Lễ trọng kính Các Thánh

Lễ trọng kính Các Thánh là cơ hội để chúng ta hướng cái nhìn xa hơn những thực tại trần thế ghi dấu bởi thời gian, để hướng đến chiều kích của Thiên Chúa, đến chiều kích của vĩnh cửu và sự thánh thiện. Phụng vụ hôm nay nhắc chúng ta rằng sự thánh thiện là ơn gọi nguyên thủy của những ai đã được rửa tội.

Trong cuộc sống vội vã thường nhật, nhiều khi chúng ta quên rằng mục đích đời sống chúng ta là “cuộc gặp gỡ diện đối diện với Thiên Chúa.. Chúng ta đạt tới mục đích đó qua sự thánh thiện. Sự thánh thiện này không phải là một đặc ân dành cho ít người được tuyển chọn, nhưng là nghĩa vụ của mỗi người”.

ĐTC giải thích thêm rằng “Sự thánh thiện không hệ tại làm những hoạt động hoặc công trình lạ lùng, cũng không phải là có được những đoàn sủng ngoại thường. Nên thánh có nghĩa phụng sự Chúa Giêsu, lắng nghe và theo Chúa, không thất đảm trước những khó khăn. Sự thánh thiện đòi hỏi một cố gắng trường kỳ, nhưng đó cũng là điều mà mọi người có thể thực hiện được. Sự thánh thiện trước tiên là một hồng ân của Thiên Chúa, hơn là công trình của con người”. Trong hành trình nên thánh, không bao giờ chúng ta lẻ loi, nhưng được các thánh trong mọi thời đại tháp tùng”.

ĐTC không quên nhắc đến lễ tưởng niệm các tín hữu đã qua đời cử hành ngày 2-11 và thói quen viếng nghĩa trang. Ngài mời gọi mọi người sống ý nghĩa ngày lễ này trong tinh thần Kitô chân chính, nghĩa là trong ánh sáng xuất phát từ mầu nhiệm phục sinh: Chúa Kitô đã chết và sống lại, Người mở đường cho chúng ta tiến về Nhà Cha, là Vương quốc sự sống và an bình. Ai theo Chúa Giêsu trong cuộc sống này thì được đón nhận vào nơi Chúa đã đi trước chúng ta”.

Ngài nói thêm rằng: “Trong khi viếng nghĩa trang, chúng ta hãy nhớ tại đó, trong các ngôi mộ, có thi hài những người thân yêu của chúng ta đang an nghỉ chờ ngày sống lại sau hết. Như Kinh Thánh dạy, linh hồn họ ở trong tay Thiên Chúa. Vì thế, cách thức thích hợp và hữu hiệu nhất để tôn kính người quá cố là cầu nguyện cho họ, dâng những hành vi tin, cậy, mến. Trong niềm hiệp thông với hy tế Thánh Thể, chúng ta có thể chuyển cầu cho những người quá cố để họ được phần rỗi đời đời, và ta có thể cảm nghiệm tình hiệp thông sâu xa nhất, trong khi chờ đợi gặp lại nhau, để mãi mãi được hưởng Tình Yêu đã sáng tạo và cứu chuộc chúng ta”

Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 2 tháng 11, Đức Thánh Cha đã đề cập đến tâm lý sợ chết của phần đông nhân loại.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, một ngày sau Lễ Trọng Kính Các Thánh, Giáo Hội mời gọi chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời. Ngày kỷ niệm hàng năm này thường được đặc trưnng bởi những cuộc thăm viếng nghĩa trang, đó là dịp để chúng ta suy niệm về mầu nhiệm sự chết và canh tân đức tin chúng ta nơi lời hứa đời đời hưởng nhờ từ sự Phục sinh của Chúa Kitô.

Với bản tính nhân loại thường tình, chúng ta có một tâm lý tự nhiên là sợ chết và cố chống lại điều có vẻ là chung cuộc này. Đức tin dạy chúng ta rằng nỗi sợ chết vơi đi bởi một hy vọng lớn lao, là hy vọng vào sự sống đời đời, là điều mang lại ý nghĩa viên mãn nhất cho đời ta. Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, ban cho chúng ta lời hứa cuộc sống đời đời qua cái chết và sự Phục sinh của Con Ngài. Trong Chúa Kitô, sự chết không còn giống như một hố sâu của hư vô nữa nhưng trái lại là con đường dẫn tới sự sống bất tận.

Đức Kitô là sự Phục sinh và là sự sống; hễ ai tin vào Ngài thì sẽ không bao giờ chết. Mỗi Chúa Nhật, khi đọc kinh Tin Kính, chúng ta tái khẳng định đức tin của chúng ta nơi mầu nhiệm này. Khi chúng ta nhớ đến những người đã ra đi trước, kết hiệp với họ trong tình hiệp thông với các thánh, xin cho đức tin linh hứng chúng ta theo Chúa Kitô gần gũi hơn và hoạt động với thế giới này để xây dựng một tương lai đầy hy vọng.

Tôi nồng nhiệt chào thăm các linh mục đến từ Hoa Kỳ đang tham dự khóa tĩnh huấn về Thần Học tại Học Viện Giáo Hoàng Bắc Mỹ tại Rôma.

Tôi cũng gởi lời chào đến nhóm hành hương từ trường Trung Học Thánh Phaolô tại Tokyo, Nhật Bản. Với các tín hữu nói tiếng Anh trong buổi triều yết chung này, đặc biệt anh chị em đến từ Ireland, Đan Mạch, Na Uy, Nhật Bản và Hoa Kỳ, tôi khẩn xin Chúa ban cho anh chị em niềm vui và bình an”

Cầu nguyện cho người quá cố

Ngay từ thời tiên khởi, Giáo Hội đã khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho người chết như một nghĩa cử bác ái. Thánh Augustinô viết, "Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ."

Từ đầu thời Trung Cổ, nhờ các dòng ẩn tu có thói quen cầu nguyện cho các tu sĩ đã qua đời hàng năm, một nghi thức phụng vụ cầu cho người chết đã được thiết lập.

Vào giữa thế kỷ 11, Thánh Odilo, Tu Viện Trưởng dòng Cluny, ra lệnh rằng mọi tu viện dòng Cluny phải cầu nguyện đặc biệt và hát kinh Nhật Tụng cầu cho người chết vào ngày 2 tháng Mười Một, ngay sau lễ Các Thánh. Truyền thống này được lan rộng và sau cùng được Giáo Hội chấp nhận đưa vào niên lịch Công Giáo La Mã.

Ý nghĩa thần học làm nền tảng cho ngày lễ này là sự thừa nhận bản tính yếu đuối của con người. Vì ít có ai đạt được một đời sống trọn hảo, mà hầu hết đã chết đi với những vết tích tội lỗi, do đó, cần có thời gian thanh tẩy trước khi linh hồn ấy được đối diện với Thiên Chúa. Công Ðồng Triđentinô xác nhận có luyện tội và nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết nhờ vào Lòng Thương Xót Chúa. Năm 2000, trong sắc lệnh thiết đặt Lễ Lòng Thương Xót Chúa, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị nhấn mạnh rằng tội lỗi chúng ta quá lớn đến mức ngoài Lòng Thương Xót Chúa, chẳng còn biết trông cậy vào điều gì.

Cầu cho người thân yêu là một phương cách cắt bỏ sự chia lìa với người chết. Qua lời cầu nguyện, chúng ta cùng đứng với những người thân yêu, dù còn sống hay đã ra đi trước chúng ta, để dâng lời cầu xin lên Thiên Chúa.