Chương IV: Những người tìm an ủi ở việc nghĩ tưởng tới Chúa, hay thích hợp nhất để yêu Người

Nhưng điều đáng lưu ý là loại người nào tìm được an ủi trong việc nghĩ tưởng tới Chúa. Chắc chắn đó không phải là thế hệ suy đồi và gian ác mà Sách Thánh vốn cho là ‘Khốn cho các ngươi, những kẻ giầu có; vì các ngươi đã được an ủi rồi’ (Lc 6:24). Mà là những kẻ từng thú thật rằng ‘Hồn tôi khước từ an ủi’ (Tv 77:3). Vì quả là hợp lý khi những ai không thỏa mãn với hiện tại sẽ được ý nghĩ tương lai nâng đỡ và việc chiêm ngắm hạnh phúc trường cửu sẽ an ủi những ai không muốn uống từ dòng sông vui thú tạm bợ. Chính thế hệ những người này tìm kiếm Thiên Chúa, cả những người tìm kiếm khuôn mặt của Chúa Giacóp, chứ không phải khuôn mặt mình. Với những ai mong mỏi được thấy thánh nhan Thiên Chúa hằng sống, thì chỉ cần nghĩ tưởng đến Người cũng là điều tự nó dịu ngọt nhất rồi: nhưng họ không hề no chán, mà mỗi lúc một thèm khát hơn, vì đã có lời Thánh Kinh rằng ‘ai ăn Ta sẽ còn đói’ (Hc 24:21); và như người đói khát kia từng nói ‘khi thức giấc được thấy hình ảnh Người, con sẽ thoả mãn’. Vâng, ngay lúc này đây, phúc cho ai đói khát sự công chính vì họ, và chỉ có họ mà thôi, sẽ được no thoả. Khốn cho các ngươi, hỡi thế hệ suy đồi và gian ác; khốn cho các ngươi, hỡi dân tộc khờ dại bị bỏ rơi, những người thù ghét việc tưởng nghĩ tới Chúa Kitô, và gớm ghiếc việc Người tái lâm! Hỡi những người hiện không biết tìm kiếm sự giải thoát khỏi cạm bẫy thợ săn, các bạn hãy kinh sợ; bởi vì ‘những kẻ muốn làm giầu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại’ (1Tm 6:9). Vào ngày đó, ta sẽ không tránh khỏi lời kết án khủng khiếp này ‘Hãy xéo khỏi mặt Ta, hỡi những kẻ bị nguyền rủa, mà vào lửa đời đời’ (Mt 25:41). Ôi, quả là bản án khủng khiếp, quả là lời cứng rắn! Cứng rắn hơn biết bao so với lời khác mà ta lặp đi lặp lại hàng ngày trong nhà thờ, khi tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta sẽ được sống đời đời’ (Ga 6:54). Điều này muốn nói: ai tôn kính cái chết của Ta và theo gương Ta mà giết chết những gì thuộc về hạ giới (Cl 3:5) thì sẽ được sống đời đời, như chính Thánh Tông Đồ đã viết ‘Nếu ta chịu đau khổ, ta cũng sẽ được hiển trị với Người’ (2Tm 2:12). Ấy thế nhưng nhiều người ngày nay lại chùn bước trước lời lẽ ấy và quay gót, dùng hành động chứ không hẳn miệng lưỡi mà nói rằng ‘điều này chướng tai quá; ai mà nghe nổi?’(Ga 6:60). Quả là ‘Một thế hệ tâm địa thất thường, lòng dạ bất trung cùng Chúa’ (Tv 78:8), chỉ biết tín thác vào những của cải không chắc chắn. Thế hệ này bối rối khi nghe tên Thánh Giá, và coi việc kỷ niệm Khổ Nạn là điều không thể chịu đựng được. Thử hỏi nó làm sao chịu đựng được sức nặng của bản án đáng sợ sau ‘Hãy xéo khỏi ta, hỡi những kẻ bị nguyền rủa, mà vào lửa đời đời, đã dọn sẵn cho ma quỉ và các thần của chúng’? ‘Đá này rơi trúng ai, sẽ làm người ấy nát thịt’ (Lc 22:18); nhưng ‘thế hệ tín trung sẽ được chúc phúc’ (Tv 112:2), vì giống Thánh Tông Đồ, họ lặp đi lặp lại điều này: dù có mặt hay vắng mặt, họ đều được Chúa chấp nhận (2Cor 5:9). Vào ngày sau hết, họ cũng sẽ được nghe Quan Án công bố phần thưởng của họ ‘Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc đã được chuẩn bị cho các con từ thuở tạo thiên lập địa’ (Mt 25:34).

Vào ngày đó, những ai tâm địa thất thường sẽ thấy, dù quá trễ, ách của Chúa Kitô dễ dàng xiết bao, đến độ chẳng cần phải còng lưng, và gánh của Người nhẹ biết chừng nào, so với cái đau đớn họ đang phải chịu. Ôi những kẻ tôi đòi tội nghiệp của Ma Tiền, các người không biết tìm vinh quang nơi Thánh Giá Chúa Kitô mà chỉ biết tín thác vào kho lẫm thu tích ở đời này: các người không biết nếm, không nhìn thấy Chúa nhân hậu dường bao, mà chỉ biết khát khao bạc vàng. Không biết hân hoan khi nghĩ tới ngày Người xuất hiện, thì ngày đó quả sẽ là ngày giận dữ đối với các người.

Nhưng linh hồn tín hữu luôn khát mong và ngất đi vì Chúa; linh hồn này nghỉ ngơi dịu dàng khi chiêm ngưỡng Người. Nó tìm vinh quang trong cái trách móc của Thánh Giá, cho tới ngày vinh quang nhan thánh Người được tỏ hiện. Giống Cô Dâu, bồ câu của Chúa Kitô sẽ được mang đôi cánh bạc (Tv 68:13), trắng một mầu ngây thơ tinh tuyền, linh hồn này thảnh thơi khi nghĩ tới lòng nhân hậu dư thừa của Chúa, lạy Chúa Giêsu; và trên hết, nó mong tới ngày, trong ánh chói lọi hân hoan của các thánh Chúa, rạng rỡ vì được Sự Hưởng Phước Chúa rọi sáng, lông cánh họ sẽ như vàng, óng ánh niềm vui nhan Chúa.

Lúc đó, quả đúng thay nếu linh hồn này ca vang ‘Tay trái Chàng luồn dưới đầu tôi, còn tay phải thì Chàng ôm ghì lấy tôi’. Tay trái chỉ ký ức về tình yêu khôn sánh, từng khiến Người hy sinh mạng sống vì bằng hữu; còn tay phải chỉ Sự Hưởng Phước Chúa mà Người vốn hứa hẹn cho những kẻ thuộc về Người, và niềm vui khoái họ được hưởng trước nhan Người. Thánh vịnh gia say sưa ca hát ‘Bên tay hữu Ngài, mãi mãi có vui khoái’ (Tv 16:11): do đó, ta hoàn toàn có lý khi giải thích tay phải như niềm vui thần thánh và thần hóa của thánh nhan Người.

Và quả cũng đúng khi ta coi tình yêu diệu kỳ và đời đời đáng ghi nhớ như biểu tượng của tay trái Người, mà trên đó, cô dâu đặt đầu mình lên cho tới khi mọi tội lệ đều tiêu tan: vì Người nâng đỡ các mục tiêu của tâm trí Cô, kẻo chúng quay về với những thèm khát trần gian, xác thịt. Vì xác thịt luôn gây chiến với tinh thần: ‘Thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống’ (Kn 9:15). Hậu quả từ việc chiêm ngắm một tình xót thương diệu kỳ và bất tương xứng như thế, một hồng ân nhưng không và được chứng thực đến thế, một lòng tốt bất ngờ như thế, một lượng khoan hồng không ai sánh nổi như thế, một ơn thánh đáng ca ngợi như thế còn có thể nào khác hơn là linh hồn phải xa lánh mọi quyến luyến tội lỗi, khước từ mọi điều không nhất quán với tình yêu Chúa, và hoàn toàn dấn thân cho mọi sự trên thiên đàng? Không lạ gì Cô Dâu, vì ngửi được mùi thơm của hương hoa này, đã vội vàng chạy tới, lòng rực lửa yêu thương, nhưng vẫn cho là mình chưa yêu đủ, để đáp trả tình yêu Chàng Rể. Và quả thật như thế, vì không còn gì vĩ đại hơn khi hạt bụi nhỏ được thiêu đốt bằng tình yêu của Đấng Uy Nghi, Đấng đã yêu nó trước và đã tự tỏ mình ra như Đấng hoàn toàn hạ mình xuống để cứu vớt nó. Vì ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của mình, để bất cứ ai tin vào Người sẽ không phải chết nhưng sẽ sống đời đời’ (Ga 3:16). Điều ấy cho thấy rõ tình yêu của Chúa Cha. Còn về Chúa Con thì có lời chép rằng ‘Người đã hiến thân chịu chết’ (Is 53:12). Về Chúa Thánh Thần, Sách Thánh nói rằng ‘Đấng An Ủi, vốn là Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha sẽ sai đến vì danh Ta, Người sẽ dạy các con mọi sự, và giúp các con nhớ lại mọi điều Thầy đã dạy các con’ (Ga 14:26). Do đó, rõ ràng Thiên Chúa yêu ta, và Người yêu ta với hết tâm hồn của Người; vì cả Ba Ngôi đều yêu thương ta, nếu ta dám nói như thế về Đấng Thiên Chúa vô cùng và khôn hiểu, Đấng Thiên Chúa duy nhất từ trong bản tính.

Chương V: Người Kitô hữu mắc nợ yêu thương, nợ này lớn xiết bao

Suy niệm những điều trên đây, ta thấy rõ Thiên Chúa phải được yêu mến và Người chính đáng được quyền đòi ta phải yêu mến Người. Nhưng người không tin không nhìn nhận Con Thiên Chúa, và do đó, không biết cả Chúa Cha lẫn Chúa Thánh Thần; vì không tôn kính Chúa Con, nên họ không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai Người, cũng không tôn kính Chúa Thánh Thần mà chính Người đã sai tới (Ga 5:23). Họ biết Thiên Chúa ít hơn ta; không lạ gì họ yêu mền Chúa ít hơn. Tuy nhiên điều này thì chí ít họ cũng phải hiểu: mọi sự họ có, họ đều nợ của Đấng Dựng Nên họ. Thế còn tôi thì sao? Tôi, thì tôi biết rằng Thiên Chúa của tôi không phải chỉ là Đấng ban phát hậu hĩnh sự sống tôi, Đấng rộng lòng chu cấp mọi nhu cầu của tôi, Đấng an ủi mọi buồn phiền của tôi, Đấng khôn ngoan dẫn dắt đường tôi đi: mà Người còn nhiều hơn thế nữa. Người cứu vớt tôi bằng một cứu thoát dư đầy: Người là Đấng gìn giữ tôi đời đời, là phần gia nghiệp của tôi, là vinh quang của tôi. Dù sao, đã có lời chép rằng ‘Ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa’ (Tv 130:7); và ‘Người vào cung thánh một lần thôi, mà đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta’ (Dt 9:12). Về ơn cứu chuộc của Người, đã có lời chép rằng ‘Người chẳng bỏ rơi kẻ chính trực, họ sẽ được gìn giữ muôn đời’ (Tv 37:28); còn về tính hào phóng của Người ‘Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em’ (Lc 6:38); và ở một chỗ khác, ‘Điều mắt chưa hề thấy tai chưa hề nghe, lòng người chưa hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người’ (1Cor 2:9). Người sẽ vinh danh ta, cả Thánh Tông Đồ cũng đã làm chứng điều ấy khi viết rằng ‘Ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô, Cứu Chúa của ta, Đấng sẽ dùng quyền năng mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người’ (Pl 3:20-21); và ở nơi khác, ‘Tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta’(Rm 8:18); còn câu này nữa, ‘Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những sự vật vô hình’ (2Cor 4:17-18).

‘Tôi biết lấy gì đền đáp Chúa vì mọi ơn phúc Người dành cho tôi?’ (Tv 116:12). Lý trí và cả lẽ công bình tự nhiên thúc đẩy tôi tự hiến hoàn toàn để yêu mến Đấng tôi mang nợ mọi sự, cả những điều tôi có lẫn những điều tôi là. Nhưng đức tin cho tôi hay: tôi phải yêu mến Người hơn tôi yêu mình nhiều lắm, vì tôi đã hiểu ra rằng Người đã cho tôi không chỉ sự sống của tôi, mà còn là chính Người nữa. Ấy thế nhưng, trước thời mạc khải viên mãn, trước khi Ngôi Lời nhập thể, chết trên Thánh Giá, trỗi dậy từ trong mồ, và trở về với Chúa Cha; trước khi Thiên Chúa cho ta hay Người yêu thương ta biết bao bằng dư đầy ơn thánh, lệnh truyền này đã được ban ra, ‘Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết tâm hồn ngươi, hết linh hồn ngươi, và hết sức ngươi’ (Đnl 6:5), nghĩa là hết con người ngươi, hết nhận thức ngươi, hết sức lực ngươi. Và chả có chi là bất công khi Chúa đòi hỏi như thế từ công trình và quà phúc của Người. Làm thế nào tạo vật lại không yêu mến Đấng tạo ra mình, Đấng đã cho mình khả năng yêu mến? Làm thế nào nó lại không yêu Người với hết con người của nó, vì chỉ nhờ quà phúc của Người, nó mới làm được bất cứ điều tốt nào? Chính ơn thánh sáng tạo đã từ không nâng ta lên hàng nhân tính; và từ đó phát khởi bổn phận ta phải yêu mến Người, và lẽ công bình Người có quyền đòi ta yêu mến Người. Nhưng ơn phúc của Người gia tăng vô hạn biết dường nào khi ta nghĩ tới việc Người hoàn tất các lời hứa, ‘Lạy Chúa, Chúa cứu vớt cả con người lẫn thú vật, tình thương Ngài cao ngất trời xanh’ (Tv 36:6). Trong khi chúng ta, những kẻ ‘đổi Chúa vinh quang lấy hình bò ăn cỏ’ (Tv 106:20), bằng các hành động xấu xa, đã hạ giá mình xuống hàng thú vật hư nát. Tôi mang nợ Người, Đấng đã dựng nên tôi: nhưng làm sao trả được nợ Người, Đấng đã cứu chuộc tôi một cách tuyệt diệu như thế? Sáng thế không phải là công trình bao la như cứu thế; vì, về con người và các tạo vật được dựng nên, Sách Thánh chỉ nói ‘Người phán một lời, chúng liền được tạo nên’ (Tv 148:5). Nhưng để cứu chuộc tạo dựng vốn phát sinh từ lời nói của Người ấy, Người đã nói nhiều hơn biết bao, đã làm những điều kỳ diệu như thế nào, đã phải chịu bao nhiêu gian khổ, đã phải kinh qua bao nhiêu nhục nhã! Bởi thế, tôi phải đền trả Chúa thế nào vì mọi ơn phúc Người đã làm cho tôi? Trong sáng thế đầu, Người ban cho tôi chính tôi; trong sáng thế mới, Người ban cho tôi chính Người, và qua quà phúc ấy, Người tái tạo cho tôi chính cái tôi đã bị tôi làm hư mất. Được tạo dựng rồi được tái tạo, để đền trả, tôi mang nợ Người đến hai lần. Nhưng tôi biết lấy gì dâng cho Người vì quà phúc Người ban chính Người cho tôi? Nhân thừa tôi lên ngàn lần để dâng lên Người có thể nào so sánh được với ơn của Người hay không?

Chương VI: Tóm tắt

Ngài phải công nhận rằng Thiên Chúa đáng được ta yêu mến rất nhiều, vô hạn thì đúng hơn, vì Người là Đấng đã yêu thương ta trước; Người, Đấng vô hạn, còn ta hư không, đã yêu thương ta, những kẻ khốn cùng tội lỗi, yêu ta với một tình yêu vĩ đại và không giới hạn biết dường nào. Chính vì thế con đã thưa ngay từ đầu rằng mức độ ta yêu Chúa không thể cân đo đong đếm được. Vì tình yêu của ta hướng về Chúa, là Đấng vô hạn vô lượng, thì làm sao ta giới hạn được tình yêu ấy? Đàng khác, tình yêu của ta không phải là một món quà mà là một món nợ. Và vì chính Thiên Chúa yêu thương ta, Người vốn là tình yêu vô hạn, trường cửu và tối cao, sự vĩ đại của Người không cùng, đúng thế, và sự khôn ngoan của Người vô hạn, bình an của Người không ai hiểu thấu; thử hỏi, vì Người là Đấng yêu ta, liệu ta có dám nghĩ đến việc trả ơn Người một cách miễn cưỡng được chăng? ‘Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; lạy Chúa, là núi đá, thành lũy, là Đấng giải thoát con, là sức mạnh cho con tín thác’ (Tv 18, 1 và tiếp theo). Người là tất cả những gì con cần tới, con mong đợi. Lạy Thiên Chúa và là Đấng phù trợ con, con yêu mến Ngài vì Ngài hết sức tốt lành; chắc chắn không hết sức con, nhưng con yêu Chúa bao nhiêu có thể. Con không thể yêu Chúa như Chúa đáng được, vì con không thể yêu Chúa nhiều hơn mức độ được sự yếu đuối của con cho phép. Con sẽ yêu Chúa nhiều hơn khi Chúa thấy con xứng đáng lãnh nhận khả năng yêu thương lớn hơn; tuy nhiên con vẫn không bao giờ yêu Chúa cách hoàn toàn như Chúa đáng được. ‘Mắt Ngài đã thấy xương tủy con, lúc nó chưa hoàn tất; và trong sổ sách Ngài, mọi chi thể của con đều đã được ghi chép’ (Tv 139: 16). Ấy thế nhưng trong sách ấy, Chúa chỉ ghi mọi người làm điều họ có thể làm, dù họ không thể làm điều họ phải làm. Chắc chắn con đã nói đủ để chứng tỏ rằng ta phải yêu Chúa thế nào và tại sao phải yêu Người. Nhưng ai là người cảm nhận được, biết được và nói lên được ta phải yêu Chúa bao nhiêu?