Xét cho cùng, linh đạo nào cũng phát sinh trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định, do hoàn cảnh và tình huống thời đại tạo ra. Ngay các soạn giả Tin Mừng cũng không viết ra các tác phẩm của mình từ những điều hoàn toàn lạ hoắc (de novo). Bởi vì Thiên Chúa hiện diện bên trong và cùng với những cộng đồng. Sự hiện diện này được các nhà văn, các diễn giả và cả các thính giả hay độc giả của họ mô tả, nói lên. Mỗi người trong số họ lên khuôn cho nền linh đạo ấy một cách khác nhau tùy theo góc nhìn của mình.

Nhờ thế, ta biết ta vốn thuộc một lịch sử lâu dài, ta có một gia tài kếch xù, cả một kho tàng các nền linh đạo thâm sâu ngay trong Giáo Hội Công Giáo, mà thông thường, người ta hay dùng tên các dòng tu để đặt tên cho: linh đạo Biển Đức, linh đạo Đa Minh, linh đạo Phan Sinh, linh đạo Cát Minh, linh đạo Xi Tô, linh đạo Dòng Tên, và nhiều linh đạo khác. Nhưng nếu xem sét cho kỹ, ta thấy mỗi nền linh đạo này đều là để đáp ứng một nhu cầu tức khắc nào đó của xã hội hay của Nhiệm Thể Chúa Kitô, đưa ra một lối giải thích nào đó về quá khứ với mục tiêu phục vụ tương lai.

Đối với người giáo dân của thế kỷ 21, hình như họ cảm thấy mình có trách nhiệm phải tự tìm lấy một nền linh đạo riêng, rộng đủ và sâu đủ cho chính cuộc sống họ và cho cả những công việc làm ăn mà hiện họ có nhiệm vụ phải lao đầu vào. Và để làm việc này, họ thấy họ phải thích ứng truyền thống lâu dài và phong phú, có khi phải tái sáng chế ra nó nữa, để nhìn ra điều Thiên Chúa muốn nói với ta ngay trong lúc này và vì tương lai mai hậu.

Nền linh đạo này chắc chắn phải mới mẻ vì ta được khuyến khích học biết Thiên Chúa giữa những hoàn cảnh thật khác. Hàng loạt các kỹ thuật tân tiến cách phân ta khỏi kinh nghiệm của tổ tiên và việc phân rẽ này trầm trọng đến nỗi ta khó có thể tưởng tượng được việc sống trong một thế giới trước khi có penicillin, trước khi có máy bay, trước khi có điện thoại, là như thế nào. Nhiều cơ cấu mới về xã hội cũng đang thay đổi lối sống linh đạo của ta.

Dù gì, ta cũng đã đang thực hành một nền linh đạo đời rồi. Điều tất cả chúng ta đang làm là giao hòa, có thể nói như vậy, Đấng Thiên Chúa của cảm nghiệm hàng ngày, Đấng Thiên Chúa mà bạn gặp mặt trong những cuộc chạm trán giữa các nhân cách, trong những dồn dập thúc bách khôn nguôi của thời biểu, hạn chót, và trong cái bản chất không thể nào tha thứ được của đồng hồ và lịch bản, với Đấng Thiên Chúa mà bản chất của Người đã được mạc khải cho bạn lần đầu lúc còn thơ, Đấng Thiên Chúa có lẽ bạn gặp trong rừng, hay ngoài bãi biển, hay trong ánh sáng chan hòa trên các cửa kính mầu, hay trong Thánh Thể, hay trong kinh mân côi, hay trong lời cầu nguyện của bà nội bà ngoại, của tình yêu cha mẹ.

Nói tóm lại, bạn đang dấn thân vào một diễn trình, nhiều người gọi là một cuộc hành trình, trong đó, bạn sẽ biết Thiên Chúa cách sâu sắc hơn, nhờ nhận biết rằng Người hành động trong chính các thực tại hàng ngày của bạn, nghĩa là giữa thế giới công việc, giữa những căng thẳng và niềm vui của liên hệ bản thân, giữa cuộc sống gia đình, giữa tình bè bạn, giữa những công việc hợp tác do gợi hứng bản thân hay tập thể tạo ra.

Phải làm gì để nhận ra Thần Trí Thiên Chúa đang hành động trong đời?

Những người làm việc trong các nhà cao tầng, nhất là tại những thành phố như New York, hẳn cũng đều có chung cảm tưởng này: từ đó nhìn xuống, các nhà thờ chính tòa của họ chỉ như những đồ chơi nhỏ bé, có thể dùng tay nâng lên và di chuyển đi bất cứ chỗ nào. Điều đó khiến họ đôi lúc bất an. Nhà thờ chính tòa phải là một điều gì đó để họ nhìn lên. Họ cảm thấy an tâm hơn khi viếng những thành phố như London, Roma hay Paris, nơi các nhà thờ chánh tòa vẫn còn sừng sững ở chân trời.

Tuy nhiên cũng có người bỗng nhận ra một thứ cân bằng quyền lực của cuộc sống thế kỷ 21. Bởi vì những tòa nhà ngất ngưởng như Lever House hay Seagram’s Building chính là những nhà thờ chính tòa mới; những Chrysler Building và Empire State chính là những bản công bố giá trị. Biến các nhà thờ trên đường Park và đường Wall thành nhỏ xíu, chúng đã tạo ra một thứ triết lý sống mới. Chúng chính là những bản tuyên xưng quyền lực.

Mà quyền lực, như ta đã thấy, bao giờ cũng làm con người ra sa đoạ. Ta không nên tôn vinh quyền lực vì quyền lực. Ấy thế nhưng, khó có thể không thú nhận rằng những tòa nhà khổng lồ ấy nói lên giấc mơ của ta. Cái vẻ đẹp ngây thơ của những tòa tháp mượt mà, cao vút ấy có đó để nâng cao tinh thần ta. Từ những đỉnh cao và vọng nhìn của chúng, ta có thể thấy những thung lũng và dòng sông trải dài tận phía xa, như những cơ may bất tận nằm dưới chân ta. Với những khung cảnh ấy, các thị thành của ta quả đã mang lại một cách nhìn sự việc. Chúng được năng lực của ta bơm nhiên liệu, trở thành những dấu chỉ để ta nhận ra quyền lực sáng tạo của Thiên Chúa đang hành động trong ta.

Người Do Thái xưa nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong sinh hoạt thường nhật nhờ thần cư của Người (Shekinah), một hiện tượng bừng lửa thánh thiện chỉ con mắt nội tâm mới thấy, chứ mắt trần không thể thấy được. Gần ta hơn, các nhà tân huyền nhiệm, những con người của học thuật và cầu nguyện, cũng từng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa ở trong đời. Thi sĩ Gerard Manley Hopkins cho ta hay: trần gian tràn đầy sự cao cả của Thiên Chúa. “Nó vụt tóe ra như những tia sáng từ giấy trang kim rúng động”. Một nhà huyền nhiệm khác là triết gia kiêm khoa học gia Pierre Teilhard de Chardin, nói với ta về “vật chất thánh”. Nhờ những ngôn từ như thế ta được can đảm hơn.

Nhưng ta vẫn bị ám ảnh bởi não trạng lưỡng phân là não trạng cho rằng có những điều trong sạch có những điều dơ bẩn. Có những điều thuộc đức tin, có những điều thuộc trần thế. Ta bị dính cứng vào não trạng coi việc kinh doanh làm ăn là không thánh thiện. Khổ một điều sự không thánh thiện này xem ra lại là lời tiên tri thường thường trở thành đúng. Như thế, phải làm sao chữa lành được sự lưỡng phân này trong đời ta?

Có người cho rằng có lẽ vì ta không biết bao gồm Thiên Chúa, không phải do cố tình loại bỏ Người mà là vì sơ suất, quên lãng. Phải cần có điều gì, ta mới tin chắc rằng Thiên Chúa đã đang ở đây rồi? Rằng Người là Đấng đang bước vào thân phận con người của ta một cách không dè dặt? Dù giáo huấn Kitô Giáo luôn nhất quán dạy ta rằng Thiên Chúa ở với ta, ở gần ta, nhưng óc tưởng tượng hiện đại của ta luôn chạy trốn khỏi giáo huấn này.

Ta chưa quen với lối suy nghĩ ấy, chưa thể tưởng tượng được việc Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc chiến đấu hàng ngày của ta. Tuy nhiên, có điều còn quan trọng hơn thế nữa. Không những ta cần biết rằng Thiên Chúa đang chủ động, Người là Đấng đầy quyền năng, nhưng còn phải biết rằng Người cũng là Đấng đang dẫn khởi các biến đổi trên thế giới. Đó là công trình của ơn thánh, đó là công trình của quyền năng. Còn ta, ta hiện hữu ở trên đời không hẳn như người chủ động mà như dụng cụ tùy Thiên Chúa sử dụng, chỉ biết trao mọi tài năng và kỹ năng vào bàn tay đầy khả năng của Thiên Chúa.

Muốn biết Thiên Chúa giữa lòng sự việc, ta phải trở nên những nhà chiêm niệm

Trong cuốn Thân Phận Con Người (The Human Condition), Hannah Arendt nói với ta về sự thay đổi tập chú đáng kể xẩy ra trong xã hội ta từ 3 thế kỷ trước. Đó là việc đánh mất chiêm niệm. Đây là một thay đổi căn để trong tư duy Tây Phương, nó hoàn toàn lật ngược trật tự sự việc(1). Có lẽ đúng hơn, ta nên nói: lúc ấy, chiêm niệm chỉ bị cho ra bên lề. Nhưng nó vẫn sống sót. Nhờ các biến động của thập niên 1960, chiêm niệm, vẫn tươi mát phía sau các bức tường đan viện, đã tới với chúng ta ngày nay. Các nhà văn và nhà tư tưởng, trong đó có Thomas Merton, đã khuyến khích ta rằng trong tư cách tín hữu, ta có thể trở thành những nhà chiêm niệm. Merton dạy ta và William Shannon gợi ý để ta thấy rằng ơn gọi làm người giáo dân không hề thuộc đệ nhị đẳng. Mọi Kitô hữu đều được mời gọi bước vào chiêm niệm.

Mặt khác, lời mời gọi bước vào chiêm niệm cũng là lời mời gọi bước vào hành động và chịu trách nhiệm trước các chọn lựa luân lý. Có nên gán cho Merton cái công đầu tạo ra nền linh đạo mới này không? Nhiều người cho rằng công đầu ấy là của Shannon. Nhà huyền nhiệm này cho rằng thì giờ yên tĩnh, cô liêu, tách biệt rất chủ yếu trong nền linh đạo này. Dù thế, linh đạo phải được thực hành giữa lòng sự việc. Shannon cũng cho hay một ý thức cao độ đang xuất hiện giúp ta nối kết với mọi người khác khắp mặt địa cầu. Thiên Chúa đang mời gọi ta bước vào lời chào Shalom (bình an) một cách mà các thế hệ trước chưa từng được thấy (2)

Bén rễ trong Thiên Chúa là chìa khóa cho sự hữu hiệu của ta

Ta hãy xem sét một số dấu chỉ thời đại. Trước nhất là “giá trị bằng tiền” của đức tin, một kiểu nói mượn của William James. Triết gia thực dụng người Mỹ này thích nói tới “giá trị bằng tiền” (cash value). Trong khảo luận “Pragmatism’s Conception of Truth” (Quan niệm chân lý của Chủ Nghĩa Thực Dụng), ông đặt ra vấn đề sau: “Cứ cho là một ý niệm hay một niềm tin nào đó đúng đi, nhưng thử hỏi điều nó đúng ấy có tạo ra được khác biệt gì trong cuộc sống thực tế của người ta không? Chân lý trở thành hiện thực như thế nào?... Tóm lại, giá trị bằng tiền của chân lý theo nghĩa chứng nghiệm là như thế nào?”. Theo chiều hướng này, các nhà hành chánh và các nhà kinh doanh thường đo lường chân lý bằng thành quả. Mà nói cho ngay, các Tin Mừng cũng đo lường chân lý kiểu này. Chỉ có điều các Tin Mừng bảo ta: ta lãnh được ơn cứu độ không nhờ các hoạt động của ta. Cố gắng kiếm chác ơn cứu độ chỉ là chuyện ảo tưởng. Thay vào đó, nhiệm vụ của ta là tiếp nhận sự trọn vẹn như một ơn phúc, đồng thời tiếp nhận thực tại sự vật: Thiên Chúa là Đấng thống trị toàn bộ công trình cố gắng của con người. Chân lý này, nếu nắm vững và thẩm thấu kỹ, sẽ biến đổi chúng ta. James cũng nói thêm rằng: “Chân lý xuất hiện trong một ý niệm. Nó trở thành đúng, nó được các biến cố làm cho đúng…” (3). Ta chỉ dám kết luận rằng nhờ sống lời Chúa, chân lý trở nên đúng đối với ta và với người khác. Nhờ diễn trình suy nghĩ và hành động, ta bắt đầu sống hòa hợp với chân lý.

Dấu chỉ thứ hai: Hiệu quả thực tiễn của chiêm niệm, một kiểu nói mượn của Gerald May. Chiêm niệm quan hệ ra sao với việc làm ăn buôn bán của cuộc sống thực tế hằng ngày? Theo tư tưởng gia này, nhà chiêm niệm già dặn có những đặc điểm sau:

* Gia tăng ý thức cả về độ sáng lẫn độ rộng. Thay vì hết chú trọng tới điều này lại chú trọng tới điều kia như chong chóng, người chiêm niệm già dặn là người luôn phát triển khả năng có được một ý thức toàn cảnh (panoramic), bao hàm.

* Phản ứng lại tình thế một cách trực tiếp và chính xác hơn. Nhờ biết nhận thức dựa vào từng giây phút nhiều hơn, người chiêm niệm có khuynh hướng tập trung vào hiện tại và do đó, có khả năng đáp ứng được điều bất ngờ nhiều hơn.

* Tự biết mình nhiều hơn. Khi biết mình nhiều hơn như thế, người chiêm niệm già dặn ít bị các lo lắng của cuộc hiện sinh tác động.

Các đặc điểm trên đem đến tự do và chín chắn nhiều hơn (4). Người ta còn có thể thêm đặc điểm thứ tư:

* khi trở thành người cầu nguyện, có thói quen chiêm niệm, ta cũng thấy mình nhiều lòng cảm thương hơn.

Lối sống vốn bén rễ trong Thiên Chúa nói trên đem lại cho chúng ta một hướng đi, một dấn thân cao hơn trong đời. Ta biết việc làm của ta không uổng công vì Thiên Chúa là người xây dựng “Trong Người, ta sống, di chuyển và hiện hữu” (Cv 17:28). “Nếu Gia Vê không xây nhà, người thợ nề chỉ uổng công” (Tv 127:1).

Dấu chỉ thứ ba: thử nghiệm chân lý, một ý niệm lấy của Gandhi. Trong khảo luận “Thử Nghiệm Chân Lý” để tưởng nhớ Gandhi, John Loudon viết rằng: “Xét tới cùng, tính chân thực duy nhất mà các ý niệm và biểu tượng tôn giáo có được là mức độ dị biệt chúng tạo được cho đời chúng ta. Liệu chúng còn có thực tại nào khác hơn thế không?... Sự thử nghiệm chính là ở trong cuộc sống” (5). Ý niệm của Gandhi là: “hãy thử đem ra sống như thể giáo huấn ấy đúng đi, và xem xem bạn trở nên loại người nào, xem xem đời sống bạn có được phẩm tính nào”. Tóm lại, các qui luật như Mười Giới Răn và Các Mối Phúc có mục đích hướng dẫn ta tiến tới tự do… bằng cách khám phá ra rằng những trọn hảo luân lý chỉ phát sinh từ việc ta thoát ra được các giam hãm của lòng vị kỷ.

Trên đây là một số dấu chỉ cho thấy ta có thể sống bằng chân lý, được lên khuôn bằng chân lý, được nhìn thấy hiệu quả của một đời gắn bó sâu xa hơn với Thiên Chúa.

Lề thói hàng ngày là lò luyện kim

Tuy nhiên, muốn hiểu sự hiện diện của Thần Trí Thiên Chúa trong thế giới việc làm, lời kinh của Karl Rahner quả không thể thiếu được. Lời kinh ấy có tựa đề như sau: “Thiên Chúa Trong Lề Thói Hàng Ngày Của Tôi”. Đúng vậy, ta vẫn có thói quen đi tìm một Thiên Chúa tận cõi xa, mãi tít trên cao mà quên khuấy việc đi tìm Người ngay trong lề thói hàng ngày (daily routine) của ta.

Lời cầu nguyện này là lời Rahner than phiền rằng đời ông bị chết ngộp bởi muôn nghìn bổn phận, vây bủa bởi muôn nghìn trách nhiệm. Ông cần Thiên Chúa nhưng ông rất buồn trước việc mình không có khả năng vươn lên Đấng Toàn Năng giữa muôn vàn những cuộc vật lộn hàng ngày. Bạn cần nhớ rằng Karl Rahner là người có thành tích cao, được kể là nhân vật chủ yếu trong nền tư tưởng Công Giáo hiện đại, tác giả của 14 cuốn khảo luận thần học, ấy thế mà khi cầu nguyện, ông đã thưa cùng Chúa: “Linh hồn con đã trở thành một nhà kho vĩ đại nơi ấy hết ngày này qua ngày nọ, từng đoàn vận tải tới chất đồ một cách vô kế hoạch, không phân biệt chi hết, mặc tình bừa phứa khắp ngóc ngách ngăn tầng, cho đến khi ngập lên đến đỉnh toàn một thứ cũ rích, tầm phào, vô nghĩa, lề thói hàng ngày”. Rahner thấy mình bị tràn ngập bởi “những lời nói trống rỗng, những sinh hoạt vô nghĩa, những tò mò ươn lười và những kênh kiệu quan trọng… cứ thế thay nhau ào tới như một dòng suối bất tận”.

Nhưng rồi ông bình tĩnh suy nghĩ. Nhớ đến quyền năng và mục tiêu của Thiên Chúa. Nhờ thế, ông bắt đầu sáng ra: “Nay con thấy rõ hơn rằng nếu sau cùng mà có con đường nào để tới được gần Chúa, thì con đường ấy hẳn phải băng qua giữa cuộc sống hàng ngày của con… Con phải học cách để có được một lúc cả mọi ngày của con lẫn Ngày Của Chúa. Khi hiến thân thực hiện những việc đời này, con phải học được cách hiến thân cho Chúa, chiếm hữu Chúa, điều cần thiết duy nhất, trong mọi sự… trong Chúa, tất cả những gì tản mạn đều được thống nhất trở lại; trong Tình Yêu của Ngài, mọi khuếch tán của công việc hàng ngày sẽ lại xum họp vào buổi chiều của tình hợp nhất nơi Ngài” (6).

Rahner dạy ta rằng chính giữa những bộn bề của cuộc sống, Thần Trí Thiên Chúa sẽ tới giải thoát và tăng cường ta. Cuộc sống hàng ngày, công việc hàng ngày là một bãi chiến trường, một lò luyện kim. Ở đây, thiết tưởng chỉ cần vắn tắt nêu ra một số lãnh vực ta cần đi tìm Chúa và khám phá ra quyền năng của Người: thì giờ, việc quyết định, việc đóng góp và biến đổi thế giới.

Thì giờ. Ta thường cảm thấy trở thành nạn nhân của thì giời: “Thì giờ không về phe với chúng tôi” hay “thì giờ chống lại chúng tôi”. Tuy nhiên, một linh đạo sâu sắc hơn về đời đòi ta phải biết đánh giá tính thánh thiêng của nó. Thiếu thì giờ là một trong những áp lực tệ hại nhất của cuộc sống ta, ta luôn tìm cách “quản trị” thì giờ. Nhưng khi linh đạo của ta lớn mạnh, ta sẽ nhận ra rằng thì giờ không phải là một vấn đề để giải quyết. Thay vào đó, ta sẽ biết trân qúy thì giờ. Ta sẽ bớt nghĩ tới việc sử dụng nó nhưng nghĩ nhiều hơn tới việc đánh giá nó, nhận chân giá trị của nó. Hay như Thánh Vịnh Gia từng cầu nguyện: “Xin dạy chúng con biết đếm ra chúng con chỉ còn ít ngày như thế nào, nhờ đó chúng con có được sự khôn ngoan trong tâm hồn” (Tv 90:12-13). Nhưng tự chúng ta, khó lòng làm được điều đó, chi bằng nhận Chúa là người duy trì thì giờ, nhờ thế ta sẽ có được một lối tin đơn giản hơn.

Trên trang nhất nhật báo New York Times, người ta thường đọc lời nhắc nhở các phụ nữ Do Thái ngoan đạo nhớ thắp nến Sabát 18 phút trước lúc mặt trời mọc. Giờ chính xác của lúc mặt trời mọc được in đính kèm cùng với số 800 để những ai sống ngoài thành phố có thể liên lạc. Việc loan báo này thường được thực hiện vào các ngày Thứ Sáu ở New York, giúp rất nhiều người Do Thái ngoan đạo ở khu đô thị này giữ ngày Sabát. Nhiều người, dù không theo Do Thái Giáo, cũng nhờ vậy, “ngộ” được một ý nghĩa phổ quát đó là mầu nhiệm của không gian và thời gian.

Người Kitô hữu cũng tôn kính thứ mầu nhiệm Sabát này, thứ thanh thản bình an này, dưới hình thức Ngày Của Chúa, ngày phục sinh, một bất ngờ chí thánh. Trong cả hai truyền thống Do Thái Giáo và Kitô Giáo, ý nghĩa Sabát đều có liên hệ với sáng tạo, với mối liên kết qua lại giữa làm việc và nghỉ ngơi. Một sự quân bình bỗng xuất hiện vào cảnh yên tĩnh của ngày thứ bẩy, bắt đầu từ buổi tối sau sáu ngày rong ruổi tất bật. Và rồi sự tối thượng của Thiên Chúa được tuyên xưng bằng hành động cũng như lời nói của ta.

Trong từng giây phút cụ thể của ngày Sabát, những lúc trẻ em đuổi nhau quanh trường kỷ, các bé thơ ồn ào đòi được chú ý, trong những thăm viếng, những tiếng cười, những tin tức trao đổi, những bữa ăn thân hữu, những qua lại tay bắt mặt mừng, nhất nhất, ta đều thấy Thiên Chúa. Sabát tự nó là một cuộc gặp gỡ nhiệm mầu. Nó dạy ta biết nói giờ.

Giữ một ngày yên tĩnh và nghỉ ngơi chính là ơn hòa bình của Thiên Chúa, một cử hành mừng hòa bình và thánh thiện giữa những ồn ào náo nhiệt và thử thách. Nhưng thế giới đang chiến tranh; bất công và bạo lực đang lan tràn khắp nơi. Làm sao ta có thể cử hành được hòa bình, khi hòa bình thật xa vời diệu vợi? Hòa bình ta cử hành đây đâu phải hòa bình thế gian có thể tặng ban. Chỉ có Thiên Chúa ban tặng được mà thôi, và ta biết đấy, khi ta dừng lại giây phút… thì trái đất lại cứ thế mà xoay. Giờ đây, không còn là Thứ Bẩy hay Chúa Nhật nữa, mà là Thứ Hai. Thứ Hai là ngày chẳng được ai ưa thích. C. S. Lewis có lần viết rằng “thập giá đến trước triều thiên, và ngày mai lại là sáng Thứ Hai”. Ấy thế nhưng, trong cái thứ tự của ngày thường này, vẫn có một loại phúc lành khác. Ta biết ngày nào cũng là một hồng ân khi ta phó thác các nhu cầu của ta cho sự làm chủ và kiểm soát của Người.

Trong một thời biểu làm việc đầy căng thẳng, ngày tháng thường trôi đi như một dòng nước vô tình. Tốt nhất là theo nó mà tiến. Tiếp xúc với vòng xoay của trái đất và ý thức nét độc đáo của từng ngày. Thức giấc trước hừng đông để thấy ánh sáng mỗi lúc một tăng hay cố tình nằm rán để ngắm cảnh tranh tối tranh sáng. Kinh sáng và kinh chiều quả là những thực hành tốt đẹp ở đây. Hãy theo gương Thomas More, nhân vật quan trọng dưới triều Henry VIII. Nên dành mỗi tuần một ngày hoàn toàn thong dong cho Thiên Chúa. Mọi sự sẽ trở nên suông sẻ khi lịch bản trở thành thân thiết và ta biết quí yêu thì giờ.

(còn 1 kỳ)