TỬ ÐẠO BÊN TÂY, CÁC QUỐC GIA TRONG KHỐI TỰ DO (3)

Khoảng cuối thập niên 80s, Ðức Hồng Y Josef Tomko, Bộ Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, đã cho biết rằng kể từ năm 1980 đến 1985, trung bình cứ mỗi tháng lại có một Linh Mục, Tu Sĩ hay Nữ Tu bị sát hại. Hầu hết những vị này đã bị thiệt mạng trong các nước đang có nội chiến hay xung đột tôn giáo (Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo ở một số quốc gia Phi Châu và Nam Dương; Phật Giáo và Ấn Giáo ở Tích Lan (Sri Lanka)... hoặc tranh chấp ý thức hệ (chiến tranh Quốc-Cộng ở Phi Luật Tân – Philippines, và nhiều nước khác ở Á, Phi và Châu Mỹ La Tinh). Những quốc gia này được kể như thuộc “Ðệ Tam Thế Giới,” các nước “Không Liên Kết” hoặc các nước “Ðang Mở Mang”. Nhưng thực ra những mỹ từ trên chỉ ám chỉ khối đa số những nước nhược tiểu, nghèo, đang là “đàn em” của một trong hai khối chính: Cộng Sản (bên Ðông), đứng đầu là Liên Bang Soviet (Soviet Union. Thời chiến tranh lạnh, trước 1989); và Tư Bản (bên Tây), do Mỹ lãnh đạo. Cả hai đại cường nói trên vẫn đang theo đuổi những chính sách nhằm đặt quyền lợi quốc gia của họ trên hết, nhưng luôn luôn núp dưới chiêu bài “nghĩa vụ quốc tế” hoặc “vấn đề an ninh quốc gia” để che lấp manh tâm của họ trong một chủ nghĩa thực dân mới (Neo-Colonialism).

Dĩ nhiên là khối C.S. vẫn luôn luôn tìm cách triệt hạ những tôn giáo lớn đang có ảnh hưởng nhiều trên đời sống dân chúng, với một sách lược đàn áp chung trong toàn khối. Ðối với khối Tư Bản, đặc biệt tại Châu Mỹ La Tinh, việc đàn áp tôn giáo đã không xảy ra trên bình diện quốc gia, nhưng thường chỉ là mối tương tranh giữa nhóm cầm quyền, có nhiều của cải, quyền lực trong tay, và một giáo hội địa phương, hay một Giám Mục, hoặc một hay nhiều Linh Mục đang cố vận động, giáo dục hoặc khai tâm (Conscientization) những người dân chất phác, nghèo khổ, thiếu học, đã bị đẩy ra ngoài lề xã hội (Marginalization). Ðôi khi, những vị này đã khuyến khích các tầng lớp dân nghèo nổi dậy đánh đổ bạo quyền bằng đường lối võ trang giải phóng, (các võ khí thường do một hay nhiều nước thuộc bên Đông cung cấp), dựa trên một cách lý luận mới nhằm “hợp thức hóa” việc tạo công bình xã hội bằng bạo lực. Cách lý luận mới đó đã mang tên “Thần Học Giải Phóng.” Đôi khi, một vài giáo sĩ đó đã bị phe nhóm có quyền lực sát hại.

Việc tuyên xưng những giáo sĩ, giáo dân bị sát hại vì đã tranh đấu, cách chủ động và bạo động, cho nhân quyền ở những quốc gia thuộc khối Tư Bản, là Vị Tử Ðạo, thường đã gây phản ứng bất bình cho Tòa Thánh Vatican. Trong một cách hiệu quả, điều này đã làm nhạt mờ những cuộc tử đạo chân chính của các giáo sĩ và giáo dân đã phải sống bên Đông. Tiếp tục loạt bài này, người viết sẽ trình bày những khác biệt giữa các cuộc tử đạo do sự trực tiếp minh chứng cho các Chân Lý của Ðức Tin (in odium fidei) của giáo sĩ và giáo dân bên Ðông và những vị bị sát hại bên Tây (trong khối Tư Bản) vì đã lãnh đạo, khuyến khích hoặc tham gia những tổ chức võ trang chống lại nhà cầm quyền.

TỬ ÐẠO BÊN TÂY

Một trong những nhà “Thần Học Giải Phóng” ở Châu Mỹ La Tinh là cựu LM. Leonardo Boff (ông đã hồi tục năm 1992), dòng Phanxicô, đã cố gắng lý luận để “tử đạo hóa” những vị bị sát hại ở bên Tây. Trong bài: “Sự Tử Ðạo: Một cố gắng nhằm vào sự Suy Tư Hệ Thống” (Martyrdom: An Attempt at Systematic Reflection; trong cuốn Martyrdom Today (Concilium), N.Y., 1983, pp. 12-17), cựu LM Boff đã chia sự tử đạo thành ba phương cách, thứ nhất là cuộc tử đạo của Ðức Giêsu Kitô được kể như sự tử đạo hoàn hảo (par excellence); kế đến là cuộc tử đạo của những Kitô hữu, những người noi theo việc tử đạo của Chúa Giêsu; cuối cùng là những người tử đạo vì “vương quốc” của Chúa, những người không thuộc Kitô giáo cách rõ ràng, nhưng thuộc về căn nguyên của Chúa, là vương quốc; họ đã chịu bỏ mình vì những giá trị hướng tới lý tưởng (Utopian) của vương quốc như chân lý, công lý, yêu Thiên Chúa và yêu kẻ nghèo. (cf. p.12).

Cũng như LM thần học gia Karl Rahner (dòng Tên), cựu LM Boff biện minh rằng Chúa Giêsu đã chịu tử đạo trong sự chủ động (Acta Martyrum). Ngài đã không tránh né kẻ thù, cũng không trốn chạy khỏi những khủng hoảng ở Galilêa, nhưng “cương quyết lên đường đến Jerusalem” (Lk.9:51) cho cuộc đương đầu cuối cùng. Như vậy, theo cựu LM Boff, tất cả những giáo sĩ và giáo dân đã hi sinh mạng sống của mình vì tranh đấu cho nhân quyền của người nghèo đều là những vị tử đạo trong ý nghĩa đầy đủ nhất. Cựu LM Boff còn đi xa hơn để nói rằng những du kích quân cộng sản đã bị tử trận trong hai cuộc cách mạng ở Cuba và Nicaragua cũng là những vị tử đạo trong ý nghĩa thần học, không phải trong ý nghĩa ngữ pháp (euphemism). Tất cả những người đã hoặc sẽ chết cho công lý, tình yêu (đồng loại), hòa bình, thuộc bất cứ ý thức hệ nào, đều là những vị tử đạo qua việc đổ máu mình ra bởi vì họ đã thực thi những hành động nhân đức trong tinh thần của Ðức Kitô (cf. p.15). Họ không phải là những vị tử đạo trong đức tin Kitô giáo, không là anh hùng của Giáo Hội, nhưng họ là những vị tử đạo của vương quốc của Chúa.

Ðến đây, người đọc đã thấy có “vấn đề” trong lối suy luận của cựu LM Boff. Làm thế nào để có thể nói những cán binh đã chém giết không gớm tay cho một chủ thuyết vô thần, để rồi khi bị giết chết lại có thể là vị tử đạo trong vương quốc của Chúa? Làm sao có thể tin được rằng họ đã chiến đấu cho chân lý và công lý (tinh thần của Ðức Kitô), khi họ đã chà đạp lên nhân phẩm và tước hết nhân quyền của dân chúng một khi họ đoạt được chính quyền? Hi vọng rằng cựu LM Boff đã kinh nghiệm được điều đó qua kết quả cuộc “cách mạng” ở Nicaragua. (*)

Michael Novak, một thần học gia và nhà ngoại giao, đã phàn nàn: “Hầu hết các nhà thần học giải phóng đã không tỏ dấu hiệu cho thấy họ đã nghiên cứu Marx, tài liệu của các lý thuyết gia viết về Marx hoặc những thử nghiệm về Marx ở nơi khác. Nhưng một vài nguyên lý của họ lại thuộc về Marx.” (Novak M., Will it liberate? N.Y., 1986, p.23).

Ðối với những giáo sĩ và giáo dân đã bị sát hại ở bên Tây, thực sự đã có những vị chủ trương phải dùng bạo động để đạt công lý và nhân quyền với bất cứ phương tiện từ đâu gửi tới. Có vị đã “theo cách mạng” từ đầu và đã từng nắm những chức vụ quan trọng trong chính quyền mới, như cựu Linh Mục Miguel d'Escoto, thuộc tu hội Maryknoll ở New York, là Ngoại Trưởng của chính quyền cộng sản Nicaragua; cựu LM Ernesto Cardenal, Bộ Trưởng Văn Hóa của cùng một chính phủ. Một vài LM khác đã tham gia nhóm du kích quân CS ở Phi Luật Tân. Ðiểm quan trọng ở đây là liệu Giáo Hội Công Giáo có thể chấp nhận một lối giải phóng bạo động và tuyên xưng những người bị hi sinh là vị tử đạo?

Từ khi bắt đầu triều đại của Ngài, Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng bước, từng phần, dựng nên một “trường hợp” thần học và một chủ thuyết xã hội phù hợp với tinh thần Kitô giáo để hóa giải những sai lạc của nền “thần học giải phóng.” Sự siêu việt (transcendence) của tôn giáo thì vượt lên trên chính trị và là căn nguyên của đời sống tinh thần. Các huấn dụ của ÐGH Gioan Phaolô II một lần nữa đã thể hiện qua “Tài Liệu Hướng Dẫn Về Một Vài Phương Diện Của Thần Học Giải Phóng” do ÐHY Ratzinger (Đức đương kim Giáo Hoàng Bênêdictô XVI) công bố năm 1984: “Một sự thật lớn lao trong thời đại của chúng ta cần gợi sự suy tư cho tất cả những ai thành thật muốn vận động cho sự giải phóng chân chính của các anh em: Hằng triệu anh em chúng ta hiện tại đang khao khát cách chính đáng những quyền tự do căn bản mà họ đã bị những chính quyền vô thần và chuyên chế cướp đoạt trong cách họ chiếm quyền hành bằng bạo động và những phương tiện cách mạng, nhân danh giải phóng nhân dân cách chắc chắn. Sự sỉ nhục này trong thời đại của chúng ta không thể bỏ qua được: Trong khi rêu rao là đem lại tự do, những chính quyền này đã kìm kẹp cả nước trong những điều kiện hèn hạ không xứng đáng với con người. Những người, có lẽ vì vô ý, làm cho mình trở nên đồng lõa trong việc nô lệ hóa tương tự đã phản bội lại những kẻ bần cùng mà họ muốn giúp.” (Instruction on Certain Aspects of the Theology of Liberation, p.203).

Nhìn vấn đề qua một góc cạnh nào đó, người ta có thể tranh luận rằng Ðức Giêsu Kitô đã chịu tử đạo cách chủ động, nhưng họ không thể nào nói rằng Ngài đã dùng bạo động hoặc khuyến khích bạo động. “Những kẻ dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Mt.26:52), “Ta sai các con đi như chiên lành giữa đàn sói” (Mt.10:16). Công cuộc giải phóng của Ðức Kitô là giải phóng toàn diện con người, mà Giáo Hội Công Giáo đang chủ chương, chứ không chỉ giải phóng con người khỏi cảnh nghèo đói vật chất, bằng cách “đấu tranh giai cấp, giai cấp phục thù”, gây oán hận triền miên giữa những anh em.


(*) Năm 1979, du kích quân Cộng Sản ở Nicaragua, một nước thuộc miền Trung của Châu Mỹ, mang danh “Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia Sandanista” (Tiếng Tây Ban Nha: Frente Sandanista de Liberacion Nacional), hay vắn tắt là Sandanistas, do Daniel Ortega cầm đầu, đã chiếm được chính quyền từ tay gia đình độc tài, cha truyền con nối, Somozas. Dĩ nhiên là Ortega đã đưa Nicaragua vào quỹ đạo của Liên Bang Soviet. Khi Soviet và khối CS quốc tế sụp đổ vào năm 1989, Nicaragua cũng đã đổi thay và trở thành nước theo thể chế dân chủ, tự do từ năm 1990.

LM. Phaolô Nguyễn văn Tùng