Đức Thánh Cha trình bày những suy tư về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu

Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 1/2, tiếp theo sau những loạt bài về lời cầu nguyện Kitô Giáo, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã trình bày những suy tư của ngài về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, vài giờ trước khi ngài bị kết án tử. Đức Thánh Cha đã đưa ra lời mời mọi người hãy "mang đến trước mặt Thiên Chúa những khó khăn và đau khổ" để có thể vượt qua những thử thách này.

Anh chị em thân mến,

Tiếp theo các bài giáo lý về lời cầu nguyện Kitô giáo, hôm nay chúng ta hướng đến những lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Giệtsimanie, tức là Vườn Cây Dầu, sau Bữa Tiệc Ly. Để chuẩn bị đối mặt với cái chết, Ngài cầu nguyện một mình, như người Con hằng có đời đời trong tình hiệp thông với Chúa Cha.

Tuy nhiên, Ngài cũng mong muốn có sự đồng hành của Thánh Phêrô, thánh Giacôbê và thánh Gioan. Sự hiện diện của họ là một lời mời gọi mỗi môn đệ hãy đến gần với Chúa Giêsu dọc theo con đường của thập giá.

Lời cầu nguyện của Chúa Kitô cho thấy sự sợ hãi và đau khổ nhân sinh của Ngài trong khi đối mặt với cái chết, và đồng thời cũng cho thấy sự tuân phục hoàn toàn của Ngài theo thánh ý Chúa Cha.

Những lời nói của Ngài, "đừng theo như ý Con, một xin vâng ý Cha đã định trước muôn đời" (Mc 14:36), dạy chúng ta rằng chỉ khi chúng ta phó thác hoàn toàn theo Thánh Ý Thiên Chúa chúng ta mới đạt đến sự viên mãn trong cuộc sống nhân loại của chúng ta. Trong Chúa Kitô "lời xin vâng" theo thánh ý Chúa Cha, xóa bỏ xiềng xích tội lỗi của nguyên tổ Adam, khiến nhân loại đạt được tự do đích thực, và sự tự do của con cái Thiên Chúa. Cầu xin cho việc chiêm niệm của chúng ta về lời cầu nguyện của Chúa trong vườn Cây Dầu giúp chúng ta sống tốt hơn để nhận ra thánh ý Chúa dành cho chúng ta và cho cuộc sống của chúng ta, và duy trì khát vọng hàng ngày của chúng ta để ý Cha được thực hiện, "dưới đất cũng như trên trời".

Tôi chào đón nồng nhiệt nhóm tuyên úy quân đội Anh đang tham gia trong buổi triều yết chung hôm nay. Tôi cũng chào thăm đông đảo các sinh viên và thành viên các giáo xứ. Với tất cả những người hành hương nói tiếng Anh và du khách, bao gồm cả những người từ Hồng Kông và Hoa Kỳ, tôi thân ái ban phép lành của Thiên Chúa cho anh chị em được niềm vui và bình an!

Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm Tân Thượng Phụ thành Venice

Venice là một trong các giáo phận có thế giá nhất trên thế giới. Trong thế kỷ thứ hai mươi, ba vị thượng phụ của Venice đã được tham gia bầu Các Đức Giáo Hoàng là Đức Giáo Hoàng Piô 10, Gioan 23, và Gioan Phaolô Đệ Nhất.

Đây là lý do tại sao việc bổ nhiệm Đức Cha Francesco Moraglia là Tân Thượng Phụ của Venice đang được theo dõi với sự quan tâm đặc biệt. Ngài năm nay 58 tuổi và cho đến nay đã phục vụ trong tư cách giám mục của giáo phận La Spezia Ý Đại Lợi.

Quyền lực nên được đồng nghĩa với sự phục vụ

Trong kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng đã đề cập đến việc lạm dụng quyền lực trong lao động và trong đời sống xã hội. Đức Thánh Cha nói những người có thẩm quyền nên được hướng dẫn để có một thái độ phục vụ đúng đắn.

"Quá thường khi quyền hạn có nghĩa là chiếm hữu, quyền lực, thống trị và thành công. Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa, quyền hạn có nghĩa là phục vụ, khiêm tốn và yêu thương. Nó có nghĩa là tham gia vào luận lý của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ của Ngài. "

Đức Thánh Cha cũng đã dành thời gian để đề cập đến "Ngày Bệnh Phong Thế Giới." Mỗi năm khoảng 230.000 người mắc bệnh này, đông nhất là ở Ấn Độ, Brazil và Indonesia.

"Tôi bày tỏ sự nâng đỡ đối với những ai bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này cũng như những người chăm sóc cho họ, là những người bằng cách này cách khác phấn đấu để loại bỏ nghèo đói và tình trạng bị xã hội ruồng bỏ, là những nguyên nhân đích thực sự khiến căn bệnh tiếp tục hoành hành trên thế giới"

Đức Giáo Hoàng cũng nói về ngày Quốc tế khẩn cầu cho hòa bình tại Thánh Địa, được tổ chức vào ngày 30 tháng Giêng hàng năm. Để tôn vinh ý nguyện này, một nhóm các gia đình Ý và thanh niên đã tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô để cầu nguyện cho hòa bình thế giới.

Vào cuối buổi đọc kinh Truyền Tin, Đức Giáo Hoàng đã thả các chim bồ câu trắng từ cửa sổ của mình. Nhưng sau khi được thả, chúng quyết định quay trở lại phòng làm việc của Đức Giáo Hoàng.

Đức Thánh Cha hóm hỉnh nhận xét:

"Họ muốn được ở trong nhà của Giáo Hoàng".

Chim bồ câu đã được thả để tượng trưng cho hòa bình. Nhiều người xem chuyện này như một ẩn dụ cho thấy con đường vẫn còn dài ở phía trước.

Nhóm Est Luci Sull giúp các Kitô hữu bị bách hại trên toàn thế giới

Từ năm 1991, một tổ chức được gọi là "Est Luci Sull" đã cổ vũ các giá trị Kitô giáo bằng cách tặng sách tôn giáo cho các tín hữu bị bách hại.

Đề án này bắt đầu sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin, khi một nhóm bạn đi du lịch đến các nước cộng sản ở Đông Âu. Ở đó, họ phát hiện ra rằng trong nhiều năm, các Kitô hữu bị từ chối truy cập sách tôn giáo.

Juan Miguel Montes thành viên sáng lập "Est Luci Sull" cho biết:

"Chúng tôi đã gặp gỡ nhiều người Công Giáo, những người đã rất vui về đề án. Nhưng chúng tôi muốn có một hành động có tính dài hạn. Lúc đó, rõ ràng là Liên Xô sắp sụp đổ, vì vậy có nhiều cơ hội để cộng tác. "

Và đó là hoàn cảnh chào đời của "Luci Sull Est ". Kể từ đó, nhóm đã phân phối hơn 4 triệu cuốn sách tôn giáo trên toàn thế giới. Trong số đó có cuốn "Những cuộc hiện ra và thông điệp Fatima." Trong thực tế, hơn 1 triệu bản của cuốn sách đó đã được phân phối.

Mục đích là cho tất cả các Kitô hữu, đặc biệt những người sống không có tự do tôn giáo có thể tìm hiểu về Thiên Chúa. Những người sáng lập muốn những cuốn sách của họ trở nên "ánh sáng của phương Đông".

Juan Miguel Montes nói tiếp:

"Nhiều người yêu cầu chúng tôi làm điều tương tự chúng tôi đã làm ở các nước Đông Âu, cụ thể là đưa bức tượng, là bức tượng bạn thấy ở đây đằng sau tôi đó, một bức tượng Đức Mẹ Fatima, đến các giáo xứ Ý, bệnh viện, nhà tù, nhà điều dưỡng, và trường học. "

"Luci Sull Est" đang hoạt động tại hơn 20 quốc gia. Những cuốn sách của họ đã tới được những khu vực mất an ninh nhất như tại Afghanistan và Iraq và các ấn phẩm luôn được các cha tuyên úy quân đội chào đón.

Juan Miguel Montes nói tiếp:

"Chúng tôi đã gửi một số lượng đáng kể các tài liệu tôn giáo đến quân đội Ý và cả các cộng đoàn Kitô ở địa phương. Ngoài ra, chúng tôi cũng gởi cả cho những người Hồi giáo thiện chí quan tâm đến những cuốn sách đó. "

Bên cạnh việc cho đi những cuốn sách, trong năm 2010, tổ chức này đã tham gia trong việc xây dựng các một nhà thờ ở Karaganda, đó là thành phố lớn thứ tư ở Kazakhstan. Sau những nỗ lực quyên góp, "Luci Sull Est" thu được $ 260,000.

Tại Karaganda có một trại tập trung của Nga, nơi hàng ngàn Kitô hữu đã bị giết vì đức tin của họ. Các Giám Mục đã quyết định đó là nơi tốt nhất để xây dựng một đại thánh đường để tôn vinh các thánh tử đạo.

"Luci Sull Est" cũng tổ chức các hội nghị để gây ý thức quốc tế về các cuộc đàn áp chống lại các Kitô hữu.

Juan Miguel Montes cho biết

"Ở Trung Quốc hiện nay đang có những giám mục bị cầm tù. Chúng tôi đã không nói nhiều về điều này, nhưng chúng tôi phải nên đề cập đến chuyên đó. Nó nhắc nhở tôi về một điều mà một giám mục đã cho biết về chính sách cai trị của chế độ cộng sản. Ngài nói: "Sự im lặng của Giáo Hội đè nặng lên Giáo Hội của sự im lặng".

Nhiệm vụ của "Est Luci Sull '" là rõ ràng. Bất cứ nơi nào một người nào đó có nhu cầu đọc về Chúa Giêsu Kitô, họ được khuyến khích liên hệ với Hiệp hội.

Đức Hồng Y Kasper thảo luận về "ánh sáng và bóng tối" trong Giáo Hội qua cuốn sách mới nhất của mình

“Giáo Hội Công Giáo: Yếu tính, thực trạng và sứ mệnh" Đây là tiêu đề của cuốn sách mới của Đức Hồng Y Walter Kasper. Cuốn sách đề cập đến tình trạng của Giáo Hội, qua cái nhìn từ kinh nghiệm của mình như là một nhà thần học và cựu chủ tịch của Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo.

Đức Hồng Y Walter Kasper, Chủ tịch danh dự, Hội đồng Giáo hoàng hiệp nhất Kitô Giáo nói:

"Tôi muốn chia sẻ những câu chuyện này với kinh nghiệm của tôi trong thần học. Tôi xuất thân từ trường Thuringia, nơi mà môn Giáo Hội Học là rất quan trọng. Tôi muốn đóng góp để giúp Giáo hội vượt qua cuộc khủng hoảng đang phải đối diện hiện nay. Tôi muốn giúp đỡ các tín hữu, linh mục và sinh viên. "

Đức Hồng Y Kurt Koch Chủ tịch, Hội đồng Giáo hoàng cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo nhận xét:

"Cuốn sách không chỉ là một tác phẩm nghiên cứu của một bậc thầy, hay chỉ là cuốn sách của một giám mục. Trên tất cả mọi thứ khác, đó là một cuốn sách được viết bởi một Kitô hữu, nói về cuộc sống của mình và mối quan hệ của mình với Giáo Hội. "

Đức Hồng Y Kasper nói rằng cuốn sách vượt quá một phân tích đơn giản về Giáo Hội. Nó đề cập đến ba điểm chính, bao gồm cả sứ vụ của giáo dân, vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo, và cả vấn đề ấu dâm.

Đức Hồng Y Walter Kasper nói tiếp:

"Tôi đã thực hiện một phân tích thực sự, một trong những phân tích trung thực cho thấy ánh sáng và bóng tối của Giáo Hội. Tôi kết luận rằng trong một tình huống giống như chúng ta đang sống hiện nay, chúng ta cần trở về cội rễ sâu xa của chúng ta, trở lại với Kinh Thánh, với các nhà thần học kinh viện của chúng ta, bởi vì chúng ta không thể phát minh ra hoặc tạo ra một Giáo Hội mới, chúng ta cần một Giáo Hội đổi mới, đặc biệt là về mặt tinh thần. "

Rosino Gibellini Biên tập của tờ Queriniana

"Sau những phân tích kỹ lưỡng của mình, như chỉ có người Đức mới làm nổi, ngài kết luận rằng thời kỳ khủng hoảng tất yếu sẽ trở thành 'Kairos,' có nghĩa là ‘giờ khắc đúng nhất’ để tái truyền giáo trong một cách thế thuyết phục hơn, truyền giáo để mọi người có thể sống Tin Mừng một cách thực tiễn. "

Đức Hồng Y Walter Kasper năm nay 78 tuổi. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1957. Khi theo học đại học, ngài là một nhân vật hàng đầu. Ngài đã nhận được hơn 20 bằng tiến sĩ danh dự. Nhưng những gì ngài tự hào nhất là công việc của mình trong việc thúc đẩy sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu.

Đức Giáo Hoàng nói với Bộ Giáo Lý Đức Tin: "Nếu không có đức tin, phong trào đại kết cũng chỉ là một thứ hợp đồng xã hội"

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã chào đón một số các trợ lý cũ của mình, giờ đây đang làm việc trong Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Ngài nói:

"Luôn luôn là một niềm vui khi được gặp các bạn trong phiên họp toàn thể và bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với công việc mà anh em cống hiến cho Giáo Hội và đặc biệt là cho người Kế Vị Thánh Phêrô, trong sứ vụ củng cố những người anh em của chúng ta trong đức tin".

Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài lo ngại về sự suy giảm đức tin của dân Chúa. Ngài nói thêm rằng đổi mới phải là một ưu tiên đối với Giáo Hội, đó chính là lý do ngài đã thiết định "Năm Đức Tin".

"Tôi hy vọng Năm Đức Tin, với sự cộng tác chặt chẽ của tất cả các thành phần Dân Chúa, sẽ góp phần làm cho Thiên Chúa tái hiện diện một lần nữa trên thế giới."

Đức Giáo Hoàng cũng nói rằng đối thoại đại kết là một "nhiệm vụ liên quan chặt chẽ đến công việc của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin."

"Động lực của công việc đại kết nên bắt đầu từ phong trào đại kết thiêng liêng là 'linh hồn của phong trào đại kết" Nó được tìm thấy trong tinh thần cầu nguyện, để chúng ta có thể nên một.

Đức Giáo Hoàng nhận định rằng sự thờ ơ và chủ nghĩa tương đối cũng đặt ra một mối nguy hiểm. Đặc biệt khi hướng tới sự hiệp nhất của tất cả các Kitô hữu. Ngài cho biết thực sự đại kết có nghĩa là "niềm tin rằng con người sẽ tìm thấy sự thật."Nếu không có đức tin," thì theo Đức Giáo Hoàng, toàn bộ phong trào đại kết chỉ là một hình thức hợp đồng xã hội không hơn không kém"

Trong khi hoạt động cho sự hiệp nhất Kitô giáo, điều không thể thiếu là cần phải có sự hiệp nhất trước các vấn nạn như sự sống con người, đạo đức sinh học, gia đình, tính dục, tự do, công lý và hòa bình.

Đức Giáo Hoàng Biển Bênêđíctô thứ 16 đã từng là Tổng Trưởng của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin trong 24 năm. Năm 2005, khi ngài được bầu làm giáo hoàng, Đức Hồng Y William Joseph Levada đã thay ngài trong chức vụ này.

AsiaNews yêu cầu chính phủ Trung Quốc thả tự do cho 3 giám mục và 6 linh mục

Thường dễ xảy ra những tranh cãi khi đề cập đến tình trạng tự do tôn giáo của Giáo Hội tại Trung Quốc. Theo báo cáo mới nhất, chính phủ Trung Quốc đang giam giữ ba giám mục và sáu linh mục, trong các trại giam và một số trại lao động cải tạo.

Tình trạng của họ đã được cập nhật liên tục bởi hãng tin Công Giáo AsiaNews. Thông tấn xã này vừa bắt đầu một chiến dịch kêu gọi Quốc hội Trung Quốc trả tự do cho các tù nhân.

Cha Bernardo Cervellera Giám đốc AsiaNews cho biết:

"Chúng tôi biết lý do tại sao họ đang có mặt trong các nhà tù, vì họ từ chối gia nhập Giáo Hội Yêu Nước, và vì thế, họ bị biệt lập khỏi dân chúng và họ không được làm việc mục vụ"

AsiaNews thường xuyên hỗ trợ các chiến dịch nhân quyền. Từ nhiều năm nay, thông tấn xã này đã chiến đấu cho việc trao trả tự do cho Đức Cha Giacôbê Tô Chí Dân và Đức Cha Cosma Sư Ân Tường là hai giám mục thầm lặng những người vẫn luôn trung thành với Rôma. Vị giám mục thứ ba là Đức Cha Vũ Kính, thuộc Giáo Hội công khai, đang bị quản thúc tại gia.

Cha Bernardo Cervellera là Giám đốc AsiaNews. Ngài nói rằng con đường của Trung Quốc nhằm giải phóng các chính sách kinh tế, trong khi tiếp tục phớt lờ các khiếu nại về tự do tôn giáo là không thể tiếp tục mãi mãi.

Cha Bernardo Cervellera nói:

"Chính phủ Trung Quốc nhận được rất nhiều tán thưởng vì nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, một đất nước rất phát triển, với mức tăng rất mạnh trong chỉ số GDP, nhưng vẫn có những khuyết điểm, quan điểm của họ về tự do tôn giáo cần phải được sửa chữa nếu muốn trình bày khuôn mặt của mình như là một cường quốc trên thế giới ".

Chính Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng đã thiết định một ngày để cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc, được tổ chức mỗi năm vào ngày 24 Tháng Năm. Ngày cầu nguyện này là một cách để thúc đẩy sự đoàn kết giữa người Công giáo Trung Quốc. Họ bị chia thành hai nhóm, một là Giáo Hội Yêu Nước được sự bảo trợ của chính phủ Trung Quốc. Một Giáo Hội khác là Giáo Hội thầm lặng trung thành với Rôma.

Vatican ký và phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc để chiến đấu chống lại tội phạm quốc tế

Vatican tham gia vào lực lượng của Liên hợp quốc trong một nỗ lực để chiến đấu chống lại tội phạm quốc tế.

Tòa Thánh đã ký kết ba Công ước của Liên Hợp Quốc. Đầu tiên, là Công ước quốc tế về chống tài trợ khủng bố. Thứ hai là Công ước của Liên Hợp Quốc chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Cuối cùng, Tòa Thánh cũng đồng ý với Công ước của Liên Hợp Quốc chống lại việc vận chuyển bất hợp pháp các chất ma túy và kích thích.

Khi phê chuẩn, Tòa thánh Vatican, cũng như các nước khác, đã yêu cầu thêm một số biệt lệ. Trước hết các công ước sẽ được hiểu theo các giá trị của Tòa Thánh, trong đó bao gồm không có tranh chấp chính trị, sắc tộc hoặc tôn giáo.

Tòa thánh Vatican đã đưa ra một ví dụ là nếu hai nước, không đạt được thỏa thuận, tranh chấp của họ nên được giải quyết thông qua các hiệp định song phương, thay vì tự động được đưa ra Toà án quốc tế.

Theo bộ trưởng ngoại giao của Vatican là Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, qua việc phê chuẩn các công ước trên, Tòa Thánh tăng cường cam kết của mình đối với nền công lý và hòa bình quốc tế, trong một cách thiết thực và cụ thể.

Ngài cũng nhấn mạnh đến sự dấn thân của Vatican trong việc đề cao nhân phẩm và sự hài hòa giữa các dân tộc.

Số các linh mục dòng gia tăng, nhưng số nữ tu sút giảm

Theo thống kê mới nhất của Giáo Hội Công Giáo, lần đầu tiên trong lịch sử cận đại, số linh mục dòng đã tăng lên. Giờ đây, các linh mục dòng chiếm 1/3 tổng số các linh mục. Trong năm 2010 có 135,227 vị, cho thấy có sự gia tăng của hơn 176 linh mục so với năm 2009.

Số lượng những tu sĩ không phải là linh mục, cũng đã tăng lên. Năm 2010 đã có 54.665 vị, tức là tăng 436 vị so với năm 2009.

Trong số các dòng nữ, tình hình rất khác biệt. Nhìn chung, con số nữ tu tiếp tục giảm, nhưng không trầm trọng như trong các năm trước. Thống kê mới nhất cho thấy có gần 722,000 phụ nữ sống đời thánh hiến so với con số 729, 371 năm 2009.

Đức Hồng Y Bevilacqua, cựu Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Philadelphia qua đời ở tuổi 88

Đức Hồng Y Anthony Bevilacqua, là tổng giám mục đã nghỉ hưu của thành phố Philadelphia, đã qua đời trong giấc ngủ của mình ở tuổi 88 vào tối ngày 31 tháng 1.

Ngài là nhà lãnh đạo tinh thần của 1,5 triệu người Công giáo tại khu vực Philadelphia trong 15 năm từ năm 1988 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2003.

Đức Hồng Y được sinh ra ở Brooklyn, New York. Sau khi được thụ phong linh mục vào năm 1949, ngài đã trở thành Chưởng Ấn của Giáo Phận Brooklyn vào năm 1976.

Ngài được nhớ đến cách đặc biệt vì những nỗ lực trong việc đấu tranh cho người nghèo và những người kém may mắn.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16: "Giáo Hội cần các linh mục thấu hiểu văn hóa, thông minh, nhưng cũng là các linh mục thánh thiện"

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã gặp gỡ các chủng sinh từ ba chủng viện khác nhau tại Ý để chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập.

Ngài nói rằng ngày nay Giáo Hội cần những linh mục thánh thiện. Ngài giải thích rằng một căn bản triết học, và thần học tốt là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn nhiều là lời cầu nguyện, để lời rao giảng của mình trở nên khả tín.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã nhắc lại những tiến bộ của Giáo Hội trong việc tạo ra các cuộc hội thảo khu vực nhằm tăng cường sự hiệp nhất trong Giáo Hội.

Đức Giáo Hoàng kết thúc Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo trong chuyến thăm Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành

Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành tại Rôma. Đại diện của Giáo Hội Chính Thống Giáo và Anh giáo đã có mặt cùng các vị đại diện của các Giáo Hội Kitô khác.

Buổi cầu nguyện này đánh dấu việc kết thúc Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, tất cả các Kitô hữu, không phân biệt hệ phái, được kêu gọi cầu nguyện cho sự hiệp nhất.

Đức Bênêđíctô thứ 16 nói:

"Khi chúng ta cầu xin món quà cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta thực thi mong muốn của Chúa Giêsu Kitô. Buổi chiều trước Cuộc Khổ Nạn và cái chết của Ngài, Ngài cầu nguyện với Chúa Cha, khẩn khoản xin cho họ được nên một ".

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 mời gọi tất cả các Kitô hữu giữ lòng trung thành với Chúa Giêsu Kitô bằng cách hợp nhất chống lại sự bất công, hận thù và tuyệt vọng.

Ngài nói:

"Hiệp nhất trong Chúa Kitô, chúng ta được kêu gọi để chia sẻ sứ vụ của Ngài là mang lại hy vọng nơi sự bất công, hận thù và tuyệt vọng đang thống trị."

Sau đó, ngài nói thêm rằng sự hiệp nhất Kitô giáo không phải là một điều có thể đạt được trong vòng một thời gian ngắn, nhưng đó là một nhiệm vụ đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉnh thức.

Ngài nhấn mạnh rằng:

"Sự thống nhất hữu hình của Giáo Hội phải đạt được với sự kiên nhẫn và sự tự tin. Theo ý này, những lời cầu nguyện của chúng ta và những dấn thân hàng ngày của chúng ta cho sự hiệp nhất các Kitô hữu tìm thấy một định hướng. Kiên nhẫn không có nghĩa là thụ động hoặc rút lui, nhưng là một sự thận trọng và một phản ứng nhanh chóng với bất kỳ khả năng hiệp thông và tình huynh đệ mà Chúa ban cho chúng ta. "

Hàng năm, Đức Thánh Cha tham dự vào buổi cử hành tuy ngắn gọn nhưng mang tính biểu tượng, được tổ chức trùng với ngày lễ Thánh Phaolô Trở Lại.