1. Hôm thứ Hai 24 tháng 10, Tòa Thánh đã lên tiếng kêu gọi thành lập một “thẩm quyền toàn cầu” và một “ngân hàng trung ương toàn cầu” để quản trị các cơ cấu tài chính trên quy mô toàn thế giới theo một luật lệ chung.

Hội Đồng Tòa Thánh về công lý và hòa bình vừa đưa ra một tài liệu có tựa đề “Hướng đến việc cải tổ các hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế trong bối cảnh một thẩm quyền toàn cầu”.

Tài liệu nêu rõ “Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới mà chúng ta đang trải qua mời gọi mỗi cá nhân và các dân tộc hãy xét lại những nguyên tắc và các giá trị văn hóa cũng như luân lý trên cơ sở cùng tồn tại trong xã hội”. Tài liệu tố cáo tình trạng ích kỷ, cá lớn nuốt cá bé, mạnh được yếu thua trong quan hệ tài chính giữa các nước giầu và các nước nghèo.

2. Hôm thứ Ba 25 tháng 11, Đức Thánh Cha đã tiếp các thành viên trong hiệp hội Gioan Phaolô II đang kỷ niệm 30 năm ngày thành lập.

Hiệp hội này đã được đức cố Giáo Hoàng thành lập trong thời chiến tranh lạnh với nhiệm vụ là làm gia tăng những quan hệ giữa Ba Lan và Tòa Thánh. Hiện diện trong cuộc tiếp kiến là Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz Tổng Giám Mục thành Krakow. Đức Thánh Cha nói:

“Vị tiền nhiệm của tôi là Chân Phước Gioan Phaolô II đã thiết lập tại Vatican này một hiệp hội mang tên ngài, với mục tiêu là cổ vũ qua sự nâng đỡ tinh thần, vật chất và những điều khác/ những sáng kiến về tôn giáo, văn hóa, mục vụ và bác ái nhằm đào sâu và củng cố các quan hệ truyền thống giữa Ba Lan và Tòa Thánh”.

Đức Thánh Cha đặc biệt ca ngợi những hoạt động của hiệp hội trong các lãnh vực xuất bản, triển lãm và hội nghị nhằm phổ biến các giáo huấn của vị tiền nhiệm.

Hiệp hội hiện có một viện bảo tàng và một nhà trọ cho khách hành hương Ba Lan.

“Tôi tin rằng qua việc nghiên cứu các tài liệu và qua sự hợp tác với các cơ quan tương tự như thế tại Rôma và các nơi khác, hiệp hội sẽ trở nên một điểm quy chiếu càng ngày càng quan trọng cho những ai muốn biết và trân trọng những di sản phong phú mà Đức Gioan Phaolô II để lại cho chúng ta.”

2. Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã khích lệ các tín hữu Công Giáo Úc noi gương thánh nữ Mary MacKillop trong việc đương đầu với những khó khăn hiện nay. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 20-10-2011, dành cho 36 Giám Mục Úc nhân dịp các vị về Rôma hành hương, viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh.

Sau khi nhắc nhở các Giám Mục Úc đặc biệt quan tâm đến việc thường huấn cho hàng giáo sĩ và tu sĩ, giúp họ đào sâu đời sống thiêng liêng trong một thế giới biến chuyển mau lẹ. Ngài đề cập đến những vị xì căng đan giáo sĩ lạm dụng tính dục ở Úc, Đức Thánh Cha nói: “Gánh nặng mục vụ của anh em càng trở nên nặng hơn vì những tội lỗi quá khứ và lầm lẫn của những người khác, điều đáng tiếc nhất, chính là một số giáo sĩ và tu sĩ cũng bị liên lụy trong đó, nhưng trách vụ của anh em bây giờ là tiếp tục sửa chữa những sai lầm trong quá khứ trong sự thẳng thắn và cởi mở, để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả những người liên hệ, với tinh thần khiêm tốn và cương quyết. Vì thế tôi khuyến khích anh em, cùng với hàng giáo sĩ của anh em, tiếp tục là mục tử của các linh hồn luôn sẵn sàng đi xa hơn trong tình thương và sự thật, để mưu ích cho lương tâm của đoàn chiên được ủy thác cho anh em”, tìm cách bảo tồn họ trong sự thánh thiện, dạy họ với lòng khiêm tốn và dẫn dắt họ trên con đường của đức tin Công Giáo”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha mời gọi các Giám Mục Úc giúp hàng giáo sĩ đón nhận bản dịch mới bằng Anh ngữ Sách Lễ Rôma, để họ giúp các giáo hữu cũng như mọi người khác thích ứng với bản dịch này.

3. Chiều ngày hôm trước, hôm thứ Tư 19 tháng 10, Đức Thánh Cha đã đến khánh thành trung tâm tiếp đón tín hữu hành hương người Úc tại Rôma, gọi tắt là Domus Australia.

Trung tâm này, chỉ cách nhà ga trung ương Termini của Rôma 10 phút đi bộ, có 80 phòng, nguyên là một nhà sinh viên của các cha dòng Mariste /ma-rít-tê/. Cách đây gần 3 năm, Tổng giáo phận Sydney cùng với một số giáo phận khác ở Úc đã xúc tiến việc mua trung tâm. Trong số các ân nhân đóng góp, đặc biệt cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Sydney đã đóng góp đến 96 ngàn Úc kim.

4. Trong thông cáo công bố chiều ngày 20-10-2011, Phòng Báo Chí Tòa Thánh khẳng định rằng “cái chết của đại tá Muhamma Gheddafi kết thúc một giai đoạn quá dài và thê thảm của cuộc chiến đẫm máu để hạ bệ một chế độ nghiêm khắc và đàn áp.

Biến cố bi thảm này, một lần nữa buộc chúng ta phải suy tư về cái giá đau khổ vô biên của con người đi kèm với sự củng cố và sụp đổ của mỗi chế độ không dựa trên sự tôn trọng và phẩm giá con người, nhưng trên sự cạnh tranh và củng cố quyền lực.

Giờ đây chúng ta mong ước rằng, tân chính phủ tránh cho nhân dân Lybia khỏi phải chịu bạo lực thêm vì não trạng cạnh tranh hoặc báo thù, trái lại có thể khởi sự càng sớm càng tốt công trình bình định và tái thiết cần thiết, với một tinh thần bao dung, dựa trên công lý và công pháp; và cầu mong cộng đồng quốc tế dấn thân trong việc quảng đại giúp đỡ tái thiết đất nước Lybia.

“Về phần mình, cộng đoàn Công Giáo bé nhỏ sẽ tiếp tục làm chứng tá và phục vụ vô vị lợi, đặc biệt trong lãnh vực từ thiện và y tế, và Tòa Thánh sẽ dấn thân bênh vực nhân dân Lybia, với những phương tiện có được trong lãnh vực các quan hệ quốc tế, trong tinh thần thăng tiến công lý và hòa bình.

5. Việc truyền giáo trong quân đội và vai trò của các tuyên úy quân đội rất quan trọng trong thế giới ngày nay. Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trong buổi tiếp các tham dự viên tại Hội Nghị các Giám Mục giáo phận quân đội trên thế giới do Hội Đồng Tòa Thánh về công lý và hòa bình bảo trợ.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng cuộc sống của một binh sĩ Kitô hữu cần phải được đặt trong quan hệ với giới răn trước hết và trên hết là mến Chúa và yêu người. Họ phải chứng tỏ cho thấy ơn gọi của họ là hoạt động cho yêu thương.

6. Trong buổi tiếp kiến sáng hôm 21-10-2011, dành cho tân Đại Sứ Hòa Lan cạnh Tòa Thánh, ông Joseph Weterings, đến trình quốc thư, Đức Thánh Cha đã cổ võ sự chống lại não trạng bài tôn giáo và khuyên tránh lạm dụng ma túy và mại dâm.

Đại sứ Weterings năm nay 62 tuổi (1949), đã từng làm đại sứ tại Lybia và Zimbabwe.

Trong diễn văn chào mừng ông đại sứ mới của Hòa Lan, Đức Thánh Cha đã nói đến nhiều điểm chung trong lập trường của Tòa Thánh và nước này như thăng tiến hòa bình thế giới qua sự giải quyết đúng đắn các cuộc xung đột, và chống lại sự lan tràn các võ khí tàn sát tập thể, thăng tiến phát triển và khả năng tự túc của các nước đang phát triển.

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ vui mừng vì chủ ý của chính phủ Hòa Lan cổ võ tự do tôn giáo và nói rằng: “tự do tôn giáo không những bị đe dọa vì những luật lệ hạn chế tại một số nơi trên thế giới, nhưng còn vì não trạng bài tôn giáo trong nhiều xã hội, kể cả những xã hội trong đó tự do tôn giáo được luật pháp bảo vệ. Vì thế, điều rất đáng mong ước đó là chính phủ Hòa Lan cảnh giác, để tự do tôn giáo và tự do phụng tự tiếp tục được bảo vệ và thăng tiến ở quốc nội cũng như ở hải ngoại”.

Đức Thánh Cha cũng chào mừng nỗ lực của chính phủ Hòa Lan khuyên tránh dùng ma túy và mại dâm. Những hành động này qua đó con người tự gây hại cho mình, và người khác, cần phải được tránh xa, để mưu ích cho cá nhân và xã hội nói chung”.

7. Thành phố Assisi là quê hương của thánh Phanxicô khó khăn, và cũng là nơi ngày 27 tháng 10 tới đây sẽ diễn ra ngày suy tư, đối thoại và cầu nguyện cho công lý và hòa bình theo sáng kiến của Đức Gioan Phaolô II. Đây cũng là một điểm du lịch trọng yếu tại Italia.

Tuy nhiên, các chuyên gia thuộc European Space Agency, vừa cảnh cáo rằng thành phố này đang lún dần với tốc độ 7.5mm mỗi năm.

8. Đức Tổng Giám Mục Fernando Filoni đã tham dự Khánh Nhật Truyền Giáo lần đầu với tư cách Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo. Ngài bày tỏ hy vọng rằng việc cử hành Khánh Nhật Truyền Giáo hàng năm sẽ nhắc nhở các tín hữu trên toàn thế giới về nghĩa vụ truyền giáo họ đã nhận lãnh khi chịu phép Rửa Tội.

Hiện nay, công cuộc truyền giáo thường tập trung ở nơi Giáo Hội chưa bắt rễ sâu được vào đời sống xã hội như tại Phi Châu, Á Châu, châu Đại Dương và cả nhiều phần thuộc Mỹ Châu.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các dân tộc, thường được gọi tắt là Bộ Truyền Giáo, hiện nay trên toàn thế giới có 44,000 vị thừa sai. Phi Châu dẫn đầu với 15,000 vị sau đó là khu vực Mỹ Châu với 12,000 vị.

Trong năm 2010, 25 vị thừa sai đã bị giết trên đường truyền giáo, trong đó có một Giám Mục, 17 linh mục, một thầy, một nữ tu, hai chủng sinh và ba giáo dân truyền giáo. Mới đây nhất, hôm 17 tháng 10, cha Fausto Tentori linh mục người Ý đã bị giết tại Phi Luật Tân.

Theo Đức Tổng Giám Mục Filoni, “mỗi cái chết đều là thảm kịch và rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, đó cũng là một chứng tá cho một lòng đạo đức và sự quảng đại của các vị thừa sai dám yêu mến Thiên Chúa và anh chị em mình kể cả bằng cái giá là mạng sống mình”.

9. Thành phố Assisi là quê hương của thánh Phanxicô khó khăn, và cũng là nơi ngày 27 tháng 10 tới đây sẽ diễn ra ngày suy tư, đối thoại và cầu nguyện cho công lý và hòa bình theo sáng kiến của Đức Gioan Phaolô II. Đây cũng là một điểm du lịch trọng yếu tại Italia.

Tuy nhiên, các chuyên gia thuộc European Space Agency, vừa cảnh cáo rằng thành phố này đang lún dần với tốc độ 7.5mm mỗi năm.

10. Mumbai, thành phố với 15 triệu dân, được coi là thủ đô thương mại của Ấn Độ. Người Công Giáo chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhưng di sản của họ rất lớn. Chính vì thế, thành phố này vừa khánh thành một bảo tàng viện Kitô Giáo với những di tích từ thế kỷ thứ 16.

Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Mumbai nhận xét:

“Có rất nhiều điều để học về lịch sử của chính chúng ta, về sự phong phú của lịch sử Giáo Hội và tài năng kiệt xuất của các nghệ nhân đã thực hiện những tác phẩm rất gây ấn tượng này”.

Giữa những vật được trưng bày trong bảo tàng viện, có những bản thảo của Giáo Hội, những sách, thánh giá, chén thánh, áo lễ, tượng ảnh và các tác phẩm điêu khắc.

Viện bảo tàng này cho người Công Giáo Ấn một cách nhìn về quá khứ phong phú của họ, nhưng trên hết là một niềm tự hào và hiếu kỳ.

11. Ngày 22-10, Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân, Giám mục nghỉ hưu của Hương Cảng, đã hoàn thành một cuộc tuyệt thực kéo dài ba ngày, được thực hiện như một hành động phản đối chống lại sự áp đặt đại diện của nhà nước trong các trường tư thục.

Ngài nói với các phóng viên rằng Ngài sẽ tiếp tục nghiên cứu các quy định của trường học, hy vọng nền giáo dục Công Giáo được tiếp tục dưới hệ thống quản lý trường học mới.

Trước đó, Toà án phúc thẩm Hong Kong đã bác bỏ kháng cáo của giáo phận chống lại các biện pháp do nhà nước chỉ đạo, muốn kết thúc sự kiểm soát đầy đủ của Giáo Hội đối với các trường học của Giáo Hội, bằng cách áp đặt đại diện của nhà nước vào Uỷ Ban quản trị trường học.

Chiều tối 21-10, hơn 100 tín hữu, linh mục và người dân địa phương đã tụ tập và cầu nguyện với Đức Hồng y đang tuyệt thực. Với việc lần chuỗi Mân Côi, hát thánh ca và đọc Kinh Thánh, họ đã cho thấy tình đoàn kết với Ngài và nói lên sự ủng hộ đối với các giá trị giáo dục Công Giáo, và các nhà giáo dục Công Giáo.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân nói với anh chị em tín hữu rằng Giáo Hội hy vọng bảo tồn các giá trị Công Giáo trong giáo dục, và nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục sự sống, tình yêu, sự thánh thiêng của hôn nhân, tôn trọng phẩm giá con người và đạo đức xã hội.