Buổi triều yết chung hôm thứ Tư 12 tháng 10

Nếu Internet của quý vị và anh chị em chạy chậm, xin nhấn vào đây (Lower Quality)
Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 12 tháng 10 Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự bàng hoàng và đau buồn của ngài trước việc quân đội Ai Cập đã tấn công vào các tín hữu Công Giáo tại thủ đô Cairo giết chết hàng mấy chục người.

“Tôi cảm nhận được sự đau buồn của gia đình các nạn nhân và toàn thể dân chúng Ai Cập, là những người đang bị xâu xé bởi những mưu toan phá hoại cuộc sống chung hoà bình giữa các cộng đồng là điều rất thiết yếu vào giai đọan chuyển tiếp chính trị này.”

Trong ngày Chúa Nhật 9 tháng 10, hàng ngàn tín hữu Công Giáo theo nghi lễ Coptic đã tuần hành trong hoà bình để phản đối việc quân đội và các nhóm Hồi Giáo quá khích đốt phá nhà thờ của họ. Quân đội đã phản ứng lại bằng cách đánh đập và bắn vào những người biểu tình suốt đêm Chúa Nhật kéo dài đến rạng sáng ngày thứ Hai giết chết 26 anh chị em và làm bị thương hơn 200 anh chị em khác.

Trong tổng số 82 triệu dân, 90% theo Hồi Giáo. Người Công Giáo chỉ chiếm 9%.

Đức Thánh Cha đã xin 14,00 khách hành hương có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô cầu nguyện cho các nạn nhân, và gia đình của họ cũng như dân chúng Ai Cập đang trong giai đọan chuyển tiếp chính trị.

Ngài nói thêm:

“Tôi ủng hộ cố gắng của các nhà chức trách dân sự và tôn giáo tại Ai Cập là những người ủng hộ một xã hội trong đó nhân quyền cuả mọi người được tôn trọng, đặc biệt là những nhóm thiểu số, chỉ có như vậy mới đoàn kết được quốc gia”.

Đức Thánh Cha đã quảng diễn Thánh Vịnh 126 là bài hoan ca tạ ơn của dân Israel vì Thiên Chúa luôn trung tín với lời giao ước của Ngài và đã đưa dân Ngài thoát cảnh lưu đầy tại Babylon để về miền Đất Hứa. Trong gian truân, bắt bớ, tù đầy, cơ cực ta hãy vui lên vì “Ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt giữa hân hoan”.

Chuyến viếng thăm mục vụ giáo phận Lamezia Terme

Trong thánh lễ sáng Chúa Nhật 25/9 tại phi trường Freiburg, Đức Thánh Cha đã cảnh cáo các tín hữu giữ đạo hời hợt. Ngài nói: “Những người hoài nghi, những người thường xuyên vật lộn với câu hỏi về Thiên Chúa, những ai trông ngóng một con tim thanh sạch nhưng phải đau khổ vì gánh nặng tội lỗi, thì gần nước Thiên Chúa hơn các tín hữu mà đời sống đức tin đơn thuần là một ‘tập quán’, và những ai xem Giáo Hội chỉ đơn thuần là một cơ chế và không để lòng mình rung động bởi đức tin”.

Trong thánh lễ sáng Chúa Nhật vừa qua tại Calabria, sau khi đã mạnh mẽ chỉ trích các băng đảng mafia trong vùng, ngài cũng lại lên tiếng cảnh cáo các tín hữu sống đạo hời hợt, xem họ như những kẻ dám dự tiệc nhà vua nhưng không mặc y phục lễ cưới.

Sáng Chúa Nhật 9/10, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã đến thăm giáo phận Lamezia Terme và Đan viện Serra San Bruno, nơi có mộ của thánh Bruno vị sáng lập dòng Chartreux, qua đời vào năm 1101, tức là cách đây 910 năm. Đây là chuyến viếng thăm mục vụ thứ 25 của ngài tại Italia và cũng là chuyến cuối cùng trong năm nay.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc, đặc biệt là bài Phúc Âm về dụ ngôn nhiều người khách mời được vào dự tiệc cưới, nhưng có người không mặc y phục lễ cưới. Khi vua vào phòng tiệc, thấy tình trạng đó, ngài trục xuất kẻ không có y phục ấy ra khỏi tiệc cưới. Đức Thánh Cha nói:

“Tôi muốn dừng lại ở điểm này với một câu hỏi: làm sao người dự tiệc cưới đã nhận lời mời của vua, và khi vào phòng tiệc, cánh cửa được mở ra cho người ấy, nhưng ông lại không có y phục lễ cưới? Y phục ấy là gì? Trong thánh lễ thứ Năm Tuần Thánh năm nay, tôi đã nhắc đến bài chú giải thật hay của thánh Gregorio Cả về dụ ngôn này. Thánh nhân giải thích rằng người dự tiệc cưới ấy đã đáp lại lời mời của Thiên Chúa tham dự tiệc của Ngài, một cách nào đó, đức tin đã mở cửa phòng tiệc cho họ, nhưng người ấy lại thiếu một điều thiết yếu: đó là áo cưới, là lòng bác ái, là tình yêu. Và thánh Gregorio nói thêm rằng:

“Vì vậy, mỗi người trong anh chị em, có đức tin nơi Thiên Chúa trong Giáo Hội, thì đã được dự tiệc cưới rồi, nhưng không thể nói là đã có y phục lễ cưới nếu không bảo tồn ơn Đức Bác Ái”. Và y phục này được dệt tượng trưng bằng hai hàng dòng chỉ, một hàng dọc và một hàng ngang: tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân.


Lúc gần 5 giờ chiều, Đức Thánh Cha đáp trực thăng đến thị trấn Serra San Bruno và từ đây ngài đến Đan viện của dòng Chartreux vào lúc 5 giờ rưỡi.

Tại Quảng trường thánh Stefano trước Đan viện, Đức Thánh Cha gặp gỡ dân chúng địa phương, với sự hiện diện của Đức Cha Vicenzo Bertolone, Tổng Giám Mục giáo phận Catanzaro Squillace sở tại cùng với chính quyền địa phương.

Ngài nói với đông đảo anh chị em tín hữu rằng:

“Sự hiện diện của một cộng đoàn dòng tu là một sự nhắc nhở thường xuyên về Thiên Chúa, một cánh cửa mở tới Thiên Đàng. Bầu khí đang thống trị trong xã hội ngày nay không lành mạnh. Nó bị ô nhiễm bởi một não trạng không phải là Kitô, cũng không có chút gì là nhân bản, vì nó bị lèo lái bởi lợi nhuận và hướng duy nhất đến những quan tâm trần tục. Do đó, trong một thế giới loại bỏ Thiên Chúa và người láng giềng ra ngoài lề, bất kể đến thiện ích chung, các cộng đoàn dòng tu đóng một vai trò thiết yếu là thanh tẩy môi trường trong khi mở ra một chiều kích siêu nhiên.”

Sau đó, ngài tiến vào bên trong Đan viện để hát kinh chiều với các đan sĩ.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI gặp gỡ các Giám Mục Nam Dương

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã khích lệ các Giám Mục Nam Dương và cộng đoàn Dân Chúa nước này tiếp tục hăng say rao giảng Tin Mừng tình thương của Thiên Chúa, và đối thoại liên tôn trong niềm tôn trọng các khác biệt.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến các Giám Mục thuộc 37 giáo phận Nam Dương, sáng 7-10-2011, nhân dịp các vị về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha nói: “Tôi đánh giá cao những nỗ lực hăng say của nhiều cá nhân và tổ chức nhân danh Giáo Hội mang lòng từ bi dịu hiền của Chúa cho nhiều thành phần trong xã hội Nam Dương.. Những nỗ lực này cũng giúp củng cố xã hội trong việc thăng tiến các giá trị mà đồng bào của anh em rất quí chuộng, đó là tinh thần bao dung, đoàn kết và công lý cho mọi người dân”.

Đức Thánh Cha không quên cổ võ các Giám Mục Nam Dương bênh vực tự do tôn giáo đồng thời nhấn mạnh rằng “Tự do tôn giáo không phải chỉ là quyền không bị cưỡng bách từ bên ngoài. Nó cũng là một quyền được làm tín hữu Công Giáo chân thực và trọn vẹn, quyền thực hành tín ngưỡng, xây dựng Giáo Hội và góp phần vào công ích, loan báo Phúc Âm như Tin Mừng cho tất cả mọi người, và mời gọi mỗi người sống thân mật với Thiên Chúa từ bi và cảm thông, được biểu lộ trong Đức Giêsu Kitô.”

Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám Mục Nam Dương nhắc nhở cho các tín hữu rằng ”Những người tin Chúa Kitô, được ăn rễ sâu trong đức bác ái, phải dấn thân đối thoại với các tôn giáo khác, tôn trọng những khác biệt của nhau. Nỗ lực chung xây dựng xã hội là một giá trị lớn nếu chúng củng cố tình thân hữu và vượt thắng những hiểu lầm hoặc nghi kỵ”.

Nam Dương rộng 1 triệu 860 ngàn 360 cây số vuông, gấp 5 lần rưỡi Việt Nam, với tổng cộng 17 ngàn hải đảo và dân số lên tới hơn 235 triệu người thuộc hơn 250 bộ tộc khác nhau, với tiếng chính thức là Bahasa Indonesia và tiếng Giava. Về mặt tôn giáo có tới 88% dân số nước này là tín hữu đạo Hồi và chỉ có gần 10% là Kitô hữu, trong số này 3% là tín hữu Công Giáo tức là hơn 7 triệu tín hữu.

Các tín hữu Kitô là những người bị bách hại gay gắt nhất vì niềm tin

Theo báo cáo của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Quốc Hội Hoa Kỳ, các tín hữu Kitô là những người bị bách hại vì niềm tin mạnh nhất trên thế giới. Hăm dọa, tấn công, tù đầy và ngay cả cái chết là giá phải trả cho niềm tin Kitô ở nhiều nơi trên thế giới.

Hàng năm Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Quốc Hội Hoa Kỳ dều đưa ra danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt. Trong danh sách năm nay, người ta nhâ, thấy có 14 nước là Miến Điện, Trung Hoa, Ai Cập, Eritrea, Iran, Iraq, Nigeria, Bắc Hàn, Pakistan, Ả rập Saudi, Sudan, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam. Trong danh sách này Việt Nam và 7 nước khác được xem là có truyền thống thường xuyên chà đạp tự do tôn giáo.

Các viên chức của Ủy Ban này cho biết nhà cầm quyền tại các nước vừa nêu phủ nhận quyền Tự Do Tôn Giáo, hay lờ đi để mặc cho các tín hữu Kitô bị bách hại.

Gần đây nhất, chính quyền của Ai Cập đã không bảo vệ các tín hữu Công Giáo Coptic. Tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi tháng 2 vừa qua. Từ đó, các lực lượng quân đội và an ninh đã tấn công các nhà thờ và các tín hữu Kitô. Hôm Chúa Nhật 9/10, các lực lượng quân đội và an ninh đã tấn công một cuộc biểu tình phản đối của các tín hữu Kitô vì nhà thờ của họ bị đốt phá. 24 người đã bị giết trong cuộc tấn công kéo dài suốt đêm Chúa Nhật. Hơn 200 người khác bị thương rất trầm trọng.

Báo cáo cũng đề cập đến các nước “cần theo dõi” trong đó có Afghanistan, Cuba, Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Somalia và Venezuela.

Thảm trạng nạn đói tại vùng Sừng Phi Châu,

Sau khi Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi lần thứ hai thỉnh cầu cộng đồng quốc tế hãy chú ý đến thảm trạng nạn đói tại vùng Sừng Phi Châu, nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế đã có cuộc gặp gỡ tại Vatican để thảo luận những kế hoạch trợ giúp cụ thể.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Robert Sarah, người gốc Guinea, hiện là chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm nói rằng nhiều nguồn viện trợ quốc tế đã bị chặn lại vì một thứ chính trị ích kỷ.

“Ở đây chúng ta thấy những khía cạnh của tự ái đang ngự trị trong các quan hệ chính trị quốc tế. Chúng ta cần phải phát triển một chính sách thực sự quan tâm đến các thiện ích chung”.

Theo ông Kenneth Hackett, giám đốc của Catholic Relief Services thì “Thật là một vết nhơ trong lịch sử nhân loại vì trong 2 năm 2010 và 2011, chúng ta đã để cho hàng trăm ngàn người trong vùng phải chết vì đói khát, bệnh tật và bị cướp bóc. Tất cả chỉ vì không tìm ra được một thứ giải pháp chính trị hài lòng các nước”.

Ông Kenneth Hackett cho biết các nhân viên Catholic Relief Services sẽ ở lại với người dân trong vùng kể cả khi các camera truyền hình đã rút đi hết.

Đức Ông Giorgio Bertin, giám quản tông tòa thủ đô Mogadishu của Somalia cho biết: “Trước tình trạng cấp bách hiện nay chúng ta cần tiền để trợ giúp Somalia và các nước lân bang nhưng mà chúng ta không thể giải quyết vấn đề chỉ bằng lương thực. Cần phải có một giải pháp hòa bình trong vùng”.

13 triệu người thuộc các nước Somalia, Ethiopia, Kenya, và Djibouti đang lâm vào một tình trạng khủng hoảng về lương thực và nguồn nước vì hạn hán và vì chiến tranh triền miên với nhóm du kích gọi là Mặt Trận Giải Phóng Sudan.

Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm tố cáo các nước bỏ mặc cho dân chúng trong vùng chết đói với một mưu đồ chính trị rõ rệt.

Tổ chức Lương Nông Thế Giới của Liên Hiệp Quốc cũng vừa lên tiếng kêu gọi các hành động khẩn cấp cho cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại miền Nam Sudan.

Ít nhất 235,000 người đang sắp chết đói vì bị kẹt trong vùng giao tranh giữa các lực lượng chính phủ và phiến quân trong Mặt Trận Giải Phóng Sudan.

Tổ chức Lương Nông Thế Giới cho biết họ cần ít nhất 3.5 triệu Mỹ Kim để tiếp tục các chương trình cứu trợ trong vùng. Các tổ chức nhân đạo của Liên Hiệp Quốc đã rút gần hết khỏi khu vực vì lý do an toàn. Hiện nay, chỉ có một vài nhóm nhỏ sát cánh với Caritas và Catholic Relief Services và chỉ có khả năng tiếp tế cho 20,000 người. Chiến tranh diễn ra quá ác liệt trước sự thờ ơ của một thế giới vô cảm quá nặng về những tính toán chính trị và những đường lối lắt léo duy lợi.

Các chương trình điện toán viết riêng cho điện thoại di động mở ra nhiều cơ hội cho việc truyền giáo và mục vụ.

Điện thoại di động ngày càng có nhiều chức năng giống như một computer thu nhỏ rất vạn năng. Các chương trình điện toán viết riêng cho điện thoại di động mở ra nhiều cơ hội cho việc truyền giáo và mục vụ.

Các kỹ sư trong mạng lưới misas.org của Tây Ban Nha đã có sáng kiến cài đặt một chương trình trong điện thoại giúp người Công Giáo Tây Ban Nha tìm ra nhà thờ gần nhất, giờ lễ ngày thường và Chúa Nhật và các giờ giải tội.

Dù ở nơi đâu người sử dụng chương trình này cũng có thể tìm ra cách đến nhà thờ nhanh nhất dù đi bộ hay đi xe hơi.

Chương trình hoạt động trên các loại iPhone, BlackBerry, Android, Nokia và các máy tablets.

Đức Hồng Y Péter Erdő lưu nhiệm trong chức vụ chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu

Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu vừa bỏ phiếu lưu nhiệm Đức Hồng Y Péter Erdő trong chức vụ chủ tịch nhiệm kỳ 2011 – 2016. Đây là nhiệm kỳ thứ hai của ngài. Thật vậy, năm 2006, 33 Hội Đồng Giám Mục tại các nước Châu Âu đã bầu ngài làm chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục.

Đức Hồng Y Péter Erdő là Tổng Giám Mục thủ đô Budapest của Hung Gia Lợi.

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng Giám Mục Genova và cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý được bầu là phó chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu. Một vị phó chủ tịch khác là Đức Cha Jozef Michalik, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan.

Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Sydney là nhóm đóng góp nhiều nhất cho dự án Domus Australia sắp được ĐTC khánh thành

Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI sẽ khánh thành nhà nghỉ cho khách hành hương Úc Đại Lợi tại Rôma (Domus Australia) vào ngày 19 tháng 10 tới đây.

Đức Tổng Giám Mục Sydney là Đức Hồng Y George Pell cùng với đông đảo các Giám Mục khác của Úc Đại Lợi sẽ tham dự thánh lễ khánh thành.

Thông cáo báo chí của ban tổ chức cho biết kinh phí xây dựng Domus Australia đến từ Giáo Hội tại Úc trong đó chủ yếu là từ các giáo phận Sydney, Melbourne, Perth và Lismore. Thông cáo đặc biệt ghi nhận cộng đoàn Công Giáo tị nạn tại Sydney đã đóng góp đến 96,000 Úc Kim cho việc xây dựng này.

Trung tâm cho khách hành hương sẽ gồm 32 phòng trọ bao bọc bởi một khu vườn được dùng làm địa điểm gặp gỡ. Trung tâm còn có một nhà nguyện với một bức tranh về thánh Mary MacKillop, vị thánh đầu tiên và duy nhất của Úc cho đến nay.