Thu nhập bình quân trên đầu người ở Việt Nam không ngừng được cải thiện. Khi điều kiện kinh tế đủ đầy hơn thì nhu cầu vui chơi, giải trí cũng tăng lên. Tết cổ truyền là dịp mà nhu cầu vui chơi, giai trí tăng cao. Vấn đề đặt ra là: liệu các sân chơi có đáp ứng được nhu cầu này? Chúng tôi thử làm một cuộc “du xuân” để tìm hiểu thực trạng này.

NGÀY XƯA YÊU DẤU…

Ngày xưa, ngày tết gắn liền với các trò chơi dân gian như đánh đu, đánh đáo, tổ tôm, cờ cá ngựa, cờ tướng, chọi gà, đấu vật, …Các trò chơi này vừa phong phú về thể loại, vừa phù hợp với tâm sinh lý của từng độ tuổi khác nhau. Trẻ em hồn nhiên, vui tươi với trò chơi đánh đáo; Người trẻ - đôi lứa yêu nhau thì hòa cùng không khí của trò đánh đu; Thanh niên trai trẻ thì túm tụm với trò chơi đá gà, đấu vật; Các bậc cao niên thì đánh tổ tôm, chơi cờ tướng… Nhớ về ngày xưa, ông Bùi Hân (Nghệ An) nhận xét: “các trò chơi dân gian không nặng tình ăn thua mà chỉ có ý nghĩa vui chơi, giải trí. Bên cạnh niềm vui, các trò chơi này còn giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, sự khéo léo cũng như trí thông minh”. Cụ Hoàng Trường (Huế) còn phát hiện được những giá trị khác của trò chơi dân gian. Cụ cho rằng “Đặc điểm chung của các trò chơi dân gian là mang tính tập thể. Ngày xưa, các trò chơi này thường được chơi ở không gian công cộng như sân đình, chùa hoặc trong nhà thờ. Do đặc điểm này mà nó vừa có tính chất cố kết cộng đồng vừa có tính cạnh tranh cao. Chính vì thế mà các trò chơi này đã “sống” được cùng dân tộc suốt một thời gian dài”. Tiếc rằng, những trò chơi ý nghĩa này đang dần bị quên lãng nơi các người trẻ hôm nay! Chính vì thế, bác Trần Văn (Thanh Hóa) tiếc nuối: “Nói thật, tôi không phải là người bảo thủ. Nhưng khi quan sát các trò chơi của lớp trẻ bây giờ, tôi chưa thấy an tâm. Trong lúc cái mới chưa được “kiểm định” thì cũng nên bảo lưu những vốn cũ của cha ông lắm chứ”. Những ưu tư của bác cũng là vấn đề mà chúng tôi muốn đặt ra với các cơ quan hữu quan trước vấn nạn lớp trẻ đang ghiền các trò chơi games online bạo lực.

VUI XUÂN BÂY GIỜ: NGHÈO NÀN VÀ ĐƠN ĐIỆU

Ngày nay, trong khi nhu cầu vui chơi, giải trí của con người tăng lên thì buồn thay sân chơi trong các lễ hội – đặc biệt ngày tết chưa đáp ứng được nhịp tiến này. Trong lúc trò chơi cũ đã bị mai một mà trò chơi mới lại chưa thu hút, chưa thích nghi được người chơi. Thực tế này thể hiện rõ nhất nơi các thành thị nhỏ cũng như của các vùng nông thôn. Anh Tấn Hùng (Thị xã Buôn Hồ) cho hay: “Mang tiếng là thị xã nhưng nơi tôi sống các hình thức giải trí ngày tết của người dân gần như không có gì! Sau khi làm xong nhiệm vụ chúc tết người thân, bạn bè rồi cũng chẳng biết làm gì ngoài chuyện nhậu nhẹt, đánh bài…”. Ở giáo xứ anh Hữu Tuấn (Đồng Nai) thì tình hình có vẻ buồn tẻ hơn. Anh Tuấn cho hay: trước tết nguyên đán, cha xứ ra thông cáo cấm các trò chơi đỏ đen. Là con chiên nên anh đành phải nghe lời cha xứ nên ba ngày xuân của anh chỉ biết….“trăm phần trăm” và…ngủ thôi!

Tội nhất là cánh chị em. Sân chơi dành cho phận nữ nhi đã hiếm, công việc bếp núc, nội trợ lại tăng thêm. Là dịp để nghỉ ngơi, vui chơi nhưng thực tế cho thấy ngày hội này, công việc của cánh chị em không giảm tí nào, trái lại còn tăng nữa là khác! Chị Bích Hòa (Nha Trang) bộc bạch: “Từ sáng đến tối, cứ có khách là tôi phải dọn thức ăn – đồ uống tiếp khách cho chồng, bố chồng, rồi khi khách về là vật lộn với đống chén bát”. Chị Trâm Anh (Bảo Lộc) lại giải bày “Cánh đàn ông thì còn có bàn tiệc làm vui, lớp trẻ thì được vui chơi đây đó. Còn chị em chúng tôi thì không lẽ cũng chơi bài, cũng bù khú? Nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân nhưng chẳng biết làm sao cả”.

Với những người khá giả thì tết là dịp để họ đi du xuân, đi du lịch đây đó. Ngày xuân là dịp để gia đình đoàn tụ, sum vầy. Do vậy, du xuân nên các thành viên gia đình tản mát mỗi người một nơi. Việc này ít nhiều làm mất đi ý nghĩa của lễ hội này. Chị Nguyên Hương (Tp. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi bị say xe nên rất sợ đi lại. Trong lúc đó, chồng con thì nhất mực tết phải đi du lịch Đà Lạt hoặc Mũi né hay Campuchia…Năm trước, tôi chiều chồng con nên đi cùng. Sau chuyến đi, tôi phải nghỉ thêm cả tuần mới lại sức. Năm rồi đây, tôi kiên quyết ở nhà nên ba ngày tết tôi phải thui thủi một mình trong nhà! Lạ lắm, mới mồng 2 tết mà mong sao cho mau hết tết để được gặp chồng con!”

VÀI HƯỚNG ĐI

Thời gian gần đây, khá nhiều giáo xứ đã tổ chức hội chợ để vừa tạo sân chơi lành mạnh cho người dân vừa kiếm thêm nguôn kinh phí cho giáo xứ. Đây là một hoạt động rất hữu ích, thiết thực nên được mọi người ủng hộ. Ông Nguyễn Đình Hương – chủ tịch Hội đồng giáo xứ Vinh Đức (Ban Mê Thuật) cho hay: “Giáo xứ chúng tôi đã tổ chức hội chợ xuân được gần 10 năm nay. Từ ngày có thêm sân chơi này, giáo xứ đã có thêm nguồn ngân quỹ để xây dựng các công trình cần thiết. Và đặc biệt, khi sân chơi này mở ra, các tệ nạn đỏ đen trong giáo xứ giảm hẳn”. Tuy nhiên, sân chơi này cũng cần có những điều chỉnh để đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của mọi người. Anh Quốc Toản (Lagi) nhận xét: “Các trò chơi ở hội chợ xuân giáo xứ tôi còn khá đơn điệu, nghèo nàn. Năm nào cũng lặp lại một số trò chơi nhất định”. Anh Duy Quang (Cam Ranh) thì lại cho rằng “tôi có cảm giác rằng, các trò chơi này chỉ phù hợp với trẻ con hơn là người lớn. Các giải thưởng là chai dầu, chai nước ngọt, cuốn tập, hộp bánh…nên người lớn không hứng thú tham gia”. Về việc này, tôi nhận thấy một số giáo xứ ở Ban Mê Thuật như giáo xứ Vinh Đức, Vinh Hòa, Châu Sơn…đã bắt đầu có những điều chỉnh. Các giáo xứ nơi đây thường có các quầy lô tô sổ các loại hàng hóa là các vật tư nhà nông như các loại phân, dầu nhớt, các phương tiện nhà nông hay dùng như máy cắt cỏ, bình phun thuốc sâu, các loại máy nông nghiệp, xe gắn máy…Chính vì đáp ứng nhu cầu “khách hàng” mà các quầy hàng này luôn đông khách – đặc biệt là các khách thuộc lớp trung niên.

Ngoài việc tổ chức hội chợ xuân, một số giáo xứ còn tổ chức các phòng trà, các tụ điểm văn nghệ. Sân chơi này luôn được các bạn trẻ hưởng ứng. Đến đây, họ vừa được gặp nhau, chuyện trò lại vừa được thể hiện mình qua lời ca, tiếng hát.

Ở Tp. Hồ Chí Minh, tôi còn thấy một sân chơi rất ấm áp tình người. Đó là việc các giáo xứ thường xuyên tổ chức các cuộc thăm viếng, chúc tết các cụ già ở viện dưỡng lão hoặc các bệnh nhân không có điều kiện về ăn tết với gia đình. Đây là một nghĩa cử rất cao quý, rất đáng biểu dương và nhân rộng. Chị Thanh Bình (Gò Vấp) – người có thâm niên trong việc này chia sẻ: “Trong lúc chúng ta được vui vầy bên gia đình thì họ lại thui thủi một mình. Nghĩ đến cảnh này mà…gần 10 năm nay, tôi thường xuyên ghé thăm các cụ - đặc biệt là dịp tết cổ truyền”.

***

“Du xuân” một vòng để thấy rằng sân chơi ngày tết của chúng ta còn khá nghèo nàn và đơn điệu. Đã thế, sân chơi này cũng chưa có “tính dân chủ” – cánh chị em chưa được hưởng trọn niềm vui này. Hy vọng từ thực trạng này và từ những hướng đi gợi mở trên, những người có trách nhiệm sẽ quan tâm hơn đến sân chơi ngày tết cho mọi thành phần để ngày tết sẽ xứng đáng là ngày đại lễ, ngày lễ hội của mọi người, mọi nhà.