CỬ TRI PHÁP BẦU CHỌN DÂN BIỂU QUỐC HỘI 2 (Tiếp theo)

B. Ứng cử viên.

Để được nộp đơn ứng cử dân biểu, công dân Pháp phải đủ 18 tuổi (thay vì 23 như trước do quy định của Luật tổ chức số 2011-410 ngày 14.04.2011). Dân biểu trẻ nhất xuất nhiệm hiện nay là Olivier Dussopt, sinh ngày 16.08.1978, tức đã được bầu khi 29 tuổi. Ngoài ra, ứng viên cần được hưởng quyền dân sự và không bị truất quyền cá nhân hay nghề nghiệp.

Ứng cử viên không bắt buộc chỉ được nơi mình cư ngụ vì khi đắc cử dân biểu, họ biểu quyết luật cho quốc gia.

Một thí dụ đáng lưu ý và… cười. Nguời ta mệnh danh đây là cuộc tranh cử (người Pháp nói mạnh hơn gọi là ‘la guerre’) giữa hai Mặt trận.

Bà Marine Le Pen (Mặt trận quốc gia, Front national) đã ‘nhảy dù’ (parachuter) xuống kỳ bầu năm 2007 để chuẩn bị địa trước tại đơn vị 11 tỉnh Pas-de-Calais [‘parachuter’ là hành động chỉ những người đang sinh sống ở nơi khác, nay gì thấy cái ghế ‘dân biểu’ có giá (trên 10 ngàn euro/tháng, gồm lương, phụ cấp, hoàn trả chi phí chức vụ. Hàng năm, ngân sách quốc gia trả 42.200 euro/năm cho đảng]. Tình trạng còn ‘đau’ hơn khi trong cùng một đảng, vị dân biểu mãn nhiệm thấy Bộ chánh trị từ Paris gởi xuống một đảng viên ‘cấp to’ và bảo nhường chổ cho vị ‘thả dù’ (parachutage). Nếu không vâng lời, đương sự bị coi là vị ly khai (dissident), bị đuổi khỏi đảng và hai người tranh cử để cử tri phán quyết.

Sau khi bầu cử Tổng thống, ông Jean-Luc Mélenchon (Mặt trận tả phái, Front de gauche, đang cưu mang đảng Cộng sản đệ tam) cũng ‘dù’ đến đơn vị này để tranh chiếm chiếc ghế này. Tại sao ?

Hai ứng cử viên này đều đang là những lãnh tụ hai mặt trận ‘phe cực’ tả và hữu kiêm dân biểu nghị viện Âu châu. Họ còn là ứng cử viên Tổng thống trong kỳ vừa qua. Sau những cuộc vận động ngoài trời đông người dự, ông Mélenchon nuôi hy vọng thắng bà Le Pen nơi hạng 3 và, nếu may, sẽ vào vòng ‘chung kết’. Ngày 22.04.2012, cử tri đã phán quyết : bà Le Pen được 17,90% và ông Mélenchon 11,11% số phiếu hợp lệ.

Cuộc trưng cầu dân ý do viện thống kê Ifop-Fiducial cho báo ‘La Voix du Nord’, thực hiện trong các ngày từ 02 đến 04.06.2012, với số mẫu 605 người trên 18 tuổi, kết quả cho thấy : bà Le Pen dẫn đầu với 37% ý định bầu; ông Mélenchon 25% và ông Philippe Kemel PS được 21,5%, trong 11 cuộc đầu phiếu có đến 14 ứng cử viên. Trước đó, viện thống kê cũng đã làm một cuộc trưng cầu dân ý khác cho báo ‘Journal được Dimanche’từ ngày 15 đến 17.05.2012, cho thấy bà Le Pen được 34% ý định bầu ; ông Mélenchon 29% và ông Kemel chỉ 18%, tức ông Mélenchon và các ứng cử viên khác bị giảm.

Tuy nhiên, vào vòng hai, bà Le Pen (48% ý định bầu) thua ông Mélenchon (52%) hay ông Kemel (Le Pen 43% và 57% cho ứng viên xã hội). Đây thật sự có phải là dịp để ‘cực tả’trả thù ‘cực hữu’ không ; dù phải nhờ vòng hai ?

C. Thể thức đầu phiếu.

Đơn danh, da số, hai vòng.

Điều L123-L126 Luật Bầu cử quy định :

1.- Vòng một.

Để được tuyên bố đắc cử, ứng cử viên phải đạt được đa số tuyệt đối tổng số những phiếu bầu hợp lệ và số phiếu phải bằng một phần tư số cử tri ghi danh. Nếu không ai đắc cử, vòng nhì được tổ chức.

2.- Vòng nhì.

Hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất được vào vòng nhì.
Ứng cử viên đạt được nhiều hơn hay bằng 12,50% số cử tri ghi danh cũng có thể tham dự vòng này.
Chỉ cần đa số tương đối, ứng cử viên được tuyên bố đắc cử. Trong trường hợp hai ứng cử viên có số phiếu bằng nhau, ứng cử viên cao tuổi hơn được tuyên bố đắc cử.

IV. TÀI CHÁNH CHO SINH HOẠT CHÍNH TRỊ.

Lá phiếu bầu Dân biểu có giá trị để tính việc hoàn trả chi phí vận động và bầu cử cùng để tính trợ cấp cho đảng chánh trị trong suốt nhiệm kỳ lập pháp.

A. Hoàn trả chi phí vận động và bầu cử.

1. Mức trần chi tiêu được phép.

Mỗi ứng cử viên được quyền chi tối đa với :
- mức cố định : 38.000 euro
- mức tỷ lệ theo dân số trong đơn vị bầu cử (circonscription) được INSEE (Institut national de la statistique et des études économiques, Viện Thống kê) công bố ngày : 0,1589 euro cho mỗi cư dân.

Sau khi cộng hai mức lại, không trường hợp nào cao hơn 76.000 euro.

2. Điều kiện.

Ứng cử viên đạt được ít nhất hay bằng 5% số phiếu hợp lệ được hoàụn trả 47,50% mức trần chi tiêu được phép nói trên.

B. Trợ cấp tài chính cho các đảng và nhóm chánh trị.

Việc tài trợ từ ngân sách quốc gia này theo hai tiêu chuẩn :

a. Kết quả bầu cử Quốc hội cho những đảng có ứng cử viên tranh cử tại ít nhất 50 đơn vị bầu cử theo luật ngày 20.02.1993. Theo đó, ngân sách quốc gia cấp theo số phiếu mà các tập thể chánh trị (đảng, nhóm…) đã giới thiệu ứng cử viên tham gia tuyển cử Quốc hội thu được ít nhất 1% số phiếu hợp lệ và hiện diện tại ít nhất 50 đơn vị bầu cử, nhận được 1,63 euro cho mỗi lá phiếu hàng năm trong trong suốt nhiệm kỳ (thường là 5 năm, nếu Quốc hội không bị giải tán.
Các đảng nhỏ ở các phần đất ở hải ngoại (outre-mer) chỉ cần đạt được ít nhất 1% số phiếu hợp lệ trong tất cả các đơn vị bầu cử mà đảng có ứng cử viên tham gia tranh cử.

b. Tỉ lệ theo số dân biểu và nghị sĩ thuộc từng chính đảng.

Ngoài ra, ngân sách quốc gia cũng chi trả 42.200 euro/năm/người để tài trợ việc đào tạo các chính trị gia mới theo số Dân biểu và Nghị sĩ mang đảng tịch những chính đảng hiện diện tại Quốc hội và Thượng nghị viện.

Trái lại, các đảng không tuân theo luật ngày 06.06.2002 về số ứng cử viên nam nữ phải bằng nhau, số tiền trợ giúp công sẽ bị trừ bớt.

c. Ngân sách đã chi trả theo năm 2012.

Nghị định số 2012-192 ngày 07.02.2012 cho thấy :
- Theo số phiếu bầu Quốc hội năm 2007 : 32.998.491,04 euros cho UMP (12,50 triệu), PS (9,75), UDF (2,63), PCF (1,80), Verts (1,74), FN (1,4 triệu), …
- Theo số dân biểu và nghị sĩ : 38.123.204 euros cho UMP (17,69 triệu), PS (9,75), …
d. Tặng kim cá nhân (dons des personnes physiques) được giới hạn ở mức 4.000 euro/người. Tặng kim có trị giá trên 150 euro phải trả bằng ngân phiếu, chuyển khoản hay thẻ ngân hàng (điều L. 52-8 Luật bầu cử). Ngoài ra, tổng số tiền mặt nhận được phải dưới hay bằng 1/5 mức trần chi tiêu được phép.

V. GIẢI TÁN QUỐC HỘI.

Tổng thống có thể quyết định giải tán Quốc hội bằng việc thực hiện quyền của mình được quy định nơi điều 12 Hiến pháp.

Trong trường hợp này, cuộc tổng tuyển cử phải được tổ chức ít nhất là hai mươi ngày và trước bốn mươi ngày, kể từ ngày công bố sắc lệnh giải thể.

Một thí dụ. Cuộc khủng hoảng chính trị tháng 05.1968 đã đạt đỉnh cao ngày 29.05.1968, Tổng thống Charles de Gaulle đã biến khỏi Paris. Giới thân cận nghĩ rằng ông đang ở tại tư gia ở Colombey les Deux-Église, nên càng thêm hoang mang.

Ngày 30.05.1968, Tổng thống trở lại. Thật sự, ông đã đến viếng Tướng Massu ở Baden-Baden (Đức). Khi trở về, ông gặp Georges Pompidou, Thủ tướng Chính phủ, để hội kiến về sự giải tán Quốc hội và được loan báo với quốc dân qua đài phát thanh chiều hôm đó.

Cuộc tuyển cử bầu Quốc hội mới được tổ chức như một cuộc thăm dò dây ý qua lá phiếu. Sau hai vòng bầu ngày 23 và 30.06.1968, những người ủng hộ ông de Gaulle (gaullistes) bằng lá phiếu ủy nhiệm ông quyền đẹp đình công và biểu tình hổn loạn. Thắng cử với Quốc hội đa số tuyệt đối, Tổng thống Charles de Gaulle trao cử nhiệm vụ Thủ tướng cho ông Maurice Couve de Murville để tái lập trật tự.