Sự đóng góp của Thánh Bernard thành Clairvaux (1090-1153) cho Giáo Hội vốn được mọi người nhìn nhận là đa dạng và hết sức ý nghĩa. Nghĩ đến ngài, người ta nghĩ tới Dòng Xi Tô và việc cải tổ sinh hoạt đan viện đầu thời Trung Cổ. Nghĩ đến ngài, người ta cũng nghĩ tới các Hiệp Sĩ Đền Thờ (Templars) và các cuộc thập tự chinh vì chính ngài đã viết ra hiến pháp cho họ, mở màn cho lý tưởng quí tộc Pháp. Nghĩ đến ngài, người ta cũng nghĩ tới những tranh chấp trong việc bầu cử giáo hoàng và các cố gắng của ngài nhằm đạt hòa giải hòa hợp. Nghĩ đến ngài, người ta cũng nghĩ tới ca khúc bất hủ “Jesu, dulcis memoria” (Ôi Giêsu, nghĩ đến Ngài quả là dịu ngọt) hay lời cầu tha thiết “Memorare” (Xin hãy nhớ). Nghĩ đến ngài, người ta nghĩ tới nền cứu thế học và những cuộc tranh luận với Peter Abelard. Nghĩ tới ngài, người ta nhớ đến rất nhiều trước tác vừa sâu sắc vừa bóng bẩy của một thần học gia hàng đầu mà nhiều loại suy và ẩn dụ đã trở thành cổ điển. Ngài ví Thánh Giá như liber charitatis, cuốn sách tình yêu mở ra trước mặt để ta đọc được tình yêu trong khe trái tim Chúa. Ngài còn ví nó với chiếc cửa sổ. “Những chiếc đinh và đầu đòng như chìa khóa đưa ta vào” để ta nhìn gần hơn lòng bàn tay Người, nơi, như Isaia từng nói, Người khắc tên ta để Người không bao giờ quên ta”…

Nhưng loại suy thời danh nhất của ngài là so sánh dựa trên giáo huấn cứu thế học của Thánh Anselm khi giải thích Thánh Vịnh 85 câu 11. “Công Lý gặp Xót Thương, và Chính Trực cùng Hòa Bình hôn nhau” (1). Ngài mô tả cuộc tranh luận trên thiên đàng giữa Công Lý và Xót Thương sau khi Adong sa ngã. Xót Thương nước mắt dàn dụa sụp lạy dưới chân Thiên Chúa để khẩn cầu cho con người khốn khổ. Nàng thú nhận rằng con người “không đáng được xót thương; nhưng há lòng xót thương của Chúa lại không đáng được tôn vinh hay sao? Hắn quên nghĩa vụ, vì hắn là con người, nhưng Ngài, có thể nào Ngài quên được Ngài là Đấng nhân từ, Ngài là Thiên Chúa chăng?” Cứ thế mà Xót Thương cầu xin, cứ thế mà nàng tiếp tục.

Công Lý tức giận bước vào ngắt lời nàng. “Thưa Quan Án Tối Cao, bây giờ đến phiên con, Ngài đừng để mình bị thuyết phục bởi con em mè nheo Xót Thương thủ vai bào chữa này; nó biết lòng từ nhân của Ngài, nên nó hy vọng dùng nước mắt khiến Ngài phải xót thương. Nhưng há Ngài đã chẳng ghi khắc trong hắn hình ảnh uy nghi tốt lành của Ngài đó sao, và đặt hắn làm phụ tá uy nghiêm và đáng phục của Ngài trên mọi thụ tạo trần gian? Há Ngài đã không ban cho hắn một luật lệ quá dễ để thử đức vâng lời của hắn trong khi cho hắn đủ khả năng để thi hành luật ấy đó sao? Và há Ngài đã không cho hắn hay: chết chóc và trả thù sẽ theo sau sự bất tuân của hắn đó sao? Và há đó chẳng đã là các hành vi xót thương đó hay sao? Vậy thì, lạy Chúa, xin Ngài nghe con, Công Lý của Ngài; và hãy so sánh sự khinh mạn của hắn với mọi từ nhân kia của Ngài. Đáp lại hồng ân của Ngài, hắn đã phạm tội, và hắn đã phạm tội ra sao? Trong một lúc, con không thể kể hết sự xấu xa của hắn; không phải chỉ có kiêu căng, hay hợm hĩnh, vô ơn, xa hoa, tàn bạo với con cái, hay bất trung, bất phục, mà là mọi tội. Há nào Quan Án toàn thế giới lại không xử công bình? Xót Thương không bao giờ dung thứ Ngài trừng phạt kẻ vô tội, thì làm sao Công Lý cho phép Ngài nương tay với kẻ phạm tội?”.

Lời kết tội đanh thép trên làm Xót Thương đau nhói, và trong nước mắt, nàng lại van vỉ: “Lạy Chúa, chị Công Lý nói đúng, vì nếu con người vô tội, hắn đâu có cần Chúa xót thương. Nhưng giả xử hắn tệ hơn thế đi nữa, thử hỏi sự xấu xa của hắn có bao giờ cân bằng được hay trổi vượt được hơn lòng xót thương của Chúa hay không? Liệu hắn có thể làm điều mà Chúa không thể nào tha thứ được không? Nghĩa là sự ma giáo của hắn liệu có thể vô lượng hơn lòng từ nhân của Chúa được chăng? Hắn đã được nếm thỏa sự tốt lành của Chúa lúc Chúa tạo nên hắn; nhưng hắn sẽ không bao giờ còn cảm nhận được lòng xót thương của Chúa, nếu Chúa không sai con đi yên ủi hắn trong cơn khốn cùng. Và phải chăng Chúa chẳng còn quan tâm tới Xót Thương dịu dàng của Chúa, Chúa chẳng còn xử dụng con bao giờ nữa chăng? Phải chăng chị Công Lý cứ thế thắng thế và loại trừ Xót Thương này của Chúa hay sao? Phải chăng một lần nữa, vì một con người yếu đuối cứng đầu, chị ấy lại có thể hủy hoại cả một giòng giống tội nghiệp của hắn sao? Lẽ nào Satan, kẻ thù Chúa, lại chiến thắng vẻ vang trong chiến lợi phẩm phong phú này và loại trừ Chúa ngay lập tức khỏi dòng dõi cao thượng nhất trong mọi thụ tạo trần gian hay sao? Đó chính là hoài bão và mục tiêu của nó khi nó quyến rũ hắn. Nhưng thế thì còn ai trên mặt đất để phụng sự Chúa? Ai sẽ tôn vinh sự uy nghi của Chúa, khi ma quỉ qui phục toàn thể nhân loại phải
vâng lời nó? Chính chị Công Lý cũng đã thừa nhận rằng Chúa không vui thú gì trước nỗi khốn cùng của con người, vậy lạy Chúa nhân từ, xin tha thứ và xót thương hắn và cứu chuộc con sâu đất, đầy tớ Ngài, khỏi ách tàn bạo của hỏa ngục. Vì con nhất định không chịu từ bỏ việc khẩn cầu của con, cho tới khi Chúa nhân từ đáp lại lời con”.

Nghe thế, Công Lý lên tiếng: “Nhưng lạy Chúa, liệu Ngài có thể quên được Công Lý của Ngài, vốn cũng là chính Ngài hay không? Liệu Ngài có thể quên được lời Ngài mà không thi hành lời đe ‘ngày nào ngươi ăn nó, ngươi chắc chắn phải chết’? Công Lý của Ngài là kẻ bị con người xúc phạm, lẽ nào Ngài lại chịu đựng sự xỉ nhục này và để con không được trả đũa?

Đấng Toàn Năng kiên nhẫn lắng nghe hai bên và chăm chú nhìn cả hai bên đồng đều, lúc bên này, lúc bên kia. Dù Người có vẻ thiên về Xót Thương, nhưng lúc nhìn Công Lý, Người lại không muốn làm nó phật lòng. Cuối cùng Tình Yêu vào yết kiến, yêu cầu Người cho vời Khôn Ngoan tới làm môi giới cho một nền Hòa Bình giữa Xót Thương và Công Lý để giải quyết cuộc tranh chấp. Quả đây là việc làm thích đáng của sự Khôn Ngoan vô lượng của Chúa. Khôn Ngoan sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ và đề nghị một giải pháp cho cả đôi bên: “Nếu ta tìm ra một Trung Gian vô tội nào đó, bằng lòng chịu hình phạt mà con người đáng phải chịu, và sẵn sàng chịu chết để con người sống, thì sao?” “Nhưng tìm đâu ra người như thế trên trần gian? Con người vốn đã phạm tội rồi. Trên thiên đàng chăng? Nhưng thiên thần nào có được quyền năng đó hay có được tình yêu đó, để có thể chuộc được hình phạt cho con người bằng hình phạt của chính mình? Không, vị này phải có một phẩm giá không thua gì vô lượng; và phải vừa là người để có thể chịu chết vừa là Thiên Chúa để chinh phục sự chết ấy; và như thế, cả Công Lý được thỏa mãn, mà Xót Thương cũng được tôn vinh vẻ vang”.

Lúc ấy, Khôn Ngoan mới hướng mắt về phía Con Thiên Chúa Vĩnh Cửu. Con Thiên Chúa nghe theo lời Khôn Ngoan, hướng mắt lên Chúa Cha mà thưa: “Này Con đây, Con sẵn sàng làm như thế, xin Cha ban cho con một thân xác; vì Con nhất quyết trở thành xác phàm để thực thi mọi điều vừa nói”. Nghe thế, Xót Thương và Công Lý tiến tới ôm nhau và hôn nhau tha thiết. Đấng Toàn Năng rất đỗi hài lòng. Tình Yêu, Tốt Lành, Xót Thương, Công Lý, Sự Thật, Quyền Năng, Khôn Ngoan của Người hết thẩy đều được tôn vinh, còn con người khốn khổ thì được hòa giải, mọi tội lỗi được rửa sạch.

Nói về lòng Chúa thương xót, thiển nghĩ các trước tác của Thánh Nữ Faustina, 9 thế kỷ sau, có thể chi tiết hơn, nhưng khó có thể bóng bẩy bằng loại suy trên đây. Không lạ gì, Thánh Bernard được xưng tụng là Tiến Sĩ Ngọt Như Mật (Doctor Mellifluus). Đây cũng là tựa đề một thông điệp của Đức GH Piô XII ban hành ngày 24 tháng 5 năm 1953 nói về thánh nhân. Đức GH Piô XII gọi ngài là “giáo phụ cuối cùng” tuy không thua kém bất cứ vị tiền nhiệm nào. Theo Đức Piô XII, Thánh Bernard coi nhẹ nền thần học suy lý. “Giáo huấn của ngài hầu như chỉ rút tỉa từ Sách Thánh và các Giáo Phụ… chứ không phải từ việc suy luận tinh tế của các nhà biện chứng và triết học… Cần lưu ý rằng ngài không bác bỏ thứ triết học nhân bản… biết dẫn ta tới Thiên Chúa, tới lẽ sống chính trực, tới sự khôn ngoan Kitô Giáo. Ngài chỉ bác bỏ thứ triết học, chuyên nặng về lời lẽ trống rỗng và lý sự cùn khéo léo, quá tự tin là đủ khả năng vươn tới các đỉnh cao thần thánh để thấy được các mầu nhiệm của Thiên Chúa, mà kết quả thực sự thường là gây hại tới toàn diện tính của đức tin, và đáng buồn thay, rơi vào lạc giáo” (số 3).

Và trong rất nhiều trước tác của Thánh Bernard, cuốn “Về Tình Yêu Chúa” (De Amore Dei) được coi là hấp dẫn và đơn giản nhất. Nó cũng phản ảnh được các nhận định của Đức GH Piô XII trên đây, cung cấp cho ta những cái nhìn thông sáng, các hiểu biết trí thức thâm hậu và một văn phong trong sáng và tinh tường.

Nguyên lai

“Về Tình Yêu Chúa” là một trong các công trình nổi tiếng nhất và gây ảnh hưởng nhất của nền huyền nhiệm Trung Cổ, đề cập tới bốn bình diện yêu Chúa và đặt lòng sùng mộ Kitô Giáo vào ngữ cảnh Thiên Chúa yêu thương nhân loại. Nó được viết theo lời yêu cầu của một vị Hồng Y người Ý. Đó là Đức Hồng Y Haimeric.

Ngữ cảnh lời yêu cầu này không được rõ ràng. Chỉ biết năm 1128, Thánh Bernard tham dự Công Đồng Troyes do Đức GH Honoriô II triệu tập, đặt dưới sự chủ tọa của Đức HY Matthew, giáo phận Albano. Mục đích của Công Đồng này là để giải quyết một số tranh cãi của các giám mục Paris và để qui định một số vấn đề khác của Giáo Hội Pháp. Các giám mục đề cử Thánh Bernard làm thư ký cho Công Đồng và trao cho ngài nhiệm vụ soạn thảo các sắc lệnh của Công Đồng. Sau Công Đồng, giám mục Verdun bị giải nhiệm. Cũng chính tại Công Đồng này, Thánh Bernard phác hoạ các nét chính cho Bộ Luật của Hiệp Sĩ Đền Thờ, những người chẳng bao lâu sau đó, trở thành lý tưởng cho giới quí tộc Kitô Giáo. Sau này, ngài ca tụng họ trong cuốn De Laude Novae Militiae.

Có lẽ vì những hoạt động nổi cộm đó mà ngài bị nhiều người chống đối, trong đó, có cả chống đối của Rôma nữa. Ngài bị tố cáo là pha mình vào các vấn đề không liên quan tới mình. Nhân danh Đức Giáo Hoàng, Hồng Y Haimeric viết cho ngài một thư khiển trách, cho rằng “Quả không thích đáng chút nào khi những con cóc ầm ĩ và gây rối ra khỏi đầm lầy của chúng để làm phiền Tòa Thánh và các hồng y”. Trong thư hồi đáp, Thánh Bernard cho rằng sở dĩ ngài tham dự Công Đồng là do bị ép phải tham dự mà thôi. Ngài viết: “Thưa ngài Haimeric trọng kính, nếu ngài muốn, thì còn ai là người có khả năng giải thoát con khỏi việc bắt buộc phải tham dự Công Đồng hơn là ngài? Ngăn cấm những con cóc ầm ĩ và gây rối ra khỏi hang hóc, đầm lầy của chúng… để bạn hữu ngài khỏi bị vạch mặt về kiêu căng và hợm hĩnh”. Lá thư đó đã gây ấn tượng tốt nơi HY Haimeric và Vatican nói chung. Có lẽ vì thế mà giữa hai người có mối thâm tình từ đó trở đi chăng, khiến vị hồng y này thỉnh ý kiến ngài về một vấn đề vốn là sở trường của ngài: Tại sao ta phải yêu Chúa và phải yêu Người đến mức nào. Ngài vốn là người chú giải 3 chương đầu Sách Diễm Ca. Cuốn “Về Tình Yêu Chúa” chính là thư trả lời cho hai câu hỏi đó.

Để làm giầu cho kho linh đạo tiếng Việt, chúng tôi xin cố gắng chuyển ngữ cuốn sách trên.
________________________________________________________________________________________________________________________
(1) “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên” Bản Dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Trọn Bộ, Sài Gòn 1998, tr.1101