Chương XI: Chỉ đạt được tình yêu hoàn hảo ấy lúc phục sinh

Chuyện gì xẩy ra khi linh hồn rời khỏi thân xác? Ta tin rằng nó được chìm ngập trong một đại dương ánh sáng trường cửu và cõi vĩnh hằng sáng láng. Nhưng không ai chối bỏ được điều này là nó vẫn còn hy vọng và mong nhận lại được thân xác: do đó, hiển nhiên nó chưa được biến đổi hoàn toàn, một điều gì đó thuộc cái tôi vẫn còn tồn tại, chưa chịu hoàn toàn dâng nộp. Chưa, nó chưa chịu, cho tới khi cái chết hoàn toàn chiến thắng bằng cách nuốt chửng lấy nó. Lúc ấy, ánh sáng vĩnh cửu mới tràn ngập mọi ngóc ngách tối tăm. Chưa, nó chưa chịu, cho tới khi vinh quang thiên quốc tràn phủ lên thân xác, chỉ lúc đó, linh hồn ta mới được hoàn toàn giải phóng khỏi cái tôi và hoàn toàn phú dâng cho Thiên Chúa. Vì cho tới lúc đó, linh hồn vẫn còn dính kết với thân xác, không hẳn bằng liên hệ sinh tử với giác quan mà là bằng tình lưu luyến tự nhiên; đến độ không có thân xác, linh hồn không đạt tới sự thành tựu hoàn toàn, hoặc nếu có thể đạt được thì nó cũng không chịu thực hiện. Lúc này, linh hồn không còn khiếm khuyết nào nữa trước khi thân xác của nó được phục hồi, vì nó đã đạt tới tình trạng cao nhất theo khả năng của nó, thì chắc chắn nó sẽ không cần phải mong được tái hợp với thân xác nếu nó có thể thành tựu mà không cần tới thân xác ấy.

Sau cùng, ‘đối với Chúa, cái chết của những ai trung hiếu với Người quả thật đắt giá’ (Tv 116:15). Nhưng nếu cái chết của họ quí giá, thì sự sống của họ càng phải quí giá như thế nào! Không lạ gì thân xác có thể đem thêm vinh quang mới mẻ cho tinh thần; vì dù yếu đuối và mau chết, thân xác vẫn đóng góp không nhỏ vào việc giúp đỡ tinh thần. Câu nói sau đây đúng xiết bao ‘mọi sự đều cùng góp phần sinh ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa’ (Rm 8:28). Thân xác trợ giúp linh hồn nào biết yêu mến Thiên Chúa, ngay cả lúc nó bệnh tật, ngay cả lúc nó chết, và càng trợ giúp nhiều hơn khi nó được trỗi dậy từ cõi chết: quả thế, bệnh tật giúp linh hồn thống hối; chết là cửa ngõ đưa vào nghỉ ngơi; còn phục sinh sẽ đem lại thành tựu. Do đó, quả thực, linh hồn sẽ không được hoàn thiện nếu không có thân xác, vì linh hồn nhìn nhận rằng trong mọi tình huống, thân xác cần cho thiện ích của mình.

Như thế, thân xác là bạn tốt và trung thành đối với thiện ích của linh hồn. Ở đây, ta thấy có ba tình trạng: dù đang là gánh nặng, thân xác vẫn trợ giúp; khi gánh nặng chấm dứt, trợ giúp cũng chấm dứt; gánh nặng sẽ không còn nữa, khi có nhiều trợ giúp hơn. Tình trạng thứ nhất tuy vất vả, nhưng sinh ích; tình trạng thứ hai tuy lười lĩnh nhưng không độc điệu: chỉ có tình trạng thứ ba mới vinh quang. Hãy nghe Cô Dâu trong Diễm Ca khuyên ta thực hiện 3 diễn tiến ấy: ‘Hãy ăn đi, hỡi các bằng hữu; hãy uống cho say, hỡi những người yêu dấu’ (Dc 5:1). Người ban thực phẩm cho những ai vất vả phần xác; rồi Người mời gọi các linh hồn yên nghỉ mà thân xác đang nằm bên cạnh hãy uống; và cuối cùng, Người giục những ai đã tiếp nhận lại thân xác hãy uống cho say. Chắc chắn những ai được Người gọi là ‘người yêu dấu’ hẳn phải tràn trề tình yêu; và đó chính là điểm khác nhau giữa họ và các người khác, những người không được Người gọi là ‘người yêu dấu’ mà chỉ là ‘bằng hữu’. Những ai còn rên rỉ trong thân xác đều thân thiết (đắt giá) đối với Người, vì tình yêu nơi họ; những ai được giải thoát khỏi các trói buộc của thân xác thì thân thiết hơn vì họ sẵn sàng và có khả năng yêu thương hơn trước. Nhưng hơn cả hai loại người này là những ai được Người gọi là ‘người yêu dấu’: vì họ đã nhận được tấm áo thứ hai, tức thân xác vinh hiển của họ, để từ nay, không còn chút gì của cái tôi để cản trở hay phiền hà họ nữa, và do đó, họ hoàn toàn và mau mắn hiến trọn mình để yêu mến Thiên Chúa. Những loại người khác kia không thể được như thế; vì loại thứ nhất vẫn còn phải mang gánh nặng thân xác, còn loại thứ hai thì mong muốn nhận lại thân xác với một hoài mong vị kỷ nào đó.

Như thế, đầu tiên, linh hồn tín hữu ăn bánh, nhưng bằng mồ hôi trán của mình. Vì còn ở trong thân xác, nên linh hồn chỉ có thể tiến bước nhờ đức tin, một đức tin phải làm việc bằng đức mến. Vì đức tin mà không có việc làm là đức tin chết, cho nên việc làm là thực phẩm của đức tin; chính Chúa đã từng nói rằng ‘lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta’ (Ga 4:34). Rồi khi thân xác đã được để qua một bên, linh hồn không còn phải ăn bánh lao khổ nữa, nhưng được uống no nê rượu tình, như trong một đại yến. Nhưng rượu này chưa hoàn toàn tinh tuyền; như chính Chàng Rễ đã nói ở một câu khác ‘Anh uống rượu với sữa dành cho anh’ (Dc 5:1). Vì linh hồn trộn chung vào rượu tình của Thiên Chúa cả sữa của tình lưu luyến tự nhiên, tức sự thèm khát thân xác mình và vinh quang của nó. Linh hồn đỏ rực với rượu tình thánh vừa uống; nhưng nó vẫn chưa hoàn toàn bốc lửa, bởi do chất sữa kia, nó đã làm mất đi phần nào sức hiệu nghiệm của rượu này. Chỉ có rượu tinh tuyền mới làm linh hồn túy lúy, hoàn toàn quên mình; nhưng lúc này, chưa có được sự túy lúy ấy, bởi linh hồn vẫn còn khao khát thân xác. Khi lòng khao khát này dịu êm đi, khi người ta không cần đến nó nữa, thì còn gì ngăn trở được linh hồn trong việc hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa, hoàn toàn từ bỏ hình ảnh mình để nên giống như Người? Lúc ấy, linh hồn sẽ nắm lấy chén khôn ngoan thiên giới, chén từng được mô tả là ‘đầy tràn tới miệng’. Thực vậy, từ nay trở đi, linh hồn sẽ được uống thoả thuê trong căn nhà giầu có của Thiên Chúa, nơi mọi lắng lo vị kỷ xao xuyến đều biến tan; nơi linh hồn được an tâm uống thỏa rượu nho, rượu mới và tinh tuyền, với Chúa Kitô trong Vương Quốc của Cha Người (Mt 26:29).

Chính Khôn Ngoan đã dọn ba bữa ăn trên trong đó yến tiệc chính là tình yêu; chính Khôn Ngoan nuôi sống kẻ lao nhọc, cho người nghỉ ngơi thức uống, làm những kẻ cai trị với Chúa Kitô say sưa túy lúy. Ngay trong phong tục tiệc tùng trần thế và tự nhiên, người ta cũng dọn thịt lên trước sau đó tới rượu, thì ở đây cũng thế. Trước khi chết, lúc ta vẫn còn trong thân xác mau chết, ta ăn bằng sức lao động của đôi tay, ta cố gắng nuốt thực phẩm do sức lao động kia cung cấp; nhưng sau khi chết, ta được hân hoan uống trong cảnh sống thiêng liêng và cuối cùng khi đã tái hợp cùng thân xác và được vui hưởng hạnh phúc đầy đủ, ta sẽ được giải khát bằng sự sống đời đời. Đó chính là ý nghĩa của điều Chàng Rể muốn nói ‘Hãy ăn đi, hỡi các bằng hữu; hãy uống cho say, hỡi những người yêu dấu’. Trước khi chết, hãy ăn; sau khi chết, hãy uống; sau khi sống lại, hãy uống cho say sưa. Quả thế, những ai được gọi là yêu dấu sẽ uống tình yêu cách say sưa; những ai uống say sưa đều là những người đáng được đem tới tham dự tiệc cưới của Con Chiên, được ăn và được uống tại Bàn trong Vương Quốc của Người (Kh 19:9; Lc 22:30). Trong bữa tiệc này, Người sẽ trình diện với Người một Giáo Hội vinh quang, không tì vết, không nếp nhăn, hoặc bất cứ khuyết điểm nào giống như thế (Eph 5:27). Sau đó, Người mới thực sự chiêu đãi những kẻ yêu dấu của Người; Người sẽ cho họ uống thoả thuê sự vui khoái của Người, bao la như một dòng sông (Tv 36:8). Khi Chàng Rể ôm hôn Cô Dâu của mình bằng một cái ôm dịu dàng, tinh khiết, thì các dòng sông đầy tràn sẽ làm Kinh Thành Thiên Chúa hân hoan (Tv 46:4). Chàng Rể ấy chính là Con Thiên Chúa, Đấng sẽ đến để phục vụ những kẻ yêu dấu, như chính Người đã hứa; nhờ thế, vào ngày đó, người công chính sẽ hân hoan nhẩy mừng trước nhan Thiên Chúa: họ sẽ mừng vui hân hoan (Tv 68:3). Đây quả là sự dịu êm mà không chán chường; quả là cơn khát nhận thức không bao giờ nguôi, mà không buồn khổ; quả là sự thèm khát trường cửu và vô hạn, không biết gì tới bất cứ nhu cầu nào khác; sau cùng đây quả là sự say sưa tỉnh táo phát xuất không phải từ việc uống rượu mới mà từ việc được vui hưởng chính Thiên Chúa (Cv 2:13). Ta sẽ mãi mãi đạt được mức độ yêu mến thứ tư khi ta chỉ còn yêu mến một mình Thiên Chúa và yêu Người một cách tối cao, khi ta không còn yêu mình nữa ngoại trừ là vì Chúa; lúc ấy, Người chính là phần thưởng cho những kẻ yêu mến Người, phần thưởng đời đời của một tình yêu đời đời.

Chương XII: Trích thư gửi các tu sĩ Carthusians

Con nhớ có gửi một bức thư cho các tu sĩ Carthusians thánh thiện, trong đó, con đề cập tới 4 mức độ yêu mến này, và nói về đức mến bằng một ngôn từ khác với ngôn từ ở đây, dù ý nghĩa không khác gì bao nhiêu. Thiển nghĩ tốt hơn nên nhắc lại một phần của bức thư đó, vì sao chép bao giờ cũng dễ hơn là đọc cho thư ký chép lại từ đầu.

Yêu mến người lân cận như yêu chính mình: điều này quả là đức mến chân thực và thành thật của một tâm hồn trong trắng, của một lương tâm tốt lành, và của một đức tin ngay thực (1Tm 1:5). Người ta đã chứng tỏ rằng bất cứ ai chỉ biết yêu sự thịnh vượng của mình thì thực ra họ không yêu của cải ấy vì chính chúng cho bằng họ yêu chúng vì chính họ. Và do đó, họ không thể cùng Thánh Vịnh Gia mà hát rằng ‘Hãy cảm tạ Chúa vì Người nhân hậu’ (Tv 118:1). Vì những người như họ sẽ ca tụng Thiên Chúa không phải vì Người chính là sự tốt lành, mà là vì Người tốt lành với họ. Những người như họ nên nghe lời trách móc của cùng soạn giả ‘Hắn sẽ chỉ nói tốt về Chúa bao lâu Chúa còn tốt với hắn’ (Tv 49:18, theo Bản Phổ Thông). Có người ca tụng Thiên Chúa vì Người quyền năng, có ngưởi ca tụng Thiên Chúa vì Người nhân hậu, lại có người yêu mến Thiên Chúa nguyên tuyền chỉ vì Người là chính sự tốt lành. Loại người thứ nhất là nô lệ, chỉ biết sợ cho mình; loại người thứ hai là tham lam, chỉ thèm khát được thêm lợi lộc; chỉ có loại người thứ ba mới là người con biết tôn kính Cha mình. Người sợ sệt, người chỉ biết lo lắng tới lợi lộc đều chỉ quan tâm tới lợi ích bản thân. Chỉ ở nơi người con, mới có tấm tình yêu không biết tìm lợi lộc cho riêng mình (1Cor 13:5). Bởi thế con coi lời sau đây ‘Lề luật Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn’ chỉ về đức mến; vì chỉ có đức mến mới có khả năng khiến linh hồn rời bỏ lòng yêu mình và yêu thế gian để tinh tuyền yêu Chúa. Sợ sệt cũng như tư lợi không cải hóa được linh hồn. Chúng có thể thay đổi dáng vẻ bề ngoài, có thể cả tác phong nữa, nhưng không bao giờ thay đổi được đối tượng của thèm khát tối hậu. Đôi khi, nô lệ cũng có thể thi hành công việc của Chúa; nhưng vì không tự nguyện làm việc đó, họ vẫn ở trong vòng nô lệ. Cũng vậy, người làm thuê có thể phụng sự Thiên Chúa, nhưng vì họ đặt giá cho việc phụng sự của mình, nên họ vẫn bị lòng tham của mình trói ghì. Vì nơi nào có tư lợi, nơi ấy có cô lập; sự cô lập này giống như góc một căn phòng tối, nơi tích lũy của bụi bặm và han rỉ. Sợ sệt là động lực thúc ép nô lệ; tham lam trói buộc người vị kỷ; họ bị cám dỗ do dục vọng của họ lôi cuốn và dùng mồi mà bắt (Gc 1:14). Nhưng cả sợ sệt lẫn tư lợi đều không hoàn hảo, cũng như không thể cải hoán được tâm hồn. Chỉ có đức mến mới cải hoán được tâm hồn, giải thoát nó khỏi mọi động lực bất xứng.

Thứ đến, con coi đức mến hoàn hảo trong sạch vì nó không bao giờ giữ lại cho riêng mình bất cứ điều gì thuộc về mình. Khi một ai đó không huênh hoang nhận bất cứ điều gì là của mình, thì hiển nhiên người này sẽ coi mọi sự mình có đều là của Chúa; mà điều gì đã thuộc về Chúa thì không thể bẩn thỉu được. Luật hoàn hảo của Chúa chính là tình yêu thúc bách con người không đi tìm sự giầu có riêng của mình mà là sự giầu có của mọi người khác. Luật này được gọi là luật Chúa vừa phần vì chính Chúa sống theo nó vừa phần vì không con người nào có được nó nếu không do Chúa ban cho. Quả là thích đáng khi ta bảo cả Chúa cũng sống bằng luật, nếu đó là luật yêu thương. Vì điều gì có thể duy trì được sự hợp nhất vinh hiển và khôn dò của Thiên Chúa Ba Ngôi, nếu không phải là tình yêu? Chính tình yêu, luật của Chúa, đã nối kết Ba Ngôi trong đơn nhất tính của Thiên Tính và hợp nhất Chúa Ba Ngôi bằng sợi dây hòa bình. Xin ngài đừng cho là con có ý nói rằng tình yêu hiện hữu như một phẩm tính tùy thể nơi Thiên Tính; vì bất cứ điều gì bị coi như thiếu sót trong bản tính Thiên Chúa đều không phải là của Thiên Chúa. Không, nó chính là bản thể của Thiên Tính; xác quyết của con đây chẳng có gì mới lạ hay phi thường, vì Thánh Gioan từng nói rằng ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1 Ga 4:8). Bởi vậy ta có thể nói đúng sự thật rằng tình yêu vừa là chính Chúa vừa là ơn phúc của Chúa, yếu tính yêu thương ban bố phẩm tính yêu thương. Khi từ ngữ này chỉ Đấng Thông Ban, thì đó chính là tên của yếu tính Người; khi nó chỉ ơn phúc, thì đó chính là tên của phẩm tính. Tình yêu là luật trường cửu nhờ đó vũ trụ đã được tạo dựng và được cai trị. Vì mọi sự được xếp đặt theo kích thước, con số và trọng lượng, và không điều gì nằm bên ngoài phạm vi luật, nên luật phổ quát kia không thể có nếu không có luật, vốn là chính luật. Bởi thế, dù không tự tạo chính mình, tình yêu chắc chắn tự cai trị mình bằng chính sắc lệnh của mình.

Chương XIII: Luật tự ý, tự muốn, luật nô lệ, làm thuê

Hơn nữa, nô lệ và kẻ làm thuê cũng có luật của họ, không phải là luật của Chúa mà là của riêng họ. Nô lệ không yêu mến Chúa; kẻ làm thuê thì yêu mến điều gì đó hơn là yêu Chúa. Con xin nhấn mạnh: họ đều có luật riêng, không phải của Chúa; tuy nhiên, luật này vẫn lệ thuộc luật Chúa. Vì dù có khả năng lập ra luật riêng cho mình, những người này vẫn không thể phá bỏ được trật tự bất di bất dịch của luật trường cửu. Mỗi người là một luật cho chính mình, khi họ đặt ý mình chống lại luật phổ quát, cố tình ngạo ngược tìm cách ngang hàng với Đấng Tạo Hóa, hoàn toàn độc lập, tự biến ý mình thành luật cho chính mình. Quả là cái ách nặng nề và cồng kềnh đè lên mọi con cái Adong, phải oằn cổ mà gánh, đến độ như sắp rơi xuống hỏa ngục. ‘Tôi thật là con người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?’ (Rm 7:24). Tôi bị nặng đè, tôi gần như kiệt lực, đến nỗi ‘Nếu Chúa không đỡ nâng, thì hồn tôi đã vào chốn thinh lặng ngàn thu’ (Tv 94:17). Job rên rỉ dưới sức nặng ấy khi than thở rằng ‘Sao Ngài cứ đặt con làm bia để bắn? Phải chăng con đã nên gánh nặng cho cho chính con?’ (G 7:20). Ông là gánh nặng cho chính ông do luật tự ông đặt ra cho mình: ấy thế nhưng ông không thể thoát khỏi luật Chúa, vì ông đã bị đặt làm tấm bia chống lại Chúa. Luật công chính đời đời buộc rằng bất cứ ai không tuân theo luật dịu ngọt của Thiên Chúa đều phải chịu cái đắng đót bạo tàn của chính mình. Còn ai chịu mang gánh dễ chịu và nhẹ nhàng của tình yêu (Mt 11:30), sẽ tránh được sức nặng không chịu nổi của ý chí mình. Điều kỳ diệu và công chính là luật đời đời luôn khuất phục kẻ phản loạn, để nó không thể chạy thoát. Nó lệ thuộc quyền năng Thiên Chúa, nhưng không được hưởng hạnh phúc với Người, không được ở với Thiên Chúa trong ánh sáng, thảnh thơi và vinh quang mãi mãi. Ôi lạy Chúa là Thiên Chúa của con, ‘Chẳng lẽ Ngài không xóa được tội ác của con, không bỏ qua được lỗi lầm con phạm?’ (G 7:21). Do đó, nhờ được giải thoát khỏi gánh nặng ý riêng, con được thở ngon lành dưới ách nhẹ nhàng của tình yêu. Con không còn bị sợ sệt cưỡng chế, cũng không còn bị những ước muốn làm thuê lôi cuốn nữa; vì con đã được Thần Trí Thiên Chúa hướng dẫn, Thần Trí tự do vốn hướng dẫn con cái của Ngài, Thần Trí, cùng với tâm trí con, làm chứng rằng con là con cái Thiên Chúa (Rm 8:16). Bởi vậy, xin cho con sống dưới luật vốn là chính Ngài ấy; và cũng như Ngài, xin cho con sống giữa thế gian. Bất cứ ai thực hành điều Thánh Tông Đồ từng khuyên ‘Đừng mang nợ ai điều chi, ngoài việc yêu thương nhau’ (Rm 13:8) đều đã nên đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa, ngay ở đời này: họ không còn là nô lệ hay kẻ làm thuê nữa mà là con cái.

Chương XIV: Luật yêu thương của con cái

Con cái đương nhiên cũng có luật của họ, cho dù có lời chép ‘luật không lập ra cho người chính trực’ (1Tm 1:9). Vì cần phải nhớ rằng có luật cho tinh thần nô lệ, ban hành trong sợ sệt, thì cũng có luật cho tinh thần tự do, ban hành trong âu yếm. Con cái không bị buộc bởi loại luật thứ nhất, nhưng họ không thể hiện hữu nếu không có loại luật thứ hai: chính Thánh Phaolô từng viết ‘Anh em đã không nhận lãnh Thần Khí khiến anh em thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: Áp-ba! Cha ơi!’ (Rm 8:15). Và một lần nữa, để chứng tỏ người chính trực không phải sống dưới lề luật, ngài viết ‘với những người sống dưới lề luật, tôi trở nên như thể sống dưới lề luật, để chinh phục những người sống dưới lề luật; với những người không sống dưới lề luật, tôi cũng sống như không có lề luật, dù tôi không sống ngoài luật Thiên Chúa, nhưng sống trong luật Chúa Kitô, để chinh phục những người không sống dưới lề luật’ (1Cor 9: 20). Bởi thế đúng ra phải nói ở đây rằng không phải người chính trực không có luật, mà là ‘luật không được lập ra cho người chính trực’, tức là, luật không áp đặt trên kẻ phản loạn, mà là do Đấng tốt lành tạo ra và tự do ban cho những người sẵn sàng vâng phục nó. Chính vì thế, Chúa đã dịu dàng phán rằng ‘Hãy mang lấy ách của Ta’, lời phán mà ta có thể dẫn giải như sau: ‘Ta không cưỡng đặt lên các con, nếu các con không muốn; nhưng nếu các con muốn, các con nên mang lấy nó. Bằng không, các con chỉ thấy chán chường mệt mỏi chứ không thanh thản chút nào cho tâm hồn các con’.

Tình yêu là luật tốt lành và khoan khoái; không những chỉ dễ mang, nó còn làm cho các luật của nô lệ và kẻ làm thuê ra dễ chịu; không tiêu diệt các luật này mà là bổ túc chúng; như chính Chúa từng phán ‘Ta đến không phải để hủy tiêu luật mà để kiện toàn nó’ (Mt 5:17). Nó làm dịu nỗi sợ của nô lệ, điều hòa các ước muốn của kẻ làm thuê, nó giảm nhẹ tính dữ dằn của cả hai. Tình yêu luôn mang trong mình sự sợ sệt, nhưng là sợ sệt Thiên Chúa, là kính sợ Người. Tình yêu lúc nào cũng đem theo ước muốn, nhưng là ước muốn hợp pháp. Bởi thế, tình yêu làm hoàn hảo luật phục vụ bằng cách ban cho ta lòng tận tụy; tình yêu hoàn thiện luật lương bổng bằng cách hạn chế lòng tham. Lòng tận tụy khi hòa lẫn với sợ sệt, không hề tiêu diệt nó, nhưng thanh tẩy nó. Nhờ thế, gánh nặng của sợ sệt, vốn không thể chịu đựng được lúc chỉ là nô dịch, nay trở thành chịu đựng được; nỗi sợ ấy trở thành tinh trong và hiếu thảo. Dù có lời chép ‘tình yêu hoàn hảo xua đuổi sợ sệt’ (1 Ga 4:18), nhưng ta hiểu điều ấy muốn nói về hình khổ luôn luôn hiện diện trong bất cứ nỗi sợ sệt nào có tính nô dịch, theo luật nhân quả thông thường. Cũng vậy, tư lợi sẽ được kìm hãm trong giới hạn thích đáng của nó khi tình yêu can dự vào; vì lúc ấy, nó sẽ từ bỏ hết các điều xấu xa, thích những điều tốt hơn bình thường và chỉ quan tâm tới những sự thiện vì chúng tốt hơn thôi. Nhờ ơn thánh Chúa, con người sẽ yêu thân xác mình và mọi sự thuộc thân xác này vì linh hồn. Họ sẽ yêu linh hồn mình vì Chúa; và sau cùng họ sẽ yêu Chúa vì chính Người mà thôi.

Chương XV: Bốn mức độ của tình yêu và tình trạng hạnh phúc trên quê trời

Tuy nhiên, vì ta có xác thịt và sinh ra từ thèm khát xác thịt, nên hiển nhiên ước muốn và tình yêu của ta phải khởi đầu trong xác thịt. Nhưng nhờ ơn thánh Chúa hướng dẫn một cách thích đáng qua các mức độ trên, nó sẽ được viên mãn trong tinh thần: vì, điều có trước nhất không thuộc thần khí nhưng thuộc tự nhiên; sau đó mới thuộc thần khí (1Cor 15:46). Và ta phải mang hình ảnh trần thế trước mới có thể mang hình ảnh thiên giới sau. Bởi thế, trước hết, con người yêu họ vì chính họ trước. Nghĩa là xác thịt không thể đánh giá điều gì vượt quá chính nó. Sau đó, nó mới nhận thức ra rằng nó không thể tự mình hiện hữu, và qua đó, mới nhờ đức tin mà bắt đầu đi tìm Thiên Chúa, và yêu mến Người như một điều cần thiết cho chính phúc lợi của mình. Đó là mức độ thứ hai: yêu Chúa không phải vì Chúa mà vì bản thân mình. Nhưng một khi đã học biết cách thờ phượng Thiên Chúa và tìm kiếm Người một cách đích thực, bằng cách suy niệm về Người, đọc Lời của Người, cầu nguyện và vâng theo các giới răn của Người, dần dần nó mới biết Chúa như thế nào, mới thấy Người đáng yêu. Bởi thế, sau khi đã nếm và thấy Chúa nhân hậu ra sao (Tv 34:8), con người sẽ tiến qua mức độ thứ ba khi biết yêu Chúa, không chỉ như Đấng Ban Ơn của mình mà còn là Thiên Chúa nữa. Chắc chắn họ sẽ ở lâu trong tình trạng này; và con không biết rõ liệu ở đời này, họ có thể tiến xa hơn nữa tới mức độ thứ tư và tình trạng hoàn hảo hay không, nơi con người yêu mình chỉ vì Chúa. Ai đã đạt đến mức ấy xin để lại bút tích; con thú thật: điều ấy vượt quá khả năng của con. Nhưng con chắc một điều: tình trạng như thế sẽ đạt được khi tôi trung tốt lành vào hưởng niềm vui của Chúa (Mt 25:21), và được thỏa thuê trong cảnh dư thừa của nhà Chúa (Tv 36:8). Vì lúc ấy, họ sẽ quên bản thân mình một cách lạ lùng, và như người đã được giải thoát khỏi chính mình, họ sẽ hoàn toàn thuộc về Chúa. Được kết hợp với Chúa, họ sẽ nên một thần trí với Người (1Cor 6:17). Con nghĩ đó chính là điều tiên tri muốn hiểu khi nói rằng ‘Con thuật lại bao chiến công của Chúa, nhắc nhở rằng: chỉ mình Ngài chính trực công minh’ (Tv 71:16). Chắc chắn họ biết rằng họ chỉ có thể thuật lại chiến công của Chúa, khi được giải thoát khỏi các yếu hèn của xác thịt, không còn chi là xác thịt để nghĩ tưởng, nhưng tinh thần hoàn toàn được tràn đầy sự chính trực của Chúa.

Vào ngày đó, các chi thể của Chúa Kitô có thể tự nói về mình điều Thánh Phaolô đã phát biểu về Đầu của họ: ‘dù đã được biết Chúa Kitô theo quan điểm loài người, giờ đây, chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa (2 Cor 5:16). Không ai còn biết mình theo xác thịt nữa; vì ‘xác thịt và máu huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa’ (1 Cor 15:50). Không hẳn vì nay không còn bản thể xác thịt nữa cho bằng từ nay, mọi nhu cầu xác thịt đã được cất bỏ, tình yêu xác thịt sẽ bị tình yêu tinh thần nuốt trửng, đến độ các lưu luyến nhân bản yếu đuối của ta sẽ trở thành mạnh mẽ trong Chúa. Lúc ấy, chiếc lưới đức ái trải rộng khắp mặt đại dương để không ngừng thu lượm đủ loại cá sẽ được kéo lên bờ; cá nào xấu sẽ bị quăng đi, chỉ những con tốt mới được giữ lại (Mt 13:48). Ở đời này, chiếc lưới tình yêu rộng lớn đủ để thu lượm mọi loại cá vào lòng nó, trở thành mọi sự cho mọi người, chia sẻ gian nan hoặc thịnh vượng, hân hoan với người hân hoan, khóc lóc với người khóc lóc (Rm 12:15). Nhưng khi lưới đã được kéo lên bờ, bất cứ điều gì gây đau khổ sẽ bị loại trừ, như cá xấu, trong khi những gì ưa nhìn và vui vẻ sẽ được giữ lại. Há ngài lại không nhớ lời Thánh Phaolô nói ‘Ai yếu đuối mà tôi lại không yếu đuối? Ai vi phạm mà tôi lại không vi phạm?’ Ấy thế nhưng, yếu đuối và vi phạm đâu có ở nơi ngài! Cũng thế, ngài thương tiếc nhiều người phạm tội mà không hối hận, dù ngài đâu phải là người tội lỗi cũng như hối nhân. Nhưng có cả một kinh thành trở nên hân hoan nhờ dòng sông tràn đầy ơn thánh (Tv 46:4), và các cổng thành của nó được Thiên Chúa yêu thích hơn mọi nhà cửa của Giacóp (Tv 87:2). Trong kinh thành đó, không có chỗ dành cho việc than vãn những kẻ bị trầm luân trong lửa đời đời, đã dọn sẵn cho ma quỉ và các thần của nó (Mt 25:41). Trên dương gian này, dù con người có thể hân hoan, nhưng họ vẫn phải đánh nhiều trận đánh khác, vẫn phải chịu các nguy cơ chết chóc khác. Còn trên quê Cha trên trời, không đau đớn sầu buồn nào có thể bước vào như có lời chép ‘nhà của mọi người hân hoan là ở nơi Ngài’ (Tv 87:7 theo bản Phổ Thông); và câu này nữa, ‘Niềm vui vĩnh cửu dành cho họ [những người phụng sự Thiên Chúa]’ (Tv 61:7). Những người này sẽ không nhớ gì tới những điều thảm thương, vì lúc này họ chỉ nhắc tới sự công chính của Thiên Chúa. Thành thử, sẽ không cần phải thi hành lòng xót thương, vì ở đó không còn khốn khổ để xót thương nữa.