1. Nhà nước Hồi giáo ISIS tái xuất hiện tại Iraq

Tổ chức nhà nước Hồi giáo ISIS tái xuất hiện tại Iraq và trong sáu tháng đầu năm nay đã mở 153 cuộc tấn công. Trước tình trạng đó, Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Giáo chủ Công Giáo Canđê, đã gặp thủ tướng nước này để bày tỏ quan tâm.

Hãng tin Asia News cho biết Mỹ đã báo động với chính phủ Iraq trước nguy cơ này. Cách đây 10 năm, phong trào Hồi giáo cực đoan ISIS đã bành trướng và kiểm soát tới một nửa nước Iraq.

Theo phúc trình của Bộ chỉ huy trung ương Hoa Kỳ, gọi tắt là Centcom, trong sáu tháng qua, lực lượng ISIS đã tự nhận là tác giả của 153 vụ tấn công tại Iraq và Syria, khiến người ta nghĩ rằng đây là một toan tính phục hồi, sau nhiều năm bị mất tiềm năng. So với năm ngoái, các vụ tấn công trong năm nay gia tăng gấp đôi, tuy rằng người ta chưa hoàn toàn chắc chắn về các con số.

Hôm 18 tháng Bảy vừa qua, Thủ tướng Iraq, ông Mohammed Shia al Sudani, đã tiếp kiến Đức Hồng Y Sako và một phái đoàn giám mục của Thượng Hội đồng Giáo Hội Công Giáo Canđê. Trong buổi tiếp kiến, thủ tướng bày tỏ sự hỗ trợ và liên đới với Đức Hồng Y Thượng phụ, trong cuộc đụng độ với tổng thống Iraq vì ông đã công bố sắc lệnh không nhìn nhận thẩm quyền của Đức Thượng phụ về vấn đề tài sản của Giáo hội. Để phản đối việc làm của tổng thống, Đức Hồng Y Thượng phụ và rời bỏ thủ đô Baghdad và di chuyển lên thành phố Erbil, thuộc miền Kurdistan. Thủ tướng cũng ca ngợi các tín hữu Kitô đã biết đương đầu với các thảm kịch và nạn khủng bố, loại bỏ những cám dỗ gây chia rẽ giữa những người dân Iraq. Và Đức Thượng phụ Sako kết luận rằng: điều cần thiết là tất cả mọi người được tự do hành đạo và những tài nguyên lớn lao của Iraq được sử dụng để bảo đảm sự ổn định trong toàn vùng, từ Gaza đến Syria và tận Liban, nơi vẫn còn những xung đột và bạo lực.

Hôm 19 tháng Bảy vừa qua, Thượng Hội đồng của Giáo Hội Công Giáo Canđê đã kết thúc sau năm ngày họp. Trong thông cáo, Đức Hồng Y Sako đã cám ơn thủ tướng đã nhìn nhận ngài là thủ lãnh của Giáo Hội Công Giáo Canđê và các tổ chức của Giáo hội, qua đó, ông chấm dứt những căng thẳng trong nhiều tháng qua với tổng thống. Đức Hồng Y hy vọng có một nỗ lực chung để đạt tới hòa bình và ổn định, bằng cách áp dụng luật pháp, tái lập sự thống nhất đất nước và củng cố quyền công dân”.

Thông cáo của Đức Hồng Y Sako cho biết: Đứng trước sự “hấp hối” của các tín hữu Kitô, điều cần là phải là bênh vực các quyền bình đẳng của họ về việc có các đại diện và có công ăn việc làm, chống lại sự “tịch thu các tài sản do ý muốn của bất kỳ đảng phái chính trị”.

Đức Hồng Y cũng nhắc đến chiến tranh tại Thánh địa, giữa Israel và Hamas, với những hậu quả đối với toàn vùng, và ngài cùng với Thượng Hội đồng của Giáo hội Canđê, bày tỏ lo âu nghiêm trọng, đồng thời khẳng định rằng giải pháp tốt nhất tại Thánh địa, là thiết lập hai quốc gia sống cạnh nhau trong hòa bình, an ninh, ổn định và tín nhiệm nhau”.

Sau cùng, Đức Hồng Y Thượng phụ Sako nhắc đến tương lai của các tín hữu Kitô ở Trung Đông và cho biết các giám mục trong Thượng Hội đồng của Giáo Hội Công Giáo Canđê. cùng với ngài tái kêu gọi các tín hữu hãy hiệp nhất, đoàn kết và liên đới: “Điều chính yếu liên kết chúng ta chính là đức tin và tổ quốc. Đoàn kết chính là sức mạnh và sự cứu thoát của chúng ta. Dù có những vết thương, chúng ta tiếp tục yêu mến đất nước và các công dân của chúng ta, và chúng ta muốn cộng tác với họ trong việc phổ biến một nền văn hóa sống chung, tôn trọng những khác biệt của những người khác và củng cố niềm hy vọng giữa lòng một xã hội bình đẳng và văn minh”.

2. Đức Giám Mục Đức phê bình Ủy ban Quốc tế về Thế vận hội loại bỏ Nga và Belarus

Đức Cha Stefan Oster, Dòng Don Bosco, Giám mục Giáo phận Passau và là vị đặc trách về thể thao, thuộc Hội đồng Giám mục Đức, phê bình Ủy ban quốc tế về thế vận Olympic, không cho các vận động viên của Nga và Belarus tham dự các cuộc tranh tài trong thế vận Olympic ở Paris, dưới lá cờ quốc gia của họ, vì hai nước này có chiến tranh với Ukraine. Họ chỉ có thể tham dự với những lá cờ trung lập mà thôi.

Hôm 18 tháng Bảy vừa qua, Đức Cha Oster viết trên mạng internet của Giáo phận Passau rằng “tôi cảm thấy không thể ủng hộ lập trường như thế. Mỗi vận động viên nam nữ phải được đứng dưới lá cờ quốc gia của mình. Tuy nhiên, các vị hữu trách chắc chắn đã cứu xét cẩn thận quyết định của họ trước những chiến tranh trên thế giới. Xét một cách cơ bản, tôi nghĩ thật là khó vạch một ranh giới khi một nước bị mất uy tín đến độ các vận động viên của nước đó không còn được phép tranh tài dưới lá cờ quốc gia của mình”. Trên thế giới không ít những quốc gia trong đó cả sự áp bức hoặc chiến tranh hay bách hại hiển trị. Nhưng người ta chỉ vạch ranh giới cho hai nước Belarus và Nga”.

Hồi tháng Mười Hai năm ngoái, Ủy ban thế vận quốc tế đã quyết định rằng các vận động viên đến từ Nga và Belarus, vì chiến tranh tấn công Ukraine kéo dài, nên họ chỉ có thể tham dự thế vận Paris dưới những lá cờ trung lập.

Dầu sao, Đức Cha Oster hy vọng thế vận Paris cũng có tác dụng hòa bình. Đức Cha chào đón những lời kêu gọi ngưng chiến ở các nơi trên thế giới trong thời kỳ thế vận, như ở Ukraine và Gaza. Trong thực tế, các cuộc tranh tài này hiển nhiên là không có ý nghĩa đủ. Dầu sao Đức Cha Oster hy vọng có sự cảm thông giữa các dân tộc nhân thế vận hội Olympic này.

3. Nhật ký trừ tà số 301: Nỗi đau thứ hai của địa ngục

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #301: The Second Suffering of Hell”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 301: Nỗi đau thứ hai của địa ngục”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ma quỷ luôn hạ nhục, đe dọa và hành hạ con người. Họ biết điểm yếu của mọi người và họ khai thác chúng. Ma quỷ đặc biệt hành hạ con người bằng những tội lỗi trong quá khứ, dùng chúng để coi thường, xé nát và cám dỗ họ tuyệt vọng. Những người bị quỷ ám đặc biệt là mục tiêu của những con quỷ liên tục quấy rối họ mà không có lòng trắc ẩn hay thương hại.

Chẳng hạn, chúng nhắc nhở người nghiện về những điểm yếu và tội lỗi trong quá khứ của họ, cám dỗ họ tái nghiện. Trong một trường hợp trừ tà của nhóm chúng tôi, lũ quỷ gần đây đã nhắn tin cho một người nghiện ma túy đang hồi phục: “Hãy tận hưởng việc hít heroin qua đường mũi. Không ai quan tâm hoặc thậm chí sẽ không để ý.” Và một lần nữa, “Hãy sử dụng heroin của bạn; đó là điều duy nhất mang lại cho bạn sự an ủi trong những thử thách và nỗi buồn.” Tương tự, một người nghiện rượu đang hồi phục bị ma nhập nhận thấy những chai rượu bí ẩn xuất hiện xung quanh mình và mùi rượu nồng nặc. Đối với một trong hai người, việc tái nghiện sẽ củng cố đáng kể sự kiểm soát của ma quỷ đối với họ.

Thánh Faustina, nữ tu người Ba Lan, người đã phổ biến lòng sùng kính Lòng Chúa Thương Xót, đã được Thiên Chúa cho thị kiến về địa ngục. Sơ ấy nói rằng có bảy nỗi đau khổ lớn nhất trong địa ngục: nỗi đau đầu tiên là mất khả năng nhìn thấy Chúa. Nhưng điều thứ hai là “lương tâm luôn hối hận”. Trong sự dằn vặt này, lương tâm vĩnh viễn lên án linh hồn vì tội lỗi của mình. Linh hồn nhìn thấy những gì Thiên Chúa muốn cho cuộc sống trần thế của mình, và nó nhìn thấy vô số lần nó từ chối Thiên Chúa và chọn làm điều ác.

Điều này đã được xác nhận bởi các vị thánh và nhà thần bí đã chứng kiến ma quỷ ở địa ngục hành hạ người đáng nguyền rủa. Những ác linh này không chỉ hành hạ họ về “thể xác”, mà đặc biệt hành hạ tâm trí họ, chế nhạo họ bằng mọi tội lỗi trong quá khứ của họ. Họ tìm cách hạ bệ họ, khiến họ cảm thấy mình vô dụng, không được yêu thương và không được tha thứ.

Ma quỷ mang theo hành vi địa ngục này khi chế nhạo người sống - người bị quỷ ám và con người nói chung. Chúng thích làm chúng ta đau khổ vì tội lỗi của mình một cách tàn bạo và khiến chúng ta tin rằng không có sự tha thứ hay sự giải thoát nào. Đáng buồn thay, điều này lại đúng với những linh hồn bị nguyền rủa; họ vĩnh viễn bị dày vò bởi tội lỗi của mình vì họ đã từ chối hết lần này đến lần khác nguồn mạch duy nhất của sự tha thứ là Thiên Chúa.

Nhưng đối với chúng ta, những người đang sống, khả năng được cứu độ vẫn còn. Thánh Gertrude Đại đế đã viết rằng, đối với những ai ăn năn sám hối và đón nhận sự tha thứ của Chúa Giêsu:

“Thiên Chúa không còn nhớ đến tội lỗi nữa…mặc dù vẫn còn một số dấu vết lỗi lầm của chúng ta, để nhắc nhở chúng ta ca ngợi lòng nhân lành của Chúa vì đã tha thứ chúng, và đã tuôn đổ ân huệ của Ngài trên chúng ta như thể chúng ta chưa hề xúc phạm đến Ngài. “