Vòng loại Giải túc cầu thế giới năm 2010 có 203 quốc gia tham dự tranh vòng loại từ tháng 08.2007 đến tháng 11.2009 hầu chọn 31 đội tuyển quốc gia để cùng đội tuyển chủ nhà hiện diện tại vòng chung kết tổ chức tại Nam Phi từ ngày 11.06 đến 11.07.2010. Đây là lần đầu tiên vòng chung kết túc cầu thế giới diễn ra trên lãnh thổ Phi châu.

Liên đoàn túc cầu thế giới (FIFA = Fédération internationale de football association, tiếng Pháp) tổ chức bốn năm một lần cho các đội tuyển quốc gia của những nước hội viên, từ năm 1930, và chỉ bị gián đoạn hai lần vào các năm 1942 và 1946 do Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đây là sáng kiến của nhóm các nhà quản lý bóng đá Pháp, đứng đầu là ông Jules Rimet, đề xướng. Do đó, chiếc cúp thưởng cho đội tuyển thắng trận chung kết có tên là ‘Cúp Jules Rimet’.

Nghị quyết việc tiến hành đều đặn Giải vô địch túc cầu thế giới được Đại hội FIFA họp tại Amsterdam thông qua năm 1928. Giải vô địch túc cầu thế giới được dành cho các cầu thủ nhà nghề và những cuộc tranh tài ở Thế vận hội thì chỉ cho phép các cầu thủ tài tử tham gia. Các đội tuyển quốc gia đoạt huy chương vàng được mệnh danh là ‘vô địch Thế vận’.

Giải đấu đầu tiên năm 1930 chính thức được tổ chức tại Uruguay, với sự tham dự của 13 đội tuyển. Chiếc cúp vàng thứ nhất mang tên ‘Jules Rimet’, đúc bằng vàng thật, nặng 1,8 kg (với chiếc đế bằng đá hoa cương nặng khoảng 4 kg), trị giá 10.000 mỹ kim, đã tạm lọt vào tay đội chủ nhà. ‘Tạm’ là vì cúp này phải được trả lại cho FIFA trước khi khởi đầu vòng chung kết Giải vô địch túc cầu thế giới lần kế tiếp. Sau ba lần vô địch, năm 1970, đội tuyển Ba tây (Brazil) đã được trao tặng không hoàn lại. Một chiếc ‘cúp luân lưu’, không đội bóng nào có thể đoạt vĩnh viễn, đúc bằng vàng thật nặng 6,175 kg, cao 36 cm, đáng giá 20.000 mỹ kim. Các đội vô địch mỗi kỳ Giải giữ cúp này cho tới kỳ sau và nhận luôn một các cúp khác nhỏ hơn 4,9kg bằng ‘vàng 18 carat’.

I. TRƯỚC NGÀY KHAI MẠC.

A. Tại Giải vô địch túc cầu Âu châu năm 2008 (hay EURO 2008)

Lần thứ 13 do Liên đoàn túc cầu Âu châu (UEFA= Union of European Football Associations, tiếng Anh) tổ chức trên các sân vận động Áo quốc và Thụy sĩ từ ngày 07 đến 29.06.2008, đội tuyển Pháp, chung kết Giải túc cầu thế giới năm 2006, nằm trong Bảng C, được gọi là nhóm ‘tử thần’ với Ý, đương kiêm vô địch túc cầu thế giới, Hòa lan và Romania (hạng 12 theo bảng xếp của FIFA). Pháp đã hòa Romania 0-0, thua Hòa lan 1-4 và Ý 0-2, xếp hạng chót và bị loại khỏi giải.

Đội tuyển Pháp thất bại vì nhiều lý do: thể lực kém của các cầu thủ và sự bất lực của các nhà dìu dắt, sự thiếu kết hợp giữa hai thế hệ trẻ và lớn tuổi và, nhất là, sự lựa chọn chiến thuật đáng trách của huấn luyện viên Raymond Domenech. Do đó, niềm thất vọng ê chề chế ngự nơi các ủng hộ viên: hình ảnh đội tuyển Pháp vô địch thế giới 1998 đang phai mờ.

Sau khi Pháp thua Ý 0-2 ngày 17.06.2008, lợi dụng dịp tiếp xúc thường lệ với báo chí hôm 18.06.2008, ông Raymond Domenech đã trực tiếp đề nghị xin cưới người bạn đời Estelle Denis, phụ trách chương trình ‘100% foot’ trên đài M6.

Mặc dù có những đề nghị từ các cựu tuyển thủ Pháp 1998 và kết quả cuộc thăm dò dân ý của viện CSA mà 63% người được hỏi trả lời ‘thuận’ sự thay đổi Raymond Domenech bởi Didier Deschamps, thủ quân Đội tuyển Pháp vô địch thế giới 1998. Nhưng, trong phiên họp ngày 03.07.2008 của Liên đoàn túc cầu Pháp quốc (FFF = Fédération Francaise de Football), dưới sự hướng dẫn của những người có nhiều ảnh hưởng như Jean-Pierre Escalettes, chủ tịch FFF, Frédéric Thiriez, chủ tịch túc cầu chuyên nghiệp, và Fernand Duchaussoy, chủ tịch túc cầu tài tử, 21 thành viên Hội đồng liên đoàn FFF tiếp tục tín nhiệm Raymond Domenech để tuyển chọn và huấn luyện Đội tuyển Pháp chuẩn bị tham dự Giải túc cầu thế giới năm 2010 tại Nam Phi.

Vì phải sớm rời Euro 2008, Đội tuyển Pháp đã làm FFF mất tiền thưởng 4 triệu euro hứa bởi UEFA nếu đội này được vào đá chung kết và các đài truyền hình TF1 và M6 mất số thu tiền quảng cáo.

B. Thắng bóng đá bằng ‘tay’.

Vòng loại ở Âu châu có 53 đội bóng tham dự chia thành 8 bảng đấu với 6 đội và 1 bảng 5 đội. 9 đội bóng dẫn đầu 9 bảng vào thẳng vòng chung kết. 8 đội về nhì có kết quả cao nhất chia 4 đôi đá lượt đi (ngày 14.11.2009) và về (ngày 18.11.2009) để chọn thêm 4 đội vào vòng chung kết.

Đội tuyển Pháp về nhì trong bảng 7 phải dự ‘đấu vớt’ (play-off, tiếng Anh và match de barrage, tiếng Pháp) với Ireland, hạng nhì trong bảng 8, sau khi bắt thăm tại Zurich ngày 19.10.2010.

Ở lượt đi, Pháp thắng 1-0 và quận về, Ireland thắng lại 1-0 trong giờ chính thức. Do đó, hai đội tuyển phải đá thêm giờ. Vào phút thứ 103, đường banh đá phạt bởi Florent Malouda, trượt đầu Sebastien Squillaci bay nhanh về đường biên cuối sân. Để khống chế banh, Thierry Henry dùng tay chặn bóng và chuyền cho William Gallas đánh đầu gỡ hòa 1-1. Lập tức, thủ môn Shay Given và các tuyển thủ Ireland đã vây lấy trọng tài Martin Hansson phản ứng gay gắt. Xem lại băng ghi hình rõ ràng trọng tài người Thụy điển đã mắc lỗi khi công nhận bàn thắng cho Pháp.

Sau trận đấu, tiền đạo Pháp thừa nhận có dùng tay đụng banh: « Đúng, có dùng tay, nhưng tôi không là trọng tài, Squillaci dùng đầu, tôi đứng sau hai cầu thủ Ireland, banh nảy lên và chạm tay tôi. Dĩ nhiên, tôi tiếp tục chơi bóng. Trọng tài không thổi, tôi cũng không thể nói. Chúng tôi đã thắng trận. »

Chính giới Ireland đã phản đối, giới truyền thông Pháp cũng chẳng mấy tự hào về chiến thắng của đội nhà. Báo Le Monde viết: « Nhờ bóng chạm tay, Pháp giành được vé vào vòng chung kết. »

Lúc đó, có người đã nghĩ: « Đội tuyển Pháp đã thắng Ireland bằng một pha bóng bịp bợm, xấu hổ như thế có hy vọng làm được gì ở World Cup 2010? Một huấn luyện viên chỉ ‘sống’ nhờ may mắn, sẽ lèo lái đội ‘Les Bleus’ đến những hy vọng nào ở Nam phi? »

C. Bốc thăm chia bảng ngày 04.12.2009.

Ngày 04.12.2009, tại Cape Town (Nam phi), Liên đoàn túc cầu thế giới đã tiến hành bốc thăm chia bảng cho 32 đội tuyển tham dự vòng chung kết Giải túc cầu thế giới năm 2010 với kết quả Pháp quốc được nằm trong bảng A với ba đội tuyển Nam phi, Mexico và Uruguay.

Trước khi bốc thăm, huấn luyện viên Raymond Domenech cùng giới hữu trách, người hâm mộ túc cầu Pháp e ngại nhất là phải gặp các đội tuyển Tây ban nha (đương kiêm vô địch Âu châu), Hoa kỳ (đang vươn lên và khá mạnh), Côte d’Ivoire hay Brazil hoặc Hòa Lan... Những đội mà họ muốn được thấy đứng chung bảng là Nam phi, New Zealand, Chile hay Uruguay để Pháp có thể dễ dàng vượt qua.

Do đó, họ đã thở phào nhẹ nhõm khi thấy kết quả đã đúng như niềm mong muốn, chỉ có Mexico là đáng kể và… ‘Les Bleus’ không mấy khó khăn để vượt vòng đầu: hai trên bốn đội tuyển quốc gia. Những khó khăn để đến được Nam phi coi như đã đi và quá khứ, đường tương lai đang rộng mở… niềm tự tin lớn dần.

D. Các trận túc cầu giao hữu.

Để thao luyện các tuyển thủ chuyền banh ăn nhịp, đội Pháp đã đấu giao hữu ba trận:

1. Với Costa Rica.

Ngày 26.05.2010, đội tuyển Pháp đã tranh tài với đội tuyển Costa Rica tại Lens.

Sau gần một tuần, huấn luyện viên Raymond Domenech và các tuyển thủ Pháp đã tập trung tại Tignes để luyện tập chung, Pháp quốc đã thắng Costa Rica 2-1.

Chiến thắng mang lại niềm hy vọng người hâm mộ túc cầu Pháp nơi đội tuyển nước mình tuy huấn luyện viên vẫn còn nhiều việc phải làm…

2. Với Tunisia.

Tại Rades (Tunis), đội tuyển Pháp đã đấu trận giao hữu với Tunisia vào ngày 30.05.2010.

Huấn luyện viên Raymond Domenech áp dụng chiến thuật 4-3-3 với Nicolas Anelka thay Thierry Henry và Pháp đã hòa với Tunisia 1-1.

3. Với Trung quốc.

Trận giao hữu với Trung quốc đã diễn ra tại Saint-Pierre, trên đảo Réunion (thuộc Ấn Độ Dương), ngày 03.06.2010. Đây là trận thao dượt cuối cùng của đội tuyển Pháp trước khi lên đường tham dự vòng chung kết World Cup 2010.

Tuy chủ động trong phần lớn thời gian trận đấu, nhưng các tuyển thủ Pháp không thể tung lưới đối phương và, cuối cùng, cầu thủ Deng Zhouxiang đã ghi bàn duy nhất cho Trung quốc. Kết quả Trung quốc thắng1-0 đã không như ý muốn người Pháp.

II. TRÊN ĐẤT NƯỚC NAM PHI.

A. Bà Bộ trưởng Thể thao.

Ngày 06.06.2010, bà Rama Yade, Bộ trưởng Thể thao Pháp, qua làn sóng phát thanh Radio J, đã khuyên các tuyển thủ Pháp hãy bớt tiêu phí trong thời buổi kinh tế khó khăn bằng không chọn một khu nghỉ dưỡng hạng sang năm sao Pezula Resort tại Knysna, bên bờ biển Ấn độ dương trong thời gian lưu lại Nam phi, gồm 78 phòng và một khu đất rộng 1.000 mẫu để tập dượt… Nếu tuyển Pháp tiến xa, việc lựa chọn nơi cung cấp điều kiện tập luyện tốt nhất là đương nhiên. Nhưng nếu kết quả thi đấu không như mong đợi, những người có trách nhiệm cần có lời giải thích.

Chỉ còn năm ngày trước khi các cuộc tranh tài bắt đầu, nên bà Roselyne Bachelot, Tổng trưởng Y tế và Thể thao Pháp tuyên bố tại diễn đàn Grand jury RTL/Le Figaro/LCI: « Không còn giờ để tranh cải, các tuyển thủ cần ổn định, liên đới và công luận với họ. » và yêu cầu: « Bây giờ, chúng ta ủng hộ đội banh quốc gia, họ đang cần chúng ta. Liên đoàn túc cầu Pháp quốc đã định. Đó là trách nhiệm của họ. Người thọ thuế không chi tiêu một xu. »

Ông Luc Chatel, phát ngôn viên chính phủ tuyên bố qua đài phát thanh France Inter: « Điều quan trọng là giờ đây, tất cả người Pháp, kể cả thành viên chính phủ, cần ủng hộ hết lòng đội tuyển quốc gia. »

Tuyên bố của bà Rama Yade đã làm cho bà được thêm 3% trong thăm dò dân ý Ifop (Paris Match ngày 15.06.2010), dù nhiều người cho là lời đó không đúng lúc khi các tuyển thủ đang chuẩn bị các trận đấu và mọi việc đã không thể thay đổi. Báo chí giải thích các chi phí đó được thanh toán bởi Liên đoàn túc cầu Pháp quốc.

Sau đó, tuần báo ‘Canard Enchainé’ cho biết, khi lưu trú tại Nam phi, bà Bộ trưởng Thể thao Pháp đã ngụ tại khác sạn 5 sao Georgetown với giá 667 euros (trong khi giá ở Pezula Resort là 589 euros). Báo đi vào chi tiết: bà Bộ trưởng dự trù lưu lại hai đêm trong phòng ‘junior suite’ giá 667 euros/ngày và năm nhân viên tháp tùng trong các phòng giá 340 euros/ ngày. Nhưng, cuối cùng, bà đã ngụ tại Tòa Lãnh sự Pháp và đêm thứ ba tại khách sạn giá 120 euros. Bài báo phỏng đoán chuyến đi đã tốn ít nhất 45.000 euros (trong có, 37.000 euros vé phi cơ Air France).

Bà Rama Yade trả lời là bà đi công tác với ba nhân viên và một sĩ quan an ninh và đã dùng phi cơ hạng ‘économique’, trừ đoạn Londres-Le Cap và Johannesbourg- Paris với vé ‘classe affaires’. Do đó, tổng chi không lên cao như Canard enchainé trình bày.

B. Nhập cuộc.

Ngày 11.06.2010, sau lễ khai mạc vòng chung kết Giải túc cầu thế giới 2010, trong bảng A, đội Nam phi đã gặp đội Mexico (còn có tên Việt là Mễ tây cơ) trên sân Soccer City và đôi bên đã hòa nhau 1-1.

Sau đó, đội tuyển Pháp đã tranh tài với đội Uruguay trên sân Cape Town. Phút thứ 7, Pháp để mất cơ hội ghi bàn khi Sidney Govou nhận một quả chuyền tuyệt hảo từ Franck Ribery nhưng đá chệch ra ngoài. Uruguay cũng mất dịp, ở phút 74, Diego Forland nhận được banh, cách khung thành Pháp chỉ 15 thước.

Phút 81, trung vệ Nicolas Lodeiro (Uruguay) bị đuổi ra khỏi sân sau hai thẻ vàng do tranh bóng mạnh bạo với Bacaray Sagna. Với số cầu thủ nhiều hơn, Pháp không khai thác được lợi thế và đành thủ huề 1-1.

Theo lời yêu cầu của thủ quân Patrice Evra, được sự ủng hộ của huấn luyện viên Raymond Domenech, Liên đoàn túc cầu Pháp quốc chấp thuận thuê một máy bay riêng để đưa vợ và bạn gái của các tuyển thủ Pháp tới Nam phi dự khán trận đấu tối nay với ước vọng đội Pháp hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Họ đã gặp các cầu thủ sau trận đấu đầu và trở về hôm thứ bảy… Theo báo Le Parisien, hóa đơn chuyến đi được FFF thanh toán khoảng 240.000 euros. Qua báo chí, giới hâm mộ túc cầu chê trách các tuyển thủ, với mức lương cả triệu, không ‘chơi đẹp’ bỏ tiền để ‘bao vé máy bay’ đưa vợ hay bạn gái đi chơi trong lúc, các đội banh tài tử và mầm non cần tiền để chi trả đồng phục và di chuyển cầu thủ.

(còn tiếp)