khi Đức Kitô bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng. Việc đầu tiên Ngài làm là xin Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình tại sông Giođăng. Ngài nói: ” Hãy sám hối vì Nước Trời đã tới gần “. Đồng thời, Ngài kêu mời một số môn đệ đi theo Ngài để Ngài dạy dỗ, truyền nghề hầu sau này nối tiếp sứ mạng của Ngài ở trần gian. Thánh sử Matthêu cho chúng ta biết tên các tông đồ mà Ngài kêu gọi và như thế, cũng có một cái gì đặc biệt nơi tên của chúng ta khi chúng ta chịu phép rửa tội.

Thánh Matthêu có thể chỉ nói chung chung về việc Chúa kêu gọi một số tông đồ đi theo Chúa. Thay vì chỉ nói cách chung chung, thánh Matthêu đã nêu tên các tông đồ Chúa Giêsu mời gọi. Các tông đồ ấy có tên là Simon ( sau này Chúa đổi tên là Phêrô), và Anrê em của Simon. Giacôbê và Gioan - em Ông.

Khi được Chúa kêu mời, chắc chắn các tông đồ đều vui bởi chính Chúa Giêsu gọi đích danh tên các ông. Họ đã bịn rịn nhiều lắm khi phải từ bỏ cái nghề chài lưới cha truyền con nối, cái nghề giúp họ hái ra tiền. Họ cũng đã phải cố gắng lắm mới dứt bỏ được gia đình, vợ con để đi theo Chúa Giêsu. Các tông đồ đã có cái trực giác rất nhạy khi nhận ra một điều gì đó thật khác lạ giữa Chúa Giêsu và các Kinh sư, Biệt phái, các Rabbi vv…Đúng, họ đã được đức tin chiếu dọi để họ nhận ra Chúa Giêsu là Cứu Chúa, là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, ánh sáng đức tin lúc đầu chưa dọi chiếu như ngôn sứ Isaia đã loan báo: ” Dân chúng đi trong tối tăm nay đã thấy ánh sáng lớn lao “. Ánh sáng ấy vẫn còn mờ nhạt khiến có lúc họ còn nghi ngờ Chúa, có lúc họ còn chối Chúa, có lúc họ hoàn toàn bỏ rơi Chúa trong cuộc thương khó của Người. Nhưng ánh sáng ấy không bao giờ tắt. Ánh sáng ấy vẫn lớn lên và phải đợi khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, ánh sáng ấy đã trở thành một ngọn lửa rực sáng, chiếu soi và đã làm cho họ vững tâm bền chí, nhất nhất làm chứng cho Chúa.

Tên mỗi Kitô hữu cũng được gọi đích danh khi người Kitô hữu lãnh nhận Bí tích rửa tội. Vị Linh mục hay phó tế thay mặt Chúa gọi tên: ” Maria “, “ Giuse “ “ Têrêsa “ “Phêrô “ vv…” Cha ( Thầy ) rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần “. Qua Bí tích rửa tội, mỗi Kitô hữu đều có một danh xưng mới. Tên nói lên mình là con Chúa và con của Giáo Hội. Người Kitô hữu được trao một cây nến sáng tượng trưng cho đức tin. Đức tin được trao ban và mãi mãi lớn lên theo thời gian của cuộc đời. Ánh sáng đức tin lúc mới lãnh nhận có thể chỉ lu mờ, chỉ là một đốm lửa.Nhưng qua Bí tích thêm sức, bí tích kiện toàn phép rửa tội sẽ làm cho ánh sáng đức tin ấy rực rỡ và sáng hẳn lên.

Vâng, nhờ phép rửa tội, nhờ ánh sáng đức tin kiện toàn nơi Bí tích thêm sức, và được củng cố, nuôi sống bằng Mình Máu Thánh Chúa Kitô, người Kitô hữu dần dần nhận ra Đức Kitô là Con Chiên Thiên Chúa, Đức Kitô là Đấng cứu độ, Đức Kitô là ánh sáng muôn dân. Chính vì thế, người Kitô hữu nhận ra Chúa Giêsu đã nhập thể nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria bởi quyền năng siêu vời của Chúa Thánh Thần. Tin Mừng cho thấy Chúa lớn lên và đi rao giảng Nước Thiên Chúa khắp nơi. Tin mừng Nước Thiên Chúa luôn được vang lên qua các Sách Thánh và nơi lời giáo huấn của Giáo Hội. Thánh Kinh cũng dạy và cho chúng ta biết, Chúa Giêsu đã lên Giêrusalem và nơi đó, Ngài đã chịu thống khổ, chịu chết và sống lại để cứu độ nhân loại. Lòng tin cũng giúp chúng ta hiểu nhờ Mình Thánh và Máu Thánh của Chúa, chúng ta được thông phần vào sự sống thần linh của Chúa, tham dự vào sự sống kỳ diệu của sự chết và sự sống lại của Chúa.

Là Kitô hữu, chúng ta được sống dưới mái nhà chung của Giáo Hội, chúng ta đều là phần tử sống động của Hội Thánh. Chúng ta là thân thể mầu nhiệm thân xác của Đức Kitô và là chi thể của Hội Thánh Chúa Kitô. Chúng ta hạnh phúc vì được ở trong thân xác Chúa Kitô, được mặc lấy con người mới là Đức Kitô.

Chúng ta yêu mến phép rửa bởi vì chính phép rửa tội đã làm cho chúng ta trở nên Con cái Chúa, con cái của Giáo Hội. Chính nhờ phép thanh tẩy mà chúng ta làm thành Giáo Hội ở trần gian. Chúng ta đừng bao giờ nghi ngờ phép rửa, đừng bao giờ lơ là với Chúa vì chính nhờ Chúa mà chúng ta được sống và được cứu độ. Chúng ta được làm con Chúa và con của Giáo Hội cũng có nghĩa chúng ta được sai đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn yêu mến Chúa vì nhờ Chúa mà chúng con được sống và có sự sống muôn đời. Amen.
 
Giới thiệu Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:42 12/01/2011
Chúa Nhật 2 A.

Trên các chương trình tivi đều có mục quảng cáo. Người ta giới thiệu sản phẩm, cái gì cũng nhất, cái gì cũng đẹp cũng bền. Thông tin quảng cáo đã tác động mỗi ngày nhiều lần vào người xem tạo nên một ấn tượng mạnh. Từ đó trong tiềm thức, khách hàng sẽ tìm mua sản phẩm ấy. Quảng cáo là giới thiệu những gì là độc đáo nhất.

Mục đích của giới thiệu là để biết nhau. Muốn giơí thiệu một người thì phải biết về người đó, tuỳ theo mối liên hệ giữa hai người mà mức độ biết nhau nhiều hay ít. Nếu không biết rõ về một người thì có thể giới thiệu sai về người ấy.

Trong Phúc Âm có đề cập đến việc giới thiệu. Có ba lời giới thiệu tiêu biểu: - Chúa Cha giới thiệu Chúa Ki-tô: “Đây là con Ta yêu dấu, làm đẹp lòng Ta mọi đàng”.(Mt 4,17 ). - Chúa Ki-tô giới thiệu Chúa Cha: ”Ai thấy Thầy là thấy Cha”. ( Ga 14,9 ) - Gio-an Tẩy Giả giới thiệu Chúa Ki-tô: “Đây là Chiên Thiên Chúa. Đây Đấng xoá tội trần gian... Người đến sau tôi nhưng quyền thế hơn tôi vì có trươc tôi... Ngài làm phép rửa trong Thánh Thần”. ( x. Ga 1,29–34 ).

Trong khi toàn miền Giê-ru-sa-lem và Giu-đê đang coi Gio-an như thần tượng, thì chỉ vì để giới thiệu Chúa Ki-tô, Gio-an đã từ giã sự nổi danh của mình lặng lẽ rút lui.

Chúa Ki-tô giới thiệu Chúa Cha bằng cách nói cho người nghe hãy nhìn vào chính Ngài.

Gio-an Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Ki-tô bằng cách nói cho người nghe đừng nhìn vào mình, nhưng nhìn thẳng vào Chúa. Đây là cách giới thiệu chính xác nhất khi một người muốn giới thiệu cho người khác về Thiên Chúa.

Trong Phúc Âm Ga 12, 20–33, Thánh Gio-an Tông Đồ đã kể lại lời giới thiệu về Chúa Giê-su. Khi Người long trọng tiến vào Giê-ru-sa-lem để mừng Lễ Vượt Qua lần cuối cùng và cũng là chuyến từ giã thế gian để về cùng Cha, có những người Hy-lạp khi được nghe giới thiệu, họ đã muốn tìm gặp Người. Họ là dân ngoại có cảm tình với Do-thái Giáo “Họ lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa dịp Lễ Vượt Qua”. Việc họ tìm đến với Chúa Giê-su mang tính biểu tượng: dấu chỉ báo trước sự lên đường đến với Đức Ki-tô của muôn dân; dấu chỉ loan báo giờ Ơn Cứu Độ đã đến. Những người dân ngoại này tìm gặp Chúa Giê-su không phải chỉ để trông thấy mà thôi, nhưng họ muốn gặp để chuyện trò với Người, đàm đạo với Người. Họ đang bước tới trên con đường Đức Tin. Họ đến gần Phi-líp-phê và xin ông giới thiệu để gặp Chúa Giê-su. Phi-líp-phê đi nói với An-rê. Cả hai ông đến thưa với Chúa. Ở đây ta thấy tầm quan trọng của vai trò trung gian, của người giới thiệu, đến với Chúa cần có người giới thiệu, người dẫn đường.

Hôm nay, trong Giáo Xứ chúng ta có nghi thức tiếp nhận các anh chị em Dự Tòng vào Giáo Hội. Đây là những người lương dân thiện chí muốn trở nên người Ki-tô hữu. Họ khao khát chân lý. Họ mong muốn tìm gặp Chúa Ki-tô và đón nhận tình yêu của Người. Sau sáu tháng học tập về Giáo Lý, họ được tiếp nhận vào cộng đoàn và chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy vào dịp Tết Nguyên Đán để trở thành con cái Chúa.

Kính thưa anh chị em Dự Tòng. Trở thành một Ki-tô hữu không chỉ là gia nhập một cộng đoàn Giáo Xứ, chấp nhận Giáo Lý của Chúa và Giáo Hội mà còn quan trọng hơn là gặp gỡ Thiên Chúa và khám phá ra tình yêu vô biên của Người trong chính cuộc đời mỗi người. Thật ra, mỗi người Dự Tòng đã được Thiên Chúa yêu thương. Người hiện diện trong cuộc đời mỗi người từ lầu rồi, mặc dù anh chị em chưa bao giờ nghĩ tới để nhận ra Người. Anh chị em tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng thực ra Thiên Chúa tìm kiếm anh chị em trước. Nhờ Người mà cuộc tìm kiếm của anh chị em thành tựu và hôm nay chúng ta đang đối diện với Người, gặp gỡ Người. Một cuộc gặp gỡ, một tình yêu có thể làm đảo lộn cả một cuộc đời. Khám phá ra tình yêu Thiên Chúa trong đời mình quả là một biến cố vô cùng quan trọng. Trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa, kể từ nay cuộc đời anh chị em sẽ thay đổi dần dần. Thiên Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời anh chị em. Hãy đón nhận Người với lòng tri ân cảm tạ. Cùng với Người anh chị em hãy bắt đầu một cuộc sống mới. Đó là cách tốt nhất để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho anh chị em.

Kính thưa cộng đoàn, hôm nay Giáo Xứ chúng ta tiếp nhận các anh chị em Dự Tòng. Hạt giống Đức Tin đã ươm mầm và mọc lên. Biết bao công sức, bao nổ lực của các Hội Đoàn, bao người đã dày công chăm sóc cho những hạt giống Đức Tin ấy để hôm nay Thiên Chúa cho mọc lên. Những Dự Tòng đây đến với Chúa, tin vào Người là nhờ lời giới thiệu và gương sống chứng tá của tất cả anh chị em. Có biết bao người trở lại vì trước đây đã có những kỷ niệm đẹp về Đạo của Chúa. Có những người theo Đạo vì trước kia đã học trường Đạo. Có người khác theo Đạo vì đã có một ân nhân là người Công Giáo. Cũng có những người cảm phục một tấm gương chứng tá của Phúc Âm. Có người lại nhận thấy đời sống người Ki-tô hữu trong gia đình, làng xóm tràn đầy tình bác ái.Trong buổi chia sẻ của lớp tân tòng, một cô gái mười sáu tuổi đã chân thành cho biết lý do mình gia nhập đạo Công Giáo: “Tôi theo đạo vì lúc nhỏ học chung với một người bạn Công Giáo. Bạn ấy rủ tôi đi lễ, tôi đi theo dẫu chẳng hiểu gì. Nhưng vì bạn ấy đối xử tốt với tôi, nhất là trong những lúc ngặt nghèo, nên qua gương sống đức tin của bạn ấy, dần dà tôi hiểu ra lẽ đạo và cuối cùng tôi tìm đến với lớp giáo lý khai tâm, và hôm nay được nhận Bí tích Thanh Tẩy”.

Hôm nay Giáo Xứ chúng ta hân hoan thu hoạch một mùa lúa do công lao của biết bao người. Tạ Ơn Chúa và tri ân những người truyền giáo âm thầm cho Giáo Hội. Bổn phận giới thiệu Chúa cho người khác là một ân sủng Chúa ban. Khi giới thiệu Chúa cũng chính là lúc chúng ta thánh hoá bản thân mình.

Thiên Chúa là tình yêu. Vậy lời giới thiệu trung thực nhất phải là lời ca ngợi về một Thiên Chúa tình thương. Để nói về tình thương, chúng ta phải có kinh nghiệm về tình thương. Cách chuyển thông chính xác nhất tình thương của Thiên Chúa là bản thân mỗi người yêu tha nhân với tấm lòng chân thành của mình.

Lời giới thiệu của Gio-an Tẩy Giả về Chúa Ki-tô rất ngắn. Điều đó nhắn nhủ rằng: Để giới thiệu về Chúa chưa chắc đã cần nói nhiều. Vì nói nhiều chưa chắc đã là nói hay. Nói hay mà không đúng thì chỉ làm người nghe lạc lối. Để giới thiệu về Chúa cần nói đúng và sống điều mình rao giảng. Khuôn mặt đúng nhất của Thiên Chúa là tình yêu thương “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi ban Con Một của Ngài” (Ga 3,16 ) và tình yêu thương ấy là: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” ( Ga 15, 13 ). Chúng ta hãy là hạt lúa, đến mảnh đất nào thì gieo mầm xanh tình thương để mảnh đất ấy bừng lên sự sống xanh tươi, hứa hẹn một mùa gặt tốt đẹp.
 
Chỉ tên rồi xóa
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:43 12/01/2011
Chúa Nhật II TN A

“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”(Ga 1,29). Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu với đám đông dân chúng thời bấy giờ là những người ít nhiều quen thuộc hình ảnh con chiên. Nói đến chiên thì người ta dễ liên tưởng đến việc gánh tội. Hình ảnh con dê tế thần hay con chiên gánh tội vốn dĩ khá quen thuộc với nhiều người thuộc nhiều môi trường xã hội, nhất là với người Do Thái.

Chúng ta không nghi ngờ gì về một trong những sứ mạng của Chúa Kitô khi đến trần gian đó là tẩy xoá tội lỗi con người. Và một trong những cách thế chính yếu mà Người xoá tội lỗi nhân gian đó là vạch mạch chỉ tên tội lỗi và đầu mối của tội lỗi là thần dữ. Người đã từng minh nhiên vạch trần khuôn mặt của thần dữ hay là ma quỷ như sau: “Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8,44). Có thể khẳng định hai đặc tính của thần dữ là gian dối và tàn ác. Thánh Gioan tông đồ đã nói với chúng ta rằng tội lỗi là sự gian ác. Ai phạm tội là làm điều gian ác và họ là người của ma quỷ (x.1Ga 3,8-10).

Chính khi trong phận con chiên hiền lành gánh lấy án hình khổ giá cách bất công và nhục nhã là lúc Chúa Kitô cho chúng ta thấy chân tướng của sự tội. Do bởi ganh tương đố kỵ mà các lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ đã kết án Chúa Kitô cách bất công với nhiều chứng cứ gian dối (x.Mt 26,59). Ngay cả Philatô cũng thừa biết rõ chính vì “ganh tị mà họ nộp Người” (Mt 27,18). Ông đã khẳng định là không tìm thấy lý do nào để kết tội Chúa Kitô và dù ông đã tìm nhiều cách để cứu Người mà chẳng thể làm được vì ông nhát đảm, sợ cái ghế lung lay, mất chức, mất quyền (x.Ga 19,8-16). Thập giá Chúa Kitô cho chúng ta thấy rõ tội lỗi chính hành vi gian dối và độc ác.

Hình ảnh người tôi trung của Thiên Chúa mà ngôn sứ Isaia loan báo vừa là người sẵn sàng “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu, không che mặt khi bị người ta phỉ nhổ (Is 51,8), vừa là người “làm ánh sáng muôn dân để đưa ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng cõi đất” (Is 49,6). Chúa Kitô chính là người tôi trung đích thực của Thiên Chúa. Khi đón nhận sự gian ác của con người thì chính là lúc Người soi sáng cho chúng ta thấy rõ khuôn mặt của sự tội. Biết rõ chân tướng của tội lỗi là tiền đề ắt có để thoát ra khỏi vòng kiềm toả của nó vậy.

Ở trong sự thật, sống trong chân lý thì chúng ta sẽ chiến thắng thần dữ, cha của sự gian dối. Khẳng khái trước Philatô, Chúa Kitô đã tuyên bố một trong những sứ mạng của Người khi vào trần gian đó là làm chứng cho sự thật, ai hâm mộ sự thật thì hãy nghe theo Người, và sự thật sẽ giải thoát nhân loại chúng ta (x.Ga 18,37; 8,32).

Sống trong tình yêu thì chúng ta sẽ chiến thắng thần dữ, tên sát nhân, nguồn cội của những hành vi ác độc. Một trong những sứ mạng của Đấng Cứu Độ khi vào trần gian đó là mạc khải tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu tòan diện và đến cùng. “Con Người đến thế gian không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”(Mt 20,28). Quả thật, không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình của người sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì người mình yêu (x.Ga 15,13).

Chúa Kitô vạch mặt, chỉ tên tội lỗi rồi xoá bỏ nó bằng việc trao ban Thánh Thần. Thánh Gioan Tẩy Giả đã xác nhận và làm chứng: “Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga1,33-34). Khi chịu tử nạn trên thập giá, Trái Tim cực thánh Chúa Kitô đã bị đâm thâu, máu cùng nước đã chảy ra và Thánh Thần, Thần Chân Lý và là Nguồn Tình Yêu được trao ban (x.Ga 19,31-37; 16,13).

“Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1,51). Khi gợi nhớ cho Philipphê và Natanael về hình ảnh chiếc thang bắc từ đất lên trời mà tổ phụ Giacop ngày xưa mơ thấy (x.St 28,10-22), thì Chúa Kitô đã khẳng định Người chính là con đường dẫn đưa nhân loại về trời. Dẫn đưa nhân loại về trời cũng có nghĩa là giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi, khỏi vòng kiềm toả của thần dữ. Có thể nói rằng hai thanh đứng của chiếc thang chính là sự thật và tình yêu. Sự liên kết mật thiết của tình yêu và sự thật sẽ trở thành khí cụ tiêu diệt tội lỗi và dĩ nhiên sẽ dẫn đưa chúng ta về với nguồn hạnh phúc đích thật, vĩnh cửu. Nếu chúng ta biết yêu thương nhau bằng việc làm với lòng chân thật và nếu chúng ta biết sống trong sự thật để yêu thương nhau, thì chúng ta sẽ an lòng trước mặt Thiên Chúa và nhất là sẽ được bình an vì Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta, ở trong chúng ta (x.1Ga 3,11-24).

Xin cùng nhìn lên thập giá để nhớ về người gian phi bị treo bên phải Chúa Giêsu. Cũng cất lời khẩn xin Chúa Giêsu cứu thoát như người bị treo bên trái, nhưng anh này đã khiêm tốn ở trong sự thật khi nhìn nhận mình đáng chịu hình phạt khổ giá vì tội đã phạm, đồng thời anh ta cũng có chút tấm lòng với Chúa Giêsu khi bào chữa rằng Ngài đây đâu có làm điều gì sai trái (x.Lc 23,39-43). Chính nhờ có chút tấm lòng và biết sống trong sự thật nên lời khẩn xin của anh đã được nhậm lời và anh ta đã được về trời ngay hôm ấy.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:52 12/01/2011
HÙN HẠP NẤU RƯỢU

N2T


Ông Giáp hẹn với ông Ất hùn với nhau để nấu rượu, ông Giáp nói với ông Ất:

- “Ông xuất gạo, tôi xuất nước”.

Ông Ất nói:

- “Gạo đều là do tôi bỏ ra, nhưng sau này làm sao mà tính sổ sách ?”

Ông Giáp nói:

- “Tôi là người tuyệt đối không chiếm món béo bở của người khác, này nhé, đợi khi rượu nấu xong thì chỉ cần trả nước cho tôi là được rồi, tất cả những thứ còn lại đều là của anh ?”

Suy tư:

Có những người tuyên bố mình không hề hám lợi, không hề vì lợi riêng mà làm thiệt thòi cho người khác, nhưng chính họ lại tìm cách ăn chận những người nghèo khó, chính họ lại là những người rất tính toán hơn thiệt trong khi giúp đỡ người khác làm việc từ thiện.

Hùn hạp để làm ăn với nhau là để cùng nhau hưởng lợi, tôi có của anh có công, đó là lẽ công bằng trong hùn hạp làm ăn, chứ không phải gian manh giành cho mình tất cả.

Thiên Chúa là Đấng rất công bằng, Ngài ban cho người này có tài năng này, người kia có tài năng kia là để bổ túc cho nhau và cùng xây dựng một cuộc sống hài hòa; Ngài ban cho người này có tiền bạc người kia có trí óc là để tương thân tương trợ lẫn nhau, và từ trong sự tương thân tương trọ ấy, mà người ta dần dần nhận ra được khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa. Đó chính là cách hợp đồng làm ăn trong tình thần yêu thương tương trợ lẫn nhau vậy.

Con người ta nếu không sống tương thân tương trợ thì không thể phát triển được, bởi vì khi sống cô lập một mình thì sẽ trở thành lạc hậu, cố chấp, thành kiến và rất dễ dị ứng với hoàn cảnh hiện tại.

---------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:55 12/01/2011
N2T


7. Chảy một giọt nước mắt trước Chúa Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh trên thập giá, thì có giá trị hơn một năm ăn chay.

(Thánh Augustine)
 
Sống Đạo Trưởng Thành
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
22:53 12/01/2011
Đời Sống Tâm Linh # 31

ĐỪNG SỐNG ĐẠO ẤU TRĨ – HÃY TRƯỞNG THÀNH

Trong lúc tôi đang xem lướt qua vài thiệp mừng sinh nhật trong tiệm qùa tặng, có một tấm thiệp làm tôi phải để ý suy tư.

1- Lời ghi trên thiệp như sau: “Bạn có thể trẻ chỉ một thời gian; nhưng bạn có thể ấu trĩ suốt đời.” Tấm thiệp đó kích thích tính tò mò của tôi. Có điều gì đó thật hấp dẫn, liên quan việc chẳng bao giờ phải thành người lớn, như mọi người mê chuyện Peter Pan xác nhận.

2- Như bạn biết ấu trĩ triền miên, không những chỉ không thích hợp mà cũng không châp nhận được. Đối với người Tín hữu Kitô là bạn phải trưởng thành. Sau khi được tái sinh qua phép Rửa, bạn không là trẻ sơ sinh mà phải lớn lên: “bạn được trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Người.” (Rom 8, 29), sẽ giống Chúa nhiều hơn.

3- Khi viết cho Hội thánh tại Corintô có nhiều nan đề, là họ có sự thiếu tăng trưởng về tâm linh, Phaolô nói: Tôi không thể nói với anh em như những người sống theo Thần Khí; nhưng với những người sống theo xác thịt….Tôi đã cho anh em uống sữa, chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi, vì anh em còn sống theo xác thịt là có sự ghen tương và cãi cọ. (1 Cor 3, 1-3)

4- Bạn thoát khỏi tình trạng sơ sinh tâm linh bằng cách nào? Thánh Phêrô khuyên: “Anh em hãy lớn lên trong ân sủng và sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng cứu độ chúng ta.” ( 2 Pr 3, 18). Bạn hãy làm điều này bằng việc suy gẫm Lời Chúa và siêng năng cầu nguyện hàng ngày như hơi thở: Lời Chúa là đèn soi con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (x. Tv 119, 97-105).

Và sách Tông đồ Công vụ nói: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu…” (Cv 1, 14) - Bill Crowder

* Nếu bạn và tôi sống hết lòng với Lời Chúa thì không ghen tương, hạ bệ, nói xấu..; nhưng vui mừng khi thấy ai thành công và phụng sự Chúa trong niềm vui, là luôn ca hát ngợi khen Người.

Phó tế: GB. Maria Định Nguyễn Sưu Tầm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lụt Đại Hồng Thủy ở Brisbane Queensland
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB
03:30 12/01/2011
LỤT ĐẠI HỒNG THỦY Ở BRISBANE, TIỂU BANG NỮ HOÀNG ÚC CHÂU.



Suốt hai ba tuần nay mưa bão đã làm cho nhiều thành phố và xóm làng cũng như hoa mầu nông trại của tiểu bang Nữ Hoàng bị ngập chìm sâu dưới nước làm thiệt mạng 13 người và còn 70 người mất tích.

Ông Ian Stewart, bộ trưởng đặc trách thiên tai cho hay có 8 trung tâm tiếp nhận dân trốn lụt được thiết lập ngay trong thành phố Brisbane khi nước sông của dòng sông Bremer mà thành phố được xây dựng hai bên dòng sông sẽ dâng cao tới 22 mét vào hôm nay 12/1/2011. Sáng sớm nay mực nước sông đã dâng cao 18 mét rưỡi. Ông cũng cho hay sáng nay bờ đê của sông đã bị vỡ tại Yerongpilly và Indooroopilly nhưng nhà cửa chưa bị nguy hại. Thủ hiến và chính quyền tiểu bang và địa phương của nhiều quận lỵ trong tiểu bang đã cảnh giác dân chúng trong tư thế sẵn sàng để di tản về các vùng cao an toàn.

Ngay trong thủ phủ Brisbane 1/3 của thành phố bị ngập chìm khi nước sông dâng cao điểm hôm nay. Siêu thị Coles đã bị ngập chìm dưới hai thước rưỡi nước. Đêm qua tất cả bánh bì, rau rợ và nước suối đều bán hết vì dân chúng trong thành phố dự trữ cho trận lụt lớn chưa từng xảy ra!


Năm 1974 trận lụt 20 mét nước, nhưng lần này nước còn dâng cao hơn cơn lụt vĩ đại năm 1974 xưa tới 2 mét. Nhiều đường xá trong thành phố bị đóng và nhiều quận lỵ cũng như chính trung ương của thủ phủ tiểu bang Brisbane bị cúp điện vì mực nước dâng cao.

Đã có 100,000 nhà cửa cũng như cửa tiệm bị chìm trong nước và cả 40,000 nông trại bị hủy hoại.


Thủ hiến tiểu bang, bà Anna Bligh tuyên bố con số tử vong là 13 người và con số mất tích còn cả 70 người. Hải cảng ở Brisbane đã đóng cửa, tuy nhiên sân bay vẫn còn hoạt động. Cảnh sát khuyến cáo dân chúng không nên ra vào thành phố vì rất nhiều con đường và các cửa tiệm đã đóng cửa.

Trước thảm họa của tiểu bang, bà thủ hiến cùng chính phủ tiểu bang đã dồn hết mọi nỗ lực tài sức để cứu giúp dân chúng. Bà thủ tướng Julia Gillard cũng như thủ tướng đối lập đã dành mọi ưu tiên và ngân qũy quốc gia để hỗ trợ những nạn nhân của cơn lụt thế kỷ.
Thủ tướng Julia nói: “Thảm cảnh hiện tại làm trái tim chúng ta tan nát, nhưng thảm họa này không thể làm nhụt chí khí của chúng ta!” (It might be breaking our hearts at the moment but it will not break our will), câu nói thật khí khái và chí lý nói lên đặc tính của người dân Úc trước những thảm trạng của thế giới và của chính người dân trong nước.

Nỗ lực cứu giúp không những người mà cả các thú vật gia súc nữa...

Trong các lần thiên tai của toàn cầu, nước Úc dù dân số chỉ vỏn vẹn hơn 20 triệu dân, nhưng số tiền quyên góp luôn đứng hàng đầu trong danh sách hảo tâm của thế giới... Rất nhiều cơ quan từ thiện đang nỗ lực hỗ trợ người dân tiểu bang Nữ hoàng. Giaó hội Công giào Chúa nhật 16/1/2011 này kêu gọi một lần quyên góp đặc biệt dành cho các nạn nhân bão lụt tại Queensland... Báo Dân Chúa Úc Châu đã và đang nhận những đóng góp cho các nạn nhân.

Thanh Quảng sdb
 
Vatican: Tòa Thánh phản ứng trước việc Ai Cập triệu hồi đại sứ cạnh Tòa Thánh của mình về nước
Tiền Hô
09:52 12/01/2011
Vatican, 11 Tháng Giêng 2011 (CNA / EWTN News) - "Tòa Thánh không muốn căng thẳng leo thang trong quan hệ ngoại giao", Cha Federico Lombardi - phát ngôn viên của Vatican cho biết như thế trước việc Ai Cập triệu hồi đại sứ của mình về nước.

Ai Cập đã tạm thời triệu hồi bà Lamia Mekhemar Aly Hamada, đại sứ cạnh Tòa Thánh của Cộng hòa Ả Rập Ai Cập. Đây là động thái của chính phủ Ai Cập trước việc Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã lên án trình trạng bạo lực chống lại Kitô hữu diễn ra gần đây ở quốc gia này, và yêu cầu bảo vệ các nhóm Kitô hữu thiểu số.

Đức Giáo Hoàng đã đưa ra lời nhận xét trên sau một vụ đánh bom do các chiến binh Hồi giáo thực hiện, tấn công vào một nhà thờ Kitô giáo Coptic tại Alexandria (Ai Cập) vào đêm giao thừa vừa qua, làm chết 23 người. Hossam Zaki - phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Ai Cập phản bác lại lời nhận xét của Đức Giáo Hoàng và nói rằng, Đức Giáo Hoàng đã từng cam kết không chấp nhận việc can thiệp vào "công việc nội bộ" của quốc gia. Zaki cũng lưu ý rằng, Ai Cập đã yêu cầu Đại sứ Hamada quay về Cairo để giải trình về nhận xét trên của Đức Giáo Hoàng.

Hôm 11 Tháng Giêng, phản ứng trước tình hình trên, phát ngôn viên Vatican - Cha Lombardi cho biết, Tòa Thánh không muốn căng thẳng trong quan hệ ngoại giao với Ai Cập, bà đại sứ đã gặp Đức Tổng Giám mục Dominique Mamberti - Tổng Thư Ký Ban Đối Ngoại của Tòa Thánh - trước khi bà quay về Cairo. Cũng trong cuộc gặp với Đức Tổng Giám Mục Mamberti, Cha Lombardi nói rằng, bà đại sứ có thể đã nhận được những "thông tin liên quan" để về giải trình lại cho Bộ Ngoại Giao của bà về những lời nhận xét gần đây của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, đặc biệt là về tự do tôn giáo và bảo vệ các Kitô hữu ở Trung Đông. Bà đại sứ cũng thể thể hiện mối quan ngại của chính phủ Ai Cập về tình trạng "khó khăn" hiện nay.

Cha Lombardi cho biết, Đức Tổng Giám Mục Mamberti nhấn mạnh với bà đại sứ rằng, Vatican đau buồn khi thấy các cuộc tấn công gần đây ở Alexandria, và chia sẻ với chính phủ Ai Cập mối quan tâm trong việc tránh đi "sự leo thang căng thẳng vì lý do tôn giáo" giữa hai bên. Vatican cũng đánh giá cao những nỗ lực mà chính phủ Ai Cập đã "làm theo chiều hướng đó".

Nhưng căng thẳng với Ai Cập vẫn còn nung nấu khi hôm 11 Tháng Giêng vừa qua, có báo cáo nói, một cảnh sát người Hồi giáo đã nổ súng vào hành khách trên một chuyến tàu gần Cairo, giết chết một người Kitô hữu và làm bị thương 5 người khác. Đức Giám Mục Coptic Marcos nói với hãng AFP rằng, các nhân chứng nói với ngài là tay súng đi lang thang tìm kiếm các Kitô hữu và la to "Allahu Akbar!" trước khi nổ súng vào họ.

Cuộc tấn công này là vụ mới nhất trong một loạt các vụ bạo lực chống Kitô hữu ở vùng Trung Đông do chiến binh Hồi giáo thực hiện. Vụ đánh bom nhà thờ tại Alexandria Ai Cập vào ngày 1 Tháng Giêng và một cuộc tấn công tại Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Phù Hộ ở Baghdad, Iraq, vào ngày 31 Tháng Mười Hai năm ngoái năm đã giết chết hơn 50 người.
 
Phái đoàn quan chức tôn giáo cấp cao của Trung Quốc đến thăm Đài Loan
Tiền Hô
09:53 12/01/2011
Đài Bắc, 12 Tháng Giêng (UCANEWS) - Tuần qua, một phái đoàn gồm các quan chức tôn giáo cấp cao của Trung Quốc, trong đó có Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA) từ đại lục đã đến gặp Đức Tổng Giám Mục Gioan Hồng Sơn Xuyên của Đài Bắc, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đài Loan.

Lưu Nguyên Long, người vừa tái đắc cử chức tổng thư ký của CCPA trong Đại hội Công giáo gây tranh cãi tại Trung Quốc vào Tháng Mười Hai vừa qua, là một trong 10 đại biểu của Uỷ ban Tôn giáo và Hòa bình của Trung Quốc. Nhóm quan chức và lãnh đạo tôn giáo cấp cao từ Trung Quốc thực hiện chuyến thăm Đài Loan này với hy vọng "tăng cường hiểu biết, hòa hợp và hòa bình thông qua giao lưu, và cuối cùng tiến tới thống nhất đất nước", Ông Lưu nói.

Ông Lưu năm nay 56 tuổi, cũng giữ chức phó chủ tịch mới của CCPA. "Giáo Hội hoàn vũ là Giáo Hội duy nhất. Không có khác biệt trong đức tin. Do đó mục đích việc giao lưu này không liên quan đến đức tin", ông nói với ucanews.com như thế khi được đề nghị giải thích ý nghĩa về từ "thống nhất".

"Bây giờ có nhiều sự hiểu lầm làm tổn thương Giáo hội tại đại lục", Lưu nói. Ông cho rằng điều quan trọng là phải có sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Trong cuộc gặp kéo dài 30 phút, Đức Tổng Giám Mục Hồng Sơn Xuyên nói với phái đoàn này rằng, người Công giáo tại Đài Loan vẫn trung thành với hàng giáo phẩm của Giáo Hội và hiệp thông với Tòa Thánh. Chính phủ Đài Loan đối xử với tất cả các tôn giáo bình đẳng, các tín đồ, tín hữu tôn giáo đều bị xử lý theo pháp luật khi vi phạm pháp luật, ngài nói.

Người Công giáo có "nhiệm vụ yêu mến Giáo hội và yêu mến đất nước", trong khi đó chính phủ "không được can thiệp vào công việc nội bộ của Giáo Hội, như là giáo lý, phụng vụ và bổ nhiệm nhân sự". Ngài cũng nói với phái đoàn này về những đóng góp lớn nhất của Giáo Hội địa phương trong việc phục vụ xã hội. Đảm nhận một nửa công tác xã hội trong lãnh thổ này chủ yếu thông qua những hoạt động của các thừa sai nước ngoài.

Uỷ ban Tôn giáo và Hòa bình hoạt động dưới trướng của Ủy ban Dân tộc và Tôn giáo thuộc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), đây là cơ quan tham mưu hàng đầu của chính phủ Trung Quốc. Có 10 đại biểu đều là thành viên của CPPCC.

Chuyến thăm này diễn ra từ ngày 08-15 Tháng Giêng. Phái đoàn này cũng sẽ đến thăm giáo phận Đài Nam và Đức Hồng Y Phaolô Đan Quốc Tỷ, giám mục nghỉ hưu của giáo phận Cao Hùng, miền nam Đài Loan.
 
Venezuela: Đức Hồng Y cảnh báo việc chính phủ tịch thu đất đai của người dân
Tiền Hô
09:53 12/01/2011
Caracas, Venezuela, 11 Tháng Một 2011 (CNA) - ĐHY Jorge Urosa Savino của Caracas, Venezuela cảnh báo rằng, việc chính phủ tiến hành tịch thu đất đai gần đây đã không làm theo thủ tục được nêu trong Hiến pháp của quốc gia này.

"Thực ra chính phủ có quyền tịch thu nhưng phải làm theo các thủ tục được ấn định trong Hiến pháp", Đức Hồng Y nhận xét sau Thánh Lễ cầu cho Ngày Hòa Bình Thế Giới hôm 9 Tháng Giêng. Ngài lưu ý rằng "đây không chỉ xảy ra trong một số trường hợp".

Đức Hồng Y Urosa thừa nhận rằng, nhu cầu về nhà ở đang tăng lên nhiều hơn ở trong nước, nhưng nhu cầu này tăng mạnh là do trận lũ lụt gần đây. Tuy nhiên, "nó không thể giải quyết chỉ nội trong vòng sáu tháng". "Các quyền và lợi ích của tất cả người dân phải được xem xét ổn thỏa, và chính phủ nên thực hiện cách công bằng", Đức Hồng y khẳng định.

Lý do mới?

Trong tuần qua, chính phủ Venezuela đã tịch thu nhiều nhà cửa và đất đai, họ tuyên bố sẽ sử dụng chúng để xây dựng nhà cửa cho những người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Tuy nhiên, Rafael Alfonzo - một nhà phân tích tài chính hàng đầu gọi việc này là "lý do mới" để tổng thống Hugo Chavez tịch thu đất đai của tư nhân. Chavez biện minh rằng, đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ nguồn cung cấp thực phẩm, đất đai cho các chủ rừng và để ngăn chặn độc quyền và đầu cơ thị trường.

Tổ chức Giám sát Quyền Tư hữu tại Venezuela thông báo rằng, từ năm 2005 đến 2010, chính phủ quốc gia này đã có khoảng 1.729 hành vi vi phạm về quyền sở hữu tư nhân, trong năm qua đã có 535 trường hợp tịch thu. Một trong những tranh cãi lớn nhất liên quan đến việc tịch thu 2,2 mẫu đất thuộc trung tâm chăm sóc trẻ em Antimano. Chavez cho biết trung tâm này giờ đây sẽ được gọi là "cộng đồng xã hội chủ nghĩa Amatina".

Hôm 9 Tháng Giêng, trên chương trình truyền hình riêng mang tên "Alo Presidente", ông Chavez đã ra lệnh tịch thu đất đai để "phát triển khắp cả nước, đặc biệt là phía nam của Maracaibo Lake", nơi mà trang trại Delirio El và Dinamarca cũng đã bị tịch thu gần đây.
 
Giám Mục Iraq: Diễn từ của Đức Thánh Cha động viên dấn thân cho đất nước
Nguyễn Hoàng Thương
09:59 12/01/2011
Giám Mục Iraq: Diễn từ của Đức Thánh Cha động viên dấn thân cho đất nước

Kirkuk (AsiaNews) - Trong diễn từ trước ngoại giao đoàn, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã mạnh mẽ lên án bạo lực và bất công chống lại các Kitô hữu - với những đề cập đến Iraq, Ai Cập và Nigeria - và nhấn mạnh đến tự do tôn giáo, định nghĩa như là "nền tảng để xây dựng hòa bình". Hãng Tin Tức Á Châu đã nhận được bài viết của Đức Cha Louis Sako, Tổng Giám Mục Công Giáo nghi lễ Can đê của Kirkuk (miền bắc Iraq) bình luận về bài diễn văn. Vị giám mục đã cám ơn Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vì ngài là "vị mục tử kết hiệp sâu sắc với đàn chiên" và nhấn mạnh rằng diễn từ của ngài là "một nguồn sức mạnh cho cuộc đấu tranh vì vùng đất của chúng tôi và các giáo hội chúng tôi". Dưới đây là bài bình luận của Đức Tổng Giám Mục Louis Sako:

Vấn đề quan trọng nhất đối với khu vực chúng tôi, Trung Đông, là tự do tôn giáo, cụ thể là quyền tự do lương tâm của mỗi cá nhân. Người Iraq rõ ràng đang trải qua sự bất khoan dung, phân biệt đối xử, và đàn áp tôn giáo cả đối với Kitô hữu và người Hồi giáo. Đức Thánh Cha đã nhận thức được những gì đang diễn ra và tuyên bố rõ ràng khi ngài nói rằng bạo lực, rất nhiều bạo lực, đẫm máu hay không đẫm máu là cội rễ của điều này. Danh sách này bắt đầu từ Đông phương và khẳng định Á Châu là lục địa mà tự do tôn giáo bị vi phạm nhiều nhất.

Không may tôn giáo cuồng tín đã trở thành một hiện tượng để mô tả thách đố thực sự cho sự chung sống hài hòa giữa các tôn giáo khác nhau. Vì lý do này, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng tự do tôn giáo là nền tảng của hòa bình, ngài nêu rõ: "Tự do tôn giáo là đường hướng cơ bản để xây dựng hòa bình".

Các quốc gia Trung Đông được điều chỉnh bởi chính trị thần quyền bằng cách này hay cách khác. So với các quốc gia có một chính phủ thế tục, các nước này nên hiểu nhiều hơn giá trị của tự do tôn giáo ảnh hưởng đến mọi quan hệ và các hoạt động. Thật dễ dàng hơn để hiểu những lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khi ngài cho hay: "Thực tế, hòa bình được xây dựng và bảo tồn chỉ khi người dân có thể tự do tìm kiếm và phục vụ Thiên Chúa trong con tim, trong đời sống họ, và trong mối quan hệ với tha nhân". Sự tôn trọng này thắt chặt với phẩm giá của con người như là một giá trị tuyệt đối sau Thiên Chúa.

Thật là vô lý khi phạm vào tội giết người lại nhân danh Thiên Chúa, Đấng là tình yêu đối với Kitô hữu chúng ta và là tất cả lòng nhân từ đối với những người anh em Hồi giáo chúng ta! Phạm vào sự sống con người là một hành vi xúc phạm chống lại Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của sự sống và nhân loại. Tôn giáo bị áp đặt bằng vũ lực, chứ không từ Thiên Chúa! Đức Thánh Cha là một vị mục tử, một người cha kết hiệp sâu sắc với đàn chiên của ngài, và ngài đau đớn vì nó và cố gắng để bảo vệ nó bằng tất cả sức mạnh đạo đức của mình. Đây là lý do tại sao ngài nói đến bi kịch của Kitô hữu ở Iraq, Ai Cập và các nơi khác. Đó là bức tranh bắt đầu với Iraq, nơi mà "các cuộc tấn công đã gieo rắc cái chết, nỗi đau và sự hỗn loạn giữa các Kitô hữu", "đủ để đẩy họ rời khỏi vùng đất mà tổ tiên họ đã sống qua nhiều thế kỷ" và kế đến là Ai Cập, với vụ thảm sát mới đây ở Alexandria.

Chúng ta có thực sự cần thiết lặp lại điều đó một lần nữa không? Kitô hữu Trung Đông là những công dân gốc và đích thực, trung thành với đất nước và trung thành với tất cả các trách nhiệm trong nước. Cũng chỉ là điều tự nhiên khi mà họ có thể tận hưởng đầy đủ quyền công dân, tự do lương tâm và tự do tôn giáo, tự do giảng dạy và giáo dục, trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông.

Với những lời động viên được Đức Thánh Cha thể hiện, chúng tôi được an ủi trong dấn thân gìn giữ đất nước và các giáo hội của chúng tôi. Để làm chứng cho tình yêu và sự tha thứ của Chúa vốn bao trùm tất cả.
 
Đức Thánh Cha hủy quyết định đình chỉ hoạt động Phong Trào Tân Tòng ở Nhật Bản
Nguyễn Hoàng Thương
10:01 12/01/2011
Đức Thánh Cha hủy đình chỉ hoạt động Phong Trào Tân Tòng ở Nhật Bản

Vatican City (AsiaNews) – Phong trào Tân Tòng (The Neocatechumenal Way) có thể tiếp tục sứ mạng của mình ở Nhật Bản. Một cuộc họp giữa Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, các viên chức Giáo triều và năm vị giám mục Nhật Bản đã kết thúc bằng việc hủy đình chỉ 5 năm do Hội đồng Giám Mục Công Giáo Nhật Bản (CBCJ) áp đặt trên Phong Trào này. Các thành viên của Phong Trào và các nguồn tin Vatican cho Tin Tức Á Châu hay rằng CBCJ đã viết lên Vatican đề nghị đình chỉ hoạt động Phong Trào ít nhất 5 năm.

Ngày 13 tháng 12, Đức Thánh Cha đã triệu 5 giám mục Nhật Bản tham gia cuộc họp cùng với Đức Hồng Y Stanisław Ryłko, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, Đức Hồng Y Ivan Dias, Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, Đức Hồng Y William Levada, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y Antonio Cañizares, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích.

Các nguồn tin Vatican cho hay: "Trong suốt cuộc họp, đã đi đến đồng ý không tiến hành đình chỉ hoạt động mà khuyến khích đối thoại giữa Phong Trào và các giám mục, để phong cách cũ xưa có thể đồng bộ hóa hơn với các vị mục tử".

Căng thẳng giữa Phong Trào và các giám mục Nhật Bản xảy ra vài năm về trước. Các giám mục cho rằng cách tiếp cận của Phong Trào đối với đời sống ở Nhật Bản là không thích hợp với Giáo Hội địa phương và các thành viên của Phong Trào đã không hội nhập vào văn hóa Nhật Bản. Đối với Giáo Hội địa phương, cách tiếp cận của Phong Trào là bè phái và các cộng đoàn tân tòng nhỏ của nó có xu hướng gây ra "chia rẽ" bên trong các giáo xứ địa phương.

Các thành viên của Phong Trào đã phản đối bằng cách nói rằng Giáo Hội Nhật Bản đã nhấn mạnh rất nhiều đến đối thoại với các nền văn hóa và tôn giáo khác, nhưng rất ít công bố đức tin Kitô giáo một cách rõ ràng.

Để thúc đẩy truyền giáo và công bố Lời Chúa, Phong Trào đã mở Đại Chủng Viện Chúa Cứu Thế Takamatsu. Tuy nhiên, vào năm 2009, CBCJ đã có được chủng viện một cách thành công và Đức Cha Peter Hirayama, giám đốc chủng viện chuyển sang Rôma. Sau đó là giám mục danh dự của Oita và là người được Phong Trào hết sức ngưỡng mộ.

Cuộc họp cũng đưa ra quyết định rằng các cuộc đối thoại giữa các giám mục Nhật Bản và Phong Trào sẽ diễn ra với sự giúp đỡ của một đại biểu "yêu mến Phong Trào và hiểu các vấn đề của các giám mục".

Cuộc họp cũng quyết định rằng mỗi giám mục sẽ cung cấp cho Phòng Trào các lời khuyên về cách xử lý trong giáo phận của mình, do đó sẽ có phác thảo chung do CBCJ đưa ra
 
Cuộc khủng hoảng của thế giới Tây Âu
Linh Tiến Khải
11:31 12/01/2011
Phỏng vấn hai nhà sử học Franco Cardini và Andrea Giardina

Ngày 20-12-2010, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã tiếp các nhân viên thuộc các Cơ Quan Trung Ương Tòa Thánh nhân dịp chúc mừng lễ Giáng Sinh. Trong bài diễn văn Đức Thánh Cha đã duyệt qua tình hình Giáo Hội và một số vấn đề nổi bật như nạn bài Kitô giáo, tội lạm dụng tính dục trẻ em của các linh mục, hiện tượng đánh mất các giá trị luân lý đạo đức, các sự dữ khác nhau đè nặng trên thế giới như thị trường sách báo phim ảnh dâm ô liên quan tới trẻ em, kỹ nghệ du lịch mại dâm lan tràn gây thương tích cho sự tự do và phẩm giá con người, nạn sản xuất buôn bán ma túy gia tăng.

Đề cập tới hiện tượng đánh mất các gía trị luân lý đạo đức xã hội, Đức Thánh Cha nói người ta có cảm tưởng sự đồng thuận luân lý đang tan rã. Nếu không có sự đồng thuận ấy thì các cơ cấu pháp lý chính trị không hoạt động được và các nỗ lực nhằm bảo vệ các cơ cấu ấy xem ra không thành công. Vì thế, cần phải cầu xin Chúa đánh thức đức tin mệt mỏi khỏi cơn ngủ say và tái trao ban cho nó sức mạnh chuyển núi dời non, nghĩa là trao ban trật tự đúng đắn cho các sự vật của thế giới.

Đức Thánh Cha đã so sánh cuộc khủng hoảng của thế giới Tây Âu ngày nay với cuộc khủng hoảng xảy ra vào thời kỳ cuối cùng của đế quốc Roma xưa kia. Đề tài cuộc suy sụp của đế quốc Roma cũng đang lôi kéo sự chú ý của nhiều học giả. Điển hình như cuốn sách của ông Bryan Ward-Perkins, giáo sư sử học tại đại học Oxford, tựa đề ”Sự sụp đổ của Roma và ngày tàn của nền văn minh”. Ông bác bỏ luận thuyết cho rằng đế quốc Roma sụp đổ vì có sự đồng hóa hòa bình giữa các dân tộc mọi rợ và người Roma, là lý thuyết của giáo sư Peter S. Wells người Mỹ, trong cuốn sách tựa đề “Quân rợ. Bình minh của thế giới mới”. Cuốn sách cổ điển của học giả Santo Mazzarino ”Kết cục của thế giới cũ. Các lý do sự sụp đổ của đế quốc Roma” cũng đã được tái bản.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận đinh của hai nhà sử học người Ý về vấn đề này.

Trước hết là ý kiến của sử gia Franco Cardini.

Hỏi: Thưa giáo sư. giáo sư nghĩ gì về sự kiện Đức Thánh Cha Biển Đức XVI so sánh cuộc khủng hoảng của xã hội Tây Âu ngày nay với cuộc khủng hoảng đã khiến cho đế quốc Roma sụp đổ xưa kia?

Đáp: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã so sánh hai cuộc khủng hoảng ấy một cách tức thì, bằng cách nhận diện sự đánh mất sức đẩy văn hóa và luân lý như lý do gây ra sự sụp đổ của một nền văn minh.

Nó hữu hiệu, vì sự kiện đơn sơ là mọi người đều có thể hiểu được. Nhưng nếu phải tìm trong lịch sử một thời điểm có thể giải thích tình trạng hiện nay của thế giới Tây Âu, thì tôi sẽ dừng lại ở các thời gian mới hơn sau này, cả khi chúng tế nhị hơn đối với các vụ suy sụp trực tiếp trong việc đọc hiểu xã hội hiện nay. Điều chắc chắn đó là cuộc khủng hoảng của chủ thuyết tự do cá nhân chủ nghĩa của thế kỷ XIX đã cung cấp các yếu tố rất hữu hiệu giúp đọc hiểu các biến cố hiện nay. Và cuộc khủng hoảng đó đã là nền tảng của thế chiến thứ I và các tai ương của thế kỷ XX.

Hỏi: Thưa giáo sư, các sự kiện liên quan tới sự sụp đổ của đế quốc Roma quá xa xôi đối với chúng ta ngày nay hay sao?

Đáp: Bình thường chúng ta có một cái nhìn tổng quát đơn sơ đối với các biến cố này. Nhưng thật ra chúng phức tạp hơn nhiều. Niên biểu 476 cũng có thể được coi như thời điểm tái định nghĩa các biên giới của đế quốc Roma. Phía tây không đứng vững với các sức đẩy của các yếu tố dân số, kinh tế, và xã hội đã hiển hiện từ lâu trước đó. Trái lại, phía đông vẫn phồn thịnh và sống thêm một ngàn năm nữa... Rồi nếu muốn đề cập tới sự suy đồi luân lý và các phong tục tập quán như là lý do khiến cho một xã hội tàn lụi đi, thì tôi nghĩ chắc phải nghiên cứu thời chuyển tiếp từ các năm 1800 sang các năm 1900.

Hỏi: Đó là thời gian mà chúng ta nếm thử các hoa trái bị nhiễm độc của chủ thuyết tự do kinh tế, làm nảy sinh ra cuộc cách mạng kỹ nghệ có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Vâng. Mô thức tư bản nguy hại ấy rất giống với mô thức mà Tây Âu thăng tiến hồi thập niêm 1980. Đó là huyền thoại tác hại của thị trường tự do và cả quan niệm triết lý duy cá nhân và hưởng lạc nữa. Đây là các yếu tố làm nền cho việc xây dựng các quốc gia và các giai tầng thống trị hồi cuối các năm 1800, không có khả năng giải thích các vấn đề nảy sinh từ xã hội của đám đông, lại càng không thể cho họ một câu trả lời nào.

Hỏi: Và các hậu qủa đã thật là thê thảm?

Đáp: Đúng vậy. Thế chiến thứ I chắc chắn đã là hậu qủa trực tiếp của nó. Như thế, các chế độ độc tài lớn đã nổi dậy để đưa ra một câu trả lời cho các hậu qủa xã hội của chủ thuyết tự do qúa trớn. Các đám đông đã vỡ mộng, sau các hứa hẹn phép lạ của cuộc triển lãm tại Paris, đến độ goi chúng là một việc sửa chữa. Từ quan điểm này có thể đọc hiểu chủ thuyết cộng sản liên xô, chủ thuyết phát xít, và chủ thuyết đức quốc xã như các khía cạnh của cùng một phong trào.

Hỏi: Thế thì đâu là các tương tự với tình trạng hiện nay thưa giáo sư?

Đáp: Mô thức kinh tế triết lý hồi cuối các năm 1800 bị lịch sử lên án lại được tái đề nghị với chúng ta hồi cuối các năm 1900: luật lệ của thị trường là thánh thiêng và bất khả xâm phạm, người ta bênh vực cá nhân chủ nghĩa và chủ thuyết thành công bằng mọi giá. Và dĩ nhiên cùng với chúng là sự thối nát của các phong tục tập quán. Tôi nghĩ tới ”Các Thời Đẹp”, các xa hoa giả tạo của các cuộc triển lãm quốc tế, các lễ hội Đại khiêu vũ... Một thế giới trong đó con người ở trung tâm, còn luân lý chỉ là một hình thức vô ích. Một sự suy đồi giống với sự suy đồi của chúng ta ngày nay, trong đó Giáo Hội bị các tấn kích văn hóa rất nặng nề, tự do đức tin bị hạn chế với các chiến dịch có hệ thống, do giai tầng trưởng giả mới khai thác và chủ mưu. Chúng khác xa với các viếng thăm thơ mộng trở lại của thời phục hưng. Và ngày nay chúng ta chưa thấy hết các hậu qủa thối nát của chủ nghĩa tân tự do, của chủ trương thích ứng theo thời của đám đông, do một nền văn hóa chống kitô nào đó và do tất cả các đúng đắn chính trị của nó, sản xuất ra.

Tiếp theo đây là một số nhận định của giáo sư sử học Andrea Giardina.

Hỏi: Thưa giáo sư, giáo sư cho rằng sự tương tự giữa sự cáo chung của đế quốc Roma và cuộc khủng hoảng ngày nay cần phải được tìm ra nơi các giai tầng lãnh đạo, có phải thế không?

Đáp: Phai. Nhưng tôi sẽ không chỉ dừng lại nơi hàng lãnh đạo mà thôi, mà còn xem xét các nét chung của giới thống trị nữa. Các người giầu, các người quyền thế thời đế quốc Roma đã mù lòa trước lợi ích tập thể. Để bảo vệ sự hữu ích của họ, họ đã khiến cho quốc gia yếu kém đi, và khiến cho các đám đông trở thành nghèo nàn hơn, bằng cách làm cho các cơ cấu không có khả năng đưa ra các câu trả lời cụ thể cho các nhu cầu mới nữa.

Hỏi: Đó có phải là một kiểu tự hủy hoại chính mình một cách vô thức không thưa giáo sư?

Đáp: Không có các yếu tố để nói rằng họ không ý thức được điều này. Nhưng có ý thức liên quan tới các vấn đề. Và thường khi các xã hội chết đi, dù biết rằng mình chết. Mặc dù hàng lãnh đạo rất sáng suốt, họ trông thấy sự suy đồi của xã hội, nhưng họ không có nghị lực luân lý để khước từ và thay đổi các cung cách hành xử và đặc quyền cho ích lợi chung. Và xảy ra là người ta đi tới cái chết như các con thiêu thân bị ánh đèn lôi cuốn.

Hỏi: Như thế, sự can thiệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI rất là thời sự, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Trong nghĩa đó thì có sự tương tự giữa sự sụp đổ của đế quốc Roma với cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang sống hiện nay. Trong các cung cách hành xử của những người lãnh đạo chính trị cũng như kinh tế, hiển nhiên là không có các nguồn lực luân lý giúp đương đầu với các vấn đề chung. Đối với những gì còn lại, thật là không thực tế, khi nghĩ tới các thế kỷ cuối cùng của đế quốc Tây Phương như là một xã hội thối nát, một cách đặc biệt trong phong tục tập quán, như sự thối nát của xã hội ngày nay.

Hỏi: Như vậy là có sự khác biệt giữa các đám đông của thời đế quốc Roma với các đám đông của ngày nay?

Đáp: Từ quan điểm, mà ngày nay chúng ta hiểu như là sự thối nát phong tục tập quán, chắc chắn là có rồi. Sự thối nát luân lý của các đám đông ngày nay giống với sự thối nát của hàng lãnh đạo hơn là vào thời đề quốc Roma. Tuy nhiên, một cách mâu thuẫn đó là sự xa cách với quyền bính và sự không có khả năng đưa ra các quyết định thì lại vẫn giống y như nhau.

Hỏi: Đây có phải là sự thiếu hụt dân chủ không thưa giáo sư?

Đáp: Vào thời đế quốc Roma người dân đã không bỏ phiếu, nhưng ngày nay thì dân chúng đi bỏ phiếu. Trong các nền dân chủ Tây Âu lớn ngày nay quyền lựa chọn của người dân bị giảm thiểu khá nhiều. Bên Hoa Kỳ chẳng hạn, thực tế là chỉ có một thiểu số bỏ phiếu. Thế rồi còn có sự điều kiện hóa rất nhiều từ phía các cơ quan truyền thông. Các gợi ý do các phương tiện truyền thông đưa ra thắng vượt tất cả. Như thế trách nhiệm lựa chọn luôn luôn ở trong tay một thiểu số thực sự có quyền bính. Trong các thập niên 1960-1970 người ta đã nghĩ rằng lịch sử do đám đông hướng dẫn. Ngày nay thì không còn có ai tin như vậy nữa. Chỉ có một ít cá nhân làm lịch sử mà thôi. Chỉ cần nghĩ tới vai trò của bè phái tam điển tại Italia chẳng hạn.

Liên quan tới phân tích của Đức Thánh Cha cần phải nói thêm rằng hiện nay chúng ta đang chứng kiến việc tái lượng định lịch sử thời Roma một cách phổ biến hơn.

Hỏi: Như thế, điều Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói là rất thời sự?

Đáp: Vâng. Chúng ta có thể nói rằng ngày nay Roma là thời thượng, không phải chỉ liên quan tới các phim hay nền văn chương giả tưởng, mà liên quan tới cả một loại viết sử đúng đắn một cách chính trị nữa, hướng tới chỗ phục hồi sự thất bại văn hóa của kiểu trộn lẫn mọi sự, theo đó sự sụp đổ của đế quốc Roma, nói cho cùng, là một cuộc gặp gỡ sáng tạo giữa các nền văn minh, cả khi có đổ máu đi nữa. Khía cạnh chính trị và quản trị quyền bính kinh tế cũng như các ích kỷ và các sai lầm của nó, bị đánh giá thấp qúa.

(Avvenire 22-12-2010)
 
Một năm sau cuộc động đất lịch sử ở Haiti
Trần Mạnh Trác
17:47 12/01/2011
Đúng một năm sau cuộc động đất ngày 12 tháng 1 năm 2010 tại Haiti, một triệu dân nghèo của thủ đô Port-au-Prince vẩn sống trong các lều tạm trong một bối cảnh chính trị bất ổn và nguy cơ dịch tả lan rộng.

Bình luận nhân dịp truy điệu 250 ngàn nạn nhân của cuộc động đất với cường độ 7.0 này, nhiều nhà quan sát đã kết luận là những chính phủ nước ngòai và những tổ chức phi chính phủ đã không làm đủ bổn phận quốc tế đối với Haiti, một số người khác thì đổ lỗi cho chính quyền và người dân địa phương đã tiến bộ chậm chạp trong việc tái thiết, và bất lực trong việc ngăn chận sự lây lan của dịch tả.

Có người đã giơ tay lên trời than rằng trường hợp đảo quốc này là một thí dụ điển hình của 'một tình trạng phi chính phủ' với các cơ quan thiếu phối hợp và hòan tòan thất bại trong việc giúp đỡ người dân Haiti tìm ra một giải pháp lâu dài.

Tuy nhiên trong buổi xế chiều của lòng kiên nhẫn này, cơ quan Cứu Trợ Công Giáo (Catholic Relief Services) vẫn cam kết ở lại với người dân Haiti dưới bất kỳ trạng huống nào, và quan trọng hơn, vẫn nhìn thấy những tia sáng ở cuối đường hầm.

Ông Tom Price, giám đốc truyền thông cùa Catholic Relief Services cho rằng hòan cảnh cực đoan của Haiti trước và sau cuộc động đất, cộng thêm những thảm họa tiếp theo, đã gây ra tình trạng bế tắc cho việc phục hồi.

Thủ đô của đảo quốc, ông giải thích, có thể không nên được khôi phục lại tình trạng giống như trước đây, vì chính tình trạng đó đã là một mớ bòng bong với những kiểu kiến trúc lộn xộn trên sườn đồi bên cạnh các khu ổ chuột chật chội.

Thành phố trước khi động đất đã bị so sánh như là một trại tị nạn đầy mầu sắc mà dân cư là những người chạy trốn cảnh nghèo túng cùng cực ở nông thôn, họ tới đây đặt hy vọng vào một thành phố mà chính nó cũng chưa bao giờ có sự ổn định.

Ông giải thích rằng Port-au-Prince đã "được xây dựng với ý tưởng của một thành phố chỉ có 200.000 người dân, và bây giờ phải chứa tới gần hai triệu người." Mặc dù có một triệu người đang lang thang vô gia cư, nhưng rõ ràng không có cách nào mà thành phố này có thể chứa thêm một cách vĩnh viễn và có thể chấp nhận được.

Khi xảy ra động đất, chính phủ cũng sụp đổ theo. Một phần ba số công chức đã tử nạn, làm tê liệt số lượng nhân viên có khả năng để tái phối trí sau này. Giáo hội Công Giáo Haiti, từng là nơi trú ẩn cho người nghèo tuyệt vọng, bị mất tổng giám mục và các nhà thờ.

Khác với những người bi quan, ông Price lên tiếng bảo vệ thành quả của các cơ quan đang hoạt động tại Haiti. Công việc của họ, ông nói, "đã có tác động rất lớn."

"Ít ra là những nhu cầu căn bản đã được cung cấp đủ cho những người ở trong trại. Giáo hội Công giáo và các cơ quan phi chính phủ đã giải quyết bệnh tả cách nhanh chóng. Khi cơn bão Tomas đến, chúng ta đã vận chuyển phẩm vật nhanh chóng trên tòan quốc. Nhắc lại cơn bão nhiệt đới Tomas đã tràn tới Haiti vào ngày 5 Tháng 11 Năm 2010 và gây lũ lụt tại một trại tị nạn ở Port-au-Prince.

Ông Price giải thích rằng nhiều tổ chức phi chính phủ đã bị chỉ định đến các khu vực mà họ không thể đến được vì các tuyến đường giao thông, dù trong lúc bình thường thì cũng đã không được xây dựng cho các phương tiện hiện đại, đã bị tắc nghẽn với những đống đổ nát. Ông nghĩ rằng sự hào phóng của các nhà hảo tâm và của các chính phủ đã không thể phát huy vì những thách thức về hậu cần.

"Tôi không nghĩ rằng các tổ chức phi chính phủ nói chung đã thiếu xót," ông Price tỏ ra hài lòng với những đối tác của Catholic Relief Services "đã vượt qua nhiều hoàn cảnh gần như tuyệt vọng để cung cấp viện trợ." Tương tự như vậy, ông nói, "Tôi sẽ ngần ngại chỉ trích một chính phủ đã mất một phần ba số công chức và một nửa các cơ sở của mình."

"Chắc chắn là đã không có tiến bộ đủ," ông thừa nhận. "Việc một triệu người còn ở trong lều là không thể chấp nhận được."

"Nhưng với mức độ tàn phá, và sự thiếu khả năng lãnh đạo, vì những gì đã xảy ra với chính phủ Haiti, và tranh chấp bầu cử, thì những điều xảy ra là có thể hiểu được, mặc dù chúng ta không thể chấp nhận chúng."

Một cách lạc quan hơn, ông Price nêu lên những tiến bộ mà Giáo hội Công Giáo Haiti đã thực hiện trong 12 tháng - từ vị thế cần được trợ giúp, để trở thành một trụ cột của xã hội có khả năng dẫn đầu nỗ lực cứu trợ.

"Chúng tôi đã phải làm việc với giáo hội địa phương để vực họ dậy," ông Price kể lại. "Nhưng vào thời điểm dịch tả bắt đầu, thì họ đã đi tiên phong." Các cơ quan Công giáo trên khắp Haiti đã tự động lập ra các phòng khám bệnh và đảm bảo rằng các tài nguyên quốc tế được phân phối tới nơi cần thiết.

Ông cho rằng chỉ "ít hơn chín tháng sau trận động đất" thì những thay đổi hoàn toàn như thế là "rất đáng khích lệ."

"Ngày kỷ niệm trận động đất", theo lời ông Price, "không chỉ là một cơ hội để kiểm điểm thành quả hoàn toàn vật chất." Ông nói thêm "Đó là một ngày để đứng lên với người Haiti - và cầu nguyện."
 
Úc Châu, Mưa Lụt “Đại Hồng Thủy tiểu bang Queensland”
Jos. Vĩnh SA
20:36 12/01/2011
Đến hôm nay, thứ Năm ngày 13/01/2011.

Vào lúc 8:30am theo tin tức quốc gia, thì đã có 75 thị trấn trong TP Brisbane và nhiều tỉnh lẻ trong tiểu bang Queensland, Úc Châu đã chìm trong biển nước (có thể nói là “Lụt Đại Hồng Thủy” của tiểu bang QLD, Úc Châu).

Nhiều nơi bị ngập lụt, nước dâng lên rất cao có thể lên đến 5 – 6 mét. Nhà cửa, hãng xưởng, xí nghiệp, nhiều trung tâm thương mại bị ngập chìm dưới biển nước. Những trận mưa rào vẫn tiếp tục, như trút nước xuống nhiều nơi, khiến cho các giòng nước chảy xiết, cuồn cuồn như thác lũ.

Các đường giây điện, điện thoại, đều đã bị cắt hoàn toàn ở những nơi ngập nước. Phương tiện thông tin, chỉ còn có thể dùng Mobilephone (Cell) với pin charge còn mạnh mà thôi.

Xe cộ cũng đã không thể chạy qua những quãng đường còn khô ráo gần vùng lụt, nếu bị hết xăng, vì nhiều trạm xăng cũng bị ngập lụt. Toàn bộ các trạm xăng và shopping trong vùng lũ lụt bị đóng cửa 100% do nước đã tràn ngập.

Đồ ăn, nước uống, vệ sinh là một lo âu rất lớn của người dân trong vùng bị lụt và của chính phủ. Tổng kết sơ khởi cho biết: Đã có 90 người bị mất tích, 13 người chết đuối đã tìm thấy xác.

Thành phố Brisbane là một thành phố du lịch nổi tiếng của Úc, hiện nay rất nhiều đường xá bị ngăn chặn, nước tràn ngập, gây nguy hiểm, xe cộ kẹt cứng. Nhiều đường giao thông bị tê liệt hoàn toàn.

Theo dõi tin tức trên truyền hình. Hãng Beer XXXX của Brisbane đã bị chìm ngập, nước tràn mênh mông. Shop Harvey Normal của khu Oxley, lầu 1 của Toowoong shopping đã lặn chìm xuống nước,

Bệnh viện nổi tiếng Mater của công giáo ở trung tâm TP Brisbane với các Car Parks đều bị ngập tràn nước. Wesley hospital của giáo hội Uniting Church lầu 1 và Car Parks gần đường xe lửa cũng bị lụt.

Nhiều đập nước đã tràn ngập, có nơi bị vỡ đập, nước đã đổ ào xuống, hơn thác nước Niagara bên Mỹ

Nhiều phi trường trong tiểu bang bị đóng của. Hành khách phải chờ đợi cho đến khi đài Khí Tượng thông báo thời tiết tốt trở lại.

Chính quyền liên bang, tiểu bang đã huy động dân chúng, quân đội và các phi đội trực thăng Chinook, Black Hawk cũng như gần 200 tàu bè lớn nhỏ đến cứu nguy và tiếp tế, di tản các nạn nhân từ vùng nước lụt lên vùng cao và vùng núi. Nhiều trung tâm tiếp cư mở cửa đón các nạn nhân và tiếp tế thực phẩm, ăn uống.

Các vị lãnh đạo quốc gia: Bà Thủ Tướng Julia Gillard, bà Thủ Hiến Anna Bligh và thị trưởng TP Brisbane trực tiếp đến những nơi ngập lụt, tham gia cứu trợ, họ lăn xả giúp dân chúng từ A đến Z.

Phải nói một các công minh. Dân Úc, từ chính phủ xuống đến các hội đoàn, đoàn thể, ngay cả đến cá nhân, họ đã bỏ hết mọi chuyện xích mích, riêng tư, để cùng chung sức lo chuyện đại sự của quốc gia, không hề than trách.

Các đoàn y tế, cứu tế và cá nhân từ các tiểu bang, đã giơ tay tình nguyện, ghi tên lên đường cứu giúp đồng bào ruột thịt một cách hăng hái, không quản ngại xa xôi và tốn phí. Họ đã tự động bỏ tiền túi ra, chi cho các dịch vụ như: Di chuyển và ăn uống của từng cá nhân, không đòi hỏi một xu nào của chính phủ.

Lòng nhân ái của chính phủ, các Tôn giáo, các Đoàn thể và cá nhân người dân Úc thật đáng ca ngợi. Họ cùng đồng tâm, nhiệt tâm lo cho đồng bào nạn nhân, cho đất nước không thể chê chỗ nào được.

Trận lụt này, theo ước tính của ủy ban kế hoạch quốc gia cho biết, có thể lên đến trên 50 tỷ Úc Kim.

Trên thị trường chứng khóa hiện nay: Đồng Mỹ Kim và đồng Úc Kim ngang nhau

Hôm nay, bên ngoài trời vẫn còn mưa, phía Đông Bắc đã ló chút ánh sáng mặt trời mọc lên. Nhưng phí Tây Nam trời vẫn còn phủ mây đen và mưa vẫn nặng hột.

Như một số quí vị đã biết Úc Châu qua internet. Nước Úc lớn gấp 33 lần nước Việt Nam, riêng tiểu bang Queensland còn goi là vùng đất Nữ Hoàng, rộng gấp 7 lần nước VN. Tiểu bang QLD có khoảng 5 – 6 triệu dân. Trong khi TP Brisbane thủ phủ của tiểu bang QLD có khoảng 3 triệu rưỡi dân. Nước Úc luôn được cho là một quốc gia khô cằn, thiếu nước, hay bi hạn hán.

Thế nhưng ngay sau khi các trận mưa rào đổ ập tới tấp, dồn dập xuống vùng đất của Nữ Hoàng trong suốt 3 tuần lễ, đã biến nhiều vùng thành biển nước mênh mông. Trở thành trân lụt “Đại Hồng Thủy Úc Châu”

Xin cầu bình an cho đất Úc. Vì chính phủ và người dân Úc là ân nhân của những người tỵ nạn Việt Nam

 
Top Stories
Laos: Nouvelles arrestations et expulsions de chrétiens pendant la période de Noël
Eglises d'Asie
09:56 12/01/2011
Selon des sources protestantes évangéliques locales, onze chrétiens ont été interpellés le 4 janvier dernier dans le village de Nakoon, par les autorités locales et trois d’entre eux sont toujours maintenus en détention pour avoir « tenu une réunion secrète ».

Le lendemain de l’arrestation, deux chrétiens ont été relâchés, puis, le 6 janvier, six autres dont deux enfants âgés de 4 et 8 ans, de la prison provinciale de Khammouan, au centre du Laos, où ils les avaient été incarcérés.

Venus pour la plupart d’entre eux de Vientiane afin de fêter Noël au domicile du Rév. Wanna à Nakoon, dans le district de Hinboun, province de Khammouan, les onze participants ont été arrêtés par des policiers en armes, la veille de la célébration projetée.

Les trois chrétiens encore sous les verrous ont été identifiés comme étant des responsables d’« Eglises domestiques ». Le Rév. Wanna, du village de Nakoon, Thao Chanlai, du village de Tonglar, et Thao Kan, du village de Nahin, sont passibles d’une condamnation pour crime contre l’Etat aux yeux de la loi laotienne et encourent de sévères peines de prison.

Dès le mois de décembre, le Rév. Wanna avait informé les autorités locales que des membres de son Eglise désiraient se réunir à son domicile le 5 janvier afin de célébrer Noël, selon les directives de l’Eglise évangélique laotienne approuvées par le gouvernement, qui ont fixé la tenue des célébrations officielles entre le 5 décembre et le 15 janvier.

Au soir du 4 janvier, une vingtaine de policiers a fait irruption dans la maison du pasteur, braquant leurs armes sur les onze personnes présentes qui étaient en train de dîner. Ils les ont ensuite emmenées de force sous l’inculpation de « tenue d’une réunion secrète sans approbation officielle ».

Selon des sources évangéliques locales, cette arrestation est la dernière en date d’une série d’actions antichrétiennes qui touchent tout particulièrement le district de Hinboun, et qui ont commencé lorsque des habitants de Nakoon et des environs se sont convertis au christianisme. Les autorités accusent le Rév. Wanna de détruire la culture traditionnelle lao et l’avaient déjà arrêté en mai dernier pour avoir refusé de cesser ses rassemblements de prière à domicile. Avec lui avait été également emprisonné Thao Chanlai, qui avait commencé à réunir lui aussi des chrétiens à domicile dans son village de Tonglar, voisin de Nakoon. Les fidèles participants aux réunions de prière ont dû suivre des séances de rééducation et signer des documents par lesquels ils abjuraient leur foi. Mais les rassemblements au domicile du pasteur avaient repris à sa sortie de prison, en octobre dernier, malgré les menaces des autorités locales.

Selon différentes sources protestantes, dont l’ONG Christian Aid Mission, d’autres faits du même ordre se seraient produits pendant cette période de Noël, dont l’expulsion le 23 décembre d’une dizaine de familles chrétiennes de leur village de Katin, dans le district de Ta-Oyl, situé dans la province méridionale de Sarawane. Vers 9 heures du matin, le chef de village, accompagné des forces de l’ordre locales, du responsable des Affaires religieuses de la communauté et d’habitants armés, a forcé les chrétiens à sortir de leurs maisons, leur intimant l’ordre de renoncer à leur foi ou d’être bannis de la communauté. Ayant refusé d’obtempérer, les familles ont été expulsées du village, sans vivres ni biens personnels et ont dû rejoindre la communauté marginale d’autres chrétiens qui ont été exclus eux aussi de Katin il y a un an et qui vivent aujourd’hui encore dans des abris précaires, construits à la lisière de la jungle, aux limites des terres du village (1).

Le même scénario s’était en effet produit le 10 janvier 2010, où la célébration dominicale des chrétiens de Katin, alors plus nombreux, avait été interrompue par le chef de village, épaulé par les autorités du district de Ta-Oyl et d’une centaine d’hommes dont la plupart étaient armés (2). Soumis aux mêmes menaces que les familles expulsées le 23 décembre dernier, ayant refusé également de renoncer à leur foi, les chrétiens au nombre d’une cinquantaine avaient été traînés hors du village, leurs maisons brûlées et leurs biens confisqués.

Survivant dans des conditions très difficiles, manquant d’eau et de nourriture, ces familles attendent toujours l’assistance promise par les autorités provinciales. Les responsables au Laos de Christian Aid Mission ont averti le Bureau des Affaires religieuses de cette nouvelle expulsion de chrétiens mais aucune réponse n’est encore venue de la part des autorités.

Trois jours après l’expulsion forcée, le 26 décembre, le chef du village et les autorités locales afin de s’assurer de l’impossibilité du retour des familles de chrétiens, ont brûlé les clôtures entourant les rizières, détruit les digues qui retenaient l’eau et piétiné les cultures (3).

Selon les statistiques disponibles, la communauté chrétienne représenterait environ 1 % de la population du Laos, bouddhiste dans sa très grande majorité. Les articles 6 et 30 de la Constitution de la République démocratique populaire du Laos garantissent la liberté de religion, mais, dans les faits et en dépit de l’ouverture croissante du pays aux échanges internationaux, celle-ci demeure restreinte. Les minorités ethniques récemment converties au christianisme sont particulièrement l’objet de campagne de répression.

(1) Sources: Portes Ouvertes - Open Doors, 30 décembre 2010; Christian Examiner, 6 janvier 2011; ANS, 7 janvier 2011.

(2) Voir EDA 524

(3) Les chrétiens qui ont été bannis en 2010 continuent de se rendre hors saison dans leurs rizières afin de les cultiver, préservant ainsi leurs droits de propriété sur leurs terres (qui sans cela retourneraient à la communauté du village). La destruction des cultures ne permet donc plus l’exercice de ce droit et rend le retour des expulsés très improbable.

(Source: Eglises d'Asie, 12 janvier 2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bài giảng của Đức Cha Cosma tại Lễ Bế Mạc Năm Thánh và Khai mạc Năm Giới Trẻ Giáo Phân Bắc Ninh
Nguyễn Xuân Trường
00:31 12/01/2011
Kính thưa quí cha, quí tu sĩ,

Thưa quí quí ông bà anh chị em,

Nhân dịp đầu năm mới, tất cả mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài giáo phận Bắc Ninh tụ họp về đây dâng lời tạ ơn Chúa và cám ơn nhau về những ơn lành và những điều tốt đẹp trong năm 2010. Đồng thời, cùng với Chúa Giêsu và với nhau, chúng ta bước vào năm mới 2011.

Trong thư Mục vụ Giáng Sinh vừa qua, tôi đã đề cập tới Năm Thánh và Năm Giới Trẻ. Hôm nay chúng ta cử hành thánh lễ Bế mạc Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam tại giáo phận nhà là một dịp tốt để nhìn lại biết bao ơn toàn xá và các ơn khác mà chúng ta đã lãnh nhận. Đồng thời, chúng ta cũng vui mừng khai mạc Năm Giới Trẻ Giáo Phận để chuẩn bị cho Đại Hội Giới Trẻ Giáo tỉnh Hà Nội sẽ chính thức diễn ra vào ngày 11.11.2011 với chủ đề: Thầy gọi anh em là bạn.

Ngay từ hôm nay: tôi mời gọi các xứ họ tổ chức học hỏi, suy nghĩ, chia sẻ và sống tình bạn thân mật với Chúa Giêsu và mọi người.

Đại hội Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid Tây Ban Nha sẽ diễn ra từ ngày 16-25.8.2011 cũng nhắm chủ đề xây dựng đời sống trên nền móng là Đức Kitô để đức tin vững mạnh. Giáo Phận Bắc Ninh sẽ có đoàn đi tham dự sự kiện đặc biệt này.

Ngày hôm nay cũng là ngày cả Hội Thánh cầu nguyện cho hoà bình thế giới. Trong đêm Chúa Giáng Sinh và ngày Chúa phục sinh hiện ra với các môn đệ, chúng ta thấy vang lên những lời ban bình an. Chúa Giêsu đến đem bình an, không phải thứ bình an của thế gian, nhưng bình an của Thiên Chúa. Nguyện xin cho bình an của Chúa thấm vào từng tâm hồn, từng gia đình, lan tỏa ra xã hội và toàn thế giới.

Muốn được như vậy, chúng ta hãy sống theo Lời Chúa dạy và gương Chúa Giêsu. Nói chung thế giới hiện nay không có chiến tranh lớn, nhưng nhiều nơi chưa có hoà bình trọn vẹn, vẫn còn đó những cuộc nội chiến, khủng bố và đàn áp. Tại đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta: dù đã hoà bình với nghĩa không còn ngoại xâm, không còn bom đạn chiến tranh lửa khỏi, nhưng lòng người và xã hội vẫn chưa có bình an, vẫn còn một số bất ổn.

Đề tài Ngày Hoà Bình năm nay do Đức Giáo Hoàng chọn là: tự do tôn giáo, con đường dẫn tới hoà bình. Nói chung trên thế giới hiện nay có tự do tôn giáo. Tuy nhiên, một số nơi bị hạn chế, hoặc rất khó khăn. Ở Việt Nam chính sách về tôn giáo đã tiến triển nhiều so với trước đây, nhưng nếu so với các quốc gia dân chủ khác thì vẫn còn đó nhiều rào cản. Mong ước sao tôn giáo được tự do hơn nữa, để người Công giáo có thể thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng yêu thương của mình qua giáo dục và y tế như Đại Hội Dân Chúa vừa qua đề nghị.

Ngày hôm nay cũng là Ngày cuối Tuần Bát nhật Giáng Sinh, là ngày Kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Có hai điều chúng ta có thể học trong bài Tin Mừng hôm nay: trước nhất đó là gương các mục đồng nghe lời thiên thần mời gọi đến gặp Chúa Giêsu và ra về đã ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa. Thứ hai đó là gương Mẹ Maria ghi nhớ những điều xảy ra và suy đi nghĩ lại nhờ đó nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa.

Có truyện kể về 3 pho tượng: Xưa một nhà vua Ấn Độ, muốn thử nhân tài của một nước Chư hầu liền gửi tới nước này ba pho tượng vàng, giống hệt nhau. Nhà vua Ấn Độ yêu cầu nhà vua Chư hầu cho biết trong ba pho tượng vàng này, đâu là pho tượng quí giá nhất.

Nhà vua nước Chư hầu cho triệu tập các nhà thông thái tới để đánh giá ba pho tượng vàng này, tìm ra xem pho tượng nào quí giá nhất. Các nhà thông thái nghĩ ngay tới giá trị của mỗi pho tượng sẽ căn cứ vào cân nặng nhẹ, hoặc vào tuổi vàng tốt xấu, hoặc căn cứ vào nghệ thuật tìm thấy trên ba pho tượng vàng! Nhưng rồi các nhà thông thái đành phải bó tay, vì ba pho tượng này giống hệt nhau về nghệ thuật, khối lượng và tuổi vàng.

Nhà vua nước Chư hầu rất buồn, vì không biết được giá trị hơn kém của ba pho tượng. Vua liền cho loan báo khắp nước: Ai tìm được bí mật giá trị của mỗi pho tượng sẽ được trọng thưởng.

Có một người tù, biết chuyện xin được xem ba pho tượng và nếu anh ta tìm ra giá trị hơn kém của ba pho tượng này thì anh chỉ xin một điều kiện là cho anh được tự do.

Lập tức nhà vua cho anh xem ba pho tượng. Vừa ngó xong ba pho tượng, anh ta xin một cọng rơm. Chỉ trong ít phút, anh đã khám phá ra giá trị hơn kém của ba pho tượng vàng.

Anh lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ nhất, thì thấy cọng rơm xuyên từ lỗ tai này sang lỗ tai kia, anh bảo: “ đây là pho tượng ít giá trị nhất, vì nó tượng trưng cho hạng người nghe điều gì, vừa vào tai nọ, đã ra tai kia, không biết ghi nhớ, không để tâm gì suy nghĩ điều đã nghe”.

Anh ta lại lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ hai, thì thấy cọng rơm đi từ lỗ tai chạy xuống miệng pho tượng. Anh bảo: “pho tượng này hơn pho tượng trước là vì nó tượng trưng cho hạng người biết nghe, biết nhớ nhưng mắc khuyết điểm là: vừa nghe được gì đã vội nói ngay, không suy nghĩ xem điều mình nghe đúng hay sai, nói ra có lợi hay có hại”.

Anh lại lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ ba, thì thấy cọng rơm đi từ lỗ tai chạy xuống bụng. Anh nói: “pho tượng này quý giá nhất, vì nó tượng trưng cho hạng người biết nghe, biết nhớ, biết để lòng suy nghĩ, biết ghi vào tâm dạ mình.

Vua nước lớn nghe được lời giải đáp của thần dân nước nhỏ thì vô cùng kính nể. Ông về nói với các quan trong triều: “Nước họ có người thông minh tài giỏi như vậy, hẳn nước họ là nước mạnh mẽ, hưng thịnh, ta nên giao hoà với họ chứ không nên giao chiến”.

Qua câu truyện Tin Mừng và câu truyện xưa, chúng ta được mời gọi noi gương Mẹ Maria đón nhận Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa làm người vào trong lòng dạ chúng ta. Để nhờ đó, Chúa biến đổi đời sống chúng ta, và chúng ta biến đổi xã hội và thế giới.

Xin Chúa cho hồng ân Năm Thánh sinh hoa kết quả dồi dào trong Giáo Hội Việt Nam nói chung, và trong giáo phận Bắc Ninh thân yêu của chúng ta nói riêng. Amen.
 
Tấm Lòng Vàng: Danh Sách Ân Nhân Giúp Lũ Lụt VN 2010 (Cập Nhật 11.01.11)
Liên Đoàn CGVN HK
00:41 12/01/2011
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ chân thành cảm tạ Tấm Lòng Vàng Giúp Lũ Lụt Việt Nam của quý Giáo Xứ, Cộng Đoàn, Hội Đoàn và Ân Nhân có tên dưới đây. Chương trình Lạc Quyên giúp Lũ Lụt Việt Nam kết thúc vào ngày 30/12/2010. Những đóng góp được gởi về Hội Đồng Giám Mục Việt Nam qua Ủy Ban Bác Ái Xã Hội - để Caritas-Việt Nam Trung Ương phối hợp với các Văn Phòng Caritas Giáo Phận nơi bị lũ lụt, phân phối thực phẩm, thuốc men, quần áo, sách vở, nông cụ đến các nạn nhân và gia đình không phân biệt lương giáo.

Mọi đóng góp xin đề: Lien Đoan

Memo: HELP Lu Lut VN 2010

và gởi về:

LIEN DOAN

PO Box 1958

Flowery Branch - GA 30542


Chi: Liên Đoàn đã gởi về Ủy Ban Bác Ái Xã Hội – HĐGM VN:

- Đợt I: $21,500.00

- Đợt II: $60,000.00

- Đợt III: $70,000.00

Liên Đoàn sẽ tiếp tục gởi về những đóng góp nhận sau.

Thu Đợt IV, tính tới ngày 11/01/2011: $57,199.17

- Holy Martyrs of Vietnam Church, Lm Nguyễn Đức Vượng, Arlington, VA, $12,275

- Giáo Xứ Nữ Vương Việt Nam, Lm Vũ Văn Vinh, CMC, Port Arthur, TX, $9,000

- Our Lady of Vietnam Parish, Lm Vũ Ngọc An, Siver Spring, MD, $8,000

- Cộng Đoàn Thánh Gia Lafayette, Lm Trần Thiên Sai, SVD, Lafayette, LA, $5,800

- Cộng Đồng Công Giáo VN tại San Diego, CA, $5,170

- Giáo Xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm, Lm Đào Duy Kiêm, CMC, Wichita Falls, TX, $2,598

- Cộng Đoàn CGVN, Giáo Xứ St. Francis, Bakersfield, CA, $2,500

- Cộng Đoàn Th. Giuse GX St Patrick, Lm Phạm N. Tuấn, OMI, Lowell, MA, $2,500

- Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, Albuquerque, NM, Lm Bùi Mạnh Tín, $2,257

- St. Henry Catholic Church, Lm Hà Văn Vịnh, Chicago, IL, $1,997

- Đền Thánh Đức Mẹ Lavang, Lm Nguyễn Đức Huyên, New Orleans, LA, $1,011

- Dòng Mến Thánh Giá Los Angeles, Gardena, CA, $1,000

- TNTT & Giới Trẻ Vùng Bay, Miền Tây, San Jose, CA, $1,746.17

- Lm Bùi Quốc Khánh, San Jose, CA, $300

- Hoa Thi Do, San Antonio, TX, $300

- Hoa Le Tran, Oklahoma City, OK, $100

- Ngo Minh Chieu, St. Paul, MN, $100

- OB Quang-Anh Pham, Fort Collins, CO, $100

- Sy Tran, Lansdale, PA, $100

- Vivian Tran, Lilburn, GA, $100

- OB Tuynh Dao, Seatac, WA, $100

- OB Dieu Pham, Fountain Valley, CA, $50

- OB Hoanh-Yen Hoang, La Vista, NE, $50

- Allstar Cleaners INC, Westford, MA, $45

Thu Đợt III, tính tới ngày 23/12/2010: $48,923.00

- GX Ngôi Lời Nhập Thể, ĐO Lê Xuân Thượng, Houston, TX, $7,500

- Queenship of Mary Church, LM Nguyễn Huy Quyền, Glendale, IL, $6,551

- CĐCG Mẹ Lavang, LM Nguyễn Văn Tính, Dorchester, MA, $5,815

- Giáo Họ Thánh Phêrô & T Phaolô, LM Trần Diệu, Panama City, FL, $4,235

- Cộng Đoàn CGVN Pass Christian Church, MS, $3,400

- Cộng Đoàn CTTĐVN & Cộng Đoàn T. Anrê Dũng Lạc, LM Đỗ Duy Nho,

Little Rock, AR, $ 2,100 (đợt 2)

- St. Anthony Catholic Church, LM Lê Quang Hiền, Spokane, WA, $2,000

- Cộng Đoàn CG VN St. Martin, Sunnyvale, CA, $1,502

- CĐCGVN Our Lady of Lavang, LM Vũ Minh Thái, Cincinnati, OH, $1,400

- Sacred Heart Church, LM Vũ Đảo, Memphis, TN, $1,400

- Our Lady of the Bl. Sacrament, LM Lương M Trí, Harrisburg, PA, $1,293

- Cộng Đoàn Công Giáo VN tại Olympia,WA, $1,248

- Vietnamese Martyrs Church, LM Phạm Ngọc Châu, Biloxi, MS, $921

- GX Các Thánh Tử Đạo VN, LM Trần Minh Thái, Largo, FL, $840

- Cộng Đoàn CGVN St. Helen Church, DO Trịnh Minh Trí, Phila, PA, $730

- CĐ Đức Mẹ NV Thiên Đàng, LM Peter J. Vianney, Hyde Park, NY, $200

- St. Joseph VN Mission, LM Nguyễn Trọng Tước, Tampa, FL, $683 (đợt 2)

- OB Kim Văn Nguyễn, El Reno, OK, $1,500

- OB Ân Nhân ẩn danh, Watanga, TX, $1,000

- Vy Nguyen, Haverhill, MA, $500

- Hung Nguyen, San Jose, CA, $500

- Ân Nhân ẩn danh, Annandale, VA, $240

- Hai Nguyen, Kenner, LA, $200

- Nam Tran, Schriever, LA, $200

- Xuyen Nguyen, Westord, MA, $200

- Chi Nguyen, Haverhill, MA, $200

- Long Luong, Oklahoma City, OK, $200

- Nam Ngọc Hồ, Auburn, WA, $100

- Tú-Thảo Nguyễn, Beaumont, TX, $100

- Thọ Hồng, San Diego, CA, $50

- Ngọc Văn Nguyễn, $50

- David Vi Nguyen, Dededo, GU, $50

- Mr William Tran, Fort Smith, AR, $100

- Nguyen Thuy Xuan, Eagan, MN, $100

- Cụ Nguyễn Văn Bôn, York, PA, $200

- Duong Nguyen, San Leandro, CA, $200

- Hieu N Nguyen, Aurora, CO, $200

- Gia Đình Tạ Đình Dương, Houston, TX, $150

- Tuyen Van Nguyen, Las Vegas, NV, $100

- Quỳnh Châu Lê, West Hartford, CT, $100

- LM. Đỗ Bá Công, Carthage, MO, $100

- Vu Tran, Lincoln, NE, $100

- Giang H. Trinh, Kansas City, KS, $100

- OB Chuong N. Do, Houston, TX, $100

- Ân Nhân ẩn danh (PT Michael Hoàng Quý chuyển), Fort Worth, TX, $100

- Thinh Van Nguyen, Panorama City, CA, $50

- Khôi Nguyễn, Littleton, CO, $50

- Thanh Hoang, Arvada, CO, $50

- Hao Van Tran, West Covina, CA, $50

- OB Đỗ Văn Thuấn, Pennsburg, PA, $50

- Mr. Duong V. Dinh, Saint Petersburg, FL, $50

- Chinh Van Nguyen, Malden, MA, $35

- Louis Đệ Nguyễn, Garland, TX, $20

- Quang Nguyen, Teaneck, NJ, $10

Đợt II, tính tới ngày 06/12/2010: $63,242.90

- GX Maria Nữ Vương VN, LM Nguyễn Văn Nghiêm, New Orleans, LA, $9,350

- Cộng Đoàn Đức Mẹ Lên Trời, PT Trần Văn Luận chuyển, Palacios, TX, $7,113

- CĐ Nữ Vương Hòa Bình, LM Trần Thúc Định, San Leandro, CA, $5,470

- Church of the Holy Martyrs, LM Phan Trọng Hanh, Kansas City, MS, $5,465

- GX Các Thánh Tử Đạo VN, LM Pham Hau, CsSR, San Antonio, TX, $4,320

- Holy Vietnamse Martyrs, DO Nguyễn Anh Văn, Austin, TX, $4,410

- Cộng Đoàn Chúa Kitô Vua, LM Hùng Trần, Bronx, NY, $3,520 (đợt 1)

- Cộng Đoàn Chúa Kitô Vua, LM Hùng Trần, Bronx, NY, $1,010 (đợt 2)

- Giáo Xứ Thánh Giuse, LM Bùi Sĩ Khuê, Beaumont, TX, $2,372

- Cộng Đoàn Thánh Anrê Dũng Lạc, LM Đỗ Duy Nho, Little Rock, AR, $1,800

- Our Lady of Lavang Church, LM Bùi Mạnh Tín, ABQ, NM, $1,725

- Giáo Xứ Đức Mẹ Lavang, Tucson, AZ, $1,500

- Our Lady Queen of Martyrs, Pensacola, FL, $1,019.90

- CĐ Thánh Anrê Dũng Lạc, LM Bùi Dũng, Indianlantic, FL, $1,000

- CĐ Nữ Vương Hồn Xác Lên Trời, Bethlehem, PA, $1,000

- Giáo Đoàn Thánh Giuse, LM. Nguyễn Ngọc Tước, Tampa, FL, $838

- Cộng Đoàn CGVN Buffalo, Rev. Nguyen Minh Tu, Buffalo, NY, $800

- Cộng Đoàn CGVN Giáo Xứ Barling, Fort Smith, AR, $1,077

- Giáo Đoàn Thánh Cả Giuse, York, PA, $353

- LM Nguyễn Ngọc Lưu, New Orleans, LA, $1,000

- LM Thang J Pham, Holy Spirit Church, Vancleave, MS, $500

- LM Khoa Vo, St. James Parish, Gulfport, MS, $500

- Xuan V Nguyen & Huong T Tran, Tacoma, WA, $500

- Trang P. Chau & Hai C. Vu, Cincinnati, OH, $300

- Thanh Bui, Glendale, AZ, $300

- Hien Francesca Lam, Philadelphia, PA, $200

- LM Quang D. Van, San Francesco di Paola Church, San Antonio, TX, $200

- Bình-Hồng Mai Trần, (LM Hung Duy Nguyen chuyển), Stockton, CA, $1,000

- LM Chien Xuan Dinh, SVD, St. Mary of the Purification, Houston, TX, $150

- LM Đỗ Bá Ái, Carthage, MO, $100

- LM James Văn Nguyễn, Holy Family Cathedral, Tulsa, OK, $50

- LM Bao H. Nguyen, St. Margaret Mary Alacoque Church, Lomita, CA, $50

- Ta Binh, Redemptorists of Holy Ghost, Houston TX, $50

- Sr. Mary Han Nguyen, OP, Los Altos, CA, $50

- Dat Tran, S.J., Spokane, WA, $100

- Rev. Hung Khong, CSJB, New York, NY, $100

- Ân nhân ẩn danh, Richmond, VA, $100

- Trần T Hiền, Fresno, CA, $100

- Chau Thai Nguyen & Trung V Nguyen, Arlington, TX, $100

- Anh Nguyet T Hoang & Minh B Nguyen, Tucson, AZ, $100

- Michelle Thuy Bui, Kenner, LA, $100

- Tong B Nguyen, San Lorenzo, CA, $100

- Thinh Nguyen, Sunnyvale, CA, $100

- Tỵ Van Nguyen & Soi Thi Hoang, Vista, CA, $100

- Trinh Pham, Newburgh, NY, $100

- Thanh D Tran & Nguyet Ngoc T Chu, Annadale, VA, $100

- Tony Tran & Diana Pham, Annadale, VA, $100

- Chuyen Ho, Claremont, CA, $100

- Thoa L. Nguyen, & ITF Phuong Thien Pham, St. Petersburg, FL, $50

- Nguyễn Lan Phương, Carnesville, GA, $50

- Tony Nguyen & Kim Q. Phan, Round Rock, TX, $50

- Binh T Nguyen, SVD, St. Louis, MO, $50

- LM Quan M Tran, SJ, Spokane, WA, $50

- Peter Le, Cullman, AL, $20

- Kim Van Nguyen & Dang Thi Nga, El Reno, OK, $1,000

- Diep T Vu & Anthony Vu, Philadelphia, PA, $300

- Lan T Le, Gulfport, MS, $200

- Huong Le & Anne Le, Walnut, CA, $200

- Gioi Thi Ta, Biloxi, MS, $150

- Gia Đình Khôn Hồ, Bluffton, IN, $100

- Basil Doan, El Dorado Springs, MO, $100

- Cecile Upton, Falls Church, VA, $100

- Bien D Nguyen & Minh T Nguyen, Savannah, GA, $100

- Dominic & Ann The Van Pham, Tulsa, OK, $100

- Gail & Thuc Alexander, Beavercreek, OR, $50

- Huyen B. Truong & David Pham, Wichita, KS, $50

- Hoa Phan & Linh Hong Tran, Fort Worth, TX, $30

Đợt I, tính tới ngày 09/11/2010: $18,682

- Holy Vietnamese Martyrs Church, Atlanta, GA, Rev. Trần Quốc Tuấn, $8,456

- St. Philip Phan V. Minh Church, Orlando, FL, Rev. Nguyễn Thanh Châu, $5,000

- Cộng Đoàn VN Thánh Antôn Church, Oakland, CA, Rev. Peter Sơn Võ, $2,306

- St. Joseph Church, Tulsa, OK, Rev. Nguyễn Văn Đô, $1,850

- Rev. Nguyen Duy Hung, St. Annes Church, Lodi, CA, $300

- Tinh T. Nguyen & Thao TN Pham, Fredericksburg, VA, $200

- Br. Nguyen Van Hoan, Domus Dei Clerical Society, Houma, LA, $100

- Joseph Hai Q. Nguyen & Phuong A. Lai, Quincy, MA, $100

- Phuong Thi M. Pham, Reseda, CA, $100

- Phi Pham, Columbus, OH, $100

- Tu Duy Dao & Uyen Kim Nguyen, Warrenton, VA, $50

- Vu Phan, Santa Ana, CA, $20

- Dòng Trinh Vương, Springfield, MO, $100

Vp Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ

www.liendoanconggiao.net
 
Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết Tĩnh Tâm Năm 2011
Hồng Hương
11:00 12/01/2011
Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết Tĩnh Tâm Năm 2011
Chủ đề: Linh mục trong Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ -- Thời gian: 10-14/01/2011


PHAN THIẾT - Sáng ngày 10.1.2011, toàn thể Linh mục trong Linh mục đoàn và 11 thầy Phó tế thuộc Giáo Phận Phan Thiết đã quy tụ về Tòa Giám Mục tham dự khai mạc Tuần Tĩnh tâm Năm 2011 với chủ đề “Linh mục trong Giáo Hội: Mầu nhiệm – Hiệp thông và Sứ vụ” do Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục GP Phan Thiết chủ trì.

Hình ảnh Linh mục Phan Thiết cấm phòng

Tuần tĩnh tâm năm nay, các linh mục được nghe Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám Mục Giáo phận Phát Diệm, giảng phòng từ ngày 10 – 14.01.2011.

Huấn từ khai mạc tuần Tĩnh Tâm của ĐC Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục giáo phận Phan Thiết

Sau bài gợi ý mở đầu là 6 bài gợi ý suy niệm theo lược đồ của Năm Thánh: Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ vụ gồm các nội dung:

  • 1. Đời sống thiêng liêng của linh mục.
  • 2. Linh mục được mời gọi nên thánh
  • 3. Linh mục – con người của hiệp thông
  • 4. Linh mục với các mối tương quan trong Giáo hội (với Giám mục, linh mục và Giáo dân)
  • 5. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa
  • 6. Linh mục là tông đồ của Đức Kitô (sứ mạng truyền giáo).

Sáng thứ 5, Quý Đức Cha, Quý Cha và Quý Thầy sẽ hành hương kính viếng Đức Mẹ Tàpao và dâng lễ mừng Kính Mẹ Maria nhân ngày 13 trong tháng. Tuần tĩnh tâm kết thúc trưa thứ sáu 14.1 sau giờ Chầu Tạ ơn và Nghi thức Tuyên lại lời hứa.
 
Huấn từ khai mạc Tình tâm Linh mục giáo phận Phan Thiết
+ Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống
11:03 12/01/2011
TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN PHAN THIẾT NĂM 2011
HUẤN TỪ KHAI MẠC CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN (Sáng 10.1.2011)

Hôm nay quý cha từ các giáo xứ trở về mái nhà chung TGM để chu toàn nhiệm vụ tĩnh tâm năm dành cho các linh mục. Có đầy đủ quý Cha quản hạt, quý Cha đặc trách các ban chuyên môn và hầu hết các Cha, 11 thầy Phó Tế và đặc biệt các Cha hưu cũng hiện diện với chúng ta đông đảo hơn năm ngoái. Xin dành cho nhau tràng pháo tay chào mừng.

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp trước Tết âm lịch, các LM trong giáo phận có thời gian dành riêng cho Chúa, cho nhau, cũng như cho những quan tâm mục vụ. Đây là một truyền thống tốt lành. Đặc biệt tuần tĩnh tâm này là nối dài những ơn thánh trong Năm Thánh Giáo hội Việt nam vừa qua. Trong Năm Thánh chắc chắn mỗi người, mỗi tâm hồn, mỗi linh mục, mỗi mục tử đã có cách riêng của mình để đến với Chúa, đến với anh em, cũng như đến với việc chu toàn chức vụ của mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã chứng kiến những sự kiện bên lề đem đến nhiều cật vấn về chính mầu nhiệm Giáo hội, hoặc cụ thể hơn về tính hiệp thông được thể hiện trong Giáo hội Công giáo Việt Nam, và tất nhiên về sứ vụ truyền giáo vẫn là nhu cầu lớn của GH Công giáo.

Có những điểm thuận lợi cũng như điểm bất thuận lợi. Những điểm thuận lợi kích thích mỗi người đào sâu hơn về những vấn đề khơi ra. Nhưng những cái bất thuận lợi kéo theo nhiều dư luận, mà nếu như không được điều hướng đúng mức thì Dân Chúa lại nhìn theo hướng ngược lại tức là hướng tiêu cực. Ví dụ về tính hiệp thông: chưa bao giờ GHCG nói về sự hiệp thông với tất cả niềm say mê như trong dịp Năm Thánh vừa qua và đây cũng là điểm đúng thôi, bởi vì chủ điểm của Năm Thánh là học hỏi về GH: GH mầu nhiệm, GH hiệp thông và GH sứ vụ. Nhưng khi bàn về sự hiệp thông, người ta lại thấy có những rạn vỡ chỗ này chỗ khác. Trong tuần tĩnh tâm này, xin các cha thêm lời cầu cho tình hiệp thông trong GHCG được thể hiện cách tích cực hơn, đúng với Ý Chúa mong muốn hơn. Và cũng xin cho lớp bụi do Năm Thánh vừa rồi vô tình thổi đến làm cho khuôn mặt của GHVN bị lu mờ đi một chút sớm được thanh tẩy, để sự hiệp thông ấy được thể hiện một cách rõ hơn.

Mong rằng những dư âm tốt đẹp của đại lễ kết thúc Năm Thánh tại La Vang vừa qua của GHCGVN cũng là những dư âm tốt đẹp giúp LM khi bước vào tuần tĩnh tâm gặp được hướng đi mới trong ánh sáng của Thiên Chúa. GP Phan Thiết chọn Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa làm bổn mạng. Xin Mẹ chúc lành cho mọi LM, cho GP cũng như cho từng người khi bước vào tuần tĩnh tĩnh tâm này.

Xin gợi ý ba điểm để các cha xét mình:

1. Triệu chứng của căn bệnh burn out trong đời LM.

Đây là kết quả điều tra về đời sống của LM Công giáo trên thế giới trong năm Linh Mục với cái nhìn tổng quát và được cô đọng lại trong những nét chính. Mong rằng những nét chính ấy cũng là những điểm chúng ta được mời gọi để soi bóng mình, nhất là trong hành trình mục vụ đồng hành với Dân Chúa, hướng dẫn Dân Chúa. Người ta nói nhiều đến tình trạng, tiếng Anh gọi là Burn out: tức là cháy tiêu đi rồi, không còn tìm thấy ý nghĩa của đời LM nữa. Sự kiện cháy tiêu burn out trong đời sống LM được thể hiện qua 3 chữ “C”. Chữ C thứ nhất là Chán nản trong công việc. Chữ C thứ hai là Cáu bẳn với hết mọi người. Chữ C thứ ba là Cạn kiệt sức lực thể lý. Trên mạng Zenit, người ta nói đến ba chữ C này.

Chán nản công việc là triệu chứng trước hết. Nếu trong ngày lãnh chức LM đã đoan hứa như thế nào và mỗi lần tĩnh tâm LM (như thói quen của GP Phan Thiết) lặp lại lời hứa như thế nào thì trong đời sống, chúng ta luôn được kêu gọi trở lại những điểm xuất phát ấy để làm mới lại đời sống của mình. Ngày nào cũng có phút bình minh và phút hoàng hôn. Những lúc hoàng hôn là lúc chúng ta được mời gọi để chuẩn bị cho bình minh, khởi đầu ngày sắp tới. Nếu như chỉ dừng lại ở trong hoàng hôn khiển trách mình về những thất bại trong đời mục vụ, về những cách thực hiện lời của Chúa chưa trọn, thì có nguy cơ đẩy chúng ta đến chỗ chán nản. Một bếp lửa khi sắp lụi tàn mà không lo khêu lại, châm thêm củi thì bếp ấy dù có nóng đến đâu cũng có lúc tắt ngúm và nguội lạnh. Thành thử chán nản công việc là một triệu chứng dễ thấy nhất.

Có lẽ quý Cha trọng tuổi kinh nghiệm về triệu chứng này, nhất là khi hành xử một công việc mục vụ không thành công như mong ước, mình cầu toàn 100% hay ít ra 80% nhưng trên thực tế chỉ được 50, hay 40%. Một đề xuất mục vụ thành công được đến 50% là cũng tạ ơn Chúa lắm rồi, bởi vì ngoài ơn Chúa và ngoài khả năng của mình còn phải có sự tiếp nhận, sự đóng góp của giáo dân nữa, mà nhiều khi không có sự ngang tầm với chương trình của mình, nên đối với họ vẫn cứ là nước đổ lá khoai. Sự kiện này đối với những LM trẻ nhiều khi gây chán nản. Mới ra trường bao giờ trái tim cũng ắp đầy nhiệt huyết, muốn đưa tất cả những sở học nơi nhà trường vào các chương trình mục vụ. Thế nhưng về một giáo xứ lại tùy thuộc vào Cha xứ, tùy thuộc vào công việc được phân công, tùy thuộc vào đối tượng nhà quê hay tỉnh thành hoặc trình độ của họ, nên nhiều khi muốn 100 mà lại chỉ đạt được 30. Thôi, lần đầu thì có thể cầu nguyện trước Thánh Thể tạ ơn Chúa, công sức mình bỏ ra như vậy là được rồi, kết quả trao lại cho Chúa hết; nhưng lần thứ hai khiến mình hơi băn khoăn một chút, không biết là tại mình hay là do đâu; đến lần thứ ba, thứ tư lặp lại mà cũng như thế thì nhiệt huyết bắt đầu vơi đi; và một khi đã trở thành một căn bệnh được gọi là mãn tính, lúc bấy giờ sẽ đón nhận lấy một hình thức rất tự nhiên đến thôi, đó là sự chán nản trong công việc mục vụ.

Linh đạo của LM triều là nên thánh giữa đời mục vụ, bằng công việc mục vụ, nên khi việc mục vụ có những thất bại, sớm hoặc chiều sẽ đọng lại trong sự chán nản. Đường lối nên thánh của mình là việc mục vụ mà mình lại chán nản việc mục vụ, vì thế LM cũng mất luôn cả hướng đi nên thánh, người ta bảo đây là triệu chứng dễ thấy nhất. Thế thì trong dịp tĩnh tâm này đối với GP chúng ta, LM cũng được mời gọi để nhận diện đời sống của mình xem nhiệt huyết về việc mục vụ còn đầy hay là nếu có chút nào vơi đi thì xin cũng mau chóng bù đắp lại, đừng để đọng lại trở thành một triệu chứng của căn bệnh trầm kha, căn bệnh burn out cháy rụi đi.

Triệu chứng thứ hai là sự Cáu bẳn với hết mọi người. Tất nhiên ở đây trong loạt bài điều tra, người ta muốn nói đến sự cáu kỉnh đối với những tín hữu đến với chúng ta, cần đến chúng ta trong công việc mục vụ. Lúc chúng ta không được khỏe, công việc mục vụ ngập đầu, cáu kỉnh một chút có thể châm chước, hay những vị bị mất ngủ thường xuyên, bệnh táo bón thường dễ đưa đến cáu bẳn. Thế nhưng nếu như nó trở thành một tập tính, gặp ai mình cũng cáu, ai mình cũng nổi sùng, ai mình cũng nóng được; nóng bừa bãi, nóng với những bậc trọng tuổi, nóng với thiếu nhi, nóng với phụ nữ. Tất cả đều cáu bẳn hết thì đây được coi là triệu chứng mình đã rơi vào sự mất nhiệt huyết trong đời LM rồi, bởi vì việc mục vụ luôn luôn trải ra trong tiếp cận với giáo dân, với những người cần đến mình. Có những Cha để tuôn ra những lời cáu gắt trên tòa giảng, có những Cha và có lẽ phần đông, là cáu trong những công việc mà giáo dân tìm đến không đúng lúc, để xin ngồi tòa hay cử hành bí tích Xức Dầu. Hoặc là gia đình người ta có chuyện chẳng liên hệ gì đến cá nhân LM hết, nhưng họ là giáo dân trong giáo xứ cần một vai trò phán quyết nhờ đến mình nhiều khi mình cũng cáu bẳn. Đây là một gợi ý để mời gọi chúng ta xét xem mình có rơi vào căn bệnh mất đi nhiệt huyết trong đời LM không.

Chữ C thứ ba, đó là việc Cạn kiệt sức lực thể chất. Nhiều Cha ham làm việc mục vụ, nhất là xây nhà thờ. Xin lỗi quý Cha đang xây nhà thờ, nhiều khi quên ăn hoặc ăn uống lung tung, không chăm lo cho sức khỏe của mình, thành thử sức khỏe mỗi ngày mỗi cạn kiệt đi, ở đây người ta gọi là tình trạng quá tải. Mới đầu vì còn vui vẻ trẻ trung vượt qua được, nhưng khi quá tải ở một độ tuổi nào đó không gượng dậy được, thì đây là một mời gọi chân thành nhìn lại đời sống mục vụ của mình: có khi nào mình làm việc quá mức hay là đam mê quá mức vào một việc gì đó đến nỗi sức khỏe bị vơi đi dần dần để rồi có thể mình bị tác động tâm lý, nghĩa là chán nản cáu bẳn với người khác?

Đó là điểm thứ nhất chia sẻ với quý Cha về những triệu chứng của căn bệnh burn out trong đời LM, cũng là những gợi ý để bước vào tĩnh tâm. Xin lặp lại 3 chữ C: Chán nản, Cáu bẳn và Cạn kiệt sức lực.

2. Chủ điểm trong huấn từ của ĐHY Ivan Dias.

Khi đã xét mình về ba chữ C, chúng ta sẽ làm gì để vươn lên? Sau Đại lễ bế mạc Năm Thánh 2010 tại La vang, ĐHY Ivan Dias đã gặp gỡ các GM Việt Nam trong một tiếng đồng hồ để chia sẻ về tình hình cũng như gởi gắm sứ điệp. Về tình hình thì không có gì đáng nói nhưng về sứ điệp, ngài mời gọi tất cả Giám mục chia sẻ lại cho các linh mục, chủng sinh của mình về 3 chữ D rất cần thiết trong đời sống của người thuộc về GH. Chữ D chữ nhất là Doctrine, chữ D thứ hai là Discipline, và chữ D thứ ba là Dévotion. Ba chữ D có trên mạng Zenit từ lâu và chúng ta cũng đã đọc thấy đâu đó rồi, nhưng nghe vẫn còn như mới, bởi vì ngài đã nêu lên những thí dụ cụ thể.

Chữ thứ nhất là về giáo thuyết: Doctrine. Mỗi LM hôm nay được mời gọi nắm vững giáo lý Giáo hội Công giáo, giáo huấn Giáo hội, học thuyết XH của GHCG, bởi vì nếu không nắm vững những hướng đi trong đó, thì trong cách ứng xử một LM ở tại giáo xứ nhiều khi có những cái chưa chuẩn mực và nếu như cả một GH mà lại không nắm vững về Doctrine này thì rất nguy hiểm, sẽ đưa GH đến chỗ không cứu vãn được. Tại sao Tòa Thánh phải lên tiếng về GH Trung Quốc? Câu trả lời cho biết vì yếu về giáo thuyết. Nếu hiểu GH không thể tự lực tự cường được thì người ta sẽ có chọn lựa khác. Chẳng phải nói đâu xa, trường hợp của GHVN ngày nay cũng cho thấy thấp thoáng nguy cơ. Hết rồi thời đối đầu, đã bước sang thời đối thoại. Nhưng đối thoại như thế nào để mình vẫn là GHCG, đó lại là cả một tuyến mở ra cho suy nghĩ và vì vậy quan trọng là nắm vững giáo thuyết để có những quyết định phù hợp.

Chữ D thứ hai là Discipline về kỷ luật. Đây là một vấn đề thường gây khủng khoảng cho các GH phương Tây. Vấn đề LM lạm dụng tình dục là do việc không tuân thủ kỷ luật của GH, để đến khi bùng nổ ra thì không vớt vát được. Hiện nay ở nhiều địa phận của Hoa Kỳ đã phải bán hết cơ sở của mình đi để trang trải cho việc xao lãng kỷ luật của một thời. Đây là một vấn đề đau lòng. Do đó, tuân thủ kỷ luật đời sống LM là một cách để giúp chúng ta một đàng thánh hóa bản thân và đàng khác tránh tất cả những hậu quả tai hại. Thời mới bước chân vào Chủng viện, chắc chắn chúng ta đã thuộc lòng câu: Ai sống theo kỷ luật là sống theo ý Chúa, và sau này trên bước đường lớn hơn, chúng ta vẫn thường được nghe nhắc nhở: hãy giữ luật thì luật sẽ giữ cho mình, sẽ bảo vệ mình. Cho nên chữ Discipline mời gọi mỗi người trong hướng đi đời LM cũng gắn bó với luật lệ của GH cách khít khao.

Chữ D thứ ba là Dévotion, lòng đạo đức sốt sắng. Ở đây theo như lời chú giải của ĐHY Dias, thì nó gắn liền với những phong trào đạo đức, có một thời tưởng như bị bỏ rơi vì đi liền với lòng đạo đức bình dân của đại chúng. Thí dụ: tràng hạt Mân Côi, có một thời người ta rẻ rúng cho là loại kinh dành cho phụ nữ, người nhàn rỗi, người già… nhưng sau này người ta cảm nghiệm được sức mạnh của kinh Mân Côi, nhất là sức mạnh hoán cải, sức mạnh thánh thiêng giúp người ta tiến xa trên đường nên thánh. Những cái thuộc loại Dévotion thì thường gắn liền với những hình thức văn hóa. Ví dụ: hành hương coi như chuyện đi chơi, nhưng ở đó cũng là một thứ Dévotion mời gọi chúng ta không nên xem thường. Tất nhiên ta không thể loại trừ những hình thức Dévotion truyền thống tôn sùng Thánh Tâm, Chầu Thánh Thể, hay là những hình thức khác nhau dành cho các Thánh. Một Linh mục mà rẻ rúng những hình thức đạo đức bình dân thì coi chừng, tưởng là mình ở trên đỉnh cao trí thức, biết đâu lúc nào đó mình rớt xuống vực mà không hay. Chắc là quý Cha trọng tuổi đã hiểu rõ hơn việc lần hạt Mân Côi, đó là một lời kinh tháp tùng chúng ta trên mọi bước đường, trong mọi hoàn cảnh, đó là lời kinh còn lại duy nhất sau khi đã quên đi tất cả. Gắn bó với một sự đạo đức như thế cũng là một cách giúp cho đời Linh mục được vươn lên, được thăng tiến.

Đó là ba chữ D lặp lại với quý Cha: Doctrine, Discipline, Dévotion. Đây cũng là hướng mời gọi chúng ta sau khi đã kiểm tra đời sống của mình, được nâng đỡ vươn lên trong những ngày tĩnh tâm.

3. Quyết tâm Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô.

Tĩnh tâm bao giờ cũng thế, tùy thuộc vào quyết tâm của mình sau đó. Tại sao vậy? Thưa bởi vì mình có suy xét trước thì sau đó mới có quyết tâm đúng mức. Có một tác giả tu đức Việt Nam viết: Tĩnh tâm mà không có quyết tâm là tĩnh tâm hỏng; tĩnh tâm mà có quyết tâm chung chung là tĩnh tâm xoàng. Sau tĩnh tâm ta có quyết tâm rõ nét, có khi chỉ một điểm nhỏ mà rõ, quyết tâm đi tới cùng thì đó mới là tĩnh tâm đem lại hiệu quả tốt. Tất nhiên Chúa Thánh Thần luôn luôn hiện diện cùng với quý Cha.

Theo nhãn giới của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong một huấn thị viết cho các tu sĩ với tên gọi “Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô” được đúc kết lại trong ba chữ S, gợi ra đây để chúng ta có hướng quyết tâm của mình.

Chữ S thứ nhất là chữ Say mê Đức Kitô. Mỗi Kitô hữu tự bản chất thuộc về Đức Kitô nhờ Phép Rửa rồi, cách riêng các Linh mục còn thuộc về Đức Kitô cách đặc biệt hơn nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh. Tự bản chất ta gắn bó với Đức Kitô, chẳng phải lý giải nhiều, mọi công việc ta làm đều là xuất phát từ Đức Kitô. Thánh lễ ta cử hành, các Bí tích cũng đều từ Chúa Kitô, nhưng để cho những việc chúng ta làm và nhất là cuộc sống của chúng ta trong việc gắn bó với Đức Kitô được bộc lộ ra cách tươi trẻ và rõ nét thì ta phải say mê Đức Kitô. Một tác giả nói: Người ta thuộc về Đức Kitô tự bản chất, nhưng người ta vẫn còn phải hướng về Đức Kitô nữa để được thanh tẩy, để được đi lên, bởi vì ngay trong cuộc sống này, cho dẫu nhờ đời sống Bí tích ta đã thuộc về Đức Kitô cách khách quan rồi, nhưng cách chủ quan thì vẫn còn là cả một hành trình phải chinh phục từng ngày. Vì vậy hướng về Đức Kitô là hướng đi của tất cả mọi Linh mục chúng ta để làm sao cho chữ “thuộc về Đức Kitô” và chữ “hướng về Đức Kitô” hòa nhập nên một, lúc bấy giờ tự nhiên tỏa ra qua sự say mê, say mê trong ý nghĩ, say mê trong việc làm, say mê trong tình cảm để rồi uốn nắn và điều chỉnh mọi bước đi trong đời sống của người Linh mục. Linh mục là người say mê Đức Kitô.

Chữ S thứ hai là chữ Sống, sống tinh thần hiệp thông. Hiệp thông trước hết là với Chúa theo chiều cao. Hiệp thông theo chiều ngang đối với Giám mục, Linh mục và các người được trao phó cho mình trong trách nhiệm mục tử. Đây là một sự sống không ngừng tuôn chảy, và nếu như trong Năm Thánh GH 2010, một vài khía cạnh của cuộc sống này bị đem ra mổ xẻ thì hãy coi đây là một cơ may hơn là một sự vùi dập. Cơ may là người ta còn coi đây là một dấu chỉ, và cơ may nữa là để cho Linh mục là người phải thể hiện sự sống hiệp thông này, có những gương để soi bóng. Những điểm người ta nhắc đến trong tình hiệp thông của Giáo hội Công giáo Việt Nam, giữa các giáo phận, giữa các Giám mục, giữa Hội Đồng Giám Mục với Dân Chúa, giữa các Linh mục với nhau v.v… chính là những điểm giúp chúng ta soi lại bóng mình. Sống hiệp thông với Chúa cách tròn đầy thì mới mong có được hiệp thông đối với anh chị em chung quanh mình trong nhiệm vụ một cách có hiệu quả.

Và chữ S thứ ba là chữ Sẵn sàng lên đường. Chữ Sẵn sàng lên đường hợp với chữ Sứ vụ trong chủ đề của Năm Thánh 2010, cũng như gắn liền với điểm trình bày cuối cùng của Đức Cha giảng phòng trong tuần phòng này. Xin tóm kết lại trong chữ sẵn sàng lên đường hay chữ sứ vụ cũng vậy. Tại sao lại phải nói điều này? Thưa vì một Linh mục được bổ nhiệm đến một nơi thì theo giáo luật phải mang tính bền vững. Ví dụ bổ nhiệm làm cha sở thì người ta không nói rõ đó là cha sở mấy năm, 1 năm, 2 năm, 3 năm, 10 năm… luôn luôn hiểu ngầm là bền vững. Nhưng một khi GH cần, địa phận cần thì mọi Linh mục luôn đáp ứng một cách vui vẻ và sẵn sàng lên đường. Ngày xưa quý Cha tham gia phong trào Hướng Đạo có khẩu hiệu “Hướng Đạo Sinh: Sắp Sẵn!”. Thiếu Nhi Thánh Thể bây giờ là “sẵn sàng”, luôn luôn đặt mình trong tình trạng sẵn sàng. Mình ở đây hôm nay, nhưng GH cần mình đến chỗ khác thì sẵn sàng, không phải quyến luyến nữa. Về tình cảm tất nhiên có quyến luyến: một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên quen, huống chi ở với giáo dân đã 5, 7 năm rồi thì mọc rễ tình cảm ở đó là chuyện thường, không có vấn đề gì cả. Thế nhưng, mọc rễ mà không đi được mới là vấn đề. Ở đây để xuất phát lại từ Đức Kitô, Linh mục được mời gọi để sống tinh thần sẵn sàng. Ngày xưa quân đội có khẩu hiệu “Cư an, tư nguy”, hôm nay tôi sống trong an bình nhưng trong đầu tôi luôn luôn phải nghĩ đến nguy cơ để khi gọi là sẵn sàng tiến bước. Linh mục trong đời sống mục vụ với thành quả ít nhiều, cũng gắn bó với một cơ sở, thậm chí tên của chúng ta nhiều khi cũng bị hy sinh. Người ta không gọi tên mình bằng tên cúng cơm nữa, mà bằng địa danh của mình. Có lần tôi làm lễ ở một giáo xứ có thánh bổn mạng là một người nữ, thánh Tử đạo Lê Thị Thành: “Kính thưa Cha xứ Lê Thị Thành”. Đó là một tình cảm tốt. Tuy nhiên khi nhu cầu lớn của giáo phận cần thì mỗi Linh mục cũng sẵn sàng hy sinh để lên đường nhận lấy một tên mới.

Đó là những áp dụng từ huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô” với 3 chữ S: chữ Say mê Đức Kitô nhằm cho đời sống tâm linh, chữ Sống hiệp thông nhằm đến tình huynh đệ, và cuối cùng là Sẵn sàng lên đường cho sứ vụ.

Ba C cảnh giác burn out,
Ba D ánh sáng dọi vào tâm linh,
Lại thêm 3 S an bình,

Linh mục Phan Thiết xét mình tĩnh tâm.

Đó là ba điểm trình bày trong huấn từ khai mạc hôm nay. Để tĩnh tâm đạt kết quả cao nhất, cần bầu khí thinh lặng. Tĩnh tâm hay cấm phòng cũng là một, tùy theo tên gọi mới cũ. Cấm phòng nhắm đến bầu khí bên ngoài, còn tĩnh tâm nhắm đến bầu khí tâm hồn. Cả hai bầu khí dù bên ngoài bên trong đều là một sự tĩnh lặng. Để tĩnh tâm có được hiệu quả cao, xin quý Cha thu xếp tránh những tiếng ồn, giữ cho mình được thinh lặng, từ đó mình mới có thể tiếp cận với Chúa cách sốt sắng, tiếp cận với anh em cách chân thành, và tiếp cận với nhu cầu mục vụ, gột rửa đi hết tất cả những hào nhoáng bên ngoài mong có được nét thanh thản trong tuần tĩnh tâm. Hễ vào trọn vẹn thì ra mới được đổi mới; còn vào một nửa thì ra cũng vũ như cẩn, vẫn như cũ thôi. Tất nhiên để thinh lặng như thế, các Cha phải hy sinh. Trong tuần tĩnh tâm cũng tiên liệu những giờ có thể trao đổi với nhau cách thoải mái; nhưng những giờ chính, xin quý Cha vui lòng giữ thinh lặng. Đó là dấu chứng ta bước vào tuần tĩnh tâm với tất cả nhiệt tình. Tất nhiên sự hy sinh này là có giá. Người ta vẫn nói: đi tìm một Đức Kitô không Thánh giá rốt cuộc chỉ gặp một Thánh giá không có Đức Kitô. Thế nên đến đây để gặp Đức Kitô trong tuần tĩnh tâm, ta cũng chịu vác thánh giá về sự thinh lặng một chút, không thì chả được gì. Chẳng gặp được Chúa thì cũng chẳng gặp được anh em một cách thiệt tình.

Vâng, cầu ơn Chúa Thánh Thần đến với tất cả quý Cha trong tuần tĩnh tâm này cách dồi dào và cầu cho nhịp sống của tuần tĩnh tâm cũng được trải ra cách bình an. Xin Đức Trinh nữ Maria Mẹ Thiên Chúa, bổn mạng giáo phận, bổn mạng của mọi người chuyển cầu để mỗi Linh mục cũng gặp được nét tươi trẻ trong nhịp sống tĩnh tâm năm nay.

Xin cám ơn quý Cha.
 
Thánh Lễ mừng Thượng thọ Đức Cha F.X. Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám mục Thái Bình
Trường Giang
12:03 12/01/2011
THÁI BÌNH - Sáng nay, 12/01/2011, tại giáo xứ đền thánh Tử Đạo Đông Phú, giáo phận Thái Bình, anh em linh tông, dòng tộc của Đức cha F.X. Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám mục giáo phận Thái Bình, tổ chức mừng thượng thọ cho ngài.

Sau đây là nguyên văn bài giảng của Đức cha Lorenxo Chu Văn Minh, Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội, Giám đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội trong thánh lễ mừng thượng thọ Đức cha F.X. Nguyễn Văn Sang:

Hồng ân nối tiếp hồng ân, mọi sự trong Chúa đều là hồng ân.

Trọng kính Đức cha F.X. Nguyễn Văn Sang,
Trọng kính quý Đức cha,
Kính thưa quý cha Tổng Đại diện,
Quý bề trên dòng tu cùng nam nữ tu sĩ,
Kính thưa quý đại biểu, quý khách cùng toàn thể cộng đồng dân Chúa.

Sách Châm Ngôn dạy:

“Sức mạnh là niềm tự hào của giới thanh niên,
Mái đầu bạc là vinh dự của hàng bô lão”
(Cn 22,1).

Người đời có câu: “Bảy mươi tuổi xưa nay hiếm”. Đức cha Phanxico của chúng ta tám mươi tuổi hẳn là hiếm hơn, về mặt tôn giáo thì còn quý hơn, vì đó là dấu chỉ của hồng ân Thiên Chúa, như sách Châm Ngôn viết: “Ai kính sợ Thiên Chúa sẽ được trường thọ” (Cn 10,25).

Trước mặt Thiên Chúa nghìn năm như một ngày, nhưng với nhân sinh thì tám mươi năm quả là một cuộc hành trình dài lâu với bao thăng trầm của cuộc sống, bao thử thách gian khó của đời người. Song đối với người tin tưởng luôn phó thác trong bàn tay uy quyền của Thiên Chúa thì có ngài chi.

Sách Thánh viết: “Thiên Chúa dẫn dắt từng bước chân con người, nẻo đời mình, phàm nhân sao hiểu hết” (Cn 20,24).

Chúa đã tỏ quyền năng hùng mạnh của Người khi chọn một con người dòn mỏng, yếu đuối lên nối tiếp và thực thi sứ mệnh cao quý của Tông đồ Chúa. Chúa đã biến người thanh niên xứ Lại Yên trở thánh Giám mục của Giáo Hội.

Hôm nay, chúng ta - những người thân yêu của Đức cha Phanxico tụ họp nơi đây để cùng ngài ôn lại cuộc hành trình tràn đầy hồng ân mà hiệp ý ngợi ca tạ ơn Thiên Chúa.

Mới mười hai tuổi cậu Sang đã đón nghe tiếng Chúa gọi và nhập trường Tiểu Chủng Viện Hoàng Nguyên. Mười tám tuổi vào Đại Chủng Viện Xuân Bích. Năm 1954 khi đất nước chia đôi, thày Sang theo nhà trường vào Nam. Nhưng khi thấy hàng giáo sĩ ở quê nhà thiếu, nhiều xứ họ không có chủ chiên chăm sóc nên Đức cha Trịnh Như Khuê cử cha Mai vào Nam kêu gọi các giáo sĩ Hà Nội trở về phục vụ Giáo Hội quê hương, trong bao người chỉ có một người duy nhất là thày Sang nghe lời mời gọi của bề trên mà cương quyết trở về Bắc phục vụ Giáo Hội quê hương. Có thể nói đó là một quyết định phó thác, một bằng chứng đức tin, một nghĩa cử hi sinh, một hành động anh hùng. Hồi đó thày Sang vừa giúp cha Giám đốc Phạm Đình Tụng dạy văn tại Tiểu Chủng Viện Gioan vừa tu luyện. Đức cha Khuê rất quý thày Sang, đã giao cho các giáo sư ưu việt thời đó được mệnh danh là Tứ Kiệt, đó là cha chính Vinh, cha Oánh, cha Thông, cha Quynh đào luyện và phong chức linh mục năm 1958.

Cha Sang được cử làm phí xứ ở Hàm Long giữa thủ đô Thăng Long ngàn năm văn vật, nơi đã sản sinh ra năm Giám mục, trong đó có ba Hồng Y tiên khởi của Việt Nam. Năm 1981 cha Sang đang giữ chức thư ký của Đức Tổng giám mục được đề cử làm Tổng Đại diện coi xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Khi tháp tùng Đức Tổng giám mục Trịnh Văn Căn sang Vatican nhận chức Hồng Y, trong cuộc triều kiến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, cha Sang được Đức Giáo Hoàng ưu ái đặc biệt, ngài ôm đầu cha Sang vào lòng và nói đùa: “Người nhỏ bé thế này mà coi sóc Nhà Thờ Lớn cơ à ?” Trong bữa ăn đến phần tráng miệng, Đức Giáo Hoàng bảo người giúp bàn: “Anh mang nửa chiếc bánh này cho cha Phanxico Hà Nội, chúng tôi nhường cho cha phần lớn”. Phần bánh thật to song cha Sang vui vẻ vâng lời ăn bằng hết. Lời tiên báo của Đức Giáo Hoàng đã thành sự thật, cuối năm đó cha Sang được tấn phong Giám mục phụ tá Hà Nội, và lamg Giám đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse hà Nội, ngài còn giữ nhiều trọng trách trong Giáo Hội Việt Nam, Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục, Chủ Tịch Ủy ban Giáo Dân, đã tham gia nhiều sự kiện trọng đại, đi dự diễn đàn quốc tế vì hòa bình ở Mascova và nhiều đại hội hòa bình ở Bruxelles, Milan, ngài đại diện Đức Hồng Y tham dự đại hội Thánh Thể quốc tế tại Seoul, đã đọc tham luận trong Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới tại Roma.

Sự nghiệp văn chương của ngài khá lớn. Nhiều trí thức, nhà văn đánh giá cao những tác phẩm của ngài, sức viết của ngài thật đáng kể, hơn hai mươi đầu sách được nhiều nhà xuất bản quốc gia phát hành với hàng vạn trang sách, ngài dùng văn chương chuyển tải nội dung giáo lý để rao giảng Lời Chúa, sách gồm nhiều thể loại, văn chương, hồi ký, bút ký, thơ ca, nhạc kịch, dịch thuật, nội dung rất phong phú đa dạng, từ những chuyện đời thường đến tôn giáo, được viết bằng những ngôn từ rành mạch, những cảm xúc chân thành, đánh động tâm hồn người đọc.

Những vị cao cấp trong chính quyền cũng như những vị chức sắc tôn giáo bạn như Ton Lành, Phật giáo kiêng nể ngài.

Suốt bốn mươi năm trong công cuộc đào luyện hàng giáo sĩ trẻ, trong lớp học trò của ngài xưa, nhiều người đã trở thành linh mục, cha xứ, giáo sư, Tổng Đại diện, Giám đốc Chủng Viện, trong đó có năm Giám mục.

Lớp hậu sinh, học trò của ngài, kính nể ngài vì là bậc thầy – “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” – một người thầy tám mươi tuổi nhưng vẫn năng động và hăng say nhiệt thành.

Ngày 03/12/1990 ngài đã tuân phục sắc lệnh của Đức Thánh Gia Gioan Phaolo II rời thủ đô Hà Nội, về phục vụ giáo dân nơi đồng quê, rao giảng Tin Mừng cho nông thôn. Ngài đã quỳ hôn mặt đất Thái Bình khi mới bước chân xuống bến phà Tân Đệ, bày tỏ tình gắn bó và trung thành với giáo phận thân yêu này. Cộng đoàn dân Chúa Thái Bình yêu mến vị chủ chiên của mình, vì “một ngày là nghĩa, chuyến đò nên quen”, phương chi suốt hơn mười chín năm dòng ngài tận tình đi thăm mục vụ và cử hành các nghi thức phụng vụ trong khắp các giáo xứ, giáo họ trong miền. Ngài cùng cộng đoàn dân Chúa của giáo phận Thái Bình nỗ lực hi sinh để trùng tu, kiến thiết xây dựng các bệnh viện, nhà giáo lý, nguyện đường để biểu lộ lòng tin, cậy, mến, bất chấp mọi phong ba bão tố tinh thần cũng như vật chất.

Ngoài di sản tinh thần là một lớp giáo sĩ mới, các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các tổ chức hội đoàn, cùng nếp sống đạo truyền thống, sống đạo sốt sáng, ngài còn để lại cho Thái Bình ngôi nhà thờ Chính Tòa, một ngôi thánh đường nguy nga, rộng lớn vào hàng “Nhất Bắc kỳ, nhì Đông Dương”.

Khi nhận đơn từ nhiệm của ngài, Tòa Thánh đã gửi thư khen ngợi: “Bộ Rao Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc chân thành cám ơn Đức cha vì sự lãnh đạo trong cương vị mục tử mà Đức cha đã thi hành cách tận tình suốt mười chín năm qua”.

Đến nay theo Giáo luật ngài đã nghỉ hưu như ngài nói:

“Tám mươi cao niên, nay từ nhiệm
Cuộc sống lạc quan ngẩng cao đầu”.


Dù tuổi cao sức yếu và đã nghỉ hưu, nhưng không quản đường xa dặm trường, ngài vẫn tiếp tục đi phục vụ giáo dân khi được yêu cầu.

Tuy Đức cha Phan Sang có bao công lao, sự nghiệp, song trong lần mừng thọ năm 2008 chính ngài đã khiêm tốn tự nhận: “Riêng cá nhân tôi, xin quỳ gối, đấm ngực ăn năn trước mặt Chúa và mọi thành phần trong Giáo Hội, thành tâm xin lỗi mọi người về mọi sai lầm thiếu sót trong suốt năm mươi năm linh mục, và hai mươi tám năm Giám mục ở Hà Nội cũng như Thái Bình”.

Mọi người chúng ta đều biết: “Nhân vô thập toàn”, là người ai chẳng có khiếm khuyết, lầm lỡ. Đối với những sai lỗi của ngài thì cin Thiên Chúa khoan dung, thứ tha và bù đắp. Còn chúng ta, những người yêu mến ngài thì:

“Yêu nhau vạn sự chẳng nề
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.


Hôm nay chúng ta chỉ quan tâm đến những ưu điểm, những nét son của ngài, hiệp ý cùng ngài mà vang lời tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa.

Ngài là chứng nhân, là cuốn biên niên kỷ sống của Giáo Hội Việt Nam trong hậu bán thế kỷ hai mươi và đầu thiên niên kỷ thứ ba - một thời kỳ đầy biến động, thử thách, gian lao, bao khó khăn, nguy biến, với những sự kiện quan trọng quyết định của đất nước cũng như của Giáo Hội. Ngài đã ra công rao giảng Tin Mừng, mở rộng Nước Thiên Chúa ở trần gian, đóng góp cho Giáo Hội Việt Nam một phần không nhỏ trong công cuộc phát triển và bảo vệ đức tin, làm thấm nhuần tinh thần Ki tô giaostrong đời sống đất nước. Nguyện xin Thiên Chúa chứng giám, chúc lành và trả công bội hầu cho ngài.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Trong mắt con cha là ….
Tuyết Mai Texas
00:23 12/01/2011
Trong mắt con cha là người cha thiếu bổn phận và trách nhiệm; con có được phép nói như thế với cha hay không? Con biết khi con viết lá thư này cho cha, cha sẽ buồn con nhiều lắm! Nhưng cha à, cha cũng cho phép con được nói những điều đã chất chứa trong lòng con suốt bao thời gian qua, khi con còn ở dưới mái nhà với cha. Điều mà con nhận thấy nơi cha và con vô cùng buồn là cha không biết ơn (appreciate) những công lao của mẹ đã hy sinh cho cha và gia đình ta suốt cả cuộc đời của mẹ. Trước khi cha về ở với mẹ, mẹ là một thiếu nữ thật đẹp như đóa hồng được chăm bón thật tử tế vì con đã được xem hình của mẹ trước khi cha và mẹ về chung sống với nhau. Mẹ trước đây là một y tá làm cho văn phòng các bác sĩ ngoại quốc. Mẹ đi làm mang tiếng là y tá nhưng công việc của mẹ là ở phòng ngoài; trả lời điện thoại, lấy hẹn, việc chính của mẹ là làm bảo hiểm và liên lạc với hãng bảo hiểm để thu tiền về cho bác sĩ. Mẹ con xưa ngày nào cũng quần là áo lượt, trang điểm, và rất thời trang; cho đến khi mẹ mang thai chị hai con thì mẹ đã thay đổi hoàn toàn từ diện mạo cho đến sự trang sức của mẹ; tất cả vì hy sinh cho cả nhà mà mẹ thay đổi một cách xuống cấp quá!.

Con hỏi mẹ là mẹ có buồn không khi về ở với cha mà cha chẳng có một thứ gì để bù đắp cho mẹ với những sự mất mát ấy! Tuy chỉ là bề ngoài nhưng đối với con không biết mai mốt có ai mà con có thể yêu đến độ hy sinh để bỏ tất cả chỉ vì yêu người ta tha thiết, giống như mẹ được. Cha ơi! Con nhìn tất cả bạn bè của con; con chưa từng thấy mẹ của đứa nào mà hy sinh nhiều như mẹ của con cả!. Còn cha sao cha yêu mẹ mà không thường ở nhà với mẹ? Sao cha không hy sinh giống mẹ? Sao cha luôn ầm ĩ, không tự kềm chế được tánh nóng của cha, để cả nhà phải trải qua những lúc khủng hoảng, và để con bây giờ phải khổ sở vì học được cái tánh xấu ấy của cha!?. Bạn bè và bạn trai của con không chịu đựng được cái tánh xấu ấy của con. Khi con khùng lên thì tất cả trong con mắt giận dữ ấy chẳng có gì là hay cả!. Chính con đang lập lại, tái diễn lại, hay đóng lại những hình ảnh không hay ấy con đã học được nơi cha từ thuở nhỏ. Mẹ thì luôn bênh cha vì mẹ thương cha, mẹ bảo trên đời ai cũng có cái bệnh, mà cha thì mang hai chứng bệnh lận. Mẹ tập chịu đựng được vì mẹ là mẹ; nhưng con không phải là mẹ nhất là nay con đã lớn khôn rồi! Học được và thu tập được từ sách vở, những chuyện đổ nát của một gia đình không được bình thường; và trong mắt con gia đình mình không phải là bình thường.

Con mong cha hiểu con mà đừng có giận con. Thuở nhỏ con nhìn cha bằng ánh mắt khác, nhưng nay con lớn khôn con nhìn cha bằng ánh mắt khác. Con chỉ muốn cha hiểu con rằng con đã thật sự hiểu và hãy sống thật với những gì con muốn chứ không phải do cha ban phát nữa!. Nhất là sự ban phát ấy nó có vẻ bề ngoài quá mà không có được sự rung động của con tim con nhận lãnh. Hy vọng con nhận định sai về cha, vì bây giờ cuộc đời của con nó đang xáo trộn không biết đâu là đúng và đâu là sai. Vì thật tình bởi con có tánh xấu di truyền đó của cha mà cuộc tình của con đang đi vào tan vỡ??. Người ta không chịu nổi tánh khí hung hãn ấy của con. Người ta cũng ức hiếp con và cũng muốn bỏ con trong rọ. Và con nhận ra hình như tất cả người con trai á châu hết thảy đều như vậy!. Định nghĩa yêu của con trai á châu là quyền hành, bạo lực, chồng chúa vợ tôi, hà khắc, và cấm đoán độc tài. Bên Mỹ này thì đó là hành vi bạo hành mà cần phải có pháp luật can gián. Cha thì luôn ép uổng con và chị phải lấy cho được chồng VN vì họ nói được tiếng Việt với cha và muốn xuôi gia người Việt. Nhưng đối với chị và con khi chúng con tìm chồng là tìm người tay ấp chân gối, hiểu nhau, biết tôn trọng lẫn nhau, đi với nhau hết quãng đời, chứ không phải kiếm một người để về làm chúa tể trong nhà đâu thưa cha!.

Con viết thư cho cha đây với tính cách một người con đang khát khao tình cha thật sự, vì biết bao nhiêu thời gian qua cha đã vắng bóng và vắng mặt trong quãng đời trẻ thơ của con. Những sự bực tức của con mong cha thông cảm vì con cố gắng kềm chế những xúc động của con, để cố gắng không hỗn với cha mà làm cha thêm đau khổ. Vì dù sao chăng nữa quá khứ cũng đã qua rồi, đã quá xa rồi cha ạ!. Con hy vọng rằng tình cha con cũng vẫn còn đó, vì con luôn yêu thương cha. Con cũng vẫn còn trở về nhà những lúc con có thể và vì con yêu mẹ rất nhiều. Chúng con muốn cha yêu thương mẹ thật nhiều nữa kìa, vì cha nhìn kỹ mẹ xem; tóc mẹ nay đã như muối tiêu mới ở tuổi chớm năm mươi. Con van nài mẹ hoài là đi với con để nhuộm tóc và làm đẹp nhưng mẹ không thích. Mẹ bảo mẹ sống thật với con người thật của mẹ. Chúa ban cho sao thì cứ để vậy, và vì cha cũng muốn mẹ sống đơn giản như vậy!. Quần áo của mẹ cũng chẳng thấy bao giờ có bộ gì mới. Mẹ đi làm lại cả suốt 10 năm trời, thế mà quần áo y tá (uniform) của mẹ cũng chỉ bấy nhiêu bộ. Ở nhà thì mẹ mặc quần áo lũng lỗ để sắm sửa cho cả nhà được lành lặn.

Mẹ bây giờ được ở nhà với cha, con biết mẹ khó chịu lắm! Nếu không vì sức khỏe của mẹ, mẹ không thích được ở nhà đâu!. Con cầu xin Chúa ban cho cha mẹ có sức khỏe để sống với nhau trong yêu thương, đến đầu bạc hết răng. Mẹ đã làm tròn bổn phận của mẹ là làm vợ của cha trong suốt 25 năm qua. Mẹ đã làm tròn bổn phận làm mẹ của chúng con suốt (14, 20, 22) năm qua. Nhưng chúng con biết mẹ luôn khát khao được cha chăm sóc và yêu thương trong lúc tuổi xế chiều nhất là khi mà mẹ chẳng còn nhớ được sự gì. Mẹ sợ nhất là bị bỏ rơi. Cha đừng làm mẹ buồn lòng nữa nhe cha!.

Con gái của cha,

BQ
 
Quá khứ không thể xóa được
Tuyết Mai
19:38 12/01/2011
Đó là sự thật rất là đau lòng nếu chúng ta chọn cuộc sống bê tha, thiếu bổn phận và trách nhiệm; nhất là làm bậc cha mẹ. Nói cho ngay thì trên đời này ai là tốt lành bao giờ!?. Ai cũng trải qua những quá khứ mà không thể gột rửa hay tẩy sạch cho được. Cũng như thời hiện đại của ngày nay, tất cả những emails, hình ảnh, text trên cell phone, dù chúng ta đã tẩy xóa sạch; nhưng thưa anh chị em, tất cả những chứng từ (information) ấy đã được lưu trữ tại một tổng đài mà bất kỳ lúc nào chúng ta có giây dưa rễ má đến tội phạm nào đó! Thì luật pháp sẽ dùng tổng đài ấy mà truy ra tất cả những gì mà anh chị em đã emails, text, và gởi hình ảnh đi cho nhau. Vâng, khối óc của con người chúng ta chúng cũng đã ghi nhận tất cả từ khi chúng ta có trí khôn. Anh chị em cứ tưởng rằng đầu óc của một đứa trẻ nít từ 3 tuổi đến 6 tuổi, chúng không biết ghi nhận ư?. Quả là chúng ta thật sai lầm khi làm những điều thật tội lỗi trước mặt chúng. Tuổi non nớt tuy chúng chưa biết suy nghĩ gì để mà biết chúng ta đang phạm tội, nhưng hình ảnh chúng ta làm, đã được ghi rất rõ; vì con mắt là máy chụp hình và là máy quay phim của chúng. Sau này khi trí khôn được tăng trưởng thì những hình ảnh xấu ấy được chúng rewind trở lại để đánh giá chúng ta.

Tôi có một chị bạn rất thân đã có những quá khứ không tốt lành gì của bà mẹ chị ta. Chị cũng chẳng trách móc gì về cuộc đời và quá khứ không tốt lành gì của mẹ. Vì đó là cuộc đời riêng của mẹ chị ta. Nhưng chị ước rằng phải chi khoảng thời gian ấy Chúa đừng cho chị có ánh sáng, để chẳng ghi nhận và nhìn thấy gì mẹ chị ta đã làm. Mẹ chị cứ tưởng rằng con nít non nớt ấy mà biết cái gì. Sự thật thì chị bé quá chị ta có biết mẹ mình đang làm cái gì đâu!. Nhưng cái máy quay phim của chị không ngừng quay tất cả những gì mà chị nhìn thấy!. Thuở nhỏ chị chỉ nhớ rằng quái sao mình có nhiều cha quá! Vì mẹ bắt chị cứ phải kêu họ là cha, và chị chỉ biết phải tuân theo những gì mẹ chị đã bắt chị. Mẹ chị thì cứ nghĩ rằng con mình ngây thơ chẳng biết gì; chỉ tội nghiệp cho chị vì còn nhỏ nên mẹ đi đâu phải neo theo chị ở đó! Nhưng cũng không biết bao nhiêu lần chị bị mẹ bỏ mà giao cho biết bao nhiêu người trông giữ chị. Đàn bà có, đàn ông có, thanh thiếu niên có, và tùy theo ngắn hạn hay dài hạn. Mẹ chị xưa kia đi buôn, vì chồng chết sớm, nên cuộc đời sống rất buông thả chẳng biết giữ mình là gì. Ông nào đến thì mẹ chị đều tiếp rước. Trải qua bao nhiêu cuộc tình và sau cùng nhất là mẹ chị đã có hai người con. Và chị là con cả của người cha đó! Lý do giữa hai cha mẹ ra sao thì chị không được biết nhưng chị chỉ biết rằng chị còn người em gái kế đã không hên được như chị. Mẹ chị túng kế vì không đủ tiền lo cho hai con, nên đã cho em chị vào Cô Nhi Viện, và đã chết sau đó! Lý do bệnh nặng không chữa trị được.

Cuộc đời của chị cứ thế lớn theo với thời gian và cũng theo với vận của đất nước. Chị đã bỏ quê hương năm 75 theo người chị cùng cha khác mẹ đến xin nhập tịch ở cái Nước Mỹ này cũng gần 37 rồi. Cuộc đời sống bên Mỹ của chị cũng chẳng thong dong gì vì học thì không nổi vì tiếng anh rất kém. Lấy chồng sớm vì thân phận bơ vơ trên xứ người cần cái phao để bám víu cho qua ngày, nhưng rồi thấy rằng nơi đó không cho chị hạnh phúc thật sự. Chị lại bước một bước nữa! Lần này thực sự là sự lựa chọn của chị có trong có đục, có mười hai bến nước, chị cũng sẵn sàng mà đón nhận nó.

Mẹ của chị cuối cùng rồi cũng được sang Mỹ theo diện bảo lãnh. Chồng chị là người chồng rất tốt, khuyên răn chị mãi là hãy nên bỏ quá khứ sang một bên mà nhận mẹ trong sự bỏ qua, tha thứ, và yêu thương; vì bà đã già rồi! Sống nay chết mai. Chị bảo chồng rằng quá khứ chị không tẩy xóa được. Vì yêu Chúa nên chị đã tha thứ và bỏ qua tất cả! Bằng chứng là chị chẳng bao giờ đếm xỉa đến quá khứ của bà; để trách móc hay hỏi han gì người cha của chị mà chị chưa từng được biết mặt. Chị ráng đi thăm bà một tháng một lần. Chị ráng cố gắng gần bà cụ, nhưng hình như trái tim của bà vẫn nguội lạnh và băng giá khi chị có cố gắng.

Quả thật thưa anh chị em, tình cảm thì tiền của không bao giờ có thể mua được đâu! Nên xin tất cả những ai đang có thiên phước được làm cha làm mẹ, hãy tạo thời gian mà gần gũi với con cái của mình. Tạo cho chúng sự gần gũi và yêu thương nhất là trong giai đoạn khi chúng còn trong sự bảo bọc của mình. Khi lớn khôn rồi chúng chẳng cần đến mình đâu có khi chúng còn trách móc mình nữa đó! Lúc bấy giờ anh chị em liệu lời mà trả lời cho chúng. Cái cảm thấy tội nghiệp (feeling guilty) của mình đối với các con mà đổi chúng thành tiền, quà cáp, và những gì chúng đòi hỏi, là sai lắm đó!. Quan trọng nhất là chúng ta đã làm gương mù gương xấu cho chúng trẻ noi theo, để chúng lại tiếp nối bắt chước những tội lỗi chúng ta đã gây ra!. Hy vọng chúng ta đừng làm con sâu để làm một nồi canh bị hư, và đầu độc cả một thế hệ sau này!.

Quá khứ tội lỗi của chúng ta, chúng luôn là những lý lịch của một tội phạm hay là một tội nhân, mà quan tòa của chúng ta không ai khác chịu chính là lương tâm phán đoán của chúng ta. Nếu chúng ta là một tội nhân, bị bắt đem ra tòa xét xử, và bị kết án bao nhiêu năm, thì có lẽ lương tâm của chúng ta được phần nào vơi bớt vì chúng ta đã trả những gì chúng ta làm?. Nhưng tội lỗi do chúng ta gây nên, tác hại đến người khác, cả tương lai của chúng trẻ thì tòa lương tâm của chúng ta, không cho chúng ta một ngày ngơi nghỉ; nhất là tội phá thai phải không thưa anh chị em????. Mỹ có câu nhảy đầm điệu Tango cần phải có hai người. Một người không thể nào gây được cái tội, nếu không được sự chấp thuận của người kia.

Nhân nói về quá khứ tội lỗi, tôi xin tất cả anh chị em cầu nguyện với tôi (SOS) cho một thai nhi đang cần sự quyết định của cha mẹ không trách nhiệm của chúng gây ra. Bạn gái của con gái tôi đang mang thai được 10 tuần. Cả hai đứa chúng là đạo Phật, đang quyết định đi phá thai để không gián đoạn chuyện học hành và tương lai của chúng. Hy vọng lời cầu nguyện của tất cả mọi người sẽ giúp cho hai chúng suy nghĩ lại và giữ thai nhi vô tội ấy!. Xin Thiên Chúa chúc lành cho họ và thai nhi được cơ hội làm người như tất cả chúng ta đây, vì sinh linh đó là tác tạo của Chúa dựng nên trong tình yêu thương vô bờ của Chúa.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tuyết Phủ Ngày Đông
Joseph Ngọc Phạm
21:50 12/01/2011
TUYẾT PHỦ NGÀY ĐÔNG

Ảnh của Joseph Ngọc Phạm

Anh nhớ hôm nào em ghé chơi

Tuyết rơi không dứt cả ngày trời

Anh, em cạo tuyết cười vui lạ

Thầm nguyện yêu nhau đến mãn đời.

(Trích thơ của Nguyên Đỗ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền