CHỦ THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO CỦA CHÂN PHÚC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

Năm 1978, khi Ðức Hồng Y Karol Wojtyla, người Ba Lan (Poland), một quốc gia đang thuộc khối Cộng Sản ở Đông Âu Châu, đăng quang Giáo Hoàng; cả thế giới nói chung và giáo hội Công Giáo nói riêng đã chờ đợi những thay đổi đặc biệt nơi ngài.

Sau khi minh định đường lối thần học của ngài qua hai tông huấn (encyclicals) “Ðấng Cứu Thế” (Redemptor Hominis, 1979) và “Giàu Lòng Từ Tâm” (Dives in Misericordia, 1980), Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thực sự cho thế giới biết chiều hướng xã hội của ngài qua tông huấn “Lao Ðộng” (Laborem Exercens) vào năm 1981. Một chủ thuyết xã hội Công Giáo mới đã được thành hình.

Năm 1971, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày ban hành tông huấn về lao động “Rerum Novarum” (Tân Vụ) của ÐGH Lêo XIII, 1891; ÐGH Phaolô VI đã gửi đến Ðức Hồng Y Maurice Roy, Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Hoàng (1) về Công Lý và Hòa Bình (Justitia et Pax), tông thư (apostolic letter) “Bát Thập Chu Niên” (Octogesima Adveniens). Trong đó, Ngài đã cảnh cáo mọi người Công Giáo không được theo chủ nghĩa xã hội kiểu Marxism (thuyết Mác-xít), nhưng vẫn mở cửa cho các mẫu chủ thuyết xã hội khác còn dành chỗ đứng cho chiều hướng tôn giáo. Là người đến từ Ba-Lan, lúc đó đang theo chủ nghĩa Cộng Sản (cho đến năm 1989), Đức Thánh Cha (ÐTC) Gioan Phaolô II đã dựa theo tinh thần tông thư nói trên của ÐGH Phaolô VI, để trình bày những nguyên tắc về công bằng xã hội phù hợp cho cả thế giới trong thời đại hiện tại. Trọng tâm của chủ thuyết này là: Lao Ðộng Thì Ưu Tiên Hơn Tư Bản.

Theo tông huấn Lao Ðộng, một nền “kinh tế tư bản” được định nghĩa là nền kinh tế đã đặt “tư bản ưu tiên hơn lao động.” Vì vậy, ngay cả những nền kinh tế tự cho là “xã hội” vẫn bị kết án là kinh tế tư bản, nếu vi phạm điều nêu trên. (Định nghĩa tổng quát về kinh tế tư bản là: “Một hệ thống kinh tế, theo đó các phương tiện sản xuất đều thuộc quyền của tư nhân hay tổ hợp và tạo lợi nhuận.” Các “phương tiện sản xuất” này, ngoài những dụng cụ, máy móc, còn bao gồm cả công nhân, thợ thuyền, nhân viên hành chính… Họ chẳng bao giờ được coi là “ưu tiên” hơn giới chủ nhân.) ÐTC đã nêu rõ rằng phong trào lao động và quyền lực chính trị đã làm biến dạng chủ nghĩa tư bản thành “Tân Tư Bản Chủ Nghĩa” (Neo-capitalism). Ðó là một hệ thống xã hội chỉ nhằm đến những tiến bộ và phồn thịnh vật chất. Trong thế giới ngày nay, với những tương giao quốc tế mở rộng đến tất cả các quốc gia, không phân biệt lớn-nhỏ, giàu-nghèo; tân tư bản chủ nghĩa đã tạo nên những mối áp bức mới, đè lên những nước nhược tiểu.

Hệ thống kinh tế đề nghị trong tông huấn Lao Ðộng đã hình thành một chủ thuyết xã hội với những đặc tính như sau:

Chủ thuyết xã hội đạo đức

Chủ thuyết xã hội của ÐTC Gioan Phaolô II khác biệt hẳn với cái gọi là khoa học xã hội chủ nghĩa của những người cộng sản. Theo họ, toàn bộ ngôn ngữ của đạo đức và công lý đều thuộc về nền văn hóa địa chủ và trưởng gỉa (Bourgeois), vì vậy chúng mang ý nghĩa phản động. Chủ thuyết của ÐTC cũng ngược hẳn với chủ nghĩa tư bản đã đặt kỹ thuật, xã hội lên trên hết, tạo nên những đau khổ cho con người và đưa một phần lớn nhân loại đến chỗ khốn cùng. Là chủ thuyết xã hội đạo đức vì phong trào nhân công thoát thai từ chủ thuyết này đã có căn bản đạo đức. Nhân dân liên kết đấu tranh cho quyền lợi chung của họ với chủ trương công lý cho tất cả. Phong trào đòi hỏi liên kết, trung tín, hi sinh, lo lắng cho nhau (những gía trị đạo đức). Ngoài ra, những Kitô hữu tham gia phong trào đã đặt căn bản trên đức tin, hợp nhất với ước mong của giáo hội là trung thành với Ðức Giêsu Kitô.

Chủ Thuyết Giải Phóng

Chủ thuyết xã hội của ÐTC Gioan Phaolô II khác biệt hoàn toàn với “Lý tưởng xã hội” của Karl Marx (Các-Mác) và Friedrick Engels (Ăng-gen), hoặc xã hội kiểu Fabian đang ảnh hưởng đến đảng Lao Ðộng ở Anh Quốc và Gia Nã Ðại (Canada.) Chủ thuyết của ÐTC kêu gọi công nhân đoàn kết đấu tranh dành lại quyền ưu tiên cho lao động lên trên tư bản. Tư tưởng xã hội đã nẩy sinh, đưa đến chiến thắng qua phong trào nhân công.

Chủ thuyết hợp tác

Hợp tác trên hai lãnh vực: Thứ nhất, chủ thuyết xã hội của ÐTC biến công nhân trở thành chủ nhân và cùng chịu trách nhiệm về những đường lối của công ty, hãng, xưởng. Thứ hai, kế hoạch trung ương do chính phủ hướng dẫn phải để cho các công ty, hãng, xưởng có tiếng nói và tôn trọng quyền lợi địa phương.

Chủ thuyết có chiều hướng quốc tế

Vì tài nguyên thiên nhiên trên thế giới chỉ có giới hạn và không đồng đều, do đó cần phải có sự hợp tác giữa các quốc gia giàu tài nguyên và các nước nghèo, có ít hoặc không có tài nguyên gì cả. Chỉ có hệ thống hợp tác thế giới này mới mang trọn vẹn ý nghĩa của xã hội chủ nghĩa.

Chủ thuyết canh tân

Chủ thuyết xã hội của ÐTC Gioan Phaolô II không đặt đối tượng trực tiếp vào những nước nghèo, nhưng chỉ chuyển ý nghĩa chung đến các quốc gia này. Ðể đạt được công lý, cần phải có những canh tân trong xã hội, và nếu cần, vấn đề một cuộc cách mạng cũng có thể đề cập tới. Tuy nhiên, chủ thuyết đã nói nhiều tới các xã hội kỹ thuật của các nước Ðông (Cộng Sản) và Tây (Tư Bản). Ðối với các quốc gia còn theo cộng sản (năm 1981), tông huấn đã ngầm nhắc tới phong trào Công Đoàn Đoàn Kết (Solidarnosc, Solidarity) ở Ba Lan. (Đến năm 1989, Công Đoàn này đã trở thành khởi điểm của cuộc cách mạng đòi dân chủ, “giải phóng” toàn cõi Đông Âu, Liên Bang Soviet (Soviet Union, Nga-sô hay Liên-xô) và nhiều quốc gia khác khỏi những chính phủ Cộng Sản.) Những luật lệ hiện hành cần phải cải đổi, đưa tinh thần dân chủ vào các công ty, hãng, xưởng và mở rộng sự hợp tác cho công nhân tại guồng máy trung ương. Ðối với các nước tư bản, các Kitô hữu đã được kêu gọi ủng hộ các phong trào có chiều hướng cải tiến đời sống chung trong xã hội. Tóm lại, giới công nhân phải đấu tranh để biến cải các hệ thống hiện hữu, nhằm đưa tư bản phục vụ lao động.

Chủ thuyết hóa giải được Marxism (thuyết Mác-xít)

Một vài mẫu mực của Marxism đã được tông huấn xử dụng, đặc biêt trong lãnh vực nhân bản vài cải cách. Quan niệm con người như một “người làm việc tự tạo qua lao động,” đã là kết qủa của nhiều năm đương đầu với Marxism. Ðây là đòn “dùng gậy ông đập lưng ông” mà ÐTC đã xử dụng hết sức khéo léo và tinh tế để hóa giải toàn bộ lý thuyết của Marx.

Chủ thuyết phi ý thức hệ

Chủ thuyết xã hội của ÐTC biệt lập hẳn với những xã hội chủ nghĩa khác đã có liên hệ với triết thuyết của lịch sử. Ý thức hệ (Ideology), theo sự định nghĩa của tông huấn, luôn luôn đến từ những phân tách của các biến đổi lịch sử, để rồi bị trừu tượng hóa bởi những hoàn cảnh lịch sử này và tạo nên một gía trị mông lung. Ý thức hệ làm cho con người trở nên mù quáng, phân tích sai lạc, gây tổn hại cho tất cả. Ý thức hệ không dám công nhận con người là chủ thể, do đó lịch sử không thể phỏng đoán cách khoa học được. Ngoài ra, chủ thuyết của ÐTC còn khuyến khích sự hợp tác với tất cả những phong trào xã hội khác, miễn là họ có cùng một mục đích đấu tranh. Qua tông huấn Lao Ðộng, người Kitô hữu chú trọng đến hai mục đích chính. Ðưa tinh thần dân chủ vào các nơi làm việc và tạo một hệ thống chính trị có thể gây dựng một kế hoạch kinh tế hợp lý.

ẢNH HƯỞNG CỦA TÔNG HUẤN LAO ÐỘNG

Tông huấn Lao động đã gây được ảnh hưởng sâu rộng đến cả hai thế giới cộng sản và tư bản, đồng thời sửa sai một vài qúa lố hoặc sai lầm ở đệ tam thế giới, đặc biệt là phong trào Thần Học Giải Phóng ở châu Mỹ La Tinh (từ Mexico trở xuống Nam Mỹ Châu). Tại các nước cộng sản, đặc biệt ở Ba Lan, tông huấn đã trở nên kim chỉ nam cho Công Ðoàn Ðoàn Kết. Cuộc đấu tranh của công đoàn, ở thời điểm này (1981), tuy đã bớt phần sôi động bề ngoài, nhưng cường độ của sự tranh đấu vẫn không kém lúc trước. Công đoàn đã đạt được những thắng lợi đáng kể làm gia tăng mức sống cho các nhân công.

Tại các nước tư bản, đặc biệt là Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại (Canada), các Hội Ðồng Giám Mục của hai nước này đã soạn thư mục vụ về công bằng xã hội, gây sôi nổi không ít trong các từng lớp dân chúng. Các Ðức Giám Mục Canada, trong ngày đầu năm 1983, đã công bố thư mục vụ tựa đề “Những suy tư luân lý về cuộc khủng hoảng kinh tế” (Ethical Reflections on the Economic Crisis). Các ngài đã mạnh dạn lên tiếng: “Những thực tại kinh tế minh chứng rằng đã có những sai lầm luân lý trong xã hội.” Các ngài đòi hỏi một sự thay đổi kinh tế nhằm đặt ưu tiên trên sự cung cấp cho dân chúng những nhu cầu cần thiết, trên giá trị của nhân công và trên sự phân phát tài nguyên và quyền lực đồng đều cho dân chúng và các địa phương. Bức thư đã được giáo hội Anh Giáo ở Canada nhiệt liệt ủng hộ. Ðồng thời tại các xứ đạo, dân chúng đã hội họp, thảo luận nhằm hành động hóa giáo huấn của Ðức Thánh Cha.

Tại Hoa Kỳ, đã hai lần Hội Ðồng Giám Mục soạn thư mục vụ về công bằng xã hội. Bản thảo thứ nhất được công bố ngày 11/11/1984; (bản thứ hai, ngày 7/10/1995.) Cũng theo tinh thần tông huấn Lao Ðộng của ÐTC Gioan Phaolô II, các ÐGM Hoa Kỳ đã kêu gọi tinh thần hợp tác giữa các nhân công và chủ nhân, giữa chính phủ và các xí nghiệp, giữa các thành phần trong xã hội và chính phủ Liên Bang, cuối cùng là giữa Hoa Kỳ và các quốc gia trên thế giới, trong tinh thần cùng chia sẻ trách nhiệm. Mục tiêu của hành động là xây dựng một nền kinh tế phồn thịnh nhằm cung cấp cơ hội có công ăn, việc làm cho tất cả; quyền bình đẳng về nghề nghiệp cho phụ nữ và các thành phần thiểu số; cải tổ hệ thống thuế má để giảm bớt gánh nặng cho người nghèo; tạo các chương trình và kế hoạch để giúp người nghèo có thể tự túc được; phát triển chương trình giáo dục cho các trẻ em nghèo và tạo các vườn trẻ để giúp các phụ huynh có thể tìm việc làm. Các ÐGM tin rằng đã đến lúc phải kiểm chứng sự cần thiết của nền công lý trong hệ thống kinh tế, để những người nghèo trong quốc gia này và trên thế giới cũng được hưởng những tài nguyên Chúa ban.

MỘT NỀN THẦN HỌC GIẢI PHÓNG CHÂN CHÍNH

Tông huấn Lao Ðộng đã giải quyết những bế tắc, hay đúng hơn, những sai lầm, của nền thần học giải phóng ở Châu Mỹ La Tinh. Ðầu tháng Tư, 1986, với sự chấp thuận của ÐTC Gioan Phaolô II, thánh bộ Ðức Tin và Tín Ðiều do Ðức Hồng Y Joseph Ratzingher (Đức đương kim Giáo Hoàng Benedictô XVI) làm bộ trưởng, đã cho đăng bản công bố về thần học giải phóng dài 18 ngàn chữ, mang tựa đề: “Hướng dẫn về tự do và giải phóng của Kitô giáo” (Introduction on Christian Freedom and Liberation). Nội dung bản công bố này đã không đi ra ngoài tinh thần của tông huấn Lao Ðộng, đồng thời tái xác định bản công bố: “Hướng dẫn về một vài phương diện của thần học giải phóng” (Introduction on Certain Aspects of Theology of Liberation), năm 1984. Tuy nhiên lời văn của bản công bố lần thứ hai có vẻ dịu dàng hơn, cùng lúc với việc giải vạ “cấm khẩu” cho cựu linh mục Leonardo Boff (ông đã hồi tục năm 1992), làm cho nhiều người lầm tưởng rằng Tòa Thánh đã chấp nhận nền thần học giải phóng của cựu LM Leonardo Boff (thuộc dòng Phanxicô, người nước Brazil, Ba-Tây) và LM Gustavo Gutierrez (dòng Đa Minh, người nước Peru). Thực ra, Tòa Thánh vẫn dành quyền công bố nền thần học giải phóng chân chính để phân biệt với những thần học giải phóng “bất xứng” khác.

Ðiểm đặc biệt trong bản công bố tháng 4/86 là Tòa Thánh đã nhắc lại tông huấn “Phát Tiển Các Dân Tộc” (Populorum Progressio, 1967, của ÐGH Phaolô VI). Theo đó, đấu tranh bạo động có thể được chấp nhận như một giải pháp cuối cùng, để kết thúc một bạo quyền đã chà đạp những quyền căn bản của cá nhân và sự hữu ích chung. Ðiều này đặc biệt ám chỉ chính phủ kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi và nhiều chính phủ khác ở Châu Mỹ La Tinh, lúc bấy giờ. Các giới chức trong Tòa Thánh cho biết cuộc đấu tranh lật đổ chính phủ của tổng thống Ferdinand Marcos ở Phi Luật Tân (Philippines), năm 1986, do các Ðức Giám Mục xứ này khuyến khích, đã không đi ngược lại với tinh thần bản công bố. Tuy nhiên, ÐHY Sin, vị giáo chủ của giáo hội Phi Luật Tân, vẫn bị gọi về Roma, dường như để phải nghe ÐTC Gioan Phaolô II khiển trách vì ngài và các ÐGM đã đi qúa xa vào lãnh vực chính trị.

Bản công bố đã cảnh cáo hàng linh mục, tu sĩ không được trực tiếp tham gia chính trị hoặc đưa chủ thuyết Marxism vào các sinh hoạt của xứ đạo, nhân danh người nghèo. (Thuở ấy, 1986, đã có một vài LM tham gia chính quyền cộng sản ở Nicaragua, như Miguel d’Essoto: Ngoại Trưởng; Ernesto Cardenal: Bộ Trưởng Văn Hóa. Nhưng họ đã bị Tòa Thánh Vatican bắt buộc phải hồi tục trước khi tiếp tục đảm trách những chức vụ đó.) Các giới chức cũng cảnh cáo thêm rằng bản công bố sẽ không làm kết thúc những lầm lẫn về thần học giải phóng, vì có nhiều người đã lầm tưởng Tòa Thánh đã chấp nhận nền thần học giải phóng ở Châu Mỹ La Tinh. Tòa Thánh vẫn không thay đổi việc cấm dùng phương pháp đấu tranh giai cấp và dùng cách phân tích của Marxism để hợp lệ hóa các hoạt động xã hội của một số linh mục, tu sĩ.

Tòa Thánh vẫn dành quyền công bố nền thần học giải phóng chân chính. Nền thần học đó sẽ không có đấu tranh giai cấp, không theo Marxism, và cũng không phải là thần học của LM Gutierrez và cựu LM Boff.

Một hệ thống xã hội tội lỗi, đã gây nên bởi những cá nhân tội lỗi. Do đó, giải phóng xã hội phải được bắt đầu bằng sự hối cải của các cá nhân. Giáo hội đã và đang có nhiều Kitô hữu tình nguyện làm việc để biến đổi lương tâm con người và cải tiến xã hội. Ðể cùng thực hiện điều đó, mọi Kitô hữu phải từ bỏ phương thức đấu tranh bạo động và “huyền thoại cách mạng” của Marxism; đồng thời cũng từ bỏ vật chất chủ nghĩa trong các xã hội tư bản, và một vài dạng xã hội khác, tuy còn gọi là “xã hội chủ nghĩa”, nhưng thực chất đã là một xã hội đang có nền kinh tế tư bản, vì họ vẫn đặt tư bản (chủ) ưu tiên hơn lao động (thợ). Ðể cùng thực hiện điều đó, người Kitô hữu sẽ tuân hành những giáo huấn của Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Lao Ðộng; một nền thần học giải phóng chân chính, và một gợi ý cách mạng, không phải chỉ để giải phóng “con người lao động” (mục tiêu của Marxism), nhưng là giải phóng “con người toàn diện.”

LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng

(1): Lịch sử Hội Đồng Giáo Hoàng (hay HĐ Tòa Thánh) về Công Lý và Hòa Bình được bắt đầu trong Công Đồng Vatican II, khi các nghị phụ đề nghị Tòa Thánh thành lập một “cơ quan” mới cho giáo hội hoàn vũ. Cơ quan đó sẽ đóng vai trò: “Khuyến khích cộng đồng Kitô giáo thúc đẩy sự phát triển trong những vùng nghèo đói và công bằng xã hội theo cảnh quan quốc tế.” (Hiến chế mục vụ “Gaudium et Spes” #90).

Đáp lại đề nghị này, ngày 6/1/1967, ĐGH Phaolô VI, bằng quyền bính riêng của ngài (Motu proprio) đã cho thành lập Ủy Ban Giáo Hoàng (Pontifical Commission) về Công Lý và Hòa Bình (Justitia et Pax). Hai tháng sau, trong tông huấn “Phát Triển Các Dân Tộc” (Populorum Progressio), ĐGH Phaolô VI đã xác định danh xưng và chương trình của ủy ban đó là “Công Lý và Hòa Bình.”

Sau 10 năm thử nghiệm, ngày 10/12/1976, ĐGH Phaolô VI, cũng bằng quyền bính riêng của ngài, đã tuyên bố chính thức thành lập Ủy Ban Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình (Justitiam et Pacem).

Năm 1987, trong tông huấn “Quan Tâm Xã Hội” (Sollicitudo Rei Sicialis), Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lại tái xác định rằng Hiến Chế Mục Vụ của Công Đồng và tông huấn về xã hội của ĐHG Phaolô VI nói trên “trong một cách chắc chắn… đã áp dụng giáo huấn của Công Đồng” (#6).

Năm 1988, nhân dịp tái cơ cấu các thánh bộ (Roman Curia), Chân Phúc Gioan Phaolô II đã đổi tên Ủy Ban nói trên thành Hội Đồng Giáo Hoàng (Pontifical Council) về Công Lý và Hòa Bình.