Ngày tôi về đến Galilê, bước chân của tôi được đưa đến với Cana, nơi Chúa làm phép lạ đầu tiên. Căn nhà nguyện nho nhỏ ấm cúng với sáu vò nước trang trí trên gian cung thánh tạo ấn tượng ngay cho gười tham dự.

Đoàn chúng tôi có 28 người trong đó có 7 cặp vợ chồng, ngày hôm nay theo lời cha trưởng đoàn, Ngài sẽ dâng lễ đặc biệt cho họ. Với 28 người thì đã có 15 người ngồi đặc biệt trên gian cung thánh, còn lại 13 người lo hát lễ và chủ yếu là cầm giùm máy quay phim và chụp hình để chụp cho các cặp trên kia. Thánh lễ sốt sắn và trang trọng với những lời hứa được đọc lại trước mặt cộng đồng dân Chúa khi tay trong tay, mắt trong mắt. Ắt hẳn sau những năm tháng hôn nhân, đây là ngày vui thứ hai sau ngày cưới được tuyên lại lời yêu thương với ý trung nhân của mình tại đất thánh, tại nơi Thầy Giêsu làm phép lạ đầu tiên cho đôi hôn nhân, đây là lời chúc lành tốt đẹp nhất mà Thầy Chí Thánh dành riêng cho đời sống vợ chồng.

Từ Cana, tôi được đến thăm căn nhà Mẹ ở xưa kia, nơi Mẹ được Thiên Thần Chúa hiện ra báo tin, nay là một ngôi thánh đường lớn xây trên nền nhà cũ. Các quốc gia hầu như có tranh về truyền tin được treo chung quanh khuôn viên của nhà thờ và cả trong lòng nhà thờ nữa. Cũng như tại nhà thờ Thăm Viếng có Benedictus, nhà thờ Pater Noster có kinh Lạy Cha bằng tiếng Việt tôi vội vã đi tìm tranh Việt Nam mình, và tìm mỏi mắt, mỏi chân cũng chưa thấy, lòng lại lẩm bẩm cầu xin cho nước Việt của con được ở bên Mẹ cũng như các quốc gia có tranh ở đây. Đối diện nhà thờ Truyền Tin là nhà của Thánh Giuse, cách nhau chỉ khoảng 100 bước chân. Có lẽ tuổi thơ, cả hai đã biết nhau rồi vì như ông bà mình thường nói: nhất cận lân, nhì mới đến cận thân. Tôi vào thăm nhà thánh Gia Thất ở, bây giờ cũng là một nhà thờ được xây trên nền nhà cũ. Những vết tích xưa vẫn còn đây. Đây là 7 bậc thang dẫn đến chỗ làm mộc của Thánh Giuse, kia là chỗ Thánh Giuse đóng mộc. Nhớ lại hồi còn bé, bố tôi thường kể chuyện để dỗ chúng tôi ngủ, có lần bố tôi kể chuyện về thánh Giuse rằng: Có một lần nọ, thánh Giuse đóng cái bàn cho khách hàng, chẳng biết lỡ tay thế nào lại bị một chân ngắn, tạo thành cái bàn khập khiễng, lúc phát hiện ra thì cũng là lúc ông khách đến lấy. Chẳng biết Ngài than thở thế nào với Đức Mẹ và trẻ Giêsu nghe được nên chạy vội đến phòng mộc của Bố Giuse kéo cái chân bàn cho bằng với ba chân kia. Sau này được học hỏi, tôi mới biết đó là những ngụy thư không được Giáo Hội công nhận, nhưng vẫn được lưu truyền nhiều thế hệ và bọn trẻ chúng tôi rất thích những câu chuyện như thế với đầy óc tưởng tượng và sáng tạo riêng mình những bầu trời tuổi thơ.

Đi thăm nhà Đức Mẹ thời ấu thơ, thăm nhà Thánh Gia Thất… tôi dường như cảm thấy bước chân tuổi thơ các Ngài còn in lại đâu đây,tiếng cười lanh lảnh trẻ thơ còn vương vấn trên các phiến đá nhẵn lối đi này, trên những tàng cây xum xuê… một tuổi thơ êm đềm và một cuộc sống thanh bình vùng Nararet nghèo khó. Thầy Giêsu lớn lên trong căn nhà này 20 thế kỷ trước, nhưng hôm nay mọi người vẫn tìm về để được ngắm, được nhìn, được sờ lại những phiến đá, những lối đi và nơi chốn mà Người đã lưu lại trên cuộc trần này. Sức mạnh nào dẫn dắt con người ta kỳ diệu như thế. Giàu sang, quyền lực cũng chẳng đủ, đi tìm lại căn nguyên, tìm lại nguồn gốc để đặt niềm tin của mình dưới sự hướng dẫn của Thầy Giêsu. Con Người kỳ diệu của bao thế hệ hằng đi tìm và khát mong được gặp thấy.

Chiều Galilê mặt trời xuống sớm, tôi theo đoàn lên thuyền ra hồ Tibêria. Hồ không một gợn sóng, yên lặng, thanh bình. Ngồi ở mạn thuyền nhìn những con sóng dập dềnh, nhìn xa xa trên bờ, phố xá lên đèn… nhớ lại ngày nào Phêrô nói với các anh em: Tôi đi đánh cá, thế là các môn đệ ai ai cũng theo Phêrô. Có lẽ cũng trong cảnh chiều tà thế này, các môn đệ ra khơi… có lẽ bỏ nghề lâu hay vì hôm đó không có cá hay vì Chúa muốn cho các ông lấy lại niềm tin nên đến sáng vẫn chưa có cá ? Tôi ngồi ở mạn thuyền mà cảm giác cảnh các học trò của Thầy buồn rầu, chắc mỗi người một góc và suy nghĩ cho tương lai của mình, hẳn là các ông buồn lăm lắm. Rồi Chúa hiện ra, rồi lưới đầy, rồi nướng cá, rồi Phêrô với đầy sự tin tưởng được trao trách nhiệm chăm sóc chiên của Thầy. Niềm vui của người được Chúa ở cùng là vô tận, là mở lòng và đón nhận tất cả.

Gió lùa mát lạnh vào khoang thuyền, đến giờ cập bến, mọi người bước lên bờ với nụ cười rạng rỡ và chan chứa một niềm vui. Hân hoan với cảm nghiệm được đi thuyền trên biển nơi Thầy Chí Thánh chỉ chỗ thả lưới, vẫn biết rằng: không ai tắm hai lần trên cùng một dòng song, vì nước cứ chảy mãi, nhưng khúc sông này, chỗ này, Thầy đã đến, đã hiện diện và đã ở đây là hoàn toàn có thật. Còn gì vui hơn ?