1. Giáo hội sắp có thêm ba vị hiển thánh và một chân phước

Giáo hội sắp có thêm ba vị hiển thánh và một vị chân phước, theo quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã công bố các sắc lệnh liên quan đến các án phong hiển thánh và chân phước đã được bộ cứu xét trước đó.

Trước tiên là Sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ xảy ra nhờ lời chuyển cầu của nữ chân phước Maria Núi Cát Minh, tục danh là Carmen Elena Rendíles Martínez, sáng lập Dòng các Nữ tỳ Chúa Giêsu, sinh năm 1903 tại Caracas, thủ đô Venezuela, và qua đời tại đó năm 1977, thọ 74 tuổi.

Chị bị khuyết tật bẩm sinh, không có cánh tay trái và phải mang cánh tay giả suốt đời. Tuy vậy, chị vẫn học hành, làm việc và sau đó đã thi hành nhiều công tác trong Giáo hội. Chị nổi bật về lòng đạo đức và năm 24 tuổi, chị gia nhập Dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu Thánh Thể tại Pháp. Sau khi thụ huấn tại Toulouse, miền nam Pháp, chị trở về nước và làm bề trên tất cả các nhà của dòng tại Venezuela. Khi ấy, dòng phát triển mạnh tại đây.

Trong khi đó, dòng tại Pháp dần dần bị tục hóa, các nữ tu bỏ áo dòng, và sự khác biệt ngày càng lớn với các nữ tu tại Venezuela. Chị Carmel xin phép Tòa Thánh và ngày 25 tháng Ba năm 1966, chị thành lập dòng mới với tên là Dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu. Chị qua đời vì kiệt sức, năm 1977. Chị được phong chân phước ngày 16 tháng Sáu năm 2018, tại Caracas theo sắc lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nay có thêm một phép lạ được Bộ Phong thánh nhìn nhận, mở đường cho việc tôn phong chân phước Carmen Elena lên bậc hiển thánh.

Cũng ngày thứ Hai, 31 tháng Ba vừa qua, Bộ Phong thánh cho biết Đức Thánh Cha đã phê chuẩn việc bỏ phiếu thuận trong phiên họp thường lệ của các Hồng Y và giám mục thành viên Bộ Phong thánh, liên quan đến hai chân phước:

Trước tiên là Đức Cha Ignazio Chouktrallah Maloyan, Tổng giám mục Giáo phận Martin, thuộc Giáo Hội Công Giáo Armeni, sinh ngày 15 tháng Tư năm 1869 tại Martin, bên Thổ Nhĩ Kỳ, và qua đời ngày 11 tháng Sáu năm 1915 tại Kara-Keupru, trong cuộc diệt chủng của Thổ Nhĩ Kỳ chống người Armeni.

Tiếp đến là chân phước Phêrô Torot, giáo lý viên can trường người Papua New Guinea, đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 17 tháng Giêng năm 1995, trong thánh lễ trọng thể tại thủ đô Port Moresby.

Ông sinh năm 1912 tại Rakunai, một làng nhỏ ở Papua New Guinea, trong một gia tấn Công Giáo, thân phụ sốt sắng cộng tác với các nhà truyền giáo và mẹ là một phụ nữ Kitô gương mẫu, chăm chỉ dạy dỗ bốn người con sống đạo.

Năm lên 18 tuổi, Phêrô Torot gia nhập trường đào tạo giáo lý viên và thụ huấn từ 1930 đến 1933, rồi trở về làng Rakunai và hăng say giúp đỡ cha xứ, lúc bấy giờ là cha thừa sai Carlo Laufer, trong việc mục vụ và truyền giáo cho người đồng hương. Năm 24 tuổi, Phêrô Torot lập gia đình với một thiếu nữ Công Giáo và gia đình Phêrô sống hạnh phúc và ba người con lần lượt chào đời. Tuy lập gia đình, nhưng Phêrô To Rot không hề xao lãng công việc truyền giáo. Thế chiến thứ II tràn tới Papua và quân Nhật tiến chiếm đảo này. Sau đó, họ hạn chế các hoạt động tôn giáo, quản thúc các thừa sai và tu sĩ nam nữ.

Thấy thế, ông Phêrô can đảm đứng ra lãnh nhận trách nhiệm hướng dẫn cộng đoàn thay cho vị thừa sai bị quản thúc. Ông tổ chức và hướng dẫn các buổi cầu nguyện chung, cất giữ và trao Mình Thánh Chúa, chăm sóc và cứu giúp người nghèo quanh vùng, mặc dù hoạt động mục vụ này gây ác cảm đối với quân Nhật.

Tháng Ba năm 1944, quân cảnh Nhật hạ lệnh bắt giam tất cả những ai sống đạo. Trong tư cách là một tín hữu nhiệt thành và là người hướng đạo cho cả cộng đoàn tại Rakunai, Phêrô Torot không thể tuân theo các chỉ thị độc đoán của giới thống trị. Ông bị bắt và cầm tù, rồi sau đó bị một bác sĩ quân y người Nhật chích thuốc độc sát hại.

Hai vị chân phước trên đây được phong hiển thánh theo thể thức tương đương, mà không cần có phép lạ.

Sau cùng, vị tôi tớ Chúa sắp được tôn phong chân phước là cha Carmelo De Palma, thuộc Tổng giáo phận Bari, nam Ý, sinh hồi tháng Giêng năm 1986 và qua đời tại đây, ngày 24 tháng Tám năm 1961, thọ 85 tuổi. Bộ Phong thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của cha.

2. 40 Bài Tĩnh Tâm Mùa Chay - Thứ Ba tuần thứ 5 Mùa Chay – Ngày 08-04

Ds 21:4-9

Tv 101(102):2-3, 16-21

Ga 8:21-30

Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này. (Ds 21:5)

Bạn đã bao giờ thấy mình phàn nàn về hoàn cảnh hiện tại của mình, thầm mong nhớ “ngày xưa tươi đẹp” mà thực ra không tốt đẹp lắm không? Bạn không cô đơn, nhiều người cũng từng làm như thế. Tổ tiên tâm linh cổ xưa của chúng ta đã biết quá rõ cuộc đấu tranh này.

Hãy tưởng tượng bạn được giải thoát khỏi nhiều năm nô lệ tàn bạo, được giải cứu một cách kỳ diệu, rồi bắt đầu phàn nàn về thực đơn! Người Israel, vừa mới được giải thoát khỏi ách nô lệ của Ai Cập, nhanh chóng quên đi nỗi đau khổ trong quá khứ và bắt đầu phàn nàn về manna kỳ diệu đã nuôi sống họ. Nghe quen không? Chúng ta thường bỏ qua những món quà ngay trước mắt mình, lãng mạn hóa những gì chúng ta đã bỏ lại phía sau như thế nào?

Chúa Giêsu cũng gặp phải khuynh hướng tương tự của con người với những người Pharisêu. Họ quá đắm chìm trong sự hiểu biết của riêng mình đến nỗi họ bỏ lỡ chân lý sâu sắc đang hiện diện ngay trước mắt họ. Người nói với họ: “Nơi Ta sẽ đến, các ngươi không thể đến được.”

Nhưng đây là lời mời gọi tuyệt đẹp: Chúa Giêsu là Manna đích thực, nguồn nuôi dưỡng không chỉ thân xác mà cả tâm hồn chúng ta. Ngài ban cho chúng ta một cách sống vượt xa sự thoải mái bề ngoài, thách thức chúng ta phải cởi mở, lắng nghe và thực sự đi theo.

Hành trình Mùa Chay này kêu gọi chúng ta chấp nhận triệt để - không phải là sự cam chịu thụ động, mà là lòng biết ơn tích cực. Đó là lời mời gọi nhìn nhận thực tế hàng ngày của chúng ta qua con mắt đức tin, để nhận ra những phước lành xung quanh chúng ta, ngay cả khi chúng không giống như chúng ta mong đợi.

Hãy cẩn thận với chất độc tinh vi của sự bất mãn liên tục. Sự càu nhàu và hoài nghi có thể dần dần làm xói mòn tinh thần của chúng ta, biến niềm vui tiềm tàng thành một vùng đất hoang vu của những cơ hội bị bỏ lỡ.

Lạy Chúa, xin mở mắt chúng con để thấy manna Chúa ban cho chúng con hàng ngày. Xin dạy chúng con lòng biết ơn, gieo trong lòng chúng con tinh thần suy tư trước những kỳ công của Chúa, và dạy chúng con biết nhận ra sự hiện diện của Chúa trong những khoảng khắc bình thường của cuộc sống hàng ngày. Amen

3. Cử hành Tam Nhật Thánh: Toà thánh ban sắc lệnh ngoại lệ cho Giáo hội Việt Nam

Văn phòng Đại diện Toà Thánh thường trú tại Việt Nam đã chuyển đến Hội đồng Giám mục Việt Nam thư của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích kèm sắc lệnh, theo cách thức ngoại lệ, cho phép “cử hành nhiều lần Nghi thức Tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa và Canh thức Vượt Qua” tại cùng một nơi.

Được biết, theo hướng dẫn của Sách lễ Rôma thì tại mỗi nơi, (nhà thờ, nhà nguyện, giáo điểm), chỉ được cử hành một Thánh lễ Vọng Phục Sinh mà thôi (x. Sách lễ Rôma [2002], “Đêm Vọng Phục Sinh”, số 2). Vì thế, khi nhu cầu mục vụ của các giáo xứ có đông tín hữu nhưng bị giới hạn cơ sở vật chất cần phải tổ chức hai hoặc nhiều lần các cử hành Nghi thức Tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa và Thánh lễ Vọng Phục Sinh thì giám mục giáo phận (Đấng Bản quyền) có thể cho áp dụng ngoại lệ như sắc lệnh đã cho phép. Uỷ ban Phụng tự hân hoan phổ biến sắc lệnh này.

BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH

Prot. N. 105/25

Theo thỉnh nguyện của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Sàigòn và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, qua thư đề ngày 13 Tháng Giêng năm 2025, với năng quyền đặc biệt được Đức Thánh Cha Phanxicô ban cho Bộ này, sau khi cân nhắc các lý do được trình bày, chúng tôi vui lòng ban phép, theo cách thức ngoại lệ, để mỗi Đấng Bản quyền tại Việt Nam, bất cứ khi nào xét thấy cần thiết vì lợi ích thiêng liêng của các tín hữu, được phép cử hành nhiều lần Nghi thức Tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa và Canh thức Vượt Qua trong cùng một nhà thờ hoặc cùng một nhà nguyện, với điều kiện luôn phải tuân giữ những quy định hiện hành, nhất là những quy định trong Giáo luật khoản 951. Ân huệ này được ban trong thời hạn 5 năm.

Bất chấp mọi quy định ngược lại.

Ban hành tại trụ sở Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, ngày 22 tháng 02 năm 2025, lễ kính Tòa Thánh Phêrô, Tông đồ.

Hồng Y Arthur Roche

Bộ trưởng ấn ký

✠ Vittorio Francesco Viola, O.F.M.

Tổng Giám mục Thư ký

4. Thư Mục Vụ về Dự Luật Người Lớn Bị Bệnh Giai Đoạn Cuối đọc trong các thánh lễ 5 và 6 tháng 4 năm 2025

Chúa Nhật thứ năm Mùa Chay

Anh chị em thân mến của tôi trong Chúa Kitô,

Tôi muốn nói chuyện với anh chị em hôm nay về quá trình mà Quốc hội của chúng ta hiện đang xem xét hợp pháp hóa việc hỗ trợ tự tử thông qua Dự luật Người lớn mắc bệnh giai đoạn cuối, gọi tắt là Dự luật Kết thúc cuộc sống.

Như tôi đã nói rõ trước đó trong cuộc tranh luận này, với tư cách là người Công Giáo, chúng ta đã duy trì nguyên tắc phản đối sự thay đổi luật này, công nhận rằng mọi mạng sống con người đều là thánh thiêng, đến như một ân sủng của Chúa và mang một phẩm giá do Chúa ban tặng. Do đó, chúng ta phản đối mạnh mẽ Dự luật này về nguyên tắc, vì nó đề cao quyền tự chủ của cá nhân lên trên tất cả các cân nhắc khác.

Việc thông qua Dự luật tại Quốc hội sẽ dẫn đến một cuộc bỏ phiếu vào cuối tháng 4 về việc liệu dự luật có tiến triển hơn nữa hay không. Đây sẽ là một thời điểm quan trọng và tôi, cùng với tất cả các Giám mục Vương Quốc Anh và xứ Wales, viết thư này để yêu cầu sự ủng hộ của anh chị em trong việc thúc giục đại biểu quốc hội của anh chị em bỏ phiếu chống lại Dự luật này vào thời điểm đó.

Có những lý do nghiêm chỉnh để làm như vậy. Tại thời điểm này, chúng ta không chỉ muốn nêu lại những phản đối của mình về nguyên tắc, mà còn muốn nhấn mạnh đến quá trình sai sót sâu sắc đã diễn ra tại Quốc hội cho đến nay. Chúng tôi muốn nhắc nhở anh chị em rằng nhiệm vụ cơ bản của mọi đại biểu quốc hội là bảo đảm rằng luật pháp không được áp đặt vào xã hội của chúng ta mà chưa được xem xét kỹ lưỡng vì nó sẽ gây ra hậu quả tai hại.

Dự luật Người lớn mắc bệnh giai đoạn cuối sẽ thay đổi cơ bản nhiều mối quan hệ quan trọng trong cách sống của chúng ta: trong gia đình, giữa bác sĩ và bệnh nhân, trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn chưa có Ủy ban Hoàng gia hoặc cuộc điều tra độc lập nào trước khi dự luật được trình bày. Đây là Dự luật của một cá nhân thành viên Quốc Hội. Bản thân Dự luật rất dài và phức tạp, được công bố chỉ vài ngày trước khi các Nghị sĩ bỏ phiếu, khiến họ không có đủ thời gian để tham khảo ý kiến hoặc suy ngẫm về dự luật. Thời gian tranh luận là rất ít. Ủy ban thẩm tra Dự luật chỉ mất ba ngày để thu thập bằng chứng: không phải tất cả các ý kiến đều được lắng nghe và có quá nhiều người ủng hộ Dự luật. Tóm lại, đây không phải là cách để lập pháp về một vấn đề quan trọng và phức tạp về mặt đạo đức như vậy.

Một hậu quả của quá trình sai sót này là nhiều câu hỏi quan trọng vẫn chưa được trả lời. Các đại biểu quốc hội có thể bảo đảm rằng phạm vi của Dự luật sẽ không bị mở rộng không? Ở hầu hết mọi quốc gia đã đưa ra luật hỗ trợ tự tử, phạm vi hiện tại rộng hơn so với dự kiến ban đầu. Vai trò của ngành tư pháp, nếu có, trong quá trình này là gì? Chúng ta đã được thông báo rằng giám sát tư pháp là một phần cần thiết và quan trọng của quá trình này; bây giờ chúng ta được thông báo rằng nó không cần thiết chút nào. Điều gì sẽ bảo vệ những người dễ bị tổn thương khỏi sự ép buộc hoặc khỏi cảm thấy gánh nặng cho gia đình? Dịch vụ Y tế Quốc gia có thể đối phó với vấn đề hỗ trợ tự tử hay không, hay như Bộ trưởng Y tế đã cảnh báo, nó sẽ gây ra sự cắt giảm ở những nơi khác trong ngành y tế Vương Quốc Anh? Các đại biểu quốc hội có thể bảo đảm rằng không có bác sĩ hoặc nhân viên chăm sóc nào bị buộc phải tham gia vào việc hỗ trợ tự tử? Điều này phải chăng có nghĩa là thành lập một 'dịch vụ tử thần quốc gia'?

Ngược lại với các điều khoản của Dự luật này, điều cần thiết là dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ hạng nhất, đầy lòng trắc ẩn vào cuối cuộc đời chúng ta. Điều này đã được cung cấp cho nhiều người trong xã hội của chúng ta nhưng thật đáng buồn là lại thiếu hụt và thiếu kinh phí. Không ai nên bị coi là gánh nặng cho người khác. Thay vào đó, một xã hội tốt sẽ ưu tiên chăm sóc người già, người dễ bị tổn thương và người yếu đuối. Cuộc sống của gia đình chúng ta sẽ phong phú hơn khi trân trọng sự hiện diện của họ.Thật đáng buồn khi xét đến các ưu tiên của Quốc hội khi Hạ viện dành nhiều thời gian để tranh luận về lệnh cấm săn cáo hơn là tranh luận về việc hợp pháp hóa trợ tử.

Tôi chắc chắn rằng anh chị em sẽ chia sẻ những mối quan tâm này. Bây giờ rõ ràng là biện pháp này đang được thúc đẩy mà không có sự giám sát thích hợp và không có câu trả lời cho những câu hỏi cơ bản xung quanh các biện pháp bảo vệ. Đây là một dự luật có nhiều sai sót sâu sắc với những hậu quả không mong muốn mà chúng ta không thể kể xiết.

Mỗi đại biểu quốc hội và chính phủ đều có nhiệm vụ thiêng liêng là ngăn chặn luật như vậy được đưa vào sách luật. Vì vậy, tôi kêu gọi anh chị em: ngay cả khi anh chị em đã từng viết thư cho đại diện dân cử của mình rồi, hãy liên hệ ngay với đại biểu quốc hội của mình và yêu cầu họ bỏ phiếu chống lại Dự luật này không chỉ vì lý do nguyên tắc mà còn vì Quốc hội đã không tiếp cận vấn đề này một cách thỏa đáng và có trách nhiệm.

Trong Thư gửi tín hữu Philipphê, mà chúng ta đã nghe trong Bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô suy ngẫm về những khó khăn và trách nhiệm của cuộc sống. Ngài nói về việc 'tiến lên' và 'phấn đấu' để đạt được sự viên mãn của cuộc sống đã được hứa trong Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên, ngài hoàn toàn tin tưởng vào những cuộc đấu tranh của mình bởi vì, như ngài nói, 'Chúa Giêsu Kitô đã biến tôi thành của riêng Người'.

Chúng ta cũng có nhiều cuộc đấu tranh. Chúng ta cũng biết rằng Chúa Giêsu Kitô đã biến chúng ta thành của riêng Người. Vì vậy, chúng ta cũng tiếp tục cuộc đấu tranh này, rất quan trọng trong thời đại của chúng ta.

Xin Chúa ban phước cho tất cả mọi người.

+ Đức Hồng Y Vincent Nichols

Tổng Giám Mục Westminster

Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Anh và Xứ Wales