LỰA VÀ CHỌN ĐƯỜNG HƯỚNG CUỘC ĐỜI

Cuộc đời ta rồi sẽ đi đâu, về đâu? Có lẽ đây là nỗi khắc khoải không của riêng ai, và câu hỏi cũng không chỉ dành riêng cho cuộc đời này mà còn cho đời sau, khi người ta đã trở về với cát bụi. Trước trăm vạn nẻo đường cuộc sống, chọn cho mình một hướng đi, một mục tiêu để sống, để dấn bước không phải là điều dễ dàng. Do hoàn cảnh sống tác động, đôi khi đã chọn, đã lên kế hoạch thực hiện và sống, mục tiêu đó cũng có thể bị lung lay, có khi phải chuyển hướng, hoặc lắm lúc phải xác định lại từ đầu. Không phải ai cũng nhận thức đúng về bản thân hay xác định được mình đang ở đâu trên cuộc hành trình làm người và làm sao để kiên định hướng đi để đạt được ước mơ cho cuộc đời mình?

Nhằm khơi gợi những đường hướng cho cuộc đời để mọi người có thể “lựa và chọn” cách sống cho mình, chiều thứ Bảy 08/11/2011, thầy Giuse Mai Thanh Hoài, Giám đốc Trung Tâm Đào Tạo Nguồn Nhân Lực BizPower, chuyên viên đào tạo nguồn nhân lực và kỹ năng sống đã chia sẻ cho 180 tham dự viên đề tài “LÀM CHỦ BẢN THÂN, LÀM CHỦ CUỘC ĐỜI!” do Chương Trình Chuyên Đề, Ban Mục Vụ Gia Đình TGP. Sài Gòn tổ chức.

Mở đầu phần trình bày của mình, thầy giới thiệu câu nói của Lão Tử (600 BC): “Biết người là trí. Biết mình là đại trí. Thắng người là dũng. Thắng chính mình là đại dũng”. Để làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời không gì hơn là nhìn lại bản thân, xác định rõ mình là ai, chặng đường đời đã qua và đang đi về đâu, từ đó hoạch định cho mình một con đường để đi tiếp trong hành trình lữ thứ trần gian này.

Tôi là ai? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng không dễ trả lời chút nào, người ta thường nói với nhau rằng: “Có những thanh niên 80 tuổi nhưng cũng có những cụ già 18 tuổi”, có những người sắp sửa lìa đời vẫn chưa trả lời được câu hỏi mình là ai. Con người do Thiên Chúa tạo ra có nhiều nét độc đáo, nhưng đôi khi bản thân mình lại chưa phát hiện ra để phát huy những khả năng tiềm ẩn nhằm làm cho cuộc sống dồi dào hơn. Trả lời câu hỏi: “Tôi là ai?” chính là việc tái khám phá bản thân để thấy được những nét độc đáo mà Thiên Chúa là Đấng Toàn Hảo đã ban cho. Chúa đã cho con người những lựa chọn, vì thế đời sống bản thân mỗi người buồn hay vui, thành công hay thất bại đều là do mình: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai” (Nguyễn Công Trứ).

Vậy “Tôi là ai?”. Tôi là một nhân vị. “Thiên Chúa đã sáng tạo ra con người để con người làm chủ mọi loài và thấy rằng điều đó rất tốt đẹp” (St 1, 26-29). Quả thật con người khác với loài vật khi Chúa cho có những đặc điểm độc đáo: giọng nói, biết tư duy, có xương sống thẳng đứng, đôi tay co bóp, cầm nắm được. Con người được xếp ở vị trí bậc nhất trong các loài thụ tạo mà Chúa sáng tạo ra. Bản thân mỗi người cũng là một cá vị, là quà tặng độc nhất vô nhị của Thiên Chúa và Ngài ban tặng tất cả những gì đồng hành cùng cuộc sống con người: sức khỏe, gia đình, tài trí, tự do, ngoại hình, biết tư duy, của cải, bạn bè… “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban”. (Ga 3,27). “Thiên Chúa không thiên vị ai” (Gl 2,6), Ngài đã ban cho con người một cách nhưng không, một cách trường cửu, và Chúa ban mà không hề lấy lại. Thiên Chúa là Đấng Trọn Hảo, Ngài sáng tạo ra con người theo hình ảnh Ngài, vì thế chúng ta cần phải tôn trọng chính mình và tận dụng những gì Chúa ban để mỗi người trở nên toàn hảo.

Tôi là một người tự do. Theo sách Giáo lý Công Giáo, “Thiên Chúa sáng tạo con người có lý trí và ban cho họ phẩm giá của một ngôi vị có sáng kiến và làm chủ các hành vi của mình. Thiên Chúa để cho con người tự quyết định lấy (Hc 15,14), để nó tự mình tìm kiếm Đấng Tạo Hóa của nó và đạt tới sự toàn hảo đầy đủ và diễm phúc” (số 1730). Thánh Irênê còn nói thêm: “Con người có lý trí và nhân phẩm giống như Thiên Chúa, nghĩa là nó được tạo dựng như một hữu thể tự do và làm chủ các hành vi của mình”.

Con người được Chúa ban cho sự tự do, được quyền lựa, tự quyền chọn cách sống, con đường sống của mình. Nhiều con đường mở ra trước mắt cho cuộc đời mỗi người để họ cân nhắc, suy xét, và được quyền “lựa” một đường hướng nào đó. Nhưng cần phải xác định rằng một khi đã “chọn” con đường sống thì đừng “do, bởi, tại, bị, vì” để đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh, cho Thiên Chúa. Tuy nhiên nhiều người đã hiểu một cách sai lầm rằng: “Tôi có tự do, tôi muốn làm gì thì làm. Chỉ khi tôi hành động theo ý riêng tôi, thì tôi mới cảm thấy tự do. Cũng vì những ý tưởng đó, mà bao nhiêu những tệ đoan đã xảy ra, bao nhiêu chết chóc đưa tới. Thánh tiến sĩ Tôma đã dạy rằng: “Tự do là một khả năng chọn làm điều thiện với một trách nhiệm”. Như vậy, nếu tôi làm điều ác, không giữ lề luật, tất nhiên tôi không có tự do” (Theo Một thoáng suy tư, Tầm Xuân, CMC, dongcong.net).

Cuối cùng, để trả lời câu hỏi “Tôi là ai?”, có thể khẳng định một cách dứt khoát rằng “Tôi là con cái Thiên Chúa”. Chúa là Đấng yêu thương đến cùng, từ ngàn xưa Chúa đã yêu con người, Cha đã sai Con Một của Người xuống thế làm người và Chúa đã khẳng định với loài người: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em ra đi, để anh em sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,16).

Trong một cuộc chạy đua, một vận động viên được đánh giá là giỏi khi người ấy biết rõ rằng mình đã chạy được đường bao xa, còn bao lâu thì tới đích. Làm người cũng thế, không thể cứ mãi vật lộn mưu sinh mà có lúc cần phải dừng lại, có những khoảng lặng nhất định đế biết mình đã làm gì, đang ở đâu trong cuộc đời này. Vì đôi khi người ta chệch hướng: “Tôi làm gì cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm.” (Rm 7,15) “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn , thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).

Biết mình cũng cần biết Tôi biết tôi đang ở đâu? Hiện nay tôi đang ở đâu và đâu là lựa chọn của tôi? Theo nghiên cứu, có đến 60% người ta sống ít chịu quyết định, đôi khi chọn cách sống thụ động, an phận và làm việc làng nhàng. Có 20% số người không sẵn lòng thay đổi, sống bàng quan, tiêu cực, đôi khi từ bỏ hy vọng và làm việc không hiệu quả. Chỉ có 20% số người sống mà hoạt động một cách tích cực và rèn luyện: dám quyết định, chủ động, dám làm, muốn vươn lên và làm việc hiệu quả cao. Vì thế con người cần được giáo dục sống tích cực, nhất là giáo dục Kitô giáo.

Khi sáng tạo ra con người và ban cho những nguồn lực, hiển nhiên Thiên Chúa muốn con người thành công, nhưng không phải ai cũng biết vượt qua những thách thức, tận dụng nguồn lực, cơ hội để có cuộc sống thành công trong ân sủng Chúa. Biết mình cũng là biết những nguyên nhân tại sao tôi thất bại? Có thể trả lời tóm gọn là vì không chịu “Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng”. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa ban cho con người đôi mắt với thông điệp hãy quan sát thật nhiều, nhưng con người thì ít chịu quan sát. Chúa cho hai tai để con người biết lắng nghe nhiều hơn, thực tế là người ta ít chịu lắng nghe nhau. Chúa ban cho ta chỉ một cái miệng, nhưng người ta lại nói quá nhiều, nhiều khi chưa kịp suy nghĩ đã nói, chưa kịp nghe đã cãi lại. Chỉ khi con người ta chịu lắng nghe nhau, thì mới có cơ hội ngồi lại với nhau để giải quyết những bất đồng, xung đột.

Chúa muốn chúng ta sử dụng đúng tần số, con người chỉ muốn theo ý mình. Chúa muốn con người đừng sử dụng “đài FM” nhiều quá (FM: for me – vì mình), mà hãy sử dụng thêm “đài FU” (FU: for you - vì người khác). Khi sống trong gia đình, trong cộng đoàn cần phải thêm “đài FA” (FA: For all - vì mọi người). Con người ta thường vô cảm, cả khi nhận được ân huệ, cả xưa cũng như nay, đến nỗi Chúa phải khiển trách như trong trình thuật Chúa Giêsu chữa lành cho mười người phong hủi: “Không phải cả mười người được sạch sao? Thế chín người kia đâu?” (Lc 17,17)

Những nguyên nhân gây thất bại có thể là không tự tin, sự buồn nản, cố chấp, bảo thủ, không biết cách im lặng đúng lúc, chẳng bao giờ thay đổi ý kiến, không thích ứng với những thay đổi của cuộc sống… Các nhà tâm lý cho hay sống trong xã hội càng công nghiệp bao nhiêu thì con người càng stress bấy nhiêu và điều này gây nên thất bại.

Không biết xác định bản thân cũng có thể là một thất bại, người ta thường đánh giá người khác nhưng không nhìn lại mình, nếu không nhìn lại mình thì dễ trở thành kiêu căng, tự mãn, và tội lỗi cũng xuất phát từ đây. Có thể định nghĩa tội một cách đơn giản: Tôi+nặng = tội, nghĩa là do cái TÔI của tôi NẶNG quá nên trở thành TỘI. Mẹ Têrêsa Calcutta đã nhận xét rằng: “Nếu dùng quá nhiều thời gian để đánh giá người khác, thì làm gì còn nhiều thời gian để yêu thương người ta”.

Một trong những bí quyết để thành công là cách chúng ta đón nhận và phản ứng với những sự kiện xảy ra trong cuộc đời. Ông Jack Canfield, một chuyên gia về những nguyên tắc của thành công cho hay: “Nếu muốn một kết quả khác biệt, bạn phải thay đổi những phản ứng của bạn”. Còn ông John C. Maxwell, diễn giả nổi tiếng về lãnh đạo thì cho biết: “Cuộc sống là 10% những gì xảy ra đối với tôi và 90% là cách tôi phản ứng”. Có những người thất bại chỉ vì chỉ nghĩ không làm, hoặc chịu làm không chịu nghĩ, thành công cũng có nghĩa là biết tư duy dám nghĩ, dám làm theo nguyên tắc áo T- shirt với cỡ áo là XXLL: Xem Xét - Làm - Làm lại.

Là Kitô hữu và là người Việt Nam, nói đến thành công trong cuộc đời có lẽ không gì cho bằng là học hỏi và áp dụng Thập Đại Thắng, Thập Đại Bại của Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận và cùng suy ngẫm lời dạy của ngài về cuộc đời: “Chiều cao của đời tôi là gì? Là trung thành với Thiên Chúa, với Hội Thánh, với Tổ tiên, với Tổ quốc. Chiều rộng của đời tôi là gì? Là trưởng thành với gia đình, cộng đoàn và xã hội; Sống trưởng thành là biết cân nhắc, suy xét và can đảm quyết định; Sống trưởng thành là có trách nhiệm với kẻ khác; Sống trường thành là dấn thân thực hiện công ích và tiến bộ. Chiều dài của đời tôi là gì? Là tín thành với bằng hữu, với mọi người.”

Biết mình đang ở đâu là biết quá khứ và hiện tại, điều đó vẫn chưa đủ mà còn cần hoạch định cho tương lai, trả lời cho câu hỏi Tương lai tôi sẽ đi về đâu? Con người chúng ta trong hiện tại là kết quả của những suy nghĩ và lựa chọn trong quá khứ. Nếu chúng ta muốn có một tương lai tốt đẹp hơn thì phải cân nhắc trong suy nghĩ và lựa chọn ngày hôm nay.

Để hoạch định cho tương lai cần xác định sứ mạng cá nhân: Mục đích đời ta là gì? Ta muốn đạt được gì trong đời? Ta muốn trở thành con người như thế nào trong đời? Mục đích chỉ ra “một hình dung tổng thể” để xác định về vai trò của mình, mỗi người đóng một vai trò không giống nhau, đã biết được vai trò của mình trong từng bối cảnh sống thì cần hoàn thiện vai trò đó và đóng góp cho cuộc đời. Mục đích cũng chỉ ra một nguyên tắc chỉ đạo cho thái độ của mình và tiêu chuẩn của mình với cuộc đời. Để quản trị cuộc đời có 6 điểm cốt lõi: Chiến lược quản trị cuộc đời; Hiểu rõ bản thân; Biết đâu là năng lực cốt lõi; Hoài bão về lối sống; Giá trị nền tảng; Học kỹ năng để giúp cho mình sống tốt.

Hoài bão và lẽ sống được thể hiện qua tầm nhìn và sứ mệnh cho cuộc đời: Tầm nhìn là những hoài bão, khát vọng, vị thế… nó được ví như hệ tư tưởng; Sứ mệnh là lẽ sống, lý do tồn tại trên cuộc đời này được ví như hệ giá trị. Tầm nhìn là cái mình muốn còn sứ mệnh là cái mình cần, cái mình muốn thì bao la, nhưng cái mình cần và phải phù hợp với nhu cầu bản thân mình.

Chi tiết hơn, có 4 giá trị cốt lõi: Mỗi người có những nguyên tắc sống riêng, ảnh hưởng bởi gia đình, nhà trường, Giáo Hội, xã hội. Kế đến là đức tin đạo, đời. Thứ ba là quan điểm sống và cao hơn nữa là triết lý sống. Triết lý sống theo người xưa là Thiên Đạo (đạo trời), Nhân Đạo (đạo làm người) và Thiên nhân tương dữ (tương quan giữa trời và người). Cụ thể hơn là Tam Cương (Quân-Sư-Phụ), Ngũ thường (Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín) với Nam, Tứ Đức (Công-Dung-Ngôn-Hạnh) đối với Nữ. Đây là những quan niệm cũ xưa nhưng nếu đặt trong lăng kính hiện tại, thực hiện theo cách mới và làm tốt đã là tốt đẹp cho cuộc sống. Những giá trị này sẽ dẫn đến Chân-Thiện-Mỹ.

Những người đi theo Chúa Kitô cần dựa theo những điều căn bản Hội Thánh dạy: Kinh 6 Điều Răn Hội Thánh, Kinh Phúc Thật Tám Mối, Mười Điều Răn, Kinh Mười Bốn Mối, Cải Tội Bảy Mối, Bảy Phép Bí Tích, Đức Tin – Đức Cậy – Đức Mến. Bên cạnh đó là những điều Hội Thánh dạy qua từng thời kỳ như Thư Mục Tử của Giám Mục, Sứ điệp, Thông Điệp, Tông Huấn… của Đức Thánh Cha. Để biết tương lai tôi sẽ đi về đâu, cần suy ngẫm lựa chọn hai phương án: Thành Công + Thành Đạt =Thành Danh (Có tài nhưng thiếu đức) hay Thành Nhân + Thành Công + Thành Đạt =Thành Danh (Có đức, có tài, có khiêm tốn, có chia sẻ, yêu thương).

Làm thế nào tôi làm chủ được cuộc đời? Cần trang bị những hành trang để làm chủ cuộc đời:

1. Bám chặt vào các giá trị căn bản Kitô giáo:

- Đức Tin: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: ‘Rời khỏi đây, qua bên kia!’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được”. (Mt 17:20)
- Đức Cậy: “Trong anh em có ai có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không?” (Mt 6,27).
- Đức Mến: “Thầy ban cho anh em điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13:34).

2. Nguyên tắc 4P- SPES ( Hy vọng) của ĐHY PX. Nguyễn Văn Thuận:

“Tôi còn nhớ câu đối quý giá của Sảng Ðình (Linh mục J.M. Nguyễn Văn Thích) treo trong phòng ngài: Phụng Chúa đức tam: tín, vọng, ái; Thúc thân thành nhất: tư, ngôn, hành; Thờ Chúa ba đức: tin, cậy, mến; Tu thân toàn thành: suy, nói, làm. Khi chọn danh từ Hy vọng, tôi đã nghĩ đến 4 P nầy, vì nó là chương trình hành động, cho chúng ta hôm nay; thực hiện đúng, nó sẽ thành hy vọng: S - Servire (P - Phục vụ); P - Progressione (P - Phát triển); E – Evangelisatione (P - Phúc Âm); S - Sanctificatione officii (P - Phận sự)”

3. Thực hành 4 chữ H trong cuộc sống: Head – Kiến thức, Hand – kỹ năng, Health – Thể chất, Heart – Nhân tâm (Nguồn: Dựa theo bài chia sẻ của Đức Cha Phêrô Nguyễn Khảm)

4. Nhớ và thực hành nguyên tắc ABC: Chọn cho mình thái độ sống (A – Attitude), nếu sống tích cực thì hành vi cũng sinh ra tích cực (B – Behaviour), và đừng bao giờ hài lòng với chính bản thân, phải luôn luôn cải thiện để có năng lực và nâng cao năng lực của mình (C – Competency)

5. Xây dựng thái độ theo mô hình Ngôi Sao: Với cánh thứ nhất là luôn tươi cười để thể hiện thái độ tích cực, cánh thứ hai là thái độ xây dựng, cánh thứ ba là thái độ yêu thương, cánh thức tư là thái độ tin tưởng và cánh thứ năm là thái độ hướng thiện bằng những việc làm hợp đạo lý.

6. Lập kế hoạch cho 7 nhóm mục tiêu thiết yếu: Tương lai đi về đâu dựa vào 7 nhóm mục tiêu quan trọng: Cá nhân, Gia đình, Công việc, Nghề nghiệp, Sức khỏe, Tinh thần, Tâm linh, Tài chính. Cần xây dựng thang điểm cho những mục tiêu này và phải xoay sở làm sao để mức độ của từng mục tiêu phù hợp với hoàn cảnh của mình.

7. Học bằng cách hỏi: “Người khôn biết hỏi. Người sành sỏi biết trả lời” (Visno). “Hãy nhanh nhẹn khi nghe, từ từ khi nói và đừng vội nổi giận” (Thư Thánh Giacôbê 1,19).

8. Luôn nhớ quy luật Gieo Gặt: Gieo tư tưởng sẽ Gặt hành động; Gieo hành động sẽ Gặt thói quen; Gieo thói quen sẽ Gặt tính cách; Gieo tính cách sẽ Gặt số phận. Lựa và chọn, nghĩ thế nào làm thì làm thế ấy, làm tốt sẽ đưa đến kết quả tốt, kết quả tốt thì cuộc đời sẽ tốt theo.

9. Nguyên tắc 5 chữ T: Tin và Tín - dựa trên niềm tin và sự tín thác; Tâm: luôn đặt nền tảng vào nhân tâm; Tài: năng lực, kinh nghiệm hơn là tài năng; Tầm: tư duy, đây là điều cần thiết cho một người lãnh đạo, vì ai cũng là người lãnh đạo, trước tiên là lãnh đạo chính bản thân, sau đó là gia đình, nếu có khả năng hơn thì lãnh đạo ngoài xã hội.

Để kết thúc phần trình bày của mình, thầy Giuse Mai Thanh Hoài đã trích một phần lời cầu nguyện của ông Mahatma Gandhi, được người Ấn Độ xem như vị thánh, để nhắc nhở khán giả dù trong hoàn cảnh nào, hãy cậy trông vào Chúa: “Nếu Chúa không cho con thành công, xin hãy cho con ý chí mạnh mẽ để tiếp nhận thất bại. Nếu Chúa không cho con sức khoẻ, xin hãy cho con ân sủng đức tin. Nếu con có làm ai tổn thuơng, xin ban cho con sức mạnh để xin lỗi họ. Nếu có ai làm cho con tổn thương, xin cho con lòng độ lượng và sức mạnh để tha lỗi cho họ. Lạy Chúa. Nếu con có quên Chúa, thì lạy Ngài, xin Ngài đừng quên con. Amen”. Để làm chủ bản thân mình, làm chủ cuộc đời mình, thầy nhấn mạnh một câu đúc kết: “Không ai cứu được bạn nếu bạn không cho phép”.

Xen kẽ trong bài thuyết trình thầy đã đưa ra những hoạt động, những câu hỏi để khán giả thể hiện suy nghĩ, kỹ năng của mình khi đối diện với thử thách. Chẳng hạn như làm thế nào dựng đứng quả trứng gà; Làm thế nào để 16 cây đinh cùng nằm trên cây đinh trụ mà không dùng vật dụng phụ trợ nào; Làm thế nào gỡ những ngón tay đang nắm chặt của người bên cạnh… Khán giả còn được xem hình ảnh đôi khiêu vũ thật đẹp do hai vận động viên khuyết tật trình diễn: người nam cụt một chân, người nữ cụt một tay với lời nhắn nhủ dù ở bất kỳ tình huống nào, nếu con người có niềm tin, sống tích cực, thì có thể làm được nhiều điều mà đôi khi mình cho là không thể.

Có thể hay không thể? Lựa và chọn. Đó là thông điệp mà mỗi người cần phải suy nghĩ và cân nhắc để có thể làm chủ bản thân mình, cuộc đời mình trong niềm tín thác vào sự dẫn dắt của Thiên Chúa Toàn Năng.