Buổi triều yết chung hôm thứ Tư 19/10

Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 19/10, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã giải thích Thánh Vịnh 136, thường được các tín hữu Do Thái biết đến như một bài Đại Hallel – Hallel là tiếng Hebrew có nghĩa là Ngợi Khen. Từ ngữ chúng ta thường dùng là Halle-lu-YAH nghĩa là Tạ Ơn Chúa. Đây là bài thánh thi Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài đã hát vào cuối bữa Tiệc Ly. Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tiếp tục loạt bài giáo lý về các kinh nguyện của Kitô hữu, giờ đây chúng ta hướng đến Thánh Vịnh 136. Được biết đến như một bài Đại Vinh Tụng Ca, Thánh Vịnh này là một tuyệt tác thánh thi ngợi khen Thiên Chúa mà theo truyền thống được hát vào cuối bữa ăn mừng Lễ Vượt Qua. Thành ra, có lẽ Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài đã hát bài Thánh Vịnh này vào cuối bữa Tiệc Ly.

Bài Thánh Vịnh này đã được viết dưới hình thức một kinh cầu ngợi ca các kỳ công toàn năng của Thiên Chúa trong việc tạo dựng nên đất trời và trong lịch sử dân Israel; mỗi lời nhắc nhở đến kỳ công cứu độ của Thiên Chúa được tiếp theo với điệp khúc “Vì tình yêu không lay chuyển của Ngài tồn tại đến muôn đời.”

Thật vậy, chính tình yêu trung tín của Thiên Chúa đã được mạc khải trong vẻ đẹp có trật tự của vũ trụ và trong những biến cố vĩ đại để giải thoát Isarel ra khỏi cảnh nô lệ và dẫn đưa Dân Chúa Chọn trên đường lữ hành về miền đất hứa. Khi chúng ta đọc bài đại vinh tụng ca này để ngợi khen những kỳ công vô biên của Thiên Chúa, chúng ta hãy cất tiếng tạ ơn vì chiều sâu của tình yêu kiên vững và giàu lòng thương xót của Ngài đã được mạc khải trọn vẹn nơi sự giáng thế của Con Một Người. Trong Chúa Kitô, chúng ta thấy rõ rằng “Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu ta đến nỗi cho ta được gọi là con Thiên Chúa – vì thực sự chúng ta là con Thiên Chúa”. (1 Jn 3:1

Tôi chào thăm những khách hương nói tiếng Anh và những du khách hiện diện trong buổi triều yết chung hôm nay, đặc biệt những người đến từ Anh, Na Uy, Nigeria, Úc Đại Lợi, Nam Dương và Hoa Kỳ. Tôi cũng chào mừng các thành viên của Legatus đang viếng thăm Rôma và các tín hữu Tin Lành Luther đến từ Băng Đảo. Tôi cũng chào thăm các chủng sinh Anh giáo đang tham dự khóa học kéo dài một tháng tại Rôma. Xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn ơn lành, niềm vui và bình an cho anh chị em.

Thánh lễ mừng 200 năm các nước Mỹ Châu La tinh giành lại được độc lập

Nhân kỷ niệm 200 năm các nước Mỹ Châu La tinh giành lại được độc lập vào ngày 12 tháng 12 tới đây, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tạ ơn với sự hiện diện của các vị đại sứ các nước cạnh Tòa Thánh. Sáng kiến này của Tòa Thánh đã được chính phủ và dân chúng các nước Mỹ Châu nhiệt liệt ca ngợi.

Thông cáo báo chí của Tòa Thánh cho biết thêm là Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ bằng tiếng Tây Ban Nha tại đền thờ Thánh Phêrô. Ngày 12 tháng 12 cũng đúng vào dịp mừng lễ Đức Mẹ Guadalupe, bổn mạng các nước Mỹ Châu La Tinh.

Đức Tổng Giám Mục Carlos Aguiar, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Mỹ Châu La Tinh nhận xét:

“Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ này để chia vui với những cử hành nhân dịp mừng 200 năm, để tạ ơn Chúa vì sự tự do của các dân tộc, vì sự tự quyết và độc lập của họ trong cuộc hành trình hơn 200 năm qua”.

Ý tưởng cử hành thánh lễ như thế đã được đề xuất bởi Hội Đồng Tòa Thánh về Mỹ Châu La Tinh, là Hội Đồng chuyên trách về lục địa này. 40% dân số Công Giáo trên toàn thế giới cư ngụ trong khu vực này.

Đức Tổng Giám Mục Carlos Aguiar cho biết thêm là khi được Đức Thánh Cha nhận lời, “Chúng tôi đã chào đón tin này với niềm hân hoan và biết ơn Đức Thánh Cha”.

Hầu hết các nước Mỹ Châu La Tinh đã giành được độc lập từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong khoảng thời gian từ 1810 đến 1814. Haiti là nước giành được độc lập sớm nhất vào năm 1804. Trong khi đó, nước cuối cùng được độc lập là Cuba vào năm 1989.

Đức Thánh Cha tiếp các đại diện của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Syro-Malabar

Sáng thứ Hai 17 tháng 10, Đức Thánh Cha đã tiếp các đại diện của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Syro-Malabar tại Ấn Độ.

Đại diện của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Syro-Malabar tại Ấn Độ đã do Đức Tổng Giám Mục George Alencherry dẫn đầu.

Trong buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã nồng nhiệt khen ngợi các hoạt động của Giáo Hội nghi lễ Syro-Malabar tại Ấn. Ngài bày tỏ sự cảm thông trước những bách hại thường xuyên và công khai nhắm vào các tín hữu Ấn và mong mỏi anh chị em tín hữu có thể duy trì hòa bình và sự hài hòa trong khu vực.

Buổi sáng cùng ngày, Đức Thánh Cha cũng đã tiếp tổng thống Mông Cổ ông Tsakhiagiin Elbegdorj.

Thông cáo báo chí của Tòa Thánh đưa ra sau đó cho biết cuộc hội đàm giữa hai vị đã diễn ra trong bầu khí thân mật và hai vị đã trao đổi về những phương thế cải thiện quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Mông Cổ, đặc biệt trong các lãnh vực Giáo Hội có nhiều khả năng là giáo dục và y tế. Hai vị cũng thảo luận một số vấn đề liên quan đến cuộc đối thoại văn hóa, cổ võ công lý và hòa bình.

Trong một diễn biến khác, Đức Thánh Cha đã tiếp tổng thống Honduras ông Porfirio Lobo Sosa hôm 13 tháng 10.

Trong buổi tiếp kiến vị tổng thống được bầu lên lần đầu tiên tại Honduras sau khi quân đội đảo chánh, cướp chính quyền năm 2009, Đức Thánh Cha Benedict XVI nói ngài vui mừng vì quốc gia Miền Trung Mỹ này đã tìm được sự ổn định.

Ông Porfirio Lobo Sosa, 63 tuổi, một đảng viên của Đảng Bảo Thủ Quốc Gia, đã được tiếp kiến riêng trong 23 phút với Đức Thánh Cha ngày 13 tháng 10 tại Vatican. Ông Lobo đã đắc cử trong cuộc bầu cử mới đây.

Vào tháng 11, năm 2009, năm tháng sau khi quân đội Honduras đảo chánh, cướp chính quyền và buộc tổng thống Manuel Zelaya thuộc đảng Dân Chủ vừa đắc cử phải bị trục xuất ra hải ngoại.

Đức Thánh Cha đã nói với tổng thống, “Tôi vui mừng vì sau nhiều vần đề của hai năm qua, quý vị đã tìm lại được sự ổn định” tại Honduras.

Hôm thứ Sáu 14 tháng 10, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến ông Roberto Maroni, bộ trưởng Bộ Nội Vụ của Ý và khoảng 200 quận trưởng, đại diện cho bộ nội vụ tại các tỉnh của Ý.

Các quận trưởng công nhận Thánh Ambrose là vị thánh bổn mạng của họ. Vị thánh của thế kỷ thứ tư này khi xưa là một giới chức trong chính phủ trước khi được bổ nhiệm làm giám mục Milan. Đức Thánh Cha nói Thánh Ambrose tin rằng quyền bính trần thế được Thiên Chúa trao phó để lo cho tiện ích của nhân loại.

Đức Thánh Cha nói: Vì lý do này, việc lãnh đạo dân sự "có một đặc tính hầu như là thánh thiêng. Do đó, phải được hành xử với tư cách cao quý và một tinh thần trách nhiệm sâu xa."

Đức Thánh Cha Benedict nói với các quận trưởng rằng vai trò của họ là bảo vệ các thành phần yếu đuối nhất của xã hội Ý, và đây là một trách vụ quan trọng hơn và khó khăn hơn trong "các hoàn cảnh bấp bênh hiện nay về xã hội và kinh tế."

Thực vậy, vào đúng lúc Đức Thánh Cha đang tiếp kiến các gới chức này, hạ viện Ý cũng đang tranh luận để xúc tiến một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm Thủ Tướng Silvio Berlusconi, là người đang là trọng tâm của một tai tiếng về tính dục, và đã bị rắc rối về các vấn đề pháp lý.

Ông Berlusconi đã thắng cuộc đầu phiếu tín nhiệm ông. Một cuộc biểu tình đã nổ ra một ngày sau đó tại trung tâm Rôma. Những kẻ bài Công Giáo đã nhân dịp này tấn công vào một nhà thờ phá huỷ thánh giá và khiêng một tượng Đức Mẹ ra ngoài đường đập nát đi. Cha Lombardi, trưởng phòng báo chí Tòa Thánh đã cực lực lên án hành động phạm thánh này.

Đền kính các vị tử đạo đầu tiên tại Mễ Tây Cơ

Trong thập niên 20 của thế kỷ qua, chính quyền Tam Điểm của Mễ Tây Cơ đã thực hiện một cuộc bách hại kinh hoàng chống lại đạo Công Giáo tại nước này. Các linh mục bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và nếu bị bắt sẽ bị tra tấn cho đến chết. Trong khi các Giám Mục bị trục xuất ra nước ngoài. Trong bối cảnh đó, hàng chục ngàn người Công Giáo đã tử vì đạo. Để kính nhớ các vị tử đạo này, một đền kính các thánh tử đạo Mễ Tây Cơ đang được ráo riết xây dựng.

Trên đỉnh núi Guadalajara, Mễ Tây Cơ giờ đây chúng ta chỉ thấy toàn đất cát và các thợ xây dựng. Tuy nhiên, không bao lâu nữa nơi đây sẽ là đền kính các vị tử đạo đầu tiên tại quốc gia này.

Trong các năm qua, Tòa Thánh đã tiến hành xem xét các án phong thánh và đã tôn 26 vị lên bậc các thánh tử đạo, 24 vị khác lên hàng chân phước tử đạo. Hầu hết trong 50 vị này là người xứ Guadalajara thường được gọi là “Cristeros”.

Việc xây cất đã được khởi công từ năm 2007 với sự quyên góp chủ yếu đến từ các gia đình giàu có tại Mễ Tây Cơ. Đền thánh tủ đạo tại Mễ Tây Cơ có một nét đặc biệt là ngay từ khởi đầu, việc xây cất đã chú trọng đến việc xây các cơ sở bác ái cho những người dân nghèo quanh vùng như một nghĩa cử nhằm vinh danh các vị tử đạo Mễ Tây Cơ, các nhà truyền giáo, các thánh và Đức Mẹ.

Triển lãm tranh thánh của Nga được tổ chức tại Rôma

Lần đầu tiên một cuộc triển lãm tranh thánh của Nga đã được tổ chức tại Rôma. 40 bức tranh lần đầu tiên xuất hiện bên ngoài lãnh thổ Nga đã được trưng bày tại Castel Sant'Angelo. Sau cuộc cách mạng tháng Mười tại Nga vào năm 1917 những bức tranh quý này đã được đem đi dấu để tránh bị những kẻ vô thần phá huỷ.

Cô Sonia Balzano, ký giả báo “Russian Icons” cuả Ý cho biết:

“Đây là lần đầu tiên một số bức tranh lớn như thế của Nga đã đến Ý. Thêm vào đó hàng chục bức tranh chưa bao giờ được di chuyển và lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí của chúng tôi”.

Các bức tranh thường được vẽ trên gỗ với những hình ảnh các thánh hay những vật thánh. Truyền thống của Chính Thống Giáo coi các bức tranh như là Phúc Âm được linh hứng bởi Thiên Chúa qua bàn tay các nghệ nhân.

Gỗ được dùng vì tiêu biểu cho Thánh Giá và được quét một lớp sơn mầu nhũ kim tiêu biểu cho ánh sáng linh thánh, và vải bọc quanh gỗ tượng trưng cho vải niệm Chúa.

“Tranh thánh có một tầm quan trọng và được đánh giá cao tại Nga vì tranh thánh tượng trưng cho Nga cũng như kim tự tháp tượng trưng cho Ai Cập và các đền thờ là nét đặc thù của Hy Lạp”.

Những tranh thánh này đã được hoàn thành trong khoảng thế kỷ thứ 15 đến đầu thế kỷ thứ 20.

Cuốn phim “There Be Dragons”

Một trong những cuốn phim đã được chiếu trong Liên Hoan Phim tại ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Madrid là phim “There Be Dragons”. Cuốn phim này sắp được trình chiếu rộng rãi tại Mỹ Châu La Tinh

Cuốn phim “There Be Dragons” nói về đấng sáng lập Opus là Josemaría Escrivá đang trên đường đến với Mỹ Châu La Tinh. Cuốn phim sẽ được chiếu rộng rãi tại tất cả các nước thuộc Mỹ Châu La Tinh vào khoảng 25 tháng 11 tới đây. Cuốn phim được cắt ngắn lại so với nguyên bản và được lồng thêm nhiều bài nhạc.

Cuốn phim là câu chuyện xoay quanh cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha và những hậu quả của cuộc chiến này trên Josemaría Escrivá đấng sáng lập Opus Dei.