1. Hình ảnh Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 chính thức bắt đầu triều đại giáo hoàng của ngài trong thánh lễ Khai Mạc Sứ Vụ Mục Tử Toàn Hội Thánh.

Trong bài giảng thánh lễ Chúa Nhật, 24 tháng Tư năm 2005, trước đông đảo anh chị em đứng chật quảng trường Thánh Phêrô, Đức Tân Giáo Hoàng đã nói: "Giáo Hội đang sống động và trẻ trung. Giáo Hội nắm giữ trong mình tương lai của thế giới và do đó chỉ cho mỗi người chúng ta con đường hướng tới tương lai. Giáo Hội vẫn sống động và chúng ta đang chứng kiến điều đó. "

2. Buổi triều yết chung hôm thứ Tư 25 tháng Tư

Trong cuộc sống riêng hàng ngày và trong các quyết định của chúng ta, xin cho chúng ta luôn luôn kín múc hơi thở tâm linh trong lành từ 2 lá phổi là lời cầu nguyện và lời của Thiên Chúa, nhờ đó, chúng ta có thể đáp ứng được mọi thách đố với sự hiểu biết, trí tuệ và lòng trung thành với Thiên Chúa". Đức Thánh Cha đã cầu nguyện như trên trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần hôm thứ Tư 25 tháng Tư.

Đức Thánh Cha nói:

Trong loạt bài giáo lý của chúng ta về kinh nguyện Kitô giáo, giờ đây chúng ta hãy xem xét quyết định của Giáo Hội sơ khai dành ra bảy người nam để đáp ứng các nhu cầu thực tế của các hoạt động bác ái (x. Cv 6:1-4). Quyết định này, được đưa ra sau khi các Tông Đồ cầu nguyện và nhận định rằng cần có những người cung ứng các nhu cầu của người nghèo để các Tông Đồ chuyên tâm lo việc rao giảng Lời Chúa.

Điều quan trọng là các Tông Đồ ghi nhận tầm quan trọng của cả hai việc cầu nguyện và bác ái, nhưng rõ ràng các ngài đặt ưu tiên cho việc cầu nguyện và rao giảng Tin Mừng. Trong mọi thời đại, các thánh đã nhấn mạnh sự hiệp nhất sâu sắc quan trọng giữa chiêm niệm và hoạt động.

Cầu nguyện, được nuôi dưỡng bởi niềm tin và soi sáng bởi Lời Chúa, cho phép chúng ta nhìn thấy mọi thứ theo một nhãn quan mới để có thể đối phó với những tình huống mới với sự khôn ngoan và hiểu biết được Thánh Linh ban cho. Trong cuộc sống riêng hàng ngày và trong các quyết định của chúng ta, xin cho chúng ta luôn luôn kín múc hơi thở tâm linh trong lành từ 2 lá phổi là lời cầu nguyện và lời của Thiên Chúa, nhờ đó, chúng ta có thể đáp ứng được mọi thách đố với sự hiểu biết, trí tuệ và lòng trung thành với Thiên Chúa.

3. Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Hội nghị quốc tế kỳ 7 về Mục vụ Du lịch

Trong tuần qua, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã gửi một thông điệp đến các tham dự viên Đại hội lần thứ 7 về Chăm sóc Mục vụ Du lịch, đang được tổ chức tại Cancun, Mexico từ ngày 23 đến ngày 27 tháng Tư.

Đức Giáo Hoàng đã nói về những mặt tích cực của du lịch, nhưng ngài cũng lên án những khía cạnh tiêu cực có thể phát sinh từ kỹ nghệ du lịch, chẳng hạn như du lịch tình dục, buôn bán người, mua và bán của các cơ phận trong thân thể con người và khai thác tính dục trẻ vị thành niên.

Đức Thánh Cha nói rằng du lịch, cùng với kỳ nghỉ và thời gian giải trí, tạo ra một không gian lý tưởng để gặp gỡ những người từ các nền văn hóa khác nhau, trong khi dành thời gian cho đổi mới cả về thể chất lẫn tinh thần.

4. Diễn đàn kỷ niệm 50 năm ngày Đức Thánh Cha Gioan 23 công bố thông điệp "Pacem in Terris"

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Đức Thánh Cha Gioan 23 công bố thông điệp "Pacem in Terris" – nghĩa là “Hòa Bình Tại Thế”, một diễn đàn quốc tế sẽ được tổ chức tại Vatican bao gồm cựu tổng thống Peru là ông Alan Garcia, kinh tế gia Hoa Kỳ Joseph Stiglitz, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, Mario Draghi, và Chủ tịch Quốc Hội Italia Rocco Buttiglione. Các vị này sẽ thảo luận về ảnh hưởng của thông điệp của Đức Gioan trên thế giới.

Diễn đàn này do Học Viện Giáo Hoàng về Khoa học xã hội tổ chức sẽ diễn ra từ 27 tháng Tư đến 1 tháng Năm.

Danh sách các vị phát biểu trong hội nghị cũng bao gồm Đức Hồng Y Reinhard Marx. Đức Hồng Y sẽ đề cập đến vấn đề là làm thế nào có thể vận dụng thông điệp này để thay đổi thế giới. Đức Hồng Y Walter Kasper, sẽ nói về lòng khoan dung và đối thoại. Chủ tịch của Caritas, Đức Hồng y Oscar Rodriguez Maradiaga, sẽ giải thích vai trò của công bằng xã hội trong bối cảnh một thế giới toàn cầu hóa.

Cuộc họp năm ngày cũng sẽ bao gồm các cuộc tranh luận và các bài phát biểu được đưa ra bởi một số giáo sư đại học Columbia, Stanford và Cambridge. Tất cả đến với nhau để phân tích các vấn đề hiện tại và những thách đố của thế giới ngày nay.

5. Buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hôm Chúa Nhật 22 Tháng Tư

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hôm Chúa Nhật 22 Tháng Tư , Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã đề cập đến tầm quan trọng của việc cử hành trọng lễ việc rước lễ lần đầu của trẻ em. Ngài đặc biệt kêu gọi người Công giáo hãy cử hành trang trọng biến cố này để không làm lu mờ ý nghĩa tôn giáo thực sự của bí tích.

Đức Thánh Cha nói:

"Tôi kêu gọi các linh mục giáo xứ, cha mẹ và giáo lý viên hãy chuẩn bị ngày hội của đức tin này với đầy nhiệt tình và sự trang trọng. Ngày này sẽ in sâu vào tâm thức như là lần đầu tiên cảm nhận được tầm quan trọng của việc có một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu, "

Sau đó, Đức Thánh Cha đã nói về thời điểm khi Chúa Giêsu xuất hiện giữa các tông đồ, cùng ăn với họ và giúp họ vượt qua những hồ nghi về đức tin, để họ có thể hiểu được ý nghĩa cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Ngài.

Ngài nhắc nhở mọi người rằng ngay cả ngày nay, các Kitô hữu cũng có thể cậy dựa vào sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu qua Phúc Âm và Thánh Thể.

Ngài nói:

"Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Phục Sinh khai mở tâm trí của các môn đệ để họ hiểu ý nghĩa của đau khổ và sự chết của Ngài, và truyền cho các ngài ra đi rao giảng sự sám hối. Cầu xin cho chúng ta cũng có thể là chứng nhân đích thực cho Chúa Kitô. với lòng can đảm và niềm vui."

Nhiều trẻ em hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô đã thả bong bóng bay để cầu xin cho hòa bình thế giới.

6. Lễ Phục sinh Chính Thống Giáo

Trong những giờ đầu tiên của buổi sáng Chúa Nhật Phục sinh Chính Thống Giáo diễn ra hôm 15 tháng Tư, đông đảo các tín hữu Kitô đã hồi hộp chờ đợi một ngọn lửa được nhen nhóm bởi "một phép lạ".

Theo nghi thức, lúc hai giờ chiều, Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp Theophilus Đệ Tam một mình đi vào ngôi mộ trống và cầu nguyện trong khi các tín hữu đọc kinh Kyrie Eleison Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Đức Thượng Phụ trở ra với một ngọn Lửa Thánh. Nếu phép lạ xảy ra thì ngọn lửa có ánh sáng nhưng không có nhiệt năng. Năm nay, phép lạ đã xảy ra. Trong 10 phút đầu tiên, các tín hữu có thể giơ tay trên ngọn lửa mà không sợ bị bỏng. Họ nhanh chóng truyền Lửa Thánh sang chung quanh. Nhiều người bật khóc vì vui mừng trước một phép lạ tỏ tường trước mắt họ.

Nhiều người đến từ phương xa mang theo những chiếc đèn lồng để họ có thể giữ ngọn lửa và mang nó trở lại nguyên vẹn cho đất nước của họ, cho nhà thờ riêng của họ ở Nga, Hy Lạp, Romania, Ukraine ...

Quảng trường trước đền thờ Mộ Thánh đông chật người. Cảnh sát và binh sĩ Israel vất vả giữ trật tự trong khi kiểm soát giấy thông hành của các tín hữu. Vì quá đông các tín hữu nên đa số phải đứng bên ngoài đền thờ cầu nguyện.

Mùa Phục Sinh là thời gian quan trọng và thiêng liêng nhất trong lịch Phụng Vụ của Giáo hội Chính thống. Giống như các tín hữu Công Giáo, các tín hữu Chính Thống trải qua 40 ngày trong Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Hai Thanh Sạch và kết thúc vào Thứ Bẩy Lễ ông Lazarô chết 4 ngày sống lại.

Tiếp đến là tuần Thánh với Chúa Nhật Lễ Lá. Các tín hữu Chính Thống giữ chay trong suốt tuần Thánh. Việc giữ chay chỉ kết thúc sau khi các tín hữu đã dự Lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật sau Lễ Lá.

7. 104 tín hữu Chính Thống Giáo Ai Cập theo nghi lễ Coptic tham dự Tuần Thánh tại Giêrusalem.

Bất chấp lệnh cấm của Đức Giáo Hoàng Coptic Shenouda Đệ Tam, 104 tín hữu Chính Thống Giáo Ai Cập theo nghi lễ Coptic, đã đáp máy bay từ Cairo sang Tel Aviv để tham dự Tuần Thánh tại Giêrusalem.

Sau hiệp định hòa bình giữa Ai Cập và Israel được ký kết năm 1979, Đức Giáo Hoàng của Chính Thống Giáo Coptic Shenouda Đệ Tam đã ra một chiếu chỉ cấm các tín hữu hành hương đến Israel. Lệnh cấm này được xem là để bày tỏ tình liên đới với người Palestine.

Lệnh cấm các tín hữu không được hành hương sang Thánh Địa được nhiều người xem là chẳng có một căn bản tín lý nào nếu không muốn nói là đi ngược lại với tín lý. Tuy nhiên, hàng giáo sĩ Chính Thống Giáo Coptic tại Ai Cập ủng hộ mạnh mẽ quyết định này của Đức Giáo Hoàng Shenouda Đệ Tam.

Thật vậy, từ khi lên cầm quyền vào tháng 10 năm 1970, tổng thống Ai Cập Anwar Sadat đã ủng hộ mạnh các phong trào Hồi Giáo cực đoan tại nước này và coi đó như một quốc sách để chống lại nạn cộng sản đang phát triển mạnh. Trong bối cảnh đó, nhiều quyết định của Giáo Hội Chính Thống Giáo Coptic tại Ai Cập, mà điển hình là quyết định cấm không cho hành hương này, đã được đưa ra với hy vọng có thể đem lại hòa bình cho Giáo Hội trong một đất nước có 90% dân số theo Hồi Giáo Sunni.

Đức Giáo Hoàng Coptic Shenouda đã bắt đầu triều Giáo Hoàng của mình từ ngày 14 tháng 11 năm 1971 cho đến ngày ngài qua đời hôm 17 tháng Ba vừa qua.

Cần phân biệt giữa Chính Thống Giáo Coptic và Công Giáo Coptic. Công Giáo Coptic tại Ai Cập hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh.

8. Hòa nhạc mừng kỷ niệm 7 năm triều đại Giáo Hoàng

Nổi bật trong các hoạt động nhân sinh nhật thứ 85 của Đức Thánh Cha và mừng kỷ niệm 7 năm triều đại Giáo Hoàng của ngài là buổi trình diễn tại Vatican của dàn nhạc lâu đời nhất trên thế giới.

Hôm thứ Sáu 20 tháng Tư vừa qua dàn nhạc Gewandhaus Leipzig là dàn nhạc giao hưởng lâu đời nhất trên thế giới đã trình diễn một buổi hoà nhạc xuất sắc dành cho Đức Giáo Hoàng tại đại thính đường Phaolô Đệ Lục của Vatican.

Chương trình đã bao gồm bản giao hưởng ngoạn mục số 2, bài “Thánh Thi Ngợi Khen” của Felix Mendelssohn .

Buổi hòa nhạc cũng bao gồm những bài solo của Luba Orgonasova và Steve Davislim, dưới sự chỉ đạo của Riccardo Chailly.

9. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tiếp kiến chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng bang Saxony.

Buổi sáng thứ Sáu 20 tháng Tư Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã có một buổi tiếp kiến riêng dành cho ông Stanislaw Tillich là chính trị gia thuộc đảng Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo.

Ông Tillich hiện là chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng bang Saxony. Trong buổi tiếp kiến, ông Tillich đã tặng Đức Giáo Hoàng một cây bút Montblanc đặc biệt màu trắng. Đức Thánh Cha tặng lại cho ông và đoàn tùy tùng tất cả những huy hiệu khác nhau thuộc về triều đại giáo hoàng của ngài.

10. Phong chân phước cho Mẹ María Inés Teresa

Mẹ María Inés Teresa của Bí Tích Cực Thánh (1904-1981), một nữ tu Mexico, người sáng lập ra dòng các Nữ Tu Khó Nghèo Truyền Giáo vào năm 1945 và dòng Các Nhà Truyền Giáo của Chúa Kitô cho Giáo Hội Hoàn Vũ vào năm 1979, vừa được phong chân phước tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe hôm 21 tháng Tư. Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, đã chủ sự Thánh Lễ.

"Hãy vui lên trong Thánh Lễ hàng ngày của chúng ta, trong tôn thờ và suy niệm của chúng ta, trong sứ vụ tông đồ hàng ngày của chúng ta, trong bất kỳ loại công việc chúng ta làm, trong tất cả các hành động của cuộc sống hàng ngày của chúng ta, cả trong khi chúng ta ăn uống nghỉ ngơi," Đức Hồng Y Angelo Amato cho biết chân phước María Inés Teresa đã viết cho các chị em trong cộng đoàn của mình như thế vào năm 1977.

Có mặt tại Thánh lễ phong chân phước là một cậu bé đã rơi vào một hồ bơi lúc một tuổi, bị chết đuối, và được tuyên bố là đã chết, nhưng sau đó đã sống lại nhờ lời cầu bầu của nữ tu – đây là một phép lạ đã được Bộ Phong Thánh công nhận.

11. Phụ nữ là nạn nhân bi đát của não trạng ‘gendercide’

Khi nói đến việc có em bé, một số phụ nữ đã chọn chỉ có con trai. Điều đó có nghĩa là nếu đứa con sắp sinh của mình là nữ, họ sẽ phá thai. Vấn đề phân biệt giới tính này đã là một trong những nguyên nhân dẫn đến phá thai từ nhiều ngàn năm nay, ở nhiều nước và trong các nền văn hóa khác nhau.

Cô Anna Halpine, người sáng lập ra Liên minh Thanh niên Thế giới nói:

"Vấn đề căn bản chúng ta đang đề cập đến được gọi là 'gendercide’, hoặc lựa chọn giới tính. Điều này thực sự là một nguyên nhân dẫn đến phá thai đang diễn ra rõ ràng chỉ vì thai nhi là một bé gái. "

Anna Halpine là người sáng lập của Liên minh Thanh niên Thế giới. Đó là một liên minh toàn cầu, có trụ sở tại New York, nhằm bênh vực phẩm giá con người. Chủ yếu, Liên minh đào tạo thanh thiếu niên để họ có thể đóng một vai trò tích cực trong việc đưa ra chính sách ở cấp địa phương và quốc tế. Cô đã tới Rôma để tham gia một hội nghị về sức khỏe phụ nữ, các bà mẹ đang thai và các vấn nạn liên quan đến HIV/AIDS.

Theo Anna Halpine ‘gendercide’ là một vấn đề không chỉ phổ biến ở Trung Quốc, Pakistan và Ấn Độ mà thôi nhưng còn cả trong nhiều vùng rộng lớn tại châu Âu và Bắc Mỹ. Về mặt nhân chủng học, các dữ liệu thống kê cho thấy ‘gendercide’ là nguyên nhân đã dẫn đến việc mất đi khoảng 100 triệu bé gái trên thế giới ngày nay.

Theo Halpine, sự mất cân bằng nam nữ cũng đã dẫn đến sự gia tăng tệ nạn mại dâm và buôn bán phụ nữ, và một lần nữa phụ nữ lại trở thành những nạn nhân.

Cô nói:

"Đáng ngại hơn là nhiều người trước nay vẫn cho rằng điều này là một vấn đề của thất học và nghèo đói, nhưng giờ đây chúng ta bẽ bàng để thấy rằng cả những phụ nữ có học vấn cao, giàu có, thuộc các tầng lớp trên trong xã hội, chính những bà ấy cũng giết những đứa con gái trong bụng mình."

Nâng cao nhận thức là một tiêu điểm quan trọng của khóa học, nhưng bản thân sự thay đổi phải đến từ trong nước. Nhưng chỉ cậy dựa trên luật pháp mà thôi thì chưa đủ.... văn hóa cũng đóng một vai trò lớn.

Halpine nói:

"Tại Ấn Độ, phá thai chỉ vì thai nhi là con gái là bất hợp pháp, nhưng mà, chúng ta chẳng nhìn thấy điều luật này có chút tác dụng nào hết. Văn hóa Ấn vẫn quyết định tất cả”.

Cũng có những tin tốt lành. Halpine cho biết ngày nay tại Nam Hàn, não trạng gendercide đã được người dân xem là không thể chấp nhận.

12. Độc giả Công Giáo Italia đã lên tiếng hoan nghênh một sáng kiến của Nhật Báo “Il Sole 24 Ore”

Độc giả Công Giáo Italia đã lên tiếng hoan nghênh một sáng kiến của Nhật Báo “Il Sole 24 Ore” vào ngày 24 tháng Tư vừa qua. Tờ Nhật Báo có trụ sở tại Milan này đã tặng miễn phí cho các độc giả mua báo ngày hôm đó một cuốn sách dày 88 trang có tựa đề “Joseph Ratzinger teologo e pontefice” nghĩa là Đức Joseph Ratzinger Thần Học Gia và Giáo Hoàng. Cuốn sách đã được biên soạn với sự hợp tác của tờ Quan Sát Viên Rôma.
Theo gương tờ “Il Sole 24 Ore”, ngày 26 tháng Tư, Nhật Báo“La Razón” của Tây Ban Nha cũng tặng miễn phí cho độc giả của mình phiên bản Tây Ban Nha của cuốn sách.

13. Một cuốn sách khác cũng vừa được cho ra mắt độc giả tại Italia hôm 18 tháng Tư là cuốn “Sự trốn chạy của các phụ nữ lứa tuổi 40. Tương quan khó khăn giữa nữ giới và Giáo Hội” của cha Armando Matteo.

Cha Matteo là thần học gia, giáo sư học viện thần học Calabria ở nam Italia. Cha còn là tuyên úy Liên hiệp sinh viên công giáo toàn quốc Italia. Cha là tác giả nhiều sách nghiên cứu đặc biệt về vấn đề ngày nay tại sao các nhà thờ tại Âu Châu càng ngày càng vắng bóng các tín hữu. Những cuốn sách tiêu biểu của cha Matteo là “Đức tin của giáo dân. Kitô giáo trước tâm thức thời hậu tân tiến”, ”Sự hiện diện bị đập tan. Đối thoại thời hậu tân tiến của Kitô giáo”, “Thế hệ thứ nhất không tin”.

Theo cha Matteo, xét vì tại Tây Phương việc thông truyền đức tin là do các bà mẹ nhiều hơn là từ phía các người cha. Vấn đề đức tin gắn liền với gương mặt của phụ nữ trong hai chiều kích: chính các chị em phụ nữ đã là những người đầu tiên rao giảng Tin Mừng nhưng ngày nay họ chịu áp lực của một xã hội liên tục xuyên tạc các sứ điệp của Giáo Hội và của huấn quyền. Thêm vào đó, ngày nay họ vẫn tiếp tục gánh chịu những bất bình đẳng trầm trọng trong xã hội.

Theo cha Matteo, Giáo Hội cần phải đi tiên phong trong việc chống lại chủ thuyết duy nam giới đang thống trị xã hội của chúng ta ngày nay. Cha Matteo nhấn mạnh rằng dù đã có nhiều tiến bộ, xã hội ngày nay vẫn là một xã hội kỳ thị nữ giới, dùng hình ảnh thân thể nữ giới để quảng cáo trên truyền hình báo chí, hạ nhục coi nữ giới như đồ chơi. Trong khi đáng lý ra, xã hội chúng ta phải biết trân trọng phụ nữ vì thế đứng và phần đóng góp của họ cho gia đình, cho xã hội và cho Giáo Hội.

Một vài dữ kiện và con số có thể giúp chúng ta thay đổi kiểu suy tư và hành xử của chúng ta đối với chị em phụ nữ: chẳng hạn như số phụ nữ có bằng tiến sĩ đông hơn số nam giới rất nhiều. Thế nhưng các chỗ dậy trong các đại học đa số đều dành cho nam giới, chứ nữ giới không được thu dụng và đa số các giới chức trong các guồng máy chính quyền đều là nam giới.

Ngoài ra còn có các vấn đề như số sinh giảm sút vì sự kiện sinh con có thể khiến cho nữ giới mất công ăn việc làm; phải hòa giải giữa công ăn việc làm và chức làm mẹ của nữ giới làm sao để nữ giới đi làm việc mà vẫn có thời giờ lo lắng cho con cái và săn sóc gia đình và nhất là có được đồng lương xứng đáng bình đẳng.

Cha Matteo cảnh cáo rằng nếu không giải quyết được những vấn đề bất bình đẳng cho nữ giới các gia đình và Giáo Hội chịu thiệt thòi trước hết và hơn hết vì mất đi một nguồn trợ lực quan trọng cho đức tin của thế hệ tương lai.

14. Chương trình kỷ niệm 1700 năm ngày theo đạo Công Giáo của Đại Đế Constantine. Trận đánh cầu sông Milvian và hệ quả trên cục diện thế giới.

Trong cuộc họp báo hôm 17 Tháng Tư, cha Federico Lombardi đã cho biết về chương trình kỷ niệm 1700 năm ngày theo đạo Công Giáo của Đại Đế Constantine và chiếu chỉ của vị đại đế bãi bỏ hoàn toàn việc cấm đạo trên toàn đế quốc La Mã.

Tưởng cũng nên biết là sau khi Chúa Giêsu lên trời, các thánh Tông Đồ nhận lời ủy thác của Ngài đã đi khắp muôn phương rao giảng Tin Mừng. Bước đường truyền giáo của các thánh Tông Đồ trên các miền đất của đế quốc La Mã đã vấp phải những cấm cách dã man ghi dấu bằng việc tử đạo của các thánh Tông Đồ trong đó có cả hai thánh Phêrô và Phaolô, và đông đảo các tín hữu tiên khởi.

Ngày 28 tháng 10 năm 312, Đại Đế La Mã lúc bấy giờ là Constantine đã thắng trận Cầu Milvian. Vị Đại Đế và nhiều người đương thời tin rằng họ thắng được đối phương là nhờ ơn Chúa. Năm sau đó, Đại Đế đã theo đạo Công Giáo và truyền một chiếu chỉ bãi bỏ lệnh cấm đạo đã được các tiên đế ban hành.

Từ ngày 18 đến 21 tháng Tư một hội nghị quốc tế nhóm họp tại Rôma với chủ đề “Đại Đế Constantine. Căn cội Châu Âu” đã được Ủy Ban Giáo Hoàng về Khoa Học Lịch Sử tổ chức. Cuộc hội thảo đã xem xét môi trường sống của Đại Đế Constantine, quan hệ giữa các tín hữu Kitô với vị đại đế này trước năm 313, và khái niệm về tự do tôn giáo trong đế quốc La Mã cũng như quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước trong giai đoạn này.

Cha Bernard Ardura, chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng về Khoa Học Lịch Sử nhận xét trong cuộc họp báo rằng “xét về mặt binh pháp thuần tuý, trận Cầu Milvian không có tầm vóc chiến lược bao nhiêu, thế nhưng toàn bộ lịch sử Âu Châu đã bước sang một trang mới sau trận chiến này.”

Hội nghị quốc tế vừa kết thúc là phần đầu trong chương trình kỷ niệm 1700 năm ngày theo đạo Công Giáo của Đại Đế Constantine. Một hội nghị khác sẽ được tổ chức tại Milan vào năm tới 2013. Milan được chọn vì đây chính là nơi 1700 năm trước Đại Đế Constantine đã công bố chiếu chỉ bãi bỏ hoàn toàn việc cấm đạo trên toàn đế quốc La Mã.

15. Quan hệ Công Giáo và Chính Thống Giáo Nga vẫn còn nhiều khó khăn.

Trong khi tín hữu Công Giáo và Chính Thống Giáo chuẩn bị kỷ niệm 1700 năm ngày theo đạo Công Giáo của Đại Đế Constantine và chiếu chỉ của vị đại đế bãi bỏ hoàn toàn việc cấm đạo trên toàn đế quốc La Mã, đã có những đồn đoán cho rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 sẽ tham dự lễ kỷ niệm trọng thể được tổ chức năm tới 2013 tại thành phố Nis của Serbia, là nơi sinh của Đại Đế Constantine.

Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Serbia là Irinej đã từng cổ vũ mạnh mẽ cho việc mời Đức Thánh Cha tham dự trong biến cố này khi ngài còn làm Giám Mục giáo phận Nis. Sau khi được bầu vào chức vụ Thượng Phụ Chính Thống Giáo Toàn Serbia vào tháng Giêng 2010, ngài lặp đi lặp lại ý tưởng này. Tuy nhiên, thực tế lời mời Đức Thánh Cha tham dự phải được toàn bộ các giám mục của Giáo Hội Chính Thống Serbia đồng ý. Một số giám mục có thể sẽ không đồng ý vì ảnh hưởng của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga Kirill chắc chắn sẽ được mời tham dự lễ kỷ niệm tại Nis và theo quan điểm của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước khi có cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 và Đức Thượng Phụ Kirill.

Điều oái oăm là trước khi được bầu làm Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga, Đức Thượng Phụ Kirill từng giữ chức Bộ trưởng Quan Hệ Đối Ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa từ tháng 11 năm 1989 cho đến khi được bầu làm Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga hôm 1 tháng Hai năm 2009.

Trong vai trò đó, Đức Thượng Phụ Kirill lúc ấy là Tổng Giám Mục Kirill đã thường xuyên có mặt tại Vatican để gặp gỡ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và sau đó là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.

Một số nguồn tin cho biết Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Irinej của Serbia có thể sẽ tổ chức hai buổi lễ. Một buổi lễ có tính chất nội bộ Chính Thống Giáo và ngài sẽ mời Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga tham dự. Một buổi lễ khác mang tính chất đại kết hơn trong đó ngài sẽ mời Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tham dự.

Trong cuộc họp báo hôm 17 Tháng Tư, cha Federico Lombardi cho biết Tòa Thánh chưa có lịch trình thăm viếng của Đức Thánh Cha trong năm 2013. Do đó, tất cả chỉ là những lời đồn đoán.

16. Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh về cuộc họp liên quan đến Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc

Từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 4, Ủy ban về Trung Hoa được thành lập bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 trong năm 2007 đã gặp nhau tại Vatican để nghiên cứu các vấn đề có tầm quan trọng lớn nhất cho cuộc sống của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc. Ủy ban này bao gồm các Bề Trên của những bộ thuộc Giáo triều Rôma có thẩm quyền trong lãnh vực này cũng như một số đại diện của các giám mục Trung Quốc và các dòng tu.

Cuộc họp năm trước tập trung vào chủ đề là việc đào tạo các chủng sinh, linh mục và đời sống tận hiến.

Năm nay, vấn đề đào tạo giáo dân sẽ được xem xét trong ánh sáng của những tình hình mới liên quan đến cộng đồng Công giáo ở Trung Quốc và trong khuôn khổ "Năm Đức Tin" được tổ chức trong toàn Giáo Hội từ ngày 11 tháng 10 năm 2012 đến 24 tháng 11 năm 2013.

Hội nghị đã chú ý đến các tiến bộ đạt được trong chương trình đào tạo cho các linh mục, chủng sinh và những người sống đời thánh hiến, và những gì còn phải được thực hiện để chuẩn bị đầy đủ cho các sứ vụ mà họ được kêu gọi để thực thi trong Giáo Hội và vì lợi ích của xã hội.

17. Những diễn biến gần đây tại Trung Hoa

Ủy ban đã đặc biệt lưu ý đến một báo cáo của Giáo Hội Thầm Lặng tại Trung Quốc theo đó 22,104 người đã được rửa tội vào dịp Lễ Phục Sinh năm nay. Báo cáo trên bao gồm 3,500 người được rửa tội tại Hồng Kông. Khoảng 75% người Công giáo mới được rửa tội là người lớn.

Trong một diễn biến khác, ủy ban đã lưu ý đến lễ tấn phong Giám Mục Timôthêô Khuất Ái Lâm ngày 25 tháng Tư. Đức Cha Khuất Ái Lâm được Tòa Thánh chuẩn y là Giám Mục hợp thức của giáo phận Trường Sa. Điều đáng đau buồn là Trung quốc đã dàn xếp để Giám Mục Lý Sơn của Bắc Kinh làm vị chủ phong. Nghiêm trọng hơn đó là sự hiện diện của giám mục trái phép Lưu Tân Hồng của giáo phận Vu Hồ (tỉnh An Huy) - người đang bị vạ tuyệt thông từ năm 2006.
Giám Mục Lý Sơn sinh năm 1965 được tấn phong hợp thức vào ngày 21 tháng 9 năm 2007. Tuy nhiên, từ khi được tấn phong Giám Mục đến nay, Giám Mục Lý Sơn luôn chống đối Tòa Thánh ra mặt và tích cực tham dự vào những trò tấn phong Giám Mục trái phép tại Trung quốc.

18. Người Công giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng đòi lại 200 tài sản đã bị chiếm đoạt bởi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Trích dẫn một thỏa thuận năm 1918 với đế quốc Ottoman, Đức Tổng Giám mục Ruggero Franceschini Izmir, chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Thổ Nhĩ Kỳ, đã yêu cầu chính phủ Thổ hãy trả lại các nhà thờ, trường học, viện mồ côi, bệnh viện, và nghĩa trang. Đơn khiếu nại của ngài đã được nộp tại Ủy ban Hòa Giải Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ, là cơ quan cứu xét các khiếu nại các nhóm tôn giáo thiểu số.

Trong một chương trình cải cách hiến pháp, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý xem xét việc trả lại các tài sản bị tịch thu từ các cộng đồng tôn giáo không theo đạo Hồi. Đầu tháng này, chính phủ đã công bố việc trả lại 6 nghĩa trang của các tín hữu Do Thái, các tín hữu thuộc Chính Thống Giáo Hy Lạp, và Giáo Hội Armenia Tông Truyền. Đây là những tài sản đầu tiên được khôi phục lại cho chủ cũ của chúng.

19. Papal Foundation quyên góp được 8.5 triệu Mỹ Kim cho người nghèo

Hôm thứ Hai 23 tháng Tư, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã có một buổi tiếp kiến riêng với các thành viên của Papal Foundation , tức là Qũy Giáo Hoàng, để đích thân cảm ơn họ vì sự quảng đại đóng góp cho người nghèo. Qũy Giáo Hoàng có trụ sở tại Hoa Kỳ đã cấp kinh phí cho nhiều dự án từ thiện đa dạng, trong đó có việc cung cấp trợ giúp cho những người túng thiếu, các chủng viện, tu viện, và các sáng kiến giáo dục ...

Trong cuộc tiếp kiến với Đức Thánh Cha, Qũy Giáo Hoàng đã trình lên Đức Thánh Cha $8,5 triệu Mỹ Kim mà qũy đã quyên góp được để hỗ trợ cho 105 chương trình bác ái tại 50 quốc gia.

20. Đền thờ Mộ Thánh và Đền thờ Chúa Phục sinh

Họ đã lấy Chúa tôi đi, và tôi không biết họ đã đặt ngài nơi nào. Nói xong bà Maria Mađalêla quay lại và nhìn thấy Chúa Giêsu đứng đó nhưng bà không biết đó là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói với bà "Này bà, tại sao bà khóc? Bà đang tìm kiếm ai?
Maria Mađalêla tưởng Chúa Giêsu là người làm vườn nên thưa: 'Thưa ông, nếu ông đã mang ngài đi, xin cho tôi biết nơi ông đã đặt ngài và tôi sẽ đến đó đưa ngài đi’.

Chúa Giêsu nói: “Maria”. Bà quay lại và nhận ra Người. Bà nói: “Rabuni”, nghĩa là “Thưa Thầy”.

Theo Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu Phục Sinh đã tỏ mình ra đầu tiên với Maria Mađalêla khi bà khóc lóc gần ngôi mộ trống.

"Maria Mađalêla đã được sai đi báo cho các môn đệ là Chúa đã phục sinh. Bà được xem như là một tông đồ để thông báo cho các tông đồ khác. Đối với chúng ta, những người ngày nay đang cử hành mầu nhiệm sống lại ở nơi này, điều quan trọng là phải nhớ rằng chúng ta cũng đang được sai đi để công bố mầu nhiệm phục sinh cho những người khác. Ngay cả cho những người đã là môn đệ của Chúa Giêsu, chứ không phải chỉ cho những người chưa biết Chúa.”

Theo các khoa lịch sử và khảo cổ học, đền thờ Thánh Mộ, như ta thấy ngày nay, chỉ cách ngôi mộ đặt xác Chúa Giêsu một vài bước chân. Do đó, trong nhiều thế kỷ qua, Đền Thờ Thánh Mộ đã trở thành trung tâm thờ phượng của tất cả các Kitô hữu trong Tuần Thánh và Phục Sinh. Đây cũng là thời gian khi Đền Thờ Thánh Mộ trở nên sống động với các nghi thức phụng vụ độc đáo mà qua đó tất cả các Kitô hữu có thể hội nhập sâu hơn vào mầu nhiệm của cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu.

Chính vì Đền thờ Thánh Mộ trở nên đông đúc cách đặc biệt vào dịp Phục sinh nên thỉnh thoảng chúng ta cũng nghe đề cập đến danh từ Đền thờ Phục sinh. Thực ra đây cũng chính là Đền thờ Thánh Mộ.

Cha Fergus, hiệp sĩ quản thủ Thánh Mộ, nhận xét:

“Đối với chúng tôi là những người đang sống ở đây, khi công bố thực tại của biến cố phục sinh, điều quan trọng cần phải nhớ rằng Chúa Giêsu đang sống giữa chúng ta. Ngài đã sống lại từ cõi chết. Ngài thực sự hiện diện giữa chúng ta. Đối với anh chị em tín hữu hành hương, chúng tôi cố gắng để giúp họ nhớ rằng họ không đến đây để xem những gì diễn ra hai nghìn năm trước, nhưng đúng hơn, để chứng kiến những gì của ngày hôm nay. Đó là, chứng kiến Chúa Phục Sinh đang sống giữa chúng ta, và từ đó canh tân cách thức chúng ta đối xử với nhau”