1. Bài Huấn Dụ trong buổi tiếp kiến chung sáng Thứ Tư hàng tuần

Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào sáng Thứ Tư 22 tháng 2, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã nói về ý nghĩa của Mùa Chay, bắt đầu từ ngày thứ Tư Lễ Tro. Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa của việc thiết đặt 40 ngày Mùa Chay trong lịch Phụng Vụ Giáo Hội Công Giáo và nêu bật rằng 40 ngày này là một thời gian “đổi mới tinh thần”. Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay Giáo Hội cử hành ngày thứ Tư Lễ Tro, khởi đầu của hành trình Mùa Chay hướng tới Phục Sinh. Toàn thể cộng đồng Kitô hữu được mời gọi để sống khoảng thời gian bốn mươi ngày này như một cuộc hành hương hoán cải, ăn năn và đổi mới.

Trong Kinh Thánh, số 40 là biểu tượng phong phú. Nó gợi nhớ lại cuộc lữ hành của dân Israel trong sa mạc, một thời gian trông mong, thanh tẩy và gần gũi với Chúa, nhưng đó cũng là thời gian của cám dỗ và thử thách. Nó cũng gợi lên hình ảnh Chúa Giêsu trong sa mạc vào lúc bắt đầu sứ vụ công khai của mình, một thời gian gần gũi sâu sắc với Chúa Cha trong lời cầu nguyện, và cũng là thời gian đối đầu với mầu nhiệm sự ác.

Kỷ luật Mùa Chay của Giáo Hội nhằm giúp đào sâu đời sống đức tin của chúng ta và giúp ta bắt chước Chúa Kitô trong mầu nhiệm vượt qua của Ngài.

Trong 40 ngày này, chúng ta có thể xích lại gần gũi hơn với Chúa bằng cách chiêm ngắm lời Ngài và gương sáng của Ngài, và chinh phục sa mạc của sự khô khan thiêng liêng trong ta, cùng với tính ích kỷ và chủ nghĩa duy vật. Đối với toàn thể Giáo Hội, tôi cầu xin cho Mùa Chay này là một thời gian ân sủng trong đó Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta, trong sự hiệp nhất với Chúa Giêsu chịu đóng đinh và sống lại, vượt qua sa mạc để đến với niềm vui và hy vọng của Lễ Phục Sinh.

Tôi chào đón tất cả các tín hữu nói tiếng Anh có mặt ngày hôm nay, trong buổi triều yết chung này, cách riêng là những người từ Anh, Bỉ, Na Uy, Canada và Hoa Kỳ. Tôi chào đón nồng nhiệt cách đặc biệt các tín hữu của giáo xứ Tòng Nhân Đức Mẹ Walsingham nhân dịp anh chị em hành hương đến Tòa Thánh Phêrô. Tôi chào anh chị em tín hữu từ giáo phận Antwerp, và tôi cảm ơn các dàn hợp xướng đã dâng lời khen ngợi Thiên Chúa.

Tôi khấn xin bình an của Thiên Chúa toàn năng tuôn đổ trên anh chị em và cầu chúc anh chị em một Mùa Chay đầy hoa trái thiêng liêng.

2. Lễ Tro tại Vatican

Chiều thứ Tư 22 tháng 2, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã chủ sự cuộc rước sám hối từ nhà thờ thánh Anselmo của dòng Biển Đức tới đền thờ thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh nơi ngài đã chủ sự thánh lễ mở đầu Mùa Chay Thánh.

Lúc 4 giờ 30 chiều, Đức Thánh Cha cùng với hơn 30 vị Hồng Y, Giám Mục, các tu sĩ dòng Biển Đức và Đa Minh, trong đó có 2 vị Tổng quyền của 2 dòng liên hệ, đã chủ sự cuộc rước trọng thể trên một quãng đường dài 500 mét, vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và các bài thánh ca thống hối khác. Lần đầu tiên, Đức Thánh Cha đã đi trên một chiếc xe nhỏ mui trần, có hai Đức Ông thuộc ban nghi lễ phụng vụ tháp tùng, thay vì đi bộ như từ trước đến nay.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, trên đồi Avventino, có từ thế kỷ thứ 5, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ, trước sự tham dự của các Hồng Y và Giám Mục, linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đặc biệt diễn giải ý nghĩa của tro bụi, đặc biệt là câu Chúa nói trong sách Sáng thế, được lập lại trong phụng vụ lễ tro “Ngươi là tro bụi và sẽ trở về bụi tro” (St 3,19). Ngài nói:

“Tro là một trong những dấu chỉ vật chất đề cập đến vũ trụ này trong Phụng Vụ”.

Thứ Tư Lễ Tro là một cơ hội để nhắc nhở tất cả mọi người về thân phận mỏng dòn của họ. Chúng ta là bụi tro và sẽ trở về với bụi tro

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

"Bụi tro không nhớ gì đến kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa, là việc khai mở hoàn toàn cuộc sống, nhưng nó trở nên một dấu hiệu cho một vận mệnh tàn bạo là cái chết: Ngươi là bụi tro và sẽ trở về tro bụi"

Tuy nhiên, Chúa Kitô đã loan báo một con đường cứu độ, tiến qua đất, qua “bụi tro”, qua thân xác sẽ được chính Ngài nhận lấy. Chính trong viễn tượng cứu độ ấy mà Lời sách Sáng Thế được phụng vụ thứ Tư lễ Tro lấy lại: như một lời mời gọi thống hối, khiêm tốn, ý thức về thân phận hay chết của mình, nhưng không phải để rơi vào tuyệt vọng, trái lại để đón nhận chính trong thân phận hay chết của chúng ta, sự gần gũi vô biên của Thiên Chúa, Đấng qua cái chết, mở cho chúng ta con đường tới sự phục sinh, tới thiên đàng được tìm lại”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “sở dĩ chúng ta có thể được hưởng ơn tha thứ của Thiên Chúa, là do sự kiện cốt yếu này: chính Thiên Chúa, trong con của Ngài, đã muốn chia sẻ thân phận của chúng ta, không phải sự hư nát do tội lỗi. Chính Thiên Chúa Cha đã cho Con của Ngài được phục sinh nhờ quyền năng của Thánh Linh, và Chúa Giêsu là Adam mới, trở thành “Thần khí ban sự sống” (1 Cr 15,45), là hoa quả đầu mùa của công trình sáng tạo mới.. Vị Thiên Chúa đã trục xuất nguyên tổ khỏi vườn địa đàng, đã sai Con của Ngài xuống trần thế bị tội lỗi tàn phá, để chúng ta, những đứa con hoang đàng của Ngài, có thể trở về quê hương chân thực, trong tinh thần thống hối và được lượng từ bi của Ngài cứu chuộc. Điều đó cũng xảy ra cho mỗi người chúng ta, cho mọi tín hữu, cho mỗi người khiêm tốn nhìn nhận mình cần ơn cứu độ”.

Trong nghi thức bỏ tro sau bài giảng, Đức Hồng Y Jozef Tomko, người Slovak, nguyên Tổng trưởng Bộ truyền giáo, có nhà thờ hiệu tòa là Đền thờ thánh nữ Sabina, đã bỏ tro trên đầu Đức Thánh Cha, trước khi ngài bỏ tro cho các Hồng y và một số tín hữu, trong khi 12 linh mục bỏ tro trên đầu các tín hữu hiện diện.

Cuộc hành trình lên đồi Aventine tiêu biểu cho cố gắng nên thánh của người Công giáo. Truyền thống này đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phục hồi vào năm 1979.

3. Công Nghị Tấn Phong Hồng Y

Biến cố nổi bật trong tuần qua là Công Nghị Tấn Phong 22 vị Hồng Y. Trong đó có 10 vị thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh, 9 vị là các Tổng Giám Mục, và Giám Mục cai quản các giáo phận trên thế giới và 3 vị lão thành đã dầy công phục vụ Giáo Hội. Trong buổi lễ Đức Thánh Cha đã giải thích như sau về chức năng của Hồng Y Đoàn:

"Hồng Y Đoàn là để phục vụ Giáo Hội với tình yêu và sức mạnh, với sự thanh sạch và khôn ngoan của các thầy dậy, với năng lực và sức mạnh của các mục tử, với lòng trung tín và can đảm của các vị tử đạo."

Trước khi được tấn phong, các vị đã tuyên thệ trung thành và vâng phục Đức Thánh Cha và các vị kế nhiệm ngài.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã trao cho từng vị chiếc mũ Hồng Y, nhẫn và tước hiệu liên kết với một nhà thờ trong giáo phận Rôma hoặc một giáo phận phụ cận.

Nhân dịp này, Đức Thánh Cha đã chuẩn y 7 án phong thánh và thông báo rằng vào ngày 21 tháng 10 tới đây Giáo Hội sẽ có bảy vị thánh mới.

Hai trong số các vị là người Mỹ. Đó là hai Chân Phước Marianne Cope, và Kateri Tekakwitha. Chân Phước Kateri Tekakwitha là một trong số những thổ dân Mỹ Châu đầu tiên gia nhập Thiên Chúa Giáo.

Ngoài ra còn có Chân Phước María del Monte Carmelo của Tây Ban Nha, đấng sáng lập dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm chuyên về giáo dục.

Các tín hữu Công Giáo Phi Luật Tân đã hân hoan chào đón vị thánh thứ hai của họ là thánh tử đạo Pedro Calungsod.

Cũng được phong thánh vào ngày hôm đó là các Chân Phước Giovanni Battista Piamarta của Ý, Jacques Berthieu của Pháp, và Anna Schäfer của Đức.

4. Đức Thánh Cha gặp gỡ các vị Tân Hồng Y

Hôm thứ Hai 20 tháng 2, Đức Thánh Cha đã chính thức bế mạc Công Nghị tấn phong Hồng Y với cuộc gặp gỡ 22 tân Hồng Y và các thành viên gia đình của các ngài tại Đại Thính Đường Phaolô đệ Lục của Vatican. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã chào đón từng vị trong tất cả 22 vị. Một số vị đã nhân dịp này tặng quà lưu niệm cho Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha nói với các vị như sau:

"Tôi hân hạnh gửi lời chào nhiệt liệt đến các vị nói tiếng Anh mà tôi đã có niềm vui được nâng lên hàng Hồng Y trong công nghị hôm thứ Bẩy."

Sau bài phát biểu của ngài, các vị hồng y mới, cùng với hai thành viên trong gia đình của họ đã được Đức Thánh Cha chào đón. Một tràng pháo tay ròn rã đã được cử tọa dành cho Đức Hồng Y Lucian, Muresan của Rumani, đồng thời là Tổng Giám mục trưởng của Fagaras và Alba Iulia.

Một số vị đã nhân cơ hội này để tặng cho Đức Giáo Hoàng một món quà lưu niệm. Đức Hồng Y George Alencherry New của Ấn Độ đã tặng Đức Thánh Cha một khung ảnh Chúa Giêsu Kitô. Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki thì tặng Đức Thánh Cha một tác phẩm điêu khắc bằng gốm hình con gấu mang tính biểu tượng của thành phố Berlin. Trong khi đó, Đức Hồng y Gioan Thang Hán của Hương Cảng thì tặng Đức Thánh Cha bức tranh trích đoạn Tin Mừng.

5. Buổi đọc kinh Truyền Tin

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 19 tháng 2, Đức Thánh Cha đã nhắc lại Công Nghị Tấn Phong 22 vị Hồng Y, và ngài giải thích lý do tại sao các vị Hồng Y mặc phẩm phục màu đỏ.

Ngài nói:

"Từ bây giờ, các vị cống hiến nhiều hơn để làm việc với tôi trong việc cai quản Giáo Hội phổ quát, và làm chứng cho Tin Mừng đến mức dám hy sinh mạng sống mình: đó là ý nghĩa của màu đỏ trong phẩm phục của các ngài".

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng các vị tân Hồng Y đã không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ những người khác.

Buổi đọc kinh Truyền Tin đã diễn ra trong ngày lễ kính "Ngai Tòa của Thánh Phêrô". Do đó, Đức Thánh Cha đã nhân dịp này giải thích rằng "ngai" là nơi mà từ đó các vị Giám Mục chủ tọa các nghi lễ và giáo huấn người Công giáo. Vì thế, mà có từ ngữ “nhà thờ chính tòa”.

Ngài nói:

"Ngai của thánh Phêrô là một dấu chỉ của thẩm quyền, nhưng đó là quyền lực của Chúa Kitô, là một quyền lực dựa trên đức tin và tình yêu."

6. Chương trình Truyền Giáo Tại Các Đô Thị

Hôm thứ Tư Lễ Tro, Hội đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa đã đưa ra sáng kiến toàn cầu đầu tiên là chương trình “Mission Metropolis”, nghĩa là “Truyền Giáo Tại Các Đô Thị”.

Trong suốt mùa Chay tại 12 thành phố châu Âu sẽ có các buổi công bố toàn bộ Tin Mừng của Thánh Máccô, cuốn “Tự Thú” của Thánh Augustinô, và các buổi cầu nguyện thống hối.

Đức Hồng Y Peter Erdö, là Tổng Giám Mục Budapest cho biết

"Chúng tôi có một ngày đền tội trong nhà thờ chính tòa nơi sẽ có các cha ngồi tòa giải tội trong suốt ngày hôm đó. Nhiều nhà thờ trong tổng giáo phận Budapest cũng tham gia vào chương trình này để tạo điều kiện cho giới trẻ tham gia."

Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, người Ý, chủ tịch của Hội đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa cho biết ngài sẽ tham gia với tổng giáo phận Budapest của Hung Gia Lợi. Ngài sẽ đọc các bài Tin Mừng của Thánh Máccô và một phần của cuốn “Tự Thú”.

Đức Hồng Y Peter Erdö cho biết là bên cạnh vị chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa còn có một số ca sĩ và diễn viên kịch nghệ và điện ảnh tham gia trong chương trình đọc Tin Mừng và đọc sách của Thánh Augustinô. Toàn bộ các buổi đọc sách này được chiếu trên đài truyền hình quốc gia và các đài truyền hình khác.

Bên cạnh đó tổng giáo phận Budapest còn có chương trình đi thăm tất cả các gia đình Công Giáo trong tổng giáo phận.

12 thành phố tham gia chương trình “Truyền Giáo Tại Các Đô Thị” là Barcelona, Lisbon, Brussels, Dublin, Liverpool, Paris, Turin, Warsaw, Vienna và Budapest.

Bên cạnh sứ vụ truyền giáo cho những người chưa biết Chúa, hôm 16 tháng 10 năm 2011, nhân dịp công bố Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha đã đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu tái truyền giáo cho chính những người Công Giáo.

7. Làm thế nào các Giám mục châu Âu và châu Phi có thể làm việc với nhau để thúc đẩy việc Tân Phúc Âm Hóa

Hôm 16 tháng 2, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ với 70 vị Hồng Y và Giám Mục tại Hội nghị lần thứ hai của các Giám mục châu Âu và châu Phi.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng cả hai châu lục cần những người trẻ, quảng đại và dám chịu trách nhiệm về tương lai của họ. Để đạt được điều này, ngài yêu cầu các Giám Mục giúp đào tạo các thế hệ mới.

Đức Thánh Cha nói:

"Trong các xã hội tại châu Phi và châu Âu, có nhiều lực lượng tốt, một số đông đảo tham gia trong các giáo xứ. Họ nổi bật lên bởi sự dấn thân cho sự thánh thiện cá nhân và sứ vụ tông đồ. Tôi hy vọng rằng với sự giúp đỡ của các hiền huynh, họ có thể trở nên tích cực và thiết yếu hơn cho việc Tân Phúc Âm Hóa."

Đây là cuộc hội thảo thứ hai về đề tài này. Đó là một phương cách để thảo luận về những thách thức mà Giáo Hội phải đối mặt. Cuộc hội thảo đã bao gồm cả những phương thức mà châu Phi và châu Âu có thể cộng tác với nhau trong việc thúc đẩy Tân Phúc Âm Hóa.

Đức Hồng Y Peter Erdö Chủ tịch, Hội Đồng Giám Mục châu Âu nhận xét:

"Truyền giáo luôn luôn là giống nhau, nhưng ngày nay, con người và bầu khí đã đổi khác. Tuy nhiên, ngay cả khi xã hội đi theo chiều ngược lại, tất cả các tín hữu, tất cả những người Công Giáo, phải đào sâu niềm tin cá vị của mình. Chúng ta tìm thấy các anh hùng vĩ đại và các vị thánh tuyệt vời ở châu Phi là một ví dụ tuyệt vời về sự phong phú tinh thần."

Đức Hồng Y Peter Turkson Chủ tịch, Hội đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình nói thêm:

"Hiệp thông trong Giáo Hội là sự hiệp thông giữa châu Âu và châu Phi. Theo một cách nào đó nó cho thấy châu Phi không đơn độc. Giáo Hội tại châu Phi có những vấn đề của nó, nhưng châu Âu cũng đang phải đối mặt với các vấn đề khác như chủ nghĩa thế tục, chẳng hạn."

Các vấn đề khác cũng đã được thảo luận trong cuộc họp bao gồm cả vai trò của các nhà truyền giáo châu Âu ở châu Phi, vấn đề di dân và tương lai của Giáo Hội ở cả hai lục địa này.

8. Vị Giám Mục trẻ nhất Tây Ban Nha hy sinh 25% chi tiêu hàng tháng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế

Đức Giám mục Xavier Novell là vị giám mục trẻ tuổi nhất ở Tây Ban Nha đang cai quản khu vực Catalonia. Trong một tuyên bố có tựa đề "Tất cả mọi người chống lại cuộc khủng hoảng", ngài đã tuyên bố cắt 25% chi tiêu của mình để tặng cho các chương trình xã hội.

Ngài nói rằng đó là một quyết định cá nhân của mình, nhưng nói thêm rằng giáo phận của ngài cũng sẽ dành ra 10% ngân sách để giúp đỡ những người bị tổn thương nhất bởi cuộc khủng hoảng kinh tế.

Số tiền chi tiêu hàng tháng của Đức Cha Xavier Novell đã giảm từ 1.200 Euros xuống còn 900 Euros.

Ngài cũng đã mời gọi các vị mục tử khác cũng làm như vậy, trong khi kêu gọi xã hội đóng một vai trò tích cực hơn trong việc giúp đỡ những người túng thiếu.

9. Hơn một 100 anh chị em cựu tín hữu Anh Giáo được Đức Thánh Cha tiếp kiến

Hơn 100 anh chị em cựu tín hữu Anh Giáo là những người nay đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo tại giáo xứ tòng nhân đầu tiên là giáo xứ Đức Mẹ Walsingham, Anh quốc đang thăm viếng Rôma.

Anh chị em này đã được Đức Thánh Cha chào đón trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư Lễ Tro 22 tháng 2.

Đây có lẽ là lần đầu tiên anh chị em được nhìn thấy Đức Thánh Cha sau khi được đón nhận vào Giáo Hội Công Giáo, theo một quy chế đặc biệt tại Vương quốc Anh. Giáo xứ Đức Mẹ Walsingham đã được chính thức thành lập vào ngày 15 tháng 1 năm 2011 sau khi toàn thể giáo xứ quyết định từ bỏ Anh Giáo để gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

10. Đức Thánh Cha tiếp tân đại sứ Uruguay

Hôm 16 tháng 2, Đức Thánh Cha đã tiếp tân đại sứ Uruguay cạnh Tòa Thánh, ông Daniel Edgardo Ramada Piendibene đến trình quốc thư. Vị tân đại sứ đã từng làm việc với các công ty dược phẩm ở Nam Mỹ.

Trong cuộc tiếp kiến với Đức Giáo Hoàng, ông Piendibene đã tặng Đức Thánh Cha một chiếc bầu Uruguay truyền thống được dùng để chứa Yerba Mate là một loại dược thảo đặc biệt của Uruguay và vùng Nam Mỹ.

11. Đức Thánh Cha tiếp tân đại sứ Nam Dương

Hôm 16 tháng 2, Đức Thánh Cha cũng đã tiếp một vị tân đại sứ khác đến trình quốc thư. Đó là đại sứ Nam Dương, ông Budiarman Bahar /bu-đi-ar-man ba-har/. Ông Bahar đã phục vụ cho Bộ Ngoại giao Indonesia từ năm 1977. Ông đã từng phục vụ tại Mexico, Tây Ban Nha, Yemen, Thổ Nhĩ Kỳ, và Úc Đại Lợi.

Indonesia là quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới với khoảng 245 triệu người. 86% dân số nước này gắn bó với các hệ phái Hồi Giáo.

12. Đức Hồng y Oscar Rodriguez Maradiaga phàn nàn về vụ cháy một nhà tù tại Honduras

Trong thời gian tham dự Công Nghị Tấn Phong Hồng Y trong tuần qua, Đức Hồng y Oscar Rodriguez Maradiaga của Honduras đã lên tiếng phàn nàn với các cơ quan truyền thông về bi kịch cháy một nhà tù đã giết chết hơn 350 người tại thành phố Comayagua.

"Thật không may, đó là một cái gì đó có thể dự kiến được. Tất cả các nhà tù ở Mỹ Châu Latinh có cấu trúc rất cũ kỹ khiến cho chúng trở nên rất nguy hiểm. Có rất đông tù nhân chen chúc vượt quá khả năng của nhà tù," Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga, Tổng Giám Mục Tegucigalpa cho biết như trên.

Đức Hồng Y đã kêu gọi cộng đồng quốc tế phải hành động, để các cơ sở hạ tầng của các nhà tù ở Mỹ Châu La tinh được cải thiện.

Ngài nói:

"Tôi hy vọng rằng thảm kịch này, một cách nào đó có thể giúp chứng minh rằng đó là một vấn đề nhân quyền rất cấp bách. Tôi hy vọng chúng ta có thể nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để các trung tâm cải huấn và các nhà tù không phải là những cái bẫy chết người.”

Đức Tổng Giám Mục Tegucigalpa cho biết rằng người Công Giáo Honduras đang làm phần việc của họ là giúp đỡ gia đình các nạn nhân, để họ có thể đối phó với thảm kịch này.

Đức Hồng Y nói:

"Đương nhiên, đó là một vấn đề mà giáo phận của Comayagua phải đảm nhiệm sau khi thảm kịch xảy ra. Chúng tôi cũng đã có rất nhiều hỗ trợ từ các Hội Đồng Giám Mục khác. Bước đầu tiên là phải cải thiện những vết thương không thể khắc phục được, nhưng thực sự mà nói đức tin là cách duy nhất chúng tôi có thể giúp họ vượt qua thảm kịch này. "

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã gửi một điện thư chia buồn đến Đức Cha Roberto Camilleri Azzopardi, Giám Mục giáo phận Comayagua. Trong điện văn, Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho những người đã chết hoặc bị thương và hỗ trợ cho các gia đình của họ.


Chương trình video 40 Bài Suy Niệm Mùa Chay

Như bản tin chúng tôi vừa loan, trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào sáng Thứ Tư 22 tháng 2, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã nói về ý nghĩa của Mùa Chay và mời gọi toàn thể cộng đồng Kitô hữu sống khoảng thời gian bốn mươi ngày này như một cuộc hành hương trong chiêm niệm, hoán cải, ăn năn và đổi mới.

VietCatholic đã thực hiện chương trình video 40 Bài Suy Niệm Mùa Chay. Những bài Suy Niệm này được dịch từ các bài Suy Niệm Mùa Chay của cha Raniero Cantalamessa, thần học gia Phủ Giáo Hoàng và từ tạp chí The Word Among Us do Catholic News Service (Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ) chủ xướng. Tạp chí này chuyên đăng những bài thuyết giảng của các linh mục và Giám Mục Hoa Kỳ.

Quý vị có thể xem tại địa chỉ http://vimeo.com/vietcatholic/videos

Trong phần Phụng Vụ, mỗi ngày chúng tôi đều đăng tải một bài Suy Niệm. Xin quý vị và anh chị em đón xem.