GIÁO HỘI CÔNG GIÁO BA LAN VÀ THUYẾT MARXISM

LTG. Bài này được viết để trình bày về một thời kỳ nhiễu nhương của lịch sử nhân loại, trong đó nổi bật tương quan giữa giáo hội Công Giáo Hoàn Vũ, dưới sự lãnh đạo của Chân Phúc (Á Thánh) Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và Marxism (thuyết Mác-xít), nói chung; giữa giáo hội Công Giáo Ba-Lan (Poland) và nhà cầm quyền Cộng Sản thuở đó, 1979, nói riêng. Những cuộc “đương đầu” và “đối thoại” này, do những hoàn cảnh khác biệt (chẳng hạn như sự kiện người Công giáo chiếm đại đa số ở Ba Lan), đã không là khuôn mẫu cho giáo hội của bất cứ quốc gia nào khác vào thời điểm đó; lại càng không phải là khuôn mẫu cho ai trong thời hiện tại (2011); vì khối CS quốc tế đã hoàn toàn sụp đổ, lịch sử của thế giới đã sang trang mới, nhiều hoàn cảnh đã đổi thay. Tuy nhiên, nếu người ta có thể học được chút gì từ kinh nghiệm của giáo hội Ba Lan, để làm tốt đẹp hơn cho giáo hội, cho dân, cho đất nước mình, âu cũng là do Ơn Chúa vậy.

Hơn mười năm sau khi trên ngôi Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha (ÐTC) Gioan Phaolô II đã được nhiều người ca tụng, cũng như có những người đã tạo phản ứng bất đồng, qua các thành đạt của ngài. Tuy nhiên, cả bạn lẫn “thù,” không ai có thể chối cãi những thành quả đạt được của vị Giáo Hoàng đã đến từ một “miền đất xa xôi” thuộc khối Cộng Sản Ðông Âu.

Ông George Weigel (người đã viết tiểu sử ĐTC Gioan Phaolô II vào năm 1999), trong một bài viết đăng trên nguyệt báo National Catholic Register (Mỹ), số ra ngày 16/10/88, đã nêu 8 điểm thành đạt của ÐTC: (1) Ngài đã xóa tan những ý tưởng của một số người, cho rằng ngôi Giáo Hoàng, như một tổ chức, đã không còn thích hợp cho thế giới ngày nay. (2) Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên, với những kiến thức cập nhật hóa, đã thách đố cả những thần học gia “biến chất” lẫn những người chủ trương “tái lập giáo hội Công Giáo,” để hướng đến việc đào sâu căn tính Công Giáo. (3) Ngài đã phát động cuộc cách mạng về nhân quyền Công Giáo, hoàn tất nhân chủng chủ nghĩa trong “Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo” (Dignitatis Humanae, 1965) của công đồng Vatican II, với sự phân tích cơ cấu của tổ chức cần thiết cho sự triển nở của tự do. (4) Ngài đã đặt nền móng cho những phát triển về văn hóa và luân lý trong thế kỷ XXI, có thể làm thay đổi tiến trình của lịch sử: Kitô hóa trở lại và tái liên kết Âu Châu, Ðông và Tây. (5) ÐTC đã tăng cường đời sống mục vụ và trí thức của Châu Mỹ La Tinh, một trong những nền móng của thế giới Công Giáo. (6) Ngài đã làm việc liên tục để củng cố những “giáo hội trẻ” ở Phi Châu và Á Châu. (7) Ngài đã tái định nghĩa tác vụ của Thánh Phêrô: “Tăng sức mạnh cho anh em” (Lk. 22:32) trong kỷ nguyên của phản lực cơ Boeing 747 và (đầu) máy thu hình VCR. (8) ÐTC đã quả quyết rằng chủ thuyết hòa đồng tôn giáo là bản chất của Công Giáo.

Một thành đạt khác của ÐTC Gioan Phaolô II, đã có thể đặt nền móng cho sự tiếp tục hiện hữu và triển nở của Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ trong nhiều thập niên sắp tới, trong cộng đồng nhân loại, đó là: Sự hóa giải (Neutralization) hoặc Phúc Âm hóa (Evangelization) thuyết Marxism, đã hoành hành quê hương Ba Lan của Ngài suốt hơn ba thập kỷ.

Ðối với thuyết Marxism, con người chỉ đơn thuần là một sản phẩm của lao động; trong khi đối với Kitô Giáo, con người được Chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài và lao động chỉ là phương tiện đưa tới Ðấng Tạo Dựng. Marxism đề nghị giải phóng con người lao động; Kitô Giáo đề nghị giải phóng con người toàn diện. Lịch sử cận đại đã chứng minh cho thấy Marxism đã không thể thực hiện được lời hứa của mình ở Liên Bang Soviet (The Union of Soviet Socialist Republics – USSR, hay vắn tắt hơn là Soviet Union. Người Việt ở miền Nam trước 1975, gọi nước này là Nga-sô; trong khi miền Bắc đã gọi họ là Liên-xô), Trung Quốc, Ðông Âu, Cuba, Việt Nam, Bắc Hàn (Triều Tiên), Nicaragua, Afganistan, Ethiopia v.v… Hơn nữa, không những Marxism đã không giải phóng được con người lao động, mà trong tiến trình của nó, hằng trăm triệu sinh linh đã bị chết oan.

Câu hỏi vào thời điểm đó được đặt ra ở Ba Lan là Marxism cần thiết cho ai và cho điều gì? Người dân Ba Lan đã dùng hình ảnh một nhân công và bức ảnh của Nữ Vương Ba Lan (Ðức Bà Czestochowa) để thay thế cho tấm bích chương đầy tính hăm dọa và chết chóc của Marx đang giơ cao khẩu súng. Trong cuộc đấu tranh ở Ba Lan, những quan niệm về tổ quốc, quê hương, đã mang ý nghĩa đạo đức sâu rộng hơn nhiều so với những diễn giải giới hạn đang áp đặt lên họ về Marxism.

Cuốn “Polski ksztalt dialogu” (tạm dịch là: Mô hình đối thoại Ba Lan) của ông Josef Tischner, xuất bản năm 1981, ở Ba Lan, đã được B. Fiore và M.B. Zaleski phiên dịch qua tiếng Anh và Georgetown University Press xuất bản năm 1987. Bản tiếng Anh mang tựa đề “Marxism and Christianity: The Quarrel and the Dialogue in Poland” (Thuyết Mác-xít và Kitô Giáo: Sự Tranh Cãi và cuộc Ðối Thoại ở Ba Lan). Trong đó, ông Tischner đã trình bày những áp lực đã đè nặng trên giáo hội Công Giáo Ba Lan, và làm thế nào để Giáo Hội, qua sự hướng dẫn của hai nhà lãnh đạo tinh thần, Ðức Hồng Y Stefan Wyszynski và ÐTC Gioan Phaolô II, đã có thể tự vệ trước nỗ lực đánh phá Giáo Hội của những người Cộng Sản.

Ông Tischner đã dùng chữ “đối thoại” (dialogu, dialogue) để diễn tả, cách nhẹ nhàng, sự đương đầu của toàn dân Ba Lan đối với thuyết Marxism. Ðây là cuộc đương đầu của toàn dân, trên tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống, không ngoại trừ ai. Mỗi người, tại một thời điểm nào đó trong đời, sẽ phải làm một quyết định, như có nên cho con em mình chịu phép rửa tội, tham dự những lớp dạy giáo lý; có nên gia nhập đảng, hay ngược lại tham gia cuộc đón tiếp ÐTC Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm Ba Lan lần đầu tiên của ngài (1979), hoặc đứng vào hàng ngũ nhân công trong cuộc tổng đình công mùa Hè 1980. Chọn lựa ở đây mang ý nghĩa minh chứng, mỗi quyết định là một tác động của sự đắn đo, là tác động của sự can đảm và chấp nhận mọi hậu quả. Không có đất sống cho những ai có tư tưởng lừng khừng hay trung lập. Sự tưng bừng nghênh đón ÐTC Gioan Phaolô II, cuộc tổng đình công năm 1980, đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bực của dân tộc Ba Lan, trong cuộc trường kỳ “đối thoại” này.

Ở Ba Lan, Marxism không còn là một mớ lý thuyết suông chỉ được các học giả để ý tới, nhưng nó đã trở thành bản chất của ý thức xã hội của dân chúng. Tiến trình “kiến tạo xã hội chủ nghĩa” được kế tiếp bằng sự “xã hội hóa” xã hội. Thuyết Marxism xuất hiện trong sách giáo khoa, trên nhật báo, trên các đài truyền thanh, truyền hình, ở các trường trung học, đại học, và trong hằng ngàn những cuộc hội họp chính trị từ mờ sáng đến đêm khuya. Mỗi người, dù muốn hay không, đều bị một chút ảnh hưởng trong cái xã hội một chiều như vậy.

Kitô Giáo ở Ba Lan đã có một ngàn năm lịch sử, đã trở thành bản chất đức tin của dân chúng, bản chất ý thức đạo đức của cả quốc gia. Không khi nào Giáo Hội Ba Lan đã là “thuốc phiện ru ngủ quần chúng,” nhưng ngược lại Giáo Hội đã là một động lực giác ngộ quần chúng thoát khỏi giấc ngủ mơ màng của họ. Giáo Hội đã không sáng tạo một nền thần học vĩ đại, nhưng trao cho dân chúng một điều căn bản hơn nhiều: Tư tưởng tôn giáo. Hiện tượng “tư tưởng tôn giáo,” đã lan tràn trong văn chương, đặc biệt là kịch nghệ và thơ phú, trong hội họa; đã được cảm nhận trong chiều hướng nhận thức lịch sử, trong toàn bộ phong tục tập quán Ba Lan. Sau Ðệ Nhị Thế Chiến, 1945, Giáo Hội Ba Lan đã trải qua một đoạn đường dài. Hai nhân vật biểu tượng của đoạn đường đó là ÐHY Wyszynski và ÐGH Gioan Phaolô II. ÐHY Wyszynski đã là tác giả của quan niệm chính trị đồng hiện hữu giữa Giáo Hội và chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa. Cá tính đặc sắc của quan niệm này là nguyên tắc bảo vệ những gía trị luân lý căn bản đang bị các chính sách của nhà nước đe dọa. ÐTC Gioan Phaolô II đã là tác giả của cuộc canh tân Giáo Hội thời hậu công đồng. Giáo Hội đã tạo được quyền bính tinh thần, trở thành giáo hội của đa số. Dân chúng thuộc nhiều niềm tin khác nhau đã tìm thấy một chỗ đứng trong giáo hội này, kể cả những người cộng sản, nhưng không được đảng tin dùng. Năm 1980, Giáo Hội Công Giáo Ba Lan đã lướt thắng trong mọi lãnh vực.

Tuy nhiên, ông Tischner nhận định thêm rằng mỗi sự chọn lựa là một chọn lựa trong những điều có thể, chứa đựng một vài tất yếu nào đó. Một trong những tất yếu ấy là các Kitô hữu đã nhận thấy rằng người ta không thể hủy diệt được xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan (trong thời điểm 1981). Những người Marxists cũng đã hiểu họ không thể hủy diệt được Kitô Giáo. Tất cả đã bị “kết án” phải sống chung bên nhau trong cùng lãnh thổ của cùng một quốc gia. Nhưng xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan phải là XHCN đạo đức, nếu không nó sẽ không thể tồn tại.

NHỮNG KẾT QỦA CỦA CUỘC ÐỐI THOẠI

Mức độ căn bản của cuộc đối thoại giữa Kitô Giáo và những người Marxists, trong lý thuyết cũng như thực hành ở Ba Lan, là một mức độ đạo đức. Nói cách khác mức độ của sự đồng nhận thức về các phong tục tập quán như một phương thức hiện hữu theo niềm hi vọng mà mỗi người đều thao thức. Tuy nhiên, một bên chỉ có niềm hi vọng thế trần hướng về việc hủy bỏ sự lạm dụng giữa con người với con người (Marxism); trong khi niềm hi vọng của bên kia đã mang tính cách đại đồng mà gía trị thiết yếu là phẩm giá của con người (Kitô Giáo). Cuộc đối thoại đã diễn tiến đều đặn và ảnh hưởng đến tất cả mọi thành phần dân chúng, qua cuộc sống hằng ngày của họ. Cuộc đối thoại đó, theo Tischner, đã đưa đến một số kết quả có thể tóm lược như sau:

1. Một trong những hiệu quả quan trọng của cuộc đối thoại ở Ba Lan là một khoảng trống của TỰ DO. Khoảng trống này có thể lớn hơn khoảng trống ở những quốc gia đồng cảnh ngộ (đặc biệt tại Đông Âu). Sự tự do đã đạt được là kết quả của tinh thần bất khuất của các tín hữu, các hoạt động mục vụ của Giáo Hội, nền thần học hậu Công Ðồng đã hiện hữu trong đời sống dân chúng. Với sự tự do đó, cuộc viếng thăm “liều lĩnh” của ÐTC Gioan Phaolô II, tới một nước Cộng Sản như Ba Lan vào năm 1979, đã thành sự thật. Một điều không thể tưởng tượng được dưới thời ÐGH Piô XII (1939-58); có thể tưởng tượng được, nhưng không thực tế, dưới thời ÐGH Phaolô VI (1963-78). Chuyến về thăm quê hương lần đầu tiên trong cương vị một giáo hoàng của ÐTC Gioan Phaolô II đã nới rộng và tăng cường sự tự do này.

Chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II đã đánh dấu kết thúc một giai đoạn của cuộc đối thoại. Những người Marxists và các Kitô hữu ở Ba Lan đã không “đương đầu” với nhau nữa, nhưng họ đã cùng nhìn về một hướng: ÐTC Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng người Ba Lan, với những hi vọng mà ngài là biểu tượng. Cội rễ của những niềm hi vọng đó là Phẩm Gía Con Người, đã bàng bạc trong tất cả những bài giảng của ngài. Nhân phẩm của mỗi người Ba Lan, một dân tộc có dòng lịch sử anh hùng; nhân phẩm của mỗi công nhân (một điều mà những người theo XHCN cho rằng chỉ có họ mới thực hiện được); gía trị của tự do; truyền thống chịu đựng; trung thành với sự thật; can đảm trong hi sinh...

Bỗng dưng cuộc đối thoại đã đổi chiều, thay vì những người Cộng Sản (Communists) và Xã Hội (Socialists) kêu gọi các Kitô hữu đối thoại và hợp tác, thì nay chính các Kitô hữu đã mời gọi tất cả mọi người cùng hợp tác. Tinh thần “hợp tác” đến hi sinh này đã được thể hiện qua gương hi sinh của các thánh (người Ba Lan) Stanislaw, thánh Maksymilian Kolbe mà ÐTC thường nhắc tới.

Như vậy thì ai đã chiến thắng và ai đã thất bại? Ðúng, Giáo Hội Kitô đã chiến thắng và chủ nghĩa xã hội của những người Marxists đã thất bại. Tuy nhiên, nhận định như thế là chưa đủ sâu sắc, vì thực sự đây là một thành công của toàn thể quốc gia Ba Lan. Cả nước đã làm sự chọn lựa và biểu lộ sự thật này cho toàn thế giới. Họ đã chọn lựa Kitô Giáo thay vì những hứa hẹn thế trần.

2. Người ta không thể cho rằng Giáo Hội Công Giáo Ba Lan đã chống những chi tiết của XHCN, nhưng chấp nhận hệ thống XHCN trong bản chất. Ðiều đó thực sự đã không đúng vì Giáo Hội vẫn chưa hài lòng với hệ thống XHCN. Hàng giáo phẩm Ba Lan, và ngay cả ÐTC Gioan Phaolô II đã không dùng chữ XHCN trong những văn kiện của các ngài. Mặt khác, Giáo Hội cũng không chấp nhận Tư Bản Chủ Nghĩa, TBCN đã không có chỗ đứng trong đời sống của Giáo Hội Ba Lan (lúc bấy giờ). Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ đã có một chủ thuyết riêng, Chủ Thuyết Xã Hội Công Giáo mà ÐTC Gioan Phaolô II đã khởi xướng.

3. Người ta cũng có thể nói rằng, qua cuộc đương đầu với thuyết Marxism, Giáo Hội Ba Lan đã tự thanh tẩy và củng cố. Sức mạnh xã hội của Giáo Hội đã đến từ Ðức Tin của các tín hữu, từ sức mạnh của cả quốc gia, từ việc thực thi những truyền thống đạo đức. Giáo Hội đã liên kết mật thiết hơn với cộng đồng dân tộc. Giáo Hội đã từ bỏ những tư hữu không cần thiết để được độc lập và tự do trong tinh thần. Giáo Hội đã dùng ngôn ngữ Phúc Âm nhiều hơn về phẩm gía con người, về sự tự do của họ và về bản chất của quốc gia. Giáo Hội đã không bao giờ trực tiếp đấu tranh với hệ thống chính trị Marxism ở Ba Lan cũng như quốc tế, nhưng đồng thời Giáo Hội đã không chấp nhận hệ thống đó. Giáo Hội đã đưa ra những đề nghị, thay vì những chống đối, với nhà cầm quyền; xây dựng và củng cố những giá trị vượt trên những áp bức; bảo tồn niềm hi vọng của quốc gia.

Khi ÐTC Gioan Phaolô II quỳ gối và hôn trên nền đất tổ Ba Lan, tất cả mọi người đều cảm động, vì đây là cuộc thăm viếng của một người đã trở thành biểu tượng của nền độc lập và chủ quyền của Ba Lan. Ngài không chỉ là một Người, nhưng còn là một Tư Tưởng. Ngài đã cho thấy làm thế nào để có thể sống trong XHCN mà vẫn giữ được lương tâm công chính.

4. Chính Giáo Hội đã kêu gọi sự nhận thức về những lý tưởng xã hội căn bản, mà trước đây đã cấu thành chân trời đạo đức của Marxism. Giáo Hội Ba Lan, cũng như Giáo Hội Hoàn Vũ đã khám phá ra sự sai lạc trong nền tảng tư tưởng của Marxism, để rồi tự tìm thấy những lý tưởng xã hội cho riêng mình. Ðiều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì Marxism chỉ là một hình thức của Neo-paganism (Tân Tà Giáo Chủ Nghĩa) đã nảy sinh sau khi nỗ lực Kitô hóa Âu Châu không thành công. Người Kitô hữu Ba Lan dường như đã khám phá được Kitô Giáo cho chính họ, sau khi tiến trình “kiến tạo xã hội chủ nghĩa” ở Ba Lan đã thất bại. Họ đã thở thành Neo-Christians (Những Tân Kitô Hữu), những người đã trở lại với Kitô Giáo, như một kết quả, sau cuộc đương đầu với kẻ thù của tôn giáo. “Tân Kitô Giáo” ở Ba Lan đã dành lại thế thượng phong về đạo đức, để phát triển thế giới lao động của con người. Ðiều này vô cùng quan trọng, vì nó sẽ làm cho thuyết Marxism không còn cần thiết nữa.

5. Từ kết quả của cuộc đương đầu với Marxism, người Công Giáo Ba Lan đã thông hiểu hơn về Chủ Nghĩa Vô Thần (Atheism) và tìm thấy một vài điều hữu ích. Những người vô thần đã không cần có một tôn giáo để trở thành kẻ vô thần, nhưng đối với các Kitô hữu thì chủ thuyết vô thần cần thiết như một yếu tố trong việc thanh luyện niềm tin vào Thiên Chúa của họ. Giáo Hội không chấp nhận Vô Thần Chủ Nghĩa, nhưng vẫn đối thoại với những người vô thần để hiểu biết những suy tư của họ về Giáo Hội, đồng thời minh chứng chân lý ngàn đời của Giáo Hội.

Sau những lần về thăm lại quê hương Ba Lan của ÐTC Gioan Phaolô II (1979, 1982 và 1987), điều gì đã xảy ra cho Marxism? Có lần, chính Marx đã viết, tôn giáo sẽ bị hủy diệt nếu nó không còn cần thiết nữa. Ông ta tiếp, tôn giáo sẽ bị hủy diệt không phải vì kết quả của những cuộc tranh luận, của những tư tưởng tiến bộ, hoặc áp lực của bạo động, nhưng vì một lý do đơn giản hơn nhiều, chỉ như sự biến mất của những guồng quay tơ thô sơ trong thời đại của kỹ nghệ dệt. Lịch sử của Marxism đã không chứng minh được điều này, nhưng dường như bằng một sự trùng hợp nghịch lý, lý thuyết của Marx lại được minh chứng trong chính lịch sử của Marxism (Marxism đã bị tự diệt, vì không còn cần thiết). Tuy nhiên, người ta không nên quên rằng tinh thần của Marxism có thể vẫn còn phảng phất trong hệ thống chính trị được gọi là xã hội chủ nghĩa, mặc dù sau này không ai còn tự nhận mình là người Marxist nữa.

Sự sụp đổ của bức tường Bá Linh (Berlin Wall, phân chia thành phố Berlin ở Đức thành hai khu vực, Đông: CS. Tây: Tự Do) và khối Cộng Sản Quốc Tế, chỉ mấy năm sau khi những sự kiện kể trên xảy ra, đã minh chứng sự thâm tín và khả năng nhìn trước thời cuộc của Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và cả giáo hội Công Giáo hoàn vũ.

LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng