Lời Đề Tặng

Gửi Ngài trọng kính Haimeric, Hồng Y Phó Tế của Giáo Hội Công Giáo, Chưởng Ấn: Bernard, danh hiệu Viện Phụ Clairvaux, xin cầu chúc ngài trường thọ trong Chúa và được an nghỉ trong Chúa.

Cho đến nay, ngài vốn xin con cầu nguyện, chứ không giải quyết vấn đề; dù con coi mình thiếu thốn cả hai thứ này. Nghề nghiệp của con chứng tỏ điều ấy, chứ không phải chỉ là lời nói; và nói cho ngay, con thiếu cả sự chuyên cần lẫn tài năng, cả hai đều chủ yếu cả. Ấy thế nhưng con vẫn vui khi thấy ngài hướng về việc tìm kiếm lời khuyên linh đạo, thay vì bận bịu với các vấn đề xác thịt: có điều, con chỉ mong ngài đến với người được trang bị tốt hơn con thôi. Tuy nhiên, người học thức lẫn kẻ ngu hèn đều có cùng một lối thoái thác và ta khó nói được là do khiêm tốn hay do ngu muội, ngoại trừ việc vâng theo nhiệm vụ được chỉ định sẽ cho biết thế nào mà thôi. Do đó, xin ngài hãy nhận từ sự nghèo nàn của con điều con có thể dâng kính ngài, kẻo người ta lại bảo con đóng vai triết gia, do thái độ im lặng gây ra. Chỉ có điều, con không dám hứa sẽ trả lời các câu hỏi khác mà ngài có thể nêu ra. Với câu hỏi này về việc yêu Chúa, con sẽ trình bầy như Người dạy con vậy; vì tình yêu này dịu ngọt nhất, nên nó có thể được xử lý một cách an tâm, cũng như nó sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất. Còn các câu hỏi khác, xin ngài dành cho những người khôn ngoan hơn con.

Chương I: Tại sao ta phải yêu Chúa và yêu Chúa tới mức nào

Ngài muốn con cho ngài hay tại sao ta phải yêu Chúa và yêu Người đến mức nào. Con xin thưa: lý do phải yêu Chúa là chính Chúa; và mức độ tình yêu Người đáng được hưởng là vô lường. Điều ấy có hiển nhiên không? Chắc chắn hiển nhiên đối với người biết suy nghĩ; nhưng con cũng mang nợ đối với người không hiểu biết nữa. Đối với hiền nhân, một lời đã đủ; nhưng con phải cân nhắc cả những người chất phác nữa. Nên con rất hân hoan được giải thích cặn kẽ hơn điều con vừa viết.

Ta phải yêu Chúa vì chính Người, vì hai lý do: thứ nhất, không còn gì hợp lý bằng; thứ hai, không còn gì ích lợi hơn. Khi một ai đó hỏi: tại sao tôi nên yêu Chúa? chắc hẳn anh ta muốn nói: nơi Chúa, có điều gì đáng yêu? hay: tôi sẽ được lợi gì khi yêu Chúa? Cả hai trường hợp này đều có cùng một nguyên cớ đầy đủ, đó là, chính Thiên Chúa.

Trước hết, nói về việc Chúa có quyền đòi ta phải yêu Chúa. Liệu còn có quyền nào lớn hơn quyền này, khi Người hiến mình cho ta, những kẻ xấu xa không xứng đáng? Và trong tư cách Thiên Chúa, Người còn có hồng ân nào tốt hơn để ban cho ta cho bằng chính Người? Bởi đó, nếu có ai tìm hỏi về quyền Chúa đòi ta phải yêu mến Người thì đây là lý do chính yếu nhất: Vì Người đã yêu ta trước (1Ga 4:19).

Há Người lại không đáng được ta yêu mến trở lại khi ta biết ai yêu, Người yêu ai và Người yêu đến mức nào? Vậy ai là người yêu? Chính cũng là Đấng mà mọi thần trí đều làm chứng: “Ngài là Thiên Chúa của con: ngoài Ngài ra, chẳng còn chi tốt lành đối với con” (Tv 16:2 theo bản Phổ Thông). Và há tình yêu của Người không phải là thứ tình tuyệt diệu ‘không tìm tư lợi’ đó sao (1Cor 13:5)? Nhưng tình yêu khôn tả ấy được tỏ bầy cùng ai? Thánh Tông Đồ bảo ta: ‘Khi còn là thù nghịch, ta đã được hòa giải với Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Người’ (Rm 5:10). Bởi thế, chính Thiên Chúa là Đấng đã yêu ta, yêu ta một cách tự ý, và yêu ta ngay lúc ta còn là thù nghịch của Người. Và tình yêu ấy của Người vĩ đại ra sao? Thánh Gioan trả lời: ‘Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Người, để bất cứ ai tin vào Người sẽ không phải chết, nhưng được sống muôn đời’ (Ga 3:16). Thánh Phaolô viết thêm: ‘Người không tha Con Một của Người, nhưng đã trao nộp Người Con đó vì mọi người chúng ta’ (Rm 8:32); còn Người Con đó thì nói về mình như thế này: ‘Không tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bằng hữu’ (Ga 15:13).

Đó chính là quyền của Thiên Chúa chí thánh, Thiên Chúa tối cao, Thiên Chúa toàn năng trên chúng ta, những kẻ ô uế, thấp hèn và yếu đuối. Một số người nhấn mạnh rằng điều đó chỉ đúng cho con người thôi, chứ không đúng cho thiên thần. Đúng thế, vì thiên thần có cần (biện giải) như thế đâu. Nhưng cũng chính Đấng cứu giúp con người trong lúc khốn cùng của họ đã gìn giữ để các thiên thần không cần điều ấy; và ngay lúc tình yêu của Người đối với con người tội lỗi thực hiện nhiều điều kỳ diệu nơi họ để họ hết còn là tội lỗi, thì cũng chính tình yêu ấy với cùng một mức độ đã được Người tuôn đổ trên các thiên thần để gìn giữ các vị khỏi phạm tội.

Chương II: Chúa đáng được con người yêu mến đến đâu để đền đáp các hồng ân của Người, cả vật chất lẫn tinh thần: và con người phải trân quí các hồng ân này ra sao mà vẫn không quên Đấng ban tặng.

Con chắc chắn rằng ai thừa nhận sự thật trong các điều con vừa nói trên đây hẳn biết rõ tại sao ta buộc phải yêu mến Chúa. Nhưng nếu những người không tin (infidel) bác bỏ điều ấy, thì sự vô ơn của họ sẽ lập tức bị đánh bại bởi vô vàn ơn phúc được Người hậu hĩnh ban cho loài người chúng ta, mà mọi giác quan đều có thể nhận ra một cách rõ ràng. Ai là người đã ban thực phẩm cho mọi xác phàm, ban ánh sáng cho mọi con mắt, ban không khí cho mọi loài biết thở? Liệt kê các ơn phúc này là điều điên khùng vì con vừa thưa là chúng vô vàn, không thể đếm xuể. Nhưng con cũng xin kể một số, vì đây là những ơn phúc đáng kể, thực phẩm, ánh sáng mặt trời và không khí; không phải vì đây là những hồng phúc vĩ đại nhất của Chúa, nhưng vì chúng là những hồng phúc chủ yếu đối với sự sống thân xác của con người. Đối với bản tính cao xa hơn của mình, con người phải đi tìm những hồng phúc cao cả nhất. Đó là: phẩm giá, khôn ngoan và nhân đức. Con hiểu phẩm giá đây chỉ ý chí tự do, nhờ đó, con người không những vượt trên mọi thụ tạo trần gian khác, mà họ còn thống trị chúng nữa. Khôn ngoan là khả năng nhờ đó con người nhận ra phẩm giá kia, đồng thời cũng nhận ra rằng phẩm giá đó không phải là thành tựu riêng của họ. Nhân đức thì thúc đẩy con người thiết tha đi tìm Đấng là nguồn cội của mình và bám riết lấy Người khi tìm ra.

Bây giờ, con xin thưa: cả ba hồng phúc trên, hồng phúc nào cũng có hai đặc điểm. Phẩm giá không những chỉ là một đặc quyền của loài người, nó còn là nguyên nhân khiến mọi thú vật trên trái đất phải kiêng nể, kính sợ con người. Khôn ngoan nhận thức rõ sự phân biệt này, nhưng thú nhận rằng giống mọi đức tính khác, dù ở trong ta, nó không phải là của ta. Và sau cùng, nhân đức thúc đẩy ta tha thiết đi tìm Tác Giả, và khi tìm thấy Người rồi, thì dạy ta biết cách bám chặt lấy Người một cách tha thiết hơn nữa. Xin ngài cũng xem sét việc này: phẩm giá mà không có khôn ngoan thì vô giá trị; và khôn ngoan mà không có nhân đức chỉ gây hại, như luận điểm sau đây đã chứng tỏ: có tài năng thiên phú (ơn phúc) mà không biết thì đâu có gì vẻ vang. Nhưng chỉ biết mình có tài năng thiên phú mà không biết rằng nó không phải là của mình, người có nó, thì chỉ là tự vênh vang, đâu phải là vẻ vang thực sự trong Chúa. Thánh Tông Đồ từng nói về những con người ở hoàn cảnh này như sau: ‘Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao bạn lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?’ (1Cor 4:7). Câu Thánh Tông Đồ hỏi ‘tại sao bạn lại vênh vang’ và thêm ‘như thể đã không nhận lãnh’ cho thấy lỗi lầm không phải ở chỗ vênh vang vì điều sở hữu, mà là vênh vang như thể đã không nhận lãnh. Quả thật cái vênh vang này phải được gọi là hư danh, vì nó không có nền tảng vững chãi trong sự thật. Các Tông Đồ chỉ cho ta cách biện phân giữa vẻ vang thực sự với vẻ vang giả tạo, khi các ngài bảo ta: ‘ai muốn vẻ vang hãy vẻ vang trong Chúa, nghĩa là, trong Sự Thật, vì Chúa ta là Sự Thật’ (1Cor 1: 31; Ga 14:6).

Như thế, ta cần biết ta là gì, và không phải do ta mà ta là điều ta đang là. Nếu không biết tường tận điều này, một là ta không nên vẻ vang gì cả, hai là vẻ vang của ta sẽ hư không. Sau cùng đã có lời chép rằng ‘nếu nàng không biết, thì hãy đi theo vết chân đàn cừu’ (Diễm Ca 1:8). Lời này rất đúng. Vì nếu người đang vẻ vang không biết gì về sự vẻ vang của mình, thì vì sự không biết này quả anh ta giống với thú vật hay chết. Không biết mình là loại thụ tạo khác với những loài vật không có lý trí vì mình có lý trí là bắt đầu đồng hóa với chúng vì, do không biết gì tới vẻ vang chân thực vốn có trong mình, con người bị tính tò mò xui khiến thành ra chỉ biết quan tâm tới những điều ở bên ngoài, thuộc cảm giới. Do đó, họ trở nên giống như các thụ tạo thấp hèn mà không biết rằng mình được phú ban cho những điều cao hơn chúng nhiều.

Ta cần cảnh giác trước sự ngu dốt trên. Ta không nên tự hạ quá thấp; đồng thời phải thận trọng hơn để đừng tự coi mình cao hơn điều mình nên nghĩ về mình, như từng xẩy ra khi ta dại dột tự gán cho mình bất cứ điều tốt nào có thể có trong ta. Nhưng trên cả hai điều ngu dốt này, ta cần ghét bỏ và xa lánh sự hợm hĩnh từng dẫn ta tới việc vênh vang về các điều tốt vốn không phải của ta, vì biết rằng chúng không phải của ta mà là của Chúa, và ta phải kính sợ, đừng cướp của Chúa vinh dự Người đáng được. Vì, trong trường hợp thứ nhất, ngu dốt không hề vẻ vang chút nào; trong trường hợp thứ hai, một mình khôn ngoan, tuy có vẻ vang đấy, nhưng không vẻ vang trong Chúa. Còn trường hợp thứ ba, con người phạm tội không phải vì ngu dốt mà là có ý, anh ta tước đoạt vẻ vang vốn thuộc về Chúa. Sự ngạo mạn này là một lỗi lầm nặng nề hơn và trầm trọng hơn là sự ngu dốt thứ hai, vì nó khinh mạn chính Thiên Chúa, trong khi sự ngu dốt kia không biết Người. Ngu dốt thuộc thú vật, ngạo mạn thuộc ma quỉ. Chỉ có ngạo mạn, vốn đứng đầu mọi tội lỗi, mới khiến ta coi các hồng ơn như thể là thuộc tính chính đáng trong bản nhiên ta, và dù nhận lãnh các ơn ích ấy, lại tước đoạt khỏi Đấng Ban Ơn sự vẻ vang của Người.

Vì thế, ngoài phẩm giá và khôn ngoan, ta cần thêm nhân đức, vốn là hoa trái của hai hồng phúc này. Nhân đức tìm kiếm và tìm ra Đấng vốn là Tác Giả, là Người Ban Phát mọi thiện ích và là Đấng cần được tôn vinh trong mọi sự; nếu không, kẻ biết điều đúng mà không làm sẽ bị đánh đòn (Lc 12:47). Ngài sẽ hỏi ‘tại sao?’ Tại vì người này đã không đem hiểu biết của mình ra làm điều tốt, trái lại chỉ biết bày chước độc mưu thâm trên giường (Tv 36:4); giống tên đầy tớ bất lương, người này chỉ xoay sở tìm cách tước đoạt vinh quang mà anh ta biết chắc chỉ thuộc về Chúa và là Chủ anh ta mà thôi. Cho nên, rõ ràng phẩm giá mà không có khôn ngoan là vô dụng còn khôn ngoan mà không có nhân đức là đáng nguyền rủa. Nhưng khi ta có nhân đức, thì khôn ngoan và phẩm giá không còn nguy hiểm nữa mà là điều phúc đức. Người như thế sẽ kêu danh Chúa và ca tụng Người, hết lòng xưng tụng rằng ‘Lạy Chúa, xin đừng vinh danh chúng con, xin đừng, nhưng hãy vinh danh Chúa’ (Tv 115:1). Nghĩa là: ‘Lạy Chúa, chúng con không đòi hiểu biết, không đòi trổi vượt cho chúng con; tất cả là của Chúa, vì mọi sự đều từ Chúa mà có’.

Nhưng ta đã lạc đề hơi xa chỉ vì muốn chứng minh rằng ngay những người không biết Chúa Kitô cũng đã được luật tự nhiên khuyên dạy đầy đủ, và nhờ các khả năng riêng của linh hồn và thân xác, mà yêu mến Thiên Chúa vì chính Người. Tóm lại, kẻ ngoại đạo nào lại không biết rằng mình nhận lãnh ánh sáng, không khí, thực phẩm, những điều thiết yếu cho sự sống thân xác anh ta, từ Đấng chỉ có Người mới ban thực phẩm cho mọi phàm nhân (Tv 136:25), chỉ có Người mới làm cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành, và ban mưa móc xuống người công chính lẫn kẻ bất lương (Mt 5:45). Còn ai vô đạo đến độ gán sự ưu việt đặc biệt của nhân loại cho mọi người khác chứ không cho Đấng từng phán trong Sách Sáng Thế ‘Ta hãy làm nên con người giống hình ảnh ta, như họa ảnh ta’ (St 1:26). Còn ai khác có thể ban phát nhân đức ngoại trừ Chúa của nhân đức?

Do đó, ngay những người ngoại đạo không biết Chúa Kitô nhưng ít nhất biết mình cũng buộc phải yêu mến Thiên Chúa vì chính Thiên Chúa. Không thể nào tha thứ cho họ được nếu họ không yêu mến Chúa là Thiên Chúa của họ hết tâm hồn, hết linh hồn và hết trí khôn; vì sự công chính bẩm sinh và lương tri của riêng họ nói to ở bên trong họ,cho họ thấy họ hoàn toàn bó buộc phải yêu mến Thiên Chúa, mà từ Người, họ đã lãnh nhận mọi sự. Tuy nhiên, đối với người chỉ cậy nhờ vào sức mạnh riêng hay sức mạnh của ý chí tự do mà thôi, thì quả là khó, đúng hơn, quả là không thể nào trả lại cho Chúa mọi sự vốn phát xuất từ Người, nếu không giúp họ đừng chỉ nghĩ về mình, vì đã có lời chép rằng ‘ai nấy đều tìm lợi ích cho mình’ (Pl 2:21’ và ‘lòng con người toan tính điều xấu từ khi còn trẻ’ (St 8:21).

Chương III: Để yên mến Chúa, Kitô hữu có những động lực nào lớn hơn người ngoại giáo

Tín hữu biết họ cần Chúa Giêsu và Đấng chịu đóng đinh biết bao nhiêu; nhưng dù họ chiêm ngưỡng và hân hoan trước tình yêu khôn tả được biểu lộ nơi Chúa Kitô, họ không nản lòng khi chỉ có một linh hồn nghèo nàn để đáp trả tình yêu cao cả và đầy hạ cố ấy. Họ càng yêu nhiều hơn, vì họ biết họ được yêu một cách quá đáng; còn kẻ nhận ít thì sẽ yêu ít (Lc 7:47). Cả người Do Thái lẫn dân ngoại đều không cảm thấy cái đau nhói của tình yêu bằng Giáo Hội, là người từng thưa ‘cho tôi mứt nho để tôi tìm lại sức, cho tôi táo để tôi được bồi dưỡng, vì tôi ốm liệt vì yêu’ (Dc 2:5). Giáo Hội nhìn ngắm Vua Salômôn của mình với vương miện mà mẹ Người đã đội cho Người vào ngày đính ước; Giáo Hội thấy Con Một Chúa Cha vác nặng Thánh Giá của Người; Giáo Hội thấy Chúa Tể mọi quyền lực và sức mạnh bị bầm dập và khạc nhổ, Đấng tạo ra sự sống và vinh quang bị đinh đâm thấu, bị đòng đâm thủng, bị nhạo cười quá sức, và sau cùng hy sinh mạng sống quí giá vì bằng hữu.

Chiêm ngắm cảnh tượng ấy, lưỡi gươm tình yêu cũng đâm thâu qua trái tim Giáo Hội và Giáo Hội la lên: “cho tôi mứt nho để tôi tìm lại sức, cho tôi táo để tôi được bồi dưỡng, vì tôi ốm liệt vì yêu”. Trái cây Hiền Thê hái từ Cây Sự Sống trong vườn Người Yêu chính là thạch lựu (Dc 4:13), mượn mùi vị từ Bánh trên trời và mượn mầu sắc từ Máu thánh Chúa Kitô. Giáo Hội thấy chết chóc đang hấp hối và tác giả của nó đang bị lật nhào: Giáo Hội thấy tù đầy đang dẫn tù nhân từ âm phủ lên trái đất và từ trái đất lên thiên đàng, để ‘khi nghe tên Giêsu, mọi đầu gối đều bái quì, dù là trên trời, dưới đất hay trong âm phủ’ (Pl 2:10). Trái đất dưới nguyền rủa xưa chỉ đâm gai cùng cỏ dại; nhưng giờ đây, Giáo Hội thấy nó đang cười dòn giữa hoa lá vì được tái sinh nhờ ơn thánh của chúc lành mới. Vừa ngâm ngợi ‘Trái tim tôi nhẩy mừng hân hoan, tôi sẽ ca ngợi Người bằng lời ca của tôi’, Giáo Hội vừa giải khát bằng trái cây Khổ Nạn của Người, mà Giáo Hội hái lượm được từ Cây Thánh Giá, và bằng những bông hoa Phục Sinh của Người, những bông hoa thơm phức khiến Phu Quân năng lui tới viếng thăm.

Đến độ Người phải reo vui ‘Người yêu anh hỡi, em đẹp dường bao, đúng, em đẹp dường nào: giường chúng ta là cánh đồng xanh ngát’ (Dc 1:16). Giáo Hội mong chờ Người tới và biết hy vọng vào đâu để được Người viếng thăm; không phải vì công phúc riêng của mình mà vì các bông hoa của thửa vườn được Thiên Chúa chúc phúc. Chúa Kitô, Đấng bằng lòng được dựng thai và được dưỡng dục tại Nadarét, thị trấn của lá cành, rất hân hoan trong cảnh đua nở ấy. Hài lòng với mùi thơm thiên giới trên, chàng rể vui mừng được viếng thăm nội thất tâm hồn khi Người thấy nó được trang trí nhiều hoa trái, nghĩa là nhiều suy niệm về mầu nhiệm Khổ Nạn hay về vinh quang Phục Sinh của Người.

Các biểu tượng Khổ Nạn được ta nhận dạng như hoa trái của thời đại đã qua, mọc vào thời viên mãn của ách tội lỗi và chết chóc (Gl 4:4). Nhưng chính trong vinh quang Phục Sinh, trong mùa xuân mới của ơn thánh tái sinh, các bông hoa mới của thời đại sau đã xuất hiện, đem lại cây trái vô vàn vào ngày phục sinh chung, lúc thời gian không còn nữa. Do đó, đã có lời chép rằng ‘mùa Đông đã qua, mưa đã ngưng, đã tạnh, hoa lá lại nở rộ khắp địa cầu’ (Dc 2:11-12); nghĩa là: mùa hè đã trở về cùng với Đấng biến chết chóc băng giá thành mùa xuân của sự sống mới, như lời Người từng nói: ‘Này đây, ta làm mọi sự ra mới’ (Kh 21:5). Thân xác được gieo trong mồ của Người đã bừng nở trong Phục Sinh (1Cor 15:42); và cũng thế, thung lũng và đồng nội của ta, trước đây vốn khô cằn hay băng giá như đã chết rồi, nay rạng rỡ với sức sống và sự ấm áp hồi sinh.

Cha của Chúa Kitô, Đấng làm mọi sự ra mới, rất đỗi hài lòng trước sự tươi mới của những hoa trái này và vẻ đẹp của đồng nội đang toả mùi hương thơm ngát như thiên đàng kia; và Người chúc lành mà phán ‘Xem này, mùi Con Trai Ta giống như mùi cánh đồng được Thiên Chúa chúc phúc’ (St 27:27). Quả là chúc phúc đến đầy tràn, vì ta được lãnh nhận mọi sự từ sự viên mãn của Người (Ga 1:16). Cô dâu được phép lui tới tùy thích để tha hồ hái trái lượm hoa đem về trang hoàng nơi sâu kín nhất của trái tim mình; để khi Chàng Rể tới, chàng được thấy nội thẳm trái tim Cô nức mùi thơm phức.

Cho nên, đối với ta, điều cần thiết là có được Chúa Kitô làm thượng khách thường xuyên để Người đổ đầy trái tim ta các suy niệm trung trinh về lòng xót thương được Người tỏ bày khi chết cho ta, và về quyền lực toàn năng khi Người sống lại từ cõi chết. Về điểm này, Đavít từng đề cập tới khi hát rằng ‘Chúa có nói một lần hay hai lần, tôi đều nghe như nhau, rằng quyền lực thuộc về Chúa và lạy Chúa, Chúa quả đầy xót thương’ (Tv 62:12). Chứng cớ thì ta có đủ và còn dư thừa nữa vì Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi ta và đã sống lại để công chính hóa ta, đã lên trời để có thể che chở ta từ trên cao, và sai Chúa Thánh Thần xuống để khích lệ ta. Sau đó, Người sẽ tái lâm để hoàn thành hạnh phúc của ta. Trong Cái Chết, Người tỏ bày Xót Thương, trong Phục Sinh, Người tò bày quyền lực; cả hai cộng lại để tò bày vinh quang của Người.

Cô dâu ước mong có mứt nho để tìm lại sức, có táo để được bồi dưỡng, vì Cô biết rằng sự ấm áp của tình yêu rất dễ tàn lụi, trở thành nguội lạnh; nhưng sự trợ giúp kia chỉ cần thiết cho tới lúc Cô đã bước vào phòng hoa chúc. Ở đó, Cô sẽ nhận được những vuốt ve bao lâu mong chờ của Chàng đến độ kêu lên ‘tay trái Chàng luồn dưới đầu tôi còn tay phải Chàng ôm ghì lấy tôi’ (Dc 2:6). Sau đó, Cô sẽ thấy cái ôm của tay phải kia vượt trên mọi dịu ngọt như thế nào, và cánh tay trái Chàng dùng vuốt ve lúc ban đầu không thể nào so sánh với nó được. Cô sẽ hiểu ra điều từng được nghe rằng ‘thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì’ (Ga 6:63). Cô sẽ chứng minh được điều từng đọc rằng ‘nhớ đến Ta thì ngọt ngào hơn mật, và được ta làm gia sản thì ngọt hơn tảng mật ong’ (Hc 24:20). Còn câu viết ở một nơi khác, ‘nhắc nhở luôn: Ngài nhân ái vô cùng’ (Tv 145:7), chắc chắn nói tới những người mà Thánh Vịnh Gia đã vừa nhắc đến: ‘đời nọ tới đời kia, thiên hạ đề cao sự nghiệp Chúa và truyền tụng những chiến công của Ngài’ (Tv 145:4). Khi còn ở dưới thế, ta tưởng nhớ Người; nhưng trên Nước Trời, ta được hưởng Nhan Thánh Người. Nhan Thánh ấy là niềm vui của những ai đã đạt hạnh phúc; tưởng nhớ để an ủi ta lúc còn lữ thứ, trên hành trình về quê Cha.