Thế vận hội Olympia mùa Hè XXXIII. được tổ chức từ ngày 26.07. đến 11.08.2024 ở thủ đô Paris bên nước Pháp.

Ngay từ thời thượng cổ năm vào khoảng 776 - 775 trước Chúa giáng sinh (v. Chr.) đã có hội lễ thể thao Olympia kính thờ thần Zeus bên Hy lạp, như sử sách còn ghi chép để lại.

Olympia là hội lễ thể thao có nguồn gốc từ thời cổ xa xưa bên Hy Lạp để tôn kính các Thần Thánh. Người Hy Lạp ngày xưa tổ chức hội lễ thi đấu thể thao vừa để giải trí, vừa nhằm luyện tập thân xác cho khoẻ mạnh tráng kiện, và qua đó tinh thần cũng trở nên tỉnh táo minh mẫn. Và khi đó họ chỉ tổ chức Olympia vào mùa Hè cho các bộ môn thể thao mùa Hè thôi.

Những cuộc tranh tài lễ hội Olympia được tổ chức cứ bốn năm một lần cho tới thế kỷ thứ ba sau Chúa giáng sinh. Vào năm 394 sau Chúa giáng sinh, hoàng đế của đế quốc Roma, Theodosius I. ra chiếu chỉ cấm hẳn những sinh hoạt lễ hội Olympia. Từ thời điểm đó không còn lễ hội thể thao Olympia nữa.

Lễ hội thể thao Olymlia không chỉ chú trọng đến thân thể tráng kiện cùng vui giải trí, nhưng còn chú trọng đến khía cạnh đạo giáo tinh thần. Vì thế giữa các cuộc thi đấu thể thao họ dành giờ rước kiệu ca hát tôn kính các Thần Thánh của người Hylạp. Họ đặt ra luật lệ trong suốt thời gian diễn ra các cụôc tranh tài thể thao không được gây ra chiến tranh xung đột.

Các vận động viên tham dự các cuộc tranh tài phải có bộ mặt vui tươi, và khi luyện tập cũng như khi thi đấu họ phải biểu lộ sự chân thành, cái đẹp cái hay của nghệ thuật không được chơi xấu, vì thể thao là môn nghệ thuật nói lên sự dẻo dai uyển chuyển của thân xác.

Cùng qua hội lễ thi đấu thể thao Olympia có những cuộc gặp gỡ trao đổi tạo nên tình thân hữu với nhau.     

Thánh Phaolô ví cuộc sống trần gian của chúng ta là một cuộc chạy đua trên vận động trường trên đường về quê hương trên trời với Thiên Chúa. Phần thưởng đạt được không phải huy chương vàng bạc hay đồng, nhưng là triều thiên chiến thắng không bao giờ hư nát, tức là đời sống hạnh phúc trên trời. ( 1cor 9, 24-25) 

Ðến năm 1894 Pierre Baron de Coubertin, người Pháp, đã đưa ý kiến làm sống lại truyền thống thể thao Olympia.

Bá Tước Coubertin sinh ngày 01.01.1863 ở Paris. Ông là người con thứ tư của một gia đình thuộc hàng qúy tộc sinh sống gần khu lâu đài Versailles bên Paris. Ông đã lần lượt học chuyên ngành về Nghệ thuật, ngành Ngôn ngữ học và ngành Luật ở đại học Sorbonne bên Pháp.

Khi ra trường Ông trở thành nhà giáo dục môn sư phạm, nhà nghiên cứu lịch sử,và nhà chuyên môn về thể thao. Ông du lịch qua nhiều nước quan sát học hỏi về sư phạm cũng như  thể thao. Sau cùng Ông đã cùng với Thomas Arnold đi đến niềm xác tín về con đường mới trong ngành đào tạo giáo dục nhất là qua môn thể thao làm sao tinh thần và thể xác phải dẫn đưa đến hòa hợp cho toàn thể con người.

Từ năm 1880 Ông đi nghiên cứu khai quật tàn tích lịch sử văn hóa Olympia bên Hylạp thời thượng cổ ngày xưa. Nơi đây Ông đã tìm thấy những ảnh hưởng cùng hứng thú gợi ý trong việc khôi phục làm sống lại Olympia đã bị chết mai một: Olympia góp phần xóa bỏ sự ích kỷ của một dân tộc để biến đổi thành nền hòa bình cho cả thế giới.

Năm 1894 Ông thành lập Ủy ban Olympia quốc tế (ICO) và chính Ông là vị Tổng thư ký tiên khởi. Bá tước De Coubertin qua đời ngày 02.09.1937 ở Geneve, bên Thụy Sỹ. Sau khi qua đời, trái tim của Ông được chôn cất trong đài kỷ niệm Olympia ở bên Thụy Sỹ. 

Nhưng Ông là người không đồng ý thành lập Olympia mùa Đông. Vì Ông cho rằng ngay từ thời xa xưa bên Hylạp, nơi là nguồn gốc của Olympia không có tổ chức Olympia mùa Đông. Mãi tới khi Ông Coubertin rút lui khỏi sân khấu ban tổ chức, Olympia mùa Đông mới được khai sinh. Olympia mùa Đông lần thứ nhất được tổ chức 1924 ở vùng Chambonix bên Pháp. Và như Olympia mùa Hè, Olympia mùa Đông cũng được tổ chức bốn năm một lần.

Ngày 06.04.1896 Olympia trong thời đại mới lần thứ nhất được tổ chức ở thủ đô Athen nước Hylạp với sự tham dự của 60.000 người, có 295 nhà thể thao tham dự thi đấu tranh tài đến từ 13 quốc gia trên thế giới.

Hội điền kinh thế giới tổ chức Olympia nhằm khuyến khích phong trào thể thao luyện tập sức khoẻ, khuyến khích các tài năng phát triển qua các cuộc thi đấu treo giải thưởng huy chương cho những ai, những dân tộc nào thắng cuộc, và cổ vũ cho mọi dân tộc xích laị gần nhau qua thể thao.

Nên hình ảnh dấu hiệu của Olympia là năm vòng tròn tượng trưng cho năm châu lục được vẽ hay khắc đan vào nhau như các mắt xích liên kết với nhau. Năm vòng tròn với năm mầu sắc khác nhau nói lên đặc điểm của mỗi châu lục:

-   Vòng mầu xanh da trời tượng trưng cho Châu đại dương hay còn gọi là Úc châu.
-   Vòng mầu vàng tượng trưng cho Á châu
-    Vòng mầu xanh lá cây tượng trưng cho Âu châu     
-    Vòng mầu đen tượng trưng cho Phi châu
-    Vòng mầu đỏ tượng trưng cho Mỹ châu

 Năm vòng tròn với năm mầu sắc khác nhau cũng nói lên những đặc tính của Olympia: Hoà bình, Vui tươi, Khoẻ mạnh, Chân thành và Tình bằng hữu.

Năm vòng tròn tượng trưng cho năm châu lục trên thế giới được vể thêu trên lá cờ Olympia nền mầu trắng. Và Bá tước Pierre de Coubertin đã có suy tư về ý nghĩa của sáu mầu lá cờ Olympia “ Hình thể tượng trưng của lá cờ Olympia mang ý nghĩa: Năm mầu sắc của vòng tròn chỉ về năm vùng trái đất địa cầu cùng chung hợp chuyền động nơi lễ hội thể thao Olympia. Mầu thứ sáu ( mầu trắng) trong tương quan với những lá cờ quốc gia của thế giới ngày hôm nay.”

„Thể thao là một ngôn ngữ phổ quát vượt qua biên giới, ngôn ngữ, chủng tộc, quốc tịch và tôn giáo; nó có khả năng đoàn kết mọi người, khuyến khích đối thoại và chấp nhận lẫn nhau; nó kích thích sự vượt qua chính mình, hình thành tinh thần hy sinh, nuôi dưỡng lòng trung thành trong mối quan hệ giữa các cá nhân; nó mời mọi người nhận ra giới hạn của chính mình và giá trị của người khác. Thế vận hội Olympic, nếu chúng vẫn thực sự là “trò chơi”, thì có thể là nơi gặp gỡ đặc biệt giữa các dân tộc, ngay cả những quốc gia thù địch nhất. Năm vòng tròn liên kết với nhau tượng trưng cho tinh thần huynh đệ đặc trưng của sự kiện Olympic và các cuộc thi đấu thể thao nói chung.

Vì vậy, tôi hy vọng rằng Thế vận hội Paris sẽ là một cơ hội không thể bỏ qua để tất cả những người đến từ khắp nơi trên thế giới khám phá và trân trọng lẫn nhau, phá bỏ những thành kiến, nuôi dưỡng lòng quý trọng ở những nơi có sự khinh thường và ngờ vực, cũng như tình bạn ở những nơi có hận thù. Về bản chất, Thế vận hội Olympic là về hòa bình chứ không phải chiến tranh.”(Thư Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi đức Tổng gíam mục Paris ngày 19.07.2024, Vietctholic news.)

Không chỉ lá cờ Olympia với năm vòng tròn tượng trưng cho năm châu lục được long trọng rước kéo lên cột cờ trên sân vận động Olympia, nhưng ngọn lửa Olympia cũng được rước vào ngày lễ khai mạc, và được đốt cháy sáng trong suốt thời gian diễn ra lễ hội thể thao Olympia.

Lửa Olympia được lấy trực tiếp từ ánh nắng mặt trời, ở tại chính vận động trường Olympia ngày xưa đã diễn ra Olympia bên Hylap. Ðây là một vận động trường nhỏ ngày xưa thời thượng cổ xây có sân vận động, có nhiều ngôi đền thờ trong khuôn viên để tôn kính thần Zeus. Bây giờ khu vận động trường Olympia lịch sử chỉ còn lại những tàn tích đổ nát.

Và cứ gần tới lễ hội Olympia được tổ chức nơi đâu trên thế giới, lại có lễ lấy lửa Olympia. Ngọn lửa đó được gìn giữ rước vòng quanh các nước, các thành phố cho tới ngày khai mạc Olympia rước vào vận động trường nơi tổ chức Olympia.

 Ðức thánh cha Benedicto XVI. đã có suy tư khi làm phép chúc lành ngọn đuốc Olympia tại quảng trường Thánh Phero, lúc ngọn đuốc Olympia hôm 05.02.2006 được rước tới đó.

“ Ngọn lửa này nhắc người tín hữu Chúa Kitô nhớ đến Ngôi Lời Thiên Chúa đã xuống trần gian làm người, cùng chung sống trong mọi hoàn cảnh con người. Vâng có cả thể thao nữa, và đồng thời Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng soi chiếu trong trần gian. Chúa Giêsu con Thiên Chúa đã chấp nhận hóa thành người có thân xác, trừ tội lỗi ra. Ngài đã sống trải qua những chặng biến cố, kể cả thể thao của con người chúng ta dưới sự hướng dẫn soi sáng của Thiên Chúa. Ðể những gía trị của cá nhân cũng như tập thể trên mọi phương diện được thanh luyện và nâng cao.”

Lễ hội thể thao Olympia có những cuộc thi đua tranh tài các bộ môn điền kinh thể thao. Người thắng cuộc được tưởng thưởng hạng nhất bằng Huy chương vàng, hạng nhì Huy chương bạc và hạng ba Huy chương đồng. Tranh tài thuộc về quy luật trong đời sống. Có thế cuộc sống mới phát triển, mới trăm hoa đua nở! Nhưng phải trong tinh thần cao thượng thể thao, tôn trọng sự chân thật.

Thành tích thi đua ở lễ hội thể thao Olympia được tóm tắt với khẩu hiệu: Citius – Altius – Fortius – Nhanh hơn – Cao hơn và khoẻ mạnh dẻo dai hơn!

Mens sana in corpore sano - Tâm hồn lành mạnh trong một thân xác khỏe mạnh!

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long