Theo một cuộc khảo sát do Vatican News thực hiện với các cơ quan hữu quan của Vatican, số lượng phụ nữ làm việc tại Vatican và số phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo ở đó đã tăng lên rõ rệt trong 10 năm đầu tiên dưới triều giáo hoàng của Đức Phanxicô.



Thực vậy, ngày 8 tháng 3 năm 2023, Ngày Quốc tế Phụ nữ, trang Vatican News đưa ra một cái nhìn tổng quan về sự hiện diện của các phụ nữ làm việc tại Vatican, sau 10 năm dưới triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Số phụ nữ được tuyển dụng ngày nay cho thừa tác vụ vụ của Đức Giáo Hoàng là 1,165, so với 846 vào năm 2013, một tỷ lệ phần trăm đã tăng từ 19.2 lên 23.4.

Chỉ riêng trong Giáo triều Rôma, hơn một phần tư nhân viên hiện nay là phụ nữ – con số tuyệt đối là 812 trên tổng số 3,114. 43% phụ nữ trong Giáo triều làm việc trong các ngành nghề thường đòi hỏi bằng đại học.

Phụ nữ cũng đã vươn lên vị trí lãnh đạo. Ngày nay, tại Tòa thánh, năm phụ nữ giữ các vị trí phó tổng thư ký và một giữ vị trí tổng thư ký. Được bổ nhiệm bởi Đức Giáo Hoàng, họ là một phần của nhóm lãnh đạo cùng với vị bộ trưởng.

Chính trong Bộ Phục vụ Sự Phát triển Con người Toàn diện, vào năm 2021, lần đầu tiên Đức Phanxicô đã bổ nhiệm một nữ tu làm tổng thư ký, chức vụ cao nhất từng được đảm nhiệm bởi một phụ nữ tại Tòa thánh.

Các nữ phó tổng thư ký được chỉ định cho các Thánh bộ về đời sống thánh hiến, giáo dân, gia đình và sự sống (hai nữ phó tổng thư ký), văn hóa và giáo dục, và cuối cùng là Văn phòng Quốc vụ khanh.

Văn phòng Tổng thư ký của Thượng hội đồng cũng có một nữ phó tổng thư ký là nữ tu người Pháp Nathalie Becquart.

Trong lịch sử, chính Đức Phaolô VI đã bổ nhiệm một phụ nữ làm thư ký cho Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân. Đức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm một nữ tổng thư ký mới cho Bộ Đời sống Thánh hiến.

“Dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các cuộc bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo đã tăng lên, mặc dù chưa đến 5% tất cả các vai trò lãnh đạo trong Giáo triều được ủy thác cho các phụ nữ và mặc dù chưa có vị trí bộ trưởng nào trong tư cách “số một” của một thẩm quyền Giáo triều". Tuy nhiên, Vatican News phân tích, “con đường đã được vạch ra: với Tông hiến Praedicate Evangelium năm 2022, Đức Phanxicô đã cho phép việc trong tương lai, giáo dân, và do đó phụ nữ, cũng có thể lãnh đạo một thánh bộ, nghĩa là trở thành bộ trưởng, chức năng trước đây chỉ dành cho các Hồng Y và tổng giám mục”.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12 năm ngoái, có tin cho thấy rõ, “Đức Phanxicô đã thông báo ý định bổ nhiệm nữ bộ trưởng đầu tiên trong tương lai gần”.

Tại Thị Quốc Vatican, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm hai phụ nữ vào các vị trí có trách nhiệm: vào năm 2016, Barbara Jatta, giám đốc Bảo tàng Vatican, và vào năm 2022, một nữ tu, tổng thư ký của Cơ quan Quản trị, một vai trò thường được giao cho một giám mục.

Đức Giáo Hoàng cũng đã bổ nhiệm những phụ nữ khác vào các vị trí mà họ có thể “gây ảnh hưởng đến Vatican trong khi vẫn duy trì sự độc lập của mình,” chẳng hạn như các thành viên nữ trong các cơ quan giáo triều, các vị trí cho đến nay vẫn dành cho các Hồng Y và một số giám mục, với quyền bỏ phiếu trong các phiên họp toàn thể.

Do đó, vào năm 2019, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm bảy bề trên nữ vào Bộ Tu sĩ. Tính đến năm 2020, tám Hồng Y và bảy giáo dân, trong đó có sáu phụ nữ, được đại diện trong Hội đồng Kinh tế gồm 15 thành viên.

Vào năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm hai nữ tu và một thành viên giáo dân vào Bộ Giám mục, nơi họ tham gia vào quá trình lựa chọn các giám mục cho Giáo hội hoàn vũ cùng với các Hồng Y và giám mục, giống như họ, là thành viên của Bộ.

Vatican News kết luận rằng dù Đức Phanxicô đã “tăng cường sự hiện diện, tính hiển thị và ảnh hưởng” của phụ nữ ở Vatican, nhưng, ngài vẫn cảnh cáo về nguy cơ “coi nhiệm vụ của phụ nữ trong Giáo hội và ở Vatican là 'một quan điểm thuần túy chức năng'. Trong cuốn sách Dream Again, Đức Phanxicô nói rằng ngài muốn “tạo ra những không gian nơi phụ nữ có thể lãnh đạo theo cách cho phép họ định hình văn hóa và bảo đảm để họ được trân qúi, tôn trọng và nhìn nhận”.

Giáo hội được thách thức mở rộng các hình thức lãnh đạo cho phụ nữ

Trong khi ấy, Elise Allen của CruxNow nhận định rằng khi thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, Giáo Hội Công Giáo đã được thách thức mở ra nhiều không gian hơn cho phụ nữ trong vai trò lãnh đạo, với một số nhóm kêu gọi quyền được thụ phong linh mục và khả năng thuyết giảng trong Thánh lễ, cũng như sửa đổi các giáo huấn về đạo đức tình dục.

Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giữ Ngày Quốc tế Phụ nữ, được cử hành hàng năm vào ngày 8 tháng 3, trong buổi tiếp kiến chung vào Thứ Tư, trong đó, ngài cảm ơn phụ nữ “vì sự cam kết của họ trong việc xây dựng một xã hội nhân bản hơn thông qua khả năng đón nhận thực tại bằng cái nhìn sáng tạo và trái tim dịu dàng”.

“Đây là một đặc ân chỉ dành cho phụ nữ,” ngài nói, và ban phép lành đặc biệt cho tất cả phụ nữ có mặt dịp này. Sau đó, ngài yêu cầu một tràng pháo tay dành cho phụ nữ và nói: "Họ xứng đáng được như vậy!"

Sau bài phát biểu của ngài, Đức Phanxicô đã gặp một nhóm nhỏ gồm các nữ đại sứ tại Tòa thánh và những phụ nữ đại diện cho các cộng đồng tín ngưỡng khác nhau có mặt tại buổi tiếp kiến; ngài dành vài phút để trò chuyện trước chia tay.

Sau buổi tiếp kiến của Đức Giáo Hoàng, đại sứ quán Úc tại Tòa thánh đã tổ chức một cuộc hội thảo trình bày hai nghiên cứu về phụ nữ và tính đồng nghị, một trong số đó được thực hiện bởi Đại học Newcastle, Úc, và nghiên cứu còn lại do Đài quan sát thế giới của Liên hiệp các tổ chức phụ nữ thế giới thực hiện.

Sau khi các báo cáo được trình bày, kết quả đã được nhận xét bởi các đại diện phụ nữ của các tín ngưỡng khác nhau, bao gồm các cộng đồng Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Do Thái, cũng như Hội đồng Giáo hội Thế giới (WCC).

Cả hai báo cáo đều phản ảnh sự thất vọng chung của phụ nữ Công Giáo, những người coi trọng đức tin Công Giáo của họ và mong muốn được công nhận đối với công việc họ làm, và tiếng nói của họ được lắng nghe. Hầu hết đều muốn thấy sự thay đổi, nhưng không có sự đồng thuận chung về việc chính xác sự thay đổi đó phải như thế nào.

Trong phần phát biểu dẫn nhập, đại sứ Úc tại Tòa thánh cho biết họ tổ chức biến cố này để bảo đảm rằng “tiếng nói của phụ nữ không chỉ được nghe mà còn được lắng nghe,” nhấn mạnh rằng sự bình đẳng và gắn kết xã hội “không thể đạt được nếu không giải quyết vấn đề bao gồm phụ nữ”.

Maria Lia Zervino, một trinh nữ tận hiến và là Chủ tịch của Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Thế giới (WUCWO), đã trình bày báo cáo đầu tiên. Bà cũng là một trong ba phụ nữ được Đức Phanxicô bổ nhiệm năm ngoái làm thành viên của Thánh Bộ Giám mục của Vatican và là cố vấn của Thánh Bộ Đối thoại Liên tôn của Vatican.

Nữ tu Zervino cho biết báo cáo của họ bắt đầu bằng cách tiếp cận với những phụ nữ đang chính thức hỗ trợ quá trình đồng nghị ở cấp giáo phận, quốc gia hoặc lục địa cho Thượng Hội đồng Giám mục đang diễn ra của Đức Phanxicô về tính đồng nghị.

Là một phần của giai đoạn đầu, họ đã nói chuyện với hai đến ba phụ nữ từ mỗi châu lục và mở rộng quy trình từ đó, gửi đi một cuộc khảo sát gồm 10 câu hỏi để được trả lời ẩn danh bởi những phụ nữ tham gia một cách nào đó vào quá trình thượng hội đồng.

Nữ tu Zervino nói, mục tiêu là nhận được phản hồi từ 50 phụ nữ. Kể từ khi cuộc khảo sát được triển khai vào ngày 1 tháng 2 bằng sáu ngôn ngữ, đã có hơn 400 phản hồi và dự kiến sẽ có nhiều phản hồi hơn nữa trước khi cuộc khảo sát kết thúc vào ngày 15 tháng 3.

Hầu hết những người tham gia cuộc khảo sát đến từ các quốc gia Phương tây nói tiếng Anh ở Bắc Mỹ và Châu Âu, với ít tiếng nói hơn nhiều đến từ Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Caribê.

Các câu hỏi chính đặt ra cho phụ nữ liệu họ có cảm thấy ý kiến của mình được lắng nghe hay không và liệu họ có tham gia vào quá trình ra quyết định hay không, cũng như những trở ngại và thách thức mà họ gặp phải về sự tham gia của phụ nữ và cách thực hiện các phát hiện của Thượng hội đồng.

Theo Nữ tu Zervino, hầu hết phụ nữ cho biết họ cảm thấy mình được lắng nghe và được tham gia vào quá trình ra quyết định, tuy nhiên, một phần đáng kể lại nói không.

Xét chung, phụ nữ cho biết hầu hết các trở ngại đối với sự tham gia của họ phát xuất từ các thừa tác viên thụ phong, và phần lớn cho rằng chủ nghĩa giáo sĩ trị và cấu trúc thượng phụ là một trong những thách thức lớn nhất đối với phụ nữ, kể cả trong tương lai.

Các phụ nữ tham gia cuộc khảo sát cho biết họ muốn thấy có sự tập chú vào những thay đổi trong cơ cấu lãnh đạo nhằm cho phép phụ nữ tiếp cận các vị trí hàng đầu.

Phụ nữ từ Bắc Mỹ và Châu Âu, chiếm đa số trong số những người tham gia cuộc khảo sát này, đã kêu gọi phong chức phó tế và nữ linh mục, cũng như sự hội nhập nhiều hơn của các nhóm “bị gạt ra bên lề” trong Giáo Hội, chẳng hạn như cộng đồng LGBTQ và những người Công Giáo đã ly hôn và tái hôn.

Cuộc khảo sát thứ hai, được thực hiện bởi Đại học Newcastle và được trình bày bởi nhà thần học và xã hội học người Úc về tôn giáo và phái tính Tracy McEwan, hiện là phó chủ tịch của WATAC (Phụ nữ và Giáo hội Úc), cũng cho kết quả tương tự.

Theo một báo cáo về kết quả của cuộc khảo sát, thu hút sự tham gia của khoảng 17,200 phụ nữ từ 104 quốc gia, hầu hết trong số này cũng là các quốc gia phương Tây nói tiếng Anh, khoảng 79 phần trăm người tham gia cho biết phụ nữ nên được đưa vào “tất cả các cấp” lãnh đạo của Giáo Hội, và khoảng 84 phần trăm cho biết cải cách là điều cần thiết.

Hầu hết đồng ý rằng chủ nghĩa giáo sĩ trị, được định nghĩa là “sự lạm dụng thẩm quyền và quyền lực của các nam giáo sĩ,” là một vấn đề tiềm ẩn gây tổn hại cho Giáo Hội, và nhiều người cũng cho rằng người Công Giáo LGBTQ nên được tham gia và tôn trọng đầy đủ hơn trong đời sống Giáo Hội, cũng như những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn, và gia đình cha mẹ đơn thân.

Báo cáo đã liệt kê 20 phát hiện chính, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin Công Giáo đối với những người tham gia, cũng như sự thất vọng về một số kinh nghiệm sống.

Người ta bày tỏ lo ngại về sự phổ biến liên tục của các hình thức lạm dụng khác nhau trong Giáo Hội, cũng như lạm dụng quyền lực và thiếu trách nhiệm giải trình và minh bạch trong giới lãnh đạo và quản trị Giáo Hội, đặc biệt khi liên quan đến các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục của giáo sĩ và tham nhũng tài chính.

Phân biệt chủng tộc cũng là một mối lo ngại, và “sự ủng hộ mạnh mẽ” đã được bày tỏ đối với việc “bao gồm đầy đủ” phụ nữ trong tất cả các vị trí lãnh đạo và quản trị, với một số lời kêu gọi phụ nữ giảng trong Thánh lễ và ủng hộ việc phụ nữ được phong chức phó tế hoặc chức linh mục.

Những người được hỏi cũng bày tỏ mong muốn của họ về “sự tự do lương tâm” nhiều hơn khi nói đến việc ra quyết định về tình dục và sinh sản, cũng như hành động nhiều hơn đối với các vấn đề như biến đổi khí hậu, công bằng kinh tế và nghèo đói.

Những người tham gia muốn một mô hình ít độc đoán và phẩm trật hơn, nhưng không có sự đồng thuận về sự thay đổi này. Theo báo cáo, “hầu hết những người được hỏi đều tìm kiếm một số hình thức cải cách, có một nhóm nhỏ hơn chỉ trích sự thay đổi như một sự thỏa hiệp với các xu hướng thế tục.”

Một danh sách gồm 14 khuyến nghị bao gồm các đề xuất rằng Giáo Hội Công Giáo tăng cường khả năng phụ nữ và giáo dân nói chung được tiếp cận với các vai trò lãnh đạo và ra quyết định, bao gồm “quyền đại diện bình đẳng trong các Thượng hội đồng” và sự đa dạng của phụ nữ Công Giáo được công nhận đầy đủ hơn trong vai trò lãnh đạo, trong các tài liệu và thực hành.

“Cải cách ngay lập tức” cũng được khuyến nghị cho các hướng dẫn nhằm loại bỏ lạm dụng tình dục, lạm dụng tinh thần, thể chất và tình cảm và báo cáo những lạm dụng này cho chính quyền dân sự. Các điều khoản cho việc đào tạo nhiều hơn và giám sát chặt chẽ hơn các đại diện Giáo Hội cũng được khuyến nghị.

Đề xuất cũng được đưa ra để Giáo Hội phát triển một bộ hướng dẫn về phẩm giá con người và sự bình đẳng nhằm chấm dứt phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa duy khả năng [ableism] và bất cứ hình thức phân biệt đối xử nào khác.

Các khuyến nghị khác nhắm tham nhũng và quản lý tài chính yếu kém, và trả lương công bằng cho nhân viên Giáo Hội, cũng như hành động đối với các vấn đề như nghèo đói, biến đổi khí hậu, chiến tranh và bất công kinh tế.

Người ta cũng khuyến nghị rằng các linh mục và giám mục không được rao giảng về các vấn đề chính trị đảng phái, và “việc lắng nghe và đối thoại một cách tôn trọng” phải được tạo điều kiện thuận lợi để hàn gắn những chia rẽ về thần học và ý thức hệ.

McEwan cho biết bà tin rằng dữ kiện thu thập được trong báo cáo sẽ là một “nguồn tài nguyên đáng kinh ngạc” cho nghiên cứu trong tương lai và các sáng kiến tương tự khác.

Bà bênh vực các khuyến nghị của báo cáo, nói rằng mặc dù thiếu sự đồng thuận từ tất cả những người tham gia, với một số phụ nữ bày tỏ “quan điểm khá bảo thủ không ủng hộ” về các vấn đề như việc thụ phong linh mục cho phụ nữ và thay đổi trong giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề LGBTQ, chúng được phát triển dựa trên một sự đồng thuận đa số sau khi phân tích chuyên đề chặt chẽ.