Lúc 08g15 Đức Thánh Cha đã khởi hành từ phi trường Ciampino, Roma.

Lúc 10g30 ngài đến phi trường Tegel của thủ đô Berlin bắt đầu chuyến viếng thăm chính thức trong 4 ngày, cho đến chiều Chúa Nhật 25-9-2011.

Đức Thánh Cha đã được chào đón với 21 phát đại bác nổ vang và tại chân thang máy bay, Đức Thánh Cha đã được Tổng thống Christian Wulff và phu nhân Bettina tiếp đón. Kế đến là bà thủ tướng Angela Merkel, cùng với giáo quyền Công Giáo, đứng đầu là Đức TGM Berlin sở tại Rainer Woelki và Đức Cha Chủ tịch HĐGM Đức, Robert Zollitsch, và hàng chục tín hữu, trong đó có một số trẻ em. Có hai em bé nam nữ tặng hoa cho ĐTC, trước khi ngài cùng Tổng thống Wulff và bà thủ tướng Merkel vào phòng khánh tiết của phi trường để hội kiến ngắn trước khi lên đường tới Lâu Đài Bellevue là phủ tổng thống là nơi diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức.

Tại phủ tổng thống, sau khi ký sổ lưu niệm, Đức Thánh Cha đã đọc diễn từ đầu tiên trong chuyến viếng thăm này. ĐTC đã nói đến mục đích chuyến viếng thăm của ngài như sau:

“Tôi không đến đây để theo đuổi một số mục tiêu chính trị hoặc kinh tế như những chính khác vẫn làm một cách có lý, nhưng để gặp gỡ dân chúng và nói về Thiên Chúa.”

“Cần có một căn bản có tính chất bó buộc để chúng ta có thể sống chung với nhau, nếu không, mỗi người chỉ sống theo cá nhân chủ nghĩa của mình. Tôn giáo là một trong những căn bản để cho cuộc sống xã hội được thành công. Cũng như tôn giáo cần có tự do, thì cả tự do cũng cần có tôn giáo”.

“Tôi chỉ có thể thành đạt trong tư cách là người tự do bằng cách sử dụng năng lực của tôi để mưu điều thiện cho tha nhân.”

“Nhìn kỹ về quá khứ, ngay cả nơi những trang sử đen tối nhất cho phép chúng ta học hỏi kinh nghiệm và nhận được một động lực cho hiện tại”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng

Nước Đức cần điều đó trong một thế giới đang cần được canh tân sâu rộng về văn hóa và tái khám phá các giá trị cơ bản để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Đây là lần thứ Ba Đức Thánh Cha thăm Đức trong cương vị Giáo Hoàng.

Hai lần trước đây hồi tháng 8 năm 2005 và tháng 9 năm 2006 có tính chất thuần tuý mục vụ. Lần này, ngoài tính chất mục vụ còn có tính chất một cuộc viếng thăm chính thức về ngoại giao giữa quốc gia Vatican và Đức theo lời mời của Tổng thống Christian Wulff.

Chủ đề cuộc viếng thăm là “Nơi nào có Thiên Chúa, nơi ấy có tương lai”, một đề tài đáp ứng tình trạng tục hóa cao độ tại Đức, trong đó 35% dân số là người không tín ngưỡng, và các tín hữu Công Giáo chỉ chiếm 30%, ngang với số tín hữu Tin Lành, trên tổng số hơn 81 triệu dân Đức.

Đức Thánh Cha đã gửi sứ điệp Video cho dân Đức và mời gọi họ tái khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong thiên nhiên, trong Kinh Thánh, và qua những người họ gặp gỡ.

Sứ điệp của ĐTC được đài truyền hình ARD ở truyền đi tối thứ bẩy 18-9 vừa qua, trong đó ngài bày tỏ vui mừng vì sắp đến viếng thăm nước Đức từ ngày 22 đến 25-9 tới đây với các chặng dừng tại thủ đô Berlin, thành phố Erfurt, với tu viện thánh Augustino nơi ngài sẽ gặp gỡ và cầu nguyện với đại diện của các Giáo Hội Tin Lành Đức, rồi tới Đền thánh Eichsfeld, ở miền đất bé nhỏ vẫn tiếp tục là Công Giáo giữa bao nhiêu xáo trộn trong lịch sử, và sau cùng là miền tây nam Đức với thành phố lớn là Freiburg.

“Anh chị em hỏi tôi Thiên Chúa có hiện hữu hay không và nếu có liệu chính Ngài có đoái hoài đến chúng ta hay không? Chúng ta có đến được với Ngài hay không? Đúng thật là chúng ta không thể đặt Thiên Chúa lên bàn, chúng ta không thể động chạm đến Ngài và đưa Ngài lên như một đồ vật thông thường.”

“Chúng ta phải khám phá khả năng cảm nhận Thiên Chúa, là một khả năng tồn tại trong chúng ta. Chúng ta có thể trực giác thấy sự cao cả của Thiên Chúa trong vũ trụ bao la. Chúng ta có thể sử dụng thế giới nhờ kỹ thuật, vì thế giới này được kiến tạo một cách hợp lý. Trong sự rất hợp lý của thế giới chúng ta có thể trực giác tinh thần sáng tạo từ đó thế giới nảy sinh”.

ĐTC cũng nói đến sự kiện chúng ta có thể gặp những Lời cứu độ trong Kinh Thánh, những lời sự sống vĩnh cửu không đến từ con người, nhưng từ Chúa. Sau cùng chúng ta có thể hầu như thấy Thiên Chúa qua sự gặp gỡ với những người đã được Chúa đánh động.”

Hoạt động của ĐTC thu hút sự chú ý nhiều nhất chiều hôm qua là cuộc viếng thăm của ngài tại trụ sở quốc hội liên bang Đức. Từ nhiều ngày qua, đã có sự tranh luận sôi nổi trong dư luận tại nước này, vì có sự chống đối của 100 đại biểu quốc hội tả phái và đảng Xanh tuyên bố tẩy chay cuộc gặp gỡ này, vì cho là vi phạm nguyên tắc tách biệt Giáo Hội và nhà nước, dù rằng chính Chủ tịch quốc hội Đức, ông Norbert Lammert thuộc đảng CDU đã mời ĐTC đến viếng thăm và phát biểu.

Khi đến trụ sở quốc hội vào lúc quá 4 giờ chiều, ĐTC đã được ông chủ tịch Lammert tiếp đón và dẫn ngài ngài lên một phòng ở lầu một để gặp Tổng thống liên bang, thủ tướng, chủ tịch thượng viện, và chủ tịch tòa bảo hiến liên bang Đức.

Lên tiếng sau diễn văn chào mừng của ông chủ tịch Norbert Lammert, ĐTC nói đến vai trò của nhà chính trị, nhất là ngài kêu gọi suy nghĩ lại về vai trò của luật tự nhiên trong việc xác định các luật pháp, đồng thời tránh quan niệm hoàn toàn duy thực nghiệm.

ĐTC nói: “Chính trị phải là một sự dấn thân cho công lý và qua đó kiến tạo những điều kiện căn bản để có hòa bình. Dĩ nhiên một nhà chính trị tìm kiếm sự thành công, tạo cho mình khả năng hoạt động chính trị hữu hiệu. Nhưng sự thành công này tùy thuộc tiêu chuẩn công lý, tùy thuộc ý chí thực thi luật pháp và sự hiểu biết về luật pháp. Sự thành công cũng có thể là một cám dỗ và do đó nó có thể mở đường cho sự lèo lái công pháp, hủy hoại công lý”.

Trong phần kết luận, ĐTC mời gọi các đại biểu quốc hội Đức hãy mong ước, như vua Salomon, được một con tim biết lắng nghe, khả năng phân biệt giữa thiệt và ác, và thiết lập công pháp đích thực, phục vụ cho công lý và hòa bình.

Sau diễn văn tại trụ sở quốc hội Đức, ĐTC còn gặp 15 đại diện các cộng đoàn Do thái ở Đức vào lúc quá 5 giờ rưỡi chiều trong một phòng của Quốc hội Đức. Cùng hiện diện với ĐTC còn có các HY và GM thuộc đoàn tùy tùng.

Hoạt động tôn giáo đầu tiên của ĐTC trong ngày bắt đầu viếng thăm nước Đức là thánh lễ ngài cử hành lúc 6 giờ rưỡi chiều hôm qua tại sân vận động Olympic ở thủ đô Berlin. Thao trường này được khánh thành hồi đầu tháng 8 năm 1936 nhân dịp thế vận hội Olympic mùa hè lần thứ 36. ĐTC Gioan Phaolô 2 cũng đã từng cử hành thánh lễ tại đây cách đây 15 năm, ngày 23-6 năm 1996 để tôn phong 2 LM người Đức lên bậc chân phước là cha Karl Leisner và Lichtenberg.