“Hãy để Chúa Giêsu giải thoát các con.”

Vatican Media


Kính gửi Đức Cha Jonáš Maxim, M.S.U.,
Tổng Giám mục Prešov
Phụ trách những người Công Giáo theo nghi lễ Byzantine

Thưa hiền huynh,

Ngài đã giải thích với chúng tôi rằng, giữa lòng sùng kính Đức Mẹ Maria lấy cảm hứng từ những lần Đức Trinh Nữ Maria hiện ra ở Litmanová từ năm 1990 đến năm 1995, “những lời tuyên xưng chân thành và sâu sắc ở nơi đó rất nhiều và cũng không thiếu những cuộc hoán cải.” Ngài kể lại rằng địa điểm này đã phát triển như thế nào qua nhiều năm do số lượng người hành hương ngày càng gia tăng (như đã ghi trong bức thư của ngài ngày 5 tháng 2 năm 2025). Hơn nữa, ngài bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với “nhiều thành quả thiêng liêng cho những người hành hương tiếp tục đến thăm địa điểm này, mặc dù ‘những lần hiện ra’ đã kết thúc cách đây ba mươi năm.” Cuối cùng, ngài đề xuất một phán quyết nihil obstat “để đồng hành với hiện tượng đang nói đến theo phương cách mục vụ” (lá thư của ngài ngày 27 tháng 5 năm 2025).

Phân tích các thông điệp được cho là mặc khải những lời kêu gọi hoán cải có giá trị, cùng với lời hứa về hạnh phúc và tự do nội tâm, vốn là công việc của Chúa Kitô trong trái tim chúng ta:

“Hãy để Chúa Giêsu giải thoát các con. Hãy để Chúa Giêsu giải thoát các con. Và đừng để Kẻ thù của các con hạn chế sự tự do mà Chúa Giêsu đã đổ rất nhiều máu để có được. Linh hồn tự do là linh hồn của một đứa trẻ” (ngày 5 tháng 12 năm 1993).

Đức Mẹ, Đấng đầy ân sủng, tự cho mình là người hạnh phúc: “Ta hạnh phúc” (ngày 5 tháng 12 năm 1993). Mẹ cũng lặp lại điều này như một lời mời gọi khám phá con đường đích thực dẫn đến hạnh phúc, bắt đầu bằng việc nhận ra rằng mình được yêu thương vô điều kiện:

“Các con có ra sao, Ta yêu các con như vậy. [...] Ta yêu các con! Ta yêu các con! Ta muốn các con được hạnh phúc, nhưng thế giới này sẽ không bao giờ làm cho các con hạnh phúc” (ngày 7 tháng 8 năm 1994).

Những lời kêu gọi được đưa ra trong nhiều thông điệp khác nhau nhằm mục đích khuyến khích mọi người bằng cách chứng minh rằng con đường của Tin Mừng không phức tạp. Thay vào đó, nó làm cho cuộc sống đơn giản hơn, chẳng hạn như khi, trong sự im lặng của trái tim chúng ta, Chúa Kitô hồi sinh chúng ta và đơn giản hóa sự hiện hữu của chúng ta:

“Ta muốn yêu cầu các con, với tư cách là Mẹ của các con, hãy bắt đầu sống đơn giản, suy nghĩ đơn giản và hành động đơn giản. Hãy tìm kiếm sự im lặng để Thánh Linh của Chúa Kitô có thể được tái sinh trong các con” (5 tháng 6 năm 1994). “Người luôn muốn các con đơn giản hơn” (8 tháng 3 năm 1992).

Tuy nhiên, sự đơn giản này không được nhầm lẫn với sự hời hợt, bởi vì sự đơn giản của con đường Tin Mừng dẫn chúng ta đến chiều sâu của cuộc sống và đến với sự giàu có vô tận của tình yêu thần thiêng:

“Các con thân mến, các con trải nghiệm mọi thứ rất hời hợt; chính là vì các con không đi vào chiều sâu nên các con không thể cảm thấy bình an và niềm vui” (4 tháng 6 năm 1995).

Bằng cách tìm thấy niềm vui và sự bình an trong Chúa, chúng ta trở thành “sự bình an” cho người khác: “xin cho các con trở nên bình an” (ngày 9 tháng 7 năm 1995), “để rồi các con có thể lan tỏa sự bình an” (ngày 6 tháng 9 năm 1992). Lời kêu gọi hướng đến hạnh phúc đích thực này—là kết quả của việc biết rằng chúng ta được Chúa yêu thương—xuất hiện trở lại như một phương tiện truyền giáo:

“Hãy vui mừng vì Chúa yêu thương các con và các con rất quan trọng đối với Người, và hãy truyền niềm vui này cho người khác, để họ cũng có thể tin, qua niềm vui của các con, rằng Chúa yêu thương chúng ta” (ngày 9 tháng 10 năm 1994).

Cụm từ “các con rất quan trọng đối với Người” giúp hiểu được cách ánh sáng tình yêu của Chúa giúp chúng ta nhận ra phẩm giá của mình. Ở một nơi khác, Đức Mẹ nói, “Khi Mẹ nhìn vào các con, Mẹ thấy Chúa trong mỗi người các con. Các con là sự phản chiếu tuyệt vời của Chúa” (ngày 9 tháng 7 năm 1995).

Lời kêu gọi chấp nhận tình yêu của Chúa là liên tục: “Đừng bao giờ chống lại ân sủng của Chúa, Đấng yêu thương các con rất nhiều” (ngày 8 tháng 8 năm 1993).

Điều này cũng hàm ý một lời kêu gọi dấn thân trọn vẹn vào con đường đáp lại sáng kiến của Chúa. Trước tiên, chúng ta phải tự do chấp nhận tình yêu của Chúa: “Hãy chấp nhận những ân sủng đã được chuẩn bị cho các con ngày hôm nay” (8 tháng 8 năm 1993). Tiếp theo, chúng ta phải bắt đầu một quá trình biến đổi: “Nhân danh Thiên Chúa Thánh Thiện của chúng ta, ta xin các con: hãy thay đổi cuộc sống của mình, trao cuộc sống cũ của các con cho trái tim ta và bắt đầu học hỏi từ Con ta” (5 tháng 9 năm 1993). Cuối cùng, đó là về việc noi gương Chúa Kitô, Đấng đã hiến mình vì tình yêu: “Chúa Giêsu đã hy sinh chính mình vì mọi người, tại sao mọi người không hy sinh bản thân mình như Chúa Giêsu đã làm cách đây nhiều năm [?] Mọi người có quá nhiều thứ, bất cứ thứ gì họ muốn, và họ sẽ giết nhau chỉ để có thêm những thứ vật chất này. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng chúng ta phải yêu thương nhau và tha thứ cho nhau” (18 tháng 11 năm 1990).

Yêu thương anh chị em mình trở thành biểu hiện cuối cùng của sự đáp trả và sự viên mãn của chúng ta:

“Ta vô cùng vui mừng vì mỗi hy sinh mà các con đã dâng hiến vì tình yêu thương dành cho người khác [...] Sứ mệnh của mỗi người trong các con là yêu thương, vì cuộc sống được tạo ra vì điều này và chỉ có tình yêu mới có thể mang lại sự trọn vẹn cho cuộc sống của các con” (5 tháng 2 năm 1995).

Đồng thời, trong những điều được cho là thông này, chúng ta thấy một số sự mơ hồ và khía cạnh không rõ ràng. Tuy nhiên, điều này phải được phân định theo ánh sáng của những gì Ủy ban Giáo lý đã giải thích rõ trong báo cáo ngày 20 tháng 4 năm 2011: “Những [người được cho là có thị kiến] làm chứng rằng trong một cuộc gặp gỡ, Mẹ Maria đã truyền đạt cho họ một thông điệp [mà] sau đó họ đã công khai giải thích” và rằng “việc thông đạt được thự hiên thông qua một phương thức nội tâm đặc thù,” mà người nhận “thậm chí không thể đặt tên và do đó, cách diễn đạt bằng lời cuối cùng của các thông điệp là [cách điệu] và diễn giải của [người được cho là thị nhân].”

Thật vậy, khi được hỏi bà dùng ngôn ngữ nào để thưa chuyện với Đức Mẹ, Ivetka trả lời, “Chúng tôi không sử dụng bất cứ ngôn ngữ nào khi nói chuyện” (ngày 8 tháng 8 năm 1993).

Sự kiện này cho phép người ta chấp nhận giá trị chung của các điều được cho là thông điệp. Đồng thời, một số (một số ít) trong số chúng vẫn cần được làm rõ, chẳng hạn như một thông điệp ám chỉ một người cụ thể có thể không được tha thứ hoặc hầu như tất cả mọi người ở một nơi nào đó trên thế giới đều bị lên án (ngày 24 tháng 2 năm 1991), hoặc một thông điệp khác cho rằng “nguyên nhân của mọi bệnh tật là tội lỗi” (ngày 2 tháng 12 năm 1990); những thông điệp như vậy không thể được coi là có thể chấp nhận được và do đó, không phù hợp để công bố. Tuy nhiên, cho rằng chúng chỉ là những biểu hiện hạn chế và mơ hồ của một trải nghiệm nội tâm, chúng có thể được hiểu đúng khi xem xét trong bối cảnh của các thông điệp khác. Vì việc tìm thấy tình yêu của Chúa Kitô mang lại cho chúng ta hạnh phúc, nên việc khép mình khỏi tình yêu của Người sẽ hủy hoại cuộc sống của chúng ta, khiến chúng trở thành sự thất bại và trở thành nguồn đau khổ.

Những xem xét này cho phép Bộ Giáo lý Đức tin chấp nhận đề xuất của ngài để tiến hành tuyên bố “nihil obstat” cho lòng sùng kính Đức Mẹ xuất hiện trên Núi Zvir. Mặc dù tuyên bố này không ngụ ý công nhận tính xác thực siêu nhiên của những lần được cho là hiện ra, nhưng nó vẫn cho phép việc chấp thuận lòng sùng kính công khai và thông báo cho các tín hữu rằng họ có thể tiếp cận sự dâng hiến tâm linh này một cách an toàn, nếu họ muốn, và nội dung cơ bản của những thông điệp được cho là có thể giúp chúng ta sống Tin Mừng của Chúa Kitô. Đồng thời, chúng tôi giao phó cho Đức Cha nhiệm vụ công bố một bản tổng hợp các thông điệp loại trừ một số tuyên bố có thể dẫn đến sự nhầm lẫn và làm xáo trộn đức tin của những người bình thường.

Với lòng kính trọng và lời chào nồng nhiệt trong Chúa và trong Đức Maria Rất Thánh.

Víctor Manuel Hồng Y. Fernández
Bộ trưởng