Chương VII: Yêu Chúa không phải là không có phần thưởng: và những sự trần thế không thể thoả mãn được sự đói khát trong tâm hồn con người

Bây giờ ta hãy xét xem ta được ích lợi gì khi yêu mến Chúa. Dù sự hiểu biết của ta về việc này rất bất toàn, nhưng biết vẫn hơn là không biết. Khi nói tới vấn đề do đâu phải yêu Chúa và phải yêu Chúa thế nào, con đã thưa rằng có hai lý do buộc ta: đó là quyền của Người và ích lợi của ta. Sau khi dùng hết khả năng, dù là khả năng hết sức bất toàn, để viết về quyền được yêu của Chúa, con có bổn phận đề cập tới phần thưởng do tình yêu ấy đem lại. Dù phải yêu Chúa mà không cần phần thưởng, nhưng Người vẫn không chịu để tình yêu kia không đem lại tưởng thưởng nào. Thật vậy, tình yêu không thể chịu bần cùng, dù tình yêu vốn vị tha và không bao giờ tìm tư lợi (1Cor 13:5). Tình yêu là sự âu yếm của linh hồn, chứ không phải một khế ước: nó không phát xuất từ một thỏa hiệp đơn thuần, cũng không là điều người ta giành giật được. Nó tự phát từ cội rễ và là một thúc đẩy từ bên trong; và tình yêu thật thoả mãn chính nó. Nó có phần thưởng của nó; và phần thưởng đó chính là người yêu đối tượng. Vì bất cứ ngài yêu gì, nếu là vì một điều gì khác, thì điều ngài thực sự yêu chính là điều gì khác đó, chứ không hẳn đối tượng bề ngoài. Thánh Phaolô không rao giảng Tin Mừng để kiếm cơm áo; ngài ăn uống để đủ sức thi hành thừa tác vụ. Điều ngài yêu không phải là cơm áo, mà là Tin Mừng. Tình yêu thật không đòi phần thưởng, nhưng đáng được thưởng. Chắc chắn không ai trả tiền để được tình yêu; ấy thế nhưng một tưởng thưởng nào đó vẫn có đó cho người yêu, và nếu tình yêu của họ bền vững, chắc chắn họ sẽ nhận được phần thưởng đó.

Trên một bình diện hành động thấp hơn, chính những người miễn cưỡng, chứ không hẳn những người sốt sắng, là người ta muốn được khuyến khích bằng lời hứa ban thưởng. Chứ có ai lại tính đến việc trả công cho người tha thiết muốn làm một điều gì đó? Thí dụ, không ai lại đi thuê một người đói để họ ăn, hay một người khát để họ uống, hay một bà mẹ để bà nuôi dưỡng con ruột bà. Đâu có ai nghĩ tới việc đút tiền hối lộ để một nông dân vun sới vườn nho của ông ta, hay đào rãnh quanh vườn trái cây của ông ta, hay tái thiết chính căn nhà của ông ta? Thành thử, người yêu mến Chúa thực sự càng không đòi hỏi bất cứ phần thưởng nào khác ngoài chính Thiên Chúa; vì nếu họ đòi bất cứ điều gì khác thế thì họ yêu điều đó chứ đâu có yêu Thiên Chúa.

Đối với một con người, điều tự nhiên là ước muốn điều họ cho là tốt hơn điều họ đã có, và không thỏa mãn với bất cứ điều gì thiếu cái điểm đặc biệt mà họ đang mong muốn. Do đó, nếu anh ta chỉ yêu vợ vì sắc đẹp của nàng, thì chắc chắn anh ta sẽ dõi đôi mắt thèm thuồng của anh ta vào những người đàn bà đẹp hơn. Nếu anh ta ăn vận bảnh bao, anh ta hẳn phải thèm thuồng những quần là áo lượt mắc tiền hơn; và bất kể anh ta giầu có đến đâu, chắc chắn anh ta ghen tị bất cứ ai giầu có hơn anh. Hàng ngày, há ta không thấy nhiều người dù đã nứt đố đổ vách, vẫn cứ tiếp tục thu mua hết cánh đồng này đến cánh đồng khác, mong sao cho đất đai của mình trải ra vô tận đó sao? Người sống trong cung điện mỗi ngày mỗi tậu thêm nhà, hết xây lại phá, đổi kiểu, thay mẫu. Người có địa vị cao lúc nào cũng tham vọng vô đáy giành giật cho được những địa vị béo bở hơn. Và chẳng nơi nào có thỏa mãn sau cùng, vì chẳng có điều gì ở đó được tuyệt đối coi là tốt nhất hay cao nhất. Nhưng theo lẽ tự nhiên, không điều gì thỏa mãn được trái tim con người nếu đó không phải là điều tốt nhất, theo nhận định của anh ta. Như thế, há chẳng luôn luôn điên rồ hay sao khi thèm muốn những điều không bao giờ làm yên được các mong muốn của ta, nói chi đến việc thoả mãn chúng? Bất kẻ người ta có bao nhiêu điều vừa kể, họ vẫn luôn thèm khát chạy theo những điều họ chưa có; không bao giờ được thanh thản, họ thèm thuồng chạy theo những của cải mới. Vì không hài lòng, họ lao mình vào những khó nhọc vô ích, và chỉ tìm được mệt mỏi chán chường trong các thú vui mau qua và không thực của thế gian. Vì quá tham lam, họ coi những gì đã thu tích được như không so với những gì hiện còn vượt quá tầm tay của họ, và mất hết vui thích đối với của cải hiện có vì quá thèm thuồng những điều mình chưa có, nhưng vẫn ham muốn. Từ trước đến nay, không một ai có hy vọng sở hữu được mọi sự. Ngay những điều ít ỏi đang có, người ta cũng đã phải cực nhọc lắm mới có được, và có được rồi thì lo canh giữ; vì ai cũng biết chắc mình sẽ mất mọi điều mình có khi ngày của Chúa xuất hiện là ngày đã được định rồi nhưng chưa được tiết lộ. Nhưng kẻ hư đốn thì vẫn đấu tranh giành cho được điều tốt tột cùng bằng các thủ đoạn xấu xa, vì mong được thỏa mãn, nhưng thực ra bị phù vân lôi kéo và ác tính lừa đảo. Ôi, nếu muốn thỏa mãn mọi thèm muốn, đến nỗi không chừa một điều nào, thì sao bạn lại bận bịu đến mệt lả vì những cố gắng vô ích, chạy đôn chạy đáo, chỉ để phải chết trước khi đạt được mục tiêu ấy?

Do đó, những người vô đạo nói trên quả đang luẩn quẩn trong một vòng tròn, ước ao điều gì đó có thể thỏa mãn các thèm khát của mình, nhưng lại bác bỏ chính điều mà chỉ có nó mới đem họ tới cùng đích mong muốn, không phải nhờ mệt mỏi mà nhờ thành quả. Họ làm họ mệt nhoài vì các cố gắng vô ích, mà không đạt được hạnh phúc mong muốn sau cùng, vì họ tìm kiếm hạnh phúc nơi tạo vật, chứ không tìm kiếm nó nơi Thiên Chúa. Họ muốn rảo qua khắp tạo dựng, lần lượt nếm thử hết điều này tới điều nọ, hơn là nghĩ đến việc tới với Đấng vốn là Chúa Tể mọi sự. Và cho dù thèm khát tối hậu của họ có được thể hiện đi chăng nữa, nhưng nếu không có được Đấng mà chỉ có Người mới tạo ra mọi hữu thể, thì họ vẫn nằm trong qui luật cũ là các thèm muốn của họ sẽ khiến họ khinh miệt những gì họ đã có và sẽ khôn nguôi đi tìm Đấng mà họ vẫn còn thiếu, tức chính Thiên Chúa. An nghỉ chỉ có ở trong Người. Con người không tìm được bình an ở đâu khác trên thế gian; nhưng sẽ thấy mình an ổn khi ở với Thiên Chúa. Bởi thế linh hồn vốn tự nhủ một cách vững tin ‘Trên thiên đàng, con còn có ai ngoài Chúa; còn trên dương thế, không còn ai con mong muốn cho bằng Chúa. Thiên Chúa là sức mạnh của lòng con, là phần gia nghiệp đời đời của con. Thật tốt cho con được gần Thiên Chúa, được tín thác nơi Người’ (Tv 73: 25 và tiếp theo). Như thế, nhờ cả cách này, người ta có thể vươn tới Thiên Chúa, chỉ có điều là họ cần có đủ thì giờ để nếm thử mọi điều tốt ít có giá trị hơn.

Nhưng đời sống lại quá ngắn ngủi, sức ta dễ cùng kiệt và ta có quá nhiều kẻ mưu tranh, nên đường hướng trên khó có thể thực tiễn. Người ta không thể đạt cùng đích, dù họ mệt nhoài với những cố gắng lâu dài và những khổ nhọc vô ích để thử nghiệm bất cứ điều gì tỏ ra đáng ước ao. Có lẽ, tưởng tượng đến cố gắng ấy dễ dàng và tươi đẹp hơn là thử nghiệm nó. Vì tâm trí bao giờ cũng làm việc lanh lẹ và phân biệt được sự vật sắc bén hơn các giác quan thân xác, nên trong lãnh vực này, nó có thể đi trước các cảm xúc của giác quan đến nỗi các giác quan có thể không thấy bất cứ những gì tâm trí thấy là vô giá trị. Chính Sách Thánh cũng từng viết: ‘hãy thử nghiệm mọi sự: nhưng hãy chỉ giữ lại những điều tốt’ (1Tx 5:21). Điều này có nghĩa: sự phán đoán đúng phải dọn đường cho tâm hồn. Nếu không, ta khó có thể lên được núi Chúa cũng như lên được nơi thánh của Người (Tv 24:3). Ta sẽ không được bất cứ lợi ích nào khi sở hữu một tâm trí thuận lý nhưng lại tuân theo các xung động của giác quan như loài thú vật thô bạo, không đếm xỉa gì tới lý trí. Những ai không được lý trí hướng dẫn đường đi nước bước của mình, tuy có chạy thật đấy nhưng chạy ở đường đua không đúng chỉ định, quên khuấy lời dạy của Thánh Tông Đồ ‘chạy sao cho thắng cuộc’. Vì làm sao thắng được cuộc khi người ta đặt nó ở cuối cùng các cố gắng của mình và chạy theo những điều khác.

Đối với người công chính, sự việc không như thế. Họ nhớ rất kỹ lời kết án được ngỏ cho những người chạy theo phù vân: chúng như người đi đường thênh thang nhưng là đường dẫn đến diệt vong (Mt 7:13); còn người công chính thì chọn đường Đức Vua, không quay trái không quay phải (Ds 20:17), như đấng tiên tri từng nói ‘đường của người công chính là sự chính trực’ (Is 26:7). Được lời dạy dỗ khôn ngoan, họ tránh con đường hiểm họa, và để ý tới hướng có thể cắt ngắn hành trình, dẹp bỏ mọi ham muốn và tuân theo lệnh bán hết những gì mình có mà cho người nghèo (Mt 19:21). Quả thực, phúc thay người nghèo khó vì Nước Trời là của họ (Mt 5:3). Mọi người chạy trong cuộc đua đều chạy cả, nhưng nổi bật chỉ dành cho những người chịu đua. ‘Chúa che chở đường đi của người chính trực: còn đường đi của kẻ bất lương sẽ diệt vong’ (Tv 1:6). ‘Cái ít ỏi của người công chính vẫn tốt hơn kho lẫm vĩ đại của kẻ bất lương’ (Tv 37:16). Như Giảng Viên đã nói và chính kẻ dại khờ cũng đã khám phá ra, ‘kẻ yêu bạc chả bao giờ được bạc làm cho thỏa mãn’ (Gv 5:10). Còn Chúa Giêsu thì nói ‘Phúc thay người đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no thoả’ (Mt 5:6). Sự chính trực là lương thực tự nhiên và chủ yếu của linh hồn. Nó không thỏa mãn với của cải trần gian như thân xác được thỏa mãn với không khí. Nếu bạn gặp một người đói lả đứng đó miệng há hốc đón gió, mải mê hít những làn không khí với hy vọng làm nguôi được cơn đói, hẳn bạn cho anh ta là thằng khùng. Nhưng nếu tưởng tượng rằng linh hồn có thể được thỏa mãn với những sự vật trần gian là những thứ chỉ thổi phồng ta chứ đâu có nuôi sống ta, thì cũng đâu có khôn gì hơn. Các hồng phúc thiêng liêng có liên quan gì tới các thèm muốn xác thịt, hay những điều xác thịt có liên quan gì tới các điều thiêng liêng? Hãy ca ngợi Chúa, hỡi hồn ta ơi: còn ai có thể thoả mãn miệng ta với những điều tốt lành? (Tv 103: 1 tt). Người ban thưởng ta một cách vô lượng; Người thúc đẩy ta làm việc lành, Người gìn giữ ta trong lòng tốt; Người ngăn ngừa, nâng đỡ, ban đầy ơn cho ta. Người thúc đẩy ta thèm khát và thèm khát chính Người.

Con vừa thưa rằng động lực yêu Chúa là chính Chúa. Và đúng như thế, vì Người vừa là nguyên nhân hữu hiệu vừa là đối tượng cuối cùng của tình yêu ta. Người ban cho ta cơ hội yêu thương, Người tạo ra âu yếm gắn bó, Người làm cho ước muốn có hiệu lực tốt đẹp. Người là Đấng khiến lòng yêu mến Người trở thành một nhiệm vụ tự nhiên; và do đó, lòng hy vọng nơi Người cũng trở nên tự nhiên vì tình yêu hiện nay của ta sẽ vô ích nếu ta không hy vọng một ngày nào đó sẽ yêu Người cách trọn vẹn. Tình yêu của ta được tình yêu của Người chuẩn bị và tưởng thưởng. Người yêu ta trước, chỉ vì quá âu yếm ta mà thôi; nên ta buộc phải đền trả Người bằng tình yêu; và ta được phép trân quí các niềm hy vọng vào Người do tình yêu ấy. ‘Người quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người’ (Rm 10:12), nhưng Người không có quà phúc nào tốt hơn để dành cho họ ngoại trừ chính Người. Người tự ban Người làm phần thưởng và tưởng thưởng: Người giải khát linh hồn thánh thiện, chuộc tự do cho những ai bị cầm tù. ‘Chúa xử tốt với những ai tin cậy Người’ (Ai Ca 3:25). Thế, Người đối xử ra sao với những người đã được hưởng thánh nhan Người? Ở đây, ta thấy có sự nghịch lý: không ai tìm kiếm Chúa mà lại đã không tìm ra Người rồi. Vâng lạy Chúa, chúng con phải thấy ý Chúa để đi tìm Chúa, phải đi tìm Chúa để được thực sự thấy Người hơn. Nhưng dù chúng con có thể tìm và thấy Chúa, nhưng chúng con đâu có thể ngăn chặn được Chúa (hành động). Vì dù chúng con có nói ‘sớm mai lời cầu của con đã bay lên Chúa’ (Tv 88:13), nhưng mọi lời cầu chắc chắn sẽ lạnh nhạt trừ khi được Chúa linh hứng đánh động.

Thế là ta đã đề cập tới việc hoàn hợp tình yêu đối với Chúa: giờ đây ta nên xét xem tình yêu khởi đầu từ đâu.

Chương VIII: Mức độ thứ nhất của tình yêu: con người yêu mến Thiên Chúa là vì chính mình

Tình yêu là một trong bốn tình âu yếm tự nhiên mà ta không cần phải nêu tên vì mọi người đều biết các tên đó rồi. Và bởi vì tình yêu là tình tự nhiên, nên chỉ có thể đúng khi ta yêu Tác Giả của bản nhiên trước nhất. Chính vì thế mà có giới răn đầu tiên và là giới răn vĩ đại ‘Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi’. Nhưng bản nhiên vốn mảnh khảnh yếu đuối đến nỗi lẽ tất yếu buộc nó yêu nó đầu tiên; và tình yêu này là tình yêu xác thịt, qua đó, con người yêu mình trước nhất và yêu một cách vị kỷ, như có lời chép, ‘Loài xuất hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí; loài thần khí xuất hiện sau đó’ (1Cor 15:46). Đây không hẳn là lời truyền của điều răn mà là lời điều hướng của bản nhiên ‘Chưa bao giờ có người lại ghét thân xác mình’ (Eph 5:29). Nhưng nếu tình yêu thân xác mình này trở thành quá trớn, một điều rất có thể xẩy ra, và không chịu tự giới hạn ở bờ cừ tất yếu, mà tràn qua lãnh vực khêu gợi nhục thân, thì phải có giới răn sau để cản cơn lũ, như thể một bờ đê: ‘Ngươi phải yêu người lân cận như chính ngươi’. Điều này quả rất đúng: vì người có cùng một bản nhiên với ta phải có chung một tình yêu với ta, tình yêu này vốn là kết quả của bản nhiên. Bởi thế, nếu có ai coi điều này như một gánh nặng, con không chỉ nói tới các nhu cầu của họ mà cả các vui thú của họ nữa, thì họ nên hãm dẹp các tình cảm kia ngay trong họ kẻo sẽ trở thành kẻ phạm tội. Họ có thể tự trân quí mình cách âu yếm tùy ý, chỉ cần họ nhớ phải biểu lộ cùng một thái độ ấy đối với người lân cận. Hỡi con người, đó là sợi dây cương điều độ do luật sống và luật lương tâm áp đặt lên ngươi, kẻo ngươi thả mình theo khoái cảm riêng mà bị diệt vong hay trở thành nô lệ cho các đam mê ấy vốn là kẻ thù đối với hạnh phúc đích thực của ngươi. Chia sẻ các hân hoan vui hưởng với người lân cận ngươi vì thế tốt hơn là chia sẻ với kẻ thù ngươi nhiều. Còn nếu căn cứ vào lời khuyên của người con Sirach, ngươi không chạy theo các ham muốn riêng mà hãm xác khỏi các thèm muốn ấy (Huấn Ca 18:30); nếu dựa vào lời dạy của Thánh Tông Đồ mà người bằng lòng với thực phẩm và áo quần hiện có (1Tm 6:8), thì ngươi sẽ thấy việc từ bỏ các thèm khát xác thịt là việc dễ, chúng là kẻ thù chống lại linh hồn, và việc chia sẻ với người lân cận những gì ngươi đã từ chối đối với lòng thèm muốn của ngươi cũng sẽ dễ dàng. Đó chính là tình yêu điều độ và chính trực, nó sẽ giúp ta thực hành việc từ bỏ mình để phục vụ nhu cầu của anh em. Nhờ thế, tình yêu vị kỷ của ta sẽ có tính xã hội thực sự, nhờ bao hàm người lân cận vào thế giới của nó.

Và nếu ngươi có được lòng từ tâm ấy, thì sao? Còn sao nữa, nếu không phải là hết lòng tin tưởng cầu xin Đấng vốn ban phát cho mọi người một cách rộng rãi, không quở trách chút nào (Gc 1:5), Đấng luôn mở rộng bày tay và muôn sinh vật được tràn đầy thỏa thuê (Tv 145:16). Vì, Đấng từng ban cho mọi người nhiều hơn họ cần, chắc chắn sẽ không để ngươi phải thiếu những điều cần thiết cho sự sống của ngươi, chính Người đã phán ‘Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, mọi sự khác sẽ được ban cho ngươi’ (Lc 12:31). Thiên Chúa tự ý hứa sẽ ban mọi sự cần thiết cho những ai biết quên mình vì tình yêu đối với người khác; biết mang ách nết na và điều độ, hơn là để tội lỗi thống trị trong thân xác hay chết của mình (Rm 6:12), nghĩa là chịu đi tìm Nước Thiên Chúa và khẩn khoản xin Người nâng đỡ chống lại ách bạo tàn của tội lỗi. Chia sẻ các hồng phúc tự nhiên của ta với những người có chung một bản nhiên với ta quả hợp lẽ công bằng.

Nhưng nếu ta có nhiệm vụ phải yêu người lân cận, thì ta cũng phải lưu tâm tới Chúa nữa: vì chỉ trong Chúa, ta mới trả được món nợ yêu thương một cách đích thực mà thôi. Nhưng người ta không thể yêu người lân cận trong Chúa, nếu họ không yêu chính Chúa; thành thử, ta phải yêu Chúa trước, mới có thể yêu người lân cận trong Người được. Giống mọi sự thiện khác, việc ta yêu Chúa cũng là việc Chúa làm, vì chính Người phú bẩm nơi ta khả thể yêu thương. Đấng dựng nên bản nhiên ta, cũng gìn giữ bản nhiên ấy; bản nhiên đã được thiết dựng theo phương án luôn cần đến Đấng tạo không nên vênh vang tự gán cho ta lòng từ tâm của chính Đấng dựng nên ta. Trong sự khôn ngoan tuyệt vời của Người, Thiên Chúa muốn ta phải chịu gian nan thử thách. Nên, lúc sức mạnh của con người suy yếu và Thiên Chúa tới trợ giúp họ, thì điều chính đáng và phải lẽ là vì được bàn tay Chúa cứu giúp nhứ thế, họ phải vinh danh Người, như lời Sách Thánh dạy ‘Hãy kêu cầu Ta trong ngày cùng khốn, Ta sẽ giải thoát, và ngươi sẽ làm hiển vinh danh Ta’ (Tv 50:15). Cứ thế, người khôn ngoan, tự bản chất vốn là thú vật và xác thịt và chỉ yêu chính mình, nay đã bắt đầu yêu mến Chúa nhờ cái lòng yêu mình kia; vì họ hiểu ra rằng chỉ trong Chúa họ mới làm được bất cứ điều tốt nào; còn nếu không có Chúa, họ không làm được gì cả.

Chương IX: Mức độ thứ hai và thứ ba của tình yêu

Tóm lại, thoạt đầu, con người yêu mến Chúa không phải vì Chúa mà là vì chính họ. Điều con người cần biết là: tự họ, họ làm được ít ỏi như thế nào và họ cần Chúa giúp đỡ xiết bao, và nhờ biết như thế, họ sẽ hướng về Chúa một cách đúng đắn, vì Người là sự nâng đỡ của họ. Nhưng lúc khốn cùng xẩy ra liên tiếp, buộc họ phải chạy tới xin Người trợ giúp một cách chắc chắn, liệu một tâm hồn cứng như sắt, lạnh như đá đi chăng nữa há lại không mềm nhũn trước lòng tốt của Đấng Cứu Vớt, đến độ phải yêu mến Người một cách không vị kỷ nhưng hoàn toàn vì Người mà thôi hay sao? Hãy để các khốn khó thường xuyên thúc đẩy ta năng lui tới khẩn cầu tha thiết; và nhờ nếm mùi (tốt lành của Chúa), chắc chắn ta sẽ thấy Chúa nhân từ dường nào (Tv 34:8). Bởi thế, một khi được hiểu rõ, lòng nhân hậu của Người sẽ thúc đẩy ta yêu mến Người cách vô vị kỷ, chứ riêng các nhu cầu của ta chỉ buộc ta yêu Người cách vị kỷ mà thôi. Như dân làng Samaria từng nói với người phụ nữ về báo cho họ hay Đấng Kitô hiện đang ở ngoài giếng ‘Bây giờ chúng tôi tin, không phải vì lời chị nói, bởi chúng tôi đã được nghe chính lời Người và biết rõ Người quả là Đấng Kitô, Đấng Cứu Thế’ (Ga 4:42). Chúng ta cũng thế, chúng ta cũng làm chứng cho bản nhiên nhục thân của ta rằng ‘Ta không còn yêu mến Chúa vì các nhu cầu của ta nữa, mà vì đã nếm và đã thấy Chúa nhân hậu xiết bao’. Các nhu cầu tạm bợ của ta cũng có ngôn từ riêng của chúng, biết tuyên xưng các ơn phúc chúng nhận được từ lòng tốt của Chúa. Một khi nhận ra như thế, thì việc thực thi tình yêu đối với người lân cận không còn khó khắn nữa; vì bất cứ ai khi đã yêu Chúa một cách đúng đắn cũng đều yêu mọi tạo vật của Người. Tình yêu ấy trong trắng và không còn thấy chi nặng nề trong giới răn phải tẩy rửa tâm hồn, phải nhờ Chúa Thánh Thần mà vâng theo sự thật là yêu anh em cách thành thật (1Pr 1:22). Nhờ yêu mến thích đáng, họ coi giới răn ấy hoàn toàn chính đáng. Tình yêu như thế đáng được biết ơn, vì nó tự phát; trong trắng, vì nó không được biểu lộ bằng lời nói hay miệng lưỡi mà bằng việc làm và bằng sự thật (1 Ga 3:18); công chính, vì nó trả lại những gì đã nhận lãnh. Ai yêu mến cách đó, tức yêu như mình được yêu, và không còn tìm kiếm bản thân mình mà là những sự việc của Chúa Kitô, là giống như Chúa Giêsu. Người không tìm kiếm lợi ích của riêng Người mà là lợi ích của ta, hay chính chúng ta. Tình yêu như thế là tình yêu của Thánh Vịnh Gia khi ngài hát ‘Ôi, hãy tạ ơn Chúa vì Người nhân lành’ (Tv 118:1). Bất cứ ai ca tụng Thiên Chúa vì lòng từ nhân từ trong bản tính của Người, chứ không phải chỉ vì các ơn phúc Người ban cho, đều đã thực sự yêu mến Thiên Chúa vì chính Người, chứ không yêu Người cách vị kỷ. Thánh Vịnh Gia không nói tới thứ tình yêu ấy khi viết ‘Mình tự làm nên, thiên hạ tán dương mình’ (Tv 49:19). Như ta đã thấy, mức độ thứ ba của tình yêu là yêu mến Chúa vì chính Người, chỉ vì Người là Chúa.

Chương X: Mức độ thứ tư của tình yêu: vì Chúa, con người quên cả mình

Hạnh phúc thay ai đạt tới mức độ thứ tư của tình yêu, trong đó, họ chỉ yêu họ trong Thiên Chúa! Sự chính trực của Chúa, lạy Chúa, cao như thái sơn. Tình yêu như thế là đồi cao của Chúa, nơi Người thích đến ngụ cư. ‘Ai sẽ lên đồi của Chúa?’. ‘Ôi, ước chi tôi có cánh như bồ câu; vì lúc ấy tôi sẽ bay đến chỗ thảnh thơi’. ‘Lều của Người đặt tại Salem; nơi cư trú của Người đặt tại Sion’. ‘Khốn cho tôi, tôi buộc phải cư ngụ với bọn rợ Me-séc!’ (Tv 24:3; 55:6; 76:2; 120:5). Đến khi nào, cái nhục thân máu huyết này, cái bình bằng đất vốn là căn lều của linh hồn tôi này, tới được bến bờ kia? Đến khi nào, linh hồn tôi vì say mê tình yêu Chúa đến quên mình này, vâng gần như một chiếc bình vỡ, hoàn toàn khát mong Chúa, được kết hợp với Người và trở thành một thần trí với Người? Đến khi nào nó biết la lên ‘Xác thịt và tâm hồn tôi suy tàn; nhưng Chúa vẫn là sức mạnh của tâm hồn tôi và là gia nghiệp của tôi’ (Tv 73:26). Tôi kể Người là Đấng phúc đức và thánh thiện, Đấng đã ban cho tôi lòng say mê đối với Người kia trong cõi hồng trần này, vì tấm tình khiến tôi một lúc thấy mình như không còn, như hoàn toàn trống rỗng và được cuốn hút hoàn toàn vào Chúa ấy không thể là tấm tình nhân giới; nó phải là tấm tình thiên giới. Nhưng đôi khi, con người khốn khổ chỉ cảm thấy niềm say mê thiên giới trong một khoảnh khắc rồi bị đời tục lụy ganh ghét hạnh phúc, cái xấu xa của những lo toan vụn vặt hàng ngày làm họ sao lãng, thân xác hay chết đè nặng trên họ, nhu cầu xác thịt trở thành mệnh lệnh, sự yếu đuối của sa đọa làm họ lùi bước, và trên hết, tình yêu huynh đệ bị xâm phạm. Những lúc như thế, họ nghe như có tiếng nói thúc giục họ co cụm trở lại với chính con người của họ; hẳn lúc ấy, họ sẽ phải kêu lên ‘Lạy Chúa, sức con nay đã kiệt, xin Ngài thương cứu giúp’ (Is 38:14); và câu này nữa ‘Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?’ (Rm 7:24).

Hiểu được lời Sách Thánh rằng ‘Chúa làm nên mọi sự vì vinh quang của Người’ (Is 43:7), chắc chắn các thụ tạo của Người phải suy phục thánh ý Người, bao nhiêu có thể. Ta phải qui hướng mọi tình âu yếm của ta vào Người, để trong mọi sự, ta chỉ tìm cách thực thi thánh ý Người mà thôi, chứ không tìm cách làm vừa lòng ta. Lúc ấy, tình yêu chân thực sẽ xuất hiện, không phải để thỏa mãn các thèm muốn của ta hay nhận được các khoái cảm nhất thời, mà là để hoàn tất thánh ý Chúa đối với ta: như ta cầu nguyện hàng ngày ‘Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời’ (Mt 6:10). Ôi tình yêu khiết tịnh và thánh thiện! Ôi tình âu yếm dịu dàng và nhân hậu! Ôi mục tiêu tinh trong và thanh sạch, hoàn toàn được tắm gội và rửa sạch mọi pha tạp của vị kỷ, được trở nên dịu ngọt nhờ được tiếp xúc với thiên ý! Đạt được trạng thái này là trở nên như Thiên Chúa. Như giọt nước pha vào rượu sẽ mất đi để nhận lấy mầu và vị của nho; hay như thỏi sắt, được nung đỏ, đã trở nên như chính lửa, quên hết bản chất của chính mình; hay như không khí, được tia sáng mặt trời soi thấu, không còn là vật được soi sáng mà đã trở nên chính ánh sáng; cũng thế, nơi các thánh, mọi tình âu yếm nhân bản đều tan chẩy bởi một chuyển hóa khôn tả thành chính thánh ý Chúa. Vì làm sao Chúa có thể là tất cả trong tất cả, nếu có bất cứ điều gì hoàn toàn nhân bản còn sót lại trong con người? Bản chất vẫn sẽ tồn tại, nhưng tồn tại trong một cái đẹp khác, trong một quyền năng cao hơn, trong một vinh quang lớn hơn. Khi nào việc ấy xẩy ra? Ai sẽ được thấy, ai sẽ chiếm hữu được nó? ‘Khi nào tôi được xuất hiện trước nhan Thiên Chúa?’ (Tv 42:2). ‘Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan. Lạy Chúa, con tìm Thánh Nhan Ngài’ (Tv 27:8). Lạy Chúa, Ngài có nghĩ rằng con, cả con nữa, cũng sẽ được thấy đền thánh của Ngài chăng?

Ở đời này, con nghĩ, ta không thể vâng theo một cách trọn vẹn và hoàn toàn giới răn này ‘Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết trái tim, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi’ (Lc 10:27). Vì ở chốn này, trái tim vẫn phải nghĩ tới thân xác; linh hồn vẫn phải lên sinh lực cho thân xác; còn sức lực thì phải canh chừng để đừng bị tàn tật. Và nhờ ơn Chúa, nó phải tìm cách phát triển. Thành thử, người ta không thể dâng hết cả con người của họ cho Thiên Chúa, để khát khao mong hưởng Nhan Thánh Người, bao lâu ta còn phải thích ứng các mục tiêu và khát vọng của mình theo thân xác yếu ớt, bệnh hoạn này của ta. Tóm lại, linh hồn chỉ hy vọng chiếm được mức độ yêu Chúa thứ tư, hay đúng hơn, để mức độ này chiếm hữu, khi nó mặc được một thân xác thiêng liêng và bất tử, một thân xác sẽ hoàn hảo, bình an, đáng yêu, và qui phục hoàn toàn thần trí trong mọi sự. Nhưng không cố gắng phàm nhân nào tự mình đạt tới mức thứ tư này: tất cả là tùy quyền năng Chúa muốn ban cho ai thì ban. Lúc ấy, linh hồn sẽ dễ dàng vươn tới giai đoạn cao nhất ấy, vì không còn thèm khát nào của xác thịt làm chùn bước chân của nó tiến vào niềm vui của Chúa, và không một xáo trộn nào náo động được bình an của nó. Há ta không nghĩ được rằng các thánh tử đạo ít nhất cũng được hưởng ơn này trước khi các vị hy sinh thân xác vinh hiển hay sao? Cái sức mạnh khôn lường của tình yêu đang làm họ say sưa kia chắc chắn giúp họ mỉm cười trước nhục hình thân xác và phó mạng sống mình trong hân hoan. Nhưng dù không thể tiêu diệt được bình an trong tâm trí họ, cái đau khủng khiếp chắc chắn có làm hư hại phần nào sự hoàn hảo của nó.