TỬ ÐẠO Ở VIỆT NAM

Người dân Nga và cái đầu của Vladimir Lenin.
LTG: Phần đầu của bài này được viết từ năm 1988, khi công cuộc chuẩn bị đại lễ tôn phong hiển thánh cho 117 chư vị anh hùng, anh thư Tử Đạo Việt Nam (19/6/88) đang ở cao độ. Lời văn đã phản ảnh tâm tình của tác giả lúc đó, liên quan đến những xự kiện đã xảy ra ở Việt Nam trước năm 1989; đó là một mốc thời gian vô cùng quan trọng đã làm thay đổi khung cảnh chính trị trên toàn thế giới. Liên Bang Soviet (Soviet Union, Nga-sô hay Liên-xô), khối các quốc gia Đông Âu và nhiều nước khác đã đồng loạt từ bỏ thuyết cộng sản để có những chính phủ đa nguyên, tự do, công lý và tôn trọng nhân quyền. Ngay cả ở VN cũng đã có những biến cải theo thời thế mới, đưa đến một vài tiến triển nhất định; nhưng, đáng tiếc thay, lại có những lỗi lầm trầm trọng, mang tính cách chiến lược, có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của dân tộc, của đất nước. Nhìn lại những sự kiện được trình bày sau đây, như một lần phải ôn lại lịch sử; mà người Tây phương thường nói:“Nếu chúng ta không học được lịch sử của mình, chúng ta bị kết án lập lại điều đó” (If we don’t learn Our History we’re doomed to repeat it. – George Santayana). Ôn lại để thấy rằng quả thật giáo hội Công Giáo Việt Nam, cũng như cả dân tộc, đã phải trải qua những cơn “đọa đày”, những cuộc “tử đạo” khủng khiếp. Giáo hội hôm nay không đòi xin lỗi, dù rằng lời xin lỗi đó rất đáng được bộc lộ từ một chính phủ “quang minh, chính đại”; nhưng giáo hội vẫn luôn tranh đấu cho tự do, cho công lý, cho nhân quyền. Đây không chỉ là mục tiêu của giáo hội VN, nhưng là chủ trương của giáo hội hoàn vũ, của tất cả Kitô hữu trên khắp thế giới, để giải phóng con người toàn diện.

Đầu năm 1975, khi nhìn thấy việc người Mỹ đã quyết định bỏ rơi Miền Nam Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ đã kịp thời có một vài chuẩn bị cần thiết cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong giai đoạn mới. Nhiều địa phận thuộc Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam Việt Nam) đã có thêm các Giám Mục Phụ Tá với quyền kế vị. Mặt khác, Ðức Giám Mục Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận của địa phận Nha Trang đã được vinh thăng Phó Tổng Giám Mục Sài Gòn với quyền kế vị (Coadjutor).

Về phía Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (Cộng Hòa), các Ðức Cha đã họp và cùng quyết định rằng tất cả các Giám Mục sẽ cương quyết ở lại để đương đầu với thời thế mới chứ không lìa bỏ địa phận và đoàn chiên của mình. Ðối với các Linh Mục, các Ngài có lời khuyên nên ở lại với đoàn chiên, nhưng nếu ai cảm thấy không thể sống với Cộng Sản, hoặc sợ rằng sẽ bị họ hành hạ, trả thù vì những hoạt động chống cộng trong quá khứ, thì được tự do quyết định ở hay đi. Kết quả, không một vị Giám Mục nào vượt biên tị nạn, nhưng khoảng trên 100 LM đã di tản trong những ngày đầu, và cho đến năm 1988 (một năm trước khi Đông Âu, Liên Bang Soviet, và nhiều quốc gia khác được “giải phóng” khỏi chủ nghĩa cộng sản), tổng số LM Việt Nam ở hải ngoại đã lên tới trên 300 vị (Kể cả những LM đã được thụ phong ở nước ngoài trong 13 năm đó). Cũng trong những ngày dầu sôi, lửa bỏng của cuối tháng Tư, 1975, một số Ðức Giám Mục đã kịp thời phong chức Linh Mục cho những chủng sinh đang ở năm cuối của ban Thần Học, số tân LM này khá cao, có nơi 40 vị đã được thụ phong.

Ðể đối phó với cuộc chuẩn bị này, ngay sau khi chiếm được Miền Nam, chính phủ Hà Nội đã tức khắc tìm cách triệt hạ những vị đang có nhiều ảnh hưởng trong Giáo Hội. Một đằng họ trục xuất Ðức Khâm Sứ Tòa Thánh, Henri Lemaitre, dĩ nhiên bằng cách dùng những kẻ đã ăn phải bả Cộng Sản nhưng vẫn mặc áo nhà tu, (những LM “quốc doanh”) và một số dân chúng chạy theo thời cuộc, (bọn 30/4). Ðàng khác họ đã bắt cóc Ðức Phó Tổng Giám Mục Nguyễn văn Thuận và đưa đi biệt tích. Ðối với các LM mới được truyền phong, họ không cho thi hành tác vụ linh mục; không cấp giấy cư trú trong các nhà xứ và bắt phải về sống với gia đình. Không cho phép các LM khác đến làm mục vụ tại những giáo xứ mà Cha Chính Xứ đã bị họ bắt giam.

Tất cả những cơ sở xã hội, giáo dục và những chủng viện của Giáo Hội đều bị cưỡng chiếm. Các dòng tu bị giải tán hoặc bị phân tán mỏng để lần hồi sẽ bị tiêu tan vì những áp lực kinh tế, những chèn ép của các kẻ cầm quyền ở địa phương, theo lệnh của nhà nước. Trên 200 LM đã bị họ bắt đi lao tù khổ sai trong các nhà tù được họ mệnh danh là “trại cải tạo.” Hàng chục ngàn Giáo Dân đã cùng chung số phận với các LM, và cho đến năm nay, 1988, tức là đã 13 năm sau, nhiều người vẫn chưa được tha về. Một số lớn đã phải bỏ mình vì sự hành hạ dã man của bọn cai tù, vì bệnh tật, vì thiếu ăn, vì nước độc, rừng thiêng...

Sau tháng Tư, năm 1975, nhằm khủng bố tinh thần những người muốn lập các nhóm chống đối, đòi tự do, nhân quyền cho dân chúng; nhà nước CS đã dùng vụ nhà thờ Vinh Sơn như cái cớ để bắt bớ, kết án, tử hình, đày ải một số người để làm gương. Năm 1983, họ lại cưỡng chiếm cơ sở Ðắc Lộ của các LM Dòng Tên. Tháng 5/1987, cuộc đánh phá dòng Ðồng Công đã gây công phẫn cho toàn thế giới, nhưng cùng một lúc, nhà nước CSVN đã lập dịp cho bao anh hùng, anh thư Tử Đạo Việt Nam thời cận đại.

NHỮNG VỊ TỬ ÐẠO

Người đầu tiên phải kể đến là gương can trường của Ðức Phó Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận của TGP Sàigòn. Ngày nào Ngài còn ở lại Việt Nam là ngày ấy những người cầm quyền ở Hà Nội vẫn chưa thể ăn ngon ngủ yên. Họ đã đề nghị để đưa Ngài ra ngoại quốc, nhưng Ðức Cha vẫn hiên ngang chấp nhận cảnh tù đày ở quê Mẹ chứ không muốn lìa bỏ đoàn chiên. Quả thật, tuy cách xa về thể lý, nhưng tinh thần của Ðức Cha vẫn ấp ủ đoàn chiên của Ngài. Tất cả Giáo Sĩ và Giáo Dân Việt Nam đều hiểu, cũng như cảm nhận được điều đó. Qua gương anh hùng của Ngài, các LM và Giáo Dân bị đày đi “cải tạo” đã minh chứng được Ðức Tin, thể hiện được Ðức Aí đến mức cao độ, khiến những bạn tù ngoài Công Giáo cũng phải nhận thấy.

Một bạn tù viết về một LM đang cùng bị cải tạo: “Với một kẻ thù tinh vi trong lối cải tạo, coi con người như cỏ rác... thì Cha như một anh hùng, “uy vũ bất năng khuất”, khí phách hiên ngang; các tù nhân mặc nhiên coi Cha như một niềm hãnh diện âm thầm cho tất cả một tập thể đối đầu với kẻ thù. Ngài như một ngọn gió thu mát mẻ, chan chứa yêu thương, bình an và niềm an ủi bao la để còn tin tưởng, còn hi vọng vào ngày mai.” (Nguyễn ngọc Oánh, nguyệt san Dân Chúa (Mỹ) số 132, tháng 1/88).

Một tích khác, “Anh Nguyễn văn Hiệt, thuộc xứ Chân Phúc Khang gần Tam Hà, quận Thủ Ðức. Anh bị cộng sản giam từ nhiều năm tại Phú Thọ, Bắc Việt. Năm 1985, anh chết rũ tù sau 10 ngày bị cộng sản bỏ đói. Anh chết vì không chịu nghe theo một đòi hỏi, xem ra đơn giản nhưng vô cùng thâm hiểm của bọn cai tù: Bỏ làm dấu Thánh Gía trước khi ăn. Nhưng ngay bên cạnh, có hàng chữ viết bằng máu của anh: Giêsu, Maria, con yêu mến.” (Nguyệt san Trái Tim Ðức Mẹ, của dòng Đồng Công, số 41).

Một gương “uy vũ bất năng khuất” khác đã được thể hiện qua Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền, của Tổng Giáo Phận Huế. Ngài đã bị nhà nước Cộng Sản cấm cách đủ điều và bị hành hạ tinh thần cách thô bạo qua những ngày phải đi “làm việc” liên tục. Ðức TGM đã cương quyết không để cho một LM trong giáo phận của Ngài tham gia vào cái tổ chức gọi là Ủy Ban Ðoàn Kết Người Công Giáo Yêu Nước, một công cụ của chính phủ. Ðể trả thù, Cộng Sản đã cấm không cho Ngài đi tham dự các cuộc họp của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, cấm luôn cả những công việc mục vụ, ban bí tích Thêm Sức của Ngài trong giáo phận. Nhưng Ðức TGM vẫn hiên ngang trả lời: “Việc trung thành nhiều khi phải trả bằng gía tương xứng, nhiều khi phải mua bằng cả sự hi sinh mạng sống. Nếu các ông coi đó là lập trường của các ông, thì tôi sẵn sàng lãnh nhận mọi hậu quả để trung thành với Giáo Hội của tôi...” (Eglises d'Asie ngày 15/2/88) (1).

Cùng khoảng thời gian đó, cả thế giới đều biết đến cuộc đánh phá và cưỡng chiếm dòng Ðồng Công một cách hết sức dã man và tàn bạo của nhà nước Cộng Sản. Họ đã kết án tù chung thân vị sáng lập dòng, Cha Trần Ðình Thủ (RIP), một giáo sĩ lúc ấy đã 81 tuổi, suốt đời chỉ biết cầu nguyện và hướng dẫn, huấn luyện các LM, Tu Sĩ của mình theo lý tưởng của dòng. Hai mươi mốt (21) LM, Tu Sĩ khác cũng bị án tù đày cùng với Ngài. Cha Bề Trên Thủ cùng các bạn LM, Tu Sĩ và Giáo Dân đã có dịp lập công để mừng kính các tiền nhân, Anh Hùng, Anh Thư Tử Ðạo Việt Nam.

CHIẾC BÁNH VẼ “CỞI MỞ”?

Gần đây, để đi theo chính sách mới của đàn anh Liên Bang Soviet: Cởi Mở (Glasnost) và Ðổi Mới (Perestroika), hay Ðổi Mới Tư Duy, tiếng của nhà nước VN, ông Nguyễn văn Linh, Tổng Bí Thư đảng CSVN, đã xuất hiện tại phiên họp thường niên của Hội Ðồng Giám Mục VN ở Hà Nội, hôm 28/5/1987. Ông đã ve vuốt, hứa hẹn đủ điều, nhất là “chính sách tôn trọng tự do tôn giáo của nhà nước và đảng...” Một lời hứa hẹn… suông, nhưng đáng tiếc thay, đã có một vài người vội tin vào chiếc bánh vẽ này. Có vị còn dám cho “việc Tòa Thánh quyết định phong Hiển Thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam của thế kỷ trước đang là một vấn đề rất phức tạp...” và “...nguyên do là vì cung cách tiến hành việc phong thánh đã thiếu tế nhị, và thời điểm phong thánh đã không thuận lợi...” (2).

Tại sao lại phải vội vã lên tiếng trách Tòa Thánh? Ðể làm cho nhà cầm quyền Cộng Sản hài lòng? Nếu họ thực lòng muốn cởi mở và hòa hoãn với Công Giáo thì họ đã trả tự do cho Ðức Phó TGM Nguyễn văn Thuận, dễ dàng hơn với Ðức TGM Nguyễn kim Ðiền, thả tất cả những LM, Tu Sĩ và Giáo Dân hiện còn đang bị họ giam giữ, hoàn trả tất cả những tài sản của Giáo Hội mà họ đã cướp đoạt trong 13 năm qua. Như vậy vẫn chưa đủ, vì họ cần phải thực lòng thay đổi chính sách đối với toàn dân, không phân biệt tôn giáo, trong một thể chế tự do thực sự, đặt căn bản trên sự tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền. Nếu không, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam sẽ bị lịch sử kết án là thông đồng với kẻ đàn áp, và mặc nhiên chấp nhận những lời buộc tội của nhà nước Cộng Sản đối với Ðức Phó TGM Thuận và các LM đang bị họ đày ải. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam không khi nào thỏa hiệp với Cộng Sản, nhất là khi toàn dân còn khắc khoải trong một chế độ mà họ đang cai trị bằng một phương sách “bá đạo”, đi ngược với tinh thần Phúc Âm.

Chủ trương không thỏa hiệp đã được biểu lộ qua sự kiện Ðức Hồng Y Trịnh văn Căn và Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã thẳng thắn phủ quyết những áp lực và đòi hỏi kỳ quái của nhà nước Cộng Sản, nhằm thay đổi hoặc tạm ngưng việc phong thánh. Các Ngài đã cương quyết chấp hành quyết định tôn phong hiển thánh cho các Chân Phúc Tử Ðạo VN của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, và nhất định không có vấn đề xét lại, hoặc gửi cá nhân hay phái đoàn nào đi Roma làm chuyện xét lại đó.

NHỮNG THỰC TẠI LỊCH SỬ

Những người Cộng Sản Việt Nam, hay đúng hơn, nhóm người đang cầm đầu chế độ ở Hà Nội phải biết rằng Giáo Hội Công Giáo còn được mệnh danh là một Giáo Hội Tử Ðạo (Ecclesia Martyrum.) Từ suốt hai ngàn năm qua, không thời kỳ nào mà không có những anh hùng, anh thư hiên ngang chấp nhận tra tấn, tù đày và cả cái chết để minh chứng Ðức Tin. Nhiệm mầu thay, càng có nhiều vị tử đạo thì Giáo Hội càng phát triển mạnh mẽ hơn, nhiều người tìm biết Phúc Âm và lãnh nhận Ơn Chúa nhiều hơn.

Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ thời sơ khai đã trải qua ba thế kỷ chịu bách đạo trong Ðế Quốc La Mã, nhưng cuối cùng Hoàng Ðế Constantine Ðệ Nhất đã được Ơn Chúa để “trở lại” (năm 312 A.D.) và cả đế quốc rộng lớn này đã được Phúc Âm hóa. Giáo Hội Công giáo Việt Nam cũng đã trải qua hơn ba trăm năm chịu bách đạo (khoảng 1550-1888), nhất là dưới thời các triều đại của Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức; 130 ngàn giáo sĩ và giáo dân đã chịu đổ máu mình ra, đã chịu cực hình, và cuối cùng, chịu chết để minh chứng Ðức Tin. Trong “biển người” tử đạo đó, 117 vị đã được giáo hội hoàn vũ tôn phong lên hàng hiển thánh. Kể từ đây, hằng năm, cứ vào ngày 24 tháng 11, trên một tỷ người Công Giáo khắp thế giới đều làm lễ tưởng niệm, kính ngưỡng các ngài. Mọi triều đại đã lần lượt qua đi, nhưng Giáo Hội vẫn tăng triển và tồn tại một cách oai hùng.

Chủ Nghĩa Cộng Sản chỉ mới xuất hiện trong 6 thập kỷ qua, nhưng đã có bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu cải tổ, và nhất là bao nhiêu lần “hạ bệ” những lãnh tụ mà trước đó không lâu, họ đã tôn sùng? Hỏi rằng Cộng Sản Chủ Nghĩa nguyên thủy có còn nguyên vẹn hay không? Trước đây họ vẫn thường ghép hai cái tên “Mác-Lê” với nhau (chủ thuyết của Karl Marx và Vladimir Lenin), vì trong việc phát triển thuyết Cộng Sản của Marx, Lenin ở Soviet, đã chủ trương phải làm cách mạng bạo động, tạo sự chuyên chính của giai cấp vô sản (proletariat), và quốc hữu hóa (cưỡng chiếm) toàn bộ tài sản của nhân dân, như những phương tiện cần thiết để kiến tạo một xã hội chủ nghĩa. Sau Lenin, lại đến Joseph Stalin, ngàn lần tàn bạo hơn Lenin, một người mà cả thế giới đã phải ghê tởm và gọi là “kẻ độc tài đồ tể nhất lịch sử” (the most murderous dictator in history.) Ông ta đã giết hàng chục triệu dân lành chỉ vì muốn quy tụ tất cả quyền bính trong tay ông ta và cho đảng cộng sản Soviet. Biết bao nhiêu máu đã đổ, đầu đã rơi qua những hành động sát nhân của người cộng sản đó, nhưng khối CS vẫn cố bưng bít những tội lỗi của họ. Chẳng thế mà một nhà thơ tiền chiến ở Việt Nam vẫn cố tình ca tụng Stalin: “Yêu biết mấy nghe con tập nói. Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin” (T.H.) Nếu quả thực nhà thơ này không biết gì thì thật tội nghiệp cho ông ta, cũng như bao nhiêu đảng viên CS khác, đã cả đời bị lừa gạt!

CÒN HÔM NAY, THÁNG 6, 2011?

Khối Cộng Sản quốc tế đã hoàn toàn tan rã từ năm 1989, thế giới đã bước vào kỷ nguyên chính trị mới. Nhưng tiếc thay ở một vài quốc gia, trong đó có Việt Nam, người ta vẫn cố bám víu vào cái chủ nghĩa đã quá lỗi thời này. Chẳng có lý giải nào cho cái gọi là “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa!” Trong lý thuyết của Marx, có khoản nào đã nói đến “kinh tế thị trường” mà thực tế chỉ là một nền kinh tế tư bản khập khiễng? Những chữ đó tự nó đã đi ngược với tinh thần của XHCN. Tư bản là tư bản, cộng sản là cộng sản, không thể đánh lận con đen, vàng thau lẫn lộn được. Một chính phủ biết can đảm gột bỏ cái không còn cần thiết cho con người, cho dân tộc, cho tiền đồ của Tổ Quốc, là một chính phủ đáng quý, đáng trân trọng, đáng nể phục và đáng đi theo. Ngược lại, người ta có quyền nghi ngờ về “thiện chí” của những người đang lãnh đạo đất nước này. Họ trị dân với chính sách nào? Vương đạo hay bá đạo? Họ có dám đặt Tổ Quốc lên trên hết hay chỉ quan tâm đến quyền lợi của “đảng”, đúng hơn là quan tâm đến sự độc quyền của bè nhóm và cá nhân mình?

“Giặc” đã tiến đến đầu ngõ nhà mình rồi, họ đã tỉnh thức chưa? Họ có học được bài học của cha ông để lại? Hình như là chưa! Chẳng thế mà họ vẫn đang tương kế, tựu kế để ra thêm những luật điều nhằm bóp nghẹt quyền tự do của nhân dân, tự do của các tôn giáo. Xưa kia, Đức Lý Thường Kiệt và triều đình nhà Lý đã không trị dân như vậy; Đức Trần Hưng Đạo và các vua nhà Trần đã không làm như vậy; Đức Lê Lợi đã không làm như vậy; Đức Quang Trung đã không làm như vậy… Thì tại sao? Tại sao? Phải chăng vì họ vẫn còn đang u mê trước những đồng tiền, cướp đoạt từ đất đai, từ tham nhũng trên xương máu của nhân dân? Chia chác từ việc để cho ngoại bang tàn phá những tài nguyên thiên nhiên do cha ông để lại, mà hậu quả thì không thể nào lường được? Bòn rút từ những núi nợ quốc tế, mà các thế hệ dân Việt sau này không biết đến bao giờ mới trả xong?

Không được lòng dân, không có sự hậu thuẫn của dân thì không chính phủ nào tồn tại lâu dài. Họ chỉ có thể tiếp tục, một khi quân đội và nhân dân còn tạm để cho họ cầm quyền, nhưng đến lúc quân đội và nhân dân phải đứng dậy thì họ sẽ tan đi như bèo bọt. Hãy học bài học của cha ông: Hỏi ý kiến của dân chúng trong cả nước, từ Bắc vào Nam, từ thành thị đến thôn quê, qua những “Hội Nghị Diên Hồng” thời nay, để hiểu được lòng dân, để nghe dân “dạy” cho cách giữ nước.

“Đoàn kết gây sức mạnh” hay “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, mọi người dân Việt đã được học những câu này từ lớp đồng ấu; vì vậy nếu một chính phủ không biết áp dụng, không biết “sống” chân lý này, không biết tạo sức mạnh hợp nhất, mang lại “ích quốc, lợi dân”; mà ngược lại, để cho lòng dân ly tán, để cho giặc hiếp đáp dân lành, xâm lấn giang sơn từng ngày, thì chỉ còn cách là phải đổi thay, phải tìm người có thực tâm, thực tài, làm nhà lãnh đạo mới, thành lập chính phủ mới, thật sự là “của dân, do dân, và vì dân” (3); nhất là đưa nước nhà qua cơn nguy biến, tránh được họa diệt vong của giống nòi.

Ðây không phải là những lời hăm dọa hay khiêu khích, nhưng chỉ là ưu tư của một người, như trăm vạn người dân Việt tha hương cùng tâm trạng; đang sống trong một xã hội dân chủ tự do, đang buộc lòng mang quốc tịch của một nước khác, nhưng vẫn khắc khoải trước tiền đồ của Tổ Quốc Việt Nam, trước sự tồn vong của giống dòng Việt tộc.

Riêng đối với giáo hội Công Giáo, một giáo hội vẫn được mệnh danh là “Giáo Hội Tử Đạo”, người ta dễ dàng nhìn thấy sự “trường cửu” và sự “cứu rỗi” trong giáo hội này. Xưa kia, Vua Constantine I và, trong suốt chiều dài lịch sử của giáo hội, bao nhiêu bạo vương, bạo quyền khác; qua lời cầu nguyện không ngừng của cả giáo hội, đã được Ơn Chúa để trở lại. Đối với quê hương Việt Nam, ngày đó có thể đến trong một tương lai gần, hay một tương lai xa; nhưng không sao, Giáo Hội vẫn đủ kiên nhẫn để đợi chờ, vì Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội Ngàn Ðời, thời gian không có ý nghĩa gì cả.

LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng

(1) Chỉ mấy tháng sau; ngày 8 tháng 6, 1988, Đức TGM Nguyễn Kim Điền đã tạ thế trong một cách hết sức bí ẩn ở bệnh viện Chợ Rẫy, Saigon. Cho đến hôm nay, nhiều người vẫn tin rằng chính quyền CS đã ra lệnh cho y tá tiêm thuốc độc để giết ngài.

(2) Một Giám mục, xin được miễn nêu tên.

(3) Trích từ bài diễn văn thời danh của Tổng Thống Mỹ, Abraham Lincoln, trong dịp khánh thành nghĩa trang quân đội quốc gia tại Gettysburg, tiểu bang Pennsylvania; trong thời Nội Chiến, 1863. Nguyên văn: “Government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth.”