CỬ TRI PHÁP BẦU CHỌN DÂN BIỂU QUỐC HỘI

Chiếu Nghị định số 2012-558 ngày 25.04.2012 về tổ chức bầu cử Dân biểu Quốc hội, 46.066.307 cử tri Pháp được mời tham gia đầu phiếu ngày 10.06.2012 và, nếu không ứng cử viên nào đạt được đa số tuyệt đối (50% cộng 1) số phiếu bầu hợp lệ, vòng hai sẽ được vào ngày 17.06.2012.

Các cử tri Pháp cư ngụ tại :
- các quốc gia thuộc Mỹ châu đầu phiếu trong các Tòa Đại sứ, Tòa Lãnh sự cho vòng đầu ngày 02.06.2012 và vòng hai, nếu có, vào ngày 16.06.2012 ;
- các quốc gia thuộc các châu khác đầu phiếu cho vòng đầu ngày 03.06.2012 và vòng hai, nếu có, vào ngày 17.06.2012 ;
- Polynésie française đầu phiếu cho vòng đầu ngày 02.06.2012 và vòng hai, nếu có, vào ngày 09.06.2012 ;
- Guadeloupe, Guyane, Martinique, Saint-Pierre-et-Miquelon, Saint-Barthélémy và Saint-Martin đầu phiếu cho vòng đầu ngày 09.06.2012 và vòng hai, nếu có, vào ngày 16.06.2012 ;
- Nouvelle-Calédonie, Réunion, Mayotte, Wallis và Futuna đầu phiếu cho vòng đầu ngày 10.06.2012 và vòng hai, nếu có, vào ngày 17.06.2012.

Các kết quả đầu phiếu được công bố chính thức bởi Hội đồng Hiến pháp (Conseil constitutionnel) cũng là cơ quan có nhiệm vụ xem xét tính các hợp pháp của cuộc truyển cử.

Cử tri Pháp tại Việt Nam đã tham gia đầu phiếu vòng đầu ngày 03.06.2012 thuộc đơn vị bầu cử 11 Hải ngoại với 20 ứng cử viên. Kết quả, khắp Á châu và Đại dương châu, 22.117 trong số 79.171 cử tri ghi danh, tức 27,94%, đi bầu và hai ứng viên Thierry Mariani (UMP, 32,59% số phiếu hợp lệ) cùng MarcVillard (PS, 26,65%) tranh cử tại vòng nhì ngày 16.06.2012.

I. GIỚI HÀNH PHÁP MỚI.

Quyền Hành pháp lưỡng cực nước Pháp được trao cho :

A. Tân Tổng thống.

Ngày 10.05.2012, Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Jean-Louis Debré đã chính thức công bố kết quả bầu cử Tổng thống vòng hai ngày 06.05.2012 như sau :
- ông François Hollande thu 18.000.668 phiếu, tức 51,6% số phiếu hợp lệ ;
- ông Nicolas Sarkozy thu 16.860.685 phiếu, tức 48,4% số phiếu hợp lệ.
Như vậy ông François Hollande đạt đa số tuyệt đối và đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2012-2017, bắt đầu lúc 24 giờ ngày 15.05.2012.

Ngày 15.05.2012, ôâng François Hollande đã đến nhận chức vụ tại Dinh Tổng thống lúc 10 giờ. Ông Nicolas Sarkozy đã tiếp và bàn giao với tân Tổng thống, quan trọng nhất là mật mã để điều khiển võ khí nguyên tử. Sau đó, ông rời Điện Elysée. Ban chiều, lúc 16 giờ 45, tổng thư ký Phủ Tổng thống đọc Thông cáo báo tin Tổng thống đã cử ông Jean-Marc Ayraut (đảng Xã hội, Parti socialiste, PS) giữ chức Thủ tướng và thành lập tân Chính phủ.

B. Thủ tướng và chính phủ.

Tân chính phủ Pháp do Thủ tướng Jean-Marc Ayraut lãnh đạo được công bố lúc chiều tối ngày 16.05.2012 gồm :
- số thành viên nam nữ ngang bằng nhau : 17 (không kể Thủ tướng) ;
- 18 tổng trưởng (ministres) và 16 thứ trưởng (ministres délégués), không có bộ trưởng (secrétaire d’ État) ;
- Thủ tướng, 29 tổng và thứ trưởng là đảng viên xã hội, 2 vị là thành viên đảng Cấp tiến Tả phái (Parti radical de gauche, PRG), 2 là thành viên đảng xanh Môi trường Âu châu (Europe Écologie Les Verts, EELV) và 1 thứ trưởng không đảng phái (bà Fleur Pellerin sinh ngày 29.08.1973 tại Séoul, Hàn quốc, có tên Kim Jong-suk, được nhận làm con nuôi lúc 6 tháng tuổi, đậu tú tài S năm 16 tuổi và tốt nghiệp ESSEC (Trường cao đẳng khoa học kinh tế và thương mại), Siences Po (Khoa học chánh trị) và ENA (Trường quốc gia hành chánh) năm 2000 (27 tuổi).

Trong phiên họp đầu tiên ngày 17.05.2012, Hội đồng tổng trưởng quyết định giảm 30% lương các thành viên, từ Tổng thống đến thứ trưởng. Ngoài ra, các tổng trưởng và thứ trưởng phải ký tên vào một ‘Hiến ước đạo đức’ (charte de déontologie).

Vài con số về lương bổng : Thủ tướng từ 21.300 còn 14.910 euros ; tổng và thứ trưởng từ 14.200 còn 9.940 euros và bộ trưởng từ 13.490 còn 9.443 euros. Như vậy, chính phủ Jean-Marc Ayraut đầu tiên chi phí lương cao hơn chính phủ Fillon I (1 Thủ tướng, 15 tổng và thứ trưởng, 4 bộ trưởng và 1 cao ủy, tốn 288.260 euros/tháng) và thấp hơn chính phủ Fillon 4 (1 Thủ tướng, 24 tổng và thứ trưởng và 9 bộ trưởng, tốn 441.620 euros/tháng).

Nhiệm vụ hàng đầu của Thủ tướng và chính phủ là vận động tranh cử Quốc hội sao cho đảng Xã hội chiếm được đa số càng nhiều càng tốt vì :

- nếu có đa số tuyệt đối (289 dân biểu), đảng Xã hội trọn quyền điều khiển quốc gia với hai quyền Hành và Lập pháp (lần đầu tiên Đệ Ngũ Cộng hòa) ;

- nếu với đa số tương đối thì cần phải tìm đồng minh. PS có thể kết thân dễ dàng vì đã có thỏa thuận để nhường nhau giới thiệu ứng cử viên Dân biểu kỳ này và đang được chia ghế trong chính phủ. Đảng Mặt trận Tả phái (Front de Gauche, FG), bao gồm cả đảng Cộng sản Pháp (Parti Communiste Français, PCF) không có thỏa thuận như vậy với PS nên, có thể, PS phải sẽ trả một giá ‘thật đắt’ để FG đồng ý ủng hộ PS để liên minh các đảng này có đa số tại Quốc hội và chánh phủ tả phái có thể cầm quyền ? Thí dụ về lương tối thiểu SMIC (salaire minimum interprofessionnel de croissance) sau khi trừ các khoản góp các quỹ an ninh xã hội (net = ròng) là 1.096,94 euro/tháng [từ ngày 01.01.2012, lương nguyên (brut) là 1.398,47 euro cho một tháng làm việc 35 giờ/tuần]. Trong thời gian tranh cử, Tổng thống Hollande hứa sẽ tăng lương này và nay, Thủ tướng cho biết sẽ tăng dưới 5%, tức khoảng 1151 euro. Ông Jean-Marc Mélenchon muốn tăng ngay SMIC nguyên 1.700 euro và 1.700 euro SMIC ròng năm 2017 (cuối nhiệm kỳ Tổng thống). Các nghiệp đoàn công nhân đề nghị SMIC ròng 1.300 euro/tháng ;

- nếu UMP hay đảng này liên minh với trung phái chiếm được đa số tại Quốc hội thì một đại diện của họ sẽ được Tổng thống Hollande mời làm Thủ tướng và vị này thành lập chính phủ thay thế chính phủ của ông Ayraut. Tình hình lúc đó sẽ trở thành khó khăn cho tân Tổng thống khi phải xếp chương trình của mình khi tranh cử lại. Nếu chuyện phải xảy ra như vậy thì đây không phải lần đầu vì Tổng thống Francois Mitterand đã buộc phải thực thi việc này 2 lần (năm 1986 và 1993) và Tổng thống Jacques Chirac 1 lần (năm 1997). Tình trạng này, không dự trù bởi Hiến pháp, được tranh cải rất nhiều về tính hợp hiến hay không khi phải áp dụng lần đầu năm 1986, được ban cho cái tên thật mỹ miều ‘sống chung chính trị’ (cohabitation politique).

Thành phần chính phủ Pháp có thể sẽ có nhiều thay đổi sau cuộc bầu cử dân biểu Quốc hội vì Thủ tướng Ayrault đã tuyên bố trên đài truyền hình France 2 rằng những tổng và thứ trưởng tham gia tranh cử mà thua thì sẽ phải từ chức. Thủ tướng Ayrault cũng tham gia tranh cử.

II. CÁC CƠ QUAN LẬP PHÁP.

Chiếu điều 24 Hiến pháp 1958, quyền Lập pháp nước Pháp được giao cho hai viện :

A. Thượng nghị viện (Sénat) gồm không quá 348 nghị sĩ (sénateurs) được bầu chọn theo thể thức đầu phiếu gián tiếp, đại diện cho các cơ quan công quyền địa phương. Từ ngày 01.10.2011, đảng Xã hội và tả phái chiếm đa số tại Viện này.

B. Quốc hội (Assemblée nationale) gồm không quá 577 dân biểu (députés) được bầu chọn theo thể thức đầu phiếu trực tiếp. Hiện nay, đảng Liên minh vì Phong trào Nhân dân (Union pour un Mouvement Populaire, UMP) đang chiếm đa số tại Quốc hội nhiệm kỳ XIII sẽ chấm dứt lúc 24 giờ ngày 19.06.2012 (Điều LO 121 Luật Bầu cử : ngày thứ 3 thứ ba tháng sáu năm thứ năm sau khi đắc cử). Các dân biểu tân cử năm nay bắt đầu nhiệm kỳ XIV từ 0 giờ ngày thứ tư 20.06.2012.

III. TUYỂN CỬ DÂN BIỂU NĂM 2012.

Chúng ta có thể nói, tháng 06.2012, có tất cả 577 cuộc bầu cử được tổ chức để cử tri Pháp tuyển chọn các dân biểu Quốc hội nhiệm kỳ năm năm 2012-2017, có thể ngắn hơn nếu có sự giải tán (dissolution), dự trù bởi điều 12 Hiến pháp. Như vậy, cử tri Pháp được mời lê gót tới phòng phiếu đến 4 lần trong vòng chưa đầy 2 tháng (từ 22.04 đến 17.06.2012).

Đạo luật ngày 20.11.1873 đã quy định nhiệm kỳ Tổng thống Pháp là 7 năm được giảm bớt còn 5 năm, kể từ lần tuyển cử năm 2002, bởi luật tổ chức ngày 15.05.2001 với mục đích giảm nguy cơ ‘sống chung chính trị’ bằng nguyên tắc ‘hợp pháp tính phụ thuộc’, tức thử nghiệm qua cuộc bầu cử thứ hai xác nhận sự ủy nhiệm thứ nhất, tức đã giao quyền Tổng thống cho ứng viên xã hội thì nên dành đa số Quốc hội cho đảng Xã hội để có một Thủ tướng và chính phủ để thực hiện chương trình, dựa vào đó, mà Tổng thống đã đắc cử.

A. Những thay đổi mới trong kỳ tuyển cử năm nay.

1. Sự tái phân các đơn vị lập pháp trong năm 2010 để phản ánh sự thay đổi nhân khẩu học và đáp ứng yêu cầu của Hội đồng Hiến pháp, đã được lập lại từ năm 1999 với các chính phủ khác nhau. Tổng số dân biểu, giới hạn mức 577 dân biểu, bây giờ đã được ghi trong Hiến pháp kể từ khi tu chính Hiến pháp vào tháng 07.2008.

2. Các đơn vị bầu cử được thành lập cho 11 dân biểu đại diện cho người Pháp bên ngoài nước Pháp do tu chính Điều 24 Hiến pháp vào tháng 07.2008.

(Còn tiếp)