Do đặc thù công việc, tôi phải đi lại đây đó khá nhiều. Đi nhiều nên việc dự lễ ngày Chúa Nhật cũng không cố định một nhà thờ nào. Đi lễ nhiều nơi, mỗi nơi để lại trong tôi một ấn tượng.

1. Chuyện xảy ra ở một giáo xứ vùng cao nguyên. Cha sở nọ mới về nhận nhiệm sở liền “tuyên chiến” với kiểu đi lễ “gốc” (đứng dưới các gốc cây ngoài hành lang). Sau tuyên bố này, vấn nạn trên phần nào được giải quyết nhưng cũng từ đó có một con chiên…lạc đàng! Đây lại là một con chiên có lòng đạo, có hoàn cảnh khá đặc biệt: chân bị teo cơ từ nhỏ nên phải đi bằng nạng gỗ! Khi được hỏi lý do, anh từ tốn giải thích “con không có lối vào nhà thờ!”.

Anh bạn làm một thống kê: hiện nay chỉ khoảng 10% nhà thờ có tay cầm, có đường dành cho xe lăn của người khuyết tật! Thực trạng này cũng cho thấy đường đến nhà thờ của người khuyết tật còn…xa vời. Tôn trọng và yêu thương những người anh chị em khuyết tật là sứ điệp mà Chúa Giêsu nhiều lần nhắc nhở chúng ta. Và thực tế là Chúa Giêsu luôn đi đầu trong việc này, Ngài luôn dành ưu ái cho những người nghèo khổ, những kẻ bé mọn, những người bị xã hội đẩy ra bên lề. Thật là mâu thuẫn, trong lúc các cơ sở xã hội, các bệnh viên khi xây dựng đều xây những con đường dành cho người khuyết tật thì nhà thờ lại lãng quên chuyện này!

Còn nhớ mới đây trong ngày lễ khai mạc Năm Thánh (24/11/2009) tại Sở Kiện, mọi người đều rất phấn khởi và xúc động khi thấy các Đức Giám Mục đã có một cử chỉ rất can đảm: xin lỗi “người nghèo, người hẩm hiu xấu số, người khuyết tật đau khổ, vì chưa đủ quan tâm”. Rõ ràng, động thái trên cần phải hiện thực hóa bằng những hành động, bằng những việc làm thực tế hơn nữa.

2. Ở các nhà thờ nông thôn, thường “nam nữ thụ thụ bất tương thân”. Nam ngồi một bên, nữ ngồi một bên. Các nhà thờ ở thành phố thoáng hơn, cho phép nam nữ cùng ngồi chung với nhau. Nhớ vậy, mà cả gia đình – đặc biệt là gia đình trẻ có thể ngồi cùng nhau. Nhờ vậy, tôi đã thấy một hình ảnh khá quen thuộc và cũng rất dễ thương: Khi ống tiền đến, mẹ lấy tiền từ trong ví đưa bố, bố chuyền cho đứa con gái (khoảng 3 tuổi) để bỏ vào ống! Một việc làm nhỏ nhưng rất có ý nghĩa, bởi nó góp phần giáo dục con cái biết cho đi, biết sẻ chia ở đời.

Nhận tiện nói thêm chút cái lợi cả gia đình cùng ngồi dự lễ. Nhiều gia đình trẻ ở Thành phố lễ thường đưa cả các bé cùng dự lễ. Khi lên rước lễ bố mẹ phải bế cả con lên. Một số linh mục đã ân cần đặt tay lên đầu và ban phép lành cho các bé. Cử chỉ tuy nhỏ nhưng là một động thái thể hiện thái độ welcome đối với các trẻ. Bởi cũng ở Thành phố nhưng tôi đã nghe khá nhiều người đồn đoán cha xứ nhà thờ này, nhà thờ kia la mắng các phụ huynh vì mang con cái vào nhà thờ làm…mất không khí trang nghiêm của thánh lễ!

3. Ở Saigòn, từ trước đến nay có nhà thờ Đức mẹ Hằng cứu giúp (quận 3) mới đây có thêm nhà thờ Đa Kao (quận 1) bố trí linh mục ngồi tòa hang ngày. Tôi rất thích hình ảnh đoàn người xếp hàng xưng tội. Họ lặng thầm, cúi đầu từ từ quý gối trước tòa giải tội. Hình ảnh này làm tôi nhớ đến đoạn Tin mừng kể về trình thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giooc Đan (Mt 3, 13 – 17). Hình ảnh này cũng làm chúng tôi liên tưởng đến những bông lúa khi sắp đến mùa gặt, thường cúi mình xuống.

4. Một lần đi công tác ở Buôn Ma Thuột, đến dự lễ sáng ở nhà thờ Gx. Vinh Đức. Trong sân nhà thờ là bãi đậu xe gắn máy và trước nhà thờ là một bãi đậu xe…công nông! Hiểu được sự tò mò của tôi, anh bạn người bản xứ giải thích: “Đó là những chiếc xe công nông của bà con dân tộc thiểu số Ê đê cách đây 5 km ra dự lễ. Họ tranh thủ cùng nhau ra dự lễ sáng để về sớm còn phải ra đồng”. Những thông tin đó làm cho tôi…ái ngại nhìn lại mình!

5. Lần khác, tôi đi dự lễ ở Giáo điểm Play Choét. Đây là một giáo điểm chủ yếu là đồng bào dân tộc Bana. Nhà thờ được xây theo mô hình một nhà rông. Khuôn mặt các giáo dân bước vào nhà thờ mô phỏng ngôi nhà rông truyền thống làm cho các già làng thì bớt lo lắng về chuyện mất gốc, người trẻ thì được sự nhắc nhớ về cội nguồn… Lại nhớ đến chuyện khi cha Đắc Lộ đặt chân đên Việt Nam nếu như Ngài không học tiếng Việt và văn hóa Việt thì rõ ràng rất khó nói cộng việc truyền đạo có đạt kết quả như vậy. Bài học hội nhập vẫn là bài học có giá trị cho chúng ta ngày hôm nay.

Tôi dự định sẽ viết một tập “Thánh lễ du ký”. Việc này đang được tiến hành. Bài viết này như những dòng “khai bút”, xin được chia sẻ cùng bạn đọc.