Đời sống con người xưa nay ẩn hiện với nhiều khía cạnh tích cực cần thiết khác nhau. Một trong những khía cạnh đó là lòng trắc ẩn.
Ai cũng cần đến khía cạnh tấm lòng trắc ẩn từ người khác. Và ai cũng có thể trao tặng người khác lòng trắc ẩn.
Xưa nay trong đời sống xã hội con người với nhau nếp sống giáo dục văn hóa lòng trắc ẩn luôn được đề cao trân trọng nhắc bảo, như khi thấy người khác gặp hoàn cảnh hoạn nạn, phải tìm cách giúp đỡ. Cung cách nếp sống này là khuôn thước giúp cho đời sống có văn hóa tình bác ái hòa bình liên đới giữa con người với nhau.
Chúa Giêsu Kitô ngày xưa, khi rao giảng nước tình yêu Thiên Chúa giữa lòng xã hội đời sống con người bên nước Do Thái, đã cụ thể diễn tả lòng trắc ẩn qua dụ ngôn người Samaria nhân lành ( Lc 10,25-37).
Dụ ngôn nói đến hai nhân vật với hai đặc tính nguồn gốc khác nhau: vị thầy cả Levi lo công việc tế lễ trong đền thờ, và người dân vùng Samaria là một dân thường người ngoại đạo.
Khi đi dọc đường vị thầy cả thấy một người bị thương nằm đọc đường, nhưng vị này không hiểu tại sao làm ngơ tiếp tục đi, bỏ mặc người bị thương nằm bên vệ đường.
Còn người ngoại đạo Samaria đi qua thấy vậy, ông âm thầm xuống khỏi lưng lừa chạy đến tìm cách giúp đỡ. Ông vực người bị thương lên lưng lừa đưa người bị nạn đến quán gần đó căn dặn chủ nhà giúp đỡ băng bó vết thương cho nạn nhân khoẻ mạnh lại, phí tổn sẽ chịu hết.
Hai vị đi đường với hai nguồn gốc cùng thái độ sống khác nhau: Thầy cả người Do Thái sống lo việc tế tự trong đền thờ, nhưng tính tình lạnh lùng làm ngơ bỏ đi trước hoàn cảnh hoạn nạn của người khác. Còn người Samaria, người ngoại đạo lại có lòng trắc ẩn thương người khác bị hoạn nạn.
Vị thầy cả bỏ đi không sống lòng trắc ẩn trước hoàn cảnh người bị nạn, sống chết nơi vệ đường, có thể vì ông sợ bị ô uế khi động đến xác
người chết! Cung cách sống như thế thiếu vắng đạo đức văn hóa tình người!
Người Samaria ngoại đạo sống lòng trắc ẩn thương người, ông không nghĩ ngại điều gì khác. Với ông mạng sống con người quan trọng cao cả hơn hết. Cung cách sống như thế không gì đạo đức, tỏa chiếu vẻ đẹp cao qúi hơn nữa!
Dù là dụ ngôn, nhưng qua đó Chúa Giêsu muốn truyền đi giáo lý sứ điệp lòng thương xót là giới răn cao cả trong đời sống làm người. Lòng thương xót giúp đỡ người khác khi họ bị hoạn nạn không cần phải biết họ là ai, đời sống họ như thế nào.
Và qua dụ ngôn Chúa Giêsu Kiotô cũng nói lên khía cạnh: ai là người khác thân cận của mình. Mỗi người gặp hoàn cảnh bước đường đời sống gặp hoạn nạn, mà chúng ta gặp, họ chính là người khác cận thân với ta. Họ cần sự giúp đỡ, lòng trắc ẩn của ta.
Người Samaria có lòng trắc ẩn thương người. Ông là người ngoại đạo, là người không theo Do Thái giáo. Việc làm cứu giúp người bị hoạn nạn khốn khổ, như trong dụ ngôn của Chúa Giêsu đề cập, ẩn chứa chiều kích đời sống đạo đức văn hóa tình con người như thế nào?
“ Băng bó vết thương. Ban tặng sự sống là chống lại sự chết. Băng bó thương tích để cầm máu. Giữ máu để níu kéo sự sống lại. Người Samaria đã đem đời mình tham dự vào sự sống chết của nạn nhân.
Chở trên lưng lừa của gia đình. Lừa là con vật thân thiết như một người trong gia đình, giống như một người giúp việc. Người Samaria không thể để nạn nhân vắt vẻo trên lưng lừa. Ông phải ôm nạn nhân giữ cho khỏi rơi. Ôm nạn nhân là một biểu tượng rất ý nghĩa. Cho tiền bạc giúp đỡ thì dễ. Nhưng đưa một người vào nhà mình thì không dễ….Người Samaria đặt nạn nhân lên lưng lừa của mình là đã đưa một người vào liên hệ ôm giữ. Hành động ôm giữ kẻ thù là biểu tượng cao cả siêu bạo của dụ ngôn.
Hy sinh tiền của và thì giờ. Số tiền trả chủ quán tương đương hai ngày lương, ông còn rộng lượng sẽ trả những phí tổn thêm nếu cần. Ông phí thời gian vì đang trên đường đi công việc của mình. Lòng thương xót bao giờ cũng trả gía bằng hy sinh. Hy sinh chứng minh trái
tim Bồ Tát. Khi có trái tim này thì tâm hồn người đó sẽ vào Niết Bàn hay Thiên Đàng không cần Passport tôn giáo. Giới luật cao cả của tôn gíao là yêu thương.” ( Nguyễn Tầm Thường, Phúc âm trong dụ ngôn tập 3, trang 30-31, ấn bản 10.06.2021).
Người Samarita nhân lành hành động trần đầy lòng bác ái thương người theo như giới luật yêu thương của Thiên Chúa. Giới luật của Thiên Chúa khắc ghi ẩn hiện trong thâm tâm, trong lòng dạ ông. Ông biết việc ông phải làm, không chỉ vì sự suy nghĩ của trí khôn, nhưng theo tiếng nói phát ra tự bụng dạ, từ làn da thớ thịt, từ dòng máu lưu chuyển trong thân thể, từ trái tim và từ đồi tay của ông. Ông đã hành động nhuần nhuyễn đúng cách như có thể, và với lòng tự tin!
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long