1. Chính quyền Ukraine phản bác luận điệu của Nga liên quan đến việc thu hồi quyền công dân Ukraine của Đức Tổng Giám Mục Trưởng Onufriy thuộc UOC

Hôm Thứ Ba, 08 Tháng Bẩy, Maria Zakharova, giám đốc phòng báo chí Bộ Ngoại giao, đã cực lực lên án việc việc chính quyền Ukraine thu hồi quốc tịch Ukraine của Đức Cha Onufriy là Tổng Giám Mục Trưởng của Giáo hội Chính thống giáo Ukraine, gọi tắt là UOC. Bà ta gọi đây là bằng chứng mới nhất cho thấy Kiev tiếp tục theo đuổi chính sách đàn áp tôn giáo lớn nhất ở Ukraine có quan hệ với Nga và tiếng Nga.

Tưởng cũng nên biết thêm: Nga gọi Thủ đô của Ukraine là Kiev thay vì Kyiv như chính người Ukraine và các nước phương Tây gọi. Trong các Giáo Hội Kitô khác như Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, hay Giáo hội Chính thống giáo độc lập Ukraine, gọi tắt là OCU, Phụng Vụ được cử hành bằng tiếng Ukraine; trong khi UOC tiếp tục cử hành Phụng Vụ bằng tiếng Nga.

Hôm Thứ Tư, 09 Tháng Bẩy, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Ukraine, Heorhii Tykhyi, đã phản bác luận điệu của Nga và giải thích rằng quyết định của chính quyền Ukraine dựa trên bằng chứng do cơ quan tình báo của nước này, gọi tắt là SBU, thu thập, bao gồm cả việc Tổng Giám Mục Onufriy đã tự nguyện nhập quốc tịch Liên bang Nga vào năm 2002. Vấn đề này trước đây đã được orthodoxtimes.com đưa tin, nêu bật sự tồn tại của hộ chiếu Nga do Tổng Giám Mục Onufriy sở hữu.

Tổng Giám Mục Onufriy không thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền của Ukraine về việc nhập quốc tịch Nga và vẫn tiếp tục được hưởng các quyền và địa vị của công dân Ukraine.

Theo thông tin do cơ quan tình báo Ukraine nắm giữ, Tổng Giám Mục Onufriy vẫn duy trì liên lạc với Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa và “có ý thức phản đối việc Giáo hội Chính thống giáo Ukraine giành được độc lập về mặt giáo luật khỏi Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, những người đại diện cho tòa này công khai ủng hộ hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine.

Bất chấp cuộc xâm lược toàn diện, Tổng Giám Mục Onufriy về cơ bản vẫn tiếp tục ủng hộ các chính sách của Giáo hội Chính thống giáo Nga và giới lãnh đạo của giáo hội này, đặc biệt là Đức Thượng phụ Kirill.”

Thông báo của chính quyền Ukraine nhấn mạnh thêm rằng Đức Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa đã ban phước cho cuộc xâm lược của quân đội Nga và theo đuổi chính sách biện minh và kích động diệt chủng chống lại người dân Ukraine.

Đồng thời, bằng việc ủng hộ chính sách hiếu chiến của Liên bang Nga, ông này đã góp phần vào các hoạt động tội phạm của giới lãnh đạo chính trị ở quốc gia xâm lược, tuyên bố của chính quyền cho biết thêm.


Source:Orthodox Times

2. Tai nạn kinh hoàng ở Ý: Một người bị hút vào động cơ máy bay tại phi trường Milan

Một người đàn ông đã bị hút vào động cơ máy bay trên đường từ chỗ đáp các máy bay ra phi đạo tại Sân bay Milan Bergamo ở Ý vào sáng Thứ Ba, 08 Tháng Bẩy, truyền thông nước này đưa tin.

Tờ báo Ý Corriere Della Sera hay Tin Chiều đưa tin hiện vẫn chưa rõ người tử vong là hành khách, nhân viên phi trường hay người đi vào từ bên ngoài.

Sự kiện này đã khiến các hoạt động bay tại Milan Bergamo, phi trường bận rộn thứ ba của Ý, phải ngừng hoạt động ngay lập tức, gây gián đoạn nghiêm trọng đến hoạt động hàng không trên toàn khu vực. Bergamo đã phục vụ hơn 17 triệu hành khách vào năm 2024.

Những sự kiện như thế này rất hiếm khi xảy ra. Năm 2023, một nhân viên phi trường đã bị hút vào một chiếc máy bay Delta ở San Antonio, Texas.

Một người khác cũng đã thiệt mạng vào năm 2024 sau khi trèo vào động cơ phản lực đang hoạt động tại Sân bay Schiphol của Amsterdam.

Theo Corriere Della Sera, máy bay đang di chuyển ra khỏi bãi đậu và chuẩn bị cất cánh thì người đàn ông bị hút vào động cơ máy bay vào sáng thứ Ba. Người đàn ông này được tường trình 35 tuổi.

SACBO, đơn vị điều hành phi trường, cho biết các chuyến bay đã bị hoãn vào lúc 10:20 sáng giờ địa phương “do sự việc xảy ra trên đường ra phi đạo để cất cánh”.

Báo cáo cho biết thêm: “Nguyên nhân của vấn đề hiện đang được chính quyền điều tra”.

Trong bản cập nhật sau đó, SACBO cho biết hoạt động hàng không đã được nối lại vào buổi trưa.

Dữ liệu theo dõi chuyến bay cho thấy máy bay bị ảnh hưởng là máy bay Airbus A319-111 của Volotea, dự kiến bay đến Asturias ở Tây Ban Nha.

Phát ngôn nhân của Volotea cho biết: “Chúng tôi đang điều tra các báo cáo về sự việc liên quan đến chuyến bay V73511 BGY-OVD của chúng tôi, xảy ra trên mặt đất sau khi đã hoàn tất thủ tục lên máy bay và sẵn sàng khởi hành.

“Chúng tôi biết rằng một cá nhân đã bị thương nghiêm trọng liên quan đến động cơ máy bay. Sẽ sớm có thêm thông tin.”

Cơ quan hàng không dân dụng và cơ quan thực thi pháp luật của Ý đang tiến hành điều tra vụ việc, tập trung vào các giao thức an ninh và các tình huống cho phép người đàn ông này tiếp cận đường băng. SACBO và Volotea sẽ cập nhật thêm thông tin tùy thuộc vào kết quả của các cuộc điều tra này.

Các chuyến bay đã được nối lại, nhưng tình trạng chậm trễ và hủy chuyến vẫn tiếp tục diễn ra vào buổi chiều khi hoạt động trở lại bình thường.


Source:Newsweek

3. 'Cuộc chiến phạm thánh' của Nga làm tan vỡ sự thống nhất của Chính thống giáo, khiến Đức Giáo Hoàng Lêô phải lên tiếng phản hồi

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Ngài vừa có bài phân tích nhan đề “Russia’s ‘Sacrilegious War’ Shatters Orthodox Unity, Prompts Response From Pope Leo”, nghĩa là “’Cuộc chiến phạm thánh' của Nga làm tan vỡ sự thống nhất của Chính thống giáo, khiến Đức Giáo Hoàng Lêô phải có ý kiến.”

Trong lịch sử đại kết, ngày 28 tháng 6 này là ngày bất thường nhất. Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople — primus sine paribus (người đầu tiên không có người ngang hàng) trong số những nhà lãnh đạo Chính thống giáo — theo thông lệ sẽ cử một phái đoàn đến Rôma để dự lễ bổn mạng của hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ. Tòa Thánh đáp lại vào tháng 11 khi cử phái đoàn sang mừng lễ thánh Anrê Tông đồ, bổn mạng của Constantinople.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã chào đón phái đoàn Chính thống giáo tại Điện Tông tòa, bảo đảm với các ngài về “mong muốn kiên trì trong nỗ lực khôi phục sự hiệp thông hữu hình và trọn vẹn giữa các Giáo hội của chúng ta”.

Chỉ vài giờ sau đó, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã được trình bày tài liệu cho thấy trung tâm của Chính thống giáo — là Giáo hội Chính thống giáo Nga, chiếm khoảng 100 triệu trong số 225 triệu tín hữu Chính thống giáo trên toàn thế giới — đã tiếp tay cho một “cuộc chiến phạm thánh” ở Ukraine.

Vào cuối buổi tiếp kiến dành cho 7.000 tín hữu hành hương từ Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, gọi tắt là UGCC tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Lêô đã nhận được từ Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, là “Cha và Nhà lãnh đạo” của UGCC, cuốn sách của riêng ngài có tựa đề bằng tiếng Tây Ban Nha, Crónica de Una Guerra Sacrílega (“Biên niên sử về chiến tranh phạm thánh”).

Chỉ trong vòng vài giờ, Lêô đã chuyển từ việc cam kết tìm kiếm sự hiệp thông với Chính thống giáo sang việc đối mặt với thực tế rằng một số người Chính thống giáo đang gây chiến với các Kitô hữu khác.

Mối quan hệ giữa Rôma và Constantinople rất tuyệt vời. Đức Thượng phụ Đại kết Bácthôlômêô thường xuyên đến Rôma, gần đây nhất là để dự tang lễ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thánh lễ nhậm chức của Đức Giáo Hoàng Lêô. Nhưng trong phạm vi thẩm quyền trực tiếp của mình tại Thổ Nhĩ Kỳ, Constantinople chỉ có vài ngàn người theo Kitô giáo. Nơi này vẫn có tầm quan trọng về mặt lịch sử và giáo hội, nhưng Nga là thực tế thống trị trong Chính thống giáo toàn cầu. Và Giáo hội Chính thống giáo Nga đã dùng các lý luận tôn giáo để ủng hộ và biện minh cho hành động xâm lược quân sự của Nga ở Ukraine, nhằm vào người Ukraine, những người chủ yếu theo Chính thống giáo. (Người Công Giáo ở Ukraine chiếm khoảng 10% dân số.)

Việc Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa đã liên kết với cuộc chiến của Putin là điều ai cũng biết. Nhấn mạnh mức độ sâu sắc của sự liên kết đó, trong những ngày gần đây, Ukraine đã đình chỉ quyền công dân của Đức Tổng Giám Mục Trưởnng Onufrii, nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống giáo Ukraine có liên hệ với Mạc Tư Khoa, với lý do ngài đã giấu diếm chính quyền Ukraine khi nộp đơn xin hộ chiếu Nga và mối quan hệ đang diễn ra với Giáo hội Chính thống giáo Nga của Kirill. Ngay cả Đức Thánh Cha Phanxicô — người đặt ưu tiên cao cho mối quan hệ tốt đẹp với Mạc Tư Khoa, đến mức thường khiến Ukraine thất vọng — đã cảnh báo Kirill không được làm “cậu bé giúp lễ của Putin”.

Quan hệ đại kết luôn đòi hỏi sự sẵn lòng hướng tới những dấu hiệu tích cực, dù mong manh đến đâu, và tránh xa ngay cả những trở ngại hiển nhiên. Tuy nhiên, hiếm khi điều đó được thể hiện rõ ràng như vào ngày 28 tháng 6. “Sự hiệp thông hữu hình trọn vẹn” mà Đức Thánh Cha đã nói đến là hoàn toàn không thể khi tòa thượng phụ Chính thống giáo đông dân nhất thế giới lại phạm tội báng bổ, ban phước cho cuộc tàn sát cả người Chính thống giáo và Công Giáo Ukraine vì mục đích đế quốc của Nga. Đây là một vụ tai tiếng lớn nhất trong lịch sử Kitô giáo, rằng “Rôma thứ ba”, như Mạc Tư Khoa thường tự nhận, lại đồng lõa trong một cuộc chiến tàn khốc chống lại các Kitô hữu vì lý do chính trị.

Sự băng hoại của Mạc Tư Khoa rất sâu sắc và đen tối. Những vết thương mà Mạc Tư Khoa gây ra cho sự thống nhất của Kitô giáo theo một nghĩa nào đó còn lớn hơn trong các cuộc chiến Công Giáo-Tin lành sau thời Cải cách, vì đây là cuộc chiến giữa các quốc gia Chính thống giáo.

Constantinople đã công nhận sự độc lập của Chính thống giáo Ukraine khỏi sự kiểm soát của người Nga, điều này khiến Mạc Tư Khoa phá vỡ sự hiệp thông với Constantinople. Bất chấp những gì vẫn còn ở Rôma trong ao ước hiệp thông trọn vẹn, điều này hoàn toàn không thể xảy ra khi hai tòa thượng phụ Chính thống giáo quan trọng nhất không hiệp thông với nhau.

Đại kết đòi hỏi một sự thận trọng tránh những từ như “phạm thánh”. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã trình lên Đức Giáo Hoàng, tại bàn thờ rất cao của Đền Thờ Thánh Phêrô, “biên niên sử về một cuộc chiến phạm thánh” của riêng ngài, biết rằng nó sẽ được ghi nhận ở cả Constantinople và Mạc Tư Khoa. Và cả Rôma nữa.

Tiến trình đại kết ngày nay, bất chấp những lời tốt đẹp của Đức Lêô dành cho phái đoàn từ Constantinople, cũng giống như việc tưởng tượng ra sự hòa hợp giữa Công Giáo và Tin lành trong Chiến tranh Ba mươi năm.

UGCC bị cuốn vào cuộc chiến Chính thống giáo này, và trong hai tháng kể từ khi được bầu, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã ưu ái họ, Giáo Hội Công Giáo Đông phương lớn nhất.

Ngài đã gặp gỡ với hội đồng quản lý của UGCC chỉ vài ngày sau cuộc gặp với những người hành hương. Vào dịp đó, các giám mục của UGCC được trao đặc quyền cử hành Phụng vụ Thánh tại bàn thờ chính của Đền Thờ Thánh Phêrô, theo thông lệ dành riêng cho Đức Thánh Cha sử dụng.

Khi Đức Thánh Cha chào những người hành hương, họ đáp lại bằng cách hát Kinh Lạy Cha bằng tiếng Ukraine, một khoảnh khắc đẹp đến ám ảnh. Khi Đức Giáo Hoàng Lêô XIV gặp các giám mục tuần trước, ngài đã yêu cầu họ hát lại lần nữa, vì ngài thấy bài hát này vô cùng xúc động.

Vào tháng 5, ngài đã gặp gỡ những nhà lãnh đạo của tất cả các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, trong dịp đó ngài đã dành sự quan tâm đặc biệt cho Tổng giám mục Shevchuk. Ngài cũng đã dành cho Đức Tổng Giám Mục một buổi tiếp kiến riêng kéo dài vào ngày hôm sau. Trong tất cả những dịp này, Đức Giáo Hoàng Lêô đã nhiều lần bảo đảm với người dân Ukraine rằng ngài “gần gũi” với “người Ukraine tử vì đạo” đã phải chịu đựng hơn ba năm cuộc “xâm lược vô nghĩa”. Càng trở nên “vô nghĩa” hơn nữa khi kẻ xâm lược đã phạm thánh bằng cách tuyên bố rằng mình đang hành động vì mục đích thiêng liêng.


Source:National Catholic Register