TỬ ÐẠO TRONG Ý NGHĨA HÔM NAY (2)

Trong bài trước, “Thế Nào Là Tử Ðạo”, người viết đã trình bày một cách tổng quát về ý nghĩa sự tử đạo và những điều kiện cần phải có để được gọi là tử đạo, theo truyền thống của Giáo Hội. Tuy nhiên, cũng có những vị đã được tôn vinh là tử đạo mà không cần phải hội đủ tất cả những điều kiện đòi hỏi. Các nhà thần học vẫn còn tranh luận rằng một người cần phải có sự ý thức chắc chắn (trưởng thành đủ) và tự nguyện hoàn toàn (tự do chọn lựa), để chấp nhận cái chết, mới có thể được gọi là tử đạo. Ngoài ra, một số nhà thần học đương thời đang cố gắng lý luận rằng không phải chỉ những người chấp nhận cái chết cách thụ động vì đạo Chúa mới là tử đạo, nhưng việc tử đạo còn bao gồm những ai đã chịu cực hình hoặc chịu đổ máu mình ra trong một cuộc đấu tranh (cách chủ động) cho các nhân đức Kitô giáo. Chúng ta sẽ lần lượt đi qua những vấn đề này.

TỬ ÐẠO THEO TRUYỀN THỐNG CỦA GIÁO HỘI

Có những vị chịu tử đạo vì đã trực tiếp minh chứng cho các Chân Lý của Ðức Tin (in odium fidei), như thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi và hầu hết các Thánh Tông Ðồ của Chúa Giêsu cũng như các Thánh Tử Ðạo Việt Nam.

Nhưng cũng có những vị đã chịu chết để bảo vệ một hoặc nhiều Nhân Ðức Kitô Gíao, như thánh Gioan Batixita (John the Baptist) đã chịu tử hình vì đã chống lại việc vua Hêrôđê (Herod) cưới một người đàn bà (vợ của anh mình) đã có con về làm vợ (nhà vua đã phạm tội ngoại tình). Thánh Maria Goretti được kể là tử đạo vì cô đã không để cho kẻ hành hung làm hoen ố đời mình, lỗi nghĩa cùng Chúa, vì vậy cô đã bị giết chết.

Một vài vị khác cũng được kể là tử đạo vì đã chấp nhận cái chết để bảo vệ những Huấn Lệnh và Kỷ Luật của Giáo Hội. Như các thánh Thomas of Canterbury, Anh Quốc, và thánh John of Nepomuc. Thánh John (Gioan thành Nepomuc) là cha giải tội cho hoàng hậu Sophie, nước Bohemia, vào cuối thế kỷ thứ XIV. Vua Wenceslaus IV vì nghi ngờ vợ mình đã phạm tội ngoại tình, nên bắt buộc thánh Gioan phải nói rõ những gì hoàng hậu đã xưng cho nhà vua. Thánh nhân đã từ chối việc phá bí mật của phép gải tội nên đã bị nhà vua giết chết.

Việc tử đạo đòi hỏi sự trưởng thành và sự tình nguyện chấp nhận cái chết, như một số nhà thần học đòi hỏi, chỉ dành cho các vị tử đạo cách hoàn hảo (in odium fidei). Nhưng họ không thể giải thích được những trường hợp thiếu niên, hoặc thiếu nhi tử đạo. Vì vậy, nhà thần học Cajetan đã viết rằng một người có thể chịu tử đạo trong khi ông ta đang ngủ (không tình nguyện), và những trẻ em chưa được rửa tội nhưng bị giết vì đạo Chúa cũng được cứu rỗi vì Ðức Tin của cha mẹ. Ðiều này phù hợp với việc giáo hội tôn kính các thánh Anh Hài như những Ðấng Tử Ðạo, và giáo huấn về sự đổ máu đã thay thế cho nước tuôn ra từ phép Thánh Tẩy.

Thánh Ambrose đã đặt sự can thiệp của Chúa Thánh Linh như điều kiện tiên quyết để minh chứng việc tử đạo của một Kitô hữu. Ngài nói rằng tất cả những sự thật trong Chúa Thánh Linh thì đều sẽ được nhận ra nhanh chóng. Ðiều này cũng phù hợp với giáo huấn của giáo hội trong việc đòi hỏi các thánh nhân (không tử đạo) phải có những phép lạ, trước khi thực sự được phong thánh.

TỬ ÐẠO TRONG Ý NGHĨA HÔM NAY

Nhiều nhà thần học hiện đang cố gắng nới rộng ý nghĩa của việc tử đạo trong giáo hội hôm nay. Giáo Hội Công Giáo đã từng được tôn vinh là Giáo Hội Tử Ðạo (Ecclesia Martyrum), vì vậy khi nói đến tử đạo, người ta không chỉ nói đến những sự kiện lịch sử, nhưng phải kể đến các thực hữu hôm nay nữa. Nhiều người cho rằng trong Giáo Hội Công Giáo hiện đang có những biến chuyển về lịch sử và văn hóa liên quan đến việc tử đạo và hình ảnh của những vị tự đạo. Biến chuyển đang đi từ tử đạo “anh hùng” đến tử đạo “ẩn danh”, từ việc tử đạo cá nhân đến việc tử đạo tập đoàn.

Linh mục thần học gia Karl Rahner đã đặt câu hỏi về việc Giáo Hội không đề cập, hoặc gạt bỏ ra ngoài, việc hiến thân mạng sống mình, cách chủ động trong một cuộc đấu tranh, cho chân lý Ðức Tin và những giá trị Kitô giáo. Câu hỏi hết sức quan trọng cho cá nhân các Kitô hữu và cả Giáo Hội, vì sự chấp nhận cái chết của những cá nhân đã tham dự vào một cuộc đấu tranh hay chiến trận kiểu này, như là việc tử đạo, sẽ mang lại một tầm ảnh hưởng không thể lường được, vì tất cả các Kitô hữu sẽ coi đó như một vinh dự và noi theo. Nhiều người Hồi giáo cực đoan đã tin vào điều này.

LM Rahner đã cố gắng nối kết, hoặc tìm những điểm tương đồng giữa hai cái chết: Một đàng là chịu đựng đau khổ, chấp nhận cái chết cách thụ động cho Ðức Tin, đàng khác là chết vì trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh cho tín ngưỡng. Ông viết: “Dĩ nhiên là đúng khi nói rằng kiên nhẫn chịu đựng và chấp nhận cái chết vì Ðức Tin thì rất tương hợp với cái chết của Chúa Giêsu...Nhưng sự khác biệt giữa hai lối chết (nói trên) đã không loại trừ việc chúng đã được nối kết trong cùng một quan niệm và điều kiện của sự tử đạo.” (Karl Rahner, Dimensions of Martyrdom, in Martyrdom Today, N.Y., 1983, pp.9-11).

LM Rahner biện minh rằng “Chúa Giêsu đã chấp nhận cái chết cách thụ động, chỉ là hậu quả của việc tranh đấu của Ngài chống lại những kẻ đang nắm quyền lực tôn giáo và chính trị trong tay. Ngài chết bởi vì Ngài đã tranh đấu: Không thể nhìn cái chết của Ngài cách tách biệt khỏi cuộc đời của Ngài” (ibid.) Như vậy, ngược lại những người đã chết vì tranh đấu cho những đòi hỏi của Ðức Tin Kitô giáo (trong một vài trường hợp, phải kể cả những đòi hỏi của xã hội) cũng có thể được gọi là đã “thụ động” chấp nhận cái chết. Rahner lại tự đặt câu hỏi cho mình rằng phải đấu tranh chủ động thế nào để được định nghĩa gần hơn và đánh dấu khác biệt, với những hoạt động tương tự, ngõ hầu cuộc đấu tranh này được coi là việc tử đạo. Ông hỏi rằng tại sao chúng ta không cho cái chết của Ðức Tổng Giám Mục Oscar Romeo (Ngài bị nhóm Cực Hữu ở El Salvador ám sát khi đang dâng thánh lễ) là một việc tử đạo? Ðức TGM Romeo đã tranh đấu cho công bằng trong xã hội, một cuộc đấu tranh phát xuất từ lương tâm Công Giáo của Ngài, và chắc chắn Ngài đã chuẩn bị cho cái chết. LM Rahner còn “cầu viện” đến cả thánh Tôma Aquino (Thomas Aquinas), vì Ngài đã viết rằng một người được gọi là tử đạo qua cái chết có tương quan mật thiết với Ðức Kitô, nếu anh ta đang bảo vệ quốc gia chống lại cuộc tấn công của kẻ thù đang cố gắng tàn phá Ðức Tin Kitô giáo và trong việc bảo vệ này, anh ta bị tử trận. (IV Sent. dist. 49q. 5a. 3 quaest. 2 ad 11). Rahner cho rằng thánh Tôma đã đồng ý với quan niệm đấu tranh chủ động mà ông đã trình bày.

Trình bày một quan niệm như trên, thực sự LM Karl Rahner đã mở lối cho những người đang theo đuổi các nền Thần Học Chính Trị, hoặc Thần Học Giải Phóng với một chủ tâm không thể gọi là công minh. Nếu chỉ nói đến những cuộc “chiến tranh giải phóng” tại các quốc gia trong khối Tự Do (trước khi khối CS sụp đổ, 1989), nhưng đang theo chế độ độc tài, và cho những người bị thiệt mạng là tử đạo; mà không nói gì đến những cuộc vận động và chiến tranh chống lại các bạo quyền khác “những kẻ thù đang cố gắng tàn phá Ðức Tin Kitô giáo” thì qủa thật là thiên lệch và tự nó đã không mang lại gía trị đích thực.

LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng