Làm cha mẹ không dễ. Với những người mới làm cha mẹ, công việc càng khó hơn. Vài tháng đầu là mớ hỗn độn những tã lót, cho con bú, con ợ ra, lau chùi và ngủ vào lúc khác thường, đứa trẻ sẽ có vài sự thay đổi khi nó được 1 tuổi.

Nhà trị liệu phát triển Mugdha Wagh nói rằng đa số trẻ đều bắt đầu biết đi lúc khoảng 13 hay 14 tháng. Đó là lúc trẻ chập chững những bước chưa vững, hai tay giơ ra giữ thăng bằng và thường hay té nhào.

Khoảng 15 tới 18 tháng, trẻ bắt đầu đi vững hơn, có thể kéo đẩy những đồ chơi có bánh lăn, có thể bước đi với bàn tay hỗ trợ, nhặt đồ chơi lên mà không ngã, tự đứng lên và ngồi xuống. Khoảng 18 tới 24 tháng, bé có thể chạy, leo cầu thang nhờ vịn vô tường, ngồi chồm hổm và leo lên ghế thấp. Sự phát triển thính giác của bé cũng cải thiện mau. Lúc 12 tới 18 tháng, bé có thể nghe hiểu những từ có ý nghĩa, quay về hướng có tiếng nói, tuân theo những hướng dẫn đơn giản, bắt chước âm thanh, dùng các “đặc ngữ” (jargon) và những từ có thể hiểu đúng lúc 14 tới 15 tháng. Khoảng 18 tới 24 tháng, bé hiểu những lời nói và hướng dẫn đơn giản, bắt đầu ghép từ thành những câu ngắn lúc 20 tới 22 tháng.

TS Suman Bijlani nói rằng “bó tay” trước cơn giận của trẻ là một trong những sai lầm lớn nhất của cha mẹ. Hãy ngăn ngừa cơn giận của trẻ bằng cách tập thói quen cho trẻ như ăn uống, chơi và ngủ đúng giờ. Hãy giải thích mọi thứ theo ngôn ngữ của trẻ – dùng từ đơn giản và khái niệm rõ ràng. Hãy thưởng cách cư xử tốt. Cho trẻ ăn có thể là một thử thách trong giai đoạn này. Một người mẹ không thể cho con ăn trọn bữa, có thể cảm thấy thất vọng và có thể ép trẻ ăn để cảm thấy không áy náy.

Hãy điều chỉnh giờ ăn hợp lý và chuẩn bị đồ dinh dưỡng mà trẻ thích. Hãy khuyến khích trẻ ăn nhiều loại thực phẩm. Nếu trẻ không ăn một loại thực phẩm nào đó, hãy thử cho ăn lại. Đừng kéo dài thời gian bữa ăn quá 30 phút.

BS khoa nhi Barkha Chawla nói rằng thói quen ăn uống rất quan trọng. Bốn bữa mỗi ngày là chính. Việc bú sữa mẹ nên được tiếp tục cùng với thực phẩm. Tuy nhiên, bú nhiều với ăn không đủ sẽ khiến trẻ thiếu máu do thiếu chất sắt. Trẻ ở độ tuổi này có thể bắt đầu thích bánh mì, cơm và ngũ cốc, hãy điều chỉnh chế độ ăn uống để có cả trái cây và rau đậu. Trẻ cần có thời gian để quen trước khi chấp nhận.

Sô-cô-la, nước lạnh, đồ gia vị, trà, cà-phê,… nên tránh vì có các hóa chất có thể hại cho trẻ. Những thứ đó có thể làm hại khẩu vị của trẻ đối với những bữa ăn bổ dưỡng. Tránh quả hạch, bắp nổ, khoai tây chiên, nho tươi, nho khô,… vì có thể làm trẻ hóc hoặc nghẹn. Hãy có thời khóa biểu ăn uống, nên có một bữa ăn chung với gia đình để tạo sự thân thiện tình cảm. Hãy khuyến khích trẻ tự ăn, dù có thể trẻ còn lúng túng. Điều này giúp trẻ phát triển kỹ năng chuyển động và hợp tác, giúp trẻ biết độc lập, và giúp trẻ tận hưởng bữa ăn hơn.

Vệ sinh miệng là điều quan trọng ở trẻ 1 tuổi. Hãy dạy trẻ dùng bàn chải răng mỗi ngày 2 lần vì lúc này trẻ có 4 răng, hàm trên hoặc hàm dưới. Hãy chọn loại bàn chai sợi nylon mềm. Có thể làm mềm bằng cách nhúng bàn chải vô nước ấm vài phút, dùng loại kem dành cho trẻ em trải đều mặt bàn chải và nhúng vô nước. Trẻ có thể nuốt kem đánh răng nên phải nhắc nhở trẻ cẩn thận. Có thể lau nướu bằng loại vải mềm. Hư răng vì bú bình có thể xảy ra khi răng tiếp xúc nhiều với đường từ carbohydrate một thời gian dài. Carbohydrate trong nước ép trái cây sẽ biến thành đường đơn giản khiến vi khuẩn phát triển. Hãy vệ sinh răng miệng cho trẻ sau mỗi lần ăn uống hoặc bú sữa.

Nhà trị liệu trẻ em Seema Hingorrany nói rằng, ngày nay các quan niệm truyền thống về nuôi dạy trẻ đã thay đổi. Ngoài người mẹ, người cha và các thành viên gia đình cũng giữ vai trò quan trọng. Nghiên cứu cho thấy trẻ dành nhiều thời gian ở bên người cha sẽ học giỏi hơn và tự tin hơn. Cha mẹ thường có kiểu cách và sự mạnh mẽ khác nhau trong vai trò phụ huynh. Các vai trò này bổ sung cho nhau – không thể thay thế lẫn nhau và cả hai đều cần thiết đối với việc nuôi dạy trẻ lành mạnh. Cha mẹ cũng cần nỗ lực thêm trong chính mối quan hệ phu thê của mình. Người chồng cần trau dồi thêm kỹ năng lắng nghe trong giai đoạn này và đừng phê bình người vợ. Giúp đỡ việc nhà hằng ngày tạo sự khác biệt rất nhiều. Một trong các lý do chính gây xung đột cũng từ đó phát sinh. Cẩn tắc vô ưu!

(Chuyển ngữ từ Times Of India)