BẦU CỬ TẠI HOA KỲ 2010 (2)

(Tiếp theo và hết)

II. TIỂU BANG.

A. Thống đốc.

Trong cuộc tuyển cử vào Thứ ba ngày 02.11.2010, cử tri tại 37 tiểu bang và 2 vùng lãnh thổ (territory – territories, số nhiều) sẽ tham gia bầu Thống đốc. Tại các nơi đó, đảng Dân chủ giữ 20 ghế Thống đốc và đảng Cộng hòa giữ 19 ghế.

Trong số 20 Thống đốc đảng Dân chủ xuất nhiệm, 8 vị tới giới hạn nhiệm kỳ (chỉ 36 tiểu bang và 4 vùng lãnh thổ có những giới hạn nhiệm kỳ khác nhau vì theo luật tiểu bang) và 4 vị không tái ứng cử. Đảng Cộng hòa cũng có những con số tương tựa. Cuộc bầu cử Thống đốc tiểu bang Utah có tính cách đặc biệt vì không do chấm dứt nhiệm kỳ nhưng vì Thống đốc Jon Huntsman từ chức vì được cử vào chức vụ Đại sứ Hoa kỳ cạnh chánh phủ Trung quốc tháng 08.2009.

Hiện nay, Hành pháp tiểu bang được điều khiển ngang nhau giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa tức 25 chức Thống đốc cho mỗi đảng.

B. Thượng nghị viện tiểu bang.

Chỉ 43 tiểu bang tổ chức bầu cử 1.167 nghị sĩ tiểu bang vào ngày 02.11.2010 trên tổng số 1.672 vị.

Bảy tiểu bang không tổ chức tuyển cử năm nay là: Kansas, Louisiana, Mississippi, New Jersey, New Mexico, South Carolina và Virginia. Tổng số nghị sĩ 7 tiểu bang này là 229 vị.

C. Hạ nghị viện tiểu bang.

45 tiểu bang tham gia ngày tổng tuyển cử giữa kỳ toàn liên bang năm 2010. 4 tiểu bang Louisiana, Mississippi, New Jersey và Virginia sẽ tổ chức những ngày khác vì có những thời gian nhiệm kỳ khác. Cuối cùng, tiểu bang Nebraska không có Hạ nghị viện.

Trong 45 Hạ nghị viện tiểu bang xuất nhiệm, đảng Dân chủ kiểm soát 29 Viện, đảng Cộng hòa 15 và một Viện không có đa số vì có nhiều dân biểu độc lập. Trong 4 tiểu bang không tổ chức bầu cử kỳ nầy, mỗi đảng kiểm soát 2 tiểu bang. Do đó, như các cuộc điều tra dân ý cho thấy, đảng Cộng hòa có thể chiếm thêm 7 Viện. Như vậy, mỗi đảng sẽ kiểm soát 24 Hạ nghị viện tiểu bang.

D. Các cuộc bầu cử khác.

Khắp các tiểu bang, thành phố, quận hạt trên trên toàn liên bang quốc Hoa kỳ đang rộn ràng, sôi động tranh cử để chuẩn bị ngày tổng tuyển cử ngày thứ ba 02.11.2010. Thí dụ, tại Thành phố San Jose (tiểu bang California) cũng không khác. Hoa kỳ là cường quốc gia hùng mạnh nhất thế giới và San Jose là thành phố lớn vào hàng thứ 10 của đất nước này, với dân số khoảng một triệu người. Trong đó, 10% cư dân là người Mỹ gốc Việt, đa số là người tỵ nạn cộng sản.

Tại Khu vực 7 San Jose, hai ứng cử viên đồng hương đã vinh dự bước vào chung kết với nghị viên xuất nhiệm Madison Nguyễn và ứng cử viên Minh Dương, hứa hẹn nhiều sôi nổi và bất ngờ. Các nghị viên đắc cử tại những Khu vực họp thành Hội đồng Thành phố.

E. Các cuộc trưng cầu dân ý.

Thí dụ: Tại tiểu bang California, cử tri sẽ có cơ hội phải trả lời đồng ý hay không các đề nghị (propositions) có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi thành phần dân cư toàn tiểu bang. Những đề nghị mang nhiều tính cách phức tạp và ẩn ý chánh trị như:

Số 19 – Hợp Thức Hóa Chất Cần Sa nhằm hợp thức hóa việc xử dụng hay mua bán cần sa tương tự như thuốc lá hay rượu bia như hiện nay đối với những người trên 21 tuổi.

Số 20 – Ấn Định Khu Vực Dân Biểu Liên Bang nhằm tu chính hiến pháp tiểu bang để giao trách nhiệm này cho Ủy hội Công dân Ấn định Khu vực Dân Cử (Citizens Redistricting Commission), được thành lập năm 2008 như Ủy hội đang làm đối với khu vực dân cử tiểu bang.

III. VÀI ĐẶC ĐIỂM KỲ TUYỂN CỬ NĂM 2010.

A. Đảng Dân chủ vẫn giữ Thượng nghị viện và đảng Cộng hòa kiểm soát Viện dân biểu.

Các cuộc thăm dò công luận thực hiện vào trung tuần tháng 10.2010 cho thấy đảng Cộng Hòa đang thắng thế so với đảng Dân chủ đôi chút. Kết quả của viện Gallup là: 48% cử tri ủng hộ cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa và 43% bầu cho các ứng viên đảng Dân chủ. Trong số những cử tri có thể sẽ đi bầu, phe Cộng hòa hy vọng được tín nhiệm nhiều hơn so với đảng Dân chủ. Theo kết quả của hãng thăm dò dư luận Reuters-Ipsos công bố ngày 13.10.2010: 48% số người được hỏi ý kiến cho biết sẵn sàng bỏ phiếu cho các ứng viên Cộng hòa và 44% ủng hộ đảng Dân chủ. Thăm dò dư luận của Bloomberg, thực hiện từ ngày 07-10.10.2010, cho kết quả: 50% số người được hỏi ý kiến tuyên bố: chống kế hoạch cải cách y tế bằng dốn phiếu cho các ứng cử viên Cộng hòa.

Trước sự thất thế đó, các ứng cử viên đảng Dân chủ đang cố gắng vận động cử tri đã từng ủng hộ Tổng thống Barack Obama đi bầu và bỏ phiếu cho họ. Một trong những người tham gia vận động giúp cho các ứng cử viên Dân chủ là đệ nhất phu nhân Michelle Obama, khi lên tiếng tại một buổi gây quĩ tại New York đã nói: « Chúng ta không phải có mặt ở đó chỉ vì một cuộc bầu cử. Chúng ta có mặt ở đó không phải chỉ để hỗ trợ cho những ứng cử viên mà chúng ta mến mộ. Chúng ta có mặt để làm sống lại lời hứa hẹn đó. »

Tổng thống Obama đã đi vận động ở nhiều tiểu bang như Rhode Island, Delaware, Massachusetts, Ohio, Florida, California, Oregon, Nevada, New Jersey, Maryland, Illinois và Pennsylvania.

Cùng với Phó Tổng thống Biden tại Wilmington, thành phố lớn nhất của bang Delaware, ông Obama kêu gọi cử tri hãy dồn phiếu cho ông Chris Coons, ứng cử viên nghị sĩ liên bang chống lại bà Christine O'Donnell, ứng cử viên đảng Cộng hòa được sự hậu thuẫn của Tea Party (xem dưới đây), khi nói: « Bầu cho ứng cử viên Coons là tiếp tay thách thức điều mà mọi người thường nghĩ, rằng không thể nào thay đổi được chính trường nước Mỹ tại Washington ». Ông thừa nhận đảng Dân chủ đang « phải đối phó với một môi trường chính trị gay go » vì tỷ lệ thất nghiệp cao. Cùng lúc đó, bà Michelle Obama vận động ở thành phố San Francisco (California) với bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Viện Dân biểu, và tại nhiều tiểu bang khác.

Trong khi đó, một trong những gương mặt nổi bật nhất của đảng Cộng hòa trong cuộc vận động tranh cử 2010 là bà Sarah Pailin, cựu thống đốc tiểu bang Alaska và cựu ứng cử viên phó Tổng thống 2008. Bà đã thực hiện một chuyến đi vận động bằng xe buýt với phong trào Tea Party, phát xuất từ Nevada và trải qua 19 tiểu bang với hy vọng vận động thành công cho các ứng cử viên Cộng hòa. Bà tuyên bố: « Hỡi ông Obama và triều đình của ông, ông sẽ về nhì vì giờ đây chúng tôi có thể thấy được kết quả cho năm 2012. »

Trong những ngày vận động gần ngày tổng tuyển cử, hàng loạt những cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên trên khắp nước, trên các phương tiện truyền thông (hệ thống truyền hình, đài phát thanh, bích chương quảng cáo, ….).

Đảng Cộng hòa cần chiếm thêm 39 trong tổng số 435 ghế của Viện dân biểu để giành lại quyền kiểm soát Viện này. Nếu đảng Cộng hòa thắng cử tại đây, dân biểu John Boehner, tiểu bang Ohio, sẽ trở thành chủ tịch. Tại Thượng nghị viện, đảng Cộng hòa phải có thêm 10 trên 100 ghế để được đa số tại Viện này. Nhưng, theo các nhà phân tích, điều này thật khó thực hiện. Ngoài ra, còn nhiều cử tri Mỹ chưa quyết định tín nhiệm đảng nào hay vào ai. Tuy nhiên, với số 40 nghị sĩ, đảng Cộng hòa có thể cản trở đưa ra biểu quyết các dự luật của đảng Dân chủ.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho đảng Dân chủ rơi vào tình thế khó khăn so với 2 năm trước:

- Kinh tế chưa phục hồi đủ để làm giảm số người thất nghiệp. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Obama đã hứa tạo ra thêm ít nhất 500.000 việc làm mới trong gói trợ cứu kinh tế Mỹ với 783 tỉ mỹ kim đã không thành công như ý muốn.

- Tiền tệ Hoa kỳ - Trung quốc trong thời gian qua. Việc Trung quốc ấn định hối suất nhân dân tệ thấp so với mỹ kim khiến việc xuất cảng hàng hóa Mỹ sang Trung quốc gặp khó khăn và hàng Trung quốc nhập cảng tràn ngập thị trường Hoa kỳ, không tạo việc làm.

Kết quả thăm dò dân ý ở Hoa kỳ cho thấy người Mỹ không chỉ ngày càng lo ngại về sự suy giảm địa vị kinh tế trong những năm tới, mà còn ngày càng lo ngại Trung quốc sẽ chiếm vai trò cường quốc số 1 về kinh tế. Trong một cuộc điều tra vào tháng 04.2010 cho thấy 41% người Mỹ được hỏi cho rằng Trung quốc sẽ dẫn đầu thế giới về kinh tế, cao hơn đôi chút số người chọn câu trả lời là Hoa kỳ. Đó là chưa kể đến những nền kinh tế đang lên như Ấn độ, Brazil…

B. Phong trào Tea Party.

Năm 1977, phong trào Boston Tea Party đã xuất hiện để chống việc chính phủ Hoàng gia Anh tăng thuế trà nhập cảng vào Hoa kỳ bằng cách nhảy lên tầu đổ trà xuống biển khi tầu cập bến Boston. Do đó, Tea Party tượng trưng cho phong trào tự phát của người dân chống thuế ‘taxing without representation’ là đóng thuế mà không được quyền đại diện vì, lúc đó, người Mỹ là dân thuộc địa nên không có quyền bỏ phiếu cử người vào Nghị viện nước Anh.

Ngày nay, Tea Party xuất hiện để đáp ứng lòng dân chống chính quyền quá lớn đến mức xâm phạm quyền tự do của người dân. Nó bắt đầu vào năm 2008, khi ứng cử viên Ron Paul chống tăng ngân sách đã dùng chữ Tea Party. Khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, Tổng thống Bush đã dùng tiền dân đóng thuế để cứu các ngân hàng sắp phá sản và, sau đó, Tổng thống Obama lại dùng ngân sách để tài trợ gói kích cầu để cưú nguy kinh tế. Phong trào cho là chính quyền Obama kiểm soát quá nhiều tự do của người dân và một số người cho ông Obama có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa.

Tea Party thu hút nhiều người da trắng đến 80%, chỉ có 2% là da đen. Phong trào được sự hưởng ứng khoảng 19-20% người Mỹ, đa số là đàn ông có gia đình, da trắng, thuộc đảng Cộng hòa, trên 45 tuổi phần lớn có lợi tức hơn mức trung bình và có bằng đại học. Phong trào có thể được coi như một lực lượng chính trị khá mạnh, nhưng chưa có cương lĩnh. Hiện tại, các đảng viên Cộng hòa nếu không ủng hộ thì cũng không chống Tea Party.

Nhiều chính trị gia được Tea Party hậu thuẫn đã giành chức ứng cử viên Thượng nghị viện liên bang tại các tiểu bang Nevada, Colorado, Florida, Kentucky và Alaska. Phong trào hy vọng sẽ có những thành viên tại lưỡng viện Lập pháp sau ngày 02.11.2010.

C. Người Mỹ gốc Việt tranh cử.

1.- Chánh trị gia tham gia tranh cử.

Chỉ riêng tại miền Nam California, con số kỷ lục các ứng cử viên người Mỹ gốc Việt ra tranh cử lần này đã khiến cuộc đua trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết, nhất là tại Quận Cam, nơi có cộng đồng người Việt đông đảo sinh sống. Hơn 10 vị ra ứng cử là một biểu tượng cho sự phát triển và nhận thức cộng đồng cần tham gia vào chính trường Hoa kỳ (tại Wasnington cũng như tại địa phương) để có tiếng nói của mình. Bởi thế, khắp nơi ở Little Saigon, chúng ta đọc thấy những bảng mời cử tri dùng lá phiếu tín nhiệm những người mang họ Nguyễn, Trần hay Đỗ. Họ tiến hành các hoạt động tranh cử vào các vị trí trong chính quyền các cấp từ địa phương tới tiểu bang và liên bang.

Các ứng viên xuất thân từ các tầng lớp và nghề nghiệp khác nhau nay chọn con đường tiến thân qua chính trị. Chúng ta tin rằng họ tham gia ứng cử vì lý tưởng. Nếu so sánh với các cộng đồng gốc Á châu khác, thì người Việt chúng ta đã từng là nạn nhân của những vấn đề, chính sách chính trị, nên cộng đồng cần có những đồng bào dám tiến thân trên con đường tham chính với hy vọng thay đổi được xã hội.

Sau 35 năm hiện diện trên đất Hoa kỳ, cộng đồng chúng ta cũng đã trưởng thành, đã có những người ra ứng cử và đắc cử để phục vụ những cử tri tín nhiệm mình và con số ứng viên ngày càng gia tăng, gây phấn khởi tự tin nơi giới trẻ, nhất là khi họ đã lớn lên trong xã hội Hoa kỳ.

2.- Cuộc tranh ghế dân biểu liên bang Địa Hạt 47 California.

Chiếc ghế dân biểu liên bang này do bà Loretta Sanchez (Dân chủ) nắm giữ từ gần 14 năm qua. Địa hạt này bao trùm phần lớn vùng Little Saigon, nơi có nhiều người Mỹ gốc Việt cư ngụ nhất hải ngoại. Yếu tố này có phải là lý do chính để tới lúc cần có một đại diện gốc Việt tại Viện dân biểu ở Điện Capitol, Washington khiến dân biểu tiểu bang California Trần thái Văn (Cộng hòa) quyết tranh chiếc ghế này cho nhiệm kỳ 2011-2013.

Với đôi lời qua lại khởi đầu sau phát biểu của bà Sanchez trên truyền hình Univision, đôi bên trở lại ‘cuộc đấu’ một cách nghiêm túc.

Lúc 15 giờ ngày 15.10.2010, cựu Tổng thống Bill Clinton đã đến gặp gỡ cử tri tại Santa Ana, gần Little Sài gòn, để vận động cho bà Loretta Sanchez.

Ngay thứ hai sau đó, một phái đoàn cao cấp đảng Cộng hòa do ông Michael Steele, chủ tịch đảng toàn quốc, gồm có Ron Nehring, chủ tịch đảng California, ông Shawn Steel, cựu chủ tịch đảng California, và bà Michelle Steel, Ủy viên Hội đồng Thuế California, vị dân cử gốc Á cao cấp nhất tại miền Nam California, đến Little Saigon để vận động cho ông Trần thái Văn trên chiếc xe bus có tên ‘Need a Job? Fire Pelosi’ (‘Fire Pelosi’ có nghĩa là đảng Cộng hòa muốn tái chiếm quyền kiểm soát Viện dân biểu từ tay bà dân biểu Nancy Pelosi (Dân chủ) đương kiêm chủ tịch bằng lá phiếu).

Khi phát biểu, ông M. Steele đã nói cuộc tranh cử ghế Địa Hạt 47 California là một trong 10 cuộc đua quan trọng nhất của đảng Cộng hòa năm nay. Ông R. Nehring nói thêm: ‘Riêng tại miền Nam California, đây là cuộc đua quan trọng nhất của đảng Cộng hòa.’ Do đó, hôm 16.10.2010, bà Sarah Palin (Tea Party) cũng đến Orange County để ủng hộ cho ông Trần thái Văn.

Trong cuộc tranh đua ở Địa hạt 47 này, còn có một ứng cử viên thứ ba, bà Cecilia Iglesias (độc lập), một người gốc Latino như bà Sanchez, có thể là một người chia phiếu đối với bà Sanchez? Tại Địa hạt này, số cử tri gốc Latino nhiều gấp đôi số cử tri gốc Việt, nhưng người Việt thường đi bầu nhiều hơn.

Cuộc chạy đua giữa ứng viên ông Trần thái Văn và bà Loretta Sanchez được tiên đoán là rất sít sao. Theo các cuộc thăm dò mới nhất, bà Sanchez chỉ hơn ông Văn chỉ có hai điểm mà thôi.

Vấn đề mà quan trọng đối với cử tri gốc Việt tại Địa hạt 47 này là ‘đòi hỏi nhân quyền cho người Việt-Nam’, lập trường của hai ứng cử viên giống nhau như ủng hộ các hoạt động của những người bất đồng chính kiến với nhà nước từ Linh mục Nguyễn văn Lý đến bác sĩ Nguyễn đan Quế, qua luật sư Lê thị Công Nhân, công dân Phạm thanh Nghiên…

Trả lời phóng viên BBC trong tuần trước kỳ bỏ phiếu, bà Sanchez nói:

« Đôi khi chúng ta phải dùng áp lực ngoại giao, đôi khi chúng ta phải dùng áp lực kinh tế, và đôi khi chúng ta phải đối đầu với họ để đưa ra vấn đề nhân quyền. Trong 14 năm qua, tôi đã dùng hết tất cả những phương tiện đó.»

Dân biểu đương nhiệm Loretta Sanchez có thiện chí đã đến Việt-Nam để gặp các người bất đồng chính kiến và 4 lần đã bị Đại sứ Việt-Nam tại Hoa kỳ từ chối chiếu khán nhập cảnh, nhưng thiện chí không được sự hổ trợ của giới chức Hành pháp, nhất là bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng. Chúng ta đọc những lời bà nói với chị Trà Mi (đài VOA) ngày 22.07.2010 (xin tóm tắt):

« Bà Clinton sắp dự Hội nghị An ninh Cấp vùng ASEAN (xin thêm: tại Việt-Nam, 19 nhà lập pháp Quốc hội chúng tôi, trong có cả Chủ tịch và thành viên cao cấp Ủy ban Đối ngoại là dân biểu Howard Berman và Ileana Ros-Lehtinen, đồng ký tên vào bức thỉnh nguyện thư, đề nghị bà thực hiện 3 điều: 1. kêu gọi Việt-Nam phóng thích lập tức các nhà hoạt động dân chủ đang bị cầm tù, trong đó có nhà văn Trần khải Thanh Thủy, nhà báo Phạm thanh Nghiên, luật sư Lê công Định, cũng như trả tự do vĩnh viễn và vô điều kiện cho Cha Nguyễn văn Lý; 2. cổ võ cho quyền tự do internet; 3. sắp xếp gặp gỡ với các nhà hoạt động dân chủ hoặc thân nhân những tù nhân chính trị tại Việt-Nam.

Bà Clinton rủ tôi cùng đi Việt-Nam với bà, và bà đã yêu cầu phía Việt Nam cấp visa cho tôi. Tôi đang chờ xem lần này họ có cấp visa cho tôi hay không, nếu được, tôi sẽ bay ngay sang Việt-Nam. »

Kết quả: bà Sanchez không có visa và bà Clinton chỉ nói cho có nói…

Cũng trả lời BBC trong tuần trước kỳ bỏ phiếu, ông nói: « Chúng tôi muốn thấy trước hết rất là căn bản là nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cần phải tôn trọng những quyền căn bản chính trong hiến pháp của họ đã viết ra mà họ lại không thi hành đối với người dân. Ừ và điều cử tri của ông ề muốn thấy trước hết rất là căn bản là nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam họ cần phải tôn trọng những quyền căn bản mà chính trong hiến pháp của họ đã viết ra mà họ lại không thi hành đối với người dân của họ. »

Với nhiệm vụ dân biểu tiểu bang California, ông Trần thái Văn cũng nhiều lần đòi hỏi nhân quyền cho người Việt-Nam.

Các cử tri gốc Việt ở đây sẽ đóng vai trò quan trọng và là cán cân xác định người chiến thắng trong bầu cử ngày 02.11.2010 tới đây.

D. Tài chính để tranh cử (trích BBC ngày 29.10.2010).

Ứng cử viên có thể tìm tiền từ ba nguồn chính:

1. Tiền túi được bỏ ra phần lớn không giới hạn.

Thí dụ, ông Allan Mansoor, ứng cử viên chức vụ dân biểu tiểu bang California, tự cho mượn 100.000 mỹ kim, qua công ty National City Mortgage.

2. Tiền từ các cá nhân cho, có giới hạn:

- một ứng cử viên cấp liên bang tối đa 2.400 mỹ kim trong một mùa bầu cử;

- một ứng cử viên cấp tiểu bang (mỗi tiểu bang có mức giới hạn khác nhau). Thí dụ: tại tiểu bang California, Quốc hội tối đa 3.900 mỹ kim, các chức vụ khác là 6.500 mỹ kim và chức thống đốc là 25.900 mỹ kim trong một mùa bầu cử.

- một ứng cử viên cấp thành phố (mỗi nơi có mức giới hạn khác nhau). Thí dụ: thành phố Orange chỉ cho phép tối đa 1.000 mỹ kim, thành phố Fountain Valley chỉ 500 mỹ kim, nhưng hai thành phố Westminster và Garden Grove thì không giới hạn trong một mùa bầu cử.

Nếu một cá nhân không đưa tiền mà cung cấp phương tiện hay vật chất cho một ứng cử viên thì những dịch vụ này cũng phải được qui ra tiền và được tính như là tiền ủng hộ tranh cử. Thí dụ, ông A ủng hộ 450 mỹ kim cho một ứng cử viên ở Fountain Valley. Sau đó, ông mời ứng cử viên này đi ăn một bữa cơm trị giá hơn 50 mỹ kim thì coi như không hợp lệ.

3. Tiền từ các tổ chức vận động chính trị.

Tháng 01 vừa qua, Tối Cao Pháp Viện Hoa kỳõ bỏ phiếu 5-4 qui định các tổ chức này không thể bị giới hạn chi tiêu để ủng hộ một ứng cử viên, vì như thế là vi phạm Tu Chính Án số 1, tức là quyền tự do ngôn luận.

Do đó, trong cuộc bầu cử năm nay, các tổ chức chính trị tha hồ chi tiền ra. Nhưng những số tiền các tổ chức này cũng do các cá nhân ủng hộ đảng đóng góp. Theo dự đoán của Center for Responsive Politics, một tổ chức độc lập, bất vụ lợi, chuyên theo dõi tiền vận động tranh cử tại Mỹ, thì bầu cử vào ngày 02.11.2010 sẽ tốn khoảng 3,7 tỉ mỹ kim cho 150 triệu cử tri.