1. Đại hội Thánh Thể toàn quốc Madagascar

Trong những ngày từ 23 đến 25 tháng Tám năm 2024, Đại hội Thánh Thể toàn quốc Madagascar, tiến hành tại thành phố cảng Antsiranana, ở miền bắc nước này.

Nhân dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thư tới Giáo hội địa phương, chào mừng hoạt động quan trọng giúp tìm lại ý nghĩa việc Chầu Thánh Thể, vui mừng trải qua những lúc ở với Chúa Kitô, đồng thời Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tham dự Đại hội hãy mang hy vọng cho những người nản chí, thất vọng.

Giáo Hội Công Giáo tại Madagascar có gần tám triệu rưỡi tín hữu, trên tổng số hai mươi bốn ngàn dân cư, thuộc năm tổng giáo phận và mười bảy giáo phận.

Trong thư gửi tới Đức Cha Marie Fabien Raharilamniaina, Dòng Cát Minh nhặt phép (OCD), Chủ tịch Hội đồng Giám mục Madagascar, Đức Thánh Cha viết: “Tôi khích lệ sáng kiến Đại hội Thánh Thể toàn quốc này, nhắm đưa các con cái của các cộng đồng Kitô trở về với điều cốt yếu, giúp họ tìm lại ý nghĩa việc Chầu Thánh Thể và niềm vui sống với Chúa Kitô. Đó là một hoạt động góp phần kiện toàn mọi tín hữu Kitô”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng Đại hội Thánh Thể Madagascar không phải chỉ trùng hợp với việc cử hành một trăm năm Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, nhưng còn trùng với việc kết thúc năm Thượng Hội đồng Giám mục về hiệp hành. Ngài viết: “Ước gì việc cử hành này giúp anh chị em tái khám phá tầm quan trọng của việc gặp gỡ nhau, cầu nguyện và cùng dấn thân với những người khác và cho tha nhân, bước theo Chúa Giêsu Thánh Thể. Khi ta gặp gỡ Chúa Kitô trong lúc Chầu Thánh Thể, khi chúng ta chạm đến và đón rước Chúa trong thánh lễ, chúng ta không thể giữ riêng Chúa cho chúng ta, nhưng cần trở thành thừa sai loan truyền tình thương của Chúa đối với những người khác”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha cầu chúc Hội đồng Giám mục Madagascar có một cuộc gặp gỡ mang lại những thành quả tốt đẹp. Ngài viết: “Ước gì Đại hội Thánh Thể này giúp mỗi người trong anh em vun trồng những tâm tình bác ái và liên đới với tất cả mọi người, đặc biệt những người đang bị thử thách, cảm thấy đường đời ngày càng trở nên khó khăn, nhiều người đang nản chí thất vọng, nhìn về tương lai trong bi quan, như thể không gì có thể mang lại hạnh phúc cho họ”.

2. Chính thống Estonia ly khai khỏi Chính thống Nga

Dưới sức ép của chính phủ, Giáo hội Chính thống tại Cộng hòa Estonia, thuộc miền Baltique, tuyên bố tách rời khỏi Giáo hội Mẹ, là Giáo hội Chính thống Nga.

Trong đại hội nhóm tại thủ đô Tallin, hôm 20 tháng Tám vừa qua, Giáo hội Chính thống Estonia đã thông qua quy chế mới, khẳng định sự độc lập về hành chính, kinh tế và giáo dục. Trước đây, tên đầy đủ là “Giáo hội Chính thống Estonia thuộc Tòa Thượng phụ Masơva”, nhưng nay được đổi lại là “Giáo hội Chính thống Estonia”.

Trước đó, chính phủ Estonia đã tạo sức ép đòi Giáo hội tại đây phải hoàn toàn tách rời khỏi Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, vì sự tấn công của Nga chống Ukraine.

Thủ lãnh Giáo hội Chính thống Estonia là Đức Tổng Giám Mục Eugeni (Reschetnikow), quốc tịch Nga, đã bị buộc phải rời khỏi Estonia hồi tháng Hai năm nay, vì chính phủ Estonia không gia hạn giấy phép cư trú. Nhưng theo các cơ quan truyền thông, Đức Tổng Giám Mục Eugeni vẫn điều hành đại hội của Giáo hội qua Video.

Nhân vật chính của Chính thống Estonia hiện nay là Đức Cha Daniel (Lepisk) mới thụ phong giám mục hồi tháng Hai năm nay, và là người Estonia. Ngày 30 tháng Bảy vừa qua, chính phủ ép vị giám mục này phải gặp một đại diện của Bộ Nội vụ, để hai bên thỏa thuận làm sao giảm bớt và loại bỏ ảnh hưởng của Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa trên Giáo hội Chính thống Estonia.

Tại Estonia, cũng có một Giáo hội Chính thống Tông truyền, thuộc Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople, bên Thổ Nhĩ Kỳ, và do Đức Tổng Giám Mục Stefanus lãnh đạo. Giáo hội này tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Giáo hội Chính thống Estonia để tìm một giải pháp có thể được mọi phía chấp nhận.

Cộng hòa Estonia, rộng hơn 45.000 cây số vuông, với một triệu 360.000 dân cư, trong đó 54% không theo tôn giáo nào, 11% là tín hữu Tin lành Luther, gần 4% theo Chính thống giáo. Công Giáo có 6.700 tín hữu, họp thành một miền Giám quản Tông tòa.

3. Chính quyền Indonesia giúp đỡ các tín hữu Công Giáo gặp gỡ Đức Thánh Cha

Chính quyền tỉnh Papua và Đông Nusa Tenggara sẽ giúp các tín hữu Công Giáo tại đây gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô, khi ngài viếng thăm nước Papua tân Guinea láng giềng và cả Đông Timor.

Cụ thể, chính quyền Tỉnh Papua, nơi có đông đảo tín hữu Kitô, sẽ giúp khoảng 160 tín hữu Công Giáo sang Tỉnh Vanimo, thuộc Papua New Guinea khi Đức Thánh Cha đến thăm tỉnh này, vào ngày 08 tháng Chín tới đây. Trong thông cáo ngày 20 tháng Tám vừa qua, ông Yohanes Walilo, trợ lý của Tỉnh trưởng Papua đã cho biết như trên.

Theo chương trình, sau khi thăm Indonesia, Đức Thánh Cha sẽ bay sang Papua New Guinea để viếng thăm, từ ngày 06 đến ngày 09 tháng Chín. Ngài dừng lại tại thủ đô Port Moresby và bay lên thị trấn Vanimo, có hơn 11.000 dân, cách đó 1.000 cây số, ở miền tây bắc. Tại đây, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các tín hữu Công Giáo thuộc giáo phận, cũng như gặp gỡ các thừa sai.

Vanimo chỉ cách thành phố Jayapura, thuộc Indonesia 97 cây số, tức là khoảng hai giờ lái xe, trong khi thành này cách thủ đô Jakarta gần 3.500 cây số, nơi Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm, từ ngày 03 đến ngày 06 tháng Chín. Chính phủ đã tài trợ cho các tín hữu Công Giáo việc di chuyển, trú ngụ và lương thực để đi gặp Đức Thánh Cha. Ông Walilo nói: Chúng tôi đã yêu cầu công ty du lịch chuẩn bị các xe thích hợp, vì các xe lớn không thể đi trên những con đường hẹp dẫn tới Vanimo. Các tham dự viên chuyến đi này, gồm các linh mục, nữ tu và giáo dân, và chúng tôi đang phối hợp với chính phủ Papua New Guinea về vấn đề này”.

Hội đồng Giám mục Indonesia đã yêu cầu mỗi giáo phận tại nước này gửi đại diện đến Jakarta để tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha, vào ngày 05 tháng Chín. Các tham dự viên sẽ tự túc về việc di chuyển và ăn ở, vốn là điều khó khăn đối với các tín hữu Công Giáo có lợi tức thấp. Tỉnh Papua là vùng ở xa nhất đối với Jakarta và vé máy bay khứ hồi rẻ nhất là bảy triệu rưỡi đồng Rupiah của Indonesia, tương đương với 481 Mỹ kim.

Đàng khác, chính quyền Tỉnh Đông Nusa Tenggara, nơi có đông tín hữu Kitô, sẽ giúp đỡ 850 tín hữu Công Giáo tham dự thánh lễ Đức Thánh Cha cử hành tại thủ đô Dili của Đông Timor, vào ngày 10 tháng Chín. Tỉnh này cũng như Kupang, ở miền tây đảo Timor.

Hôm 20 tháng Tám vừa qua, Bộ tôn giáo của Indonesia cho biết có 350 tín hữu thuộc Tổng giáo phận Kupang và 500 tín hữu thuộc Giáo phận Atambua đã ghi danh tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha tại Dili. Các quan chức chính quyền tỉnh đang làm việc với hai giáo phận để giúp các tín hữu có được hộ chiếu dễ dàng.

Các tín hữu không có điều kiện để tham dự thánh lễ trực tiếp thì có thể tham dự qua mạng trực tuyến.