Xin nhấn vào đây để xem thêm những hình ảnh dọc đường Ai Cập

Cuộc hành hương của đoàn chúng tôi khởi đầu từ Roma, từ những ngày tháng đầu tiên Đức Giêsu rời các môn đệ của mình về trời để các tông đồ bắt đầu nối tiếp công việc dang dở của Thầy. Giáo Hội Roma những ngày đầu đầy nước mắt và bi tráng, Roma với những thế kỷ thịnh vượng và một Roma hôm nay với bao nhiêu triệu người mơ ước được đến một lần để thả lòng chiêm ngưỡng bao kiệt tác nghệ thuật và bao vết tích lịch sử...

Chia tay Roma để trở về nơi chốn những ngày tháng lưu lạc của Thầy Giêsu từ ngày mới lọt lòng Mẹ - Ai Cập-. Nơi đây tôi được đến viếng thăm nhiều ngôi nhà thờ thánh tích của Chính Thống Giáo, đặc biệt là nhà thờ nơi Gia Đình Thánh Gia đã lưu lại. Tuy nhiên, điều đánh động lòng người viết và khách hành hương chính là leo núi Sinai.

Từ Cairo về đến đan viện thánh Catarina dưới chân núi Sinai đi bằng xe buýt đến 8 giờ đồng hồ. Hai bên đường chỉ toàn núi đá và sa mạc rộng lớn. Thỉnh thoảng ẩn hiện bờ biển Địa Trung Hải với những làn gió khuyến mãi mát mẻ.

Trên đường đi chúng tôi ghé vào thăm giểng nước tại Marah nơi mà Môisê đập cây gậy vào tảng đá biến nước mặn thành nước ngọt. Bây giờ chỉ còn lại cái giếng cạn cho khách hành hương dừng lại năm phút chụp hình lưu niệm và đón làn gió mát Địa Trung Hải cũng như thư giãn vài ba động tác trước khi tiếp tục cuộc hành trình dài mà thôi.

Chín giờ tối, chúng tôi có mặt tại nhà khách thánh Catarina, nơi còn lưu lại thánh tích là xương của Ngài. Cũng trong khuôn viên tu viện này là giếng nước nơi Môisê gặp cô Dorothea người vợ tương lai và bụi gai không cháy nơi Môsê được Giavê hiện ra hướng dẫn ông dẫn dân từ Ai Cập về Đất Hứa. Đặc biệt nơi đây những tảng đá lớn khi đập vỡ ra người ta phát hiện những hoa văn tự nhiên như những bụi cây trên mặt đá rất đẹp.

Ăn tối xong và về đến phòng cũng đã 10g đêm. Nhà nghỉ đơn giản chỉ có cái giường ngủ mà thôi. Khách đến đây nghỉ lại chủ yếu để lại hành lý để có thể thong dong leo núi chứ không ai ở lại đây lâu. 12g30 phút sáng chúng tôi được đánh thức để leo núi.

Ngọn núi Sinai cao 2285m, phải mất 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới chạm đến nơi có 750 bậc dẫn lên núi. Khởi hành lúc 1g15 sáng và lên đến đỉnh lúc 5g sáng. Trên đường đi chúng tôi gặp rất nhiều nhóm. Các nhóm lầm lũi lên núi trong bầu khí hoang lạnh của ngọn núi đá. Chỉ thấy le lói ánh đèn pin loang loáng và tiếng mời chào đi lạc đà của dân địa phương.

Khách hành hương chọn đi bộ nhiều hơn lạc đà. Ai cũng muốn có cảm giác mình đang trên đường hành hương, muốn hưởng trọn vẹn giây phút hành hương thực sự trong đời mình, muốn hành hương bằng chính đôi chân của mình hơn là lạc đà. Trên vai tôi là chiếc ba lô con chứa một chai nước và vài thứ nho nhỏ cần thiết mà thôi và cây gậy là vật không thể thiếu. Tuy nhiên đường lên núi bụi bặm và cùng đi với lạc đà nên mùi của lạc đà quyện lẫn với đất bụi xông lên nồng nồng. Đi mới một đoạn ngắn mà mọi người đã có vẻ mệt mỏi, vài người từ bỏ ý định đi bộ và mướn lạc đà. Rồi những thứ trên vai trở nên nặng nề hơn. Tôi chợt nghĩ. Hành trình hành hương này giống như cuộc đời một tín hữu. Trên đường lên núi, ai cũng chỉ trang bị đủ đồ cá nhân cho mình và không thể giúp người khác được vì một mình đã là quá nặng. Những ngày lưu lạc trên trần gian mình cũng phải tự trang bị đủ những món quà cần thiết chuẩn bị cho ngày gặp Giavê. Tôi không thể nhờ người khác làm giùm việc lành để rồi kể công với Chúa được.

Chúng tôi được cha trưởng đoàn Giuse Đồng Văn Vinh dâng lễ trên đỉnh ngọn núi Môisê trong những giờ khắc đầu tiên của ngày mới khi bình minh bắt đầu ló rạng. Thánh lễ đơn giản trên những phiến đá chứng nhân từ những ngàn năm trước vẫn còn đây. Chung quanh chúng tôi là biết bao người ngồi chờ bình minh. Thánh lễ được dâng trong tâm tình cầu nguyện cho những ai có lòng ước ao được lên núi nhưng không có cơ hội vì nhiều lý do. Có lẽ vì vậy mà những đôi chân lên núi không mỏi chăng hay vì nhặt vài viên đá nhỏ cho mình và bạn bè để ghi dấu bước chân hành hương lên Núi Thánh hôm nay ?

Chia tay Ai Cập nơi có biển Đỏ… tất cả một dọc dài lịch sử của Dân Thánh trong lòng Ai Cập. Đế thấy những kim tự tháp hùng vĩ vẫn còn đó sừng sững với thời gian như là lời minh chứng hùng hồn cho một thời lầm than nô lệ của dân được tuyển chọn. Để thấy sự cực khổ trong sa mạc hoang vu 40 năm trường mà Dân Riêng lạc lối, để thấy lịch sử Thánh của hôm qua vẫn còn đó như lời mời gọi Dân được tuyển chọn đừng thờ bò vàng mà hãy quay về với Giavê và vẫn còn đó hình bò vàng in trên núi Sinai như lời kêu gọi.