Như Một Ánh Chớp

Chỉ trong vòng hai tuần lễ, trong khi thiên hạ đang nô nức đón Noel và rạo rực chào mừng năm mới thì gia tộc tôi phải ngậm ngùi tiễn đưa hai người thân vĩnh viễn ra đi. Cả hai cái chết đều có một điểm chung là đột ngột và nhanh chóng, như hai chiếc bóng đèn phụt tắt. Đúng là “đứt bóng” như cách thiên hạ thường nói.

Ra đi ở tuổi 86 khi còn đang sinh hoạt bình thường và tỉnh táo, cái kiểu chết của bà bác tôi được nhiều người mơ ước và thèm thuồng. Tối hôm trước còn nhai được miếng trầu Bà Điểm do chú thím tôi mang từ Việt Nam về sau chuyến bay vào buổi chiều cùng ngày. Ấy thế mà sáng hôm sau, khi đã sẵn sàng ăn bữa điểm tâm thì lại lăn đùng ra và đi…luôn, trước khi chú tôi kịp gõ cửa sang chơi nhà bà chị, như mỗi ngày và mọi ngày, chẳng biết đã từ bao nhiêu năm nay. Kể ra thì bác cũng có phúc thật, không mất ngày nào nằm bẹp trong bệnh viện, và như vậy là tránh được cho lũ con và đám cháu khỏi phải khổ sở chạy sất bất sang bang để thăm viếng, săn sóc. Vả lại, bát tuần cũng được coi là thượng thọ rồi!

Điều tôi muốn nói là sự ra đi ở tuổi 46--hẳn nhiên chỉ là hưởng dương--của chú em, con ông chú ruột, đúng hai tuần lễ sau bà bác. Cũng bất ngờ và nhẹ nhàng bình an, chỉ sau một cơn co giật nhẹ, theo lời kể của người chăm sóc. Phải, chú em tôi, vì mang chứng bệnh nan y từ thuở lọt lòng mẹ, thành ra cần được chăm sóc liên tục, thường xuyên, 24/7 theo lối nói ngắn gọn hiện nay. Trước cái chết của chú em này, không dưng tôi bỗng trầm tư đến thẫn thờ, và thấy trong mình như bừng lên những nỗi thao thức, trăn trở không cùng.

Một loạt những câu hỏi tại sao nổi lên cùng một lúc, cứ nhao nhao như vỡ chợ. Tại sao lại có những cuộc đời như của chú em tôi? Tại sao Thiên Chúa lòng lành và nhân hậu vô cùng lại tạo dựng nên một tạo vật đáng thương đến thế? Cuộc đời như của chú em tôi có mang một ý nghĩa gì chăng? Sống như vậy thì còn gì là “quality of life” như thiên hạ thường nói? Lỗi tại ai mà chú em tôi ra nông nỗi này? Rồi tôi lại trở về với chính mình: tại sao tôi lại được sinh ra trên cõi trần này thay vì không bao giờ có? Tại sao tôi lại được sinh ra là tôi, con ba má tôi, cháu của ông nội tôi, chứ không phải con của một ba má khác, của ông nội khác, lưu truyền từ một ông cố tổ, đã vì sinh kế mà đành phải đổi họ từ Mai sang họ Nguyễn? Tôi rất có thể là đứa con vô thừa nhận, mồ côi cha mẹ, hoặc là đứa con hoang bị từ bỏ, hất hủi, để rồi sau đó trở thành “con bà phước” lắm chứ? Rồi tại sao tôi không được sinh ra làm một người Mỹ (như thằng Jim bên nhà hàng xóm) mà lại được sinh ra làm người Việt Nam, để rồi phải đi tìm cái sống ở giữa cái chết mới đến được bên này đại dương? Những câu hỏi loại này nếu liệt kê ra thì cả ngày cũng không hết.

Sống, làm người, thân phận và định mệnh, đau khổ và sự dữ, vấn đề lũ trẻ thơ vô tội mà đã phải gánh chịu cảnh khốn khổ, bệnh tật, và chết chóc…là những vấn nạn đã trở thành muôn thuở của loài người. Các nhà tư tưởng và triết gia suốt dòng lịch sử đã vắt hết tim óc hầu tìm cho ra câu giải đáp. Nhưng đến giờ này, hình như vẫn chưa có được một lời giải đáp nào thỏa đáng.

Nhưng thật may, đức tin đã đến giải cứu con người thoát cảnh bế tắc này. Phải, chính vì Ngôi Lời Thiên Chúa “đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người,” mà người tín hữu như được khai ngộ. Một mệnh đề có thể coi là đáp số cho bài toán hóc búa của những trăn trở vừa nêu đã được Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II đúc kết trong Hiến Chế “Gaudium et Spes,” số 22, như sau: “Chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể mà huyền nhiệm con người mới được soi tỏ.” Nói một cách khác, câu trả lời cho các vấn nạn của con người chỉ có thể được tìm thấy trong mầu nhiệm cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật. Khai triển đề tài này phải là công trình lịch sử của toàn thể loài người, kể từ con người đầu tiên được tạo dựng cho đến con người cuối cùng của nhân loại được sinh ra và sống trên trần thế này.

Được sinh ra, sống và chết đi đều là một mầu nhiệm. Sinh ra và sống: đây chính là một món quà từ bàn tay Thiên Chúa. Ngài “chính là nguồn gốc hiện hữu của từng tạo vật, và Ngài là Cha nhân từ của từng mỗi con người, trong một cách thức riêng biệt: Ngài có với mỗi người chúng ta một mộí liên hệ cá nhân đặc biệt. Mỗi người chúng ta đều được ngài mong muốn và thương yêu.” (xem “Pope Invites Parents to Pray: God Knows Your Child Better Than You Do, trong zenit.com, ngày 01/10/12).

Thì ra mỗi cuộc đời chúng ta đều đã được Thiên Chúa tiên liệu, dự trù từ muôn thuở. “Từ muôn thuở Chúa đã yêu con…” Không một ai có mặt trên đời—dù bất hạnh đến mấy, dù bất khiển dụng đến đâu--mà không được Thiên Chúa mong muốn và gọi mời để bước ra từ cõi hư vô. Thành ra không ai còn có thể được gọi là “vị khách không mời,” hoặc là “đứa con không hề được mong mỏi chờ đợi.” Quả vậy, xét về mặt hữu thể học, hữu thể luôn đánh bại hư vô, có thì hơn không. Do đó, mỗi một khai sinh là một nỗi vui mừng; mỗi một khai hoa nở nhụy là một hy vọng. Chính vì thế, khi biết một phụ nữ mang thai thì thiên hạ thường chúc mừng vì có “tin vui, tin mừng.” Nhà thương thường là chỗ thiên hạ ra vào với ánh mắt trĩu nặng lo âu và buồn bã, bởi người thân đang lâm cảnh nguy ngập vì thương tích và tật bệnh. Chỉ riêng khu bảo sanh của bệnh viện là vui như Tết: cảnh người ra vào tấp nập, những giỏ bông rực rỡ, những tấm thiệp tràn đầy hy vọng kèm theo những chiếc bong bóng rực rỡ muôn mầu. Lý do đơn giản là chính ở nơi đây, các em bé chào đời được mọi người hân hoan chào đón, và là nơi người ta cử hành mầm sống mới vừa được khai mở. Cũng trong ý nghĩa này mà gia đình luôn luôn là một cánh cửa qua đó ta bước vào tương lai. Nếu ta thực sự hướng về tương lai với trọn vẹn hy vọng, thì ta sẽ mừng vui với cuộc sống gia đình.

Tôi đã cố gắng áp dụng lời đúc kết của Thánh Công Đồng trên để thử đi tìm một câu trả lời nhân cái chết của chú em tôi, một cuộc đời đằng đẵng vật lộn với bệnh tật, thuốc men và những biến chứng phức tạp đủ loại trên cơ thể. Thay vì đến Disney World vui chơi giải trí như bao đứa trẻ khác, hoặc đến trường, rồi sở làm như bất kỳ ai khác, thì chú em tôi đã đành chọn bệnh viện, những trung tâm cấp cứu, những khu nhà chăm sóc, như bước hành trình thường ngày, hằng tuần, hằng tháng. Và đây rồi, như một ánh chớp, tôi chợt bừng tỉnh khi đọc đoạn Tin Mừng theo Thánh Gioan, chương 9:1-3, như sau: “Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?" Đức Giê-su trả lời: "Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.”

Vâng, chú em là một công trình yêu thương mà Thiên Chúa ban tặng qua chú thím tôi, để làm tỏ hiện công trình của Ngài. Một cách sâu đậm, chú tôi đã nhận ra công trình này của Thiên Chúa khi thốt lên những lời từ biệt--trước khi đưa thân xác em tôi đi vào lòng đất--những lời đặc biệt đầy cảm thương, xúc động, tự đáy lòng, và thấm đậm niềm tin: “Ba thực sự cảm ơn con, vì con đã lãnh lấy tất cả những thiệt thòi cho bản thân mình, để cho ba má và cả gia đình được hưởng trọn phần phúc lợi.” Những thiệt thòi của chú em thật là rõ rệt, không cần nói gì thêm, chỉ có điều đâu là những lợi lộc mà chú thím tôi và gia đình đã hưởng nhận đây? Đó chỉ có thể là phúc lộc của đức tin, của việc nhận chân giá trị và phẩm giá của cuộc sống con người, của niềm ủi an Chúa dành cho nhũng ai sầu khổ trong Phúc Thật Tám Mối, của sự tùng phục Thánh Ý Chúa, của ơn thánh sủng trào tuôn xuyên qua những khổ đau, tượng trưng bằng những thánh giá Chúa gửi đến hằng ngày, làm hy lễ hiến dâng và thánh hoá cuộc đời. Không còn gì có ý nghĩa hơn! Cuộc sống của chú em tôi--dưới góc cạnh nào chăng nữa—đã được biện minh một cách hùng hồn. Thánh Phaolô đã rất có lý khi bảo rằng “Thiên Chúa làm cho tất cả mọi sự đều đan quyện vào nhau làm thành lợi ích cho những ai yêu mến Ngài, tức là những kẻ được Ngài kêu gọi” (xem Rom. 8:28).

Năm nay tôi không còn dịp mang lỡi Tết đi biếu bà bác như mọi năm. Ngày đầu xuân, chắc tôi sẽ mang hoa đặt trên mộ phần bác, khi đi viếng mộ các thân nhân khác. Cũng vậy, chú thím tôi không còn đi thăm chú em trong khu nhà săn sóc, mà sẽ đem nhang hoa ra ngoài nghĩa trang. Hai địa chỉ cũ vừa bị xóa tên, thì hai địa chỉ mới lại được nhanh chóng mọc lên, ở một nơi khác bình yên hơn, được đánh mốc bằng hai cây thánh giá gỗ mộc mạc. Điạ chỉ này sẽ là nơi định cư vĩnh viễn, thật dễ tìm. Thì ra “sự sống thay đổi, chứ không mất đi...” Đổi thay và di dời, phải chăng đó là một khía cạnh tất yếu khác nữa của cuộc nhân sinh?

Những ngày áp Tết Nhâm Thìn 2012

Nhân ngày tiễn đưa Bác Thoán gái (12/22/2011) và em Nguyễn Khánh Hải-Long (01/06/2012)

Nguyễn Kim Ngân