Trong Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicê-Constantinôpôli, đoạn nói về Chúa Thánh Thần, chúng ta đọc:

“Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra” trong đoạn, “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống; Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con; Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.”

Lời tuyên xưng “và Đức Chúa Con” được gọi là công thức Filioque. Chữ Filioque là tiếng Latinh, nghĩa là “và bởi Đức Chúa Con”.

Ủy ban Quốc tế Hỗn hợp về Đối thoại Thần học giữa Liên đoàn Thế giới Lutheran và Giáo hội Chính thống đã công bố một tuyên bố chung về phần Filioque.

Trong tuyên bố chung ký ngày 27 tháng 5 và được công bố hôm 30 tháng 7 vừa qua, ủy ban cho biết: “Chúng tôi biết rằng Filioque đã được Giáo hội Latinh đưa vào Kinh Tin kính Nicê-Constantinôpôli để đáp lại tà giáo Arianô. “Đánh giá văn bản Kitô giáo cổ xưa và đáng kính nhất này, chúng tôi đề nghị sử dụng bản dịch từ nguyên bản tiếng Hy Lạp, nghĩa là không có phần Filioque với hy vọng rằng điều này sẽ góp phần hàn gắn những chia rẽ lâu đời giữa các cộng đồng của chúng ta.”

Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, cho biết như sau:

Điều 246: Công thức theo truyền thống Latinh tuyên xưng rằng Chúa Thánh Thần “bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra.” Công đồng Florentina, năm 1439, giải thích: “Chúa Thánh Thần… có bản tính và hữu thể của Ngài bởi Chúa Cha và một trật bởi Chúa Con, và từ đời đời Ngài xuất phát bởi Hai Ngôi như bởi một nguyên lý duy nhất và bởi một hơi thở duy nhất… Và bởi vì mọi sự, vốn là của Chúa Cha, chính Chúa Cha đã ban cho Con Một khi sinh ra Con Một, trừ cương vị làm Cha, nên việc Thần Khí xuất phát bởi Chúa Con, thì từ đời đời Chúa Con có việc xuất phát đó là bởi Chúa Cha, Đấng cũng sinh ra Chúa Con từ đời đời.”

Điều 247: Lời khẳng định “và bởi Đức Chúa Con” (Filioque) không có trong Kinh Tin Kính công bố năm 381 tại Constantinôpôli. Nhưng thánh Giáo Hoàng Lêô, dựa theo truyền thống cổ xưa của Latinh và Alexandria, đã công bố điều này như một tín điều vào năm 447,57 trước khi Rôma, tại Công đồng Chalcêđônia năm 451, biết đến và tiếp nhận Kinh Tin Kính của năm 381. Việc sử dụng công thức này trong Kinh Tin Kính được dần dần đưa vào phụng vụ Latinh (từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 11). Tuy nhiên, việc phụng vụ Latinh đưa công thức Filioque vào trong Kinh Tin Kính Nicê – Constantinôpôli, đã tạo nên sự bất đồng, mãi cho đến nay, với các Giáo Hội Chính Thống.

Điều 248: Truyền thống Đông phương trước hết diễn tả rằng Chúa Cha là cội nguồn thứ nhất của Chúa Thánh Thần. Khi tuyên xưng Chúa Thánh Thần “xuất phát từ Chúa Cha” (Ga 15:26), truyền thống đó xác quyết Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha qua Chúa Con (a Patre per Filium procedere). Còn truyền thống Tây phương trước hết xác quyết sự hiệp thông đồng bản thể giữa Chúa Cha và Chúa Con, khi nói rằng Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con (ex Patre Filioque procedere). Truyền thống này nói như vậy là “hợp pháp và hợp lý”, bởi vì theo trật tự vĩnh cửu giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa trong sự hiệp thông đồng bản thể, Chúa Cha, với tư cách là “nguyên lý không có khởi đầu”, là cội nguồn thứ nhất của Chúa Thánh Thần, nhưng còn với tư cách là Cha của Con duy nhất, thì Chúa Cha là nguyên lý duy nhất cùng với Con của Ngài, từ đó, Chúa Thánh Thần xuất phát “như từ một nguyên lý duy nhất.” Sự bổ túc hợp pháp này, nếu không bị thổi phồng, thì không tác động gì đến sự đồng nhất của đức tin vào thực tại của cùng một mầu nhiệm được tuyên xưng.


Source:Luthern World