1. SBU hạ gục những kẻ ám sát đại tá Cục An ninh ở Kyiv
Trong một video được phát trực tiếp tại hiện trường vụ tấn công vào chiều Chúa Nhật, 13 Tháng Bẩy, là video quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, Trung Tướng Vasyl Malyuk, nhà lãnh đạo của SBU, cho biết lực lượng của ông đã mở một chiến dịch đặc biệt ở khu vực Kyiv, và đã tiêu diệt một nhóm tình báo và chiến đấu của Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đã giết chết Đại tá SBU Ivan Voronych tại quận Holosiivskyi của Kyiv vài ngày trước đó.
Chiến dịch do chính Tướng Vasyl Malyuk chỉ huy. Theo ông, sau các hoạt động tìm kiếm và phản gián kỹ lưỡng, nơi ẩn náu của những kẻ tấn công đã bị phát hiện. Trong một nỗ lực bắt giữ, chúng đã kháng cự và bị tiêu diệt.
Một người đàn ông và một phụ nữ người Nga, là đặc vụ FSB, đã tham gia vào vụ giết người. Chúng đã theo dõi một sĩ quan Ukraine, nhận được tọa độ từ người quản lý một kho vũ khí có súng lục giảm thanh và thực hiện một vụ tấn công. Sau khi gây án, chúng cố gắng trốn thoát nhưng đã bị phát hiện.
Khoảng 9 giờ sáng giờ địa phương ngày 10 Tháng Bẩy, một người đàn ông đã tiếp cận Đại Tá Ivan Voronych tại quận Holosiivskyi của Kyiv và bắn năm phát súng từ súng lục, sau đó bỏ trốn khỏi hiện trường. Sergey Naryshkin, lãnh đạo cơ quan tình báo nước ngoài của Nga, nói rằng các đặc vụ Nga sau khi gây án đã trốn qua biên giới và đã an toàn.
Đề cập đến tuyên bố của trùm tình báo Nga, Tướng Vasyl Malyuk nói: “Chúng đang nằm chết ngay sau lưng tôi, bên cạnh chiếc xe hơi màu đen.”
Tướng Malyuk cảm ơn Cục Điều tra Hình sự của Cảnh sát Quốc gia vì sự hỗ trợ và nhấn mạnh rằng việc chống lại các cơ quan đặc biệt của Nga một cách hiệu quả là ưu tiên hàng đầu của SBU, nơi ngăn chặn 85% tội phạm của đối phương.
Cuộc điều tra đang được tiến hành theo Điều 348 của Bộ luật Hình sự Ukraine — tội cố ý giết nhân viên thực thi pháp luật.
[Kyiv Independent: SBU liquidates hitmen who killed Security Service colonel in Kyiv]
2. ‘Chặt đầu’ — Tình báo Ukraine cáo buộc lữ đoàn ‘được Putin yêu thích’ phạm thêm một tội ác chiến tranh
Hôm Chúa Nhật, 13 Tháng Bẩy, Tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR đã công bố một đoạn ghi âm được tường trình ghi lại cảnh một chỉ huy đại đội thuộc Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 155 khét tiếng của Nga ra lệnh “chặt đầu” một người lính Ukraine.
“Cắt đầu, xiên vào ngọn giáo, rồi vứt nó đi,” giọng nói mà HUR cho là của chỉ huy Đại đội 2 của lữ đoàn vang lên.
Cơ quan tình báo cho biết lệnh này, bị ghi lại vào ngày 10 tháng 7, liên quan đến một tù binh chiến tranh, người Ukraine.
Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 155, hiện đang được điều động tại tỉnh Sumy, đông bắc Ukraine, đã bị cáo buộc phạm nhiều tội ác chiến tranh và hành động tàn bạo trong suốt cuộc chiến tranh toàn diện.
HUR cho biết lực lượng Ukraine đã nhiều lần tấn công chính xác vào các sở chỉ huy của đơn vị này, khiến Tư Lệnh Lữ Đoàn là Đại tá Sergey Ilyin thiệt mạng trong một cuộc tấn công ở Tỉnh Kursk cùng với 21 sĩ quan khác.
Thiếu tướng Mikhail Gudkov, phó tư lệnh Hải quân Nga, được tường trình đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Ukraine vào Korenevo ở Tỉnh Kursk.
Cơ quan tình báo Ukraine cho biết: “Vì những hành vi tra tấn vô nhân đạo và giết hại dã man quân nhân và thường dân Ukraine bị bắt, Lữ đoàn 155 của Quân đội Nga đã trở thành một trong những đơn vị được Vladimir Putin yêu thích”.
HUR nhớ lại một trường hợp khi lá cờ của đơn vị được kéo lên sau lưng Putin trong cuộc họp báo của ông vào tháng 12 năm 2024.
Các thành viên của Lữ đoàn 155 cũng có liên quan đến các tội ác chiến tranh được thực hiện trong thời gian xâm lược Bucha, Irpin và Hostomel ở Tỉnh Kyiv trong những tháng đầu của cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022. Tổng Công Tố Ukraine, Andriy Kostin, cáo buộc rằng đích thân Thiếu tướng Mikhail Gudkov cũng đã phạm tội ác chiến tranh trong thời gian quân Nga chiếm Bucha. Ông ta đã hãm hiếp 3 phụ nữ Ukraine sau đó giết chết họ và xô xác xuống mương.
Các đơn vị khác của Nga đã bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh trong suốt cuộc chiến tranh toàn diện. Các công tố viên Ukraine đã ghi nhận ít nhất 273 tù binh chiến tranh Ukraine bị quân đội Nga bắt giữ hành quyết ngay tại chỗ.
Kyiv và Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng cảnh báo về số lượng ngày càng tăng các vụ việc như vậy, cho rằng chúng cho thấy chính sách có hệ thống của Nga nhằm sát hại các tù nhân Ukraine. Chỉ riêng trong năm nay, một nửa số vụ việc có tài liệu đã được ghi nhận.
[Kyiv Independent: 'Cut off the head' — Ukrainian intelligence accuses 'Putin's favorite' brigade of another war crime]
3. CẨM LINH Giận dữ Nga cáo buộc Tổng thống Trump ‘tài trợ cho bọn khủng bố’ sau khi Mỹ đồng ý gửi vũ khí và hỏa tiễn Patriot quan trọng tới Ukraine thông qua NATO
NGA đã chỉ trích Ông Donald Trump sau khi tổng thống Hoa Kỳ đồng ý gửi hệ thống phòng không Patriot quan trọng để giúp Ukraine.
Tổng thống Trump nói với NBC News rằng “chúng tôi sẽ gửi hỏa tiễn Patriot tới NATO, và sau đó NATO sẽ phân phối hỏa tiễn đó”.
Kyiv từ lâu đã tìm cách mua thêm Patriot, được coi là một trong những hệ thống phòng không tốt nhất thế giới.
Thông báo của Tòa Bạch Ốc sẽ là sự nhẹ nhõm to lớn đối với người dân Ukraine khi họ tiếp tục phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa liên tục của Nga.
Nhưng Nga đã phản ứng dữ dội trước tin tức này, cáo buộc những người ủng hộ quân sự của Ukraine tài trợ cho “bọn khủng bố”.
Đại diện Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phát biểu với hãng thông tấn nhà nước TASS: “Những kẻ cung cấp vũ khí cho chế độ Kyiv trở thành đồng phạm trong vụ sát hại dân thường và phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự.”
Bà nói thêm rằng những người ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Ukraine “biết sự thật nhưng vẫn tiếp tục tài trợ cho bọn khủng bố”.
Sự việc xảy ra khi Ông Donald Trump lên tiếng bày tỏ sự thất vọng ngày càng tăng với Vladimir Putin sau cuộc gọi với nhà độc tài hiếu chiến của Nga và các cuộc không kích ngày càng dữ dội vào thường dân của Nga.
Tổng thống Trump, người đã cam kết chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức tổng thống, cho biết ông “không hài lòng” về tiến triển trong việc chấm dứt xung đột.
Trong khi đại diện Nga và Ukraine gặp nhau để đàm phán hòa bình, lực lượng của Putin đã tăng cường các cuộc ném bom tàn bạo.
Ông nói với NBC: “Tôi nghĩ tôi sẽ có một tuyên bố quan trọng về nước Nga vào thứ Hai”.
Các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã gia tăng trong những tuần qua, với hàng trăm máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn tấn công vào các thành phố lớn của nước này.
Đêm thứ Ba, Ukraine đã bị kỷ lục 728 máy bay điều khiển từ xa tấn công.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói về một “cuộc đối thoại tích cực” với Tổng thống Trump về việc bảo đảm Kyiv nhận được viện trợ quân sự quan trọng một cách kịp thời.
Ông phát biểu vào thứ Hai: “Phòng không vẫn là ưu tiên hàng đầu để bảo vệ tính mạng con người.
“Chúng tôi cũng đang tích cực thúc đẩy các thỏa thuận đầu tư vào sản xuất vũ khí trong nước, bao gồm tất cả các loại máy bay điều khiển từ xa.
“Trọng tâm đặc biệt là máy bay điều khiển từ xa đánh chặn.”
Thỏa thuận mới này dự kiến sẽ bán vũ khí cho các đồng minh NATO ở Âu Châu, sau đó có thể cung cấp cho Ukraine.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio cho biết Washington tiếp tục “khuyến khích các đồng minh NATO cung cấp những vũ khí đó” vì họ có chúng trong kho.
“Sau đó, chúng tôi có thể ký kết các thỏa thuận tài chính để họ có thể mua hàng thay thế”, ông nói thêm.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết: “Những cuộc tấn công liên tục của Nga vào thường dân Ukraine là điều đáng lên án.
“Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Trump và đang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để giúp Ukraine có được sự trợ giúp mà họ cần.”
Sự việc xảy ra sau khi Mạc Tư Khoa xác nhận cái chết của một vị tướng quân đội cao cấp khác của Nga.
Cái chết của Đại tá Sergei Ilyin, chỉ huy Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 155 khét tiếng của Nga, đã được chính quyền Nga tiết lộ.
Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 bị Kyiv cáo buộc phạm nhiều tội ác chiến tranh ở Ukraine - bao gồm cả trong thời gian xâm lược Bucha, Irpin và Hostome.
[The Sun: KREMLIN FURY Russia accuses Trump of ‘sponsoring terrorist scum’ after US agrees to send weapons and key Patriots to Ukraine via NATO]
4. Trung Quốc phản ứng trước cáo buộc sử dụng tia laser từ đồng minh NATO của Hoa Kỳ
Trung Quốc cho biết Đức đã tuyên bố sai sự thật sau khi thành viên NATO này cáo buộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sử dụng tia laser chống lại một trong những máy bay của nước này. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh đưa ra lập trường trên hôm Thứ Bẩy, 12 Tháng Bẩy.
Vụ chạm trán được tường trình mới nhất trong một loạt khiếu nại từ các đồng minh của Hoa Kỳ về hành vi thiếu chuyên nghiệp của lực lượng Trung Quốc được tường trình gây nguy hiểm cho cả hai bên.
Những sự việc này diễn ra trên vùng biển quốc tế, bao gồm các khu vực tranh chấp mà Bắc Kinh muốn kiểm soát chặt chẽ hơn khi theo đuổi mục tiêu trở thành cường quốc quân sự thống trị ở Á Châu - Thái Bình Dương.
Bộ Ngoại giao Liên bang Đức cho biết chiếc máy bay của Đức nói trên đã tham gia Chiến dịch ASPIDES của Liên minh Âu Châu, nhằm bảo vệ hoạt động vận chuyển quốc tế ở Biển Đỏ, Ấn Độ Dương và Vịnh khỏi các cuộc tấn công của Houthi.
Máy bay được tường trình đã bị lực lượng Trung Quốc nhắm bắn bằng tia laser. Ngoại trưởng Đức Johann Wadephul cho biết vụ việc là “không thể chấp nhận được” và gây nguy hiểm cho nhân viên Đức, đồng thời cho biết thêm rằng họ đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối vụ việc.
Theo cơ quan truyền thông Đức Tagesschau, tia laser được sử dụng từ một tàu chiến Trung Quốc khi máy bay đang tiến đến gần. Cơ quan truyền thông Der Spiegel xác định con tàu đó là một khinh hạm.
Mao Ninh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu với các phóng viên rằng lời kể của Berlin “hoàn toàn trái ngược với những sự thật mà Trung Quốc biết”.
Bà nhấn mạnh rằng: “Các nhiệm vụ hộ tống của Hải quân Trung Quốc tại Vịnh Aden và vùng biển Somalia cho thấy Trung Quốc đang thực hiện trách nhiệm của mình với tư cách là một quốc gia lớn và đóng góp vào sự an toàn của các tuyến đường vận chuyển quốc tế”.
Bà kêu gọi tăng cường giao tiếp “theo cách kịp thời và dựa trên sự thật” để tránh những hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm trong tương lai.
Cuộc tranh cãi ngoại giao này gợi nhớ đến sự kiện năm 2023 khi tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân bùng phát.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Phi Luật Tân cáo buộc phía Trung Quốc đã điều động tia laser công suất cao vào một trong những tàu của họ gần bãi Cỏ Mây do Manila kiểm soát ở Biển Đông, “gây mù tạm thời” cho một số thành viên thủy thủ đoàn, Manila cho biết.
[Newsweek: China Reacts to Laser Accusation by US's NATO Ally]
5. Đức dự định mua thêm chiến đấu cơ F-35 từ Mỹ
Một số nguồn tin thân cận cho biết chính phủ Đức có kế hoạch mua thêm 15 chiến đấu cơ F-35, tăng số lượng máy bay do Mỹ sản xuất từ 35 lên 50 chiếc.
Các cuộc đàm phán giữa Đức và Hoa Kỳ, chưa được công bố chính thức, diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đối với hợp tác quốc phòng Âu Châu. Chỉ vài ngày trước đó, căng thẳng đã bùng phát giữa Berlin và Paris về Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai, gọi tắt là FCAS, chương trình chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo hàng đầu của Âu Châu, sau khi các công ty công nghiệp Pháp thúc đẩy việc sản xuất 80% công việc liên quan đến các bộ phận trung tâm của máy bay.
“Chúng tôi đã quyết tâm làm rõ vấn đề này một cách dứt khoát trong vài tháng tới”, Thủ tướng Đức Friedrich Merz phát biểu hôm thứ Tư trong cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Berlin. “Những quan điểm khác nhau về thành phần của liên minh này vẫn chưa được giải quyết.”
Các cuộc thảo luận về thỏa thuận F-35 mới đánh dấu một sự thay đổi đáng chú ý đối với Berlin, quốc gia vốn công khai ủng hộ FCAS như một trụ cột của chủ quyền Âu Châu.
Chính phủ Đức đã quyết định vào năm 2022 sẽ mua 35 máy bay F-35 do Mỹ sản xuất trong bối cảnh Nga xâm lược toàn diện Ukraine. Theo những người trong ngành và chính phủ am hiểu vấn đề này, các cuộc thảo luận nội bộ về việc mua thêm tám máy bay phản lực, được tổ chức một năm trước, đã không mang lại kết quả cụ thể.
Hiện tại, khi FCAS dường như ngày càng căng thẳng và Đức cần khắc phục tình trạng thiếu hụt máy bay sắp tới, phương án bổ sung thêm 15 chiếc F-35 đang được theo đuổi nghiêm chỉnh hơn so với các đề xuất trước đây.
F-35 mang đến cho Đức một nền tảng đã được chứng minh là có khả năng hạt nhân, cho phép nước này mang theo bom hạt nhân của Mỹ được lưu trữ tại Đức như một phần trong chiến lược răn đe của NATO, và có thể đi vào hoạt động vào năm 2027. Ngược lại, FCAS vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, với chuyến bay trình diễn dự kiến sẽ không diễn ra trước năm 2028 hoặc 2029.
Trước đây, Merz đã thúc đẩy việc tăng chi tiêu quốc phòng và tăng cường năng lực quân sự của Âu Châu, lập luận rằng Âu Châu phải giảm bớt sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ. “Chúng ta, những người Âu Châu, phải tự mình trở nên mạnh mẽ hơn”, ông phát biểu tại một sự kiện công nghiệp ở Berlin vào tháng 6, đồng thời cảnh báo rằng “Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục dung thứ cho việc chi tiêu quốc phòng thấp của Âu Châu”.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình đầu năm nay, ông đã mô tả “ưu tiên tuyệt đối” của mình là củng cố Âu Châu để khu vực này có thể “từng bước đạt được độc lập khỏi Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, việc mua thêm F-35 sẽ báo hiệu một sự chuyển hướng thực dụng trở lại với phần cứng của Mỹ - ít nhất là trong ngắn hạn.
Một cuộc gặp song phương giữa Merz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào cuối tháng này tại Berlin dự kiến sẽ giải quyết cả bế tắc FCAS và định hướng chung về hợp tác quốc phòng Âu Châu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius sẽ gặp người đồng cấp Hoa Kỳ Pete Hegseth vào tuần tới. Hiện vẫn chưa rõ liệu các cuộc thảo luận về F-35 có được hoàn tất hay không.
Bộ Quốc phòng Đức từ chối bình luận.
[Politico: Germany plans to buy more F-35 fighter jets from the US]
6. Bốn dấu hiệu cho thấy Iran và Israel có nguy cơ quay trở lại chiến tranh
Căng thẳng giữa Iran và Israel vẫn ở mức cao sau cuộc chiến kéo dài 12 ngày vào tháng 6 - là cuộc đối đầu trực tiếp và tàn khốc nhất giữa hai nước cho đến nay.
Xung đột bắt đầu vào ngày 13 tháng 6 với các cuộc không kích của Israel vào các mục tiêu hạt nhân và quân sự của Iran, gây ra phản ứng dữ dội từ Iran với hàng trăm máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn đạn đạo nhắm vào Israel. Ngày 22 tháng 6, Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc không kích và hỏa tiễn vào các cơ sở hạt nhân quan trọng của Iran. Iran đã trả đũa bằng cách nhắm vào một căn cứ của Hoa Kỳ tại Qatar.
Mặc dù lệnh ngừng bắn đã đạt được vào ngày 24 tháng 6, nhưng căng thẳng sâu sắc về chiến lược và hạt nhân vẫn chưa được giải quyết.
Xung đột Iran-Israel tiếp theo có thể gây bất ổn Trung Đông, đe dọa năng lượng và an ninh toàn cầu, đồng thời có nguy cơ kéo các cường quốc lớn - như Mỹ và Trung Quốc - vào xung đột trực tiếp. Lệnh ngừng bắn vẫn chưa giải quyết được những bất bình chủ chốt, tạo tiền đề cho sự đối đầu mới. Một số diễn biến gần đây cho thấy nguy cơ xung đột tái diễn ngày càng gia tăng:
1. Thứ nhất, Iran và Israel đang nhanh chóng tái vũ trang
Cả hai bên đều đang tái vũ trang. Iran đã mua các hệ thống hỏa tiễn đất đối không của Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang nhanh chóng tái thiết hệ thống phòng thủ bị Israel phá hủy, theo các nguồn tin được Middle East Eye trích dẫn. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã xác nhận sẵn sàng cung cấp chiến đấu cơ đa năng J-10 cho “các quốc gia thân thiện”, trong bối cảnh có thông tin cho rằng Iran đang tìm kiếm những máy bay này để hiện đại hóa hệ thống phòng không cũ kỹ, chủ yếu do Nga cung cấp.
Trong khi đó, Israel đã tăng cường tuần tra trên không trên bầu trời Li Băng, thành lập các đơn vị an ninh nội địa mới để bảo vệ dân thường và tái kích hoạt lực lượng dự bị để hỗ trợ quân đội tiền tuyến, theo xác nhận của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz. Hoa Kỳ đã đẩy nhanh việc vận chuyển vũ khí cho Israel để thay thế các thiết bị bị mất trong cuộc xung đột gần đây và cung cấp đạn dược chính xác tiên tiến cùng hệ thống phòng thủ hỏa tiễn.
2. Thứ hai, tình trạng chương trình hạt nhân của Iran chưa rõ ràng
Mặc dù các cơ sở hạt nhân của Iran bị thiệt hại đáng kể trong cuộc xung đột, nhưng vẫn chưa rõ liệu các cơ sở quan trọng này có bị tàn phá đến mức phải ngừng sử dụng hay không. Iran tuyên bố vẫn tiếp tục làm giàu uranium và phát triển các máy ly tâm tiên tiến, duy trì tham vọng hạt nhân của mình. Nước này đã ngừng hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA về các hoạt động thanh sát.
Trong khi đó, triển vọng đàm phán với chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vẫn còn chưa chắc chắn.
3. Thứ ba, Tổng thống Trump và Netanyahu liên kết với nhau
Cách đây không lâu, Tổng thống Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dường như bất đồng về cách giải quyết Iran. Tuy nhiên, các cuộc gặp gần đây cho thấy rõ hơn sự đồng thuận trong việc đối phó với tham vọng hạt nhân của Tehran và việc ủng hộ các lực lượng ủy nhiệm khu vực. Netanyahu tuyên bố: “ Israel sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để tự vệ”, đồng thời công khai ủng hộ đường lối của Tổng thống Trump. Nhấn mạnh mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa hai bên, Netanyahu thậm chí còn đề cử Tổng thống Trump cho Giải Nobel Hòa bình, nhấn mạnh mặt trận thống nhất của họ về an ninh Trung Đông.
4. Thứ tư, tăng cường các hoạt động ủy nhiệm
Phiến quân Houthi ở Yemen, được Iran hậu thuẫn, gần đây đã tăng cường tấn công Israel, phóng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa nhắm vào các khu vực gần Tel Aviv. Chỉ trong vài ngày, họ cũng đánh chìm hai tàu ở Biển Đỏ - tàu Eternity C do Hy Lạp vận hành và tàu Magic Seas, mà họ cáo buộc có liên quan đến Israel.
Những cuộc tấn công phối hợp này cho thấy năng lực quân sự ngày càng tăng của Houthi và chiến lược rộng lớn hơn của Iran nhằm gây áp lực lên Israel và phá vỡ các tuyến đường vận chuyển quan trọng. Sự gia tăng căng thẳng này làm dấy lên khả năng lôi kéo Mỹ trở lại cuộc đối đầu quân sự trực tiếp trong khu vực.
Căng thẳng vẫn ở mức cao khi Iran tăng cường năng lực quân sự và các lực lượng ủy nhiệm như Houthis leo thang các cuộc tấn công khu vực. Tehran đã bày tỏ sự quan tâm thận trọng đến ngoại giao nhưng không có dấu hiệu dừng phát triển hạt nhân hoặc hỏa tiễn, trong khi Israel vẫn cam kết đối đầu với những mối đe dọa đó. Với áp lực gia tăng trên nhiều mặt trận, nguy cơ xung đột trực tiếp tái diễn vẫn hiện hữu.
[Newsweek: Four Signs Iran and Israel Risk Return to War]
7. Ngoại trưởng Nga Lavrov cảnh báo phương Tây về hiệp ước an ninh với Bắc Hàn
Hôm Chúa Nhật, 13 Tháng Bẩy, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cảnh báo Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản chớ có mơ tưởng thành lập quan hệ đối tác an ninh nhắm cụ thể vào Bắc Hàn.
Ông Lavrov đưa ra lời cảnh báo này trong chuyến thăm Bắc Hàn, nơi ông hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Chính Ân và chuyển lời chào từ Putin, báo hiệu sự củng cố hơn nữa hợp tác quân sự và kinh tế đang phát triển giữa hai nước.
Quan hệ giữa Nga và Bắc Hàn đã phát triển đáng kể trong những năm gần đây. Bắc Hàn là nhà cung cấp quân đội và đạn dược quan trọng cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, được tường trình để đổi lấy viện trợ quân sự và kinh tế.
Sự hợp tác ngày càng sâu sắc này đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo giữa Nam Hàn, Hoa Kỳ và các quốc gia khác lo ngại rằng Nga có thể chuyển giao các công nghệ nhạy cảm có thể tăng cường chương trình hạt nhân và hỏa tiễn của Bắc Hàn.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp với người đồng cấp Bắc Hàn Thôi Thiện Cơ (Choe Son Hui), Ngoại trưởng Lavrov cáo buộc Mỹ, Nam Hàn và Nhật Bản đang tăng cường quân sự xung quanh Bắc Hàn. “Chúng tôi cảnh báo không nên lợi dụng mối quan hệ này để xây dựng các liên minh chống lại bất kỳ ai, kể cả Bắc Hàn và dĩ nhiên là Nga”, ông Lavrov nói, theo hãng thông tấn Associated Press.
Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản lần lượt mở rộng hoặc khôi phục các cuộc tập trận quân sự ba bên để ứng phó với chương trình hạt nhân đang phát triển của Bắc Hàn. Vào ngày 11 tháng 7, ba quốc gia đã tiến hành một cuộc tập trận không quân chung với sự tham gia của các máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ gần Bán đảo Triều Tiên.
Cùng lúc đó, các sĩ quan quân sự cao cấp của họ đã được triệu tập tại Hán Thành, kêu gọi Bắc Hàn chấm dứt mọi hoạt động phi pháp đe dọa an ninh khu vực. Bắc Hàn coi các cuộc tập trận quân sự lớn do Mỹ dẫn đầu là diễn tập cho một cuộc xâm lược và luôn lập luận rằng việc theo đuổi vũ khí hạt nhân là một biện pháp phòng thủ trước các mối đe dọa quân sự của Mỹ.
Ông Lavrov bày tỏ sự thấu hiểu của Nga về quyết định phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn: “Các công nghệ mà Bắc Hàn sử dụng là kết quả lao động của chính các nhà khoa học nước này. Chúng tôi tôn trọng nguyện vọng của Bắc Hàn và hiểu lý do tại sao họ theo đuổi phát triển hạt nhân”, ông Lavrov nói, theo hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga.
Trong cuộc gặp, Thôi Thiện Cơ tái khẳng định sự ủng hộ “vô điều kiện” của Bắc Hàn đối với cuộc chiến của Nga với Ukraine. Về phần mình, Lavrov tái khẳng định lòng biết ơn của Nga đối với quân đội Bắc Hàn đã giúp đẩy lùi cuộc tấn công bất ngờ xuyên biên giới của Ukraine vào khu vực biên giới Kursk của Nga.
Cuộc gặp diễn ra tại thành phố Nguyên Sơn (Wonsan, 元山) nổi tiếng với khu nghỉ dưỡng bãi biển khổng lồ mới khai trương, mà Bắc Hàn tuyên bố có sức chứa gần 20.000 người. Mở đầu cuộc gặp với Thôi, ông Lavrov nói thêm rằng ông “...chắc chắn rằng du khách Nga sẽ ngày càng háo hức đến đây. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, bao gồm cả việc di chuyển bằng đường hàng không”, theo Bộ Ngoại giao Nga.
Khu du lịch Wonsan-Kalma đóng vai trò trọng tâm trong chiến lược của Kim Chính Ân nhằm thúc đẩy du lịch như một phương tiện cải thiện nền kinh tế đang gặp khó khăn của đất nước. Tuy nhiên, triển vọng tương lai của khu phức hợp này vẫn còn chưa chắc chắn, vì Bắc Hàn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới cho khách du lịch phương Tây.
[Kyiv Independent: Russia's Lavrov cautions West on North Korea security pact]
8. Đồng minh NATO giáp biên giới Nga rút khỏi Hiệp ước vũ khí quốc tế
Theo Reuters, Phần Lan đã chính thức thông báo với Liên Hiệp Quốc về ý định rút khỏi Công ước Ottawa, là công ước cấm sử dụng mìn sát thương cá nhân - một động thái mà một số đồng minh Âu Châu đã thực hiện trước hành động xâm lược liên tục của Nga ở Ukraine.
Động thái của Phần Lan, một quốc gia có chung đường biên giới dài 830 dặm với Nga, cho thấy sự lo ngại ngày càng tăng ở Đông Âu do mối đe dọa xâm lược ngày càng gia tăng từ Nga. Phần Lan đã gia nhập NATO sau nhiều thập niên giữ lập trường trung lập giữa liên minh và Nga, nhưng đã thay đổi lập trường sau cuộc xâm lược Ukraine.
Trong một tuyên bố chung đầu năm nay, các bộ trưởng quốc phòng Ba Lan và Baltic cho biết quyết định của họ sẽ gửi đi “một thông điệp rõ ràng: Các quốc gia của chúng tôi đã sẵn sàng và có thể sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lãnh thổ và tự do của mình”.
Công ước Ottawa, có hiệu lực từ năm 1999, yêu cầu các quốc gia ký kết cấm sử dụng, tích trữ, sản xuất và vận chuyển mìn sát thương. Việc Phần Lan rút khỏi Công ước được công bố cùng với các đối tác khu vực - bao gồm Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania - cũng bày tỏ sự rút lui trong bối cảnh lo ngại về các hành động quân sự của Nga sau cuộc xâm lược toàn diện Ukraine năm 2022.
Năm ngoái, tổ chức giám sát bom mìn quốc tế Landmine Monitor báo cáo rằng Nga và các quốc gia khác đã tích cực sử dụng mìn trong các cuộc xung đột gần đây. Ít nhất 5.757 người đã thiệt mạng hoặc bị thương do mìn và vật liệu nổ chưa nổ trong năm qua, hầu hết là dân thường—bao gồm một số lượng lớn trẻ em.
Theo Reuters, Quốc hội Phần Lan đã bỏ phiếu rút lui vào tháng 6 và thông báo cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres về ý định này vào tháng 7, theo các điều khoản của hiệp ước.
Trong một tuyên bố gửi tới đợt đánh giá lần thứ năm về Hiệp ước cấm mìn, Guterres đã kêu gọi các quốc gia và bên ký kết “thực hiện nghĩa vụ của mình và bảo đảm tuân thủ công ước, đồng thời giải quyết các tác động về nhân đạo và phát triển thông qua hỗ trợ tài chính và kỹ thuật”.
Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã qua đời vào tháng 4, cũng đã tham gia kêu gọi các quốc gia chấm dứt sản xuất và sử dụng mìn, đồng thời cảnh báo về tác động lâu dài của chúng đối với dân thường.
Xu hướng khu vực này tăng tốc vào tháng 3, khi Ba Lan và các quốc gia Baltic tuyên bố ý định rời khỏi Công ước Ottawa do nhận thấy những mối đe dọa mới dọc theo sườn phía đông của NATO. Ba Lan đã đề xuất biến biên giới với Nga thành bãi mìn và bắt đầu chuẩn bị sản xuất mìn sát thương trong nước.
Các nhà lãnh đạo Đông Âu lập luận rằng việc duy trì Công ước không còn khả thi khi phải đối mặt với các đối thủ không bị ràng buộc bởi hiệp ước. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy gần đây cũng đã ký sắc lệnh rút khỏi hiệp ước, viện dẫn “hành động xâm lược vũ trang” của Nga là nguyên nhân buộc phải đánh giá lại chính trị.
[Newsweek: NATO Ally Bordering Russia Withdraws From International Weapons Treaty]
9. Nga đổ lỗi cho lệnh trừng phạt của phương Tây khiến thỏa thuận lương thực của Liên Hiệp Quốc sụp đổ
Ngày 12 tháng 7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng thỏa thuận với Liên Hiệp Quốc nhằm tạo điều kiện cho xuất khẩu thực phẩm của Nga đã sụp đổ do các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga sau khi nước này mở cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.
Một ngày trước đó, Liên Hiệp Quốc thông báo thỏa thuận ba năm này sẽ kết thúc vào ngày 22 tháng 7. Thỏa thuận này được ký kết lần đầu tiên vào năm 2022 nhằm mục đích hạ giá lương thực toàn cầu. Thỏa thuận này tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm và phân bón của Nga bất chấp các lệnh trừng phạt thời chiến.
Một nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận cho biết với hãng tin AFP biết rằng thỏa thuận “sẽ không được gia hạn” vì những bất đồng.
Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố vào ngày 12 tháng 7 cho biết không “có dự định” gia hạn thỏa thuận và đổ lỗi sự sụp đổ của thỏa thuận cho các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bộ này cho biết: “Do các nước phương Tây có đường lối phá hoại nhằm tăng cường các lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp đối với Nga nên không có mục tiêu nào (của thỏa thuận) được hoàn thành thành công”.
Tuyên bố cho biết các cuộc đàm phán giữa Mạc Tư Khoa và Liên Hiệp Quốc nên tiếp tục vì mục đích “an ninh lương thực toàn cầu”.
Các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga sau cuộc xâm lược toàn diện Ukraine vào tháng 2 năm 2022 không nhắm trực tiếp vào ngũ cốc và phân bón của Nga, nhưng các nhà vận chuyển đã cảnh giác với việc vi phạm luật pháp quốc tế và phí bảo hiểm đã tăng vọt do đó. Liên Hiệp Quốc và Nga đã hợp tác chặt chẽ để thiết lập khuôn khổ cho các giao dịch bảo hiểm và tài chính phù hợp với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, Anh và Liên Hiệp Âu Châu.
Tuy nhiên, Nga vẫn thường xuyên phàn nàn rằng thỏa thuận này không đủ để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
Thỏa thuận Nga-Liên Hiệp Quốc được ký kết lần đầu tiên cùng ngày với Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải, cho phép Kyiv xuất khẩu nông sản qua Hắc Hải bất chấp cuộc xâm lược đang diễn ra. Nga đã rút khỏi thỏa thuận vào tháng 7 năm 2023.
Vào tháng 3, trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine do Hoa Kỳ làm trung gian, Tòa Bạch Ốc đã cam kết giúp khôi phục quyền tiếp cận thị trường thế giới cho Nga về xuất khẩu nông sản và phân bón như một phần của lệnh ngừng bắn một phần ở Hắc Hải.
[Kyiv Independent: Russia blames Western sanctions for collapse of UN food deal]
10. Na Uy phân bổ 2,5 triệu đô la cho hệ thống phòng thủ mạng của Ukraine, tham gia cơ chế an ninh mạng quốc tế
Bộ Chuyển đổi số Ukraine thông báo vào ngày 11 tháng 7 rằng Na Uy sẽ cung cấp cho Ukraine 25 triệu krone Na Uy hay 2,5 triệu đô la để hỗ trợ phòng thủ an ninh mạng của nước này vào cuối năm 2025.
Cam kết mới của Na Uy dành cho Ukraine được đưa ra khi Oslo tuyên bố họ đã trở thành quốc gia thứ 12 tham gia Cơ chế Tallinn về an ninh mạng để giúp bảo vệ Ukraine khỏi các mối đe dọa mạng.
Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide cho biết trong một tuyên bố khi Oslo công bố sự tham gia của mình vào cơ chế quốc tế này trong ngày cuối cùng của Hội nghị Phục hồi Ukraine tại Rôma: “Cơ chế Tallinn là công cụ hỗ trợ quốc tế quan trọng giúp Ukraine chống lại các cuộc tấn công này đồng thời xây dựng khả năng phục hồi kỹ thuật số lâu dài”.
Ukraine và 10 quốc gia đối tác đã thành lập cơ chế Tallinn vào tháng 12 năm 2023, với mục đích phối hợp năng lực mạng dân sự để tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine trong không gian mạng và khả năng phục hồi lâu dài.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách Phát triển Kỹ thuật số của Ukraine Anton Demyokhin cho biết trong một tuyên bố: “Việc Na Uy gia nhập Cơ chế Tallinn là một cử chỉ chính trị mạnh mẽ thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine và là tín hiệu cho thấy thế giới dân chủ sẵn sàng củng cố hơn nữa các nỗ lực chống lại các mối đe dọa mạng và tăng cường cấu trúc an ninh mạng toàn cầu”.
Trước đây đã tham gia cơ chế Tallinn với tư cách là quan sát viên, Na Uy hiện cùng với Canada, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Đức, Hòa Lan, Ý, Ba Lan, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ trở thành thành viên thường trực của cơ chế quốc tế này.
Kể từ khi cuộc chiến toàn diện của Nga bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, Nga đã tiến hành hàng ngàn cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, bao gồm lưới điện, mạng viễn thông, hệ thống tài chính, nhằm phá vỡ khả năng duy trì khả năng phòng thủ của nước này.
Ngoài việc phối hợp các cuộc tấn công mạng vào Ukraine, Điện Cẩm Linh tiếp tục tấn công vào các đồng minh phương Tây của Ukraine khi cố gắng phá vỡ nguồn cung cấp quân sự cho quốc gia đang gặp khó khăn này và làm suy yếu quyết tâm của phương Tây.
Hỗ trợ an ninh mạng của Na Uy được đưa ra sau thông báo vào ngày 10 tháng 7 rằng Oslo sẽ cam kết 200 triệu đô la nhằm khôi phục và chuyển đổi ngành năng lượng của Ukraine. Na Uy cũng cam kết riêng 42 triệu euro (49 triệu đô la) cho Quỹ Hỗ trợ Năng lượng Ukraine, tập trung vào việc bảo vệ cơ sở hạ tầng trước các cuộc tấn công của Nga và phát triển các mạng lưới năng lượng bền vững hơn.
[Kyiv Independent: Norway allocates $2.5 million towards Ukraine's cyber defenses, joins international cybersecurity mechanism]