Quyết định. C. S. Lewis nói như sau về sức biến đổi của quyết định: “Mỗi lần quyết định, là mỗi lần bạn biến cái phần trung tâm của bạn, cái phần trong bạn làm việc quyết định đó, thành một điều gì đó hơi khác với điều nó là trước đó. Và nếu coi đời mình như một toàn bộ, với muôn vàn những quyết định khác nhau trong suốt cuộc đời lâu dài ấy, bạn quả đang từ từ biến cái điều trung tâm kia… một là thành một tạo vật hoàn toàn hoà hợp với Thiên Chúa, với những tạo vật khác, và với chính nó, hai là thành một tạo vật gây chiến liên miên… Trong từng khoảnh khắc, mỗi người chúng ta đều đang diễn biến thành trạng thái này hay trạng thái kia” (7).

Lối nói “đưa ra quyết định” hay “làm quyết định” bây giờ đã khá quen thuộc, nên ta ít lưu ý tới nó. Còn hạn từ “thánh thiện” thì lại xưa quá nên ta ít dùng tới nó. Ấy thế nhưng, trong đời sống ở thế kỷ 21 này, không có gì quan trọng bằng sự thánh thiện chân thực trong thế giới nhân bản.

Một tư tưởng gia Dòng Tên là John Langan từng nhận định về điều ấy trong khảo luận “Các Thánh và Các Quản Trị Viên: Thách Đố và Nhân Đức Của Nhà Lãnh Đạo Kinh Doanh Kitô Giáo” (Saints and Managers: The Challenge and Virtues of the Christian Business Leader) (8). Dựa trên chính quan sát bản thân, ông lý luận rằng: “Một số người trong giới kinh doanh Mỹ có cảm tưởng như Dante trong ‘rừng tối’. Họ bối rối trước viễn ảnh một thế giới trong đó các mốc biên giới luân lý bị giầy đạp trong cuộc đua vội vàng tới thành công và trước những phương cách trong đó, để đạt được mục tiêu, người ta trở nên xa lạ với chính mình… Họ thấy khó chịu đối với cả những người tự coi mình hoàn toàn thực dụng bất cần gốc rễ luân lý lẫn những người tự coi mình như hiện thân của những nguyên tắc luân lý cứng rắn. Đó là tình thế tôi thường thấy nhiều nhà kinh doanh có suy tư trong các cơ sở lớn nói lên; thiển nghĩ ta nên nghiêm chỉnh xét tới tình thế ấy”.

Langan quả thực đã nắm vững cách mà một số người có đức tin thường cảm thấy trong các cơ sở lớn: những thời điểm đen tối, những bất mãn với thứ “ngôn ngữ nhân đức”, những hoài mong điều thiện. Ông đưa ra một quan điểm lãnh đạo luân lý không liên quan gì tới việc giữ thể diện hay duy trì các tập tục. Ông viết tiếp: Ta có lý khi ngần ngại mô tả các nhà lãnh đạo kinh doanh như các vị thánh. Cho dù tin rằng: như mọi Kitô hữu khác, họ cũng được mời gọi nên thánh, nhưng ta vẫn cho rằng việc nên thánh là điều gì tương tự như việc lãnh đạo luân lý… (mà) lãnh đạo luân lý thì đâu có cái thứ bổng lộc của tổng giám đốc hay của cải vững ổn… giống mọi nhân đức nhân bản, việc lãnh đạo luân lý này phải khổ công mới kiếm được hay thủ đắc được. Nó cũng cần phải được thực hành hay duy trì. Đó là điều người ta được mời gọi, mà họ phải cố gắng vươn tới, như Thánh Phaolô từng vươn tới hồng ân cứu độ: “Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Ðức Kitô Giêsu” (Phil. 3:13-14).

Từ khi Langan viết điều trên, tình thế còn trở nên tệ hơn. Ấy thế nhưng theo một số người, ông tiên tri đúng khi cho rằng: Xã hội Mỹ không thể sống còn với ý nghĩ coi mình như một cộng đồng luân lý nếu nó cứ phó mặc các thị trường và các nơi làm việc của nó cho những lối suy nghĩ phi luân lý và những tập tục đáng nghi vấn về luân lý. Trong cuộc tranh đấu nhân bản liên miên với các quyền lực sự ác trong trái tim cá nhân và cũng như các định chế, ta phải cố gắng tạo ra một bầu khí luân lý gắn bó và khả tín. Ta không mong loại bỏ được cuộc tranh chấp này, hay thắng cuộc đấu tranh này trong thời ta; là các Kitô hữu, ta coi nó như phần đóng góp của ta vào cuộc đấu tranh của chính Chúa Kitô chống lại quyền lực sự ác, chống lại các cường quyền và vương quyền thế gian (Cl 2:15) (9).

Đóng góp. Làm việc trong một tổ chức, người ta cần nghĩ tới mơ ước của tổ chức ấy, việc của nó là gì, nhằm phục vụ ai và giấc mơ cá nhân của ta liên hệ ra sao với giấc mơ của tổ chức. Khi tin vào giấc mơ của tổ chức, người ta sẽ khám phá ra nhiều cách đóng góp, nhiều cái nhìn mới mẻ. Một trong những khó khăn lớn nhất xẩy ra cho các tổ chức thường là vì sự đóng góp đầy sáng tạo của một cá nhân hay của một nhóm bị hệ thống hay sự mù quáng hoặc quá cứng ngắc của tổ chức làm cho cùn nhụt đi.

Ấy thế nhưng, nếu chịu tra cứu tiểu sử những người đóng góp lớn nhất vào sự thiện xã hội, vào công trình sáng tạo của các nghệ sĩ và các nhà lãnh đạo, ta sẽ thấy có những cá nhân, dù bị hiểu lầm, vẫn tìm ra những cách đóng góp mới mẻ. Trên bình diện thực tiễn, làm thế nào ta có thể mở cửa đón nhận loại thánh thiện này, cái khuôn khổ luân lý vốn khó chịu với việc “nói thánh thiện” nhưng lúc nào cũng mong ước điều thiện này? Phải chăng đây là lối nhìn của những người hiểu rõ các thiếu sót và tội lỗi của ta? Những cá nhân như Thomas Merton hay Dorothy Day cho ta nhiều chỉ dẫn thích đáng. Nhưng một cách thế khác là dựa vào lịch sử tập thể: ta là ai, do đâu mà có, tại sao sự việc lại diễn tiến như hiện nay. Đôi khi, ngay giữa những bất mãn và khiếu nại, người ta bỗng tìm ra được điều hay. Cách thứ ba là tìm lại một lý tưởng đáng trân qúy, một lý tưởng mà vì tranh chấp nội bộ, người ta đã quên lãng từ lâu. Tất cả nhằm gây ra một ý thức xã hội.

Dorothy Day có lần viết rằng “muốn có một trận tự xã hội Kitô Giáo, trước hết phải có những con người Kitô Giáo”. Giống Thánh Phanxicô Assisi, khi đồng sáng lập ra Phong Trào Thợ Thuyền Công Giáo, Dorothy Day muốn kêu gọi toàn thể Dân Chúa canh tân, sửa đổi, canh tân Giáo Hội bằng Tin Mừng. Trong khi ai cũng nhớ tới Dorothy Day như người phản kháng xã hội một cách mạnh mẽ, nhưng công trình của bà, thực ra, không hề có tính phe nhóm. Bà muốn một Đạo Công Giáo trọn vẹn và toàn bộ, cả các sùng kính của nó, cả những sâu sắc của nó trong cầu nguyện, trong linh đạo, lẫn tình yêu của nó với thế gian, việc nó cử hành các sự việc đầy óc sáng tạo và được sáng tạo. Nhưng trên hết, bà cho rằng “nay đã đến lúc mở nắp chiếc giếng chân lý, chiếc giếng mà các nhà huyền nhiệm và các thánh vốn tới múc nước uống” (10).

Biến đổi thế giới. Như trên đã nói, ta không chủ trì việc biến đổi thế giới, đúng hơn, Thiên Chúa mới là người chủ đạo. Thế thì có cách nào biết được một biến đổi như thế đang thực sự diễn ra? Thiển nghĩ nên chú ý tới những loại thay đổi nhỏ nhoi nhất. Dĩ nhiên, bạn có thể nghĩ tới các giấc mơ vĩ đại như Microsoft, Greenpeace, Internet hay cách chữa trị AIDS/HIV… Tuy nhiên cần nhớ rằng ơn thánh làm việc khá âm thầm, như người trồng cỏ, và nhiều kết quả kỳ diệu đã diễn ra.

Một trong các cách thế quan trọng nhất làm tăng tiến sự hữu hiệu của ta là ở trong nhóm. Các nhóm học hỏi Lời Chúa nhiều khi đạt được những kết quả bất ngờ, nhất là những nhóm ô hợp gồm nhiều thành phần xã hội khác nhau: từ bên trong nhóm, họ có thể nhìn ra bên ngoài, ra đô thị, ra trật tự chính trị, ra lối sống…

Điều thường xẩy ra là khi bất ngờ nhất, thì Chúa Giêsu lại hiện diện. Có nhóm nhờ đọc cuốn “Church and Community in Crisis” của Andrew Overman, đã tưởng tượng ra cảnh Chúa Giêsu bảo các môn đệ thả lưới. Rồi họ tưởng tượng cảnh các môn đệ rảo quanh Galilê, tới lui các hội đường. Overman giúp họ tưởng tượng ra việc bước chân theo Chúa là như thế nào: “Vì diện tích vùng Hạ Galilê tương đối nhỏ … nên khung cảnh bình thường là nhóm này tụ tập quanh Chúa Giêsu, lên đường một hai bữa, rồi trở lại làng xã, thị trấn… Người ta dễ dàng du hành với Chúa Giêsu vài bữa, hay chỉ một ngày, tới một thị trấn Galilê, dự một cuộc tranh luận với các lãnh tụ địa phương, rồi đêm hôm, lại trở về nhà” (11). Đọc đến đó, bỗng cả nhóm học hỏi nhận ra tình thế Tin Mừng quả là quen thuộc. Nó đâu có khác chi với hoàn cảnh của họ: cũng những tụ tập, tới lui, làm bạn với Chúa Giêsu, muốn học hỏi nơi Người.

Một điều dễ nhận là nhiều hiểu biết thấu suốt bỗng nhiên xuất hiện. Thoạt đầu thường là những giây phút im lặng. Người ta cảm thấy cụt hứng. Nhưng rồi, một nối kết lớn bỗng dưng xuất hiện. Trình thuật thời thơ ấu của Chúa Giêsu, chẳng hạn, bỗng nhiên dẫn cả nhóm tới cuộc thảo luận về cách thế quyền lực được thi hành trong xã hội. Họ nối kết sự lãnh đạo của Môsê với sự lãnh đạo của Chúa Giêsu. Mọi chuyện trở thành hết sức sống động. Một buổi khác, nhóm này bàn tiếp đến việc thi hành quyền lực, nhưng không ở bên trong hệ thống luật pháp, mà ở bên ngoài hệ thống đó, qua những người mối lái quyền hành, tuy là cá thể nhưng vẫn ảnh hưởng tới cách hành xử của người ta. Các áp lực đè lên cộng đoàn của Thánh Mátthêu xem ra cũng là các áp lực đang đè nặng lên xã hội của họ. Họ vật lộn với các mối phúc, cố gắng biến chúng thành mối phúc của họ. Việc lãnh đạo đã hình thành cách đó. Khi họ quên bản chất của lãnh đạo, Chúa Giêsu Nadarét bèn nhắc nhở họ. Người không nói lý thuyết; Người không gõ mõ khua môi về chúng. Người sống điều Người tin. Lời Người không có chi khó nắm; nhưng cách Người hành động thì luôn làm ta bỡ ngỡ.

Đó chính là điều Tin Mừng muốn đem lại cho ta: các khuôn mẫu lãnh đạo. Ta được mời gọi làm người phục dịch; người chăn dắt; người quản lý; người bằng hữu. Nhưng làm điều đó cách nào? Ta cần tới nhiều suy nghĩ và hành động: ta có thể kể lại lịch sử mình; lịch sử tổ chức; nối kết chúng với lịch sử Chúa Giêsu, với những lịch sử khác trong cộng đoàn… vòng quanh các yếu tố bên ngoài ấy, bỗng nhiên ta sẽ tìm ra những trực giác thấu suốt. “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 10:6). “Thầy gọi các con là bằng hữu vì Thầy cho các con biết mọi sự Thầy đã nghe được từ Cha Thầy” (Ga 15:15). “Và các con còn làm nhiều điều lớn hơn thế này nữa” (Ga 14:12, diễn giải).

Chính nhờ những nhóm như thế, thế gian sẽ biến đổi. Họ sẽ là những người đem thay đổi tới. Họ sẽ tranh đấu cho một mức lương đáng sống, cho việc canh tân giáo dục, cho việc khai triển một trật tự xã hội công chính; cho nhà ở tốt đẹp, cho các thực hành nhân dụng công bình, cho nghệ thuật trăm hoa đua nở, đem hy vọng và nhãn quan tới cho những người không luôn luôn nhìn ra đường: các nhà văn, bác sĩ, các nhân viên xã hội, các nhân viên viễn thông, các luật sư, vâng các luật sư và chánh án, các nhân viên y tế, các phụ huynh và các nhà giáo dục. Họ là những người được ơn thánh Chúa thúc đẩy và đồng thời bị những gánh nặng triền miên của lề thói hàng ngày tràn ngập.

Tạo ra một nhân loại mới. Một trong các triết gia sáng giá nói về tương lai chính là Wilfrid Desan. Trong tác phẩm đồ sộ tựa là Planetary Man, triết gia này khai triển một lối nhìn về sự thay đổi của nhân loại, một thay đổi cần có để tạo ra một thế giới mới. Lối nhìn của ông công nhận bản chất thiếu sót trong các hoài mong và cố gắng của con người. Dù thế, ông vẫn tin vào khả thể một kinh thành thế giới (cosmopolis) và một công dân thế giới. Dù quan điểm có tính triết học này xuất hiện cả mười năm nay, nhưng nhiều người ngày nay coi quan điểm ấy có tính tiên tri.

Desan phát biểu như sau về “ông thánh thời ta”: Chỉ những ai thực sự có khả năng vươn cao hơn chính tư lợi của họ tựu trung mới có thể làm người khác tôn trọng mình. Họ sẽ được tôn kính là nhà lãnh đạo. Đó là những người được tin tưởng về động lực, được ca ngợi và noi gương (12).

Người bình thường có đạt được thứ tình yêu hy sinh như thế không? Desan nghĩ rằng có. Ông bảo sự thánh thiện bay lượn trên những con người trung bình chúng ta “như một giấc mơ, nhưng không phải là một giấc mơ không thực hiện được”. Ông không nói tới những con người thuộc các lãnh vực đặc thù, nổi bật. Thực vậy, lối ông nói về "người hành tinh" chắc chắn hàm nghĩa: mỗi người và mọi người đàn ông, đàn bà đều có thể và phải trở nên một công dân thế giới. Cái ý thức thế giới ấy là điều có thể có.

Ấy thế nhưng, ta vẫn thấy một hố phân cách trong ngôn từ. Vì khó có thể nói đến một viên chức chỉ huy thánh thiện, một quản trị viên biến đổi, một nhà doanh thương hiển dung. Những chữ như “tình yêu” và “hy sinh” xem ra khá xa lạ trong thương trường. Ấy thế nhưng điều rõ ràng là trong tình yêu, người ta thấy những sáng kiến tốt nhất.

Có người hỏi Phyllis Jordan, người lập ra Công Ty Cà Phê và Trà PJ, một doanh nghiệp theo lối “franchise”, xem điều gì lôi cuốn bà vào thương vụ cà phê. Bà cho hay có một người bạn trong loại thương vụ này cung cấp cho bà những thông tin cần thiết. Nhưng ngoài việc hướng dẫn bà ra, người bạn này có mặt ở tiệm suốt thời gian… Theo bà, việc người này gắn bó với nơi làm việc như thế, mà lại không ngần ngại giới thiệu một sản phẩm thuộc sở trường của mình cho một người bạn đã lôi cuốn bà vào thương vụ cà phê. Bà vốn muốn thấy người ta bàn bạc tới các thay đổi lớn về xã hội như môi sinh, khu xóm (13).

Phyllis Jordan chỉ là một trong hàng nghìn nhà lãnh đạo biết thiết trí cuộc sống kinh doanh quanh cái nhìn thấu suốt chính từng gợi hứng cho họ; họ thấy ra điều làm cho đời sống người khác tốt đẹp hơn đồng thời đem lợi lại cho bản thân họ. Ngoài ra, giấc mơ này còn nói lên một thế giới quan, bao gồm “những người thuộc các nước trồng cà phê, các nhà xuất cảng và nông dân cũng như những người nướng rang cà phê và bán lẻ… tất cả dấn thân vào một cố gắng có tính rất hợp tác, một cố gắng đem lại giải pháp cùng có lợi cho cả người trồng, lẫn người biến chế, và nói chung, mọi người”. Đúng thế, mọi người trong giây chuyền này đều có lợi (14). Những lời từ miệng một nhà kinh doanh địa phương như thế này xem ra có vẻ tầm thường. Nhưng đó chính là điều Desan nói tới một cách đầy triết lý. Trong sự cố gắng của ta, ta tái tạo thế giới, làm các hoài mong hiện hữu và sinh tồn của ta nên trọn hảo. Ngoài ra, Desan còn nói tới sự kiện này nữa: việc làm tốt của ta chính là một hành vi mang xá tội lại cho thời đại (15).

Thiên Chúa của lề thói hàng ngày. Tóm lại, mọi người chúng ta đều đang phục vụ Thiên Chúa và người khác với một tình yêu hy sinh trong một thế giới nối kết chặt chẽ với nhau nhờ ơn thánh. Và đó chính là ý nghĩa của hạn từ công dân thế giới, một con người được lên khuôn bởi niềm hy vọng và hoài mong sâu sắc, bởi yêu thương người lân cận, nhưng cũng bị vây bủa bởi những chi tiết chằng chịt và gánh nặng nghìn cân của cuộc sống. Cái lề thói hằng ngày mà Karl Rahner từng nói tới, trong đó ta được Thiên Chúa tác động và qui hướng về Người, nhưng lúc nào cũng gặp căng thẳng và xa cách đối với Người, chính là một lò nấu, là ngọn lửa tôi luyện nhờ đó mọi hành động của ta được lên khuôn, trong đó các nhiệm vụ đại thể trong cuộc sống ta được thành hình, có khuôn thước. Biết hay không, ta vẫn đang lên khuôn thế giới bằng tình yêu nếu ta biết trì chí, nếu ta kiên trì làm dụng cụ cho ơn thánh của Chúa trong đời.

Viết theo Emilie Griffin, “God of My Daily Routine: Toward a Spirituality of the World” (Tạp chí Logos của Đại Học Thánh Thomas, Minnesota, Hoa Kỳ, số 5, Mùa Xuân 2002)

Ghi chú
1. Xem Hannah Arendt, The Human Condition (Chicago and London: University of Chicago
Press, 1958), 291.
2. Xem William Shannon, Seeds of Peace: Reflections on Contemplation and Non-Violence
(New York: Crossroad, 1996).
3. William James, “Pragmatism’s Conception of Truth,” trong Pragmatism and Other Essays
(New York:Washington Square Press, 1963), 88-89.
4. Gerald G. May, “To Bear the Beams of Love: Contemplation and Personal Growth,”
trong The Way Supplement:Contemplation and the Contemplative Life,No.59, Summer 1987,
24-34 (London, England: 114 Mount Street, London W17 6AN, England).
5. John Loudon, “Experiments in Truth,” Parabola,Winter 1985, 20, 21 and 23.
6. Karl Rahner, “God of My Daily Routine,” trong Encounters with Silence (London: Sands
& Co., 1960), 45-52.
7. C. S.Lewis, Mere Christianity (New York: Macmillan, 1943), 86.
8. John Langan, “Saints and Managers: The Challenge and Virtues of the Christian Business Leader,” trong Discovering the Business Vocation:Proceedings of a National Conference (Washington,D.C.: FADICA [Foundations and Donors Interested in Catholic Activities], 1990).
9. Ibid.
10. Dorothy Day, “On Pilgrimage,” The Catholic Worker, January 1972, I.
11. J. Andrew Overman, Church and Community in Crisis: the Gospel According to Matthew
(Valley Forge, Pa.: Trinity Press International, 1996), 67.
12. Wilfrid Desan, The Planetary Man (New York: Macmillan, 1972), 379.
13. Emilie Grffin phỏng vấn Phyllis Jordan tại New Orleans, Louisiana, tháng 10, 1992.
14. Phyllis Jordan là chủ tịch của Hiệp Hội này năm 1992-1993.
15. Desan, The Planetary Man, 38.