Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1.Chúa Nhật Lễ Lá tại Giêrusalem.

Lúc 6h30 sáng ngày 24 tháng Ba năm 2013, tại nhà thờ Mộ Chúa tại Giêrusalem, Đức Thượng Phụ Fouad Twal của Công Giáo Nghi Lễ La Tinh tại Thánh Điạ Giêrusalem đã cử hành Lễ Lá với các linh mục dòng Phanxicô trong đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Mộ.

Anh chị em giáo dân và đoàn đồng tế đã đốt đèn cầy để đi rước lá chung quanh bàn thờ Thánh Nữ Maria Mađalêna. Hàng ngàn người đã tham dự thánh lễ. Tuy nhiên phần lớn là khách hành hương.

Ngay sau khi thánh lễ vừa chấm dứt, các tín hữu hành hương đã lũ lượt kéo lên Núi Ôliu để chuẩn bị cho cuộc rước truyền thống từ đây tiến về Giêrusalem bắt đầu lúc 2 giờ chiều. Cuộc rước này là để diễn lại việc Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Đoàn rước vừa đi vừa hô vang “Hôsana” bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau tạo nên một cảnh tượng rất hoành tráng và cảm động.

Năm ngoái binh lính Do Thái đếm được khoảng 15,000 người tham dự cuộc rước này. Năm nay con số lên đến 35,000 người.

Từ núi Ôliu về đến Cổ Thành Giêrusalem, đoàn rước đi trong hơn một giờ đồng hồ. Đức Thượng Phụ Fouad Twal và Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Lazzarotto là khâm sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem đi sau cùng chung với đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Mộ.

Đến cửa thành Thánh Stêphanô, người Do Thái gọi là cửa Sư Tử, là một trong 7 cửa thành của Cổ Thành Giêrusalem, Đức Thượng Phụ Fouad Twal hướng dẫn mọi người vào cầu nguyện bên trong nhà thờ Thánh Anna. Trong khi đó, anh chị em tín hữu Kitô thuộc các hệ Phái Tin Lành tập trung tại hồ Bethesda nơi Chúa đã từng chữa cho người mù được thấy.

Binh lính Do Thái đứng dày đặc chung quanh khu vực vì Tuần Thánh của Giáo Hội Công Giáo diễn ra đúng vào dịp Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Anh chị em tín hữu Chính Thống Giáo sẽ cử hành Lễ Lá vào ngày 28 tháng Tư và mừng Lễ Phục Sinh ngày 5 tháng Năm.

Giêrusalem là thành phố được Vua Đavít xây dựng hơn 3000 năm về trước làm Kinh Thành của mình. Nơi đây, một thời cũng đã có những đền thờ nguy nga do Vua Sôlomon và Vua Hêrôđê dựng lên. Đền thờ do Vua Sôlomon dựng lên là một trong 10 kỳ quan thế giới cổ. Những đền thờ Do Thái ngày xưa đã đổ nát và ngày nay chỉ còn dấu tích là bức tường than khóc trong khu vực cổ thành nơi hiện có 35,000 dân trong đó hơn ba phần tư là người Hồi Giáo, người Kitô Giáo chỉ chiếm 6000 và người Do Thái Giáo chỉ có chưa đến 2,500 người.

Trong khu vực Jerusalem, Bethlehem và Ramallah có khoảng 50,000 tín hữu Kitô là một con số rất nhỏ so với cộng đồng Hồi Giáo tại đây.

Bethlehem và Ramallah là những khu vực thuộc lãnh thổ Palestine. Anh chị em giáo dân Công Giáo tại đây muốn tham dự thánh lễ tại Giêrusalem phải xin phép nhà chức trách quân sự Do Thái. Phát ngôn viên Palestine lên tiếng phàn nàn là năm nay 60% đơn xin dự lễ tại Giêrusalem đã bị bác bỏ.

Chính vì thế, cha Pierbattista Pizzaballa, trưởng đoàn Hiệp Sĩ Thánh Mộ đã cử hành Lễ Lá tại nhà thờ Hiện Ra ở đồi Canvê vào chiều tối thứ Bẩy 23 và một thánh lễ sáng Chúa Nhật tại nhà thờ Phục Sinh tại Bethlehem.

2. Lễ Lá tại Vatican

Trong khi đó, 250 ngàn tín hữu đã tham dự Lễ Lá đầu tiên do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô sáng Chúa Nhật 24/3. Trong bài giảng Đức Tân Giáo Hoàng đã kêu gọi các tín hữu vượt thắng sầu muộn và hẹn gặp các bạn trẻ tại Ngày Quốc Tế giới trẻ vào tháng 7 năm nay tại Rio de Janeiro, Brazil.

Buổi lễ bắt đầu với nghi thức làm phép lá diễn ra tại chân cây tháp bút ở giữa Quảng trường và cuộc rước lá đã xảy ra tiếp theo đó: đi đầu là Thánh Giá nến cao, 400 bạn trẻ cầm các ngành ôliu, rồi đến đoàn 100 giám chức và linh mục, 50 Giám Mục và 30 Hồng Y. Hai Hồng Y phó tế phụ giúp Đức Thánh Cha là Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, và Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Tổng trưởng Bộ giáo sĩ, và 4 Hồng Y, Giám Mục đồng tế.

Các vị cũng như Đức Thánh Cha cầm những cành lá được kết lại rất nghệ thuật, đi rước tiến lên bàn thờ trên thềm của Đền thờ, trong khi 2 ca đoàn gồm gần 300 người đảm nhận phần thánh ca.

Trong bài giảng sau bài thương khó do 3 phó tế công bố, Đức Thánh Cha đã lần lượt quảng diễn 3 ý tưởng chính: niềm vui, thập giá và tuổi trẻ. Ngài nói:

3. Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sẽ được tiếp tục trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff, cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xác nhận với bà là sẽ đến Rio de Janeiro vào hạ tuần tháng 7 năm nay và có ý định viếng thăm Đền thánh Đức Mẹ Aparecida của Brazil.

Bà Rousseff đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến tại Vatican hôm 20 tháng 3, nhân dịp bà hướng dẫn phái đoàn chính phủ Brazil về Roma dự lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của ngài.

Hôm Chúa Nhật 24 tháng Ba, trong bài giảng thánh lễ Lễ Lá tại Vatican, Đức Thánh Cha cũng hẹn với các bạn trẻ là sẽ gặp lại họ tại Rio de Janeiro và ngài kêu gọi họ hãy chuẩn bị tinh thần trong các cộng đoàn của mình cho biến cố này. Ngài nói:

“Các con thân mến, Cha cũng cất bước trên cuộc hành trình với các con, từ hôm nay, theo bước chân của Chân phước Gioan Phaolô II và của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16. Chúng ta đã gần đến giai đoạn tiếp theo của cuộc đại hành hương Thánh Giá của Chúa Kitô. Cha hân hoan mong đợi tháng Bảy sắp tới tại Rio de Janeiro! Cha sẽ nhìn thấy các con trong kinh thành vĩ đại này của Brazil! Hãy chuẩn bị tốt – trên tất cả là chuẩn bị về mặt siêu nhiên - trong các cộng đoàn của các con, để cuộc tụ họp của chúng ta tại Rio có thể là một dấu chỉ đức tin cho toàn thế giới”

Tháng Tư tới đây, một phái đoàn của Tòa Thánh, sẽ đến Rio để xác định các chi tiết trong chương trình. Báo chí cho biết ban tổ chức địa phương đề nghị Đức Giáo Hoàng viếng thăm một khu xóm nghèo, và tượng Chúa Cứu Thể trên đồi Corcovado cao 710 mét, hoặc một nhà thương Công Giáo giúp cai nghiện ma túy.

4. Đức Thượng Phụ Bartholomêô mời Đức Giáo Hoàng thành Giê-ru-sa-lem để chào mừng 50 năm cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Công Giáo và Chính Thống Giáo

Đức Thượng Phụ Barthôlômêô cho biết ngài hy vọng có thể gặp Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô tại Giê-ru-sa-lem năm nay, để đánh dấu kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Thượng Phụ Athenagoras.

Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Đức Thượng Phụ Barthôlômêô của thành Constantinople.

¨Ngài chắc là rất mệt mỏi ¨

“Không mệt lắm. Ít nhất là vẫn còn ráng được.”

Hai vị đã trao đổi với nhau như trên trong cuộc tiếp kiến hôm 20 tháng Ba.

Khoảng một ngàn năm trước đây, Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo và Đức Giáo Hoàng không nói chuyện với nhau. Họ ra vạ tuyệt thông nhau. Nhưng cuối cùng, quá trình hoà giải bắt đầu và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Đức Thượng Phụ Barthôlômêô đã cho Đức Giáo Hoàng một bức ảnh nhỏ và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tặng ngài một cây thánh giá.

Đức Thánh Cha cũng đã gặp gỡ với đại diện của Đức Thượng Phụ Kirill, người đứng đầu Giáo Hội Chính Thống Nga.

Đức Thượng Phụ Hilarion đã tặng Đức Thánh Cha bức ảnh Đức Mẹ Khiêm Nhường là bức ảnh mà ngài đã tặng lại cho Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 hôm thứ Bẩy 23 tháng Ba.

5. Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh tại một trung tâm cải huấn trẻ vị thành niên, thay vì tại Vatican

Tòa Thánh đã công bố rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh Lễ với các tù nhân trẻ. Vào chiều ngày 28 tháng Ba, Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm Casal del Marmo, là một nhà tù dành cho trẻ vị thành niên.

Đây cũng là nhà tù mà Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã đến thăm hôm 18 tháng 3 năm 2007, và ngài đã cử hành Thánh Lễ tại nhà nguyện của nhà tù này.

Thứ Năm Tuần Thánh đánh dấu Bữa Tiệc Ly là thời điểm Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, để dạy cho các ngài về tầm quan trọng của phục vụ và khiêm tốn.

Khi còn là tổng giám mục của Buenos Aires, Đức Hồng Y Bergoglio thường cử hành Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh tại một bệnh viện, một nhà tù hoặc với những nhóm bị gạt ra bên lề xã hội. Trong cương vị mới, ngài muốn tiếp tục truyền thống này.

Trong những ngày đầu tiên của triều đại giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu bật sự cần thiết phải phục vụ người nghèo.

6. Lịch trình của Đức Giáo Hoàng trong Tuần Thánh

Ngày Thứ Năm Tuần Thánh 28 tháng Ba, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Đông đảo các vị Hồng Y,Tổng Giám Mục, Giám Mục và các linh mục sẽ tham dự. Trong thánh lễ, ngài sẽ làm phép các loại dầu sẽ được sử dụng trong Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức, Phong Chức Linh Mục, và Bí tích Xức Dầu.

Sau đó cùng ngày, lúc 5:30 chiều, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly tại nhà nguyện của nhà tù Casa del Marmo nơi giam giữ các trẻ vị thành niên phạm pháp tại Rôma.

Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, lúc 5 giờ chiều, Đức Thánh Cha sẽ cử hành buổi tưởng niệm cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Một vài giờ sau đó lúc 9:15 tối, Đức Thánh Cha sẽ đến hí trường Côlôsêô để chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá. Những bài suy niệm năm nay được viết bởi hai người trẻ tuổi từ Li-băng, dưới sự hướng dẫn của Đức Hồng Y Thượng Phụ Li Băng Bechara Boutros Rai.

Lúc 8h30 tối Thứ Bảy Tuần Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ dẫn đầu một đoàn rước bên trong Đền thờ Thánh Phêrô. Cuộc rước sẽ diễn ra trong bóng tối, chỉ được chiếu sáng bởi một cây nến tại bàn thờ.

Vào sáng Chúa Nhật lúc 10:15, ngài sẽ cử hành Thánh Lễ Phục Sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô để đánh dấu mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Ngài sẽ kết thúc các hoạt động Tuần Thánh với thông điệp truyền thống Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và thế giới.

7. Phép lành và ơn toàn xá của Đức Thánh Cha

Phòng nghi lễ phủ Giáo Hoàng cho biết là trong buổi sáng Chúa Nhật Phục Sinh hôm nay, Đức Thánh Cha sẽ đọc thông điệp Phục Sinh Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và toàn thế giới. Sau khi đọc thông điệp, Đức Thánh Cha sẽ đọc công thức ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới theo dõi thông điệp của ngài qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới, trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu.

Điều kiện để được ơn toàn xá là các tín hữu cần giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

8. Đức Giáo Hoàng gặp nhà tranh đấu cho nhân quyền Adolfo Perez Esquivel

Hôm 20 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một cuộc họp ngắn với nhà tranh đấu cho nhân quyền người Á Căn Đình ông Adolfo Perez Esquivel, người đã được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1980. Adolfo Perez Esquivel, đến Rôma để chúc mừng Đức Giáo Hoàng và thể hiện sự ủng hộ của mình.

Ông Adolfo Perez Esquivel khẳng định với giới truyền thông tại Rôma rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hồi ấy là Đức Hồng Y Bergoglio đã không hợp tác dưới bất kỳ hình thức nào với nhà độc tài Jorge Rafael Videla, người đã cai trị Á Căn Đình trong những năm của thập niên 70 và 80.

9. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành Thánh Lễ cho những người làm vườn tại Vatican

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ vào sáng thứ Sáu 22 tháng Ba cho những người làm vườn tại Vatican, quét dọn và bảo vệ tại nhà nguyện của Domus Sanctae Martae, nơi các Hồng Y cư ngụ trong thời gian Cơ Mật Viện bầu Giáo hoàng.

Đức Thánh Cha đã tiếp nối truyền thống này từ Đức Gioan Phaolô II. Vị Chân Phước Giáo Hoàng này thường mời những nhóm làm việc tại Vatican đến dự Thánh Lễ vào lúc 7h sáng. Ngày hôm trước, ngài đã mời các nhân viên của Casa Santa Marta.

Trong Thánh lễ, Đức Giáo Hoàng trình bày một bài giảng ngắn theo ngẫu hứng của ngài về bài Tin Mừng.

10. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có ý định nghỉ hưu trước khi được bầu làm Giáo Hoàng

Trước khi tham dự Cơ Mật Viện tại Vatican, Đức Hồng Y Bergoglio đã lên kế hoạch nghỉ hưu và dành trọn tâm huyết cho việc cầu nguyện và đời sống giáo xứ. Cho nên, có lẽ ngài lại chính là người ngạc nhiên nhất về kết quả cuộc bầu cử trong đó ngài được bầu làm Giáo Hoàng. Đức Giám Mục phụ tá của Buenos Aires, người đã sống với Đức Giáo Hoàng trong mười năm qua đã cho biết như trên.

Đức Cha Eduardo Garcia, Giám mục phụ tá của Buenos Aires nói:

"Kế hoạch cho tương lai của ngài, sau khi đơn từ chức của ngài được Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 chấp nhận và người kế nhiệm ngài được chỉ định, là sống tại một ngôi nhà ở Buenos Aires dành cho các linh mục hưu dưỡng. Ngài đã chọn phòng mình. Ngài cũng đã hoạch định một đời sống cầu nguyện, và là một cố vấn tâm linh cho nhiều người, cũng như dâng thánh lễ tại các giáo xứ. Một cuộc sống bình thường không dính đến việc cai quản. "

Sau nhiều năm làm việc cùng nhau hàng ngày, Đức Cha Garcia cho biết phong cách của Đức Giáo Hoàng là tự nhiên, và có khuynh hướng tiếp xúc và gần gũi với mọi người.

Đức Cha Eduardo Garcia cho biết:

"Không ai gọi cho bạn nhân danh ngài. Khi ngài có một cuộc phỏng vấn, ngài tự trả lời. Không nhờ ai khác. Nếu bạn muốn có một cuộc phỏng vấn, và ngài không thể gặp bạn ngay, ngài sẽ gọi cho bạn trực tiếp để cho bạn biết ngày mai sẽ gặp bạn lúc nào. Với phong cách này, ngài rất độc lập trong ước muốn giao tiếp trực tiếp. "

Trong khi các tín hữu ở Buenos Aires, hạnh phúc có một Giáo hoàng từ vùng đất của họ, họ cũng có một chút buồn khi mất đi một vị giám mục người rất gần gũi với họ.