1. Buổi Triều Yết Chung Thứ Tư 11/4

Đức Thánh Cha đang nghỉ tại Castel Gandolfo. Tuy nhiên, vào sáng thứ Tư 11 tháng 4, ngài đã đi xe hơi về Vatican để gặp gỡ các tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô.

Trước khi bắt đầu buổi Triều Yết Chung, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã nhận được một bức tranh khảm có hình Thánh Gia, đã được thực hiện bởi một nghệ nhân người Slovenia là ông Marko Ivan Rupnik. Đức Hồng Y Ennio Antonelli, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình, đã trình món quà lên Đức Thánh Cha. Ngài đã làm phép bức tranh và một quả chuông rất độc đáo.

Trong bài Huấn Đức, Đức Thánh Cha đã mời gọi khoảng 25.000 người tham dự, suy tư sâu xa về ý nghĩa của Lễ Phục Sinh.

Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

"Buổi Triều Yết Chung ngày hôm nay của chúng ta được đánh dấu bởi niềm vui tinh thần của Lễ Phục Sinh, xuất phát từ chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi và sự chết. Khi Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ trong phòng Tiệc Ly và cho họ thấy vết thương cứu độ của mình, cuộc sống của họ đã thay đổi.. Với ân sủng của Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô đã ban cho họ sự bình an mà thế gian không thể đem lại cho họ (x. Ga 14:27) và gửi họ ra đi để mang lại an bình cho thế giới. Sứ vụ của các môn đệ khai mạc cuộc hành trình của Giáo Hội, là dân Giao ước mới, được gọi là để làm chứng trong mọi thời đại cho sự thật của biến cố Phục sinh và sự sống mới mà biến cố ấy mang lại.

Hôm nay, Chúa đi vào trái tim của chúng ta, vào gia đình của chúng ta với quà tặng của niềm vui và hòa bình, cuộc sống và hy vọng. Giống như các môn đệ trên đường Emmaus, chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện của Ngài giữa chúng ta trong lời Ngài và qua cử chỉ bẻ bánh của Ngài. Trong mùa Phục Sinh này, chúng ta hãy quyết tâm tiến bước đồng hành với Chúa Kitô Phục sinh và để cho cuộc sống của chúng ta được biến đổi bởi đức tin vào Ngài và bởi quyền năng Phục sinh của Người.

Tôi nhiệt liệt chào đón các thầy của Học Viện Giáo Hoàng Ireland mới được phong phó tế, cùng với gia đình và bạn bè của họ. Các phó tế trẻ thân mến, cầu xin cho các thầy có thể uốn nắn cuộc sống của các thầy để dâng mình hoàn toàn cho Chúa hơn bao giờ và quảng đại xây dựng Giáo Hội tại quốc gia của các thầy. Tôi cũng hoan nghênh đoàn đại biểu từ trường Cao đẳng Quốc phòng NATO, với lời cầu nguyện để sự phục vụ của họ đóng góp vào sự nghiệp hòa bình. Với tất cả các du khách nói tiếng Anh có mặt tại buổi triều yết chung hôm nay, đặc biệt là những người từ Anh, Ireland, Thụy Điển, Australia, Canada và Hoa Kỳ, tôi cầu khẩn Thiên Chúa ban niềm vui và sự bình an của Chúa Phục Sinh cho anh chị em. Chúc Mừng Phục Sinh! "

2. Buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hôm thứ Hai 09 tháng Tư

Trước đó, hôm thứ Hai 09 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng tại Castel Gandolfo cách Rôma 25km. Theo truyền thống của Giáo Hội, trong Mùa Phục Sinh, chúng ta đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng thay cho Kinh Truyền Tin trong các Mùa Phụng Vụ khác.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã mời gọi các tín hữu đọc lại các chứng từ của Kinh Thánh về cuộc phục sinh của Chúa Kitô và ngài cũng đề cao chứng tá của các phụ nữ trong lãnh vực này.

Đức Thánh Cha đã nhắc đến sự kiện ngày thứ hai sau Phục Sinh là ngày nghỉ tại nhiều nước và nói rằng: “nhưng tôi ước mong rằng lý do của ngày nghỉ này luôn ở trong tâm trí của các tín hữu Kitô: Trong những ngày này, điều quan trọng là đọc lại các trình thuật về sự sống lại của Chúa Kitô mà chúng ta thấy trong 4 sách Tin Mừng. Đó là những trình thuật, bằng nhiều cách khác nhau, trình bày những cuộc gặp gỡ của các môn đệ với Chúa Giêsu Phục Sinh, và qua đó giúp chúng ta suy niệm về biến cố tuyệt vời này, biến cố đã biến đổi lịch sử và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của con người”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng:

“Trong tất cả các sách Tin Mừng, các phụ nữ đều được nói đến nhiều trong các trình thuật về những lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra, cũng như trong các trình thuật về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Thời đó ở Israel, chứng từ của phụ nữ không thể có giá trị chính thức, về pháp lý, nhưng các phụ nữ đã trải qua một kinh nghiệm về liên hệ đặc biệt với Chúa, liên hệ ấy là điều cơ bản đối với đời sống cụ thể của cộng đoàn Kitô, và đó là điều ở mọi thời đại, chứ không phải chỉ vào thời bắt đầu hành trình của Giáo Hội mà thôi”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Kiểu mẫu tuyệt vời và gương mẫu về quan hệ với Chúa Giêsu, nhất là trong mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, chính là Đức Maria, Mẹ của Chúa. Chính nhờ kinh nghiệm có sức biến đổi về cuộc Vượt Qua của Con, mà Đức Trinh Nữ trở thành Mẹ Giáo Hội, nghĩa là của mỗi Kitô hữu và của toàn thể cộng đoàn tín hữu”.

Trong ý hướng đó, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu, qua kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, cầu xin Mẹ Maria giúp chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện sinh động của Chúa Phục Sinh, là nguồn hy vọng và an bình”.

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha còn chào thăm các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Giống như năm ngoái, Đức Thánh Cha đã đến dinh thự Castel Gandolfo từ chiều Chúa nhật Phục sinh 8 tháng Tư vừa qua để nghỉ ngơi cho đến chiều thứ Sáu tới đây 13 tháng Tư.

3. Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Liban từ ngày 14 đến 16 tháng 9

Chính quyền và Giáo quyền Công Giáo tại Liban loan báo: Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ đến viếng thăm nước này từ ngày 14 đến 16 tháng 9 năm nay.

Hôm Chúa nhật Phục sinh vừa qua Phủ Tổng thống Liban và Đức Cha Boulos Matar, Tổng Giám Mục giáo phận Beirut của Công Giáo nghi lễ Maronite, kiêm Chủ tịch Ủy ban Giám Mục Liban về truyền thông xã hội đã đưa tin: Đức Thánh Cha đã nhận lời mời của chính quyền cũng như của các Thượng Phụ và Giám Mục Công Giáo Liban để đến viếng thăm nước này trong thời gian vừa nêu.

Thông cáo của Phủ Tổng Thống cho biết Tổng thống Michel Sleiman đã mời Đức Giáo Hoàng đến viếng thăm và bày tỏ hy vọng rằng cuộc tông du của Ngài tại Liban “sẽ củng cố quan hệ lịch sử sâu xa giữa Liban và Tòa Thánh, đồng thời sẽ tái khẳng định vị thế, vai trò và sứ mạng của Liban trong tư cách là chứng nhân cho tự do và sự sống chung”.

Theo chương trình sơ khởi, Đức Thánh Cha sẽ đến Liban ngày 14 tháng 9. Ngài sẽ gặp gỡ chính quyền và giáo quyền, và chủ tọa một cuộc gặp gỡ giới trẻ Liban. Chúa nhật 16 tháng 9, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ tại trung tâm thủ đô Beirut và công bố Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông cho các vị Thượng Phụ và Giám Mục trong vùng này. Ban chiều cùng ngày ngài sẽ trở về Vatican.

Đây sẽ là chuyến viếng thăm thứ 24 của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tại hải ngoại và là lần thứ 2 ngài đến Trung Đông, sau cuộc viếng thăm hồi tháng 5 năm 2009 tại Giordani, Israel và lãnh thổ Palestine.

Cách đây 15 năm, Đức Gioan Phaolô 2 cũng đã viếng thăm Liban trong hai ngày 10 và 11 tháng 5 năm1997. Trong dịp đó ngài đã ký và công bố Tông huấn hậu Thượng HĐGM về Liban, với tựa đề “Một niềm hy vọng cho Liban”.

4. Đức Hồng Y William Levada, tổng trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin cử hành lễ Phục sinh tại Thánh Địa

Ngài không ở đây, Ngài đã sống lại! Lời công bố xảy ra nơi này cách đây hơn 2000 năm, vẫn còn vang vọng từ nơi này đến toàn bộ thế giới. Đây là lý do tại sao các thánh lễ trọng thể đã được tổ chức hôm Chúa Nhật Phục sinh tại đền thờ Mộ Thánh ở Jeruselem.

Tại nơi Chúa sống lại đã được bảo quản trong nhiều thế kỷ, các thánh lễ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau đã được cử hành để thể hiện niềm vui của buổi sáng Phục Sinh.

Hôm sáng Chúa Nhật 8 tháng Tư, các linh mục, và tu sĩ sống tại Đất Thánh, cùng các Kitô hữu địa phương và khách hành hương đến từ những khắp nơi trên thế giới đã tham dự phụng vụ long trọng được cử hành bởi Đức Thượng Phụ Latinh của Jeruselem là Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal và Đức Hồng Y William Levada, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Cộng đoàn đã tập hợp lại với nhau xung quanh ngôi mộ trống Anastasis như người Hy Lạp thường gọi, hoặc Kanisat al Kiama như các tín hữu Công Giáo Ả Rập thường nói. Từ ngày hôm nay và trong suốt mùa lễ Phục sinh, anh chị em sẽ chào nhau bằng câu chào “Chúa Kitô đã sống lại, Ngài đã sống lại thật."

"Tôi cầu chúc tất cả mọi người một lễ Phục sinh hạnh phúc". Trong khi thừa nhận rằng các sự kiện ở Trung Đông đang đe dọa khu vực, dân chúng, và anh chị em tín hữu Kitô, “tạo nên một áng mây mờ trên niềm vui của chúng ta”, Đức Thượng Phụ đã nhấn mạnh trong bài giảng rằng chúng ta cần tiếp tục "làm nhân chứng cho sự sống lại và chúng ta không có lý do gì để sợ hãi hoặc nghi ngờ. Ngôi mộ trống rỗng, Đấng chịu đóng đinh đã sống lại và vẫn sống và tất cả những khó khăn và bất hạnh mà chúng ta phải gánh chịu sẽ không lung lay đức tin của chúng ta, nhưng sẽ làm tăng thêm sự bền đỗ của chúng ta. Tình cảm của chúng ta thuộc về Jeruselem và Giáo Hội của chúng ta. ' Đức Thượng Phụ đặc biệt kêu gọi một sự thay đổi triệt để con tim 'Chúng ta hãy chôn trong ngôi mộ của Chúa Kitô khuynh hướng thế tục của chúng ta, sự chia rẽ tôn giáo giữa chúng ta, bạo lực của chúng ta, đức tin bị lung lạc và nỗi sợ hãi của chúng ta.

Đức Thượng Phụ kết luận "Chúng ta hãy xin Chúa cho giấc mơ hòa bình, đã được sinh ra ở đây, có thể được thực hiện trên Thánh Địa và trên toàn thế giới.

Đỉnh cao của thánh lễ là cuộc rước xung quanh Mộ Chúa kết thúc với việc tuyên đọc các bài sách thánh và phúc âm tại 4 địa điểm khác nhau với ngụ ý rằng Tin Mừng cần phải được công bố khắp tứ phương thiên hạ, nghĩa là trên toàn thế giới cho đến ngày thế mạt. Thánh Lễ đại trào tại Mộ Thánh là một cử hành của vui mừng. Đó cũng là một dàn hợp xướng cộng đồng tuyệt vời, với đủ loại âm nhạc.

Đôi khi cũng có sự lúng túng vì các tôn giáo bạn như Chính Thống giáo Hy Lạp, Giáo Hội Armenia tông truyền và Công Giáo Coptic, là những người chia sẻ cùng không gian và thời gian trong đền thờ Mộ Thánh đang cử hành Chúa Nhật Lễ Lá.

Vào buổi sáng sớm sau khi dừng chân trên Đồi Sọ, Thủ tướng Ý Mario Monti, người hiện đang đi thăm một số nước ở Trung Đông đã tham dự thánh lễ Phục Sinh tại nhà thờ Mộ Thánh. Thánh lễ đã được tổ chức riêng và được cha Pizzaballa, trưởng đoàn hiệp sĩ Thánh Mộ cử hành.

Cha Pizzaballa cầu nguyện trong thánh lễ: 'Chúng ta hãy hy vọng sẽ được như các môn đệ là khi đến ngôi mộ họ không hiểu điều gì, mặc dù họ đã đọc thánh thư, nhưng khi họ đi vào trong và nhìn thấy các dấu chỉ này, thì họ hiểu ngay, tin tưởng và sấp mình thờ lạy”

5. Ðức Thánh Cha kể lại cuộc tông du của ngài tại Mễ Tây Cơ và Cuba

Trong buổi tiếp kiến chung dành cho 20 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 4 tháng 4 năm 2012, Ðức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã hài lòng kể lại cuộc tông du của ngài tại Mễ Tây Cơ và Cuba.

Vì mới viếng thăm mục vụ tại Mễ Tây Cơ và Cuba từ ngày 23 đến 29 tháng 3 năm 2012, Ðức Thánh Cha đã dành bài huấn dụ để thuật lại cho các tín hữu những nét nổi bật cũng như cảm tưởng của ngài về chuyến viếng thăm.

Ðức Thánh Cha nói:

Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: "Tạ ơn Chúa, cuộc viếng thăm này tại Mễ Tây Cơ và Cuba, đã đạt được thành công mục vụ mong muốn. Ước gì dân tộc Mễ Tây Cơ và Cuba rút được những thành quả dồi dào từ đó để xây dựng một tương lai an bình và huynh đệ trong tình hiệp thông của Giáo Hội và với lòng can đảm theo tinh thần Tin Mừng."

6. Giáo Hội mất đi hai vị Hồng Y

Trong tuần qua, Giáo Hội mất đi hai vị Hồng Y. Đức Hồng Y Ignace Moussa I Daoud Thượng Phụ danh dự thành Antiôkia của Syria đã qua đời vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh.

Thêm vào đó, hôm thứ Ba 10 tháng Tư trong tuần bát nhật lễ Phục sinh, Đức Hồng y Luis Aponte Martinez người Puerto Rico, cũng đã qua đời ở tuổi 89.

Với cái chết của hai vị Hồng Y, Hồng Y Đoàn giảm xuống còn 210 vị.

Tuy nhiên, chỉ có 123 vị Hồng Y có quyền bỏ phiếu bầu Giáo Hoàng. 87 vị Hồng Y còn lại đều trên 80 tuổi, và theo luật định không còn quyền bầu Giáo Hoàng.

7.Chúa Nhật kính nhớ Lòng Thương Xót Chúa.

Trải qua lịch sử, Chúa Nhật sau lễ Phục sinh đã được gọi bằng nhiều danh xưng khác nhau: Chúa Nhật bát nhật sau lễ Phục sinh, Chúa Nhật “Áo trắng”, bởi vì các tân tòng cởi chiếc áo trắng mà họ đã lãnh nhận khi lãnh các bí tích khai tâm vào đêm Vọng Phục sinh, đánh dấu việc kết thúc giai đoạn huấn giáo khai tâm. Tại vài Giáo hội bên Ấn độ (tục truyền do thánh Tôma tông đồ thành lập), Chúa Nhật sau lễ Phục sinh được gọi là Chúa Nhật thánh Tôma, bởi vì bài Phúc âm thuật lại cuộc gặp gỡ của Tông Đồ Tôma với Chúa Kitô.

Ngày 30/4/2000 là Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Phục Sinh. Trong lễ phong hiển thánh cho nữ tu Faustina, người đã tận hiến đời mình để rao truyền Lòng Thương Xót Chúa, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã công bố quyết định dành riêng ngày Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Phục Sinh là ngày Chúa Nhật kính nhớ Lòng Thương Xót Chúa.

Năm năm sau, ngài qua đời đúng vào đêm hôm trước ngày lễ này.

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hôm Chúa Nhật 23/04/2006, khi Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nhắc đến Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II như "Vị Giáo Hoàng của lòng Thương Xót Chúa", quảng trường Thánh Phêrô đông chật hàng mấy chục ngàn người đã bùng lên trong những tiếng vỗ tay vang dội.

8. Thánh lễ của Con Đường Tân Dự Tòng

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã yêu cầu Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và đặc biệt là Đức Hồng Y William Levada, vị tổng trưởng của Thánh Bộ kiểm tra xem liệu các thành viên của Con Đường Tân Dự Tòng có cử hành Thánh Lễ đúng theo giáo lý và các thực hành phụng vụ của Giáo Hội hay không.

Tòa Thánh sẽ phân tích vấn đề này để ngăn chặn các cộng đoàn trong Con Đường Tân Dự Tòng phát triển một nghi thức phụng vụ mới không phù hợp với truyền thống của Giáo Hội. Đây là một vấn đề gây tranh cãi đến mức vào năm 2010, Hội Đồng Giám Mục Nhật Bản đã yêu cầu Con Đường Tân Dự Tòng ngưng hoạt động tại quốc gia này trong vòng 5 năm.

Tháng Giêng vừa qua, Đức Thánh Cha đã chấp thuận nghi lễ khai tâm Kitô Giáo do Con Đường Tân Dự Tòng đề nghị.

Con Đường Tân Dự Tòng là một sáng kiến nhằm dạy giáo lý cho người lớn, mà mục tiêu là để họ khám phá hồng ân bí tích rửa tội của họ.

Con Đường Tân Dự Tòng hiện nay được dẫn dắt dưới sự chỉ đạo của một giám mục, nhưng khởi đầu là do Kiko Arguello và Carmen Hernandez.

9. Ông bà Danilo và Anna Maria Zanzucchi

Lần đầu tiên một đôi vợ chồng giáo dân đã được Tòa Thánh ủy thác soạn các bài suy niệm cho buổi đi Đàng Thánh Giá trọng thể do Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cử hành lúc 21.15 tối thứ Sáu Tuần Thánh 6 tháng Tư tại Hý trường Colosseo ở Roma.

Đó là ông bà Danilo và Anna Maria Zanzucchi, người Italia. Ông Danilo năm nay đã 92 tuổi, sinh năm 1920 tại Parma, tốt nghiệp kỹ sư, từng làm chủ tịch phong trào Công giáo tiến hành ở Parma từ năm 1956 đến 1959. Cách đây 59 năm (1953), Danilo thành hôn với cô Anna Maria, một dược sĩ trẻ hơn ông 9 tuổi. Do cuộc hôn nhân này hai người sinh được 5 người con và hiện có 12 cháu nội ngoại.

Năm 1967, cùng với Chị Chiara Lubich, ông bà Zanzucchi thành lập Phong trào các Gia Đình mới và hiện nay Phong trào có hơn 300 ngàn thành viên, với 4 triệu người thiện cảm tại 5 châu. Phong trào đề ra một phương thức mới để sống đời gia đình và canh tân nền văn hóa gia đình dựa trên 4 đường hướng chủ yếu là: linh đạo, giáo dục, xã hội tính và tình liên đới. Các thành viên phong trào dấn thân sống quyết liệt linh đạo hiệp nhất của Phong trào Tổ Ấm.

Các bài suy niệm của ông bà Danilo và Anna Maria Zanzucchi được công bố trước trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, qua đó tác giả nhắc đến những tình trạng đau khổ trong đời sống gia đình: bất trung, ly dị hoặc bệnh tật, khó khăn tài chánh, nghèo đói, những lối cư xử vô luân, bất hòa với cha mẹ, thiên tai.

10. Tổng thống Hugo Chavéz khóc lóc xin Chúa tha tội.

Trong một diễn biến bất ngờ và gây sửng sốt cho dân chúng tại Venezuela, đặc biệt là các Giám Mục nước này, đài truyền hình quốc gia Venezuela, cơ quan thông tấn chính thức của nhà nước Venezuela, đã cho phát hình thánh lễ Tiệc Ly ngày thứ Năm Tuần Thánh mùng 5 tháng Tư vừa qua tại một nhà thờ tại Barinas.

Lạ lùng hơn nữa là Hugo Chavéz, một người khét tiếng chống phá Giáo Hội tại Venezuela, đã đeo một chuỗi tràng hạt như một người Công Giáo mộ đạo, và khóc ngay trước mặt các linh mục đồng tế trong thánh lễ và anh chị em giáo dân. Tờ The Wall Street Journal tường thuật rằng, đứng trên bục giảng quay mặt xuống anh chị em giáo dân, Hugo Chavéz vừa khóc, vừa nói như sau:

"Lạy Chúa xin cho con cuộc sống, thậm chí là một cuộc sống bị thiêu đốt, hoặc đau đớn đi nữa cũng không quan trọng [miễn còn sống là được]".

"Lạy Chúa Kitô, cứ trao cho con mão gai của Ngài... đưa nó cho con, con sẽ mang lên dù chảy máu... xin cho con thánh giá của Chúa, một trăm thánh giá đi nữa con cũng chịu vác, nhưng xin cho con cuộc sống bởi vì còn có nhiều thứ con chưa làm xong... đừng bắt con đi bây giờ."

Tổng thống Hugo Chavéz đã mắc phải bệnh ung thư. Khi Đức Thánh Cha sang thăm Cuba từ Thứ Hai 26 đến Thứ Tư 28 tháng Ba, Hugo Chavéz đã có mặt tại đó vào hôm thứ Bẩy 24 tháng Ba để xạ trị và được tường trình là cũng bày tỏ ý muốn được gặp Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, sau đó chuyện không thành.

11. Logo chính thức cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2013

Chỉ còn hơn một năm nữa là đến ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio de Janeiro. Logo chính thức cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2013 đã được lựa chọn từ 200 bản dự thi trong một cuộc thi chính thức. Logo này có hình dạng của một trái tim với bức tượng nổi tiếng Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc tại Rio De Janeiro.

Đức Hồng Y Stanislaw Rylko, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, đã giới thiệu logo này tại Rôma

Ngài nói:

"Đó sẽ là một biểu tượng cho Ngày Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro, Chúa Kitô với vòng tay rộng mở. Những cánh tay này là của Chúa Kitô, nhưng cũng là của Giáo Hội đang rộng mở vòng tay chào đón thế hệ mới. "

Dịp này Đức Hồng Y Rylko cũng cho biết rằng một phần trong chặng đàng Thánh Giácủa giới trẻ sẽ đi qua những khu ổ chuột nổi tiếng của thành phố.

Lần đầu tiên sau 26 năm, Ngày Giới trẻ Thế giới trở lại Mỹ Châu Latinh, nơi 44% người Công giáo trên thế giới cư ngụ.

Ngày Thanh niên Thế giới cuối cùng được tổ chức trên lục địa này là ở Buenos Aires Argentina vào năm 1987.

Ngày Thanh niên Thế giới 2013 sẽ diễn ra ở Rio de Janeiro từ ngày 23 đến 28 tháng Bẩy năm 2013 và khoảng hai triệu bạn trẻ được dự kiến sẽ tham dự.

12. Đại Hội Giới Trẻ Rio de Janeiro tăng cường sự hiện diện tại Twitter và Facebook

Các nhà tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế giới tại Rio đã đến Rôma để nói về tất cả các chuẩn bị cho ngày hội lớn này. Cùng với các nhà tổ chức, đại diện của 100 quốc gia cũng có mặt trong phiên họp.

Giám đốc truyền thông Đại Hội Giới Trẻ Rio de Janeiro là cha Marcio Queiroz. Cha cho biết hiện nay có hơn 22 người làm việc trên các trang web mạng xã hội như Twitter và Facebook để giải thích và cổ động cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2013bằng 21 ngôn ngữ khác nhau.

Một trong những mục tiêu của nhóm thông tin liên lạc gồm 22 bạn trẻ này là để trình bày sức sống và tính chất phổ quát của Giáo Hội Công Giáo. Họ khuyến khích thanh thiếu niên tình nguyện và loan báo cho thế giới, thông qua các trang web mạng xã hội, về ngày Quốc Tế Giới Trẻ trong năm tới ở Brazil.

13. Đức Giáo Hoàng nhận được một quả trứng Phục Sinh khổng lồ

Trong dịp Lễ Phục sinh vừa qua một công ty chocolate Ý đã tặng cho Đức Thánh Cha một quả trứng Phục Sinh bằng chocolate rất ấn tượng vì cao hơn 2 thước và nặng hơn 250 kí lô.

Quả trứng còn được trang trí bằng huy hiệu Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16.

Sau khi nhận món quà và cám ơn công ty, Đức Thánh Cha đã tặng lại cho các thanh thiếu niên đang bị giam giữ tại nhà tù Casal del Marmo, nằm ở ngoại ô Rôma.

14. Đức Thánh Cha kêu gọi các bạn trẻ đào sâu hiểu biết về Chúa Giêsu.

Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 4 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã chào đón nồng nhiệt 5000 sinh viên đại học đang thăm viếng Rôma để tham dự hội nghị Diễn đàn Đại học và tham dự các nghi lễ trong Tuần Thánh tại Vatican.

Đức Thánh Cha nói:

Đặc biệt, tôi muốn chào đón tất cả các sinh viên đại học, những người đến đây từ các quốc gia khác nhau để tham gia Đại hội Quốc tế, được tổ chức bởi giáo hạt tòng nhân Opus Dei.

Các con thân mến, cha chào đón các con đến Rôma trong Tuần Thánh, để các con có thể sống một kinh nghiệm của đức tin, tình bạn và làm phong phú tinh thần. Cha mời gọi các con dành những ngày này để đào sâu kiến thức các con về Chúa Giêsu, đáp lại các lời mờ gọi của tình yêu được gửi đến cho mỗi một người trong các con. Cha muốn nhắc đến những gì Thánh Josemaría đã từng viết: "Tất cả mọi thứ được thực hiện vì tình yêu đều vĩ đại và đẹp đẽ'"