TUY HÒA CHO ĐẾN MÃI HÔM NAY

Vâng lời Thầy con thả lưới (Lc 5,6), câu đáp trả của người ngư phủ dám dẹp đi cái lão luyện, cái kinh nghiệm thường ngày sau một đêm ra khơi thất bại trước người thanh niên chuyên nghề mộc vừa mới giáp mặt biển khơi, chưa hiểu gì nhiều về hướng gió, dòng chảy, luồng cá giữa đại dương bao la: Vâng lời Thầy con thả lưới (Lc 5, 6), Phêrô và các bạn hữu của Ông đã tung chài.

Vâng lời Thầy con thả lưới cũng là vâng lời Thầy họ lên đường rao giảng Tin Mừng cho muôn dân (Mt 28,16-20). Mệnh lệnh của Đức Kitô: Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới (Lc 5, 4) đã đeo đuổi Hội Thánh gần 15 thế kỷ để cuối cùng các thừa sai, kế tục việc làm của Phêrô, các Ngài đã chèo thuyền ra chỗ nước sâu và cũng là chỗ nước xa: Quê hương Việt Nam.

Lịch sử Giáo Hội Việt Nam khởi đầu bằng những kiếm tìm đầy lòng quảng đại của các thừa sai, nhất là cha Đắc Lộ, người gieo giống Tin Mừng khôn ngoan và can đảm.

Thật may mắn cho dân tộc này khi cha Đắc Lộ cùng với các bạn mình còn để lại nơi đây một di sản văn hóa quý giá: Chữ quốc ngữ. Với chữ quốc ngữ, cha đã giới thiệu Thiên Chúa tình yêu, Thiên Chúa sáng tạo khiến nhiều người trở thành con cái Chúa và rồi đức tin nơi họ khó ai có thể rút lại được.

Sau hai mươi năm gắn bó, cha bị Chúa Nguyễn trục xuất nhưng kịp để lại biết bao tín hữu can trường, biết bao thầy giảng đạo đức luôn trung thành với đức tin được nhận. Hạt giống gieo xuống, đã mọc lên mạnh mẽ và giờ đây dẫu phải ra đi cha đã không quên mang theo mình máu tử đạo của người trẻ can trường Anrê Phú Yên, một thanh niên mà từ khi bị bắt cho đến lúc ra pháp trường vẫn luôn tuyên xưng đức tin, luôn thúc giục mọi người yêu mến Chúa, bình thản đón nhận cái chết vì tình yêu Đức Kitô. Ngài mang về giáo triều Rôma hình ảnh sáng ngời này như một minh chứng đầy thuyết phục để xin Tòa Thánh gửi các Giám mục đến Á Châu để các ngài có thể truyền chức linh mục cho các thầy giảng bản xứ. Tất cả công trình của ngài là đem Chúa đến cho muôn dân.

Lời cầu nguyện của cha Đắc Lộ đã được Chúa nhìn tới. Sắc chỉ Super Cathedram của Đức Giáo Hoàng Alexandre VII, ngày 9 tháng 9 năm 1659 được ban ra để từ đây Giáo Hội hoàn vũ có thêm hai giáo phận và chọn hai vị thừa sai thuộc hội truyền giáo Paris làm đại diện Tông tòa.

Đức Cha Francois Pallu chăm sóc Giáo phận Đàng Ngoài, lấy sông Gianh làm mốc, ngược về phía Bắc. Đức Cha Lambert de la Motte cai quản Giáo phận Đàng Trong, phần đất từ sông Gianh xuôi về phía Nam.

Giáo phận đã có, nhưng Đức cha Francois Pallu không đến được với Đàng Ngoài và Đức Cha Lambert nhận trách nhiệm thăm mục vụ, làm giám quản giúp.

Là Giám mục duy nhất của Giáo Hội Việt Nam, cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, cả thêm phần đất Cao Miên. Gần 10 năm sau, năm 1670, cùng với 2 thừa sai, Đức cha đến với Giáo phận Đàng Ngoài qua cảng Phố Hiến, một thương cảng lớn lúc bấy giờ. Đức Cha Lambert đã phong chức linh mục cho 7 thầy, Đức cha chủ tọa Công đồng chung lần đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam, cũng năm này Đức cha lập dòng Mến Thánh Giá Kiên Lao - Nam Định (1670) và Mến Thánh Giá An Chỉ - Nam Quảng Ngãi (1671).

Không biết có phải vì lòng tốt của quan tuần phủ Qui Nhơn Trần Đức Hòa, người đem cha Buzomi đang gặp nạn về Qui Nhơn săn sóc năm 1617 (xem Giáo phận Qui Nhơn xưa và nay trang 5) và hình ảnh kiên vững của Anrê Phú Yên vừa mới xảy ra không lâu trước đó ngày 26/7/1644 hay không? đã khiến các Giám mục của giáo phận Đàng Trong từ Đức cha Lambert đến hơn 180 năm sau 1659 – 1844 thường chọn đặt tòa giám mục của mình ở khu vực miền Trung và nơi được nhắc đến như cái nôi của công giáo Đàng Trong: GÒ THỊ, nơi mà vị Giám mục cuối cùng của giáo phận Đàng Trong chọn làm cư sở. Cuối cùng vì sau đó, theo lời thỉnh nguyện của Đức cha Cuenot Thể, Tòa Thánh chia giáo phận Đàng Trong thành hai giáo phận: Tây Đàng Trong và Đông Đàng Trong và sau đó nhiều giáo phận khác ra đời. Địa phận Qui Nhơn hôm nay là Giáo phận Đông Đàng Trong xưa kia và cũng là Giáo phận Đàng Trong trước đó (xem Hành Hương Công Giáo Việt Nam của Lm. R. Nguyễn Tự Do Cssr trang 371). Nhắc đến Gò Thị là nhắc đến những kỷ niệm đau thương nhưng anh dũng của chủ chăn cũng như những giáo dân cộng sự, nhắc đến Gò Thị là nhắc đến Thánh Giám mục Étienne Theodore Cuenot THỂ, vị Giám mục truyền giáo, đã chết rũ tù tại Bình Định ngày 14 tháng 11 năm 1861; nhắc đến Gò Thị là nhắc đến người tông đồ giáo dân số một: Trùm cả Anrê Kim Thông, một lòng vì Đạo Chúa, một lòng vì Giáo Hội.

Giáo Hội Việt Nam cảm ơn về những gầy dựng của Đức cha Lambert, của Thánh Giám mục Cuenot Thể dành cho chúng con hôm nay. Các Đức cha vẫn đang có mặt khắp nơi trên quê hương yêu dấu này qua bóng dáng của các nữ tu Mến Thánh Giá, những con người mà nhờ các Đức cha, họ có dịp tỏ bày lòng say mê Thập Giá, họ dược dạy cho biết sống vô danh, biết sống nghèo hèn. Với lòng kiên trì, khiêm hạ và dũng cảm, các nữ tu Mến Thánh Giá đã cùng chung chia sinh mệnh của Giáo Hội Việt Nam, vui, buồn, khó khăn và cả máu đào cho mỗi một niềm ấp ủ “Thập giá Đức Kitô phải tồn tại và phát triển trên vùng đất Giao Chỉ này”. Các Đức cha cũng đang có mặt qua tấm lòng tận tụy của Đức cha Giáo Phận Qui Nhơn hôm nay, vị Giám mục đang xây dựng chương trình tái truyền giáo của Giáo phận Qui Nhơn để kịp kỷ niệm 400 năm đón nhận Tin mừng đến với giáo phận.

Trong phần quà tặng vô giá mà Thiên Chúa trao ban qua các vị Thừa Sai cùng các chứng nhân đức tin, qua các giám mục, các linh mục, Tuy Hòa đã được lãnh nhận đầy đủ cả vinh quang tử đạo và nước mắt vui mừng.

TUY HÒA TRƯỚC NĂM 1960

Triều Thủy là tên gọi của Giáo xứ Tuy Hòa ngày trước là vùng đất được Thiên Chúa gọi mời đón nhận Tin Mừng Phục sinh khá sớm, hôm nay khó xác định nhóm giáo dân đầu tiên của Triều Thủy có từ năm nào, chỉ biết rằng năm 1641, cha Đắc Lộ đã rửa tội cho Anrê Phú Yên; Năm 1747, Phú Điền, Thạch Thành đã có giáo dân;

Khi đi tìm nguồn gốc của giáo dân Tuy Hòa, chúng tôi phát hiện một nhóm gia đình người lương ở XÓM ĐƯỜNG (Phường 8) có quan hệ bà con với nhóm tín hữu Triều Thủy qua cách xưng hô theo vai vế trong thân tộc nhưng khi truy tận gốc thì lại không có quan hệ huyết tộc nào và được những người lớn tuổi còn sống kể lại rằng: Sở dĩ có mối quan hệ như bà con này vì trong thời kỳ Bình Tây Sát Tả, nhóm gia đình ở Xóm Đường này đã che chở cho nhóm giáo dân Triều Thủy khi bị truy bắt, công ơn cải tử hoàn sinh đã làm họ trở thành bà con dẫu cho đến nay đã qua ba bốn đời. Gia đình người lương này là gia đình ông Từng Năm mà cháu của ông hiện nay là anh Đức, Anh Hạnh (chủ quán Ba Hạnh – Phường 8). Anh Hạnh có con gái theo đạo, làm dâu nhà Võ Tá.

Một nguồn giáo dân khác, đó là nhóm giáo dân đến từ Trà Kê – Cây Gia trong thời Văn Thân (1860-1888), họ cũng được những gia đình lương dân tốt bụng ở Phước Khánh – Hòa Trị che dấu như gia đình ông Dương Hanh (Bốn cá), trong gia đình này có một số trở lại vào thập niên 60, nay còn giữ đạo rất tốt.

Những tìm hiểu trên cũng phù hợp với báo cáo năm 1850 của Thánh Giám mục Tử Đạo Stephanô Thể. Triều Thủy đã có 137 tín hữu và 137 hạt nhân Đức Tin này luôn lấp lánh can trường giữa đông đảo đồng bào của mình, bất chấp những thử thách phía trước để đón nhận những khắc nghiệt của những cơn bắt đạo thời hậu bán thế kỷ 19.

Xét như vậy, từ trước 1850, Tin Mừng đã được loan báo tại Tuy hòa.

Hậu duệ của nhóm tín hữu này hiện nay còn lại một ít gia đình thuộc giáo xứ Tuy Hòa, tập trung chung quanh nhà nguyện các soeurs Phao lô.

Nền nhà thờ Triều Thủy trước thời kỳ Văn Thân được cho là nằm trong khu vực xí nghiệp điện cao thế miền Trung, chi nhánh điện cao thế Phú Yên, phía Tây nghĩa trang giáo xứ Tuy Hòa hiện nay. Đây là một nền đất được đắp cao, nhà thờ bị đốt cháy trong thời Văn Thân và bị san ủi sau biến cố Mậu Thân 1968 (ông Nguyễn Hữu Tề - Giáo khu 1; bà Lê Thị Thông – Giáo khu 2) xác nhận vị trí này.

Mùa gió lạnh làm nứt cả thịt da rồi cũng qua đi để giờ đây mọi người nghiệm ra rằng sức mạnh của Thập Giá là vô cùng, tình yêu Đức Kitô của người thanh niên Anrê Phú Yên trước đó khiến tất cả trở nên mạnh mẽ, không chỉ mạnh mẽ trong chiến đấu theo nghĩa đen nhưng còn mạnh mẽ trong tha thứ để họ bắt tay vào việc thả lưới loan báo Tin Mừng trên nền gạch hoang tàn đổ nát của một thời bị bách hại.

Sau phong trào Văn Thân, từ 1888 đến 1927, gần 40 năm, bước chân của các thừa sai in dấu nhiều nơi thuộc Phú Yên, lập thêm giáo điểm, rửa tội cho nhiều người và càng lúc các linh mục bản địa ngày càng đông. Năm 1927, đánh dấu cha Simon Trần Văn Phiến là linh mục người Việt tiên khởi quản nhiệm giáo xứ Hoa Vông, tiền thân của Tuy Hòa.

Thuyền cùng ngư phủ trên nó luôn đi theo đàn cá. Khi Tuy Hòa trở thành trung tâm tỉnh lỵ, nhiều cơ quan đầu ngành tập trung về đây, cha Simon cho xây dựng nơi đây nhà xứ, nhà nguyện. Ngài tạm rời Hoa Vông và chuyển về Triều Thủy vào năm 1938 nhằm đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của khoảng 120 tín hữu. Nền các cơ sở này hiện nay là nền nhà trẻ Bích Du (nền nhà thờ) và tu viện của dòng Thánh Phaolô Tuy hòa (nền nhà xứ). Đây là nhà thờ Triều Thủy sau thời kỳ Văn Thân. Địa danh Triều Thủy ngày nay (2010) ít người biết đến, giáo dân Tuy Hòa từ năm 1962 gọi đây là nhà thờ cũ và giáo dân Tuy Hòa hiện nay gọi là nhà nguyện dòng thánh Phaolô.Là người cương trực, ngay thẳng, tính tình niềm nở, thương yêu cả anh em lương dân, cánh đồng Đồng Thủy của họ đạo Triều Thủy Tuy Hòa mà trên cả trăm tờ trích lục (giấy chủ quyền đất) đều có tên của cha Simon Trần Văn Phiến đã nuôi sống nhiều gia đình ở Phước Hậu (Hòa Kiến), Xóm Đường (Phường 8).

Ngày 19 tháng 3 năm 1942, lúc 2 giờ sáng, cha hoàn tất ơn gọi linh mục nơi trần thế sau một cơn bạo bệnh để lại nhiều thương tiếc nơi nhiều người cả giáo lẫn lương.

Cha phó của cha Simon từ năm 1940 là cha Antôn Nguyễn Minh Đoan tiếp tục công việc của cha Simon, chuyên chăm mục vụ, ngài có tiếng hát hay, thường xuyên chỉ dạy việc xướng kinh, tập hát, phụ giúp ngài có Dì Ngọt (Ngày trước gọi các nữ tu là Dì). Với số giáo dân của chừng trên 20 gia đình, ngài tuyển chọn, quy tụ và cho ra mắt ca đoàn Triều Thủy, đây là ca đoàn đầu tiên của Tuy Hòa mà hiện nay còn sót lại hai ca viên đều trên 80 tuổi. Ca viên ca đoàn đều là thành viên họ Đồng (Jennes Gens) và họ Ven (Jeunes filles).

Cũng vì bệnh phổi như cha Simon hoành hành, ngài bỏ lại con đường đất quen thuộc đã đưa ngài đi làm mục vụ các họ đạo chung quanh như Hóc Gáo, Phú Cốc, Phú Điền để chuyển sang đường mới – Đường sắt - thứ phương tiện vừa có từ năm 1936 để đi bệnh viện Huế nhiều lần và cuối cùng cùng với đoàn tàu ấy ngài từ biệt Tuy Hòa trong nước mắt của giáo dân năm 1943, ngài chết tại Suối Nổ - Phù Mỹ - Bình định. Thầy Trần Văn Thường (cựu tu sĩ La san), biện Mỹ (Lê Cung) và biện Xứng (Trần Gieo) đại diện giáo dân Tuy Hòa đi dự tang lễ.

Các linh mục tiếp nối công việc của những vị tiền nhiệm trong thời kỳ chiến tranh Việt Pháp, thời kỳ đánh dấu một giai đoạn gian nan sau gần 60 năm yên bình (1888-1945) của người công giáo. Đây là thời kỳ của các Cha:

- Matthêu Trịnh Hoà Đại (1946-1948), là cậu ruột của cha Trương Đắc Cần – Sông Cầu, hiện nghỉ hưu ở nhà hưu dưỡng Qui Nhơn.

- Antôn Nguyễn Anh Thuận 1949-1950

- Phêrô Nguyễn Vĩnh Lưu (1951-1955) (Gốc Mằng Lăng). Các linh mục sống trong giai đoạn này thường không ở một nơi cố định như cha Trịnh Hoà Đại nhiệm sở Triều Thủy nhưng lại ở Hoa Vông hoặc Phú Điền, có lúc các em đến tuổi xưng tội rước lễ lần đầu của Tuy Hòa phải đi Phú Cốc (như Ông Nguyễn Hữu Tề - GK1), cử hành bí tích hôn phối phải đi Mằng Lăng (như Bà Lê thị Thông GK2) ngày lễ trọng phải đến Hoa Châu, đã có thời gian các cha như cha Đại, cha Tư, cha Thìn phải lánh nạn vào Nha Trang qua cửa biển Mỹ Á (nhờ sự giúp đỡ của ông Đội Hiện). Cha Dẫn của Trà Kê bị bắn chết, cha Tôn ở Tịnh Sơn mất tích, tinh thần giáo dân giao động, chủ chăn tạm ẩn mình, đàn chiên chịu cảnh mồ côi. Đây cũng là thời kỳ cùng khổ, dân chúng bị xung công phục vụ chiến tranh, ruộng đồng bị bỏ hoang vì thiếu nước tưới (6/6/1952 Cầu Máng dẫn nước bị vỡ) …Tuy thế, Thiên Chúa vẫn giữ gìn để mạch sống đức tin không vì thế bị cắt đứt. Có thể nói, đa phần các linh mục thuộc các tỉnh Nam – Ngãi - Bình - Phú, không mấy ai đi qua chiến tranh mà không bị trầy xước, hoặc thể xác hoặc tinh thần. Linh mục Tô Đình Sơn không là ngoại lệ, ngài về Tuy Hòa năm 1955, sau hiệp định Geneve, ngài đã về Tuy Hòa bằng đôi chân trần trong những dãy nhà nền đất đầy ắp tiếng ồn bởi những va đập của các học thuyết, của những chủ trương, của những đường lối đưa đến chiến tranh, nhà tù Phú Nhiêu (Bình Định) Phú Châu hay An Ba (Quảng Ngãi).

Những trải nghiệm về cuộc đời linh mục, về thân phận con người, về Tin Mừng, về Giáo Hội, những lo lắng, ưu tư về ngày mai, về tương lai của đàn chiên, ngài đã vận dụng để chọn lựa mức độ ưu tiên trong thực hiện.

Đây là lúc cha Tô Đình Sơn phải đối diện với hai bùng phát số tín hữu mà có lẽ ngài không kịp tiên liệu: một phần của 800.000 tín hữu miền Bắc (theo Flight from Indochina, trang 80-81) di cư vô Nam lưu lại Tuy Hòa và việc gia nhập đạo đông đảo của người dân Thị xã Tuy Hòa cũng như các xã ven kề như Hòa Thắng, Hòa An, Hòa Trị hay An Thọ thuộc Tuy An (Xem “Đã có một người Thầy như thế” của F.X Nguyễn Bính trong Tổng hợp Cảm Nghiệm Đức Tin – Đại Hội Tân Tòng Lần 4 – Giáo xứ Tuy Hòa - năm 2009 trang 29) đã làm cho ngài có những quyết định cụ thể:

Khởi đầu, không phải trại cứu tế, cũng chẳng phải trung tâm bảo trợ xã hội nhưng là nhà LẠC THIỆN (1958) được xây dựng để ở đó mọi người đều tìm thấy niềm vui. Nhà lạc thiện được điều hành bởi các nữ tu dòng thánh Phaolô, ít là trong 3 năm đầu các sơ sống chung cùng nhà với những người cô đơn cơ nhỡ. Vui cho người phục vụ và vui cho người được phục vụ có cái THIỆN nào mà chẳng LẠC.

Năm 1959, có lẽ là để trả ơn Hóc Gáo vì đã cưu mang Triều Thủy trong thời kỳ chiến tranh Việt Pháp mà cao điểm là chiến dịch Át Lăng (1953-1954), cha xây dựng nhà thờ Hóc Gáo. Nhà thờ tồn tại được 6 năm (1959-1965) chiến tranh một lần nữa xóa thành bình địa, chỉ còn lại phần móng vững chắc ăn rễ sâu trong lòng đất, cái rễ hữu hình vững chắc này là hình ảnh cái rễ Đức Tin để Hóc Gáo lớn lên như hiện nay

Hai dãy trường mang tên danh nhân văn hóa Việt Nam, linh mục Đặng Đức Tuấn cũng được ra đời (1958). Giáo dục phải được quan tâm, sự đổ vỡ đã được tiên liệu nếu không tập trung cho giáo dục và phải giáo dục từ nền, ngài hiểu được rằng tương lai Giáo Hội phải được hướng dẫn bởi những con người làm giáo dục ĐÁNG TIN. Các Sư huynh Dòng Thánh Giuse (nay là Dòng Ngôi Lời - Nha Trang) đã được mời cộng tác. Sư huynh hiệu trưởng đầu tiên của Đặng Đức Tuấn là Thầy Irénée Hiệp. Trường Đặng Đức Tuấn dưới sự chăm sóc của các Sư huynh Giuse được tiếng là ngôi trường đã cho ĐỜI những con người tài đức, nhiều học sinh cũ nay đã lớn tuổi, một số có công danh sự nghiệp thường nhắc đến các thầy Giuse một cách hãnh diện. Các Sư huynh Giuse điều hành trường Đặng Đức Tuấn từ năm 1958 đến năm 1969 sau đó chuyển lại cho địa phận và được điều hành bởi các linh mục. Linh mục hiệu trưởng đầu tiên là cha Vũ Văn Tự Chương, sau đó là cha Nguyễn Cấp cho đến 1975.

Đặc biệt, sự có mặt của các Thầy Dòng Giuse không chỉ hiệu quả ở mặt giáo dục nhưng còn giúp củng cố đức tin cho tín hữu Tuy Hòa bị giao động nhiều bởi thời kỳ 9 năm như dạy giáo lý vỡ lòng, xưng tội rước lễ lần đầu (thầy Bá, năm 1961), phụ trách ca đoàn có thầy Rémi Nguyễn Công Sự (1968-1969), cộng tác cùng các cha chăm sóc thiếu nhi từ 1958-1969…

TUY HÒA TỪ NĂM 1960

Điều đáng ưu tiên giờ này mới được thực hiện đối với một linh mục, là ngôi giáo đường mà hôm nay chúng ta mừng kỷ niệm 50 năm, viên đá móng đầu tiên được đặt xuống vào năm 1960, cùng năm này (24/11/1960) Hàng Giáo phẩm Công Giáo Việt Nam được thành lập bằng sắc chỉ Venerabilium Nostrorum của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Hơn 2 tháng sau ngày 6/2/1961 Tuy Hòa trở thành Giáo xứ chính thức (Paroisse), tiếp đó 21/2/1961 làm phép chuông; nhà thờ được khánh thành vào chúa nhật 6/5/1962 (thông tin địa phận Qui nhơn số 20/1961 và số 27/1962).

Cảm ơn cha Simon Trần Văn Phiến, cảm ơn những thuở ruộng màu mỡ của Tuy Hòa, tất cả là để chuẩn bị cho sự ra đời của thành thánh Gia Liêm (bán ruộng xây nhà thờ) và hôm nay chúng ta dừng chân ngắm cửa tiền đường rồi reo lên rằng: Ôi thành thánh vinh quang.

Ngôi giáo đường dài 56m, rộng 18m, tháp cao 43,5m được làm đẹp thêm bởi các anh chị Legio đã có mặt tại Tuy Hòa từ 1959 mà chính cha Tô Đình Sơn làm linh giám. Cũng như sự ra đời của Nữ Đoàn Bác Ái mà cha phó đầu tiên của Tuy Hòa sau 1954 Giuse Nguyễn Thế Nhân (1958-1962) làm tuyên úy. Hai đoàn thể Công giáo Tiến Hành tiên khởi này đã rất nhiệt thành trong công cuộc rao giảng Tin Mừng.

Năm 1962, trường Đặng Đức Tuấn xây dựng thêm dãy lầu 3 tầng.

Sự yên bình của thập niên 60 chỉ là phút bình yên ngắn ngủi.

Trên đường về đất hứa, đức tin giáo dân Tuy Hòa tiếp tục trải qua những thử thách như muốn đo lường lòng trung tín qua những biến cố của đất nước (đảo chánh Ngô Đình Diệm năm 1963), những diễn biến đó trở thành dịp sàng lọc cỏ lùng nơi ruộng lúa. Cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc lớn dần, dân chúng lần nữa tập trung về thành thị, số giáo dân từ các giáo xứ khác trong Hạt Phú Yên dồn về Tuy Hòa, cùng với sự có mặt của quân đội nước ngoài làm xáo trộn đời sống kinh tế, xã hội, luân lý….

Tiếp bước trường Đặng Đức Tuấn, cha Tô Đình Sơn cho xây dựng trường Thánh Giuse (năm 1962) dành cho nữ sinh, trường này các nữ tu Phaolô phụ trách, niên khóa đầu tiên 1963 -1964.

Cần nói thêm, các nữ tu Phaolô Đà Nẵng không chỉ giỏi chăm sóc người già lão hay cô nhi nhưng còn là những nhà giáo dục mẫu mực, và cũng từ năm 1965 các sơ còn trở thành những người điều dưỡng, an ủi, giúp đỡ bệnh nhân tại bệnh viện Tuy Hòa bằng cả trái tim nhân ái.

Vì chiến tranh, năm 1965 Bà Michelle (MTG) cho di chuyển Cô nhi viện Mằng Lăng từ huyện Tuy An về Tuy Hòa, xây dựng cơ sở tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê lợi, nay là nhà trẻ Hướng Dương và Phước Viện Mằng Lăng chuyển đến phần đất của giáo xứ nằm ở phía đông nhà thờ, nay là nhà trẻ Khai Sáng của các nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn.

Trong một đêm của mùa mưa năm 1967(?) không chỉ có người phu quét đường dừng chổi nhưng đêm nay còn có giáo dân Tuy Hòa xót xa đứng nghe tiếng đại bác dội về không chỉ thành phố mà còn trên chính mái giáo đường, một nơi được dựng nên để nuôi dưỡng tình yêu, để đẩy lui chia rẽ, hận thù.

Đêm giao thừa năm Mậu Thân 1968 trở thành đêm khó quên của một phần xóm đạo lâu đời của Tuy Hòa, hai giáo dân lớn tuổi (Bà Anna Nguyễn thị Liên và Anna Nguyễn thị Thích) đã nằm lại vĩnh viễn nơi vùng đất họ được rửa tội và lớn lên. Và cũng mùa xuân Mậu Thân này, trường Thánh Giuse, trường Đặng Đức Tuấn, nhà xứ Tuy Hòa từng đêm là một trong những nơi che chắn an toàn sinh mệnh cho dân chúng chung quanh.

Năm 1969, các sơ Phaolô cho xây cất mới nhà nguyện cùng tu viện trên nền nhà vuông (nhà xứ) có từ thời cha Phiến. Nhà nguyện này cũng được các sơ mở cửa đón tiếp giáo dân chung quanh và được coi như nhà thờ họ của giáo xứ.

Thời gian của thập niên 60 cũng là thời gian khai mở và kết thúc Công Đồng Vatican 2 (1962-1965). Những thử nghiệm trong phụng vụ, những thay đổi của lễ nghi, kéo theo nhiều cách nghĩ, cách sống trong đời sống đức tin. Những nếp sống đạo cũ xưa lần hồi thay đổi, nhiều quan niệm mới được hình thành, bàn thờ theo cách xây dựng cũ được thay thế, cùng với các hội đoàn có từ trước như Legio, Nữ đoàn Bác Ái, nhiều đoàn thể cho nhiều lứa tuổi, nhiều giới được thành lập như: Hùng Tâm Dũng Chí dưới thời cha Trần Văn Trường, Liên Minh Thánh Tâm, Hội Con Đức Mẹ thời Cha Phạm Bá Tước, Thanh Thiếu Sinh Công do thầy Valentine Dòng Giuse thành lập và hướng dẫn. Cựu Thanh Thiếu Sinh Công Tuy Hòa luôn nhớ đến thầy trong lời cầu nguyện (Thầy Valentine vừa qua đời ngày 16/07/2010 thọ 70 tuổi).

Cùng làm đẹp cho Giáo xứ Tuy Hòa, cha Micae Nguyễn Tri Phương khởi công san ủi nghĩa trang và xây nhà quản trang năm 1971 (diện tích nghĩa trang 24.222 m2, nhà quản trang 450 m2) trên những đồi cát mấp mô cũng thuộc đất giáo xứ có từ thời cha Phiến. Đang làm giữa chừng, cha Phương về Đồng Tre, cha Nguyễn Hoàng Trí tiếp tục hoàn tất vào năm 1972.

Sau khi Cha Huỳnh Tấn Ngoan ở Qui nhơn qua đời, vâng lời Đức cha, cha Tô Đình Sơn chuyển về Qui Nhơn trong sự luyến tiếc không chỉ của giáo dân mà còn của nhiều nhân sĩ trong tỉnh Phú Yên lúc bấy giờ. Ngài là người khởi đầu của ngày Kim Khánh hôm nay.

Làm gạch nối gữa cha sở Giuse Tô Đình Sơn và cha Martinô Nguyễn Trọng Huấn là cha phó Gioakim Nguyễn Hoàng Trí.

Về nhận giáo xứ Tuy Hòa năm 1973 thay cha Tô Đình Sơn từ giáo xứ Gò Thị, quê hương Thánh Anrê Kim Thông, Chúa muốn dành cho cha Martinô Nguyễn Trọng Huấn vai trò bắt cầu giữa hai thể chế chính trị, một vị trí đòi hỏi lòng can đảm và sự khôn ngoan. Đúng vậy, cha đã nổ lực chèo chống bằng tuổi già từng trải để duy trì sự ổn định đời sống đức tin qua cách sống giản đơn, khó nghèo phù hợp khung cảnh của những ngày vào hạ 1975.

TUY HÒA TỪ NĂM 1975

Mùa chay năm 1975, để ghi nhớ năm thánh Canh Tân và Hòa Giải, bằng sáng kiến và lòng yêu mến, linh mục Micae Phạm Bá Tước cùng với các quân nhân công giáo đã xây dựng Thánh Giá và tượng đài Đức Mẹ tại đồi Hòa Bình. Một thánh lễ đồng tế gồm các linh mục Micae Phạm Bá Tước, linh mục Phêrô Nguyễn Cấp, linh mục Gioakim Nguyễn Hoàng Trí được cử hành vào sáng thứ bảy sau Chúa nhật thứ hai Mùa Chay, nhằm vào ngày 15 tháng 3 năm 1975 để tạ ơn Chúa và dâng kính Mẹ Maria (chưa thánh hiến Thánh Giá và tượng Đức Mẹ). Khoảng vài ba ngày sau, nhân chuyến viếng thăm mục vụ tại Phú Tân, Tuy An, Đức Cha Phaolô Huỳnh Đông Các đã về Tuy Hòa để thăm cũng như thánh hiến Thánh Giá và tượng đài với cùng vài trăm giáo dân tham dự.

Tuần thánh 1975 của giáo xứ Tuy Hòa là tuần âu lo, tuần lễ đầy phập phòng sợ hãi. Từng đoàn người nối dài đến Tuy Hòa qua đường 7 kinh hoàng từ Tây Nguyên đổ về. Nhiều gia đình li tán, con cái lạc mất cha mẹ. Hình ảnh người mẹ mất con này đang mở lòng che chở những đứa con mất mẹ kia mà nhớ đến cảnh ngậm ngùi của Mẹ Maria dưới chân thập giá đón lấy Thánh Gioan làm con của mình và cũng hiểu ra rằng Mẹ cần có con và con cần Mẹ biết là chừng nào! - Phải có sức chịu đựng siêu phàm, trái tim con người mới có thể vượt qua cơn co thắt dữ dội bởi chiến tranh đưa tới - Đường 7 nối Tây Nguyên – Tuy Hòa cũng như con đường di tản của tín hữu Tuy Hòa khỏi vùng chiến sự năm 1975 đúng là đường thương khó. Phục sinh cuộc đời sao xa vời vợi! Tại Tuy Hòa, lễ Phục sinh 1975 được cử hành cho số ít giáo dân Bình Định, phần lớn giáo dân Tuy Hòa dự lễ Phục sinh tại Nha Trang, Cam Ranh hoặc xa hơn.

Cha Martinô Nguyễn trọng Huấn và Cha phó Nguyễn Hoàng Trí đã lánh nạn trước 30 tháng 3 năm 1975 vài ngày. Các ngài về lại Tuy Hòa sau 30/4/1975. Cha phó Nguyễn Hoàng Trí lưu luyến thêm với Tuy Hòa cho đến lễ Thánh Tâm năm 1975, sau đó rời Phú Yên về Sông Cạn –Bình Định. Có mặt Tại Tuy Hòa thời điểm 30 tháng 3 năm 1975 chỉ còn linh mục Phêrô Nguyễn Cấp, sau đó vài ngày có thêm một linh mục thừa sai người Pháp, ba nữ tu Phaolô (chị Nhi, chị Xuân, chị Tam) vừa chạy loạn từ Kontum, Phú Bổn hay Pleiku không rõ và một vài chủng sinh Kontum(?).

Những ngày liền kề sau 30 tháng 3 năm 1975, tín hữu Tuy Hòa dường như sống âm thầm hơn, hồi chuông nhà thờ ngắn hơn, lời kinh nhỏ hơn, chuông báo tử không còn, chuông truyền tin giờ ngọ im tiếng.

Từ sau 30 tháng 3 năm 1975 tất cả sinh hoạt của các đoàn thể công giáo của giáo xứ Tuy Hòa đều ngưng hoạt động, một hình thức sinh hoạt mới ra đời: Giờ nhóm thanh niên sau thánh lễ sáng Chúa nhật và cố gắng duy trì ca đoàn.

Nhà thờ Đồng Tiến bị tịch thu. Giáo dân Đồng Tiến tứ tản, một số nhập về Giáo xứ Tuy Hòa.

Các em cô nhi và người khuyết tật Mằng Lăng được bà Sophia và chị Theophine, Mến Thánh Giá Qui Nhơn, đưa về lại nhà cũ Mằng Lăng, Tuy An năm 1976; các cô nhi và người già của nhà Lạc Thiện được các sơ Phaolô phân tán đi Hoa Châu hoặc Ba Tuy (Bình Tuy) đến 22/10/1977, 30 em cô nhi từ 3 đến 13 tuổi mà các sơ tự túc nuôi dưỡng bị buộc giao nhà nước quản lý. Cơ sở vật chất đã giao nhà nước từ sau 1975.

Hai cơ sở giáo dục công giáo: trường Đặng Đức Tuấn và trường Thánh Giuse tiếp tục quản lý học sinh của mình thêm một vài tháng rồi chuyển giao cả cơ sở cho nhà nước (chuyển giao có điều kiện vào ngày 7/10/1975). Một vài nữ tu Phaolô (sơ Thọ, sơ Hòa, sơ Loan, sơ Chiến..) tiếp tục tham gia giáo dục với tư cách là cô giáo từ 1975-1977, sau đó trở về với đời sống cộng đoàn.

Số giáo dân thưa dần vì họ lần hồi về lại giáo xứ cũ cũng như đi kinh tế mới (từ tháng 5/1976) theo chủ trương của nhà nước.

Những đổi thay của môi trường xã hội sau 30/3/1975 đã khiến phần lớn người dân tìm cách thích ứng để tồn tại, mỗi người tự tìm cách duy trì sự sống, ít ai nghĩ đến chuyện kinh doanh, làm giàu. Đời sống đức tin cũng thế, không ai bảo ai, tất cả đều tự kiếm cho mình phương cách tốt nhất để duy trì đức tin. Giáo xứ chưa kịp đưa ra một hướng dẫn nào ngoại trừ việc duy trì cách kiên trì thánh lễ và giờ kinh chiều mỗi ngày dẫu có những lúc trong lòng nhà thờ rộng lớn này chỉ còn vỏn vẹn gia đình ông bà từ già và đứa cháu nhỏ.

Sóng gió rồi cũng qua đi, thánh lễ có số giáo dân tham dự đều đặn hơn, những sáng kiến đóng góp để củng cố đức tin được đề nghị nhiều hơn, giáo dân tỏ ra mạnh mẽ hơn nhất là từ các trưởng Hùng Dũng và Thiếu Sinh Công là lớp trẻ được đào tạo kỹ càng từ trước 1975. Họ trở thành Giáo lý viên, ca viên ca đoàn.

Sau 30 tháng 3 năm 1975 một thời gian ngắn, việc dạy giáo lý do một nhóm anh em nhiệt thành đảm nhận đến năm 1977, các lớp giáo lý thiếu nhi, xưng tội rước lễ lần đầu, hôn nhân…đi dần vào ổn định nhờ sự giúp đỡ của các sơ Phaolô. (sơ Chiến, sơ Loan, sơ Marie Hòa)

Để tạo không gian linh thánh cho giáo đường khi nhà nước chuẩn bị xây dựng nhà hát nhân dân, đầu tháng 12 năm 1980 Cha Martinô cho xây bức tường ngăn cách với nhà hát vào thời điểm kinh tế khó khăn, gạch phải mua từ Hòa Thịnh xa xôi, cement phải đổi bằng thóc lúa.

Đầu tháng 5/1986, cha Nguyễn Trọng Huấn ngã bệnh, khoảng một tuần sau, ngài được chuyển về bệnh viện Qui Nhơn. Nằm tại đây hơn 10 ngày, bệnh không thuyên giảm, ngài về nhà hưu Tòa Giám Mục Qui Nhơn, tại đây, ngài được Đức cha và các cha gợi ý: nếu muốn ngài có thể ở lại nhà hưu dưỡng. Ngài cảm ơn và xin được về nằm giữa giáo dân Tuy Hòa. Trên chiếc Camionnette với 2 sơ Phaolô (Bà Lucie, sơ Loan), thầy Thường, thầy Lê Văn Long và vài thân nhân của cha, cha được đưa về Tuy Hòa, ghé Sông Cầu, vẫn nằm trên xe, cha già Cần ra xe chào thăm và động viên, sau đó về nhà xứ Tuy Hòa. Ngài không về phòng cũ ở tầng hai nhưng nằm tầng trệt (văn phòng giáo xứ hiện nay) cho đến trưa ngày 30 tháng 5 năm 1986, nhằm ngày thứ sáu, ngài nhẹ nhàng ra đi. Đám tang được tổ chức long trọng. Chủ tế thánh lễ là Đức Giám Mục Giáo Phận cùng nhiều linh mục đồng tế vào sáng thứ hai sau đó. Ngài được an táng giữa giáo dân Tuy Hòa tại nghĩa trang giáo xứ.

Tuy Hòa không cha sở gần 3 tháng (cha Trần Hòa – Hoa Châu Phú Lâm, cha Nguyễn Cấp – Đông Mỹ đến giúp mục vụ). Đến tháng 8/1986 cha sở Mằng Lăng Phanxicô Xavie Nguyễn Xuân Văn về nhận xứ, đi với ngài có hai Thầy và hai nữ tu Mến Thánh Giá theo từ Mằng Lăng (thầy Bản, thầy Đệ, chị Jérémie Nguyễn Thị Tươi và chị Consolata Trần thị Bích Ngọc). Ở với nhau chẳng được bao lâu, thầy Đệ về lại Mằng Lăng vì xong việc, thầy Bản và hai nữ tu lưu lại thêm được hơn một tháng, sau đó bị trục xuất về lại Mằng Lăng. Thầy Bản vì có gia đình tại Tuy Hòa, hơn nữa cũng muốn ở lại giúp cha sở mới, thầy tạm lui về nhà ban đêm nhưng tình trạng này kéo dài chẳng được bao lâu, cuối cùng thầy phải về lại Mằng Lăng, mãi đến năm bảy tháng sau (1987), thầy mới được chính quyền cho phép ở lại Tuy Hòa.

Khởi đầu của cha Nguyễn Xuân Văn tại Tuy Hòa như thế là chẳng hanh thông, không suôn sẻ, có cảm giác bị cô lập, cách ly, nhưng với một linh mục đôn hậu, lạc quan, thêm chút hồn thơ, những nghịch cảnh lại trở nên thú vị. Ngài gọi một số em ( như em Trương Minh Thái, em Trương Công Dân, Võ Tá Hoàng, …) tối tối về nhà xứ với ngài để phòng khi trái gió trở trời và nếu Chúa muốn qua các dịp gặp gỡ này, hy vọng các em dám:

Vội vàng cuốn gói theo Thầy

Bên đường dừng lại bóng cây chuyện trò

(SĐTTcâu 695-696)

Với cách này, ngài đã nâng đỡ thầy Bản là thầy xứ cũng như giới thiệu cho các em con đường mới:

Bỏ nghề lưới cá học khoa lưới người (SĐTT 1196)

Và đúng như vậy, những em ở gần ngài, ngài không để cho hư mất. Trương Công Dân trở thành bác sỹ, Trương Minh Thái, Võ Tá Hoàng trở nên linh mục…

Cũng trong năm này 12/1986, sơ Marie du Christ Chiến (dòng Phaolô) được cha sở mời giúp quản lý nhà xứ, ngoài các giờ kinh trưa, giờ nghỉ đêm tại cộng đoàn, thời gian còn lại dành cho nhà xứ cho đến 2002.

Nhà xứ Tuy Hòa bắt đầu nhộn nhịp, các lớp giáo lý dự tòng, hôn nhân, sinh hoạt giới trẻ sinh động. Hội đồng giáo xứ đi vào nề nếp quy củ, nhìn chung bắt đầu khởi sắc.

Bàn thờ cũ được thay thế bằng đá. Hệ thống lam gió cement phía sau cung thánh thay cho khung sắt bị rỉ sét có từ thời mới xây dựng. Cuối năm 1991 khởi công xây dựng hang đá Đức Mẹ, chỉnh trang khu tượng đài Thánh Tâm, lập nghĩa đường (Nhà An Bình) và truy tập về đây hài cốt của Cha Chatelet, một linh mục thừa sai bị Văn Thân giết chết tại nhà thờ Cây Gia ngày 26 tháng 8 năm 1885, cha Trần Huấn chết tại Sông Cầu cùng nhiều tín hữu khác. Năm 1997 nghĩa đường được tu sửa lại như hiện nay.

Cùng giai đoạn này, cộng đoàn Mến Thánh Giá Tuy Hòa có mặt trở lại qua các giờ giáo lý tân tòng, coi ca đoàn thiếu nhi (9/1996) - Sơ phụ trách cộng đoàn lúc đó là sơ Mad.Philomène Nguyễn Thị Phi. Chỉ sau 14 năm (1996-2010) có mặt trở lại, cộng đoàn Mến Thánh Giá Tuy Hòa khởi sắc cách lạ lùng không chỉ về cơ sở vật chất mà còn cả những dấn thân tích cực trong mọi sinh hoạt của giáo xứ như trông coi phòng thánh (từ 2002), đem Mình Thánh Chúa, linh hướng Legio, giáo lý thiếu nhi...

Một khởi đầu đầy khích lệ là sự trở lại môi trường giáo dục của giới công giáo trong thập niên 90:

Mùa hè 1990, nhà trẻ Bích Du của dòng Phaolô khai sinh.

Tháng 1/1997, nhà trẻ Khai Sáng của dòng Mến Thánh Giá ra đời.

Cũng cần nói thêm hai nhà trẻ tư thục này càng lúc càng phát triển, tạo được lòng tin trong các bậc phụ huynh lương giáo.

Một sở thích dễ nhìn thấy nơi Cha Nguyễn Xuân Văn là hòn non bộ, từ phòng làm việc, khu Thánh Tâm, hang đá Đức Mẹ đều là những hòn non bộ lớn nhỏ khác nhau. Có phải vì quen nhìn thấy sự vĩ đại của núi non, nét nhẹ nhàng của mặt nước, sự cô tịch của núi rừng, nét lãng mạn của thiên nhiên để cha dám nghĩ đến việc thực hiện những điều ít ai nghĩ đến, một trong những sự kiện lớn của Tuy Hòa lúc đó là: Tổ chức truyền chức linh mục cho thầy Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản (9/1993). Đây là lễ truyền chức đầu tiên từ khi có Triều Thủy, ít là từ năm 1850, đây cũng là lần đầu tiên nhiều giáo dân Tuy Hòa tham dự bí tích thứ Sáu, bí tích Truyền Chức Thánh. Qua thánh lễ này, cha đã làm sống dậy khát vọng tận hiến cho Nước Trời nơi nhiều bậc cha mẹ cũng như các bạn trẻ. Đây cũng là dịp cha giới thiệu Hội Thánh cho anh em lương dân Tuy Hòa. (Thánh lễ tại khu vực hang đá Đức Mẹ, có nhiều anh em lương dân và các tôn giáo bạn tham dự).

Không chỉ dừng lại nơi đàn chiên thành phố Tuy Hòa, cha Nguyễn Xuân Văn luôn canh cánh bên lòng nhóm giáo dân lẻ loi tận vùng quê xa xôi HÓC GÁO. Ngài khuyến khích các nhóm thiện nguyện như giáo lý viên, Legio, thanh niên…về sinh hoạt cùng Hóc Gáo. Ngài cắt đặt thầy sở, cha phó về với Hóc Gáo, và cuối cùng, cùng với nhóm tín hữu này ngài khôi phục lại ngôi thánh đường năm 1995 bị tàn phá bởi chiến tranh để hôm nay Hóc Gáo trưởng thành, vươn mình lớn lên tách khỏi Tuy Hòa trở thành giáo xứ ngày 27 tháng 5 năm 2009.

Với cha FX Nguyễn Xuân Văn, gần như không gia đình nào trong giáo xứ ngài không ghé qua. Có thể nói ngài hiểu rất rõ đời sống tinh thần, vật chất của cả giáo xứ để cung cấp kịp thời các nhu cầu của họ.

Nhanh chóng phát hành SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG (năm 1998) với 9764 câu thơ lục bát độc đáo như của ăn tinh thần quý giá; lo lắng hoàn thành nhà sinh hoạt giáo lý hai tầng, 12 phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học hỏi lời Chúa; giáo dục lòng quảng đại, biết quan tâm đến người cùng khổ cho giới trẻ bằng cách khuyến khích họ tạo quỹ bác ái mà hiệu quả của nó đến nay vẫn còn. Có thể nói ngài đã vắt ép tất cả tài lực Chúa ban cho để tưới bón, chăm sóc, gìn giữ ĐẠO CHÚA tại Tuy Hòa trước lúc đi xa vào 5 giờ sáng, giờ khởi đầu cho Thánh lễ trên trời ngày 10 tháng 1 năm 2002.

Giáo xứ vắng ngài nhưng chẳng mồ côi vì ngài kịp để lại nơi đây cha phó Antôn Nguyễn Huy Điệp, một linh mục dễ gần và rất đơn sơ. Ngài về Đồng Tre ngày 13 tháng 4 năm 2002.

Hơn 3 tháng sau, ngày 14 tháng 4 năm 2002 như thấu hiểu được vị trí trung tâm của Tuy Hòa đối với Hạt Phú Yên, Giáo phận đã gởi đến cho Tuy Hòa một chủ chăn mới: Linh Mục Giuse Trương Đình Hiền. Đến Tuy Hòa cùng ngài hôm đó có giáo dân Đồng Tre, giáo dân hôm qua của ngài, Cha Trương Đình Tu là bào huynh cùng với một ít giáo dân Trường Cửu. Tuy Hòa đón tiếp cha sở mới với tâm tình của câu lời Chúa: “Mời Ngài ở lại với chúng tôi vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”

Tại nhà xứ, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn đã đợi sẵn, ngài giới thiệu cha sở mới cho giáo xứ Tuy Hòa như Thánh Phêrô đã giới thiệu Chúa Giêsu cho dân đang cư ngụ tại Giêrusalem: “Đức Giêsu Nazareth là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe.” Trích (Cv 2, 14. 22.33a)

Lễ nhận nhiệm sở mới đơn giản nhưng rất thánh thiện…

Chưa kịp làm quen với môi trường mới, cha liền bắt tay vào việc lớn: Cùng Hội Đồng Giáo Xứ tổ chức lễ truyền chức linh mục cho các thầy thuộc Hạt Phú Yên, trong đó có Thầy Nguyễn Xuân Hòa là người con của giáo xứ.

Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng (Tv 89, 2)

9 giờ sáng ngày 25/4/2002, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn – giáo phận Qui Nhơn chủ sự thánh lễ phong chức cho 5 phó tế:

- Tôma Nguyễn Công Binh
- Anrê Đoàn Văn Điểm
- Phêrô Nguyễn Xuân Hòa (thuộc Gx. Tuy Hòa)
- Augustinô Nguyễn Văn Phú
- Phanxicô Assisi Phạm Đình Triều

Cùng đồng tế trong thánh lễ có Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa – giáo phận Nha Trang – Đức cha phó Phêrô Nguyễn Văn Nho – Giám đốc Đại Chủng Viện Sao Biển Nha trang với 110 linh mục trong và ngoài giáo phận.

Tổ chức lễ bổn mạng Hội Đồng Giáo xứ cho cả Hạt, lễ Anrê Kim Thông 15/7/2002

Tổ chức tọa đàm thân thế, sự nghiệp nhân ngày giáp năm qua đời của linh mục thi sĩ Nguyễn Xuân Văn (10/1/2002 – 10/1/2003) với sự góp mặt của nhiều người, nhiều nhóm như linh mục trưởng ban thánh nhạc giáo phận, nhà thơ Lê Đình Bảng, nhóm ngâm thơ nhà văn hóa Tỉnh Phú Yên…

Tổ chức ngày ơn gọi (Lễ Chúa Chiên Lành 2003), hôm nay cũng là ngày thành lập Hội Cựu Chủng Sinh - Tu sĩ Hạt Phú Yên.

Tổ chức lễ phong chức cho một người con nữa của giáo xứ: Phó Tế Giuse Võ Tá Hoàng ngày 10/7/2003. Từ một người luôn nhiệt thành với công việc nhà Chúa mà Thiên Chúa đã chọn, đã nâng thầy lên hàng vinh phúc. Thánh lễ truyền chức do Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn chủ sự cùng với hơn 60 linh mục trong và ngoài giáo phận, khoảng trên 2000 giáo dân trong giáo hạt tham dự, cùng hiệp thông trong thánh lễ truyền chức với thầy. Thánh lễ diễn ra trong bầu khí trang nghiêm và thánh thiện.

Quy tụ hơn 600 bạn trẻ từ các giáo xứ nhân ngày kỷ niệm 470 Tin Mừng đến Việt Nam (1533-2003) dành cho người trẻ vào lễ lá 18/4/2004

Tổ chức ngày năm thánh thiếu nhi cho toàn giáo hạt (6/6/2004)

Tổ chức lễ phát tang vị Giáo Hoàng kiệt xuất khi Ngài qua đời ngày 2 tháng 4 năm 2005 trên sân tiền đường đã nói lên tinh thần hiệp thông của Hội Thánh, hiệp thông với Chúa, hiệp thông với nhau. Nhìn từng chức sắc Phật Giáo, Cao Đài, Tin Lành, các linh mục, tu sĩ, giáo dân cùng thành kính niệm hương, chúng ta mới cảm nhận được hết tính hiệp nhất, cùng tham gia, tinh thần đại kết trước những biến cố lớn không chỉ của Giáo Hội Công Giáo mà còn của cả thế giới này.

Về Tuy Hòa hơn 3 năm, ngày 6/6/2005, cha khởi công xây dựng Trung Tâm Mục Vụ Tổng Hợp Anrê Phú Yên và chỉ 8 tháng sau (16/2/2006), một cuộc hội ngộ đông đảo của nhiều linh mục, nhiều tu sĩ nam nữ là con, là chủ chăn, là người phục vụ giáo xứ từ xa xưa để cùng dâng lên Chúa lời tạ ơn về công trình vừa mới hoàn tất và cũng là để ghi nhớ về sự kiện 45 năm Tuy Hòa trở thành giáo xứ chính thức (06/2/1961-16/2/2006). Cuộc hội ngộ này không chỉ là tay bắt mặt mừng với nhau mà hơn thế nữa để Tuy Hòa được nghe thấy Đức Giám Mục Giáo Phận Phêrô Nguyễn Soạn chúc lành và tỏ bày sự vui mừng trước những nổ lực vươn lên của cha sở cùng giáo dân Tuy Hòa mà Ngài hằng yêu mến và tin tưởng. Qua dịp lễ này, Tuy Hòa được dịp ra mắt trong Nam ngoài Bắc cách rộng rãi và cũng xem đây như chuẩn bị xa của ngày mừng kim khánh 50 năm.

Không biết có phải Tuy Hòa là mảnh đất tốt để cha cày xới không biết mệt mỏi?. Cha đã tổ chức nhiều buổi họp mặt, cử hành nhiều thánh lễ, tất cả chỉ hướng đến mục đích: Làm sao cho thật nhiều người biết và yêu mến Chúa, như:

Đại hội tân tòng cấp giáo xứ, lúc cấp giáo Hạt.
Lập giải văn thơ Nguyễn Xuân Văn.
Ngày sinh viên, học sinh.
Ngày nhà giáo Công giáo
Ngày truyền thông – văn hóa
Ngày thiếu nhi.
Ngày giới trẻ
Ngày giáo lý viên
Ngày ca đoàn
Ngày các bà mẹ…

Tất cả những ngày này, đến hẹn lại lên, trở thành ngày truyền thống, mỗi ngày truyền thống là mỗi dịp rộn ràng, tất bật lo toan chuẩn bị. Cha không để cho bất cứ thành phần dân Chúa nào rơi rớt bên ngoài Hội Thánh, tất cả đều phải lên đường vì phần rỗi của chính họ cũng như con cháu họ Sinh hoạt sống đạo ngày càng sống động hơn khi giáo xứ cùng với các sơ dòng Phaolô tạ ơn 50 năm đặt chân đến Tuy Hòa trong vai trò “Ô-sin” của Hội Thánh, miệt mài làm sạch đẹp giáo xứ Tuy Hòa.

Từ những sinh hoạt có chỉ đạo, có hướng dẫn đã khiến người tín hữu thay đổi dần thái độ thụ động trong đời sống đức tin để hôm nay họ tự lãnh trách nhiệm chỉnh trang nhiều công trình của giáo xứ như: tu sửa lại Đồi Hòa Bình, tự nguyện chăm sóc vườn hoa giáo đường, hăng say tìm Từ những sinh hoạt có chỉ đạo, có hướng dẫn đã khiến người tín hữu thay đổi dần thái độ thụ động trong đời sống Đức Tin để hôm nay họ tự lãnh trách nhiệm chỉnh trang nhiều công trình của giáo xứ như: Tu sửa lại Đồi Hòa Bình, tự nguyện chăm sóc vườn hoa giáo đường, hăng say tìm kiếm những chiên ngoài đàn…

Thiên Chúa luôn hoàn tất công trình của Ngài, cách này cách khác, Ngài luôn tạo điều kiện để con người có thể gặp gỡ được Ngài qua Bí Tích, qua Thánh Lễ, qua thăm viếng… Năm 2008 Thiên Chúa đã kịp gởi đến Tuy Hòa những trợ tá đắc lực để cùng Cha sở phát triển Giáo xứ. Cảm ơn các linh mục, đã rộng lòng tin tưởng Tuy Hòa để giúp mục vụ nơi đây.

Tượng đài Thánh Giuse, bổn mạng nhà thờ cũng là bổn mạng giáo xứ được trùng tu chỉnh sửa (10/12/2008) để giáo dân tỏ bày lòng biết ơn về biết bao phúc lành Chúa ban trên giáo xứ qua lời cầu bầu của Thánh Giuse. Và hơn sáu tháng sau, ngày 29/6/2009, ngày đại lễ kính hai thánh Phêrô, Phaolô chuông đồng hồ sau gần 50 năm chờ đợi cất tiếng báo hiệu giờ mừng ngày Kim

Khánh gần kề và từ nay không chỉ mừng kim khánh mà còn báo tin vui mỗi ngày về những buổi tiệc Tạ Ơn mà chính Đức Kitô vừa là chủ tế vừa là của lễ tiến dâng.

Vì lợi ích mục vụ thiết thực cho người giáo dân và cho công cuộc truyền giáo của giáo phận, cũng là đánh dấu sự trưởng thành trong đức tin của giáo họ Hóc Gáo (Hóc Gáo nguyên là một giáo họ của giáo xứ Tuy Hoà) Đức cha Phê rô Nguyễn Soạn đã quyết định nâng lên thành giáo xứ và cha sở tiên khởi là Augustino Nguyễn Văn Phú. Cùng thời điểm này (27/5/2009) giáo xứ Tuy Hòa chia tay cha Phêrô. Nguyễn Xuân Hòa nguyên là phó xứ (2002-2008) lên đường với sứ mạng mới làm cha sở tiên khởi của giáo họ Gò Duối cũng vừa được nâng lên thành giáo xứ.

Hồng ân Ngài mãi tuôn đổ, tuôn đổ cho đến hôm nay, người con linh mục của giáo xứ Tuy Hòa được cất nhắc lên Giám mục của giáo phận Ban Mê Thuột – Vinh sơn Nguyễn Văn Bản (12-5-2009), niềm vui tạ ơn bật trào qua việc chuẩn bị cho hai ngày đón tiếp tân Giám mục (3 và 4/6/2009) về lại lòng mẹ giáo xứ. Một chương trình văn nghệ đặc sắc, một thánh lễ tạ ơn long trọng, một bữa tiệc vui vẻ mang tình gia đình….

Cho dù ở phương trời xa xôi nào thì ngài vẫn là đứa con của giáo xứ, là người anh của thiếu nhi, bạn của giới trẻ, con của những người già và trái tim của ngài vẫn luôn hướng về giáo xứ Tuy Hòa và giáo xứ vẫn yêu mến ngài mãi mãi.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, vừa mới mừng đưa tiễn đứa con trẻ trung đi làm giám mục, nay lại mừng dâng hiến đứa con luống tuổi lên bàn thánh Chúa. Chiều 13.8.2009 giáo xứ Tuy Hòa cũng như bà con thân tộc dâng thánh lễ tạ ơn đón mừng tân linh mục Gioanbaotixita Võ Tá Chân, người vừa được Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn phong chức linh mục trước đó một ngày tại Qui Nhơn.

Nhà thờ Tuy Hòa trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, những trận pháo kích, những cơn bão khủng khiếp của thế kỷ, những hao mòn bởi năm tháng… nhưng vẫn kiên cường, vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn của tuổi đời xấp xỉ 50… Nếu linh mục Giuse Tô Đình Sơn là người khởi đầu cho cuộc chạy tiếp sức thì cha Giuse Trương Đình Hiền là vận động viên cuối cùng để đánh giá được thua trong chặng đường 50 của Tuy Hòa. Hiểu được như thế, cha động viên toàn giáo xứ vào cuộc để thực hiện cuộc bức phá ngoạn mục để hôm nay chúng ta nhìn thấy một cung thánh cao thoáng rộng rãi với kiến trúc hoàn toàn mới, được tỏa sáng bởi những chùm đèn gỗ được chạm trỗ rất tinh vi độc đáo. Bên dưới 4 dãy ghế ngồi xếp ngay ngắn cùng với những bộ cửa đi cao lớn làm từ gỗ hương chắc chắn bóng loáng. Khuôn viên của nhà thờ được thay thế bởi lớp bê tông nhựa còn tỏa mùi hắc ín. Nhà thờ Tuy Hòa đang dần lột bỏ lớp áo già nua để lấy lại tuổi xuân tươi trẻ.

Dưới bầu trời trong xanh, ngôi thánh đường nổi bật lớp ngói đỏ tươi, tháp chuông được mặc chiếc áo mới màu vàng nhẹ đứng giữa hàng cây xanh tỏa bóng.

Gần 4 tháng trùng tu. Ngày 22/8/2009, một thánh lễ sốt sắng để tạ ơn Chúa vì mọi việc đều tốt đẹp, tạ ơn Chúa về những tấm lòng quảng đại đã dâng hiến công sức và của cải và nhất là tạ ơn Chúa vì cả giáo xứ luôn hiệp nhất.

Đầu năm 2010, Giáo phận Qui Nhơn nói chung và giáo xứ Tuy Hòa nói riêng đón nhận một vị mục tử mới đó là Giám mục phó Matthêu Nguyễn Văn Khôi.

Đây là Giám mục thứ 6 nhận nhiệm vụ chăm sóc đàn chiên Tuy Hòa từ 1960:

- Đức cha Phê rô Maria Phạm Ngọc Chi (1957 – 1963)
- Đức cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn (1963 – 1974)
- Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các (1974 – 1999)
- Đức cha Giuse Phan Văn Hoa (1976 – 1987)
- Đức cha Phê rô Nguyễn Soạn (1999 ….nay)

Riêng Đức cha Phan Văn Hoa, dẫu làm giám mục 11 năm nhưng chưa có dịp về Tuy Hòa.

Những con người đi cùng năm tháng

50 năm hay xa hơn nữa trong quá khứ, từ 137 giáo dân theo như báo cáo năm 1850 hơn 80 năm sau 1938, Triều Thủy còn lại 120 giáo dân (Qui Nhơn xưa và nay, trang 403) 80 năm mất đi 17 người và từ 1938 đến nay 2010, trên 70 năm, số giáo dân hiện nay trên 4000. Những con số vừa rất già và cũng vừa rất lạ để Tuy Hòa ngẫm nghĩ, trên 160 năm kể từ 1950, đây là lần nhìn lại đầu tiên để chúng ta hôm nay thấy được hành trình đức tin là hành trình máu và nước mắt nhưng không là hành trình đi vào ngõ cụt. Có những lúc tưởng chừng bế tắc, 80 năm loan báo Tin Mừng bị mất đi 17 người hay đúng hơn Tin Mừng bị bách hại nhưng Thiên Chúa, nói theo cách nói của Đức Giám mục Nguyễn Văn Bản, Thiên Chúa có cái lý của Ngài để rồi hơn 70 năm sau tăng gấp 30 lần. Thiên Chúa luôn làm ta bất ngờ và trong công trình của Ngài, Ngài đã sử dụng con người như những công cụ cũng thật bất ngờ để thực hiện việc thả lưới của Ngài, chúng ta gọi đó là những con người đi cùng năm tháng.

Thầy Toàn, người Quảng Nam, theo giúp cha Phiến mà giáo dân Triều Thủy hay gọi là thầy già – mộ phần hiện ở nghĩa trang Hoa Vông.

Ông Câu Nhất Trần Tu ( Ông Xã Dư)
Ông Biện Tán
Ông Biện Bồng ( Ông Thầy Kiển )
Ông Biện Mỹ
Ông Biện Xứng…

Các Thầy dạy Giáo lý như thầy Gần, thầy Phái, thầy Tiền, thầy Đạo, thầy Nhì (Lê Xuân Hương)… Những vị này có lý lịch trích ngang đâu có khác các tông đồ thuở trước. Họ là những người cộng tác với các cha từ thời cha Phiến đến thời kỳ đầu của cha Tô Đình Sơn, chúng ta vẫn còn thấy vết tích của họ trong sổ rửa tội khi họ cử hành bí tích thứ nhất thay cho các cha khi các cha bị ngăn trở. Cộng tác với các chức việc còn có CAI-SỸ, những anh em này tương tự như anh em thanh niên nhiệt thành ngày nay, thường xuyên bên giường bệnh để nâng đỡ kẻ liệt, chịu sự phân công của chức việc để gìn giữ nhà chung.

Thời kỳ trước và sau cận kề 1960, với sự có mặt của tín hữu di cư từ miền Bắc, mặc dù không mang lấy chức danh gì trong địa sở nhưng mang lấy tinh thần tông đồ từ miền Bắc. Một số trong nhóm người di cư này rất hăng say tham gia công việc giáo xứ nhất là vào những dịp lễ trọng như các ông Võ Xứng, ông Nguyễn văn Ngôi, ông Nguyễn văn Sinh, ông Đan Hữu Biên, ông Quảng Bắc, ông Nguyễn Tầm Phương, ông Cái Do, ông Hưng, ông Thông…Các bà Trùm Cương, Trùm Biện, ông bà Bửu Yến, ông bà Mỹ Hương…

Nét đặc biệt của Tuy Hòa là tinh thần cộng đồng, không mang tính địa phương, cục bộ, đã có lúc người Bắc xướng kinh, thánh lễ theo giọng Phú Yên, nguyện ngắm theo cách người Vinh, tất cả đều được chấp nhận.

Khoảng thời gian sau 1965 đến 1975, tiếp theo ông Trần Tu có thêm thầy giáo Phaolô Phạm Văn Lễ là chủ tịch Công Giáo Tiến Hành gốc Quảng Bình, các ông Định, ông Kinh, ông Nguyễn xuân Huyên, ông Nguyễn Thái Bảo, ông Trần Công Bộ, ông Tế, ông Đức Thọ, ông Võ Tá Chuyên, ông Võ Xuân Hồng, ông Hoàng Linh, họa sĩ Tuấn…

Sau 1975, rất nhiều người nhiệt tình phục vụ Giáo Hội như: thầy Trần Văn Thường, thầy Trần Văn Còn, thầy Lê Văn Long, ông Lê Xuân Huệ, ông Võ Tá Tước, ông Phạm Văn Cách, ông Võ Xuân Kỳ, ông Trương Lạc… là những người cáng đán công việc địa sở trong giai đoạn khó khăn. Bên cạnh những vị này còn nhiều anh em khác như anh Trần Đức Thảo, anh Nguyễn Văn Thuận, anh Võ Văn Thần, anh Đào Nghĩa Minh, ông Lâm Văn Quý, ông Bùi Phương Hạc, anh Trần Thu, anh Nguyễn Tin, anh Đinh Văn Quang; các chị Nguyễn Thị Bích Cẩm, chị Nguyễn Thị Hường, chị Hòa (Lan), anh Huỳnh Tấn Mạnh, anh Trần Ngọc Nhơn, anh Ngân…

Xuất hiện một lớp trẻ hơn còn có anh Tuấn, anh Đức Yến, anh Hưng và một nhóm anh em thuộc ban văn hóa truyền thông…chị Mỹ Loan, chị Lợi…

Một nhóm anh em khác ít thấy xuất hiện nhưng là những ân nhân đóng góp vật lực xây dựng giáo xứ như: ông Lê Thêm, các anh chị Phương Tuấn, anh chị Diệp Hùng, anh chị Liên Trịnh, anh chị Nhật Tân, anh chị Hùng Oanh, anh chị Phương Thủy, anh chị Ngọc Tuân, anh chị Đức Luận, Đức Liêm…

Đi cạnh những bông hoa rực màu trên, giáo xứ Tuy Hòa còn có những bông hoa nhỏ nhắn âm thầm đóng góp sắc hương tôn vinh Chúa, những anh em cần mẫn, kiên trì trùng tu đồi Đức Mẹ Hòa Bình như anh Phương, anh Lâm bán hàng rong, chị Hải, chị Hoa.., ông bà từ già bỏ quê An Định (ông bà Lãnh) từ 1965, giữ cửa nhà thờ trên 20 năm… anh chị Thức Tính, dù chỉ là thời gian ngắn, đã dành hết công sức, rất trách nhiệm để bảo vệ giáo đường.

Bước theo những tín hữu lâu đời, nhiều anh chị tân tòng đã có những hy sinh, những cống hiến góp sức vào việc truyền giáo qua đời sống đạo như anh Dư Hào, anh Huy, anh Toản…

Làm sao có thể kể ra hết những con người đi cùng giáo xứ, nhiều ông bà, nhiều anh chị, nhiều bạn trẻ chưa kịp nêu tên như người hành khất đóng góp những đồng tiền ít oi xây dựng hang đá Đức Mẹ, những ca viên trên 30 năm miệt mài tụng ca Danh Chúa, những giáo lý viên thừa đủ thời gian mừng ngân khánh trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, những cụ bà, cụ ông sống hiền lành đạo đức… Nếu không có nguồn năng lực này làm sao giáo xứ được như hôm nay, nếu không có họ, 50 năm vẫn đến nhưng chắc chắn không thể là KIM KHÁNH.

GIEO MẦM ƠN GỌI

Họ Đạo Triều Thủy là tên trước đây của họ đạo Tuy Hòa, từ lúc khởi đầu là họ đạo thuộc Họ chính Hoa Vông, Cha sở Hoa Vông là cha sở Tuy Hòa (Hoa Vông cách Tuy Hòa hiện nay 10 km đi về hướng Bắc).

Lần tìm về quá khứ, Tuy Hòa tri ân các linh mục:

- Cha Pierre Leopold Jeanne (1834-1836)
- Cha Armand Landier (1872) (xem Qui Nhơn Xưa và nay p. 404.)
- Cha Pierre Alphonne Perrot (1875)
- Cha Van Camelbecke (1879)
- Cha Guitton (cố Thông) (1888)
- Cha Gioakim Đạt (cha phó của cố Thông)
- Cha Huê, cha sở Phú Điền phụ trách luôn Hoa Vông (1893)
- Cha Dubulle (cố Phương) (20/2/1895)
- Cha Phục làm cha phó cha Dubulle
- Cha Marius Julien Jean (1899)
- Cha Lalanne (cố Lân) (1910)
- Cha Phaolô Trần Huấn – Phú Cốc (1904 – 1911)
- Cha phó Phaolô Bang (1911)
- Cha phó Fx Tuyên (1912)
- Cha Antôn Phùng Văn Linh - Mằng Lăng (1917) về giúp Hoa Vông. (xem Qui Nhơn Xưa và Nay p. 69)
- Cha Porcher (1918)
- Cha Simon Phiến (1927-1938).

Sau năm 1938, Hoa Vông chuyển về Triều Thủy và hoang phế, nay chỉ còn lại vết tích tường thành, nền nhà thờ, giếng nước…

Tiếp theo cha Simon Phiến là các cha Đoan, cha Đại…cho đến hôm nay.

Năm 1834, cha Pierre Leopold Jeanne không là cha sở đầu tiên của tín hữu Hoa Vông vì theo danh sách nhà thờ, nhà nguyện của các thừa sai Balê thì năm 1747, Phú Điền có 50 giáo dân, Thạch Thành 100 giáo dân. Người Công giáo đã có mặt trước cha Pierre Leopold Jeanne gần cả 100 năm, có thể cha sở của giáo dân Hoa Vông, Triều Thủy xưa kia là cha sở chung cho cả vùng Phú Yên…

Người Công giáo Phú Yên nói chung và cách riêng người công giáo Tuy Hòa đón nhận sự chăm sóc của nhiều lớp thừa sai hết lòng vì đàn chiên, trong ký ức của nhiều người, hình ảnh của các linh mục luôn chiếm chỗ nhất trong trái tim họ, các linh mục đi qua giáo xứ Tuy Hòa đều để lại nơi giáo dân lòng yêu mến và kính trọng. Họ yêu mến các ngài vì các ngài luôn cho họ tất cả những gì mình có kể cả máu mình để bảo vệ và nâng đỡ giáo dân.

Sự hy sinh cao quý đó đã trở nên lý do để nhiều người đón nhận ơn gọi.

Ơn gọi căn bản chính là được trở nên con cái Chúa, có thể họ trở lại đạo vì một lý do trần thế như hôn nhân, sức khỏe, quyền lợi…nhưng lý do chính vẫn là vì họ nhận ra Thiên Chúa và nhiều môn đệ của Ngài yêu thương họ cách nhưng không.

Từ vị trí con cái Chúa trong lòng Giáo Hội, ơn gọi thánh hiến được vang lên mạnh mẽ. Hình ảnh các linh mục, các nữ tu, các tu sĩ trở thành niềm mơ ước cho nhiều gia đình để họ chuyên cần cầu nguyện và làm gương sáng dấn thân. Giáo xứ cổ vũ ơn gọi vì thấy việc cổ vũ này không chỉ là đáp lại lời mời gọi của Tin Mừng nhưng còn là cách tri ân các chứng nhân đức tin anh dũng, các bậc tiền nhân luôn hy sinh quảng đại, để mang lại cho chính họ niềm hy vọng phục sinh.

Càng nhìn xa về quá khứ càng thấy công trình của Chúa quá ư vĩ đại và Tình Chúa cũng quá bao la, Ngài đã làm cho cái KHÔNG thành CÓ, cái KHÔNG CÓ THỂ thành CÁI CÓ THỂ và giờ đây nhìn lại tất cả công trình ấy chúng ta chỉ còn biết yên lặng, chỉ có sự yên lặng mới đủ năng lực diễn tả những xúc cảm của trái tim, chỉ có sự yên lặng mới có khả năng vượt trên những giới hạn của ngôn ngữ và nếu có phải lên tiếng, tín hữu Tuy Hòa xin bắt chước Mẹ Maria để kêu lên rằng: Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn (Lc 1, 49) và cũng trước mẻ cá diệu kỳ này, tín hữu Tuy Hòa cũng như chàng ngư phủ Phêrô, xin thưa với Chúa rằng: Xin xa con ra vì con tội lỗi nhiều (Lc 5, 8).

Ban Văn Hóa Truyền Thông Giáo Xứ Tuy Hòa

Biên Soạn