1. Buổi triều yết chung sáng thứ Tư 16 tháng 11.

Trong cuộc giao đấu giữa thiện và ác, sự ác xem chừng thắng thế, nhưng “tình yêu chứ không phải là lòng thù hận cuối cùng sẽ thắng thế”. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã khẳng định như trên trong buổi triều yết chung sáng thứ Tư 16 tháng 11.

“Có cơ man những sự dữ đang hoành hành trên thế giới,” nhưng trong cuộc giao đấu thường xuyên giữa thiện và ác, “phần thắng sẽ thuộc về Thiên Chúa” và “dù cho có biết bao những điều tiêu cực trong lịch sử, Chúa Kitô sẽ thắng chứ không phải là những thế lực tăm tối, tình yêu chứ không phải là lòng thù hận cuối cùng sẽ thắng thế”. Đức Thánh Cha đã rút ra kết luận trên từ Thánh Vịnh 110 mà ngài giải thích với hơn 20 ngàn anh chị em tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến,

Trong bài giáo lý về kinh nguyện Kitô Giáo, giờ đây chúng ta hướng đến Thánh Vịnh 110, một trong những Thánh Vịnh “vương giả”, khởi đầu đã được liên kết với việc đăng quang của vua Đa Vít. Giáo Hội đọc Thánh Vịnh này như một lời tiên tri về Chúa Kitô, Hoàng Đế Mêsia và là thượng tế muôn đời, Đấng đã sống lại từ trong kẻ chết và ngự bên phải Chúa Cha. Thánh Phêrô, trong diễn từ về Lễ Ngũ Tuần (x. Tông Đồ Công Vụ 1:32-36) đã dùng những lời của Thánh Vịnh này để nói về chiến thắng của Chúa trước cái chết và sự khải hoàn trong vinh quang của Ngài. Từ những thời xa xưa, đoạn thứ Ba đầy huyền nhiệm đã được diễn dịch như một quy chiếu về Ngôi Con Chí Thánh, trong khi đoạn thứ Tư đề cập đến Ngài như “một thượng tế muôn đời, theo phẩm hàm Menkisêđê”.

Thư Do Thái đặc biệt áp dụng hình ảnh này cho Chúa Kitô, con Thiên Chúa và là thầy cả thượng phẩm hoàn hảo của chúng ta, Đấng hiện diện muôn đời để chuyển cầu cho những ai qua Ngài đến với Chúa Cha (x. Thư Do Thái 7:25). Đoạn cuối của Thánh Vịnh trình bày Vua khải hoàn như Đấng xét xử các dân nước. Khi chúng ta cầu nguyện với Thánh Vịnh này, chúng ta công bố vinh quang của Chúa Kitô Phục sinh và là Vua của chúng ta, trong khi cố gắng sống hoàn thiện hơn với chức vương giả và tư tế của mình như những chi thể của Ngài qua phép Rửa Tội.

Tôi chào thăm các nhóm sinh viên và học sinh đến tham dự buổi triều yết chung hôm nay. Tôi cũng chào các đại biểu của Ủy Ban Do Thái Sự Vụ của Hoa Kỳ. Với các tín hữu hành hương từ các miền nói tiếng Anh hiện diện nơi đây, đặc biệt những anh chị em đến từ Anh quốc, Đan Mạch, Na Uy, Nhật Bản, Gia Nã Đại và Hoa Kỳ, xin Chúa ban phép lành, bình an và hạnh phúc cho anh chị em.

2. Đức Thánh Cha gặp gỡ Hội Đồng Tôn Giáo Do Thái

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã cổ võ các vị lãnh đạo tôn giáo tại Israel kiến tạo bầu không khí tín nhiệm và đối thoại giữa mọi tôn giáo tại Thánh Địa.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 10-11-2011 dành cho 27 thành viên thuộc hội đồng tôn giáo Israel. Trong số các thành viên có Đại Rabbi Jona Metzger, Đức Thượng Phụ Fouad Twal của Công Giáo la tinh ở Jerusalem, Chủ tịch Hội đồng Imam Hồi giáo ở Israel, Ông Mohamad Kiwan, và thủ lãnh Hồi giáo Druse là ông Sheik Moufak Tarif.

Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Trong thời đại bị xáo trộn ngày nay, đối thoại giữa các tôn giáo đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để kiến tạo một bầu không khi cảm thông và tôn trọng lẫn nhau, có thể dẫn tới tình bạn và sự tín nhiệm vững chắc đối với nhau”.

Đức Thánh Cha nhắc lại điều ngài đã nói tại Assisi hôm 27-10 vừa qua: “Ngày nay chúng ta đang phải đương đầu với 2 thứ bạo lực: một đàng là sự sử dụng bạo lực nhân danh tôn giáo, và đàng khác, bạo lực xuất phát từ sự phủ nhận Thiên Chúa thường thấy trong đời sống xã hội tân tiến ngày nay. Trong tình trạng đó, với tư cách là các vị lãnh đạo tôn giáo, chúng ta được kêu gọi tái khẳng định rằng quan hệ ngay chính của con người với Thiên Chúa là một sức mạnh hòa bình. Đây là chân lý cần được biểu lộ rõ ràng hơn qua cách thức chúng ta sống với nhau hằng ngày. Vì thế, tôi khích lệ quí vị cổ võ một bầu không khí tín nhiệm và đối thoại giữa các vị lãnh đạo và các phần tử của mọi truyền thống tôn giáo hiện diện tại Thánh Địa”.

3. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tiếp chủ tịch Hội Đồng Âu Châu

Sáng 14 tháng 11, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã tiếp chủ tịch Hội Đồng Âu Châu, ông Herman Van Rompuy. Trong nửa giờ trao đổi, hai vị đã đề cập đến cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị khắp Âu Châu cũng như những vấn đề kiên quan đến nhân quyền và quyền tự do tôn giáo.

Ông Van Rompuy đã trao tặng Đức Thánh Cha cuốn “Lược Đồ Dự Án Âu Châu,” và Đức Thánh Cha trao cho ông Van Rompuy một huy chương vàng triều Giáo Hoàng của ngài.

Ông Van Rompuy đã là chủ tịch Hội Đồng Âu Châu từ tháng Giêng năm 2010. Hội Đồng Âu Châu là một trong 7 cơ chế trong Liên Hiệp Âu Châu chịu trách nhiệm về hoạch định chính sách cho Liên Hiệp Âu Châu.

4. Nhà thờ rất hiện đại tại Hoa Kỳ

Nhà thờ Chúa Biến Hình được xây vào năm 2000 tại Orleans, Massachusetts. Anh chị em giáo dân tại đây đã hình thành nên cộng đoàn Chúa Giêsu và được linh hứng với những truyền thống của dòng Biển Đức. Nhà thờ của họ làm bằng gỗ và đá khắc với những phù điêu cũng như những tranh bằng đồng và kính.

Những hình ảnh được khắc và tạc trong nhà thờ bởi các nghệ nhân Italia và Pháp theo cùng một chủ đề đó là những thực tại dưới đất cũng có một ý nghĩa nào đó trên thiên quốc, là một trong những điều tâm đắc của Thánh Biển Đức.

Trên Web site của họ tại địa chỉ churchofthetransfiguration.org quý vị và các bạn có thể ghé thăm nhà thờ của họ qua một chương trình thăm viếng ảo dành cho những ai không có điều kiện đến thăm một trong những ngôi nhà thờ tân tiến nhất Hoa Kỳ về nhiều mặt.

02. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 trở thành công dân danh dự tại thành phố nơi bà ngoại ngài sinh trưởng.

Đức Thánh Cha vừa trở thành công dân danh dự của thành phố “Naz-Sciaves”, một thành phố của Italia. Một đoàn đại biểu của thành phố đã đến Vatican để trao tặng Đức Thánh Cha huy chương danh dự của thành phố.

Đây là nơi sinh trưởng của bà ngoại và bà cố của Đức Thánh Cha. Thành phố Naz-Sciaves hiện có 2500 dân nằm ở phía Bắc Ý trong vùng Bolzano gần biên giới với nước Áo.

Năm 1940, khi được 13 tuổi, Đức Thánh Cha đã viếng thăm thành phố này và đã đi xe đạp dạo quanh vùng với anh trai của ngài.

12 thành phố khác cũng đã trao tặng Đức Thánh Cha danh hiệu công dân danh dự. Những thành phố này thuộc Áo, Italia và Đức trong đó có thành phố Martkl am Inn nơi sinh trưởng của Đức Thánh Cha.

5. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 khích lệ các thiện nguyện viên như những người đã cổ vũ cho thiện chí trên thế giới

Trong phiên họp chót của hội nghị các thiện nguyện viên được Tòa Thánh tổ chức, các tham dự viên đã vui mừng chào đón Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha đã cám ơn Đức Hồng Y Robert Sarah, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm là người đã tổ chức hội nghị này trong khuôn khổ Năm Các Thiện Nguyện Viên Âu Châu. Đức Thánh Cha nói với các tham dự viên rằng công việc của họ không chỉ thể hiện thiện chí nhưng còn là một lời đáp trả cho một sự gặp gỡ thân tình với Chúa Kitô.

Ngài nói:

“Hồng ân của Chúa Kitô giúp chúng ta khám phá trong ta một lòng ao ước cho tình liên đới và cho một ơn gọi căn bản cho tình yêu”.

Đức Thánh Cha khích lệ các thiện nguyện viên rằng tuy công việc của họ không thể đáp ứng được hết những nhu cầu nảy sinh, họ không nên để thực tại của cuộc sống làm nhụt chí.

“Điều nhỏ mọn chúng ta có thể làm để đáp ứng phần nào nhu cầu nhân loại có thể xem như những hạt giống sẽ tăng trưởng và đem lại nhiều hoa trái; đó là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô và tình yêu, giống như cành cây được đề cập trong Phúc Âm, sẽ lớn lên đem lại bóng mát, sự bảo vệ và sức mạnh cho những ai cần đến.”

Hội nghị quy tụ 160 tham dự viên từ các tổ chức thiện nguyện của 25 quốc gia tại Âu Châu.

6. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đang cứu xét một dự án viếng thăm hai nước Cuba và Mễ Tây Cơ để đáp lại lời mời từ hai nước này.

Trả lời câu hỏi của giới báo chí, hôm 10-11-2011, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết trong những ngày qua, các vị Sứ Thần Tòa Thánh tại Mễ Tây Cơ và Cuba đã được ủy nhiệm thông báo cho các vị lãnh đạo tôn giáo và dân sự cấp cao nhất về việc Đức Thánh Cha đang cứu xét một dự án cụ thể để viếng thăm hai nước.

Dự án này sẽ được đào sâu trong những tuần lễ tới đây và dựa theo đó, Đức Thánh Cha quyết định chung kết và sẽ thông báo theo thể thức và thời gian ngài thấy là thuận tiện nhất.

Thời điểm dự kiến cho cuộc viếng thăm là vào mùa xuân năm tới, vì thế, thời gian để quyết định chung kết về chương trình và việc chuẩn bị tương đối đã đến gần.

Về lý do cuộc viếng thăm, Cha Lombardi cho biết sự mong đợi của nhân dân Mễ Tây Cơ là điều ai cũng biết, Đức Thánh Cha để ý đến điều đó và ngài vui mừng vì có thể đáp lại mong đợi ấy. Đức Thánh Cha đã đến Brazil, nhưng các nước Mỹ châu la tinh nói tiếng Tây ban nha mong muốn một cuộc viếng thăm cho họ và Mễ Tây Cơ là dân tộc đông đảo nhất trong số các nước này.

Cuba cũng là một nước rất mong được thấy Đức Giáo Hoàng, người không bao giờ quên cuộc viếng thăm lịch sử của Đức Gioan Phaolô 2.

Cha Lombardi nói thêm rằng: “Chỉ cần nhìn bản đồ là đủ thấy Cuba và Mễ Tây Cơ ở cùng một hướng so với Roma, và vì thế điều hợp lý là gộp hai nước trong một chuyến viếng thăm duy nhất, thay vì 2 cuộc viếng thăm riêng rẽ, sẽ đòi một hành trình dài và phức tạp hơn.

7 – Các trường công lập tại Pakistan dạy học sinh đừng khoan dung đối với những ai không phải là tín hữu Đạo Hồi.

Các sách giáo khoa, được sử dụng trong trường công lập và trường tư thục ở Pakistan, dạy cho học sinh nước này có thành kiến và bất khoan dung đối với các nhóm thiểu số tôn giáo không theo đạo Hồi: đây là kết quả của một nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này, được thực hiện bởi Ủy ban về Tự do tôn giáo quốc tế của quốc hội Hoa Kỳ(USCIRF) và được công bố ngày 9-11 tại Washington.

Phúc trình, được thông tấn xã Công Giáo Fides của Tòa Thánh đăng tải cho thấy hệ thống trường học ở Pakistan là gốc rễ của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo rộng rãi, và giúp giải thích lý do tại sao những hành vi khủng bố chống người không theo Hồi Giáo lại thường được hỗ trợ rộng rãi, khoan dung và biện minh tại Pakistan.

Nghiên cứu, có tựa đề "Kết nối các dấu chấm: giáo dục và sự phân biệt đối xử tôn giáo ở Pakistan", xem xét lại hơn 100 sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 10 thuộc bốn tỉnh của Pakistan. Hồi tháng 2-1011, các nhà nghiên cứu đã đến thăm 37 trường công lập, phỏng vấn 277 học sinh và các giáo viên. Họ cũng đến thăm 19 trường đào tạo chức sắc Hồi giáo, nơi họ đã phỏng vấn thêm 226 học sinh và các thầy giảng Kinh Koran.

Phúc trình nói: “Các nhóm thiểu số tôn giáo thường được mô tả như những công dân thấp kém hoặc công dân hạng nhì, được ban các quyền lợi bởi các người Hồi giáo Pakistan quảng đại, do đó họ cần phải biết ơn người Hồi Giáo. Đặc biệt, người Ấn giáo bị liên tục mô tả như là các phần tử cực đoan, và những kẻ thù truyền kiếp của Hồi giáo". Phúc trình nói tiếp: “Nền văn hóa và xã hội của Pakistan dựa trên sự bất công và tàn ác”.

8 – Phim The Last Christero

Cuốn phim The Last Christero mô tả những chiến sĩ Công Giáo cố gắng chống lại chính sách tận diệt tôn giáo của chính quyền tam điểm thân cộng của Mễ Tây Cơ.

Năm 1926, chính quyền Mễ Tây Cơ thực thi một chính sách bài giáo sĩ và đưa ra hàng loạt các cấm đoán đối với người Công Giáo. Các nông dân Công Giáo đã cầm súng chống lại một đạo quân tinh nhuệ của chính quyền trong cuộc chiến gọi là Cristero War. Cuộc chiến bắt đầu từ năm 1926. Năm 1929, Hoa Kỳ áp lực với Mễ Tây Cơ để có cuộc ngưng bắn. Tuy nhiên, nhiều chiến sĩ Kitô ra trình diện đã bị giết chết.

Cuốn phim đề cập đến năm 1930 khi những chiến sĩ Kitô tiếp tục cuộc chiến của họ. Họ đã phải lang thang trong những vùng núi khô cằn để tránh sự lùng bắt của quân chính phủ.