1. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 30/10, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho các nạn nhân lũ lụt tại Thái Lan và Italia. Ngài nói:

“Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với người dân Thái Lan là những người bị thiệt hại nặng bởi những trận lụt nghiêm trọng. Tôi cũng nhớ đến anh chị em tại Liguria và Tuscany vừa bị thiệt hại nặng vì mưa lũ”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng phương thế tốt nhất để giúp cho xã hội là nâng đỡ những ai gần gũi với chúng ta và sống một cuộc sống thánh thiện. Ngài nói:

“Chúa Kitô khích lệ chúng ta kết hiệp sự khiêm nhường với công việc bác ái và phục vụ anh chị em mình. Xin cho chúng ta luôn bắt chước gương mẫu phục vụ hoàn hảo của Ngài trong đời sống thường nhật”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến vai trò các thầy cô giáo trong xã hội. Ngài kêu gọi họ trở nên các gương sáng cho các em học sinh.

1. Đức Thánh Cha khích lệ các Giám Mục Angola và São Tomé dành ưu tiên cho việc mục vụ gia đình, bài trừ nạn phù thủy và óc phe phái bộ tộc.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 29 tháng 10 dành cho 26 GM thuộc HĐGM Angola và Sao Tomé nhân dịp các vị kết thúc cuộc hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhắc đến và đề cao kế hoạch mục vụ các Giám Mục Angola đề ra từ 3 năm nay, đứng trước tình trạng con số các hôn phối đạo tại nước này trở nên hiếm hoi. Ngài khích lệ các Giám Mục đề cao đời sống gia đình truyền thống giữa một nền văn hóa sống chung bừa bãi với nhau. Ngài nói:

“Vấn nạn thứ nhất là nhiều cặp nam nữ sống với nhau trước khi kết hôn, trái ngược với kế hoạch của Thiên Chúa về sự sinh sản và gia đình nhân loại.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến sự kiện nhiều tín hữu Công Giáo tại Angola tuy là Kitô hữu mà vẫn thực hành những thói tục không thể dung hợp với việc theo Chúa Kitô, với hậu quả là họ sát hại cả các trẻ em và người già bị những phù thủy kết án. Ngài nói:

“Qua hồng ân bí tích Rửa Tội, họ được mời gọi để từ bỏ những xu hướng thịnh hành hiện nay. Họ phải chống lại thói tục này dưới sự dẫn dắt của Các Mối Phúc Thật”.

Ngài khích lệ các Giám Mục hãy vì tính chất thánh thiêng của sự sống con người trong mọi giai đoạn và hoàn cảnh, mà lên tiếng bênh vực các nạn nhân. Ngoài ra, vì đây là một vấn đề trong toàn miền, hãy liên kết nỗ lực của các cộng đoàn Giáo Hội bị thương tổn vì tai ương này, cố gắng xác định ý nghĩa sâu xa của các thói tục đó, vạch rõ những nguy hiểm về mặt mục vụ và xã hội của các tệ nạn ấy, để đi tới một phương pháp hoàn toàn loại trừ chúng, với sự cộng tác của chính quyền và xã hội dân sự.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nói đến óc bộ tộc phe phái khiến cho các cộng đoàn có xu hướng khép kín, không muốn chấp nhận những người thuộc bộ tộc khác. Ngài cám ơn và đề cao những Giám Mục, linh mục và tu sĩ chấp nhận làm việc mục vụ bên ngoài biên giới ngôn ngữ và bộ tộc của mình.

2. Trong buổi tiếp kiến sáng 31 tháng 10, dành cho tân đại sứ Ba Tây cạnh Tòa Thánh, ông Almir Franco de Sa Barbuda, đến trình quốc thư, Đức Thánh Cha cổ võ sự cộng tác giữa Nhà Nước và Giáo Hội.

Tân đại sứ De Sa Barbuda năm nay 68 tuổi (1943), nguyên là thứ trưởng ngoại giao và đã từng làm Đại sứ Ba Tây tại Bỉ và Lục Xâm Bảo.

Trong diễn văn chào mừng tân đại sứ, Đức Thánh Cha nhắc đến quan hệ lâu đời giữa Tòa Thánh và Ba Tây, cũng như hiệp định ký kết giữa hai bên hồi năm 2008. Ngài nói: “Hiệp định này không phải là một nguồn đặc ân cho Giáo Hội hoặc vi phạm đặc tính đời của Nhà Nước, nhưng chỉ có mục đích mang lại một tính chất chính thức và nhìn nhận hợp pháp sự độc lập và cộng tác giữa Giáo Hội và Nhà Nước, mỗi bên trong lãnh vực của mình.”

Đức Thánh Cha cho biết “Giáo Hội cầu mong Nhà Nước nhìn nhận rằng đặc tính đời lành mạnh không phải là coi tôn giáo chỉ là một tình cảm cá nhân có thể khép kín trong lãnh vực riêng tư, nhưng như một thực tại cần được nhìn nhận trong cộng đoàn công cộng, tuy có những cơ cấu tổ chức hữu hình. Vì thế Nhà Nước có nhiệm vụ bảo đảm việc tự do phụng tự của mỗi tôn giáo, cũng như các hoạt động văn hóa, giáo dục và từ thiện của các tôn giáo, miễn là các hoạt động này không trái ngược với trật tự luân lý và công cộng”.

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến lãnh vực công bằng xã hội và xác quyết rằng chính phủ Ba Tây có thể coi Giáo Hội như một người đối tác ưu tiên trong tất cả những sáng kiến nhắm loại trừ nghèo đói. “Giáo Hội không thể và không được thay thế Nhà Nước, nhưng cũng không thể và không được ở ngoài lề trong cuộc chiến đấu cho công lý” (Deus caritas est 28)

3. Hiện nay có 1.2 tỷ người Công Giáo trên thế giới. Họ hiệp thành Hội Thánh Lữ Hành. Bên cạnh đó còn có Hội Thánh Khải Hoàn gồm các tín hữu nam nữ đã được diện kiến thánh nhan Chúa và đang hưởng phúc thiên đàng. Bên cạnh đó, còn có Hội Thánh Trông Đợi gồm những linh hồn nơi luyện tội.

Cha Marcello Stanzione tác giả cuốn sách mới có tựa đề “365 giorni con le anime del Purgatorio” (Ba trăm sáu mươi lăm ngày với các linh hồn nơi Luyện Ngục) cho biết:

“Các linh hồn nơi Luyện Ngục cần lời cầu nguyện của chúng ta. Khi họ được lên thiên đàng, họ sẽ nhớ đến lời cầu nguyện của chúng ta.”

Theo giáo lý Công Giáo, Luyện Ngục, Thiên Đàng hay Hỏa Ngục không phải là những nơi chốn nào đó, nhưng là tình trạng của một linh hồn. Để được lên thiên đàng, linh hồn phải được thanh tẩy khỏi mọi tội lỗi.

“Những linh hồn nơi Luyện Ngục là các Kitô hữu đã qua đời trong ơn nghĩa Chúa. Nhưng trong cuộc sống dương thế họ vương vấn với tội lỗi vì thế không thể lên thiên đàng vì chỉ có những linh hồn sạch tội mới được vào nước thiên đàng”.

Cha Marcello Stanzione là linh mục người Ý, tác giả cuốn sách mới gồm có những kinh nguyện và những suy tư của các vị Thánh, các vị Giáo Hoàng, và các thần học gia về các linh hồn nơi Luyện Ngục, cho biết:

“Mỗi ngày trong năm, tôi sưu tập các ý tưởng của các thánh chẳng hạn như thánh Catêria thành Genoa và thánh Faustina Kowalska /phốt-ti-na kô-wan-ska/, cũng như của các vị Giáo Hoàng, đặc biệt từ những tông thư. Thêm vào đó là những suy niệm Công Giáo truyền thống”.

Cuốn sách của cha Marcello Stanzione giúp các tín hữu Công Giáo Ý suy tư và cầu nguyện cho các linh hồn mỗi ngày trong năm.

4. Truyền giáo và tái truyền giáo đang là ưu tiên của Giáo Hội hiện nay. Đức Thánh Cha đã khích lệ tất cả các tín hữu bao gồm nữ giới trên thế giới hãy tích cực dự phần trong việc làm sống lại sứ điệp Tin Mừng.

“Chúng tôi tin rằng trong trách vụ này, phụ nữ có thể đóng góp rất nhiều trong những lãnh vực liên quan đến lắng nghe, sáng tạo và thẩm mỹ,” bà Marta Rodríguez, giám đốc Học Viện Nghiên Cứu về Phụ Nữ tại Rôma đã cho biết như trên.

Vai trò của nữ giới trong việc truyền giáo và tái truyền giáo đã được thảo luận rộng rãi tại hội nghị của Tòa Thánh Athenaeum Regina Apostolorum Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, trong đó Học Viện Nghiên Cứu về Phụ Nữ tại Rôma đã có 16 phụ nữ phát biểu về các kinh nghiệm của họ trong nghệ thuật, trong việc sống Tin Mừng và các hoạt động bác ái.

“Từ những phụ nữ làm việc nơi không mấy ai biết đến như các cô giáo miền quê đến những phụ nữ từ thiện hay vợ của ông Tony Blair là bà Cherie Blair, những phụ nữ giúp đỡ cho các cô gái điếm cũng như các bậc phụ huynh, chúng tôi muốn nói đến những mảnh của một bức tranh cho thấy chân dung của phụ nữ trong việc Tân Phúc Âm Hóa”.

Một trong những khía cạnh khó khăn trong việc rao giảng Tin Mừng là xu hướng khép kín của xã hội đối với các lãnh vực tôn giáo. Khi đề cập đến những vấn đề đạo lý, nhiều người tỏ ra lảng tránh. Đó là lúc, phụ nữ như những người chịu khó lắng nghe, có thể giúp rất nhiều.

“Phụ nữ luôn có một vai trò then chốt trong Giáo Hội. Trước đây, chúng tôi đã đề cập đến các thánh nữ, các nữ tiến sĩ Hội Thánh.”

Các đề tài được đưa ra thảo luận trong hội nghị Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ còn bao gồm cả việc Tân Phúc Âm Hóa qua Internet, giáo dục, và vai trò hỗ trợ của phụ nữ trong đời sống Giáo Hội.

5. Đức Thượng Phụ Jerusalem: Mùa xuân Ả rập đang có nguy cơ biến thành mùa thu ảm đạm

Mùa xuân Ả rập đang có nguy cơ biến thành mùa thu ảm đạm vì nó không đem lại dân chủ và tự do cho dân chúng nhưng kích động mãnh liệt các trào lưu Hồi Giáo quá khích. Đời sống của các tín hữu Kitô trong khu vực Trung Đông giờ đây tồi tệ hơn rất nhiều. Họ thường xuyên đối diện với phân biệt đối xử và ngay cả những đe dọa đến sinh mạng. Các trào lưu Hồi Giáo quá khích giờ đây đang cố xua đuổi các Kitô hữu ra khỏi quê hương của họ.

Đức Thượng Phụ Fouad Twal nói:

“Tình hình chính trị không khích lệ họ ở lại khi họ nhìn lại những bài học quá khứ, những chuyển biến hiện tại và tương lai. Họ thấy một tương lai quá mờ mịt cho họ và gia đình nên đành ra đi. Nhiều người sang Mỹ Châu La Tinh hay Hoa Kỳ”

Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ la tinh tại Jerusalem, cai quản toàn vùng Israel, Jordan, Cyprus và các lãnh thổ Palestines.

Trong tuần qua, các Giám Mục trong khu vực Ả rập đã có cuộc họp tại Rôma để bàn về những hệ quả của cuộc cách mạng gọi là Mùa Xuân Ả Rập trên đời sống các tín hữu Kitô trong vùng.

Theo Đức Thượng Phụ Fouad Twal:

“Mùa Xuân Ả Rập, chúng tôi hy vọng đó là mùa xuân chứ không phải là mùa thu. Cầu xin cho mùa xuân ấy sinh hoa kết quả một ngày nào đó. Chúng tôi hy vọng, vẫn hy vọng và tiếp tục hy vọng, nhưng đồng thời chúng tôi thấy cái nguy cơ, đúng là có nguy cơ, có sự nguy hiểm”.

Các cuộc thảo luận của các Giám Mục cũng đề cập đến những vấn đề chính trị, tự do tôn giáo và cuộc xung đột vẫn đang diễn ra giữa Do Thái và Palestine. Đức Thượng Phụ hoan nghênh Liên Hiệp Quốc đang có những cố gắng để công nhận Palestine là một quốc gia thành viên. Ngay cả chỉ cần ban cấp tư cách ‘quan sát viên thường trực’ trong Liên Hiệp Quốc cũng là một bước tiến khích lệ.

“Chúng ta không thể cứ đối phó với cuộc xung đột này, tìm cách chống đỡ tạm thời. Chúng ta phải kết thúc nó. Chúng ta phải chấm dứt việc chiếm đóng. Không ai thích bị chiếm đóng. Không có ai thích như thế. Chiếm đóng là điều tệ hại cho cả Israel và Palestine”.

Một điều đáng khích lệ là những người đã ra đi khỏi khu vực Thánh Địa và thành công nơi xứ người vẫn nhớ đến quê hương họ và tìm cách khích lệ những người còn ở lại bằng tinh thần lẫn vật chất.

6. Triển lãm những khuôn mặt của Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị

Một phòng triển lãm hình ảnh những khuôn mặt của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã được một nghệ nhân Ba Lan là cô Anna Gulak /an-na dzu:-lak/ tổ chức tại Vatican. Cô cho biết cô đã bỏ nhiều thời gian để sưu tập những khía cạnh khác nhau về khuôn mặt của Đức Cố Giáo Hoàng qua các thời kỳ.

“Tôi muốn minh hoạ các khía cạnh khác nhau về tính cách của ngài vì ngài không những là một nhân vật vĩ đại nhưng ngài là một người khiêm nhường. Ngài là một nhà lãnh đạo và một nhà ngoại giao lỗi lạc nhưng ngài rất cương quyết và nhạy cảm”.

Đầu tiên, Gulak được yêu cầu vẽ một bản thiết kế về khuôn mặt Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị cho một bức tượng. Tuy nhiên, ý tưởng cần phải vẽ thêm nhiều các bức tranh khác cứ xuất hiện. Thế là cô đã biến bản vẽ thiết kế ban đầu cao đến 3m cho bức tượng thành hàng loạt các bức tranh khổ lớn.

“Tôi chán các bích chương đương thời trong thế giới truyền thông, có quá nhiều các bích chương thương mại đang tấn công vào người xem”.

Năm ngoái 2010, Gulak đã trình lên Đức Thánh Cha bản vẽ một huy chương Tòa Thánh với khuôn mặt Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị theo yêu cầu của Vatican.

Cô nói việc vẽ “các chân dung của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị” là một khởi đầu cho một cuộc hành trình chưa biết khi nào kết thúc.

7. Triển lãm hình ảnh về nữ tài tử Audrey Hepburn

Trong tuần qua tại Rôma cũng đã khai mạc phòng triển lãm hình ảnh về nữ tài tử Audrey Hepburn. Tên của cô đồng nghĩa với phong cách và vẻ đẹp. Phim của cô, chẳng hạn cuốn Chiến Tranh và Hòa Bình, đã lừng danh và sống mãi trong lòng nhiều người. Tuy nhiên, cuộc triển lãm lần này xoay quanh chủ đề khác trong đó trình bày Audrey Hepburn như một người mẹ của các trẻ em mồ côi tại Việt Nam, Nam Sudan, Ethiopoia và Bangladesh.

Luca Dotti, con trai của nữ tài tử nói:

“Khi tôi nghĩ đến mẹ tôi, tôi nghĩ đến bà như một người mẹ. Đó là điều tôi cảm thấy trong tâm tư tôi trước khi bắt đầu cho cuộc triển lãm này. Theo một nghĩa nào đó, cuộc triển lãm này trình bày bà như một phụ nữ và một người mẹ.”

Trong khi những người hâm mộ mô tả bà như một siêu sao điện ảnh cổ điển. Cả hai đứa con của bà nói bà là một người mẹ khả ái. Cuộc triển lãm tại Rôma cũng trình bày bà như một nhà thiết kế thời trang qua những kiểu mẫu giầy dép, quần áo do bà vẽ kiểu. Nhưng một điều đập vào mắt người xem nhiều nhất là vai trò của bà như một “đại sứ thiện chí” của UNICEF.

Désirée Colapietro Petrini, một người bạn của bà trong UNICEF cho biết:

“Những năm cuối đời bà hoạt động rất nhiều, phần lớn là tại hiện trường. Bà luôn tin rằng chẳng có cái gọi là thế giới thứ ba vì tất cả chúng ta đều sống trên một hành tinh với một phẩm giá con người như nhau. Vì lẽ đó, bà luôn cảm thấy nghĩa vụ giúp đỡ các trẻ em nghèo.”

Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, bà là một đứa trẻ đã được cung cấp thực phẩm và thuốc men. Đó là điều bà không bao giờ quên.

Trong 5 năm cuối đời, bà lang thang ở Việt Nam, Ethiopia, Nam Sudan, Bangladesh, nhiều vùng Mỹ Châu La Tinh, và Somalia để giúp các trẻ mồ côi và bệnh tật.

“Lúc đó khác bây giờ nhiều lắm. Bây giờ mỗi khi các minh tinh hay tài tử cho trẻ con cái gì thì lập tức là lên news. Người ta kháo nhau chuyện đó và hình ảnh tràn ngập mọi nơi. Bà thì khác, lặng lẽ và đơn giản”.

Trong năm nay, những bộ phim như “Breakfast at Tiffany's”, “Roman Holiday,” “War and Peace,” và “The Nun's Story,” đã kỷ niệm 50 năm phát hành.

Luca Dotti, con trai của nữ tài tử cho biết:

“Cuộc triển lãm này là do UNICEF tổ chức nhằm cổ võ cho những chương trình trợ giúp trẻ em và để nhớ đến mẹ tôi với sự nghiệp thứ ba của bà như một đại sứ”.

Cuộc triển lãm kéo dài đến 4 tháng 12 năm nay.

8. Hollywood sẽ làm nhiều phim về Thánh Kinh

Sau thành công vang dội của cuốn phim The Passion Of The Christ do Mel Gibson làm đạo diễn, Hollywood đang chuẩn bị cho ra mắt một loạt những phim mới về Thánh Kinh như Trận Đại Hồng Thủy, Ông Môise và Giuđa Macabêô.

Ngày 3 tháng 10 vừa qua, trong một thông cáo chí, Paramount Pictures cho biết sau một cuộc chiến gay go với 20th Century Fox, hãng phim này đã giành được quyền sản xuất cuốn phim Trận Đại Hồng Thủy và đã khởi quay ngay lập tức. Cuốn phim này do Darren Aronofsky làm đạo diễn với nhân vật chính ông Nôe do Christian Bale thủ vai.

20th Century Fox cũng đã thua Warner Bros trong việc giành quyền thực hiện hai cuốn phim Ông Môise và Giuđa Macabêô.

Cuốn phim về ông Môise có tựa đề “Gods and Kings”, có lẽ sẽ do Steven Spielberg làm đạo diễn.

Tờ The Guardian cho biết trước khi thực hiện cuốn “Gods and Kings”, Warner Bros sẽ ưu tiên quay cuốn phim về ông Giuđa Macabêô do Mel Gibson làm đạo diễn.