1. Cuối cùng, Vatican lên tiếng về vụ Olympic Paris 2024 chế giễu Bữa Tiệc Ly

Trước phản ứng quyết liệt của các giới Công Giáo hoàn cầu đối với thái độ sấc sược của Ủy Ban Thế Vận Hội 2024 khi cho trình diễn màn chế giễu một trong những mầu nhiệm đỉnh cao của Kitô giáo, là việc Thiết lập Bí tích Thánh Thể trong biến cố gọi là Bữa Tiệc Ly, Vatican đã phải lên tiếng cùng với họ.

Trong một tuyên bố ngắn bằng tiếng Pháp vào ngày 3 tháng 8, Tòa thánh cho biết như sau:

Tòa thánh rất buồn trước một số cảnh tượng tại lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Paris và không thể không tham gia vào những tiếng nói đã được nêu ra trong những ngày gần đây để lên án sự xúc phạm đối với nhiều Kitô hữu và tín hữu của các tôn giáo khác.

Trong một sự kiện uy tín, nơi toàn thế giới tụ họp xung quanh các giá trị chung, không nên có những ám chỉ chế giễu niềm tin tôn giáo của nhiều người.

Quyền tự do ngôn luận, tất nhiên là không bị nghi ngờ, tìm thấy giới hạn của nó trong sự tôn trọng đối với người khác.

Một số nhận định:

Câu cuối cùng này, nói riêng, phù hợp với những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trong những dịp khác về tự do và sự tôn trọng.

Ngay từ năm 2015, ngài đã nói, “Tất cả những người coi thường các tôn giáo, chế giễu chúng, 'chơi đùa' với tôn giáo của người khác, họ đang gây hấn với người khác.”

Nhiều nhà lãnh đạo Giáo hội tiếp tục thúc giục Ủy ban Olympic đưa ra phản hồi toàn diện hơn.

Hãng thông tấn AP không giấu được sự ngạc nhiên trước phản ứng muộn màng của Tòa Thánh trước việc chế giễu bí tích Thánh Thể.

Hãng tin này viết: “Trong phản hồi muộn, Vatican 'lên án hành vi xúc phạm' trong bức tranh lễ khai mạc Thế vận hội Paris”

Theo AP, Vatican cho biết hôm thứ Bảy rằng họ “lên án hành vi xúc phạm” mà lễ khai mạc Thế vận hội Olympic gây ra cho Kitô hữu, một cảnh trong đó nhằm nhại lại một cách giễu cợt “Bữa Tiệc Ly” của Leonardo da Vinci và có sự góp mặt của những người đàn ông ăn mặc giả gái.

Một tuần sau cơn bão chỉ trích nổ ra xung quanh sự kiện này, Tòa thánh đã ra tuyên bố bằng tiếng Pháp rằng họ “buồn vì một số cảnh trong lễ khai mạc” và đồng tình với những người bị xúc phạm.

“Tại một sự kiện uy tín, nơi cả thế giới cùng nhau chia sẻ các giá trị chung, không nên có những ám chỉ lố bịch về tôn giáo”, tuyên bố cho biết.

Đối với những người chỉ trích, cảnh trong buổi lễ ngày 26 tháng 7 gợi lên hình ảnh Chúa Giêsu và các tông đồ của Người trong bức tranh nổi tiếng của Da Vinci. Cảnh quay có sự góp mặt của người chơi nhạc thu sẵn Barbara Butch, thường được coi là một nhà hoạt động LGBTQ+. Cô ta đội một chiếc mũ đội đầu bằng bạc trông giống như một vầng hào quang trong khi được các nghệ sĩ đồng tính và vũ công vây quanh. Các giám mục Công Giáo của Pháp cho biết màn này chế giễu nặng nề Kitô giáo.

Barbara Butch là một DJ, đó là chữ viết tắt của Disc Jockey, tức là một người ngồi điều khiển các máy phát nhạc thu sẵn. Đó không phải là một nhạc công, nhưng chỉ là người làm công việc khá đơn giản là bật tắt các máy phát thanh vào những thời điểm nhất định của buổi biểu diễn.

Các nghệ sĩ đồng tính và vũ công vây quanh bà ta gọi là drag queen. Xin đừng dịch là nữ hoàng kéo vì nó vô nghĩa. Ở chữ drag ở đây không có nghĩa là kéo. Nó xuất phát từ chữ drag clothing có từ thế kỷ thứ 19 trong kịch nghệ của người Anh. Drag clothing là quần áo của đàn bà do những người đàn ông mặc để giả phụ nữ. Drag queen dịch sang tiếng Việt là người đàn ông ăn mặc giả gái.

Giám đốc nghệ thuật của buổi lễ Thomas Jolly đã nhiều lần phủ nhận việc chế giễu “Bữa Tiệc Ly”, nói rằng cảnh quay này nhằm tôn vinh sự đa dạng và tôn vinh các bữa tiệc và ẩm thực Pháp. Ban tổ chức Thế vận hội Paris đã xin lỗi bất cứ ai cảm thấy bị xúc phạm bởi màn trình diễn này.

Phát ngôn nhân của Vatican không trả lời ngay khi được hỏi tại sao Tòa thánh chỉ phản hồi vào lúc này, một tuần sau sự kiện và sau khi các nhà lãnh đạo Công Giáo trên khắp thế giới bày tỏ sự phẫn nộ trước cảnh tượng này.

2. Erdogan thảo luận về lễ khai mạc Olympic và xung đột ở Trung Đông với Đức Thánh Cha Phanxicô

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với Đức Thánh Cha Phanxicô để bày tỏ quan điểm của mình về lễ khai mạc Thế vận hội Olympic ở Paris. Ông chỉ trích sự kiện này, nói rằng dưới chiêu bài tự do ngôn luận và khoan dung, các giá trị tôn giáo và đạo đức đã bị chế nhạo, xúc phạm cả người theo Kitô giáo và người theo đạo Hồi.

Tổng thống Erdogan cũng đề cập đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông trong cuộc thảo luận với Đức Thánh Cha. Ông nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công của Israel vào Gaza đã leo thang thành tội ác diệt chủng, được tạo điều kiện thuận lợi bởi sự khoan dung của một số quốc gia.

Theo một tuyên bố từ Ban Giám đốc Truyền thông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: “Trong cuộc trò chuyện, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh rằng những sự kiện vô đạo đức trong lễ khai mạc Thế vận hội Olympic ở Paris đã gây ra sự phẫn nộ và phản ứng trên quy mô lớn. Ông tuyên bố rằng với lý do tự do ngôn luận và khoan dung, phẩm giá con người đã bị chà đạp, các giá trị tôn giáo và đạo đức bị chế nhạo, xúc phạm cả người Hồi giáo và thế giới Kitô giáo. Tổng thống Erdogan nhấn mạnh sự cần thiết phải có một phản ứng thống nhất cho những vấn đề này. Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng Thế vận hội Olympic, nhằm mục đích đoàn kết mọi người, thay vào đó lại đặt câu hỏi về các giá trị tôn giáo và tuyên truyền những thông điệp xuyên tạc, cho thấy sự suy đồi về mặt luân lý”.

Liên quan đến tình hình ở Gaza và vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran, ông Erdogan đã nói Đức Thánh Cha Phanxicô rằng “các cuộc tấn công của Israel vào Gaza đã trở thành tội ác diệt chủng, dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và rằng Israel đang tiến hành các vụ thảm sát nhờ vào những hỗ trợ ngoại giao, kinh tế và quân sự của một số quốc gia.” Ông nói thêm rằng vụ ám sát Ismail Haniyeh và cuộc tấn công vào Li Băng chứng tỏ rằng Israel gây ra mối đe dọa cho toàn bộ khu vực, thế giới và nhân loại. Erdogan kêu gọi hành động toàn cầu ngay lập tức để bảo đảm hòa bình cho người Hồi giáo và Kitô giáo ở Palestine.

Tuyên bố cũng lưu ý rằng “Tổng thống Erdogan tin rằng uy tín của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các quốc gia hỗ trợ Israel có thể giúp ngăn chặn các cuộc tấn công và bảo đảm hòa bình lâu dài, ngăn ngừa thiệt hại vĩnh viễn đối với các cấu trúc chính trị, an ninh và xã hội của khu vực và thế giới”.

Trong bài phát biểu gần đây trước các quan chức đảng, Tổng thống Erdogan bày tỏ sự chỉ trích mạnh mẽ cộng đồng LGBTQI liên quan đến lễ khai mạc Thế vận hội Olympic ở Paris. Ông đề cập rằng ông đã từ chối lời mời từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới tham dự buổi lễ sau khi cháu gái 13 tuổi của ông cảnh báo ông về sự kiện LGBTQI trong chương trình. Erdogan lên án buổi lễ, nói rằng, “Những gì đang được tìm kiếm ở Paris là một kế hoạch hạ thấp con người xuống dưới mức động vật” và tuyên bố rằng “nhóm vận động hành lang LGBTQI đang bắt giữ con tin phương Tây.” Ông cũng nhận xét rằng “cảnh tượng khét tiếng ở Paris đã xúc phạm không chỉ thế giới Công Giáo và Kitô Giáo nói chung, mà còn cả người Hồi Giáo chúng ta”.


Source:Orthodox Times

3. Tuyên bố của Lutheran-Orthodox kêu gọi đọc Kinh Tin Kính mà không có công thức Filioque

Trong Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicê-Constantinôpôli, đoạn nói về Chúa Thánh Thần, chúng ta đọc:

“Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra” trong đoạn, “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống; Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con; Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.”

Lời tuyên xưng “và Đức Chúa Con” được gọi là công thức Filioque. Chữ Filioque là tiếng Latinh, nghĩa là “và bởi Đức Chúa Con”.

Ủy ban Quốc tế Hỗn hợp về Đối thoại Thần học giữa Liên đoàn Thế giới Lutheran và Giáo hội Chính thống đã công bố một tuyên bố chung về phần Filioque.

Trong tuyên bố chung ký ngày 27 tháng 5 và được công bố hôm 30 tháng 7 vừa qua, ủy ban cho biết: “Chúng tôi biết rằng Filioque đã được Giáo hội Latinh đưa vào Kinh Tin kính Nicê-Constantinôpôli để đáp lại tà giáo Arianô. “Đánh giá văn bản Kitô giáo cổ xưa và đáng kính nhất này, chúng tôi đề nghị sử dụng bản dịch từ nguyên bản tiếng Hy Lạp, nghĩa là không có phần Filioque với hy vọng rằng điều này sẽ góp phần hàn gắn những chia rẽ lâu đời giữa các cộng đồng của chúng ta.”

Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, cho biết như sau:

Điều 246: Công thức theo truyền thống Latinh tuyên xưng rằng Chúa Thánh Thần “bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra.” Công đồng Florentina, năm 1439, giải thích: “Chúa Thánh Thần… có bản tính và hữu thể của Ngài bởi Chúa Cha và một trật bởi Chúa Con, và từ đời đời Ngài xuất phát bởi Hai Ngôi như bởi một nguyên lý duy nhất và bởi một hơi thở duy nhất… Và bởi vì mọi sự, vốn là của Chúa Cha, chính Chúa Cha đã ban cho Con Một khi sinh ra Con Một, trừ cương vị làm Cha, nên việc Thần Khí xuất phát bởi Chúa Con, thì từ đời đời Chúa Con có việc xuất phát đó là bởi Chúa Cha, Đấng cũng sinh ra Chúa Con từ đời đời.”

Điều 247: Lời khẳng định “và bởi Đức Chúa Con” (Filioque) không có trong Kinh Tin Kính công bố năm 381 tại Constantinôpôli. Nhưng thánh Giáo Hoàng Lêô, dựa theo truyền thống cổ xưa của Latinh và Alexandria, đã công bố điều này như một tín điều vào năm 447,57 trước khi Rôma, tại Công đồng Chalcêđônia năm 451, biết đến và tiếp nhận Kinh Tin Kính của năm 381. Việc sử dụng công thức này trong Kinh Tin Kính được dần dần đưa vào phụng vụ Latinh (từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 11). Tuy nhiên, việc phụng vụ Latinh đưa công thức Filioque vào trong Kinh Tin Kính Nicê – Constantinôpôli, đã tạo nên sự bất đồng, mãi cho đến nay, với các Giáo Hội Chính Thống.

Điều 248: Truyền thống Đông phương trước hết diễn tả rằng Chúa Cha là cội nguồn thứ nhất của Chúa Thánh Thần. Khi tuyên xưng Chúa Thánh Thần “xuất phát từ Chúa Cha” (Ga 15:26), truyền thống đó xác quyết Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha qua Chúa Con (a Patre per Filium procedere). Còn truyền thống Tây phương trước hết xác quyết sự hiệp thông đồng bản thể giữa Chúa Cha và Chúa Con, khi nói rằng Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con (ex Patre Filioque procedere). Truyền thống này nói như vậy là “hợp pháp và hợp lý”, bởi vì theo trật tự vĩnh cửu giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa trong sự hiệp thông đồng bản thể, Chúa Cha, với tư cách là “nguyên lý không có khởi đầu”, là cội nguồn thứ nhất của Chúa Thánh Thần, nhưng còn với tư cách là Cha của Con duy nhất, thì Chúa Cha là nguyên lý duy nhất cùng với Con của Ngài, từ đó, Chúa Thánh Thần xuất phát “như từ một nguyên lý duy nhất.” Sự bổ túc hợp pháp này, nếu không bị thổi phồng, thì không tác động gì đến sự đồng nhất của đức tin vào thực tại của cùng một mầu nhiệm được tuyên xưng.