Mùa Ngắm Nhìn Thật Rõ Đức Kitô Đang Sống - Thứ Tư Lễ Tro 2020

Từ năm “Con Lợn” bước qua năm “Con Chuột” nầy, đột nhiên hai cái món “TIỀN” và “ĐẤT” bỗng dưng gây “sốc”.

Cái “sốc” đầu tiên liên quan tới “TIỀN” đó là câu phát ngôn của một “đại gia cà-phê” xung quanh vụ án “chia tay và chia của” thuộc gia đình của đại gia nầy: “Tiền nhiều để làm gì?”.

Cái sốc thứ hai liên quan tới ĐẤT” ở làng Đan Phượng, Hà Nội: chỉ vì tranh giành 0,5m đất mà người anh trai thảm sát cả nhà em trai.

Cái sốc thứ ba cũng liên quan đến “ĐẤT” ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm: Từ việc tranh chấp đất đai cả xã Đồng Tâm gần như mất trắng những ngày đầu xuân Nguyên Đán, nhất là sau vụ cụ Lê Đình Kình bị thảm sát cùng một số người khác có liên quan.

Cái sốc thứ tư là có người ở thành phố Vũ Hán, vì thất vọng trước viễn cảnh đen tối của cơn đại dịch “Coronavirus” nên đã “quăng tiền qua cửa sổ”.

Xem ra, “TIỀN” hay “ĐẤT”, trong một khía cạnh nào đó, luôn mang theo hai hệ luỵ: một đàng chỉ là “ảo ảnh phù vân” (Tiền nhiều để làm gì), một đàng trở thành một thứ bùa mê thuốc lú khiến con người đánh mất cả lương tri, lương thiện và tình người. Hay nói theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Sứ điệp Mùa Chay 2020, nếu chúng ta nghe theo hay bị dẫn dắt bởi “cha kẻ dối trá”, chúng ta sẽ rơi vào “vực thẳm vô nghĩa” hay biến trái đất trở thành địa ngục: “Ngược lại, nếu chúng ta lắng nghe tiếng nói dụ dỗ của “cha kẻ dối trá” (x. Ga 8,45), chúng ta có nguy cơ chìm trong vực thẳm vô nghĩa, khi trải nghiệm địa ngục ngay ở đây trên trái đất, như chúng ta chứng kiến nhiều biến cố bi thảm trong kinh nghiệm cá nhân và tập thể của con người.” (SĐMC 2020).

Quả thật, một cuộc đời, nếu chỉ được xây dựng và định hướng trên “Tiền” và “Đất”, chắc chắn sẽ dẫn tới hoặc là “nản lòng thất vọng”, hoặc là “bất nhân tàn ác”. Thế nhưng, rất nhiều người trong xã hội hôm nay lại đang bị khống chế bởi những “ông thần mắc dịch” nầy.

Đứng trước những hiện tượng tiêu cực đó, người Kitô hữu đang bước vào một thời gian đặc biệt của Năm Phụng vụ, MÙA CHAY, với lời gọi mời “sắp xếp lại”, “điều chỉnh lại”, “canh tân lại” cuộc sống đức tin mà có thể đã hoặc đang cũ mòn, xơ cứng hay lệch lạc; và để mở đầu cho “cuộc hành trình chay tịnh 40 ngày” nầy, Phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro đã thúc dục đoàn dân Chúa bằng một câu “khẩu hiệu quen thuộc” mượn chính Lời của Đức Chúa Trời đã phán với Ađam từ những trang đầu của sách Sáng thế ký: “Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, một mai người sẽ trở về bụi tro...”

Nhưng việc cử hành đức tin qua Phụng vụ của người Kitô hữu lại không là chuyện thuần “tâm lý hay tình cảm”, cho dù đó là thứ “tình cảm nhớ lại”, cảm nhận lại thân phận bụi tro của cuộc đời để hoán cải canh tân; mà là một cuộc cử hành chính mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô bằng một con tim được thanh tẩy. Chính vì thế, Mùa Chay, như Đức Thánh Cha Phanxicô trong “Sứ điệp Mùa Chay 2020”, đó chính là: “một lần nữa, Chúa ban cho chúng ta một thời gian thuận tiện để chuẩn bị cử hành, với trái tim được canh tân, Mầu nhiệm vĩ đại về sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu, là mấu chốt đời sống Kitô hữu với tư cách cá nhân cũng như cộng đoàn. ….” (SĐMC 2020).

Và để rọi sáng cho những giáo lý nền tảng đó, Lời Chúa được công bố trong thánh lễ Tro nầy đã gợi lên cho chúng ta những chiều kích sau đây:

Trước hết, thái độ tinh thần đầu tiên cần có như một chuẩn bị cần thiết để ta cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, đó là phải ăn năn sám hối, phải nhìn nhận mình có tội; những dấu chỉ ăn năn sám hối của dân Chúa ngày xưa trong Cựu ước luôn là những nhắc nhở sống động cho cộng đoàn dân Chúa hôm nay: khi Giô-na báo cho dân thành Ni-ni-vê rằng Thiên Chúa sẽ hủy diệt thành phố của họ nếu họ không hoán cải, vị vua đã hành động như sau: “Ông rời khỏi ngai vàng, cởi áo choàng, khoác áo vải thô và ngồi trên tro.” (Giô-na 3,6); và cả thành phố đều làm như thế. Về phần Gióp, khi đối diện với những bất hạnh liên tiêp ập đến: mất hết của cải, con cái chết đi, thân ông bệnh hoạn…, ông nghĩ rằng Chúa trừng phạt ông vì ông không đủ tốt lành, vì thế ‘ông ngồi trên đống tro’ (G 2,8)…

Đặc biệt, Lời Chúa trong sách sứ ngôn Gio-en mới vừa được công bố lại nhấn mạnh “chiều kích cộng đoàn” trong việc ăn năn sám hối: “Hãy thổi kèn lên khắp Sion, hãy ra lệnh ăn chay, triệu tập một đại lễ, quy tụ dân chúng, ra lệnh mở đại hội, tập họp các bô lão, quy tụ các thiếu nhi và các trẻ còn măng sữa.” (Ge 2, 15-16).

Nhưng chúng ta đừng quên, hành vi “trở lại” nầy không bao giờ chỉ là một thái độ “quy kỷ”, dừng lại trên chính cái tôi, như một kiểu “tự trách” mang tính “sĩ diện”, hay theo ngôn ngữ nhà đạo, một kiểu “ăn năn tội vì mình”; mà luôn là một “mở sang Thiên Chúa” và “chia sẻ với anh chị em mình”. Nói cách khác, rắc tro trên đầu, xức tro trên trán, hay việc ăn năn sám hối đích thực phải là một biểu hiện dứt khoát cuộc hành trình trở về “làm hoà cùng Thiên Chúa”: “nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa” (2 Cr 5,20), và thiết lập mối tương quan huynh đệ với anh chị em mình.

Việc “làm hoà cùng Thiên Chúa” lại được biểu hiện qua chính việc cầu nguyện, một cuộc đối thoại thực sự với Thiên Chúa như Tin Mừng hôm nay gợi ý: “Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,6).

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý rằng: đừng biến việc cầu nguyện trở thành “cuộc “tán gẫu” nhàm chán vô tích sự như những người Athens ngày xưa: “Cuộc đối thoại mà Thiên Chúa muốn thiết lập với mỗi chúng ta qua mầu nhiệm Vượt qua của Con Ngài không giống như điều đã xảy ra với cư dân thành Athens, những người “chỉ để thời giờ bàn tán hay nghe những chuyện mới nhất. (Cv 17,21). Việc tán gẫu như vậy, được lôi kéo bởi sự tò mò trống rỗng và hời hợt, là đặc trưng cho tính thế gian của mọi thời đại…”; nhưng luôn là một cuộc đối thoại để thức tỉnh: “Việc Chúa một lần nữa cho chúng ta thời gian thuận tiện để hoán cải không bao giờ được xem là điều hiển nhiên. Cơ hội mới này phải khơi dậy nơi chúng ta ý thức biết ơn và đánh thức chúng ta từ sự mê ngủ của mình.” (SĐMC 2020)

Trong khi đó việc “làm hoà với anh chị em mình” luôn đồng ghĩa với việc chia sẻ bác ái, việc đầu tiên trong ba thực hành căn bản của Mùa Chay mà Tin Mừng Matthêô đã nêu bật trong Bài giảng trên núi vừa được nhắc đến hôm nay: “Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,3-4). Sứ điệp Mùa Chay 2020 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nhấn mạnh chiều kích nầy như một phương thế căn bản để xây dựng thế giới tốt đẹp hơn: “Ngày nay cũng cần phải kêu gọi những người nam nữ có thiện chí chia sẻ, bằng cách chia sẻ của cải của họ với những người thiếu thốn, như một cách thế tham gia của cá nhân vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Việc chia sẻ bác ái giúp con người trở nên người hơn, trong khi việc tích trữ có nguy cơ làm xấu đi tính người, bị giam cầm bởi sự ích kỷ của chính mình.” (SĐMC 2020)

Tóm lại, việc sám hối của Mùa Chay, như cách ví von của Đức Giám Mục giáo phận Qui Nhơn trong thư Mùa Chay 2020 gởi cho cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận, là hai con mắt sáng trên gương mặt của người con hoang đàng: “Hành vi sám hối được ví như hai con mắt của đứa con hoang đàng trong dụ ngôn Tin Mừng: một con mắt tự nhìn vào đáy lòng mình, vào thân phận khốn nạn hiện tại của mình; con mắt kia hướng về người Cha nhân hậu là Thiên Chúa và bắt gặp ánh mắt đầy tình thương xót của Người. … Đó vừa là hành vi của đức tin, vừa là hành vi của đức ái và đức cậy, là ba nhân đức đối thần căn bản nhất của người kitô hữu.” (Thư Mùa Chay 2020).

Sau hết, Mùa Chay năm nay đang trở về trong bối cảnh một thế giới bị bao phủ bởi một màu tím của lo âu và sợ hải trước mối đe doạ của cơn đại dịch COVID-19. Đây phải chăng là một “dấu chỉ”, một “cơ hội thuận tiện” để nhắc nhở loài người “quay về với Thiên Chúa” và thực hành thiện lương cho nhau.(Xem thêm: ĐGM. Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Thư Mùa Chay 2020, số 1).

Riêng đối với người Kitô hữu, cho dù phải đối diện với bất cứ đe doạ nào, thảm cảnh nào, niềm hy vọng vào Đức Kitô phục sinh-Đức Kitô đang sống vẫn luôn bừng sáng trong tim; đây cũng chính là trọng tâm của việc cử hành Mùa Chay mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô ân cần lưu ý trong Sứ điệp Mùa Chay 2020: “Trong Mùa Chay năm 2020 này, tôi muốn chia sẻ với mọi Kitô hữu những điều tôi đã viết cho các bạn trẻ trong Tông huấn Christus vivit – Đức Kitô sống: “Hãy chăm chú nhìn vào đôi tay dang rộng của Đức Kitô chịu đóng đinh, hãy cho phép mình được cứu, hết lần này đến lần khác, mãi mãi. Và khi các con đi xưng thú tội lỗi của mình, hãy vững tin vào lòng thương xót của Chúa, vốn có sức giải thoát các con khỏi ách tội lỗi. Hãy chiêm ngắm máu Người đổ ra với tình yêu lớn lao như thế, và hãy để cho mình được tẩy sạch bởi máu ấy. Bằng cách này, các con có thể được tái sinh không ngừng và luôn luôn mới mẻ” (số 123). Phục sinh của Chúa Giêsu không phải là một sự kiện của quá khứ; nhưng nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, nó luôn luôn hiện tại và cho phép chúng ta ngắm nhìn và bằng đức tin, chạm vào xác thịt của Chúa Kitô nơi những người đau khổ.”

Vâng, Mùa Chay của người Kitô hữu là “Mùa để ngắm nhìn thật rõ Đức Kitô đang sống”. Amen.

LM. Trương Đình Hiền